Trong khi quyền hành, tiền bạc tới tấp dồn vào tay cầm đầu một hệ thống kinh tài tổ chức chặt chẽ, với những thuộc hạ đắc lực, từ bác sĩ mật vụ phủ Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế, Giám đốc Hối đoái Ngoại thương, Tổng giám đốc Quan thuế đến cảnh sát trưởng thương khẩu và phi cảng… cùng bao nhiêu nhân viên công quyền điều khiển ngành kinh tế, Lệ đã chán việc tính toán ngân khoản của mình, giao phó cho bà dì bí thư tin cần, thỉnh thoảng trình nàng xem những con số gởi ở các ngân hàng và chuyển ngân ra ngoại quốc.
Lệ chỉ để ý đến con số triệu mỗi ngày một tăng thêm trong các trương mục để tên nàng khắp các ngân hàng lớn ở Hồng Kông, Đông Kinh, Ba Lê, Zurich, Bem, Genève.
Một hôm, sau khi vừa được một món tiền hoa hồng 400 triệu quan Pháp, do Lệ cho cấp một giấy xuất cảng mấy chục ngàn tấn cao su, nàng ngỏ lời với bà dì bí thư:
- Cháu sẽ trở thành phú tỷ quốc tế cho dì coi.
Bà dì bí thư đưa bản thống kê những con số tiền viện trợ Mỹ các khoản. Lệ lẩm nhẩm:
- Trong hai năm 1955 và 1956, số tiền viện trợ cho di cư là 93 triệu đô-la. Tiền cho chính phủ mượn 25 triệu đô-la năm 195?, không kể tiền viện trợ quân sự, kinh tế, mấy trăm triệu đô-la mỗi năm…
Rồi nàng cười nói:
- Tính theo giá chính thức một đô-la ăn 35 đồng bạc Việt Nam, mình cũng đã có hàng bao nhiêu tỷ rồi. Tính sơ qua, cháu chỉ trích lấy 20 phần trăm trong số đó, dì xem cháu có được bao nhiêu.
- Có lẽ bà cố vấn cũng có đến hàng trăm triệu.
Trong lúc cao hứng vì hơi rượu buổi dạ tiệc tiếp tân vừa xong, Lệ tâm sự cùng bà dì:
- Lúc này bạc triệu cháu không thèm để ý. Cháu nói bạc triệu Việt Nam ấy. Cháu chỉ muốn bao nhiêu tiền bạc của cháu là ngoại tệ, đô-la, phật lăng Pháp, phật lăng Thuỵ Sĩ. Dì nghĩ coi: cả một dân tộc hùng mạnh nhất thế giới đóng góp viện trợ cho mình, cung phụng một dòng họ, mà cháu may mắn chiếm giữ được một vai quan trọng, dại gì cháu lại bỏ qua! Tiền bạc không có mùi, đồng đô-la lại được giá hơn cả, người ta mang đến tận tay, chỉ có là ngốc mới không lấy thôi. Không nói dì cũng rõ, cháu của dì cũng không đến nỗi ngu si gì mà không tóm lấy cơ hội ngàn năm một thuở này. Cháu nhận thấy tất cả đều chỉ là trò hề, và sống chỉ là đóng kịch, vụng về hay khéo léo thôi.
Rượu ngấm, Lệ nói thao thao như muốn trút bao nhiêu nỗi chất chứa trong lòng trước bà dì e dè với những lời lẽ táo bạo của "bà cố vấn":
- Còn ông anh chồng "Đức Cha" của cháu nữa, dì hay đọc chuyện có biết Raspoutine không? Thế mà người ngoài lại bảo cháu là Lucrèce Borgia? Dì ơi, thật ra phải nói là dòng họ Lucrèce Borgia cộng thêm với anh em Karamazov thì mới đúng với anh em nhà chồng cháu. Dì đã đọc cuốn Les frères Karumazov(1) của Dostoievsky chưa?
- Dì đã đọc rồi.
- Thế còn Lucrèce Borgia?
- Dì cũng mới đọc gần đây.
- Vậy dì có nghĩ rằng cháu có thể là một Lucrèce Borgia, con gái của một giáo hoàng độc ác, loạn luân với anh ruột, được không?
- Dì nghĩ rằng cháu nên sống dè dặt và cháu chỉ làm dâu họ Ngô thôi. Còn lời thiên hạ hơi đâu mà cháu bận tâm cho mệt trí.
- Không. Cháu bất chấp dư luận song vẫn để ý đến dư luận. Người ta đồn cháu có chồng mà lấy trai, ngủ cả với anh em nhà chồng… dì bảo cháu yên thế nào được?
Thấy Lệ có vẻ uất ức, giận dữ, bà dì dịu dàng nói:
- Thôi, cháu ạ, hơi đâu mà rước lấy tiếng đồn thiên hạ.
Lệ nhìn thẳng, đôi mắt long lanh, gằn giọng:
- Cháu có sợ lời đồn đâu. Cháu chỉ sợ mình không xứng với tiếng tăm thiên hạ gán cho thôi. Ứ, cháu lấy chồng mà không vừa lòng, cháu ngủ với người khác thì đã sao? Tại sao người đàn bà lại không thể làm như người đàn ông, có vợ mà vẫn có tình nhân?
Thấy Lệ say lảo đảo, bà dì lặng lẽ dìu nàng về phòng, nói vỗ về:
- Cháu bực tức vô ích… Cháu có uy quyền giàu có, mọi người phải răm rắp tuân theo.
Lệ nằm xuống giường rồi nhỏm lên nói:
- Cháu đã chán những lời nịnh nọt quá lắm rồi. Bộ trưởng, nghị sĩ giám đốc… những kẻ tự xưng là trí thức, thượng lưu, có người quá tuổi cha cháu mà trước mặt cháu cũng xưng hô là "con" là "em" và mỗi tiếng là "dạ, bẩm bà cố vấn", "vâng, thưa bà cố vấn"… cho đến phó Tổng thống, chủ tịch quốc hội cũng cúi mọp lưng, đi thụt lùi, vòng tay cúi đầu trước mặt cháu, dì nghĩ coi bọn chúng có khốn nạn không? Toàn là một lũ ton hót, nịnh bợ, dì nghĩ có chán không? Trong cảnh quyền quý tột bực hiện thời, được chiều chuộng trong gia đình, cháu vẫn cảm thấy cô độc, buồn chán…
Bà dì bí thư nói:
- Các vị nữ vương hoàng hậu Tây phương thường tìm khuây lãng trong các hoạt động đỡ đầu cho âm nhạc, nghệ thuật, khách thính văn chương… và nổi tiếng cũng nhờ đó. Hiện thế giới đang kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhạc sĩ Mozart, Sài Gòn cũng có tổ chức một Tuần lễ Mozart với một ban nhạc đại hoà tấu Việt phối hợp với các nhạc sĩ ngoại quốc, bà cố vấn nên đứng ra chủ toạ giúp cho họ. Tất cả ngoại giao đoàn cùng những người ngoại quốc ở Sài Gòn đều có mặt trong đại hội này.
- Được tôi đồng ý. Bao giờ thì Tuần lễ Mozart bắt đầu?
- Dạ, trong vòng một tháng nữa.
- Vậy dì sắp đặt để một hôm nào tôi đến xem họ tập dượt ra sao.
Tin bà cố vấn chủ toạ "Tuần lễ Mozart" được bộ máy tuyên truyền của anh em họ Ngô loan ra ầm ĩ trên báo chí, Đài phát thanh như là một biến cố quan trọng về văn hoá. Đám thuộc hạ thêu dệt thêm rằng Tổng thống và ông bà cố vấn sẽ là Mạnh Thường Quân của giới văn nghệ Việt Nam, như Hồng y Giáo chủ trong thời kỳ văn nghệ Phục hưng ở Pháp. Đài phát thanh "Tiếng nói Việt Nam Cộng hoà" còn tán dương rằng một kỷ nguyên mới của văn hoá quốc gia sắp bắt đầu với thế hệ họ Ngô!
Trong chiếc áo tím hở cổ, khoác một dải lụa vàng, Lệ đến dự thính một buổi tập của dàn nhạc đại hoà tấu, được tổ chức đón rước như một nữ hoàng tại rạp Thống Nhất. Ngồi trên ghế nhung đỏ viền vàng như một ngai vàng, đặt riêng ở trên bục cao, Lệ phe phẩy quạt ngà, nhìn qua trên ba mươi nhạc công đang hoà tấu, đưa mắt dừng lại ở nhạc trưởng trẻ tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh, đầu tóc hớt ngắn, mang kính trắng gọng vàng dừng giữa cầm đũa hướng dẫn.
Điệu nhạc vui tươi, gợn sóng yêu đương, chan hoà thơ mộng trong sáng của nhạc sĩ thành Vienne, như gợi lên trong lòng Lệ cả một thời thiếu nữ đa tình. Nàng đăm đăm nhìn nhạc trưởng trai trẻ, uốn mình theo âm diệu với đôi tay mềm dẻo như phát ra những âm thanh ru hồn mà tự nhiên thấy lòng xốn xao. Lệ mơ màng theo dõi bản hoà tấu qua chàng nhạc trưởng đang mải mê điều khiển dàn nhạc, cho đến khi những nốt nhạc cao vút lên rồi lả tả rơi rụng như những cánh bướm, những giọt suối vẩy lên dưới ánh trăng, chìm lắng xuống. Nàng khẽ gật đầu khi nhạc trưởng quay lại chào, rồi mới đến gần hỏi han.
Trên đường về dinh, Lệ không khỏi nghĩ đến hình ảnh người nhạc sĩ trẻ đẹp, vừa ở Pháp về, đang sống độc thân.
Ngô Đình Nhu thấy vợ chú trọng săn sóc, nhắc nhở "Tuần lễ Mozart" và khuyến khích nhạc trưởng đại hoà tấu, lên tiếng phụ hoạ:
- Phải, em bỏ thì giờ ra lo lắng cho một công cuộc văn nghệ như vậy, về mặt tinh thần, rất có lợi cho chính phủ. Viên, Ba Lê, Bá Linh, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Đông Kinh, khắp các thủ đô lớn trên thế giới người ta đều kỷ niệm long trọng Mozart, Sài Gòn cũng nhờ em mà góp mặt với quốc tế.
Diệm cũng góp lời khen cô em dâu:
- Thím làm công việc này tôi nghe mấy cố vấn Mỹ họ phục lắm. Để hôm nào thím cho tổ chức một buổi trong dinh cho tôi được tham dự với, và mời các quân khách ngoại quốc đến để tỏ cho người ta thấy mình cũng chú trọng đến nghệ thuật như ai vậy.
Trong chính quyền họ Ngô, chỉ có người anh rể của Lệ, Bộ trưởng Ngoại giao là tỏ vẻ không bằng lòng. Ông Nguyễn Hữu Châu đã nhăn mặt khi thấy từ văn phòng của Lệ đưa sang một xấp carte mời các đại diện ngoại giao đến dự buổi hoà nhạc ở trong dinh, vì nhớ đến kỷ niệm chua xót của mình. Chị ruột Lệ, người vợ hiện đang sống ly thân với Nguyễn Hữu Châu đã cắm sừng cho chồng lần đầu tiên với một nhạc sĩ. Ngày nay, thấy Lệ tỏ vẻ lưu tâm đến giới nhạc sĩ, Châu không khỏi đâm ra ngờ vực. Đến khi thấy nhạc trưởng của "Tuần lễ Mozart" là một người đẹp trai, tài hoa ở Pháp mới về được Lệ săn sóc niềm nở, ngoại trưởng Châu mới nghĩ rằng cô em cũng đang noi theo gương chị ngày nào.
Châu gặp Nhu để nói xa xôi cho người em rể hay mà đề phòng cảnh ngộ của mình đã phải chịu đựng. Song chồng Lệ không để ý gì đến những lời bóng gió đả kích giới nhạc sĩ của Châu mà còn nhờ ông ta lo chu đáo việc mời mọc quan khách ngoại giao đến dự đại hội do vợ mình chủ toạ.
Từ sau hôm dự buổi tập dượt của ban hoà tấu "Tuần lễ Mozart" thỉnh thoảng Lệ một mình đi Long Hải hay Đà Lạt. Nàng bảo chồng:
- Thời tiết Sài Gòn độ rày nóng quá, em thấy trong người không khỏe, cần đi đổi gió để lấy lại sức, trước ngày khai mạc "Tuần lễ Mozart", kẻo ngồi chủ toạ mà mặt mũi phờ phạc quan khách ngoại quốc người ta nhìn thấy cũng kỳ.
Nhu vốn chiều theo ý vợ, không tỏ vẻ nghi ngờ với lại đang bận việc nên để mặc cho Lệ một mình ra đi. Ít ai để ý là trong các lần Lệ vắng mặt Sài Gòn, nhạc trưởng ban đại hoà tấu Tây phương cũng vắng bóng.
Ngay từ khi để ý đến nhạc trưởng trẻ đẹp trong buổi đầu gặp gỡ, Lệ dò hỏi biết anh ta là một du học sinh mới ở Ba Lê về nước, quốc tịch Pháp, con một đại điền chủ ở lục tỉnh, đang sống độc thân liền cho mời vào văn phòng riêng ở dinh.
Lệ bộc lộ cảm tình của mình ngay trong lần đầu đối diện tay đôi với nhạc trưởng. Chuyện trò bằng tiếng Pháp giúp cho hai người dễ dàng trong cách xưng hô.
Lệ tình tứ nhìn lên làn râu mép không giảm bớt sự non trẻ với đôi má ửng, môi hồng trên thân hình khỏe mạnh, càng đầy sức sống trai tráng thua kém tuổi nàng và bắt đầu tấn công.
- Tôi thấy anh phải khổ công điều khiển dàn nhạc hàng ngày, như vậy mỗi tuần anh phải đi Long Hải hay Đà Lạt để dưỡng sức, không thì đến ngày trình diễn công khai anh đến ngã gục mất thôi.
Lời lẽ dịu dàng của Lệ chất chứa trìu mến khiến nhạc sĩ lúc đầu không khỏi cảm động trước sự lưu tâm của bà cố vấn chính trị đối với nghệ sĩ như một người chị hiền.
- Tôi đã nhận lời chủ toạ "Tuần lễ Mozart" tôi muốn cho đại hội phải thành công, nhạc trưởng của tôi phải được nghỉ ngơi cần thiết trong thời kỳ tập dượt. Tôi có bổn phận phải trông nom đến sức khỏe của anh, và đây là một cái lệnh: Chiều mai, thứ bảy, anh phải đi Long Hải tắm biển, phơi nắng cho khỏe, đến sáng thứ hai về. Chúng tôi có biệt thự riêng ở ngoài đó. Sẵn sàng để cho một mình anh tuỳ nghi sử dụng. Tôi sẽ cho xe hơi đến rước anh vào lúc hai giờ chiều mai.
Trước sự niềm nở bất ngờ, nhạc sĩ lúng túng chưa biết trả lời ra sao, khó lòng mà từ chối được, Lệ đã đứng lên đưa chàng ra đến cửa phòng, mỉm cười nói:
- Thoả thuận như thế nhé!
Trong khi bắt tay từ giã, Lệ nhìn thẳng vào mặt nhạc sĩ một cách dịu dàng, hạ giọng nói tiếp:
- Có lẽ tôi sẽ gặp lại anh ở Long Hải cũng nên.
Mối tình giữa Lệ với nhạc sĩ Hoàng bắt đầu ngay từ tối hôm thứ bảy, giữa khung cảnh sóng vỗ rì rào trên bãi biển Long Hải.
Vừa lúc xế chiều, nhạc sĩ vừa tắm xong. mặc xì-líp, chỉ khoác một chiếc khăn lông trên vai, thong thả đi về biệt thự - nhà nghi mát ngày trước của cựu hoàng dế Bảo Đại bị chánh quyền họ Ngô tịch thu - vừa bước lên sân trông ra mặt biển, bỗng nghe tiếng cười nói của Lệ:
- Chào nhạc sĩ!
Hoàng nhìn lại thấy Lệ trong bộ quần áo tắm hai mảnh vải che thân đang ngả người trên ghế vải nằm đong đưa chân, tay ra dấu một cách thân mật, hai mắt chăm chú ngắm nghía chàng.
Hoàng cảm thấy mình có vẻ sỗ sàng trong lối mặc của mình, trước mắt bà cố vấn xuất hiện một cách không ngờ, tính xin lỗi rút lui về phòng để mặc quần áo thì Lệ chỉ tay vào chiếc ghế đối diện, bảo Hoàng bằng tiếng Pháp:
- Anh cứ tự nhiên. Ở đây không phải lễ nghi khách sáo nữa mà giữa chúng ta chỉ có một nhạc sĩ và một người đàn bà ái mộ âm nhạc.
Rồi Lệ đưa một chân khẽ đạp vào chân ghế như giục Hoàng đến ngồi xuống và nheo một bên mắt, nói:
- Trong nghệ thuật không có biên giới, phải không nhạc sĩ của tôi?
Trong không khí cởi mở, thân mật do Lệ gây nên, Hoàng vẫn e dè, thầm nghĩ rằng bà cố vấn đối xử rất tự nhiên với chàng, vì nhiễm tây học và vì Hoàng sống lâu ở Pháp mới về nước. Hoàng thoáng nhận thấy vẽ lẳng lơ qua đôi mắt của Lệ -tình tứ ngắm nhìn mình và cử chỉ thân mật đụng chạm vào người Hoàng, nhưng chàng không chám suy luận xa hơn nữa.
- Tôi đang dành cho anh một sự ngạc nhiên thú vị, anh thử đoán xem nào?
Vừa cụng ly rượu khai vị với Hoàng, Lệ đăm đăm nhìn vào mặt chàng mà chậm rãi buông ra từng tiếng dịu dàng:
- Tôi muốn thử xem nhà nghệ sĩ nhạy cảm và thông minh đến mức nào?
Hoàng không khỏi bối rối trước câu nói úp mở của Lệ, có vẻ bạo thêm sau mấy hớp rượu nên cười trả lời:
- Ngạc nhiên thú vị mà tôi đã được có, là sự có mặt bất ngờ của bà hôm nay.
Lệ có vẻ thích thú trước lời tán dương của Hoàng, nhưng lắc đầu nói:
- Không. Đâu phải chỉ có thế. Anh mới đoán đúng có một phần nhỏ thôi: Sự có mặt của tôi chỉ là mới bắt đầu cho ngạc nhiên thú vị dành cho anh.
- Thế thì tôi không đoán được. Mong tự miệng bà nói ra cho biết, kẻo tôi thấy sốt ruột lắm.
- Làm gì mà gấp thế Anh không đoán được thì ráng mà chờ, chớ tôi không nói ra đâu.
Lệ bỗng hỏi:
- Tôi nghe người ta nói anh là một tay thiện xạ, có đúng không?
- Tôi săn bắn cũng không kém mấy. Nhưng đã gặp con mồi ít khi tôi để sẩy lắm!
- Thế à!
Thấy Lệ bỗng dưng nghiêm lạnh vẻ mặt, Hoàng nói:
- Tuần rồi tôi vừa săn được một con cọp lớn lắm, để tôi gởi biếu bà bộ da sau khi thuộc xong.
Lệ phá lên cười ngặt nghẽo khiến Hoàng đâm ra ngỡ ngàng trước sự biến đổi lạ lùng của người đàn bà đối diện. Lệ vẫn cười, vui vẻ lấy một ngón tay quệt vào má Hoàng mà bảo:
- Ban nãy tôi có ý hỏi anh có phải là tay thiện xạ nhưng không phải là săn ác thú, mà là săn đàn bà, con gái kia?
Rồi Lệ lại cười khiến Hoàng cũng cười theo và nói:
- Rõ tôi cũng ngốc thật?
Lệ bỗng thấp giọng:
- Có phải anh có nhiều bạn gái ái mộ lắm không?
Hoàng cười đáp:
- Tôi mới về nước, có ai biết tôi và tôi có biết ai đâu.
Thấy Lệ chú trọng đến tình cảm riêng tư của mình, sau những cử chỉ tình tứ, nhất là lối nhìn âu yếm, Hoàng hết còn nghi ngờ gì nữa. Kinh nghiệm tình trường khiến chàng nhạc sĩ tài hoa, trẻ đẹp nghĩ rằng mình cần phải tỏ một thái độ ngay thật trước người đàn bà đa tình, đầy quyền uy trong tay đang săn đuổi mình.
Hoàng nghĩ đến thói thường khi "người đàn bà trốn tránh thì người đàn ông theo đuổi, khi người đàn ông trốn tránh thì người đàn bà theo đuổi", nhưng trước một người đàn bà chín chắn, sâu sắc như Lệ, chàng không còn phải đóng kịch. Bản chất bướng bỉnh của nghệ sĩ máu nóng của con người sinh trưởng ở miền nhiệt đới, quen nếp sống phóng khoáng Tây phương sau nhiều năm tại Ba Lê, nhạc sĩ Hoàng điển trai đã được lắm phụ nữ ưa thích, nên chàng thấy Lệ cũng là người đàn bà cộng thêm vào số bạn gái đã qua tay chàng. Lại thêm một mối tình trong đời phiêu lưu tình ái của mình nữa, thế thôi. Có điều Hoàng hơi bất ngờ là không phải chàng đóng vai Don Juan, mà chính là Lệ, một người đàn bà phương Đông đã tấn công chàng như một phụ nữ phương Tây.
Dưới mắt Lệ, Hoàng là một nhạc sĩ, khỏe đẹp, hiên ngang, khác hẳn với những người đàn ông có vẻ quy luỵ, hèn yếu thường thấy quanh mình, và nàng muốn thêu dệt một mối tình thơ mộng. Tiền của chất chứa, quyền hành rộng lớn không làm thoả mãn được Lệ, mà tham vọng chính là yêu đương.
Khát khao tình ái như một ngọn lửa âm ỉ ngày đêm thiêu đốt lòng nàng, không có một mãnh lực nào dập tắt, lắng dịu xuống được, chỉ chực một ngọn gió thổi đến là cháy bùng lên. Lệ đang sống trong tình trạng đợi chờ của nắng hạn mưa rào thì Hoàng hiện đến, và âm nhạc như men nồng ấp ủ người trai tài hoa, khiến Lệ mường tượng như gặp "hoàng tử của lòng em".
Nàng quyết định chinh phục cho được nhạc trưởng "Đại hội Mozart", ra tay lôi cuốn Hoàng vào mê hồn trận.
Bãi biển Long Hải được dùng làm khung cảnh cho mối tình thơ mộng của Lệ với nhạc sĩ Hoàng bắt đầu.
Sau bữa ăn tối, Lệ cùng Hoàng đi dạo trên bãi biển vắng dưới trăng sao như một đôi tình nhân.
Qua những câu trao đổi tâm tình, gió đêm mát lạnh từ ngoài khơi thổi vào Lệ nép người vào Hoàng lấy hơi ấm, chàng không còn dè dặt quàng tay ôm nàng, dìu nhau đi trong đêm tối trở về biệt thự như một dôi lứa trong tuần trăng mật.
Mấy người cận vệ canh giữ biệt thự bà cố vấn đã lánh mặt hoặc đi ngủ rồi.
Trong tiếng sóng biển rì rào đưa vẳng lại ở phòng riêng Lệ cùng người tình nhạc sĩ hoà khúc đại hợp tấu yêu đương.
Tuần lễ Mozart diễn ra trong mối tình ngày càng đắm say của Lệ. Nàng như quên hết bao nhiêu người tình tướng tá đã từng dan díu, quên cả người chồng bất lực sống bên cạnh và trước mắt chỉ còn nhạc sĩ Hoàng đã làm cho Lệ thoả mãn cả thể xác lẫn tinh thần.
Không khí ma mị của nghệ thuật làm thăng hoa những khát vọng vật chất. Nàng thấy cuộc hoan lạc xác thịt nhuốm đượm một màu sắc thơ mộng bên cạnh người tình nhạc sĩ, khác hẳn với các tình nhân võ biền trước đây.
Nàng cảm thấy đời phiêu lưu tình ái của mình đẹp hơn lên với mối tình phát sinh từ những âm thanh nhẹ nhàng trong sáng của Mozart. Khiếu thích nhạc của Lệ thúc dẩy nàng dấn mạnh bước thêm trên con đường tình với nhạc sĩ Hoàng.
Nàng muốn độc chiếm Hoàng riêng cho mình, dù biết là vô lý, nhưng vì lòng quá bồng bột đắm say người tình nhạc sĩ, Lệ không nghĩ đến sự dè dặt cần thiết để giấu diếm mối tình vụng trộm, che mắt những người chung quanh, nhất là chồng.
Sau những giờ phút mê ly cùng nhạc sĩ Hoàng ở Long Hải, về đến Sài Gòn, Lệ cho mời cả người tình vào trong dinh.
Lấy cớ nàng chủ toạ đại hội Mozart, cần trao đổi ý kiến với nhạc trưởng. Lệ kêu điện thoại nhắn Hoàng vào dinh Độc Lập để tình tự.
Nhạc sĩ được bà cố vấn vời luôn vào trong dinh, sự chiếu cố đặc biệt của Lệ đã khiến cho những nhân viên thuộc phủ Tổng thống bắt đầu xầm xì.
Quân sĩ canh phòng, kiểm soát người vô ra dinh, cận vệ đưa đường, các người hầu cận không khỏi để ý đến sự có mặt thường xuyên của nhạc sĩ Hoàng bên cạnh bà cố vấn. Và sau mỗi lần gặp gỡ riêng giữa hai người khá lâu, bà cố vấn có vẻ tươi cười dễ dãi khác ngày thường.
Thế rồi từ phòng báo chí phủ Tổng thống, tiếng đồn ra, bàn tán đến mối tình mới mẻ của bà cố vấn với nhạc trưởng Đại hội Mozart trước ngày trình diễn trong dinh cho Tổng thống mời ngoại giao đoàn.
Ngày khai mạc "Tuần lễ Mozart" tại dinh Độc Lập, Lệ trang sức lộng lẫy trong chiếc áo vàng vẽ chấm phá mấy ngọn trúc xanh, đứng ra đón tiếp quan khách, đại sứ các nước đã đến dự buổi đại hội do nàng chủ toạ.
Trước mắt những nhà ngoại giao, Lệ như một nữ hoàng, đứng ở đầu phòng khánh tiết, ban một nụ cười, một cái bắt tay cho hàng trăm nhân vật. Các vị bộ trưởng cùng phu nhân tỏ vẻ khúm núm, rón rén trước mặt đệ nhất phu nhân đang chuyện trò cùng các nhân vật ngoại giao đoàn.
Lệ đang tươi cười cùng bà đại sứ Nhật Bản, bỗng nhiên lạnh nét mặt hẳn lại khi thấy Hoàng trong y phục nhạc trưởng đi cùng một người đàn bà bước vào. Lệ thấy máu ghen bừng sôi lên, quay mặt đi lúc Hoàng bước qua khẽ nghiêng đầu chào.
Trưởng ban nghi lễ chạy đến, xem qua tấm thiệp mời của Hoàng đưa ra để sắp đặt chỗ ngồi cho thiếu phụ đi theo chàng, song loay hoay mãi tìm kiếm không thấy có chiếc ghế ghi số dành sẵn. Trong những hàng ghế mời quan khách, Lệ đã tự tay chỉ định chỗ ngồi cho mỗi người, riêng một ghế đặc biệt cho nhạc trưởng ở bên cạnh nàng là chủ toạ.
Thiếu phụ đi cùng Hoàng nói:
- Nếu họ sắp cho ngồi ghế phụ hàng cuối thì tôi bỏ về.
Trưởng ban nghi lễ e ngại có sự lôi thôi xảy ra, nhất là thấy vẻ mặt tức giận của nhạc trưởng, sợ chàng nóng tính liều lĩnh bỏ ra về luôn thì sẽ rầy rà to, nên hết lời năn nỉ Hoàng và thiếu phụ.
Hoàng tìm gặp Lệ ngỏ lời trách, Lệ lạnh lùng nói:
- Có biết ông đưa người đàn bà nào đó đi theo đâu mà sắp đặt ghế trước.
Nhận thấy Lệ ghen tuông ra mặt, Hoàng bảo:
- Người đàn bà đi theo tôi đó là bà chị ruột của tôi. Nếu không sắp đặt chỗ ngồi đàng hoàng cho bà chị tôi thì tôi xin rút lui luôn.
Nghe Hoàng xác nhận thiếu phụ đi theo chàng là chị ruột, chứ không phải là người tình như Lệ đã lầm tưởng, rồi thấy người yêu giận dỗi đòi bỏ việc điều khiển việc hoà tấu, Lệ dịu dàng nói:
- Để tôi bảo thu xếp chỗ tử tế cho.
Rồi nàng hạ giọng nói một câu đầy ngụ ý tình tứ:
- Chúc may mắn cho nhạc trưởng của tôi nhé? Anh sẽ được thưởng sau buổi dạ hội này.
Trong khi người ngoài ít ai để ý đến đột biến giữa Lệ với nhạc trưởng Hoàng, Ngô Đình Nhu ngồi ở hàng đầu giữa các đại biểu ngoại giao đang nói chuyện với đại sứ Pháp bên cạnh, nhưng không bỏ qua một cử chỉ nào của Lệ với người tình nhạc sĩ.
Đám thuộc hạ cận thần và mật vụ đã báo cho Nhu hay những lời bàn tán trong dư luận về mối tình của Lệ và nhạc sĩ Hoàng, song Nhu vẫn trầm lặng như không lưu ý đến.
Nhu đã hơn một lần trải qua cảnh huống của người chồng có vợ ngoại tình và cũng chỉ biết âm thầm khốn khổ, trước sự quá quắt của người vợ lãng mạn cực độ.
Tình trạng mọc sừng như một thứ bệnh xấu hổ kinh niên đối với Nhu, vị cố vấn chính trị Tổng thống thâm trầm, sâu sắc, luôn luôn muốn che đậy nhược điểm chua cay của mình. Địa vị cao trọng ngày nay càng khiến Nhu cần giấu diếm những hành vi ái ân vụng trộm của Lệ, vì thể thống đại gia đình họ Ngô đang cầm quyền ngự trị cả một quốc gia.
Lệ thấu rõ tâm trạng của người chồng lạnh lùng, thâm hiểm, im lặng trước các cuộc phiêu lưu yêu đương của vợ. Nàng cũng cố gìn giữ, khéo léo nguỵ trang các mối tình của mình, song không khỏi lo ngại chồng hay biết, và nàng thừa hiểu rằng nhất cử nhất động của nàng đều bị bọn tay chân của chồng rình rập, báo cáo lại.
Việc kín đáo nhất mà Lệ tưởng Nhu không biết đến, là cảnh nàng ôm quàng anh chồng để bà dì bí thư chụp ảnh. Nhưng sau đó được mấy hôm, Nhu đột ngột bảo Lệ:
- Em có thể ngủ với ai, mặc, song anh van em, hãy trừ các anh ruột của anh ra!
Nhu chỉ nói có thế, và hình như trước mặt vợ, chàng chỉ có can đảm thốt ra được thế thôi, rồi đứng lên lạnh lùng đi về văn phòng riêng, bỏ mặc Lệ ngồi một mình.
Những mối tình giữa Lệ cùng các tướng tá cũng đều được đưa đến tai Nhu, song chàng không hề nói một lời nào, có lẽ cho rằng đó là những chuyện khuất mắt, đành ôm hận trong lòng. Đôi khi, Nhu cũng nói xa xôi cho Lệ biết chàng vẫn để ý đến mọi hành vi của vợ, và bóng gió khuyên nhủ nàng nên giữ lấy thể thống của địa vị cao sang ngày nay.
Sau khi Nhu ngỏ lời ngăn cản Lệ đừng lôi cuốn anh ruột của mình vào vòng loạn luân, Lệ không khỏi sửng sốt, chẳng hiểu làm sao chồng nàng có thể hay biết được. Nàng không tin rằng bà dì ruột bí thư đem tiết lộ câu chuyện chụp ảnh với Nhu. Không lẽ anh chồng nàng lại đi nói Nhu việc ôm ấp nàng?
Lệ kín đáo dò xét mới phanh phui được rằng Nhu đã kín đáo cho đặt máy ghi âm ở trong phòng nàng, cũng như một số phòng khác trong dinh để ghi nhận những lời nói bí mật, bất ngờ của mọi người chung quanh.
Lúc khám phá ra chiếc máy giấu sau ngọn đèn ẩn trong vách phòng, Lệ đã nổi xung đi tìm ngay chồng để gây sự về lối bí mật theo dõi vợ. Nhu bình thản nói:
- Không phải chỉ riêng ở phòng em có đặt máy ghi âm, mà tất cả các phòng trong dinh. Tổ chức hệ thống này để bảo vệ ta, kiểm soát những người sống chung quanh, biết được lời ăn tiếng nói của họ sau lưng ta. Nếu họ có phản trắc, âm mưu gì ta có thể biết được, nhờ các cuộn băng thâu thanh. Đó là một lối đề phòng thông thường đối với người ngoài, chớ em thì việc gì mà bực tức?
- Nhưng tại sao anh lại không cho em hay?
- Ồ, anh thấy cũng không cần thiết nên không cho em hay làm gì.
Lệ gằn giọng:
- Sao không nói thẳng ra là vì anh nghi ngờ vợ anh!
Nhu mỉm cười khó hiểu:
- Em làm những gì mà anh phải nghi ngờ?
- Em có làm gì cũng không cần phải giấu diếm ai cả, nhưng em không muốn luôn luôn có sự theo dõi sau lưng mình. Anh muốn hạch hỏi gì em thì cứ nói thẳng ra, em sần sàng trả lời, chớ việc gì mà phải bày cái trò do thám đó!
Thấy vợ gây gổ, Nhu vẫn bình tĩnh nói:
- Em dừng nóng nảy vô lối. Cho đến anh Tổng thống anh cũng không cho hay. Tại sao em lại cứ trách móc anh giấu em? Em có biết cũng không ích gì kia mà!
- Nhưng em không muốn bị rình rập như vậy!
- Anh đã nói là em làm gì mà phải e ngại kia chứ?
- Anh cho tổ chức hệ thống do thám này đã bao lâu rồi?
- Được hơn một năm nay.
- Ngoài phòng ngủ ra, văn phòng em có đặt máy ghi âm không?
- Anh đã bảo là các phòng ở trong dinh, cho đến phòng cận vệ, tài xế bồi bếp, đều có cả.
Chỉ cần bấm nút máy đặt ở bàn giấy của anh, là nghe biết tất cả những lời nói và tiếng động khắp mọi nơi trong dinh. Như vậy mình có thể hay được hết thảy những gì khuất mắt kề cận quanh mình. Vị lãnh đạo chính trị một nước không thể hoàn toàn tin cậy ai được mà kẻ tâm phúc ở gần mình, nếu có bụng phản thì nguy hiểm hơn hết, vì không sợ kẻ địch bên ngoài bằng kẻ nội thù.
Lệ rõ tánh đa nghi của chồng, và biết rõ hệ thống mật vụ, do thám đặc biệt của Nhu đã cùng bác sĩ Tuyến tố chức khắp nơi, ở mọi ngành, những cơ quan quân chính, lớn nhỏ, đều có tai mắt nhân viên sở Nghiên cứu chính trị của cố vấn Tổng thống. Nhưng nàng không ngờ chồng lại đặt máy ghi âm ở phòng ngủ và văn phòng riêng của vợ. Lệ thoáng nghĩ đến những lời tình tự của nàng gần đây với nhạc sĩ Hoàng ghi vào băng nhựa chuyển đến tai chồng. Thảo nào mà Nhu biết được tất cả các việc Lệ làm.
Như vậy, cả tâm trạng thầm kín nhất của người đàn bà ngoại tình ở Lệ đã không ngờ phô bày ra bên tai chồng, mà Nhu vẫn thầm lặng không bộc lộ một phản ứng gì đối với Lệ ngoài câu nói can ngăn vợ đừng loạn luân với anh chồng mà thôi!
Lệ không khỏi hoảng sợ trước thái độ lạnh lùng, thâm hiểm của chồng. Nhu đành cam chịu đựng cho vợ ngoại tình, hay là đang mưu tính những gì sâu độc để sửa trị Lệ, trả thù kẻ cắm sừng lên đầu mình. Nhưng, thật ra Nhu có dám gây chuyện ồn ào, sôi động tiếng tăm đi đến chỗ quyết liệt tan vỡ, dứt khoát tình cảm đối với Lệ không? Thể thống đại gia đình, quyền uy lớn lao của họ Ngô, liên hệ con cái, Nhu có đủ can đảm bỏ qua "Phong độ quý tộc bắt buộc" không? Lệ suy luận, theo đó, nhận thấy là chồng nàng cũng "không dám làm gì đâu".
Bản chất ngang ngạnh, liều lĩnh và đang độ đắm say người tình mới khiến Lệ cương quyết đương đầu.
Sau vụ máy ghi âm đổ bể, nàng bảo chồng:
- Anh bảo tháo gỡ cái máy ở phòng ngủ và phòng giấy của em đi. Em không chịu được cái cảm giác cứ luôn bị theo dõi xoi mói ở đằng sau gáy mình.
Thấy chồng mím môi lắc đầu một cách khó hiểu, Lệ nông tiết lên, nói sỗ sàng:
- Anh có nghi ngờ em ngủ với trai thì cứ việc tông cửa phòng vào bắt quả tang tại trận đi, chớ em không muốn nhất cử nhất động, mỗi lời nói năng gì của em cũng bị thu băng, coi như là một kẻ nguy hiểm ở trong nhà này vậy.
- Khổ quá, anh đã nói như vậy rồi mà em cũng không chịu hiểu cho. Thôi, được rồi, em không muốn thì anh bảo lấy máy đi, có khó khăn gì đâu.
Nhu đành nhượng bộ, trở về phòng riêng, xoa dịu những nỗi niềm chua xót của người chồng mọc sừng bằng khói thuốc phiện.
Chàng chịu dựng các cuộc ngoại tinh che đậy khuất mắt của Lệ, song lòng tự ái, kiêu hãnh của người chồng uy quyền ghê gớm đã bị xúc động mạnh mẽ, trong đêm đại hội hoà tấu Mozart ở dinh Độc Lập.
Trước mắt đông đủ mọi người, từ quan khách trong nước đến các đại biểu ngoại giao, Nhu tức giận tái mặt khi thấy vợ mình không giữ gìn ý tứ đối với nhạc sĩ đẹp trai. Hình như Lệ quên hẳn sự có mặt của chồng, mà suốt buổi hoà nhạc, không ngớt mơ màng đắm say hướng về phía nhạc trưởng.
- Bà cố vấn có vẻ say sưa với nhạc Mozart lắm?
Nhận xét của một vị tổng lãnh sự ngồi gần ở sau thoảng đến tai Ngô Đình Nhu như một mũi tên bắn vào tim người chồng.
Lời lẽ có tính cách khách quan khen tặng vị đệ nhất phu nhân yêu chuộng nghệ thuật đối với Nhu lúc này là cả một sự mỉa mai quái.
Sau bản nhạc thứ nhất, nhạc trưởng quay lại cúi mình chào những tràng vỗ tay, một tiếng nói đàn bà vẳng lên ở dãy ghế bộ trưởng:
- Nhạc trưởng đẹp trai đấy chứ! Bà cố vấn chủ toạ cũng tinh mắt lắm.
Những lời lẽ xầm xì truyền qua hàng ghế các bà bộ trưởng, giám đốc, dân biểu quốc hội, đều có vẻ tị với Lệ, như một nữ hoàng trong buổi dạ hội được hàng ngàn con mắt để dồn nhìn đến.
Chuỗi ngọc trai lấp lánh vòng qua cổ tròn, tuôn chảy đến phần ngực phô bày như một con suối bạc, in lên nền áo vàng Lệ ngồi uy nghi, hai chiếc vòng ngọc bích ở cổ tay trái từng lúc chạm vào nhau theo điệu nhịp tay hưởng ứng khúc hoà tấu.
Lệ như không còn để ý đến gì nữa mỗi lần nghe nhạc trưởng trỗi lên, đắm đuối mơ màng thả hồn trên nhịp đũa chập chờn của người tình nhạc trưởng. Nàng có vẻ lơ là không nghe đến lời phẩm bình của bà đại sứ Nhật ngồi bên cạnh.
Đến lúc dứt buổi hoà nhạc, Lệ mở đầu những tràng vỗ tay và nhìn nhạc trưởng bước lại nhận huy chương tặng thưởng của tổng thống với một vẻ âu yếm lạ thường. Những người tinh mắt không khỏi nhận thấy sự trìu mến bộc lộ của đệ nhất phu nhân đại với nhạc sĩ điều khiển ban đại hoà tấu. Nhu tức giận lặng lẽ rút im vào dinh, trong khi Lệ tươi cười chào tiễn khách, và thầm hẹn cùng nhạc sĩ Hoàng ngày mai lên Đà Lạt.
Giữa cảnh đồi rừng Lâm Viên, một biệt thự tráng lệ do kiến trúc sư Võ Đức Diên trông nom xây dựng với hoạ sĩ Tạ Quân trang trí dành riêng cho Lệ thỉnh thoảng ghé lên Đà Lạt. Tư dinh này Lệ đặt tên là lầu Lâm Ngọc, phỏng theo lối biệt thự nghỉ mát của tỷ phú âu Mỹ, khoác thêm một cốt cách vương giả, với hồ tắm Ngọc Hương Đình bằng cẩm thạch, vườn Ngọc Bích trồng đủ loại hoa quý lạ đưa từ âu cháu về, từ Ấn Độ đến, từ Nhật Bản qua.
Lệ thuê hẳn một đôi vợ chồng trồng hoa chuyên nghiệp người Nhật chăm sóc hàng ngày cho hoa nở bốn mùa.
Nàng muốn theo gương hoàng hậu Võ Tắc Thiên, có quyền phép làm cho hoa nở theo ý thích và thỉnh thoảng Lệ tổ chức một buổi thưởng ngoạn hoa ở lầu Lâm Ngọc, mời các khách quý từ Sài Gòn đáp máy bay lên Đà Lạt tham dự. Bên trong biệt thự, các phòng trang tổ theo lối Á Đông hoặc Tây phương cố tạo nên một không khí đế vương, độc đáo theo mộng nữ hoàng của Lệ vẫn ôm ấp.
Các cuộc hẹn hò với tình nhân của Lệ diễn ra ở khung cảnh thơ mộng, cao sang của lầu Lâm Ngọc.
Nhạc sĩ Hoàng sau đêm đầu đại hội Mozart thấm mệt vì phải chăm chú điều khiển suốt buổi hoa tấu, cũng phải chịu theo ý đệ nhất phu nhân, sáng sớm hôm sau đi Đà Lạt.
Khi bước lên tầng cấp đưa vào lầu Lâm Ngọc, Hoàng đang bỡ ngỡ thì nghe tiếng gọi lanh lảnh:
- Hello!
Chàng quay lại nhìn, thấy Lệ đang nằm trên ghế dài bên bờ hồ tắm, phơi nắng, mình chỉ sơ sài che mấy mảnh vải.
Hoàng vừa bước lại thì Lệ đã đứng lên quàng hai tay dìu xuống ôm hôn như một người vợ đợi chồng lâu ngày. Trong lòng phập phồng, Hoàng sợ có ai trông thấy.
Rồi như muốn trêu người tình, Lệ hôn cả lên má dính bết vệt son lên mặt nhạc sĩ, đoạn bỏ ra cười khanh khách:
- Em ngự trị ở đây, không ai dám léo hánh dòm ngó vào giang sơn này cả, vì em đã có lệnh rồi, anh đừng e ngại.
Hoàng bỏ chiếc va-li con còn xách trên tay, như trút được một gánh nặng, bây giờ mới thở ra, cười nói:
- Toa làm moa hết hồn chớ.
Lệ nheo mắt lại rất tình tứ, bảo người yêu:
- Toa đã cỡi lên lưng cọp rồi, mà lại gặp thứ cọp cái dữ nữa, bây giờ toa muốn xuống cũng khó lắm.
Rồi nàng làm bộ doạ:
- Một là con cọp cái sẽ ăn thịt toa, hai là con cọp đực, chồng moa ấy mà, sẽ không tha mạng cho toa. Toa liệu mà quyết định đi?
Hoàng cười đáp:
- Tôi đã từng săn cọp, hạ được nhiều chúa sơn lâm rồi nên cũng không ngán loại thú dữ này lắm đâu.
Lệ tiếp tục trêu:
- Đây là loại thú dữ thông minh, nguy hiểm, toa không thể coi thường được.
Rồi nàng nhìn thẳng vào mặt người yêu mà nói:
- Toa có biết loại ngựa trời mà người Bắc gọi là con bọ ngựa không? Con cái ăn thịt con đực trong lúc yêu đương.
Lệ ngừng lại cười, bảo Hoàng:
- Moa sẽ ăn thịt toa, nếu toa theo một người đàn bà nào khác.
Giọng nói sắc lạnh của Lệ khiến Hoàng không khỏi chột dạ, song vẫn giữ vẻ bình tĩnh, nói:
- Moa có chết vì tay toa cũng không sao. Còn êm ái hơn là một viên đạn bắn vào lưng.
Lệ kéo Hoàng ngồi sát lại, thì thầm:
- Toa sợ nhà moa ám hại hả? Nói cho toa yên tâm: nếu chồng moa mà định tâm giết tình địch thì…
Lệ lỡ lời định nói là "… không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng rồi", song nàng ngừng lại, tránh khéo đi:
- Moa phải biết trước để bảo vệ cho toa chứ. Nhưng moa cho toa hay để đề phòng: toa thường hay đi săn, chồng moa cũng thỉnh thoảng tổ chức đi săn, nếu có mời toa theo thì tìm cách mà từ chối khéo đi nhé. Kẻo rồi moa lại phải để tang cho toa đấy. Vì hình như nhà moa đã rõ chuyện chúng mình với nhau rồi, và xem chừng có vẻ cay lắm. Song nói vậy thôi, không một ai dám động đến lông chân của moa đâu, vì còn có moa đây.
Trong khi Lệ và Hoàng trải qua những giờ phút hoan lạc ở lầu Lâm Ngọc, ở dinh Độc Lập, Ngô Đình Nhu được kẻ tâm phúc báo tin về hành động của vợ tại biệt thự Đà Lạt.
- Con xin bày một kế nhỏ này: ông cố vấn cho tổ chức một cuộc đi săn vài hôm trong rừng, cho mời "hắn" theo rồi chỉ tốn một viên đạn là xong đời. Sau đó, cứ phao lên là hắn bị tai nạn săn bắn, đạn lạc thế là yên chuyện.
Trước đề nghị của thuộc hạ thân tín, Nhu lặng yên, nghĩ ngợi một lúc lâu rồi nói:
- Để coi sao đã.
Trong thâm tâm Nhu, nỗi tức giận của kẻ cắm sừng cho chàng không sâu cay đến độ muốn thủ tiêu tình địch, vì chàng cũng hiểu rõ, chính là vợ mình đã lôi cuốn người ta hơn là bị chinh phục. Nhu đã nát óc nghĩ mưu kế để ngăn cản vợ đi sâu vào con đường ngoại tình, giữ nàng đừng quyến rũ các anh mình vào vòng tội lỗi, nhưng trước sự quá quắt của Lệ, chàng đành nhẫn nhục chưa biết đối phó cách nào cho có hiệu quả.
Từ hôm Lệ gần như tỏ tình trước mặt mọi người đối với nhạc trưởng trong buổi dạ nhạc, Nhu thấy không thể kéo dài tình trạng nguy hại đến thể thống đại gia đình và uy quyền của anh em chàng nữa.
Được tin Lệ đưa người tình đi Đà Lạt, ngang nhiên lấy lầu Lâm Ngọc làm nơi hò hẹn ân ái, Nhu không thấy ghen với người vợ dâm loàn nữa, mà chỉ e ngại là chàng sẽ phải làm cha thêm một đứa trẻ không thuộc huyết thống của mình.
Nhu hết sức thương yêu con, song mỗi lần nhìn kỹ vẻ mặt từng đứa, từ cô gái đầu lòng, đến mấy trai, gái sau, chàng không khỏi thắc mắc tự hỏi:
- Có phải thật tất cả chúng nó là con của mình không? Đứa nào là con ngoại tình?
Rồi Nhu đành thầm lặng đau xót với tâm trạng khốn khổ của người chồng bất lực.
Những báo cáo mật của bọn thuộc hạ mật vụ thỉnh thoảng đưa đến tai Nhu về các dư luận thầm thì bên ngoài về các cuộc tình loạn của Lệ với những danh từ Lucrèrè Borgia, Raspoutine đã làm cho Nhu mất ăn mất ngủ.
Một hôm, thấy Lệ đang nằm ngả ngớn trên chiếc ghế xích đu, thân hình lồ lộ qua lớp quần áo gần như trong suốt, đưa một chân ra cho cô gái Hồng Kông rửa móng chân bôi thuốc, theo lệ trang điểm hàng ngày, vừa nói chuyện với anh chồng Tổng thống đứng gần. Nhu cau mày khó chịu. Sau đó chàng bảo vợ:
- Em ăn mặc nằm như rứa mà nói chuyện với người ngoài không thấy chướng hay sao?
Lệ cười khẩy đáp:
- Ai mà anh bảo là người ngoài? Anh muốn bắt em mỗi lần nói chuyện với Ngô Tổng thống lại phải "khăn đen, áo dài" như thiên hạ hay sao?
Nhu im lặng bực tức trước thái độ bướng bỉnh của vợ, bước về phòng với một nỗi lo ngại phập phồng. Phải chăng Lệ đã cám dỗ người anh Tổng thống của chàng như lời thiên hạ dồn đại? Lệ cũng không buông tha cả người anh chồng tu hành nữa sao? Nhu thắc mắc khốn khổ, nhất quyết phải tìm cho ra sự thật, dù biết rằng sự thật ghê gớm bị phanh phủi có thể đưa đến những hậu quả bất ngờ.
Mỗi lần gặp sự phiền muộn bực tức vì vợ, Nhu lại phải rời khỏi dinh Độc Lập mấy hôm, như để trút cơn u sầu nơi chốn rừng xanh, chàng gọi người cận vệ và dặn:
- Mi đánh điện lên Đà Lạt biểu tổ chức cho tao đi săn nghe.
Sau lệnh của vị cố vấn chánh tri phủ Tổng thống, các viên chức cao cấp Đà Lạt rộn ràng lên trong công việc chuẩn bị cho "Ông cố vấn đi săn". Một trung đội biệt kích cảnh sát chiến đấu võ trang tối tân được phái đi để phòng vệ, trong khi cả một khu rừng Cao nguyên trở thành cấm địa, không một ai được lai vãng. Một đoàn xe hơi chở thức ăn uống, máy điện, tủ lạnh, những vật dụng tiện nghi để phục dịch "ông cố vấn" trong cuộc giải trí săn bắn. Gặp lúc săn ngày, phải huy động cả một đơn vị bảo an và thuê người Thượng xua đuổi, dồn thú rừng vào một địa điểm nhất định cho "ông cố vấn" bắn. Đám thuộc hạ lo tổ chức người đi thăm dò trước về tình hình thú rừng như voi bò tót, nai, heo… để ông cố vấn bằng lòng khi hạ được một vài con. Lều săn của "ông cố vấn" được dựng lên một nơi phong quang giữa rừng già, cạnh dòng suối, để Nhu vừa nghỉ ngơi, vừa săn bắn cho quên phiền muộn gia đình.
Ban nội dịch của toà thị trường Đà Lạt có nhiệm vụ chu toàn các cuộc săn bắn của "ông cố vấn", không kể tốn kém, dù cho mỗi lần giải trí tổ chức rầm rộ, đại quy mô như vậy có thiệt hại công quỹ trên một triệu bạc. Địa vị của thị trưởng Đà Lạt cũng như chức phận của những người góp sức vào cuộc giải trí săn bắn có được thăng tiến hay suy sụp một phần lớn tuỳ thuộc vào ông cố vấn có vừa lòng hay không.
Bên dòng suối róc rách giữa khu rừng cấm, ở về phía tây bắc phi trường Liên Khương mấy cây số ngàn, chiếc lều săn của "ông cố vấn" chìm trong sương mai mùa đông. Tiếng máy điện riêng mang theo nổ giòn đều đặn qua tiếng chim rừng líu lo.
Nhu đã thức giấc, nằm dài trên chiếc giường, bên cạnh lò sưởi điện, bàn giấy, sách báo, radio, vật dụng đầy đủ tiện nghi mang theo trong cuộc đi săn bắn vương giả, lặng nhìn khói thuốc lá vẩn vơ trước mặt, ngạt ngào mùi á phiện tẩm.
Qua hai ngày đêm giữa rừng Cao nguyên, Ngô Đình Nhu như vơi đi được bao nhiêu sầu muộn dè nặng trong đầu óc, xa cách những lo âu đối phó với các dịch thủ, mưu toan trong việc gia đình và cầm quyền tại dinh Độc Lập.
Người hầu cận thấy chủ nhân đã dậy, vội vàng pha cà phê đậm mang đến, với chai rượu Rhum, rồi lặng lẽ lui ra ngoài, canh gác cạnh lều Nhu vẫn trầm lặng nhìn ra màn sương chưa tan, vừa uống cà phê pha Rhum, liên tiếp hút hết điếu thuốc lá này sang điếu khác.
Tiếng chuông điện thoại trong lều bỗng reo. Hệ thống điện thoại và vô tuyến điện được tổ chức nối liền Sài Gòn với Ngô Đình Nhu trong mỗi lần lưu động lên Cao nguyên, để vị cố vấn chính trị có thể trực tiếp được thông báo mọi việc khẩn cấp. Nhu cầm lấy ống nói lên nghe rồi gọi người cận vệ bảo thu xếp về Sài Gòn.
Vẻ mặt Nhu bỗng nhiên trở nên lầm lì bí hiểm, sau khi được tin qua điện thoại.
Đoàn xe hộ tống cùng đơn vị bố phòng khu rừng được lệnh theo cố vấn về Đà Lạt rồi đưa Nhu thẳng ra phi trường có một chiếc máy bay riêng bốn động cơ chờ sẵn để cất cánh. Trong khi Nhu đi săn bắn ở rừng thì Lệ cũng ra khỏi dinh Độc Lập, đi cùng một trong đám người tình võ biền mà nàng có vẻ quyến luyến hơn cả: tướng Trần Văn Đôn.
Đôn vốn quốc tịch Pháp, xuất thân từ trong hàng ngũ quân đội Pháp, đã vì Lệ mà theo phò tá họ Ngô ngay từ buổi đầu, được Lệ vận động cho từ chức đại tá nhảy lên thiếu tướng sau khi đánh bật Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn. Con người võ biền này nhờ hấp thụ lối sống nịnh đầm của người Pháp nên được Lệ chọn lựa và thích thú hơn các tướng tá khác, mà Lệ vẫn coi thường, cho là "hôi lính".
Sau một thời gian "giao du thân mật" với nhạc sĩ Hoàng, Lệ muốn "đổi món" nên nhắn tướng Đôn, hẹn hò đi ăn nem ở hồ tắm Thủ Đức. Tình báo của bà tướng Đôn được tin tướng quân đang vui thú với đệ nhất phu nhân vội vàng phi báo với nữ chủ nhân. Máu ghen dựng ngược bà tướng lên, hùng hổ như Trần tướng quân mỗi lần xuất trận, xách súng lục nạp đạn bỏ vào ví lớn cầm tay, cùng mấy thuộc hạ phóng xe hơi cắm bảng đỏ hai sao của chồng quyết đi tìm bắt tình địch tại trận.
Tướng Đôn và Lệ đang chuyện trò âu yếm bóc nem cho nhau, quên cả chung quanh, bỗng nghe xôn xao bên ngoài, rồi thấy một thiếu phụ xuất hiện trong giận dữ xăm xăm tiến tới:
- Đồ đĩ ngựa? Mày cướp chồng tao?
Những danh từ chửi mắng thậm tệ tuôn ra xối xả vào mặt Lệ trong khi bà tướng Đôn hiện nguyên hình người đàn bà Việt đang cơn ghen tuông lồng lộn xỉa xói xông lại túm lấy đầu tóc tình địch để lột xé quần áo trước mắt mọi người tò mò xung quanh.
Trong bất thần, Lệ quên hẳn oai quyền đệ nhất phu nhân của mình, mà chỉ còn là một người đàn bà ngoại tình đang bị bắt gặp quả tang đi với chồng người, lúng tung lo sợ tìm lối thoát vòng vây đánh ghen. Trần Văn Đôn mất cả oai phong lẫm liệt của một vị tướng trước phu nhân đang gầm rống như sư tử Hà Đông muốn phanh thây xé xác tình địch, thầm cầu mong sao có máy bay trực thăng đến câu bổng mình lên khỏi chiến trường nguy khốn.
Trước các đợt tấn công dồn dập của phu nhân, Trần tướng quân nhận thấy không thể để kéo dài tình trạng nguy biến cho tình nhân, bèn lấy hết sức bình sanh của một bậc trượng phu, thét lên một tiếng lớn, nhảy xổ vào trận tiền, lấy thân mình làm mộc đỡ gạt cho người yêu tìm lối thoát.
Lệ được gỡ khỏi hai bàn tay níu cào cấu của người vợ đang say ghen lẹ làng phóng lách qua các hàng ghế chạy tuôn ra ngoài, ùa vào xe hơi, đóng sập cửa lại, rồ máy phóng như bay trên đường. Đầu xe hướng về phía ra Vũng Tàu, trong lúc hối hả, Lệ cũng không kịp nhớ quay đầu lại trở về Sài Gòn mà cứ thẳng lối chạy đi.
Trần Vãn Đôn thấy người yêu đã thoát khỏi, quay lại nhìn bà vợ trút nỗi căm tức qua đầu mình, vừa xấu hổ, vừa khốn khổ, vừa bực tức vì tính cách bi hài của trận ghen đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn một số đông khán giả đủ các hạng người tụ tập lại đông đảo chung quanh hồ tắm Thủ Đức để chứng kiến một hoạt cảnh ly kỳ bất ngờ mà các vai chủ động là hai vợ chồng một vị tướng lãnh và bà cố vấn chính trị tổng thống.
Cuộc xung đột tay ba vừa chấm dứt ở trong nhà hàng, lại diễn ra bên ngoài, lấy đường nhựa làm bối cảnh. Chiếc xe của Lệ phóng đi được mấy phút thì Trần Văn Đôn cũng thoát ra ngoài, nhảy lên xe hơi giục hạ sĩ tài xế nhấn ga chạy đi.
- Thưa trung tướng đi đâu?
- Chạy mau lên, đi đâu thì đi.
Xe chở tướng Đôn cứ việc nhắm thẳng về đằng trước mà xả mạnh tốc lực, theo hướng Lệ đã đi.
Bà tướng chạy ra đường, nghĩ là chồng theo đuổi tình nhân, liền thóc lên xe, giậm chân bảo tài xế phải săn bắt cho kỳ được.
Người cảnh sát công lộ ở ngã tư thổi tu huýt inh ỏi, đến khi thấy chiếc xe sau mang bảng đỏ gắn hai sao đồng vụt lưới qua trước mặt, vội nhảy lui, lắc đầu nhìn theo, thôi nghĩ đến việc biên số xe để phạt.
Tướng Đôn quay lại nhìn thấy vợ đang đuổi theo gấp rút, càng thúc giục cho xe chạy mau hơn nữa bất kể nguy hiểm. Người hạ sĩ tài xế chỉ im lặng tuân lệnh thượng cấp ghì chặt tay lái mở hết tốc lực.
Kim đồng hồ xe chỉ 120, 140, 160 mà tướng Đôn thấy xe chạy quá chậm, trong khi chiếc xe của vợ mỗi lúc đuổi lại gần thêm.
Tới ngã rẽ đi Cấp và Đà Lạt, tướng Đôn bảo cứ chạy thẳng ra hướng miền Trung. Chiếc xe sau vừa đuổi theo vừa bấm còi như báo xe trước dừng lại khiến Đôn càng sốt ruột luôn mồm giục giã phóng mau lên. Bà tướng càng thêm tin chắc là chồng mình quyết theo người tình nên lại càng nhất quyết đuổi bắt lôi kéo về.
Hai chiếc xe như hai con thú rừng say máu chạy đuổi nhau, nuốt chửng cả trăm cây số rừng bên đường trong chớp nhoáng. Hạ sĩ tài xế mồ hôi vã như đang bị giặc truy kích, lo ngại lên tiếng:
- Thưa trung tướng, quãng đường rừng này ra đến Phan Thiết, có chỗ thiếu an ninh, nhỡ gặp Việt cộng thì nguy!
Trước câu nói bất ngờ của người hạ sĩ, tướng Đôn bỗng nhớ đến câu chuyện đã có lần nghe kể về một tướng quân sợ vợ: "Vị võ tướng có bà vợ ghen dữ dội. Một hôm đang lúc cầm binh chống lại đám nữ tặc lợi hại bỗng được tin phi báo là có phu nhân cùng toán nữ tỳ kéo đến quyết bắt cho được chồng về. Trong tình thế nguy khốn, trước mặt lũ giặc tấn công, sau lưng nội tướng xông tới, vị tướng quân hết sức bấn loạn, tiến lên thì gặp giặc, lùi lại thì gặp vợ, tiến thoái lường nan, không biết tính cách nào để thoát khỏi vòng vây. Các quân sư, tướng tá dưới trướng mới thi nhau bày mưu, lập kế giải cứu song chỉ thấy chủ soái lắc đầu thở dài. Trận thế mỗi lúc càng thêm nguy ngập, vì phía trước quân địch xáp lại gần bí hết lối thoát, phía sau phu nhân tiến tới sát chặn mọi ngả rút lui. Một tên lính hầu nhận thấy chủ soái kinh hồn táng đởm vì sợ phu nhân bắt được hơn là sợ lọt vào trong tay địch quân, bèn đánh bạo lên tiếng thưa:
- Bẩm tướng quân, trước mặt, sau lưng tứ bề đều bị bao vây, mà tướng quân thì không muốn trở về với phu nhân đang cơn thịnh nộ, hung hăng gấp vạn lần quân giặc, vậy kẻ tiểu tốt trộm nghĩ rằng kế hay hơn hết…
Không đợi cho tên lính hầu nói hết lời, vị tướng quân đập mạnh xuống đùi, cất tiếng cười ha hả:
- Diệu kế! Diệu kế! Ta vinh thăng cho ngươi từ hàng tốt đen lên chức chuẩn tướng vì đã có công giúp chủ soái tìm ra diệu kế thoát nguy!
Hàng quân sư, tướng tá đều sửng sốt trước quyết định bất ngờ, ngơ ngác nhìn nhau, chưa kịp hiểu diệu kế của tên lính hầu ra sao mà lại được chủ soái tán thưởng quá đỗi, thì thấy vị tướng bỗng trở lại oai phong lẫm liệt, tay phất cờ lệnh nguyên soái chỉ thẳng lên trước mặt, dõng dạc hô to:
- Quân sĩ hãy theo ta thi hành diệu kế, tiến lên phía giặc chống lại phu nhân!
Tướng Đôn thoáng nghĩ đến chuyện xưa, không nhịn được cười trước sự ngạc nhiên của hạ sĩ tài xế thấy vị chỉ huy bỗng nhiên có một thái độ lạ lùng trong trường hợp oái oăm.
- Anh cho lái xe nấp vào khu rừng bên đường, tắt đèn đi, đợi cho xe bà qua khỏi rồi ta quay về Sài Gòn.