Dưới ánh trăng chiếu xuyên qua giàn hoa lý trước sân, Lệ ngồi ở chiếc ghế đôn hình voi, nhìn ông cậu ngồi tựa gối dựa đỏ bọc gấm trên sập gỗ, chậm rãi kể cho nàng nghe quá khứ bên dòng họ mẹ.
Ông cậu Lệ, anh em chú bác ruột với mẹ nàng, đã ngoài sáu mươi, tước hầu, sống với một bà công chúa, em vua Thành Thái, trông nom ngôi nhà thờ lớn họ Thân mà ông là trưởng tộc.
Nhà thờ có hành lang chung quanh, nối liền với dãy nhà dưới bằng một quãng nhà vỏ cua, nằm giữa một khu vườn rộng đầy cây trái, ở trên cao hữu ngạn sông Hương, thuộc làng Nguyệt Biểu, trông sang đền Văn Thánh và chùa Thiên Mụ xế bên kia sông.
Ông bà Hầu không con, bà vợ công chúa có lấy thêm cho chồng một người thiếp, cũng vẫn hiếm hoi, song không muốn mua con nuôi để kế tự trông nom hương khói sau này, vì tính ông Hầu rất thận trọng, ngăn nắp, lại hết sức sạch sẽ, sợ có trẻ quấy rầy. Sinh kế trông vào hoa lợi mấy mẫu vườn hương hoả và món phụ cấp tước Hầu của Nam triều còn dành cho ông cứ mỗi kỳ ba tháng, ông Hầu lại ngồi chiếc xe nhà bánh gỗ lọc cọc đi xuống Thành nội để lãnh.
Tình yêu thương của đôi vợ chồng già quý tộc, sống biệt lập, ông Hầu đem san sẻ cho cháu chắt trong họ, không phân biệt nội ngoại.
Lệ cũng rất được quý mến, và thỉnh thoảng bà Trạng Trần về quê ngoại ăn giỗ hay thăm bà con, đều ghé lại nhà ông Hầu.
Trước ngày rời nhà chồng để trở ra Hà Nội, Lệ thuê đò đi ngược sông Hương, lên Nguyệt Biều thăm bên ngoại, ở lại một hôm tại nhà thờ họ. Ông Hầu đã kể cho Lệ rõ về đại gia đình bên mẹ, sau bữa cơm tối đặc biệt quý tộc Huế, mà bà công chúa đã tự tay làm để đãi cháu.
Theo nhịp ngân nga của tiếng chuông rung ở chùa Thiên Mụ bên sông vọng qua, Lệ như bước vào thế giới cổ kính xa xưa, mà ông Hầu đang làm sống lại trước mắt cháu gái:
- Theo gia phả truyền lại thì ngôi mộ Tổ nhà ta phát tích tại núi Đạm dùng núi Kim Phụng và Ngọc Trản làm hai cái án. Khi Tổ mất, con ông ra Đồng Hới ở chực tại ngoài đó tới mấy tháng, rước một thầy địa lý, danh tiếng; thầy địa lý thấy gia chủ có lòng chí thành mới chịu vào. Đến nhà, ông ta ở lại ba hôm quan sát cả vùng đất Cư Chánh, nơi Tổ ta cư ngụ, chỉ dặn ông con là hôm nào thấy có người đội nón sắt đến trước nhà đứng ở đâu, cứ việc đào ngay chỗ đất ấy lên mà để mả chớ không đi đâu xa. Đúng như vậy thì ngôi mộ này sẽ phát như sau: Nhất đại tầm thường, Nhị đại văn chương, Tam đại cận đế vương, Tứ, ngũ đại dĩ hậu thế, thế kỳ xương.
Trưa hôm sau, thấy có người đội chảo đồng đến đứng chờ đò ngang qua sông phía trước nhà, chiếc chảo đồng dùng nấu mật mía, trông xa như cái nón sắt, ông con Tổ ta nhớ đến lời dặn của thầy địa lý đào ngay chỗ đất núi Đạm kia, trông sang hai núi Ngọc Trản và Kim Phụng bên kia sông như hai cái án chầu. Mấy câu tiên đoán năm Ất Tỵ của thầy địa lý hồi đó, dưới triều vua Lê Huyền Tôn niên hiệu Cảnh Trị, tức là 1665 theo dương lịch, đã lần lượt ứng nghiệm qua ba đời họ Thân: đời thứ nhất tuy tầm thường song các vị công tước cũng làm thầy thuốc, dạy học, môn đệ đều đỗ đạt vinh hiển. Đến đời thứ nhì, khoa thi nào cũng có cử nhân tiến sĩ người họ Thân, làm quan đến tuần vũ, tổng đốc, dạy học, danh tiếng đến vua Minh Mạng cũng phải ban khen… dân gian truyền tụng, thành phương ngôn "Ruộng Đồng Di, thi Nguyệt Biều".
Ông Hầu ngừng lại thong thả kéo một hơi thuốc lào ở chiếc điếu bình bằng ngà voi bịt bạc, rồi đưa tay trỏ đôi câu thếp vàng treo ở hai cột lớn gian giữa, rung đùi đọc cho Lệ nghe:
Nan đắc hoa danh truyền lý học
Khả kham tạo vật đố toàn dân
Đó là hai câu của cụ Phan Thanh Giản, viếng ông Cố cháu, khen là bậc khoa cử mà truyền được nghĩa lý lại, thể được lòng Tạo hoá mà không cầu lợi danh. Học trò của Cố ta đậu cử nhân có 9 người, đậu tú tài hơn ba mươi ra làm quan đông vô kể. Đến đời thứ ba "tam đại cận đế vương" ngoài một ông làm ngự y, săn sóc cho vua Hàm Nghi, chữa bệnh cho cả Khâm sứ Trung Kỳ, còn ông ngoại mẹ cháu thì sung Đại thần viện cơ mật lãnh Thượng thư Bộ học kiêm Bộ binh và Đô sát Ngự sử, lại gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Bà vợ thứ hai của ông, sinh ra mẹ cháu, là công chúa con ngài Kiên Thái Vương, em gái các vua Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh.
Như vậy, đến tứ, ngũ đại là đời mẹ cháu và cháu, làm sao cho danh tiếng dòng họ được rạng rỡ, "dĩ hậu thế, thế kỳ xương". Dù họ Thân là bên ngoại của cháu song theo lời truyền của thầy địa lý để lại ngôi nhà mả phát về dòng thứ, như ông ngoại cháu là con bà vợ sau họ Hoàng, mẹ cháu cũng là con bà thứ.
Nghe lời truyền lại, mả Tổ ta còn phát về bên nữ, ảnh hưởng bao gồm cả phía ngoại nữa, kể từ tứ, ngũ đại trở di. Thầy địa lý có cho biết rằng mấy đời sau này có thể thành đế vương chớ không những chỉ gần gũi đế vương như đời thứ ba, song trong gia phả không dám tiết lộ, ghi lại thành văn, sợ phạm tội khi quân, mưu đồ soán nghịch nên chỉ truyền khẩu qua các dòng trưởng tộc họ Thân thôi.
Việc đó nhắc lại đây cho cháu biết, để rồi đời cháu thấy coi có ứng nghiệm hay không? Xét lá số tử vi của cháu có đặc điểm là giống như lá số của bà Lữ Hậu đời Hán, hai sao Hoá Lộc và Lộc Tồn đóng tại cung Dần, đời cháu sẽ có lúc quyền thế nghiêng trời, lệch đất.
Theo lời mẹ cháu nói lại, lúc sinh cháu ở Bạc Liêu, trong khi theo cha cháu dời văn phòng luật sư về dưới đó, có một ông thầy tướng Tàu đã nói là số cháu sau này không hoàng hậu cũng vương phi, song phải tu dưỡng đường phúc đức thì mới hưởng được bền.
Ông Hầu ngừng nói, vừa lúc tiếng chuông Thiên Mụ dứt, mùi hoa bưởi, thanh trà dậy hương thơm dưới ánh trăng khuya. Lệ chỉ dạ rồi im lặng đứng lên, lững thững đi theo con đường lát sỏi trắng đưa xuống bến sông, ngẫm nghĩ về những lời của ông cậu ngoại. Nàng mơ hồ hy vọng biết đâu một mai kia sự tiên đoán của ông thầy địa lý chẳng thành sự thật? Cũng như mẹ, nàng vẫn tin ở sự huyền bí của số mệnh, tử vi, bói toán, cho mầng theo lá số của nàng ban chiều, vừa được ông Hầu giải kỹ cho, sau này thế nào Lệ cũng được phú quý, cao sang tột bực. Lòng tự ái và tham vọng khiến Lệ càng hứng khởi nghĩ đến những mưu đồ đại sự của anh em nhà chồng.
Qua cửa tam quan, trông ra bến, Lệ bước xuống dãy tầng cấp đá chạy thẳng qua mặt nước, lặng ngắm dãy sông Hương sáng bạc. Một chiếc nốt chở củi từ phía nguồn xuôi về, mái chèo đập mạnh, tiếng hò của người sau lái vút lên giữa khoảng trời cao:
A à à… Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng.
Ơ ơ ơ… Gặp nhau còn biết trên sông bến nào… hơ hơ hơ.
Nghe tiếng hò mái đẩy gợi u hoài mênh môn, tự dưng lòng Lệ lâng lâng, cảm thấy lần đầu tiên một nỗi buồn thanh thoát. Nhưng rồi bản tính thiết thực khiến Lệ không thể mơ màng thơ mộng được lâu, đầu óc lại quay về với những ý nghĩ đã nhen nhúm từ khi ông cậu ngoại nói đến ngôi vị đế vương có thể ứng vào đời nàng. Biết đâu thời cuộc hiện giờ biến đối có thể đẩy đưa Lệ đến một địa vị cao sang trên thiên hạ?
Sau vụ hè, Lệ cùng chồng trở ra Hà nội. Về nhà cha mẹ, Lệ cũng nhận thấy một không khí thân hữu với các sĩ quan Nhật, và bà Trạng Trần ra vẻ đóng vai phu nhân một chính khách ngoại giao tương lai. Chung quanh mẹ nàng đang độ xuân sắc đậm đà, dập dìu lắm nhân vật sẵn sàng chiều chuộng để xin một chút tình.
Mối tình ngang trái giữa một thanh niên trí thức đi bên cạnh cuộc đời một thiếu phụ đã có chồng đã làm rộn dư luận thượng lưu trí thức Hà thành một độ, song ông Trạng Trần còn mải bận hoạt động cho bước tiến chính trị của mình, nên cũng chẳng có thì giờ lưu ý đến. Nếp sống lãng mạn của bà Trạng đa tình điển hình cho thời trang của tầng lớp trưởng giả học thức hồi bấy giờ.
Khách thính họ Trần ở đại lộ Carreaux nhuộm thêm màu sắc chính trị ảnh hưởng của thời cuộc đang biến chuyển. Trong khi mẹ con Lệ như đôi bướm bay vờn trong vườn hoa chính khách, trí thức hoạt động chính trị bản xứ và ngoại quốc thì Nhu có vẻ tâm đầu ý hợp với õng bố vợ luật sư.
Một tối, sau buổi tiệc khiêu vũ của ông bà Trạng thết đãi mấy nhân viên phái bộ Nhật và các sĩ quan cao cấp hiến binh, quân đội Thiên hoàng, đã khuya, Lệ thay quần áo ngủ, chùi sạch phấn son hoá trang để lên giường, bỗng có tiếng rì rầm bên phòng chồng. Lệ rón rén đến hé cửa nhìn vào, thấy chồng đang nói chuyện với cha nàng một cách say sưa nghiêm trọng. Ông Trạng vẫn còn mặc bộ dạ phục đen chỉ tháo lơi chiếc nơ trắng, ngồi đối diện con rể vẻ mặt chăm chú.
Bản tính tò mò khiến Lệ đứng yên nghe lóng. Giọng trầm đều của Nhu như đang đọc diễn văn đưa đến tai nàng:
- Trước tình thế đang biến chuyển, con tính là chúng ta không bỏ qua cơ hội, và phải vận động sẵn sàng để nắm lấy dịp tốt. Xét theo những sự việc, những tin tức gần đây, ta thấy rằng công cuộc tuyên truyền của Phái bộ Nhật đã vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ ngoại giao, bộc lộ ý; chống Pháp ngày càng rõ rệt. Cuối tháng bảy 1943 vừa rồi, tướng Matsushita, cựu Bộ trưởng chiến tranh và lãnh tụ Tổ chức Đại Đông Á sang viếng Sài Gòn có đọc diễn văn ác liệt, không giấu diếm: "Nhật Bản sẽ giải phóng các quốc gia Á Đông, dù có đi ngược lại ý chí của Mỹ, Anh và Pháp". Nhật đã xúc tiến phong trào chống Pháp do họ nuôi dưỡng từ lâu để chuẩn bị cho một cuộc đổi thay không tránh khỏi. Họ đang đặt tín nhiệm vào các giáo phái chính trị Cao Đài, Hoà Hảo ở trong Nam, viên chỉ huy do thám Nhật Matsushita giám đốc Đainam Koosi, bạn của hoàng thân Cường Để, sống tại Sài Gòn đã lâu, đóng vai trung gian, liên lạc với Cao Đài, do Trần Quang Vinh đại diện. Hiến binh Nhật thì ra mặt che chở cho giáo chủ Hoà Hảo Huỳnh Phú Sổ đang bị Pháp lùng bắt. Chủ trương của Nhật vận động người Việt có hai hình thức: Phái bộ Nhật tiếp xúc với các giới quan lại, trí thức và thượng lưu, hiến binh Nhật liên lạc với những nhóm võ trang. Song chánh sách của Nhật vẫn hướng mạnh về các giáo phái chính trị, vì họ cho rằng người mình sẵn sàng hy sinh cho tín ngưỡng hơn, như những tín đồ Cao Đài, Hoà Hảo, do đó, anh em chúng tôi trù tính thành lập một lực lượng công giáo, do anh Giám mục tôi ở trong Nam bí mật hướng dẫn, liên kết với các vị cầm đầu giáo khu ở Bắc, bao gồm được lối hai triệu giáo dân, hợp tác với các phe quan lại do anh Thượng tôi đại diện, phe trí thức đó do tôi đứng ra tập hợp.
Lực lượng này thành hình sẽ được sự ủng hộ của công giáo trên khấp thế giới, và cả Toà thánh Vatican nữa, nếu khéo lãnh đạo, có thể cầm đầu xứ này, theo ý muốn của Nhật.
Ông Trạng Trần chăm chú nghe chàng rể trình bày, gật gù nói:
- Kế hoạch thành lập một lực lượng Công giáo để làm hậu thuẫn, được lợi thế hơn các công giáo Cao Đài, Hoà Hảo trong Nam, vì dân Công giáo ở khắp cả ba kỳ, song có một điểm yếu là Công giáo đã có nhiều liên hệ mật thiết với Pháp mà người Nhật cảm tình với Phật giáo. Hơn nữa, đa số người Việt đều theo đạo Phật, cũng như hầu hết các quốc gia ở Á Đông, người Nhật phải chú trọng đến yếu tố đó.
Nhu ngắt lời:
- Phái bộ Nhật đã liên lạc với anh Thượng tôi, cho hay ý định của họ muốn tìm những nhân vật tiêu biểu có thể đứng ra lãnh trách nhiệm cầm quyền xứ này, một khi Nhật bắt buộc phải ra tay lật đổ người Pháp. Một nhân viên phòng chính trị Bộ tham mưu Nhật có tiết lộ cho tôi hay là giải pháp dùng võ lực của quân đội đã thắng khuynh hướng ôn hoà của phe Cố vấn. Chỉ còn thời gian thôi… Tôi vừa được tin tức lúc chiều là Nhật ở Huế đã ra mặt bảo vệ cho anh Thượng tôi, ngăn không cho Pháp bắt. Như vậy hẳn ngày giờ biến chuyển quan trọng cũng không còn lâu…
Lệ buồn ngủ díp cả hai mắt lại vì hơi rượu sâm banh ngấm say, cũng cố gượng tựa cửa lóng nghe vì chợt thấy tính chất hệ trọng qua sự tiết lộ của chồng. Nàng không khỏi kiêu hãnh nóng lòng nghĩ đến một ngày mai huy hoàng trong trường hợp mưu đồ của anh em chồng nàng thành sự thật. Không đợi nghe hết câu chuyện bàn bạc đang kéo dài giữa Nhu và ông Trạng, Lệ lảo đảo bước lại giường, ngã mình trên nệm trắng tinh trong một điệu nằm ngả ngớn chờ đợi.
Nhiệt độ cơn sốt chính trị ở Việt Nam tăng cao vào đầu năm 1944. Tại miền Nam, lực lượng Cao Đài và Hoà Hảo được võ trang chuẩn bị chờ thời cơ nối dậy.
Một số chính khách thân Nhật bị Pháp săn đuổi và can thiệp bằng đường lối ngoại giao với Đông Kinh khiến Phái bộ và hiến binh Nhật tại Sài Gòn phải đưa họ sang Tân Gia Ba, như Trần Văn Ân, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Sâm, Trần Quang Vinh - chỉ huy lực lượng Cao Đài - được nhận là Tuỳ viên của Phái bộ Nhật, Huỳnh Phú Sổ, lãnh tụ Hoà Hảo được giải thoát khỏi tạm giam của Pháp tại Bạc Liêu và đưa về Sài Gòn, ở cạnh hiến binh Nhật để khỏi bị rơi vào tay mật thám Pháp. Tại Huế, Ngô Đình Diệm cũng được sự che chở của nhà cầm quyền Nhật. Các nhóm thân Nhật vừa thành lập: Đại Việt Cách mạng, Đại Việt Quốc dân, Thanh niên ái quốc, Quốc xã… rộn rịp trong một không khí sôi động từ Nam ra Bắc.
Chính đảng Việt Nam phục quốc được Nhật đảm bảo ủng hộ và có hậu thuẫn của Cao Đài đặt chi bộ ở Sài Gòn và Hà Nội bắt đầu tuyên truyền cho lãnh tụ kỳ ngoại hầu Cường Để ở tại Đông Kinh sắp trở về nước: Vị hoàng thân nhà Nguyễn bấy lâu lưu vong ở Nhật Bản sẽ là tân hoàng đế của quốc gia Việt Nam độc lập, nhờ quân đội Thiên hoàng giúp sức lật đổ ách thống trị Pháp.
Anh em họ Ngô một mặt vận động giới thân Nhật cử người đi Đông Kinh tiếp xúc với Cường Để, đồng thời xúc tiến công cuộc thực hiện khối công giáo để làm hậu thuẫn trong cuộc tranh chấp chính quyền với các đảng phái đang ráo riết hoạt động.
Trong khi ấy, các chính đảng không thân Nhật cũng không ngừng đấu tranh, liên lạc với phe Đồng Minh mà họ tin tưởng là sẽ chiến thắng. Những lãnh tụ cách mạng này thoát khỏi lưới mật thám Pháp và hiến binh Nhật, vượt biên giới sang Tàu. Họ sống ở Vân Nam, Quảng Tây, Nam Kinh hoạt động chính trị khác biệt, chống đối lẫn nhau, song bị dồn vào thế liên minh bất đắc dĩ, trước thế lực chi phối của đại diện chính phủ Trùng Khánh, tướng Trương Phát Khuê, Tổng đốc Quảng Tây kiêm Tư lệnh Đệ tứ chiến thuật muốn thống nhất các đảng phái Việt Nam để chống Nhật.
Các lãnh tụ lưu vong họp hội nghị đoàn kết tại Liễu Châu ngày mùng 4 tháng mười 1942, thành lập Việt Nam Cách mạng Đồng minh, Liên hiệp Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt minh cùng 8 nhóm quốc gia đặt dưới sự hướng dẫn của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hải Thần, từ Trùng Khánh đến. Chính phủ Tưởng Giới Thạch trợ cấp cho tổ chức này hoạt động do thám và phá hoại ở Việt Bắc, đồng thời huấn luyện chiến thuật du kích, tình báo, chính trị cho những người Việt ở Hoa Nam, do tướng Tiêu Viên, một chuyên viên nghiên cứu về các phong trào chính trị Đông Dương đứng ra phụ trách.
Cuộc thí nghiệm của Nguyễn Hải Thần thất bại, tướng Trương Phát Khuê thấy địa vị của mình lung lay, vì chính phủ Trùng Khánh cho là ông phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Ông Nguyễn Ái Quốc bấy giờ đang bị cầm tù ở Hoa Nam, được các đồng chí liên lạc cho hay những nỗi khó khăn của Trương Phát Khuê, mới đề nghị với vị tướng này là nếu được trả lại tự do, lãnh tụ cộng sản Đông Dương sẽ tổ chức cho Trùng Khánh một hệ thống gián điệp ở Bắc Việt để chống Nhật. Tướng Trương nghe xiêu lòng, song e ngại tiếng tăm cộng sản quốc tế của ông Nguyễn Ái Quốc không được Trùng Khánh chấp nhận nên đề nghị với ông Nguyễn Ái Quốc thay đổi cả tên họ. Từ đấy họ sẽ gọi là Hồ Chí Minh. Rồi tướng Trương báo tin cho Thống chế Tưởng Giới Thạch hay là đang có ở dưới trướng một tay chiến sĩ cách mạng Việt Nam rất có khả năng, xin nhận lãnh tổ chức do thám và quấy rối Nhật ở Đông Dương.
Ở Trùng Khánh không một ai biết ông Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc và chính phủ Trung Hoa chấp thuận. Tháng hai năm 1943, được trả tự do, ông Hồ Chí Minh được chính thức cử làm lãnh tụ Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội.
Giữa thời kỳ ấy, để phòng ngừa dân miền Bắc nổi dậy, Pháp tung đám tay sai đi khắp nơi vơ vét hết thóc gạo tải về tập trung ở các kho dự trữ riêng, lấy cớ là để tiếp tế cho quân đội Nhật Bản. Hết ép buộc mua rẻ của dân quê, Pháp lại vãi tiền ra mua thóc, ngô bằng một giá cao để thu cho kỳ sạch ngũ cốc hiếm hoi của miền Bắc. Gạo Nam Kỳ thì không được đưa ra Bắc, lấy cớ là phi cơ đồng minh ngày đêm không ngừng bắn phá tàu bè, ghe thuyền, còn đường xe lửa xuyên Đông Dương thì Pháp dành cho Nhật chuyên chở quân sự.
Lúa thừa ở miền Nam chất chứa đầy kho, Pháp đem đốt thay than củi ở các nhà máy điện. Dân quê ở Bắc khởi sự chết đói từ cuối năm 1944. Mùa lúa tháng mười lại bị thất bát. Người có tiền ở thôn quê cũng đành nhịn ăn, vì thóc gạo đã bị lấy sạch, tại thành phố, mỗi khẩu phần người Việt đều phải ăn gạo "bông", ở trong tay chính quyền Pháp phân phát rất hạn chế.
Khắp xóm làng từ thượng du đến đồng bằng châu thổ sông Hồng Hà, ban đầu còn rải rác hàng chục, rồi đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con người chết đói trong cảnh hàng triệu người thiếu ăn. Nạn đói như một bệnh dịch khủng khiếp lan tràn, nhiều vùng đông đảo dân số dần dà vắng hẳn bóng người. Chỉ thấy ruồi nhặng với những xác chết đen gục bên luỹ tre khô héo ngoài bờ ruộng nứt nẻ, cạnh đường cái quan, hoặc giữa khu chợ xã lạnh tanh.
Người ta ăn hết sạch rau cỏ, củ chuối, ăn đến cả đất nhưng rồi cũng lần lượt nằm xuống dưới bầu trời đầy quạ đen chập chờn kêu gọi nhau sà xuống những thây ma rải rác khắp thôn quê giá buốt mùa đông. Những người sống sót chưa kịp đào lỗ vùi lấp kẻ thân yêu đã kiệt sức nhào lịm chết theo. Hàng ngàn, hàng vạn gia đình nông dân nghèo khó gục ngã vì chết đói.
Những người còn chút hơi sống gượng lê đi được, lần mò ra tỉnh để kiếm ăn, một số đông bỏ xác lại hai bên đường liên tỉnh.
Có những xác bà mẹ đã lạnh cứng, còn con nhỏ trên bụng thoi thóp nhai vú mẹ đã khô cạn sữa tự bao giờ. Có những bà mẹ ra đến tỉnh bán con không ai thèm mua, đổi lấy gạo cũng không được, xin đi ở không nhà nào mướn. Có những cô gái quê đem tiết trinh đổi lấy một bữa ăn. Có những người đói không còn đủ sức để cướp giật một chiếc bánh lá, một miếng ăn.
Từng lũ, từng bầy người đói rách rưới, lẩy bẩy trong lớp vải nâu mong manh dưới mưa phùn, gió rét, thất thiểu trên các đường phố đi xin ăn, song chẳng ai cho. Lớp người đói tranh nhau thay chó để giành giựt một mẩu xương thừa quẳng ra đường. Lá gói bánh vứt đi cũng có cả bầy người xúm lại xâu xé để liếm láp. Mỗi hiệu ăn "lổ" phở đều có sẵn hai người khỏe mạnh cầm gậy đứng gác để xua đuổi đám người đói sà vào.
Những người đói sục sạo, moi móc các thùng đựng rác, lúi cúi dọc theo cống rãnh để tìm những hột cơm rơi bỏ, những cọng rau muống, tất cả những gì có thể ăn được để cho ngay vào miệng.
Hình hài những người đói không còn ra nhân dạng nữa, những đôi mắt sâu hoắm đờ đẫn tuyệt vọng, mất hết sinh khí, ngước nhìn chung quanh một cách thảm thiết, nghẹn ngào, uất hận như những con vật đang bị đẩy vào lò sát sinh.
Những thây ma vật vờ trong đói rét cuối đông âm thầm lê đi qua ba mươi sáu phố phường Hà Nội, trước những cái nhìn kinh tởm, lạnh lùng hay thương hại của đồng loại. Cũng có người qua đường chua xót, xấu hổ quay mặt bước đi vội vàng như muốn chạy tránh cảnh tượng ngoắc ngoải của đồng bào, ngày ngày phơi bày trắng trợn ở trước mắt, mà họ đành bất lực, vô phương cứu chữa.
Trong gió rét căm hờn, trong đêm tối mịt mờ của Hà Nội phòng thủ thụ động, lớp lớp người đói lần lượt nằm chết cong queo dưới những hầm cầu, dưới những mái hiên hè phố.
Mỗi sáng xe Hồng thập tự, xe bò lấy rác của thành phố đi hốt đầy xác người chết đói khắp các nẻo đường Hà Nội, chở ra ngoại ô đổ xuống hố chung lấp đi, nạn đói như một bệnh dịch mang từ nhà quê lên Hà Nội, những con người thôn quê tưởng lên tới thành phố thì thoát khỏi chết đói, song giữa đất cố đô, thủ phủ chính trị của Pháp và Nhật tại Việt Nam, chết đói vẫn tiếp diễn ngày này sang ngày khác, còn ghê gớm hơn cả bệnh dịch hạch, dịch tả thực sự nữa, vì nhà cầm quyền vẫn dửng dưng, không muốn ngăn chặn lại.
Cách hoạt động từ thiện, bố thí lẻ loi của người Việt trước thảm cảnh ghê gớm của đồng bào chỉ kéo dài kiếp sống vật vờ của những người bị dồn vào tình thế phải chết đói, thêm được vài hôm.
Giữa Hà Nội sặc mùi tử khí, nổi lên những tin đồn: có người ăn phở vớt lên ở trong thùng nấu xương cả một cánh tay trẻ con, một nhà làm bánh cuốn bị bắt quả tang đang băm một đùi người để làm nhân thịt. Dân Hà Nội đang lo sợ nạn đói lây, càng hết hoảng nhốn nháo. Miếng ăn đã thành vấn đề chính yếu bắt mọi người phải lo lắng hàng ngày. Ở thôn quê, người ta chỉ lo sao cho khỏi chết đói, tại tỉnh thành người ta chỉ nghĩ thế nào cho khỏi thiếu ăn.
Suốt từ Bắc Việt vào đến miền Trung, hầu hết dân chúng đều bắt buộc phải lo nghĩ đến cơm gạo. Mọi hoạt động, sinh lực của hai phần ba dân tộc đều tập trung vào cả một vấn đề sinh tử lúc bấy giờ: Ăn!
Trước nạn đói làm tê liệt những hoạt động mạnh mẽ của các phần tứ yêu nước, viên giám đốc Sở Mật thám Đông Pháp tại Hà Nội, trong một lúc cao hứng trước ly rượu Pernod ở nhà hàng Thuỷ Tạ bên hồ Hoàn Kiếm, thốt ra với một ông bạn già lai Pháp:
- Ngón đòn kinh tế này lợi hại bằng bao nhiêu đạo quân phái đi dẹp loạn cả lũ dân Bắc Kỳ. Không thế này thì chúng nó mượn hơi Nhật, người Pháp cũng khó ăn ngon ngủ yên lắm. Tụi Nhật tuy không nói ra song họ cũng ngầm tán thành kế hoạch của phủ Toàn quyền để còn rảnh tay lo đối phó bên ngoài.
Trong cảnh huống ấy tại biệt thự ông Trạng Trần Văn Chương, khách thính vẫn mở rộng cửa đón tiếp các nhân vật trí thức, thượng lưu và quan khách Nhật Bản. Bà Trạng từ hôm đạp nhằm xác chết đói nằm bên lối quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, không còn dám đi bộ ra ngoài nữa, và rồi bất kỳ đi đâu cũng chỉ ngồi trên xe hơi nhà đưa đến tận thềm.
Lệ đang bận rộn tập múa trong một màn vũ sắp trình diễn ở nhà hát lớn, một buổi dạ hội thân hữu Việt - Nhật. Nhu ngày đêm mải miết với mớ sách chính trị, lo thảo chương trình hoạt động cho "Tập đoàn công giáo Việt Nam" để gởi vào cho hai anh ở Huế và Vĩnh Long.
Một hôm, có người bạn giáo sư trao cho Nhu một tờ truyền đơn với những lời kêu gọi "đấu tranh chống phát xít Pháp và Nhật để giải phóng hoàn toàn Việt Nam". Hỏi ý kiến, Nhu cười nhạt đáp:
- Chống Pháp còn có lý, chứ chống cả Nhật trong lúc này là điên. Mình đang cần Nhật giúp để lấy lại quyền hành trong tay Pháp, chớ một mình Việt Nam thì làm gì được?
Trong khi đó truyền đơn của Việt Minh tung ra ở các vùng thôn quê khơi dậy lòng oán hận của dân chúng trước chính sách thu thóc của Pháp đi đôi với Nhật để gây ra nạn đói kém giết hại cả triệu người Việt và giải thích là phát xít Nhật nhất định phải thất bại trước các đại cường quốc Đồng Minh, chế độ thực dân Pháp tất nhiên cũng sẽ phải sụp đổ. Rồi kêu gọi toàn dân chuẩn bị nổi dậy trước cơ hội độc nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc:
Cuộc khởi nghĩa võ trang sẽ phát động vào giai đoạn cuối cùng của chiến tranh thế giới khi Anh, Mỹ và Trung Hoa sẽ đến chiếm Đông Dương, khi người Pháp theo De Gaulle và phát xít Pháp sẽ đối đầu ở Đông Dương, khi người Pháp và người Nhật sẽ đánh nhau và khi lũ phát xít Pháp Nhật giao chiến với các nước dân chủ.
Giờ quyết liệt sắp đến… Nước Đức đã gần bị đánh bại, nước Nhật sẽ không kháng cự nổi cuộc phản công của Đồng Minh. Quân đội Mỹ và quân đội Trung Hoa sẽ tràn vào Đông Dương, trong khi người Pháp theo De Gaulle sẽ nổi lên chống người Nhật. Có lẽ người Nhật sẽ ra tay trước để lật đổ phát xít Pháp…
Phải phát triển du kích chiến để biến thành tổng khởi nghĩa.
Phải quấy rối đối phương bằng những cuộc đánh phá liên tiếp và nắm lấy quyền chủ động cho chúng ta. Phải phá hoại hậu tuyến của đối phương với sự giúp đỡ của quần chúng… Mục đích của chúng ta là tạo ra nhiều vùng chính quyền cách mạng để tiến dần đến việc thành lập một chính quyền duy nhất trong toàn quốc.
Đi đôi với những lời tuyên truyền kêu gọi này, các toán du kích Việt Minh bắt đầu đánh phá nhiều nơi ở Việt Bắc.
Phái bộ quân sự Pháp thuộc nhóm De Gaulle, có đặt đại diện ở Côn Minh, bắt liên lạc với Boisanger, trưởng phòng ngoại giao của Toàn quyền Decoux, nhận thấy ảnh hưởng đe doạ của Việt Minh, vội báo cho chính phủ Trùng Khánh hay rằng Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc thật sự chỉ là một, đã lợi dụng sự giúp đỡ của Trung Hoa để phát triển thế lực Cộng sản tại Việt Nam.
Được tin này, tướng Trương Phát Khuê lại dùng áp lực triệu tập một hội nghị các chính đảng Việt Nam một lần nữa ở Liễu Châu.
Tất cả các đại biểu ở Hoa Nam đều đến đông đủ: Bảy đại diện Cách mạng Đồng Minh với Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Bội Công, Trương Trung Phụng, Nghiêm Kế Tổ; lãnh tụ Đảng Giải phóng, Lê Tùng Sơn; các đại diện Phục quốc, Bồ Xuân Luật và Trần Đình Xuyên; các đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Tường Tam (vừa thoát khỏi vòng vây của mật thám Pháp ở Bắc Việt), Nguyễn Thanh Đồng, Hồ Đức Thành, với hai lãnh tụ cộng sản, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, nấp dưới mặt trận Việt Minh.
Những cuộc tranh luận sôi nổi, quyết liệt diễn ra, nhưng rồi toàn thể mọi người đều bắt buộc phải nhìn nhận một sự thật: Nếu không muốn bị bỏ rơi, thì phải theo các điều kiện của Trung Hoa, thành lập một lực lượng thống nhất các đảng phái.
Tướng Trương Phát Khuê không giấu diếm áp lực mạnh mẽ của mình đối với tất cả các đại biểu và nói rõ ý định trong phiên họp bế mạc hội nghị:
- Chính phủ Trung Hoa chỉ cần một sự phối hợp các đảng phái Việt Nam, chịu sự kiểm soát của chúng tôi để gạt bỏ người Pháp ra khỏi Đông Dương, một khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và thực hiện một quốc gia Việt Nam độc lập, giao hảo với Trung Hoa.
Kế hoạch này được các đại diện chính trị và quân sự Mỹ tại Trùng Khánh và Côn Minh lên tiếng ủng hộ. Do đó một chính phủ lâm thời Việt Nam đã thành trên giấy tờ ở đất Trung Hoa, do Trương Bội Công làm chủ tịch, gồm có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Hồ Chí Minh, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật và Nghiêm Kế Tổ.
Hội nghị Liễu Châu vừa xong, các lãnh tụ quốc gia đã phân tán đi nhiều nơi. Sự đoàn kết miễn cưỡng và vội vã của các chính đảng cách mạng, kết quả là chính thức hoá ông Hồ Chí Minh dù chỉ chiếm có một ghế trong tổ chức chính phủ liên hiệp quốc gia, song Việt Minh đã có cơ sở hoạt động tại Việt Bắc, từ sau hội nghị Tân Trào hồi tháng 5 năm 1941 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cuối tháng mười 1944, ông Hồ Chí Minh đưa hai trăm cán bộ chia ra làm hai ba toán vượt biên giới Trung Hoa, theo lối Lạng Sơn và Cao Bằng đi về Thái Nguyên, đặt đại bản dinh tại đây. Các toán du kích Việt Minh bắt đầu đánh phá mạnh vùng giáp biên giới và ba khu quân sự ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.
Quân đội Nhật bấy lâu không chú ý đến Việt Minh, ngỡ ngàng trước các trận thắng liên tiếp của quân du kích. Viên Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ thoả thuận với Bộ tham mưu, quyết định mang quân đi quét sạch vùng nổi loạn ở thượng lưu. Một tiểu đoàn lính Khố Xanh đồn trú tại Lạng Sơn đã được chỉ định đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp, mở cuộc hành quân càn quét vào hôm 12 tháng ba.
Đoàn quân chưa kịp lên đường thì trong đêm mồng 9 tháng ba 1945 trên toàn cõi Đông Dương, quân đội Nhật nổ súng đảo chánh Pháp.
Anh em họ Ngô mừng rỡ thấy cơ hội đã đến để nhảy ra nắm giữ chính quyền do người Nhật trao cho.
***
Tối mùng 9 tháng 3 năm 1945, tại dinh Toàn quyền ở Sài Gòn, người hầu bàn vừa bưng món thứ ba đến, Đô đốc Decoux nhấc ly rượu chát đỏ uống một hớp, cầm dao lên định ăn, bỗng thấy viên sĩ quan hầu cận vội vã từ ngoài vào, đứng thẳng chào, rồi hối hả nói:
- Thưa Đô đốc, có một sĩ quan ở Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản vừa đưa bản thông điệp này, bảo phải trình ngay đến tận tay ngài vì có tính cách tối mật khẩn.
Decoux tự tay xé chiếc phong bì của viên sĩ quan vừa đặt lên bàn ăn đọc qua những dòng chữ Pháp đánh máy dưới hình mặt trời đỏ chói, sắc mặt hồng hào bỗng tái đi. Ông nhìn đồng hồ tay chỉ đúng 20 giờ 5 phút, im lặng bối rối, rồi đứng ngay lên, ra dấu cho viên sĩ quan hầu cận theo mình bước qua văn phòng.
Giọng nói của Decoux không giấu nổi xúc động:
- Gọi ngay điện thoại mời tướng Mordant đến đây gặp tôi lập tức!
Năm phút nặng nề trôi qua, đại tướng Mordant vận quân phục hối hả bước vào, vừa trông thấy mặt vị Toàn quyền đã cảm thấy tình thế nghiêm trọng đặc biệt. Đô đốc Decoux tay cầm bản tối hậu thư, nghẹn ngào nói:
- Tôi vừa nhận được tối hậu thư của Nhật buộc phải đặt ngay tất cả lực lượng quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy tối cao của Nhật.
Decoux nói tiếp:
- Họ buộc thêm nữa là ta không trả lời dứt khoát liền thì họ sẽ coi như ta từ chối.
Trong khi viên Toàn quyền và Tổng tư lệnh Pháp bối rối nhìn nhau lo ngại, chưa biết đối phó ra sao trước tối hậu thư khẩn cấp cho đại sứ Nhật Matsumoto vừa trao, bên ngoài chiến xa và binh sĩ Nhật bố trí chu đáo, sẵn sàng đợi giờ tấn công.
Cũng vào giờ này, trên toàn cõi Đông Dương, tất cả đồn trại, vị trí xung yếu của thực dân Pháp đều bị Nhật bao vây.
***
Tiếng súng đảo chánh bắt đầu nổ tại Huế. Hoàng đế Bảo Đại vừa đi săn về, giữa lúc hai đồn Courcy và Mang Cá cùng trại lính Khố Xanh vang dội tiếng súng và những tiếng hét xung phong của quân Nhật. Hiến binh đón đường đưa Bảo Đại về nghỉ tạm ở Bộ Tư lệnh Nhật ngoài hoàng thành.
Hừng sáng, tiếng súng im dần, Bảo Đại về cung, một đại uý Nhật loan báo cho hay: "Việt Nam đã được độc lập". Đồng thời Hiến binh Nhật liên lạc với Phạm Quỳnh cùng các vị Thượng thư Nam triều để nói rõ ý định của Nhật Bản.
Nội trong một đêm, quân đội Nhật đã bất ngờ đánh chiếm trọn cả Đông Dương. Dân chúng ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Nam Vang, Vạn Tượng thức dậy sáng ngày mồng 10 tháng ba, thấy không khí thành phố đã biến đổi khác hẳn: tất cả cờ tam tài đều biến mất, nhường chỗ cho cờ mặt trời mọc lên.
Đài phát thanh Sài Gòn đọc bản thông cáo của Bộ Tổng tư lệnh quân đội Thiên hoàng báo tin cuộc đảo chính đêm qua đã loại bỏ chủ quyền Pháp ở khắp Đông Dương, đem lại độc lập cho Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao trong khối Đại Đông Á.
Chiều lại, tại Huế, đại sứ Nhật Yokoyama cùng viên tư lệnh quân đội Nhật vào điện Kiến Trung, Thượng thư Bộ lại Phạm Quỳnh xuống tận thềm rước, đưa vào yết kiến Bảo Đại; ông đang ngồi ở ngai vàng, vận sắc phục hoàng đế, áo vàng, khăn vàng, dây cường đầu rồng.
Sau lễ nghi ra mắt, vị đại sứ Nhật long trọng nói:
- Tâu Hoàng thượng, trước tình thế mới hiện thời, chủ quyền Pháp ở xứ này không còn nữa, sau cuộc đảo chính của quân đội Thiên hoàng đêm rồi, quý quốc đã thành một nước độc lập, vậy chúng tôi xin Hoàng thượng vui lòng nhận lời hợp tác với Nhật Bản kể từ đây.
Bảo Đại thong thả đáp:
- Trước hết, trẫm có lời khen gợi sự thành công của quân đội quý quốc, và do cuộc đảo chánh đêm hôm qua, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Trong những điều kiện đó trẫm sẵn sàng hợp tác với nước Nhật để củng cổ nền độc lập của xứ sở.
Rồi ngay tối hôm ấy, Hội đồng cơ mật nhóm họp, sáu vị Thượng thư thảo một bản tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam công bố vào ngày hôm sau, huỷ bỏ hiệp ước bảo hộ đã ký với Pháp và thâu hồi chủ quyền độc lập, hợp tác cùng Nhật Bản theo đường lối trong bản tuyên ngôn chung Đại Đông Á.
Ở Hà Nội, Sài Gòn rồi Huế, các nhật báo Việt ngữ kế tiếp nhau kịch liệt đả kích thực dân Pháp. Hãng thông tấn Domei và Hiến binh Nhật đưa người vào các toà soạn để hướng dẫn tuyên truyền, cổ võ cho chính sách Đại Đông Á.
Những người không nhận định rõ biến chuyển tình hình quốc tế cũng như những người bấy lâu hy vọng ở chủ trương giải phóng các dân tộc da vàng của Nhật Bản, tưởng cuộc đảo chính của Nhật là cho Việt Nam, đã hăng say lao mình vào chính cuộc quốc gia.
Một tuần lễ sau đêm chính biến, các đảng Phục quốc, Việt Nam quốc gia độc lập kêu gọi dân chúng Sài Gòn xuống đường biểu tình để tỏ lòng tri ân của xứ sở đối với quân đội Nhật đã giải thoát chúng ta khỏi tay quân thù Pháp. Song người Nhật lo ngại dân chúng quá nồng nhiệt sinh ra rối loạn, nên vào giờ chót ra lệnh cấm biểu tình.
Ở Bắc và Trung Việt, đảng Đại Việt quốc xã hoạt động ráo riết. Báo chí và tuyên truyền, dưới sự kiểm soát của Nhật mở một chiến dịch sôi nổi chống quan trường thối nát, tay sai chính của chế độ cai trị Pháp.
Trước phong trào quốc gia ồ ạt, ngày 19 tháng ba, toàn thể các vị Thượng thư Nam triều đệ chung một lá đơn xin từ chức theo lời yêu cầu chính thức của Bảo Đại; ông đích thân đứng ra đảm nhiệm quyền bính.