Tiếng súng nổ dồn dập trong trận đánh chống giữ cứ điểm cuối cùng của trung đoàn Thủ đô giữa lòng thành phố vang dội đến tai Lệ đang một mình trằn trọc ở biệt thự đại lộ Gambetta. Nàng nhớ đến những lời thành khẩn của hoạ sĩ Phạm mà thấy lòng vấn vương mặc cảm phạm tội.
Giữa Lệ và các nam nữ bị thương đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, thiếu thuốc men, thông cảm nào khiến nàng thấy có một bổn phận phải ra sức giúp đỡ. Họ chiến đấu cho những gì, xả thân hy sinh vì đâu. Lệ thấy không quan hệ đến mình. Tại sao lại còn phải thắc mắc?
Họ đứng về hàng ngũ đối phương, phe đã giết hại người trong gia đình Lệ, đã bắt bớ làm nhục nhã nàng. Lệ không tố cáo, chỉ điểm cho Pháp quét sạch họ đi, thế là tốt rồi. Còn nàng cứu trợ cho họ nữa thì thật phi lý? Nhưng tại sao hoạ sĩ Phạm tin cậy ở nàng, đưa nàng đến tận hang ổ, và còn hy vọng Lệ nghe theo nữa? Dù là bạn cũ, nhưng làm sao chàng nghệ sĩ kia lại có thể tin Lệ đến thế? Tin người ở trong một tình trạng xã hội rối ren, giữa lúc thành phố có chiến tranh, mà đôi bên đối địch đang tìm đủ mọi cách để triệt hạ kẻ thủ? Phạm không sợ Lệ có thể là kẻ dọ thám của Pháp, nhận lời hợp tác để trà trộn vào hàng ngũ kháng chiến mà phá hoại chăng?
Bao nhiêu câu hỏi, Lệ đem ra phân tích nhưng vẫn không biết thế nào là đúng.
Hôm sau, Lệ tìm đến địa điểm của Phạm. Bước vào căn phố nhỏ sâu lòng, nàng chui qua hai vách tường đục thủng, đẩy một tấm tranh chắn lối vào đến phòng hoạ. Lệ đằng hắng lên tiếng, không nghe thấy gì, vơ lấy ngọn diêm đốt sáng ngọn nến: Nàng đặt lên bàn gói bông và mấy ống thuốc viên trụ sinh lấy ở nhà bà Trạng, đi lại trong căn phòng âm thầm, bóng mình chập chờn trên những hình ảnh treo quanh tường. Lệ có cảm tưởng như mình đang sống trong một không khí tiểu thuyết quái đản giữa khung cảnh dị thường này.
Vài tiếng nổ ầm ì của trọng pháo văng vẳng lại, nhắc nhở Lệ trở về thực tại ác liệt của chung quanh. Bỗng một tiếng cười trong trẻo, tiếp theo tiếng nói của đàn ông rồi Lệ nhìn thấy một bức tranh dựng bên tường động đậy từ từ đẩy qua một bên, hoạ sĩ Phạm chui ra với một thiếu nữ đi sau.
- Lệ, tôi tin thế nào Lệ cũng đến mà, cô Hạnh phục tôi chưa?
Hoạ sĩ Phạm chưa kịp giới thiệu Lệ đã nhận ra thiếu nữ súng sính trong chiếc áo vá rơi nhà binh, là bạn học có tiếng là tinh nghịch nhất và múa hay nhất của bà vũ sư Parmentier. Cô gái cởi súng các-bin ở vai đặt lên bàn, rồi ôm chầm lấy Lệ, mừng rỡ:
- Trời ơi, Lệ! Mình tưởng "cậu" sống sung sướng quá mà không ra khỏi được "lầu son gác tía" kia chứ!
Lệ không khỏi cảm động trong sự gặp gỡ bất ngờ, nhìn thẳng mặt bạn:
- Tiểu thư Hạnh bỏ múa để vác súng từ bao giờ thế?
- Từ đêm nổ súng ở Hà Nội đấy. Lệ theo bọn mình cho vui nhé?
Lệ ậm ừ đáp:
- Mình có biết bắn súng như Hạnh đâu.
- Cứ nhắm cho đúng đầu thù rồi bấm cò súng nổ là biết bắn rồi. Học bắn không khó bằng học múa đâu, Lệ ạ. Tối qua nghe anh Phạm gặp Lệ, mình vui quá, cả đêm cứ nghĩ tới Lệ, chỉ sợ Lệ không trở lại thì mình buồn ghê lắm. Bây giờ có Lệ đây, mình bắt cóc Lệ đi luôn, để thành lập một trung đội tiểu thư thủ đô đánh Pháp mới được.
Trước sự ríu rít của người bạn cũ chân thành, Lệ đâm ra lúng túng, song bình tĩnh lại ngay, thẳng thắn trả lời:
- Lệ không thể như các anh chị được.
Hạnh có vẻ ngạc nhiên:
- Sao lại không thể được? Lệ không phải là người Hà Nội ư? Có mấy cô bạn cũng tiểu thư khuê các như Lệ ấy, bây giờ hăng ra phết! Hay là… thôi mình hiểu rồi. Lệ bị đức lang quân xỏ mũi buộc ở xó bếp chứ gì?
Lệ cười gượng không muốn nói cho bạn rõ tâm trạng và hoàn cảnh cách biệt của mình, trả lời cho qua chuyện.
- Hạnh đoán đúng đấy. Lệ có còn độc thân để tự do bay nhảy như Hạnh đâu!
Hoạ sĩ Phạm không nói cho Hạnh hay việc Lệ mới trở về thành, và cũng không mong gì lôi cuốn được Lệ theo nên nói chen vào:
- Mỗi người một hoàn cảnh. Giúp cho kháng chiến là được rồi, miễn Lệ có lòng thôi, chứ cô Hạnh muốn cho ai cũng vác súng như cô!
Hạnh ngắt lời:
- Thôi đi anh! Hạnh đang "địch vận" Lệ mà anh nói thế thì hỏng kế hoạch mất rồi.
Qua tiếng cười, Lệ nói:
- Tôi chỉ lấy được có một ít thuốc ở nhà mang biếu anh Phạm đây thôi. Không biết mua ở đâu lúc này, cũng không biết xoay đâu cho có.
- Cám ơn Lệ nhiều lắm. Bây giờ cũng không dám làm phiền Lệ nữa, vì bọn này không còn ở đây lâu.
Hạnh tiếp lời đề nghị:
- Lệ có thể ở lại với bọn này vài giờ nữa để chia tay nhau không?
Lệ chưa biết trả lời ra sao thì Phạm hỏi:
- Lệ không nhận lời cũng không được đâu, vì Hạnh đã lên tiếng mời rồi, Lệ hãy ở lại đây chờ bọn này đi rồi về…
Thấy Lệ có vẻ ngẩn ngơ, Hạnh cất tiếng cười nói:
- Anh Phạm muốn chọc Lệ đấy. Anh ấy tếu lắm, bịa chuyện xin thuốc men để thử xem Lệ thế nào đấy thôi. Anh lại muốn đóng kịch với Lệ nữa, méo mó nghề nghiệp mà. Chẳng là anh Phạm phụ trách về văn nghệ, muốn có Lệ theo để múa. Nhưng gặp Lệ rồi, mình biết Lệ không đi được. Chúng mình đành chia tay.
Hạnh cầm lấy súng, một tay nắm tay Lệ, nhìn thẳng vào mặt bạn:
- Không biết bao giờ chúng mình gặp lại nhau đây! Thôi Lệ về nhé!
- Hạnh đi nhé!
Phạm nói:
- Để tôi đưa Lệ trở ra ngoài. Tôi còn phải từ giã đường phố Hà Nội nữa chứ.
Lệ lặng lẽ ra về, không ngờ rằng nàng vừa từ giã hai người bạn, trong đêm ấy, trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành phố, chấm dứt cuộc chiến sau sáu mươi ngày đêm cầm cự giữa lòng Hà Nội.
***
Tiếng súng, lựu đạn nổ ầm ì một hồi về phía khu chợ Đồng Xuân, tiếp theo là những tiếng đại bác rung chuyển cả thành phố, rồi im lặng bao trùm. Trong im lặng nghe rõ tiếng hơi thở, Lệ nằm yên trên giường, lòng nghĩ vẩn vơ sau cuộc gặp gỡ ban chiều.
Tâm trí nàng đang bấn loạn thì nghe có tiếng chân của bà Trạng đến gần.
- Con chưa ngủ à?
Nàng vờ nhắm mắt không trả lời, lắng nghe tiếng nói chuyện rì rầm ở phòng khách giữa mẹ và viên công sứ Pháp.
Từ hôm trở về Thành, bà Trạng nhiều hôm vắng nhà, ở lại với người tình cũ và thỉnh thoảng Jacquet đến chơi, ngủ lại luôn, vì ngồi nói chuyện quá giờ giới nghiêm.
Có đêm, trong đêm khuya vắng, giữa những tiếng súng nổ vẳng lại Lệ nghe cả những tiếng vẳng lại ở phòng ngủ bà Trạng, nàng lăn lộn không ngủ được. Có lúc nàng muốn kêu thét lên vì ngực nặng thở, nghĩ đến cảnh diễn ra chỉ cách nàng một bức tường và những hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức của Lệ chợt nổi dậy. Lệ lại trải qua một cuộc khủng hoảng tình dục giữa thành phố nặng nề không khí chiến tranh.
Sau hôm trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, viên cựu công sứ Jacquet được tin Pháp cho hay vội đến báo cho bà Trạng và Lệ biết để nhắn chồng trở về.
Bà Trạng có vẻ như tiếc rẻ những ngày vừa qua trong khi bảo người U già vào Hà Đông nhắn ông Trần và con rể vào Hà Nội, rồi bà nói với Lệ:
- Mẹ có nhờ ông Jacquet giới thiệu ba với mấy nhân vật cao cấp trong uỷ viên Cộng hoà Pháp. Chắc chắn thế nào ba về, họ cũng mời tiếp xúc.
Bà Trạng im lặng nhìn con gái hồi lâu, rồi nói tiếp:
- Mẹ thấy rằng chồng con có thể nhờ ở con sự khôn khéo mà làm nên việc lớn, bên cạnh anh Thượng con đang có nhiều hy vọng ra chấp chính. Trái với tục lệ hủ lậu ngày xưa để lại, người đàn bà ngày này không nên ở xó bếp, phải ra xã hội hoạt động. Mẹ tin con cũng không thể sống theo thói thường phụ nữ mình, mà biết nắm lấy cơ hội lập nên sự nghiệp vẻ vang cho mình, cho chồng.
Những lời tâm sự có tính cách giáo hoá của bà Trạng đáp ứng với hoài vọng của Lệ và không ngờ có một ảnh hưởng quyết định trong đời nàng về sau.
Lệ sống trong một không khí hỗn độn giữa một thành phố tràn ngập những dân buôn lậu hàng hoá, đầu cơ chính trị, trung gian đủ mọi thứ. Người ta đua nhau ăn chơi, lăn xả vào cuộc sống vật chất, xa hoa sau những tháng ngày thiếu thốn, nguy hiểm cạnh những chết chóc đang tiếp diễn ở chung quanh còn ngập tràn lửa đạn. Dư âm cuộc kháng chiến và mặt trận bên ngoài thành phố vang dội về như thúc giục người thị dân hối hả tận hưởng cuộc sống trước những ngày mai bấp bênh.
Hà Nội trở nên một thành phố xả hơi cho binh sĩ của đạo quân viễn chinh từ các mặt trận đổ về nghỉ ngơi. Quán rượu, tiệm nhảy, hộp đêm mọc lên khắp nơi, tăng theo quân số. Số gái điếm cũng tràn ngập Thủ đô theo nhu cầu gia tăng của quân đội Liên hiệp Pháp.
Tiền từ các ngân hàng tuôn ra, tương ứng với số người đầu quân và máu đổ ở chiến trường. Người Pháp cố tô vẽ cho một thành phố có một bộ mặt phồn thịnh, xa hoa giả tạo để lôi cuốn những người ở bên ngoài về với cuộc sống bơ sữa, đầy đủ vật chất, trái ngược với cảnh thiếu thốn ở hậu phương.
Đồng thời, những danh từ tự do, độc lập được thổi phồng lên, khoác cho công cuộc tái chiếm thuộc địa một hình thức cám dỗ, mệnh danh là quốc gia, với những nhân vật bù nhìn do Pháp đặt để giựt dây.
Giữa khung cảnh hỗn độn ấy, bà Trạng mãi lo theo đuổi cái ghế nghị sĩ Liên hiệp Pháp tương lai và bận rộn theo các buổi tiệc tùng; khiêu vũ, chỉ mong Bảo Đại trở về ngôi hoàng đế để thực hiện giấc mộng bấy lâu ôm ấp.
Ông Trần mở lại văn phòng luật sư, song cũng bỏ cả thì giờ lo chạy vận động để trở lại chính trường.
Lệ mải lo theo đúng thời trang các kiểu quần áo, phấn son, nước hoa, uốn tóc, mặc chồng vùi đầu bên đống sách. Về phần Nhu từ hôm người anh cựu Thượng thư vào Sài Gòn, ngày đêm mải miết nghiên cứu sách chính trị và giải buồn bằng cách lui tới tiệm hút phố Mã Mây, trong khi chờ tin của Diệm tổ chức nội các.
Mùa thu đã chớm về Hà Nội. Một tối Lệ cùng chồng đi xem chiếu bóng về, thấy người khách lạ đang ngồi đợi ở nhà. Nhu đọc bức thư của khách trao tay, mới biết đây là một linh mục từ Sài Gòn ra, mang những tin tức của Diệm.
Người tu hành trẻ tuổi tự giới thiệu rồi nói:
- Cụ Ngô nhờ tôi nói lại cho ông hay cụ đã gặp đức Tổng Giám mục Spellman, và được sự hứa hẹn ủng hộ của Công giáo Mỹ, cùng như của Pháp và Vatican. Theo lời cụ, chiến tranh Việt - Pháp hiện thời đang chuyển thành cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ tại Đông Nam Á. Mỹ sẵn sàng ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, với một chính phủ quốc gia không chịu ảnh hưởng của cộng sản. Cụ Ngô có được tin mới nhất, vị đại sứ Mỹ ở Pháp, ông Bullitt nhân vật có ảnh hưởng lớn của Đảng Cộng hoà Mỹ, có ghé Hồng Kông gặp đức Bảo Đại và xác nhận ý định của Mỹ tán thành ngài trở về nước chấp chính.
Linh mục ngừng một lúc, tỏ ra tin tưởng:
- Theo các giới trong Nam, thế nào cụ Ngô cũng được mời ra lập nội các. Vừa rồi đức Bảo Đại có mời những đại diện các đảng phái sang Hồng Kông, cho ngài biết rõ về tình hình nước nhà, hầu tìm phương kế đem lại hoà bình, có 24 đại biểu sang đó. Ở Nam có các ông Nguyễn Văn Sâm, người của Mặt trận Liên hiệp quốc gia, Nguyễn Văn Tâm, Mặt trận Nam Kỳ quốc, Trần Quang Vinh, Tư lệnh giáo phái Cao Đài, Nguyễn Phan Long, chính khách… Ở Trung có các ông Trần Văn Lý, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Huế, Trần Thanh Đạt Chủ Tịch quốc gia Liên hiệp, Cao Văn Chiếu, đại diện trí thức Trung Kỳ, Trần Văn Tuyên, đại diện phong trào dân chúng… Các lãnh tụ lưu vong ở Tàu, Nguyễn Hải Thần, anh em Nguyễn Tường Tam… cũng tề tựu đông đủ về Hồng Kông: Cụ Ngô không đi, bảo là đợi đức Bảo Đại mời thẳng cụ mới qua. Cụ còn nhắn ông bà nên thu xếp để vào Nam, ở Sài Gòn hoặc Đà Lạt cho thuận tiện công việc sắp tới đây ông bà có nhắn gì, ngày mai tôi trở lại; sáng mất tôi sẽ trở vô Sài Gòn. Sau khi tiễn linh mục đưa tin ra về Nhu quay vào vặn radio lên, nghe tin đài Con Nhạn của quân đội viễn chinh Pháp loan báo các sự thắng lợi trong cuộc hành quân đại qui mô vừa diễn ra mấy ngày nay ở vùng Trung du và Việt Bắc mười tiểu đoàn bộ binh, ba đoàn thiết giáp, cùng đại bộ phận nhảy dù đã tung ra ở miền thượng du Bắc Việt, định bất ngờ vồ lấy các nhân vật và cơ sở của chính phủ Việt Minh, tiêu diệt quân đội chính qui và các căn cứ tiếp tế, chiếm đóng vùng biên giới Quảng Tây, từ Lạng Sơn đến Cao Bằng để cắt đường tiếp viện chiến cụ từ Trung Hoa sang. Quân nhảy dù thả xuống Bắc Cạn định đánh cú bất thình lình, nhưng ông Hồ Chính Minh và các yếu nhân quan trọng Việt Minh đã đi khỏi nơi đây hôm trước.
Sau những tin tức thắng lợi của Bộ tham mưu từ Sài Gòn loan ra, cho rằng toàn bộ cơ cấu chỉ huy của đối phương bị tan vỡ, đài Con Nhạn nhấn mạnh rằng mục đích cuộc hành quân lớn lao này là đánh một đòn quyết liệt vào uy thế Việt Minh, đồng thời dọn đường cho cựu hoàng Bảo Đại trở về nước đầu xuân 1948. Tiếp theo, một lời tuyên bố của một nhân vật cao cấp Pháp ở Sài Gòn trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn viên hãng Reuter vang lên:
"Những cuộc hành quân đang diễn ra có mục đích mở đường cho cuộc thương thuyết với Bảo Đại được dễ dàng. Hồ Chí Minh dồn vào cảnh bị bao vây, phải thoát thân để bảo toàn tánh mạng. Nhà cầm quyền Pháp chắc hẳn sẽ chấp thuận lời yêu cầu của Bảo Đại về sự thống nhất và độc lập Việt Nam… Chúng tôi hy vọng chắc chắn rằng những tầng lớp dân chúng khốn khổ bấy lâu, sớm tập hợp lại chung quanh một tân chính phủ quốc gia đặt dưới quyền Hoàng đế Bảo Đại"
Lệ đặt tờ báo xuống bàn, ngước mắt hỏi chồng:
- Người của giải pháp thứ ba Pháp đưa ra là ai, anh có biết không?
- Nguyễn Văn Xuân, trung tướng Pháp. Ba biết rõ về ông này và hình như mẹ cũng có giao thiệp với phe tướng Xuân nữa. Có lẽ Pháp đưa ra thí nghiệm lá bài này, do ảnh hưởng của Đảng xã hội SFIO. Để hỏi lại ba thì rõ về Nguyễn Văn Xuân như thế nào.
Nhu vừa dứt lời, ông Trần trong bộ dạ phục chỉnh tề, sắc mặt hồng đỏ vì rượu, cùng với bà vợ lộng lẫy bước vào.
- Ba, mẹ vừa đi dự tiệc ở Phủ Cộng hoà về, ghé cho các con hay tin ba sắp đi Sài Gòn đây.
Bà Trạng tiếp theo lời chồng:
- Người ta mời ba con tham dự vào chính phủ do ông Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng.
Nhu thắc mắc hỏi:
- Ông Xuân trực tiếp mời ba?
- Không. Một nhân vật ở phủ Cao uỷ giới thiệu ba vào Sài Gòn.
- Ba có rõ chủ trương của ông Xuân thế nào chưa?
Ông Trần Văn Chương dụi điếu thuốc xì gà hút dở, thong thả:
- Nghe nói tướng Xuân định thành lập một liên bang Việt Nam, liên hiệp các nhân vật lãnh đạo ba kỳ; Hồ Chí Minh ở Bắc, Bảo Đại ở Trung, và ở Nam là Nguyễn Văn Xuân.
Nhu mỉm cười nghi hoặc:
- Ông ta có nhiều ảo tưởng quá nhỉ? Ba có biết rõ ông Xuân không?
Ông Trần đáp:
- Theo lời mấy người Pháp có thẩm quyền cho biết, từ ngày ông Lê Văn Hoạch lên làm Thủ tướng chính phủ Nam Kỳ tự trị, ông Xuân sang Paris. Ông ta hợp tác với một bà đầm lai, bà Radigue mở một "khách thính Đông Dương, tiếp xúc với các chính giới Pháp, đặc biệt là các nhân vật trong Đảng Xã hội (SFIO) và tập đoàn phái tả Cộng hoà (R.G.R). Các chính khách cấp tiến và xã hội phái hữu trong chính phủ Pháp thường lui tới xa lông bà Radigue, muốn đưa ra một giải pháp ôn hoà, kiểu dân chủ tư sản, thành lập một chế độ Cộng hoà Việt Nam, với lực lượng thứ ba, trong đó những địa vị chính sẽ dành cho các phần tử gọi là "tiến bộ" chịu ảnh hưởng của SFIO, đảng phản đối việc phục hồi chế độ quân chủ. Ông Nguyễn Văn Xuân được Pháp chọn ra để thi hành chính sách này có tham vọng đứng ra làm trung gian để hoà hợp giữa ông Hồ Chí Minh và ông Bảo Đại cùng nước Pháp.
Nhu thắc mắc hỏi:
- Ông Xuân tính vừa làm trung gian, dàn xếp và trọng tài giữa cánh tả cách mạng của ông Hồ Chí Minh và cánh hữu bảo thủ Bảo Đại? Ba liệu có kết quả không?
Ông Trần nghĩ ngợi rồi nói:
- Một người Pháp đã từng chiến đấu cạnh tướng Xuân hồi đại chiến 1914 - 1918, hiện là cố vấn của ông ta cho ba hay, ông Xuân tin là trong ba người hiện nay: Hồ Chí Minh, Bảo Đại và ông ta, với thành tích quá khứ và giao du rộng với chính phủ Pháp, ông là người có hy vọng nhiều nhất để đòi hỏi Pháp những yêu sách cần thiết mà Việt Nam đang chờ đợi. Ông Xuân định tiếp xúc liền với ông Hồ Chí Minh và ông Bảo Đại, và nhờ đến ba một phần trong công cuộc ngoại giao này, qua sự trung gian của người bạn Pháp ở Cao uỷ. Ba tính đi Sài Gòn để gặp ông Xuân rồi sau đó mới quyết định.
Bà Trạng bảo con rể:
- Mẹ cũng đi với ba. Anh có nhắn gì ông Diệm, mẹ chuyển lời cho.
- Dạ con cũng vừa gặp người mang tin của anh Thượng con ra ban nãy.
Nhu kể lại cho ông bà Trần nghe những lời của Ngô Đình Diệm nhắc qua vị linh mục liên lạc, rồi nói:
- Ba mẹ vào trong đó, đến nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn, sẽ gặp anh Thượng con tại đó. Anh Thượng con cũng sắp đi Hồng Kông để gặp ông Bảo Đại. Ba mẹ gặp anh Thượng con chắc sẽ biết thêm nhiều chuyện nữa.
Lệ mải ngồi nghe chuyện, bắt đầu lên tiếng:
- Ba mẹ đi Sài Gòn ra, có lẽ đến lượt chúng con sẽ vào trong ấy. Anh Thượng nhắn nhà con vào.
Bà Trạng ngắt lời:
- Các con vào có việc cần?
- Dạ, anh Thượng con chắc thế nào cũng ra lập chính phủ, bảo cần có nhà con ở gần để bàn tính công việc.
- Thế con phải cố gắng hoạt động như mẹ đây nhé! Mẹ con mình phải là những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên hoạt động chính trị mới được. Mẹ nào con nấy, con có đồng ý không?
Bà Trạng cao hứng đưa tay ra, Lệ cũng đưa tay siết chặt lấy trước cái nhìn vui vẻ của ông Trần và Nhu. Cả bốn người đều hứng khởi trước những viễn ảnh chính trị đầy hứa hẹn cho hai gia đình Ngô - Trần.
***
Chiếc máy bay bốn động cơ chuyển mình cất cánh từ từ rời khỏi đường vòng sân bay rồi lao mình vào khoảng không. Lệ nhìn theo cho đến lúc chiếc phi cơ chở ông bà Trần mất dạng về phía Nam, mới bước ra khỏi phi trường Gia Lâm.
Ngồi trên xe trở về Hà Nội, qua cầu Doumer (1), Lệ thấy lòng rộn ràng nghĩ đến tương lai:
- Đối với người đàn bà thông minh, nhan sắc là một khí giới lợi hại để chiến thắng, để tạo nên sự nghiệp. Trong lịch sử có nhiều phụ nữ thành công rực rỡ, vì đã biết đem trí thông minh và nhan sắc ra để làm việc. Như Tống Mỹ Linh chẳng hạn… Tưởng Giới Thạch cũng nhờ bà vợ tài sắc đó mà đạt đến địa vị ngày nay.
Những lời lẽ của bà Trạng hôm nào còn vẳng bên tai Lệ, trong khi nói đến vai trò của người đàn bà trong chính trường. Lệ hồi tường lại mà thấy nao nức, phấn khởi. Tại sao nàng lại không bắt chước theo gương mẹ mà hoạt động, bay nhảy để thực hiện những danh vọng, địa vị vẫn mơ ước?
Nhu cũng như ông Trần là những người chồng nuông chiều vợ. Lệ có thể khiến chồng theo ý nàng, chỉ còn chờ cơ hội tốt nữa thôi.
- Cơ hội, người ta phải tạo nên, hoạt động xoay xở cho nó đến với mình, chớ không thể như kẻ nằm dưới gốc cây há miệng để chờ sung rụng trong chuyện cổ tích nữa.
Câu nói ấy, cũng chính bà Trạng đã thốt ra với Lệ. Khi bà nói đến các cuộc giao thiệp vận động chiếc ghế nghị sĩ Liên hiệp Pháp.
Lệ nhớ lại, nàng đã nêu vấn đề tai tiếng và dư luận giới hạn người đàn bà ở trong xã hội Việt Nam còn nặng thành kiến, lễ giáo, bà Trạng đã cười nhạt bảo nàng:
- Nếu chỉ nghĩ đến dư luận và sợ tai tiếng thì không thể làm nên được việc gì cả. Tại sao người đàn bà lại cứ mặc cảm rằng mình không thể như đàn ông? Cần phải thành thật với mình là đủ, còn những thành kiến lễ giáo của người đàn ông ích kỷ đặt ra để ràng buộc hạ giá người đàn bà, ta phải vượt qua. Trong khi người đàn ông ở xã hội này có được quyền năm thê bảy thiếp, ngang nhiên lấy vợ lẽ nàng hầu, tại sao họ lên án người đàn bà có tình nhân và kết tội sự ngoại tình của vợ là một trọng tội ghê gớm? Tại sao chồng làm được? Mà lại cấm đoán vợ? Đàn bà không phải là người như đàn ông hay chăng? Không thể chấp nhận những sự bất công, bất bình đẳng theo quan niệm cổ hủ đó.
Trong khi Lệ nhớ lại những lời nói của mẹ đem ra áp dụng trong đời sống, Nhu đang nằm bên bàn dèn ở phố Mã Mây với một người bạn học cũ, đã chán chường hoạt động chính trị, vùi đầu vào khói thuốc phiện để khuây khoả.
- Tôi nghĩ lúc này chỉ có hai cách: một là cầm súng đi bắn giết, hai là hút thuốc phiện. Chớ sống trong cái cảnh thối nát hỗn loạn này, bảo làm gì hơn nữa!
Nhu nhận thấy tâm trạng ê chề của người bạn đã vùng vẫy khuấy động một thời trong lớp người cách mạng quốc gia mà dâm ra hoang mang. Nhu cũng đã trở lại quen với tiệm hút từ sau khi về Hà Nội, ban đầu chỉ xem là thú giải phiền của kẻ trí thức, rồi dần dà thành ra nghiện lúc nào không hay. Song Nhu vẫn chỉ coi đó là một phương tiện để giúp chàng làm việc về trí óc và làm thoả mãn những đòi hỏi xác thịt của Lệ.
Trạng thái bất lực của Nhu khiến chàng phải luôn luôn nhờ đến sức tăng cường của ma tuý và chẳng bao lâu Nhu trở thành người hút nặng. Nhu vẫn giấu Lệ không cho biết mình vẫn dùng á phiện, nên khi gặp lại người bạn cũ cùng hoàn cảnh hút nặng và thấy bạn ở trong một tình trạng khủng hoảng dữ dội, Nhu liền nghĩ đến việc cai.
Tối hôm ông bà Trần đi Sài Gòn, Nhu đem việc mình nghiện á phiện nói cho Lệ hay và ngỏ luôn ý định cương quyết giải độc.
- Tôi thấy việc anh hút hay không cũng chẳng quan hệ gì.
Nhu không chờ đợi ở Lệ một câu nói thản nhiên đến thế và càng bất ngờ thêm khi nghe người vợ trẻ hỏi:
- Tại sao anh lại muốn bỏ?
Lý do Nhu bỗng dưng muốn giải độc cũng mơ hồ, sau khi gặp người bạn đâm đầu vào thuốc phiện, xem đó là phương tiện để quên thực tại chung quanh, khiến chàng lúng túng không biết trả lời Lệ ra sao.
- Anh muốn bỏ vì anh không muốn hút nữa.
- Thế tại sao anh lại hút?
Nhu càng bối rối trước sự bình thản của vợ, có lẽ chẳng quan tâm gì đến tình trạng nghiện ngập của chồng, nếu không phải để cho Nhu hoàn toàn tự do đắm mình vào chất ma tuý. Lệ đã nghĩ gì khi nói ra một cách dửng dưng đến thế.
Trước vẻ thắc mắc, khó chịu của Nhu, Lệ ôn tồn nói:
- Em nói thế, vì em biết anh làm gì cũng suy nghĩ cẩn thận. Em không cho mong anh sa ngã, như quan niệm thông thường của những người hút thuốc phiện, uống rượu, trai gái… Người ta ai mà không có nhược điểm! Cho nên em không quan trọng hoá việc anh có hút hay không…
Nhu phân vân không hiểu rõ Lệ có tư tường phóng khoáng hay có hậu ý gì khi nói với chồng như vậy? Nhất là những lời ấy thốt ra trước một kẻ thứ ba, người bạn bất đắc chí của Nhu gặp ở phố Mã Mây lúc chiều mà Nhu đã mời về nhà.
- Quan niệm của chị về việc hút thuốc phiện tôi thấy cũng giống như quan niệm của một người bạn tôi đối với việc ngoại tình. Anh ta làm giáo sư triết học, có lẽ vì thế nên có một thái độ phớt tỉnh trước cảnh bà vợ đi chơi với tình nhân.
Lệ mỉm cười khó hiểu, tiếp lời người bạn họ Trần:
- Anh rõ khéo ví von. Thế anh cho người đàn ông hút thuốc phiện cũng giống như người đàn bà ngoại tình sao?
- Cũng tương tự như vậy. Nhưng đối tượng của người hút thuốc là khói thuốc phiện mà thiên hạ gọi là "ả phù dung", còn đối tượng của người đàn bà ngoại tình cụ thể hơn… Một đấng thuộc về tinh thần, còn một đằng về vật chất.
Nhu không muốn câu chuyện đi xa hơn nữa, ngắt ngang:
- Thôi, tạm chấm dứt câu chuyện triết lý của anh đi để chúng ta trở về với thực tại. Anh cũng vừa ở ngoài kia về, anh nhận định tình thế ra sao?
- Anh chị cho tôi là khinh bạc cũng được, song dưới mắt tôi thì trong này hay ngoài kia, cả đôi bên đều khó thở cả. Chiến tranh hiện nay chỉ là một canh bạc mà tay cái là các nước đàn anh đang tranh nhau chia phần, còn Việt Nam chỉ là tốt đen, tốt đỏ để thí quân.
Nhu lắc đầu:
- Anh bi quan quá.
- Anh cho là có thể không bi quan được à? Anh thành thật chỉ cho tôi một con đường sống thực sự, không dối trá, tôi xin sẵn sàng theo anh, dù có phải hy sinh đến đâu chăng nữa.
Nhu im lặng suy nghĩ rồi thong thả nói:
- Lúc này tôi chưa trả lời anh được. Nhưng tôi tin rồi đây tôi sẽ giải đáp được câu hỏi của anh.
***
Sự im lặng ở gian phòng khách trong khu nhà thờ Cha Tam như tăng thêm vì thái độ lặng lẽ của mấy anh em họ Ngô ngồi chung quanh chiếc bàn tròn mặt đá trắng.
Chuông chiều vừa dứt tiếng ngân nga, lời cầu kinh cũng chấm dứt theo dấu thánh giá, vị cựu Thượng thư Bộ lại kéo ghế lại gần người anh Giám mục và người em út rồi bắt đầu nói:
- Tôi mời anh và chú Luyện để cho hay tôi vừa được điện văn của ông Bảo Đại mời sang Hồng Kông tham khảo ý kiến. Ông Bảo Đại mới hội kiến Cao uỷ Bollaert trên một chiến hạm Pháp tại vịnh Hạ Long. Cuộc gặp gỡ này kéo dài trong hai hôm, ông Bảo Đại đã trở về Hồng Kông và sắp sửa đi Genève nên muốn gặp tôi. Chắc cũng không ngoài việc ngài định trở về nước và nhờ tôi đứng ra lập chính phủ.
Giám mục Thục ngắt lời:
- Chú có rõ ông Bollaert bàn bạc gì với Đức Bảo Đại chưa?
- Dạ chưa, nhưng theo tin tức tôi được biết thì thái độ của Pháp cũng còn mập mờ lắm.
Luyện góp ý kiến:
- Một người Pháp quen em thuộc Đảng Xã hội, viết báo ở Sài Gòn cho em hay là ông Bảo Đại hiện đang chịu ảnh hưởng của dược sĩ Phan Văn Giáo và bác sĩ Trần Đình Quế, những phần tử thân Pháp và Phủ Cao uỷ mới gởi thêm Cousseau, lão trùm mật thám, chuyên môn làm trung gian sang Hồng Kông để dọn đường cho cuộc gặp gỡ tại vịnh Hạ Long. Nếu ông Bảo Đại nghe theo lời bọn tay chân Pháp thì anh sang bên ấy cũng nên cẩn thận.
- Chú khỏi lo, tôi cương quyết đòi cho được Pháp nhìn nhận độc lập thống nhất mới hợp tác.
Giám mục Thục nói:
- Phải, không nên vội mà hư đại sự sau này. Đức Tổng Giám mục Spellman đã nói rõ là Mỹ sẵn sàng ủng hộ cho mình và trong tương lai ảnh hưởng của họ nhất định sẽ lấn át cả Pháp. Lúc này nếu Pháp không nhượng bộ và ông Bảo Đại có nghe theo họ thì chẳng nên dại gì mà ra.
Luyện phụ hoạ theo:
- Bảo Đại và đám tuỳ tùng hiện đang sống ở Hồng Kông bằng tiền trợ cấp của Pháp có thể dễ bị mua chuộc. Pháp vẫn chơi trò đi nước đôi, vừa tính chuyện thương thuyết với Bảo Đại, vừa liếc về phía ông Hồ.
Diệm ngắt lời cậu em út:
- Tình trạng mập mờ này không còn nữa vì phe Cộng hoà bình dân cùng cánh hữu trong Chính phủ Pháp hiện thời đã dứt khoát thôi chủ trương thương thuyết với Việt Minh. Cuộc chiến tranh ở xứ này đã bước vào một giai đoạn mới, biến thành một bộ phận của chiến tranh lạnh giữa hai ý thức hệ tự do và cộng sản. Như vậy, vấn đề chống cộng trở nên yếu tố quyết dính, dù chưa giải quyết được vấn đề quốc gia. Cho nên dù muốn hay không, trước áp lực của Mỹ, kế hoạch Marshall, Pháp cũng không còn bắt tay Việt Minh được nữa.
Luyện tiếp lời anh:
- Tình thế biến chuyển ra thế, chúng ta cần phải chú trọng điều này: cuộc thương thuyết giữa Pháp và phe quốc gia có thể là mầm mống phát sinh cuộc nội chiến. Phải làm sao tránh tiếng đi đôi với Pháp mới được dân chúng nghe theo, và chỉ có như vậy mới đối địch được với Việt Minh, có hậu thuẫn mạnh của quần chúng vì họ có chính nghĩa chống Pháp.
Cuộc bàn bạc giữa ba anh em họ Ngô đến chỗ gay go, ông bà Trần đến, mang ý kiến của Nhu từ Hà Nội nhắn vào cùng Diệm:
- Phải đòi Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất mới nên hợp tác với Bảo Đại.
Hôm sau, Ngô Đình Diệm lên đường đi Hồng Kông gặp Bảo Đại.
Các chính khách Trần Văn Lý, Nguyễn Văn Xuân cũng được cựu hoàng mời đến nhượng địa của Anh để tham khảo ý kiến.
Trong cuộc tiếp xúc kéo dài một tuần lễ vào cuối năm 1948, Diệm được Bảo Đại cho hay về cuộc hội kiến tại Hạ Long với Cao uỷ Bollaert, nhận thấy Pháp đã không chịu thoả mãn những nguyện vọng quốc gia, Diệm lên tiếng phản đối:
- Theo tuyên bố chung và bản ngoại đàm dùng làm nền tảng cho cuộc thương thuyết nay mai mà Hoàng thượng đã ký tên vào đó thì độc lập và thống nhất của quốc gia vẫn bị Pháp hạn chế. Tôi thấy không thể chấp nhận được. Lúc này, chỉ có qui chế Dominion kiểu Liên hiệp Anh mới có thể được các khuynh hướng quốc gia và quốc dân ủng hộ. Hoàng thượng đòi Pháp phải nhượng bộ như vậy mới nên trở về nước.
Lời lẽ của cựu đại thần họ Ngô được Bảo Đại gật gù tán thưởng và sau lễ Giáng Sinh, cựu hoàng đáp máy bay Anh từ Hồng Kông bay đi Genève. Trong khi Bảo Đại ở bên kia trời Âu chờ đợi những cuộc mặc cả chính trị để hồi loan. Ngô Đình Diệm từ Hồng Kông trở về Sài Gòn, ráo riết vận động các tổ chức chính trị, giáo phái để ra làm Thủ tướng.
Đến khi Bảo Đại quay trở lại Hồng Kông, thủ đô chính trị của phe quốc gia Việt Nam, Diệm lại từ Sài Gòn sang đây, tiếp tục hoạt động bên cạnh vị Quốc trưởng tương lai.
Nhưng đến khi chính phủ trung ương lâm thời thành lập vào tháng năm, Ngô Đình Diệm không được mời làm Thủ tướng mà dành cho tướng Nguyễn Văn Xuân.
Được tin anh chồng hụt mất ghế Thủ tướng, Lệ tiếc rẻ buồn bã hỏi Nhu:
- Anh Thượng vẫn đi sát với ông Bảo Đại ở Hồng Kông, trước và sau khi ngài ngự qua Âu châu trở về đây, vừa rồi anh lại gặp riêng cả Bollaert, theo lời mời của Cao uỷ Pháp, thế mà sao bây giờ chức Thủ tướng chánh phủ về tay Nguyễn Văn Xuân?
Nhu lạnh lùng đáp:
- Anh Thượng sở dĩ không chịu đứng ra lập nội các, vì Pháp không nhìn nhận độc lập và thống nhất cho Việt Nam.
- Thế ông Bảo Đại có trở về nước không?
- Có lẽ ông ta đợi Pháp nhượng bộ chút ít nữa mới chịu về. Ông ta còn làm cao.
- Thế anh Thượng còn ở lại Hồng Kông chờ ông Bảo Đại à?
- Nghe anh Thượng có tuyên bố: ông.Bảo Đại chưa về nước anh cũng không chịu về.
Lệ suy nghĩ một lúc rồi bảo chồng:
- Ông Bảo Đại dở trò "làm nũng" chính trị với Pháp thì được rồi, Pháp cần đến, còn anh Thượng, liệu thái độ cứng rắn của anh rồi đây có lợi hay không? Bao nhiêu người muốn tranh chức Thủ tướng với bất cứ giá nào…
- Trong tình thế này, dù cho anh Thượng có nhận lời đứng ra thành lập chánh phủ cũng không đứng vững được lâu. Chính trị phức tạp lắm, nhất là vấn đề Việt Nam đang biến chuyển thành một vấn đề quốc tế tranh chấp giữa hai khối, chứ không phải riêng giữa Pháp và Việt làm chính trị phải nhìn xa. Chính anh đã khuyên anh Thượng nên nhẫn nại đợi chờ. Trước sau gì rồi Mỹ cũng nhảy vào Việt Nam. Đến lúc đó anh Thượng mới tính chuyện lâu dài được. Bây giờ cần phải chuẩn bị, dọn đường cho lúc đó.
Lệ không hiểu được những mưu tính sâu xa của chồng tỏ vẻ thắc mắc, tiếc uổng cho anh chồng đã bỏ qua cơ hội tốt. Nhu nghiêm giọng bảo vợ:
- Bảy giờ em lo học tiếng Anh đi, rồi đây sẽ cần dùng đến.
Rồi chàng vạch cho Lệ thấy rõ chương trình sắp thực hiện.
- Anh Thượng nay mai sẽ đi sang Mỹ, Đức Tổng Giám mục Spellman vừa lên chức Hồng Y đỡ đầu cho anh Thượng, thời gian qua bên ấy sẽ vận động chính trị. Còn chúng mình về qua Huế rồi vào Đà Lạt. Chị cả Lễ cho chúng mình mượn một số vốn hùn với người bà con bên anh mở một ga-ra tại Đà Lạt để tạm sống trong khi chờ đợi anh Thượng trở về chấp chính.
- Sống ở Đà Lạt, anh định làm gì?
- Anh sẽ không làm gì cả, chỉ đọc sách nghiền ngẫm kế hoạch để giúp anh Thượng sau này. Anh tin ràng không khí và khung cảnh Đà Lạt nên thơ sẽ làm cho em vừa lòng.
Nhu hạ giọng kể cho Lệ nghe mưu đồ của anh em chàng trong tương lai, vạch cho người vợ trẻ mơ màng đến một ngày mai rực rỡ đối với gia đình họ Ngô.