Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> ĐỆ NHẤT PHU NHÂN TRẦN LỆ XUÂN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47370 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ĐỆ NHẤT PHU NHÂN TRẦN LỆ XUÂN
Hoàng Trọng Miên

Chương 9

Lệ cùng chồng dọn đến một biệt thự nhỏ ở đường Hoa Hồng, Đà Lạt chẳng bao lâu thì có tin cựu hoàng Bảo Đại sắp trở về nước.

Cuối tháng ba năm 1949, Bảo Đại rời hẳn Hồng Kông trở về Việt Nam, theo lời yêu cầu của các nhóm chính trị quốc gia và sự vận động của Pháp, đang cần khoác cho cuộc viễn chinh tái chiếm thuộc địa một chiêu bài danh nghĩa.

Những cuộc "hành quân cảnh sát" cũng như bao nhiêu trận càn quét tấn công đại qui mô của quân đội Liên hiệp Pháp phải tiêu hao trước sức kháng chiến của chiến tranh du kích. Chiến tranh không giới tuyến từ Bắc đến Nam, tràn lan khắp nơi. Các thành phố lớn cũng lâm vào tình trạng bất an vì những hoạt động quấy rối của Việt Minh ở nội thành.

Cựu hoàng Bảo Đại trở về với địa vị Quốc trưởng, đóng đô luôn ở Đà Lạt và chú trọng đến các cuộc săn bắn, giải trí tại vùng Cao nguyên hơn các vấn đề chính trị rắc rối mà Pháp và các thuộc hạ quốc gia đều giành lấy để giải quyết.

Ý thức rõ vai trò quốc trưởng của mình ngày nay cũng không khác gì địa vị hoàng đế trước ngày thoái vị. Bảo Đại tiếp tục cuộc sống bên lề chính trường, mải mê theo các thú vai tiêu khiển đế vương dành sẵn cho một ông vua trị vì, được chung quanh khuyến khích, tổ chức. Người ta cũng chỉ mong Bảo Đại đừng lưu tâm đến chính trị mà chỉ biết có: săn bắn, nuôi chó và đàn bà.

Phủ Cao uỷ Pháp, theo ý kiến của các giới thực dân và mật thám Pháp kỳ cựu ở Đông Dương, phái một cựu nhân viên Việt Nam của Ngân hàng Đông Dương, làm Đổng lý văn phòng cho quốc trưởng.

Một dược sĩ thân Pháp đã sang Hồng Kông chung sống cùng Bảo Đại trong thời kỳ lưu vong được giới thiệu ra làm quản gia tin cậy cho quốc trưởng kiêm chức thủ hiến Trung Việt.

Ngoài ra, những ai có thể lui tới gần quốc trưởng cũng đều được trực tiếp hay gián tiếp có tình cảm với Pháp, hoặc liên hệ với Phòng Nhì Pháp, có nhiệm vụ "trông nom cẩn thận" cho đời sống của vị quốc trưởng Việt Nam không bị xao động bởi chính trị.

Đời sống phi chính trị của ông vua cuối cùng nhà Nguyễn trôi qua bên những lạc thú vật chất, từ biệt điện Đà Lạt đến khu nhà đi săn ở Buôn Mê Thuộc, trong khi bà hoàng hậu Nam Phương cùng các con ở bên trời Âu.

Lệ sống ở chốn Lâm Viên, vẫn nghe đến những lời bàn tán chung quanh nếp sống phóng túng, hưởng thụ của vị quốc trưởng khỏe mạnh, đa tình.

Lợi tức nhà sửa chữa xe hơi của chồng nàng hùn vốn không được dồi dào. Lệ phải nhờ hình thức chuyển ngân hàng tháng cho sinh viên du học ở Pháp mà kiếm thêm tiền để tiêu xài. Trong công việc xin "cát" để chuyển ngân hợp pháp rồi bán lại số tiền quan, Lệ đã nhờ vị Đổng lý văn phòng quốc trưởng giúp đỡ có hiệu quả.

Ông Đổng lý Nguyễn Huynh là bạn cũ ngày trước của anh chồng nàng hồi làm Tuần vũ Bình Thuận và có người em gái sắp sửa trở thành vợ Nhu nếu không có Lệ tranh mất người chồng đã đính hôn.

Cô tiểu thư bị tranh mất chồng, con thứ cụ án, em gái ông Đổng lý sau ngày đám cưới Nhu và Lệ đã âm thầm nương mình vào dòng tu kín, ngày nay đã trở thành "mẹ" bề trên tại một ngôi thánh đường ở Đà Lạt.

Vợ chồng Lệ nhận thấy ông Đổng lý chẳng những đã quên hẳn hiềm khích xưa mà còn tỏ ra sốt sắng giúp đỡ Lệ, được các đặc ân dễ dàng, và đi lại vui vẻ với ông bà Trần. Từ độ rời Hà Nội vào biệt thự đường Hoa Hồng.

Bà Trạng đang vận động đi Paris giữ chức nghị sĩ Liên hiệp Pháp đã được Phủ Cao uỷ Đông Dương chấp thuận, chỉ còn đợi sự chuẩn y của Quốc trưởng. Ông Đổng lý Nguyễn Huynh hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc hội kiến giữa Quốc trưởng và vị phu nhân cựu ngoại trường, nghị sĩ Liên hiệp Pháp tương lai.

Thế rồi, một buổi sáng, trong lúc bà Trạng đang quanh quẩn với khóm hoa hồng ở trước nhà thì nhận được giấy của ông Đổng lý vắn tắt mời vào biệt điện gặp Quốc trưởng, vừa đi săn ở Buôn Mê Thuộc về tới hôm qua.

Bà Trạng trang sức nhã lệ, đúng mười giờ, ngồi vào xe đi vào biệt điện. Ông Đổng lý đã chực sẵn đón bà Trạng rồi đưa thẳng luôn vào phòng khách đặc biệt của Quốc trưởng, bảo bà ngồi đợi ngài sắp ra và lặng lẽ biến đi.

Người quản gia của biệt điện, anh em họ với bà Từ cung, tự tay bưng một khay trà đặt trước mặt khách, rồi kín đáo bước qua phòng bên. Bà Trạng mải ngắm chiếc đầu con bò tót treo trên tường rồi nhìn đến con cọp to lớn đứng giữa nhà với đôi mắt già long lanh, những con vật tự tay chủ nhân đã bắn được thành vật trang trí, tạo nên một không khí đặc biệt ở khách thính.

Một giá gỗ đựng ống điếu thuốc Lào năm chiếc, ống nứa lên nước bóng như ngà với nét chạm gọt tinh vi, chứng tỏ chủ nhân có một thị hiếu đặc biệt, ham chuộng những đồ vật mộc mạc, man dại hơn đồ sứ, chén ngọc.

Người thiếu phụ kiều diễm hồi hộp chờ đợi, mở ví soi lại làn phấn nét son trong chiếc gương con, sửa lại mái tóc bồng bềnh, rồi vội ngẩng lên khi nghe tiếng chân lại gần.

Quốc trưởng với đôi kính đen muôn thuở, nở một nụ cười nửa miệng khi thấy vị phu nhân diễm lệ trong nhan sắc mùa thu.

- Bà ngồi. Mấy năm rồi hỉ? Tôi nhớ hồi ở Huế, bà Bộ trưởng Ngoại giao có vô trong nội, chào tôi trước khi về Bắc, thời Việt Minh khởi nghĩa, có phải không?

- Dạ, bẩm Hoàng thượng có trí nhớ lâu thật. Đúng thế đấy ạ.

- Hồi ấy, ông nhà làm ngoại giao, còn bây giờ, tới phiên bà tính đi làm nghị sĩ…

- Dạ, bẩm trăm sự cũng còn nhờ ở Hoàng thượng.

- Tôi nghe ông Đổng lý nói như rứa. Được rồi, với bà tôi tiếc chi một chữ ký. Bao giờ bà đi?

- Dạ, bẩm còn tuỳ ở quyết định của Hoàng thượng.

- Răng lại tuỳ ở tôi?

Bảo Đại mỉm cười chua chát, im lặng một lúc rồi nói:

- Chút nữa rồi ông Đổng lý đưa giấy tờ cho bà. Như rứa thì lương nghị sĩ Liên hiệp Pháp được bao nhiêu một tháng?

Cuộc hội kiến giữa nữ nghị sĩ Liên hiệp Pháp và Quốc trưởng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ trong phòng khách đặc biệt. Ông Đổng lý đi tới đi lui ngoài hành lang, nghe ngóng xem đồng hồ, rồi bước vào văn phòng, bấm chuông gọi tài xế riêng lên, bảo đánh xe đến ngay đường Hoa Hồng, rước Lệ vào có việc cần.

- Nói riêng với cô ấy là sẽ gặp riêng đức Quốc trưởng đấy nhé.

Không đầy hai mươi phút sau, chiếc xe bóng nhoáng của dinh Quốc trưởng quay về, chở một thiếu phụ trang phục lộng lẫy. Lệ tươi cười bước xuống đã thấy ông Đổng lý đon đả xuống tận thềm đón vào.

Ông hạ giọng nói một bên tai Lệ:

- Đức Quốc trưởng có ra lệnh cho tôi mời bà vào, có chuyện cần muốn gặp riêng bà đấy.

Lệ khấp khởi nghe câu nói từ chính cửa miệng vị Đổng lý văn phòng Quốc trưởng thốt ra, thấy lòng rộn rã như tiếng thông rào rạt chung quanh biệt điện. Nàng cảm thấy run rẩy bước lên dãy tầng cấp hồng cẩm thạch, vừa đến giữa hành lang thì thấy một người đàn bà từ trong phòng khách ra.

Ánh nắng ban mai rực rỡ chiếu xiên vào bóng lá thông, gió thổi chập chờn in trên vách rung rinh làm cho Lệ choá mắt không kịp nhận ra ngay là mẹ mình. Dáng đi yểu diệu và màu áo hồ thuỷ quen thuộc, những bước chân thoăn thoắt mất hút dần vào ngõ hành lang đưa ra cửa xuống một bên biệt điện. Lệ ngạc nhiên toan cất tiếng gọi, chợt ông Đổng lý đi trước nàng quay lại nói:

- Cô vào phòng khách ngồi chờ một chút, tôi vào báo với Quốc trưởng.

Lệ đang xôn xao với cuộc hội kiến bất ngờ sắp đến, cũng không còn đầu óc nào thắc mắc về sự có mặt của mẹ nàng vừa rồi. Trông thoáng qua, Lệ đã nhận thấy mẹ có một vẻ khác lạ: mái tóc hơi xoã, màu son phấn nhạt, vạt áo nhàu nếp… từ trong kia ra.

Bước vào phòng khách, Lệ còn ngửi phảng phất mùi nước hoa quen thuộc của mẹ thoang thoảng đâu đây. Ông Đổng lý thoáng nhận biết nên bảo Lệ:

- Bà Trạng vừa ở đây, gặp đức Quốc trưởng về việc bổ nhậm bà làm nghị sĩ Liên hiệp Pháp.

- Dạ, còn tôi, ông có biết Quốc trưởng cho mời về việc gì không?

- Tôi cũng không được rõ. Hình như ngài muốn mời cô dạy đàn cho công chúa thì phải. Để tôi vào báo tin cô đến.

Ông Đổng lý quay lưng vào, Lệ nhìn thấy nụ cười tinh quái chạy thoáng qua trên khuôn mặt nhỏ thó, trơ lạnh.

Lệ nhìn bóng mình mơ hồ trong tấm tranh sơn mài lớn in rõ một nửa thân hình trên. Nàng sửa lại mái tóc xoã bên trán, che kín vết bớt nhỏ mà phấn mấy lớp thoa lên không làm chìm nhạt được hẳn. Màu áo huyết dụ với chiếc cổ tròn cắt theo kiểu mới làm cho cổ cô có vẻ bớt ngắn đi, phô bày hai bên bờ vai tròn lẳng và bên trên làn ngực nâng cao.

Lệ đang tự ngắm nghía, vị Đổng lý trở ra:

- Mời cô theo tôi vào đây, Quốc trưởng đang chờ.

Theo sau vị Đổng lý, Lệ bước vào một gian phòng bên trong, thấy Quốc trưởng đang ngồi ở chiếc ghế bành lớn, hai con chó boxer lớn nằm nép dưới hai bên chân.

Trong khi Quốc trưởng ngắm Lệ từ đầu đến chân qua đôi kính râm. Ông Đổng lý lặng lẽ lui ra.

Bên ngoài trời đang nắng bỗng ùn ùn mây đen kéo đến, tối sầm cả một góc rừng núi, tiếng sấm ầm dậy, rồi mưa tuôn xối xả trong những tiếng sét rung chuyển.

Sau trận mưa giông ồ ạt, Lệ từ tư phòng biệt điện bước ra, chiếc xe hơi của dinh Quốc trưởng chực sẵn đưa về đến tận nhà.

Hôm sau nhiều tiếng thì thầm từ các biệt thự truyền đi khắp Đà Lạt rằng hai mẹ con bà Trạng vào hầu Quốc trưởng, chạm trán nhau tại biệt điện. Những miệng lưỡi thóc mách còn loan: ông Đổng lý Nguyễn Huynh đã trả được mối thù cho gia đình ngày xưa, kẻ đã từ hôn em gái ông, dâng vợ ngủ với Quốc trường để dọn đường tiến thân. Bà mẹ vợ cũng xin vào hầu Quốc trưởng để được ngài ban cho chức nghị sĩ Liên hiệp Pháp. Người ta còn phao tin rằng cả hai mẹ con còn suýt đánh ghen với nhau tại biệt điện nếu không có Quốc trưởng đứng ra bắn súng chỉ thiên giải tán. Câu chuyện "một ngày dựa mạn thuyền rồng" được thêu dệt thổi phồng thành một đề tài "trà dư tửu hậu" chung quanh các giới kế cận vị nguyên thủ quốc gia.

Lệ tỏ ra phớt tỉnh trước mọi lời đồn đại, và sau hôm vào biệt điện, mỗi chiều vẫn có xe dinh Quốc trưởng đến đón nàng. Lệ bảo với chồng là nàng đã nhận lời dạy dương cầm cho công chúa Phương Liên, mỗi ngày hai giờ. Nhu im lặng trước lý lẽ vững vàng của Lệ, song không khỏi nhận thấy có sự đổi thay ở người vợ trẻ mà chàng vẫn một lòng tin yêu.

Sự thực, tâm trạng của Lệ lúc bấy giờ ra sao?

Cuộc tiếp xúc với vị Quốc trưởng đa tình, khỏe mạnh, phong nhã đã có một ảnh hưởng dữ dội đối với Lệ. Một cái gì mới lạ, sôi động như một cơn bão táp, sấm sét, đảo lộn tận đáy lòng nàng. Từ trước, Lệ chỉ gần gũi với người chồng mềm yếu, bạc nhược, nay bỗng dưng nàng gặp một người đàn ông thực sự, một giống đực chinh phục, gợi lên cho nàng tất cả khoái lạc, đắm say, châm ngòi cho ngọn núi lửa bấy lâu nàng vẫn ấp ủ trong lòng mà không hay biết. Và ngọn lửa âm ỉ dưới lớp tro tàn dồn ép, được khơi dậy, bốc lên ngùn ngụt, như muốn đốt cháy cả con người Lệ.

Những tiềm lực thể chất và tinh thần của Lệ bỗng nhiên tăng lên gấp bội biến nàng thành một ngọn đuốc đam mê. Lệ say sưa đắm mình vào trong nguồn khoái lạc mới mẻ, bất chấp mọi tai tiếng chung quanh. Người thiếu phụ lâu nay còn e dè, gìn giữ, từ đây lao mình vào con đường tình dục lôi cuốn nàng đi như dòng thác lũ.

Khoảng không cách biệt chung quanh biệt điện có thể che đậy kín đáo những cuộc hoan lạc, hiến thân của Lệ cho vị hoàng đế hưởng thụ sống không xa đàn bà quá một ngày, song những việc âm thầm trong tư dinh Quốc trưởng dần dần đưa đến tai Nhu, người chồng muôn thuở là kẻ sau cùng hay biết vợ ngoại tình.

Sau thái độ trầm lặng, lầm lì của Nhu, Lệ cảm thấy ấp ủ một sự ghen tuông sâu sắc, âm thầm ác liệt của chồng, qua vài sự nhận xét hay những câu nói lửng lơ mỗi khi Lệ ở biệt điện trở về. Hơn một lần, bà Trạng lưu ý về sự thay đổi của nàng cũng như những lời thì thào bàn tán chung quanh.

Song Lệ gần như thách thức, vượt qua mọi dư luận, và trái lại, nàng còn có vẻ hãnh diện trở thành người tình của Quốc trưởng.

Một tối, Lệ nằm ở ghế xích đu đọc sách, nghe chồng cùng một người bạn ở Huế mới vào bàn tán đến Bảo Đại.

Nhu nói:

- Suốt đời hắn chỉ làm bù nhìn để hưởng thụ. Dù cho hắn có quyền thực sự, hắn cũng không làm nên trò trống gì. Có lẽ hắn cũng biết vậy, nên chỉ lo săn bắn với gái. Hiện giờ, chung quanh hắn chỉ toàn là bọn tay chân, mật thám Tây và ma cô, từ lão Đổng lý đến Thủ hiến Trung Việt. Pháp không muốn gì hơn mà còn khuyến khích là khác nữa…

Tiếng người bạn trọ trẹ phụ hoạ:

- Đúng, hắn ta có số đỏ làm vua thật. Anh có rõ lai lịch của Quốc trưởng nhà mình không?

- Không, tôi chỉ nghe nói là hắn thiệt ra không phải con của Khải Định.

- Chà, anh sinh trường ở Huế mà không rõ thì thiệt lạ. Khải Định cũng như Tự Đức, liệt dương thì làm sao mà có con được? Rứa anh không nghe cụ Thượng hồi còn sanh tiền nói cho biết à?

Trước sự im lặng của Nhu, người bạn kể lể:

- Khải Định chỉ là một ông hoàng thất cơ lỡ vận, nợ như chúa Chổm vì đánh bạc, được bọn Pháp đem ra làm vua hồi đày Thành Thái và Duy Tân, mà cụ Thượng nhà ta không chịu ký tên, nên mới có câu: "Đày vua không Khả, đào mả không Bài". Anh không nhớ à? Đời muốn cha truyền con nối làm vua, nên mới nhận bừa đứa con người hầu của mình làm Đông cung Thái tử. Người đàn bà tốt phước được làm mẹ vua đó, nguyên là một mụ bán hến, quê quán ở Mỹ Lợi (Hương Cần) có tiếng về quít ngon, trong khi đi bán vô ra ở trong thành nội, tằng tịu có chửa với người hầu Khải Định, rồi được đưa vô ở trong cung. Đến khi sinh được con trai, bà ta liền được Khải Định nhận lấy làm con mình, đặt tên là Vĩnh Thuỵ và phong cho bà làm Từ Cung. Nguồn gốc vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn đầu đuôi như vậy đó. Hiện thời, người quản gia họ Hoàng của Quốc trưởng là anh em họ với bà Từ Cung, cậu vua Bảo Đại đó.

Tiếng nói ngừng một lúc rồi tiếp:

- Xem Bảo Đại có gì giống Khải Định không thì biết. Được số may mắn như vậy mà hắn chỉ lo ăn chơi thôi. Làm vua trong bao nhiêu năm rồi đến Tối cao Cố vấn của Việt minh, và ngày nay Quốc trưởng Việt Nam mà chung qui chỉ làm bù nhìn cho người ta giật dây.

Nhu ngắt lời:

- Vậy anh muốn cho Bảo Đại làm gì bây giờ?

- Làm gì thì làm, chớ không lẽ đứng đầu một nước trong lúc biến loạn như vầy mà chỉ biết có ăn chơi cho thoả thích lấy riêng một mình? Anh có biết tam cung lục viện của ông ta có bao nhiêu người không?

- Tam cung lục viện ở đâu?

- Bảo Đại không có tam cung lục viện - như mấy ông vua thời trước vì thời đại ngày nay không còn hợp thời nữa, song thiệt ra số cung tần mỹ nữ của đương kim hoàng đế cũng không kém gì xưa đâu. Bao nhiêu gái đẹp ở đâu, Thủ hiến họ Phan đều tìm đủ cách để tiến vua, thay đổi món luôn cho hoàng thượng khỏi chán. Không kể cả các bà mệnh phụ phu nhân tự ý hiến dâng cho hoàng thượng để cầu cạnh mở đường tiến chức thăng quan cho chồng.

Lệ thấy nóng bừng cả mặt khi nghe nói đến đây, toan lên tiếng mỉa mai người bạn Huế đã luôn miệng nói không ngớt:

- Hoàng đế như vậy, đến hoàng thái hậu cũng không vừa. Anh có biết Thủ hiến Trung Việt nào muốn ngồi lâu tại chức cũng phải được lòng bà Từ Cung không? Họ Phan hiện giờ là "cục cưng" của đức Từ đó! Tuy bà ta đã luống tuổi, song sâm nhung tẩm bổ nhiều vào y như đang độ hồi xuân, thái giám hầu hạ toàn đàn ông, trai tơ chớ không còn là hoạn quan mới được đưa ra vào nội cung như thời xưa.

Những lời lẽ vạch trần đả kích như được sự im lặng tán thành của Nhu khiến Lệ xốn xang quẳng sách đứng lên, tiến về phía chồng:

- Nãy giờ nghe hai anh nói khá nhiều về đời tư của ông Bảo Đại và bà Từ Cung, không biết là định lật đổ triều Nguyễn hay có ý gì khác?

Giọng nửa đùa nửa thật của Lệ khiến Nhu khó chịu, chưa biết trả lời ra sao. Người bạn Huế ngỡ Lệ thực tình góp chuyện liền đáp:

- Một ông vua hộp đêm như Bảo Đại, dù có thí đi, cũng khỏi sợ mang tai tiếng bất trung. Nhưng tôi thấy Bảo Đại có hay không cũng chẳng quan hệ gì cả. Xét cho cùng, trước sau ông ta cũng chỉ là một con người bù nhìn, dân chúng không ai tin tưởng, đến cả người Pháp đã đặt ông ta lên, có lẽ họ cũng chỉ coi là một cái bình phong để che đậy những âm mưu của họ mà thôi.

Lệ hỏi gặng:

- Anh đã biết rõ về ông Bảo Đại, vậy ví dụ ở địa vị của ông ta trong lúc này thì anh sẽ làm gì?

Câu hỏi bất ngờ của Lệ làm cho Nhu và người bạn Huế cũng không biết trả lời sao cho xuôi.

- Tôi nhường cho anh Nhu nói trước. Ừ, ví anh là Bảo Đại, anh sẽ làm gì khác hơn nếu không ham săn bắn, nuôi chó và thích đàn bà?

Nhu đâm ra lúng túng rồi gượng cười:

- Nhu tôi có phải là Bảo Đại đâu.

Lệ dồn dập nói:

- Thế sao lại chê trách ông ta! Tôi thấy dù các anh ở vào hoàn cảnh ấy cũng không làm gì khác hơn được. Vì bị bao vây, và Pháp có để cho mà làm đâu. Còn nguồn gốc ông ta, dù không phải huyết thống hoàng tộc, xuất thân dân đã đi nữa cũng chẳng làm sao. Ông ta ngồi ở ngai vàng bao lâu nay, mọi người công nhận là vua, thế là đủ rồi, có cần gì phải kê khai gia phả mới được coi là chân mạng đế vương?

- Chị Nhu bảo hoàng ghê hỉ?

Lời nói của người bạn Huế như khích động Lệ, trước nụ cười khó hiểu của Nhu.

- Anh không biết là tôi có dòng máu hoàng tộc à? Bà ngoại tôi là con gái của vua Kiến Phước, dĩ nhiên tôi phải bảo hoàng rồi. Nhưng đó là một vấn đề khác. Nghe câu chuyện của các anh, tôi chỉ muốn hỏi tại sao lại thù ghét ông Bảo Đại đến thế?

Nhu ngắt lời:

- Việc gì mà thù ghét Bảo Đại? Dễ thường phê bình ai là phải thù ghét hay sao?

Người bạn Huế tiếp theo:

- Chúng tôi chỉ phân tích những sự việc, chứng liệu về con người chính trì bất lực của Bảo Đại.

Lệ cãi lại:

- Nhưng Bảo Đại có phải là con người chính trị không mà bảo ông ta bất lực?

Nhu không ngờ vợ mình chằm chặp bênh vực con người mà chàng vừa thiếu thiện cảm, vừa ngấm ngầm có mặc cảm chống đối, nhất là từ khi mang máng nghe những lời bàn tán về Lệ trong biệt diện quốc trưởng. Song chàng không muốn bộc lộ ý nghĩ của mình trước mặt người bạn Huế, nên chỉ nói:

- Dù muốn hay không, Bảo Đại cũng không thể đứng ra ngoài vòng chính trị, vì ông ta là Quốc trưởng, và phải biết mình là lá bài của Pháp đưa ra để chống lại Việt Minh, rồi Mỹ dùng để đương đầu với Pháp.

Lệ không chịu thua:

- Thế chẳng phải Bảo Đại đã đòi hỏi được Pháp nhượng bộ nhiều điểm hơn là ông Hồ Chí Minh hay sao?

Nhu cười nhạt:

- Phải, Pháp đã nhượng bộ cho Bảo Đại những điểm mà họ đã từ chối với ông Hồ Chí Minh, vì họ thấy rõ Bảo Đại không có ảnh hưởng gì trong dân chúng và những điểm nhượng bộ trên nguyên tắc giấy tờ chỉ là hữu danh vô thực, mọi quyền hành vẫn ở trong tay người khác. Họ đưa Bảo Đại ra để làm bình phong cho dễ dàng tiếp tục chiến tranh chiếm lại xứ này mà thôi. Bảo Đại có thể làm một ông vua bù nhìn, nhưng nếu vô ý thức đến độ không biết mình là lợi khí để cho Pháp lợi dụng mà chống lại xứ sở thì không thể chối cãi tội trạng đối với lịch sử được.

- Anh cho là Bảo Đại có thể vô ý thức đến độ ấy hay sao?

Nhu nhìn vợ một lúc rồi đáp:

- Điều đó cũng còn đợi xem sao đã.

- Anh theo đuổi chính trị, anh Thượng cũng hay tiếp xúc với ông Bảo Đại, sao không nói rõ những điều đó ra?

Nhu im lặng thở khói thuốc lá rồi trầm trầm nói:

- Anh Thượng có nói cho ông Bảo Đại biết chớ, song ông ta không tỏ ý ra sao cả, và cũng vì vậy nên anh Thượng mới đi Mỹ.

Lệ có vẻ thắc mắc thành thật hỏi:

- Anh nghĩ ông Bảo Đại chỉ có thể là một thằng cha ngốc hay sao?

Thấy câu chuyện đã xoay qua một hướng khác, người bạn Huế lên tiếng:

- Có lẽ Bảo Đại chịu mang lấy tiếng ngốc để ăn chơi, hưởng thụ cho thoả thích thì đúng hơn.

Hai hôm sau, Lệ bảo chồng là nàng đi chơi rừng với cô học trò dương cầm, công chúa Phương Liên, đến tối mịt mới về. Nhu không tỏ vẻ nghi ngờ và cũng không để ý đến những dư luận chung quanh việc Lệ vào biệt điện mỗi chiều dạy âm nhạc, có xe dinh Quốc trưởng đón rước. Vị Đổng lý họ Nguyễn thỉnh thoảng gặp Nhu vẫn chuyện trò như không có việc gì xảy ra.

Cuộc sống êm đềm của gia đình Nhu như cảnh rừng núi lặng lẽ chốn cao nguyên bình thản trôi qua. Bỗng một chiều, Nhu nhận được một phong thư bảo đảm đề tên chàng trong đó có hai bức ảnh. Nhu tưởng mình hoa mắt trông nhầm khi thấy Lệ mặc quần áo tắm ngồi bên cạnh Quốc trưởng ở bên bờ suối. Tấm hình thứ hai, chụp cảnh trần truồng của hai người ở một góc rừng.

Nhu thoáng nghĩ đây có thể là những hình chắp nối theo lối xảo thuật của nhiếp ảnh ngày nay, song lòng ghen dữ dội của người chồng thấy rõ vợ ngang nhiên ngoại tình không kềm giữ được chàng ở trong thái độ trầm tĩnh hàng ngày được nữa.

Đầu óc Nhu quay cuồng lên, nghĩ đến những hình thức trừng trị vợ và báo thù kẻ đã cắm sừng lên đầu mình, song đến khi thấy Lệ từ xe dinh Quốc trưởng bước vào nhà, có vẻ ngạc nhiên trước đôi mắt sắc lạnh của chồng, Nhu chỉ lặng lẽ trao hai tấm ảnh cho vợ.

Lệ thoáng nhìn hai tấm ảnh, liếc qua chồng, rồi thong thả buông mình xuống ghế, im lặng đợi chờ. Nhu không bỏ qua một cử chỉ nào của Lệ, nhìn thẳng vào mặt vợ như dồn đối thủ vào chân tường. Hai người như hai con thú rừng đang giữ miếng sắp vồ nhau.

Trong im lặng nặng nề, nghe rõ cả hơi thở của mình, Nhu căm hận nhìn Lệ đang tức tối ngồi lỳ rồi vùng xé nát hai tấm ảnh.

Nhu cười gằn, lạnh lùng nói:

- Xé tan ảnh, nhưng có tiêu tan được tiếng ngủ với trai không?

Lệ chẳng khác nào một con thú dữ mắc bẫy, chồm lên:

- Phải, tôi ngủ với trai, rồi sao nữa?

Thái độ và giọng khiêu khích của Lệ khiến Nhu cau mày, khinh bỉ nhiếc mắng:

- Ngủ với trai, ngoại tình, đẹp lắm chớ còn sao! Có giống mà, mẹ nào con nấy, thiên hạ biết tiếng, danh giá lắm, ngủ với Quốc trưởng mà!

Những lời chua cay của Nhu như làm cháy bùng người vợ phạm tội, khiến Lệ điên tiết lên, to tiếng:

- Tôi có cần chối cãi đâu? Tại sao tôi lại ngủ với trai? Làm chồng phải biết tại sao vợ đi ngủ với trai chứ?

Nhu không chờ đợi ở một sự phản ứng bất ngờ như vậy, giận sôi lên, uất nghẹn:

- Tại sao?

Lệ nhấn mạnh từng tiếng trả lời:

- Còn tại sao nữa? Tại vì anh bất lực!

Nhu không còn dằn được bình tĩnh trước lời nói như đốt vào mặt người chồng mọc sừng, xông lại tát Lệ túi bụi rồi giận dữ bỏ đi ra ngoài.

Lệ cũng như chồng đều không rõ hai bức ảnh kia do ai gởi đến, và kẻ đã tò mò chụp trộm là ai.

Trong khi đó ông Đổng lý Nguyễn Huynh vẫn thản nhiên như không hề biết việc gì.

Nhu dò la mãi về sau mới biết tác giả đã đưa đẩy vợ mình vào tay Quốc trưởng, lén chụp các tấm ảnh trấn truồng rồi gởi đến cho chàng không ai khác hơn là họ Nguyễn trả thù chàng đã vì Lệ mà phụ hôn cô em gái ông ta, khiến cô buồn tủi phải đi tu, đồng thời mang tai tiếng cho gia đình cụ án Nguyễn.

Mối hiềm khích bao nhiêu năm như không còn nhớ đến, ông Đổng lý đã chọn vào lúc bất ngờ nhất, âm thầm dấy lại, gây nên bão táp phá vỡ yên vui hạnh phúc gia đình như gieo những lời đồn đại mỉa mai, theo đuổi giày vò mãi Nhu không biết đến bao giờ.

Nhu đang sống trong tình trạng khủng hoảng gia đình thì nhận được thư của anh từ Mỹ gởi về, kèm theo những mẩu cắt trong báo Mỹ, nhắn nhủ kín đáo cho Nhu rõ Hoa Thịnh Đốn bắt đầu chú trọng đặc biệt đến Bảo Đại, từ khi hồng quân Trung Hoa tiến tới biên giới Bắc Việt.

Giữa lúc đó, Ngô Đình Luyện, người em út Nhu từ Sài Gòn lên Đà Lạt gặp anh trước khi đi Pháp. Câu chuyện của hai anh em xoay quanh vấn đề thời cuộc đang biến chuyển.

Luyện nói:

- Cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh đã bước vào một giai đoạn mới, từ khi quân của Mao Trạch Đông tràn xuống biên giới nước mình. Pháp và Mỹ muốn quốc tế hoá vấn đề Đông Dương trong khuôn khổ cuộc xung đột giữa hai khối Tây phương và Cộng sản. Nhờ đó Bảo Đại ngày nay trở nên "lá bài của Mỹ" theo sự tham gia viện trợ của Mỹ vào chiến tranh ở đây.

Nhu đưa ra mấy bài báo vừa nhận được "của anh Thượng gởi".

- Theo đây, dư luận Mỹ trước cho Bảo Đại là một kẻ đào ngũ, truỵ lạc, một ông vua hộp đêm, ngày nay đã thay đổi hẳn, bắt đầu gọi Bảo Đại là "kẻ vô địch bảo vệ pháo đài tự do đang bị Công sản đe doạ".

Luyện góp ý kiến:

- Mỹ càng viện trợ càng can thiệp vào Việt Nam thì uy thế Bảo Đại càng tăng. Anh Thượng đang vận động bên kia, Mỹ có đưa về chấp chính cũng phải có sự đồng ý của Bảo Đại. Như vậy, ở đây chúng mình cần làm sao để gây ảnh hưởng đối với Bảo Đại thì việc trở về của anh Thượng cũng được dễ dàng thêm.

Lệ ngồi lắng nghe anh em chồng bàn bạc, lên tiếng nói:

- Nếu cần gây thiện cảm với ông Bảo Đại, tôi đang dạy cho công chúa Phương Liên, tôi sẽ lãnh công tác ấy.

Luyện không rõ ẩn tình của chị dâu và thấy Nhu im lặng, liền tán thành:

- Có chị giúp một tay để ngoại giao vận động cho anh Thượng thì hay lắm.

Nhu vẫn không nói gì, Lệ nghĩ chàng đã ưng thuận và cũng không biết làm sao để ngăn cản nên sau đó, nghiễm nhiên trở thành nữ nhân vật vận động bên cạnh Quốc trưởng cho địa vị Thủ tướng tương lai của anh chồng.

Cuộc dan díu tình dục của Lệ khoác lên một màu sắc chính trị, khiến cho nàng tự gánh lấy một vai trò quan trọng.

Thái độ im lặng, lạnh lùng của Nhu khiến cho Lệ càng tự ý phóng túng.

Lệ bắt đầu chú ý đến các nữ nhân vật liên hệ đến chính trị và mải mê đọc tiểu sử những Marie Stuart, Catherine de Médicis, Cléopatre, Marie - Antoinette, Lucrèce Borgia... Lệ đã tự tay chọn mua lấy những sách chữ Pháp này trong các chuyến về Sài Gòn.

Từ ngày thấy rõ tính nết lăng loàn quá độ của vợ, Nhu càng trở nên bình thản thâm trầm, lạnh lùng ít nói trong khi nghiền ngẫm theo đuổi con đường chính trị tương lai. Chàng ít khi ra ngoài và càng mải miết đọc sách, ghi chép bên cạnh bàn đèn á phiện.

Nhu có thể mượn chất ma túy để quên được tâm trạng khốn khổ của người chồng biết vợ ngoại tình không? Tại sao chàng lại không quyết liệt ngăn chặn vợ ngang nhiên đi lại với người đàn ông khác?

Thực ra, Nhu không đủ cường lực, do ở trạng thái bất lực của chàng. Mặc cảm không chinh phục được Lệ trong đời sống chăn gối đã làm giảm cả nhuệ khí của người chồng trước mặt vợ. Nhu không còn đủ sức chi phối, thiếu uy quyền của người đàn ông răn bảo được Lệ. Tình trạng nhu nhược trước một người vợ đòi hỏi nhiều mà không được thỏa mãn khiến Nhu đâm ra lặng lẽ, ít nói ít cười, luôn luôn có mặc cảm tự ti về sinh lý. Tư tưởng thầm kín về sự yếu đuối của Nhu càng bộc lộ rõ rệt trong đời sống đôi lứa, từ sau ngày chàng nhận hai tấm ảnh quái ác tố cáo cảnh tượng ngoại tình của Lệ. Nhưng làm thế nào mà Nhu có thể đóng vai "chồng chúa vợ tôi" trước một người đàn bà vẫn bất mãn, tuyệt vọng chứng kiến sự bất lực của chồng?

"Matrimonium non consummatum est" - cuộc hôn phối không thành tựu - Nhu nhớ đến câu chữ La-tinh đã đọc qua trong một cuốn tình sử vua chúa thời còn đi học ở trường dòng Chartres và người chồng bất lực không có được sự bảo vệ nào trước người vợ phóng túng.

Nhu có thể viện ra lý lẽ để kêu gọi Lệ đừng tiếp tục phạm vào các điều răn thứ sáu (chớ làm sự dâm dục) và thứ chín (chớ muốn vợ chồng người) trong 10 điều răn của Chúa không có ảnh hưởng gì đối với Lệ là người theo đạo vì lễ nghi hình thức bắt buộc trong khi lấy chồng, chớ không phải vì tín ngưỡng.

Nhưng nguyên nhân chính việc ngoại tình há chẳng phải là sự bất lực của Nhu và sự không thoả mãn của Lệ hay sao? Trong điên cuồng tình dục, Lệ trở thành một người đàn bà tuyệt vọng đáng thương hay đáng nguyền rủa? Đời sống lứa đôi thiếu quân bình không có giá trị tình cảm, tinh thần nào bù đắp đã xô đẩy Lệ đi tìm kiếm những khoái lạc thoả mãn mà Nhu đã không đưa lại cho nàng.

Tình trạng bi đát này kéo dài càng làm cho Nhu thêm lầm lỳ, khốn khố, với những lời lẽ thị phi chung quanh thị trấn Đà Lạt nhỏ.

Trong khi ấy, thời cuộc bên ngoài càng dồn dập: chiến tranh bùng nổ ở Triều Tiên, Mỹ tăng cường viện trợ ở Đông Dương, tham dự vào những quyết định chính trị và quân sự.

Nhu lại tiếp tục được thư anh từ Hoa Thịnh Đốn gởi về báo tin đã được Giáo hội Mỹ, qua sự đỡ đầu của Hồng y Spellman ủng hộ cho công cuộc vận động của Ngô Đình Diệm.

Dịp tốt đã đến với Nhu để rời bỏ không khí nặng nề của Đà Lạt. Chàng bảo Lệ:

- Mỹ đã nhất quyết nhảy vô vòng chiến ở xứ mình, viện trợ thêm nhiều, thế nào rồi cũng lấn át ảnh hưởng của Pháp và thay thế họ trong tương lai. Anh Thượng vừa biên thư cho hay có nhiều hy vọng sẽ được Mỹ đưa về cầm quyền.

- Thế còn ông Bảo Đại?

- Ông Bảo Đại dù sao cũng đã đi sâu với Pháp, lại không được dân chúng tín nhiệm mấy, có thể chỉ còn giữ danh vị Quốc trưởng thôi. Chứ quyền hành thực sự tất nhiên Mỹ sẽ giao cho người họ tin cẩn. Nhân vật có uy tín, chống Pháp, được lòng Mỹ, Hoa Thịnh Đốn đã chọn không lầm, đó là anh Thượng. Giáo hội Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ anh Thượng, theo tin trong thư anh vừa nhận được. Như vậy, anh tính phải về ở Sài Gòn.

Lệ ngạc nhiên trước quyết định bất ngờ của chồng:

- Về Sài Gòn làm gì?

Nhu trình bày kế hoạch của mình:

- Đi đôi với cuộc vận động của anh Thượng ở bên Mỹ, ở trong nước mình phải tạo nên một lực lượng để làm hậu thuẫn ủng hộ anh Thượng trở về cầm quyền chớ. Chương trình và sách lược hoạt động, trước đây anh đã bàn kỹ với anh Giám mục, anh Thượng, chú Luyện rồi, bây giờ đã đến lúc phải đem ra thi hành.

Lệ nhìn chồng, nhận thấy con người nhu nhược trong đời sống chăn gối đã trở nên hoạt bát, sâu sắc khi đề cập chính trị và lòng nàng không khỏi cảm mến, hy vọng ở tương lai mà chồng có thể mang lại. Nhu nói tiếp:

- Xét tình hình hiện thời, có Mỹ nhúng vào, thế nào rồi chiến tranh cũng không còn kéo dài lâu nữa và ngày anh Thượng trở về không còn xa. Anh định về Sài Gòn, một mặt liên kết, tập hợp các bạn hữu, đồng chí, một mặt vận động ra một tờ báo để làm cơ quan cho công cuộc vận động chính trị này. Em sẽ có thể giúp anh được nhiều trong việc tổ chức, liên lạc, hoạt động dọn đường cho anh Thượng về cầm quyền.

 

Lệ nhìn chồng một cách cảm mến, quên hẳn mặc cảm bất lực của Nhu và nàng cũng bị lôi cuốn theo những lời nói trầm trầm đang tạo ra ảo ảnh cho một ngày mai quyền thế sáng chói của anh em họ Ngô, mà Lệ là người đàn bà độc nhất đứng giữa.

 

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 959

Return to top