Chúng tôi nằm trên băng ghế hình góc vuông ở trong bếp. Đầu chúng tôi chạm nhau. Chúng tôi chưa ngủ, nhưng mắt chúng tôi nhắm lại. Có ai đẩy cửa vào. Chúng tôi mở mắt. Ánh sáng của một chiếc đèn pin làm chúng tôi loá mắt. Chúng tôi hỏi:
— Ai đó?
Một giọng đàn ông đáp:
— Không có sợ. Các bạn không có sợ. Hai người các bạn là hay tôi nhiều uống quá?*
Ông cười, ông thắp cây đèn dầu trên bàn và tắt đèn pin. Bây giờ chúng tôi có thể thấy ông rõ ràng. Ông là một người lính ngoại quốc, không cấp bậc. Ông nói:
— Tôi là tuỳ phái của đại uý. Các anh làm cái gì đó?*
Chúng tôi nói:
— Chúng tôi sống ở đây. Đây là nhà của Bà Ngoại.
— Các anh cháu ngoại của Mụ Phù Thuỷ? Tôi chưa bao giờ thấy các anh. Các anh ở đây từ lúc nào?*
— Được hai tuần nay.
— À! Tôi thì đi phép về nhà của tôi, trong làng tôi. Cười nhiều.*
Chúng tôi hỏi:
— Làm sao ông nói được ngôn ngữ của chúng tôi?
Ông nói:
— Mẹ tôi sinh ở đây, trong nước các anh. Đến làm việc trong nước tôi, hầu bàn trong quán rượu. Gặp cha tôi, cưới với. Khi tôi nhỏ, mẹ tôi nói với tôi tiếng các anh. Nước các anh và nước tôi, là những nước bạn. Đánh kẻ thù cùng nhau. Hai anh đến từ đâu?*
— Từ Phố Lớn.
— Phố Lớn, nhiều nguy hiểm. Bùm! Bùm!*
— Vâng, và không còn gì để ăn.
— Ở đây, tốt để ăn. Táo, heo, gà, đủ thứ. Các anh ở lâu? Hay chỉ nghỉ hè?*
— Chúng tôi ở đây đến khi hết chiến tranh.
— Chiến tranh sớm hết. Các anh ngủ ở đây? Ghế trống, cứng, lạnh. Mụ Phù Thuỷ không muốn đem các anh vào phòng?*
— Chúng tôi không muốn ngủ trong buồng Bà Ngoại. Bà ngáy và bà hôi hám. Chúng tôi có mền và khăn trải giường, nhưng bà đã bán mất rồi.
Ông tuỳ phái lấy nước nóng từ cái vạc trên lò và nói:
— Tôi phải chùi phòng. Đại uý cũng đi phép về tối nay hay sáng mai.*
Ông đi ra. Vài phút sau, ông trở lại. Ông mang cho chúng tôi hai cái mền xám của quân đội.
— Không bán cái đó, Mụ Phù Thuỷ già. Nếu bà ấy quá tệ, các anh nói cho tôi. Tôi, bùm, bùm, tôi giết.*
Ông lại cười. Ông đắp mền cho chúng tôi, tắt đèn, và rời phòng.
Ban ngày, chúng tôi giấu hai cái mền trên gác xép.