Trong mục này tôi xin được đề cập tới một số quý vị Tướng lãnh, mà tôi xin được mạn phép gọi là "Ngũ Đại Trụ". Vì theo chỗ tôi cũng như nhiều người biết, quý vị là những nhân vật "trụ cột", quyết định sự thành bại của cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 và chỉnh lý đêm 29 rạng ngày 30. 1. 1964.
Nhưng trước khi nói ra đôi điều tôi được biết về quý vị, tôi xin được công khai nhìn nhận rằng, tất cả quý vị đều là ân nhân của tôi. Tôi vô cùng cảm kích và không bao giờ, cho đến bây giờ, khi viết những dòng này, tôi có thể quên được tình cảm quý vị đã dành cho tôi sau ngày 1.11.1963. Đặc biệt, với quý cố Trung Tướng Trần Văn Đôn, cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính và cố Thiếu Tướng Đỗ Mậu.
Tôi biết khi ghi lại những hiểu biết nhỏ nhoi của tôi hoặc trực tiếp, hoặc do lời kể của nhân chứng về quý vị, trong các phần trước và trong mục này, có những điều làm quý vị không được vừa lòng.
Nhưng kính thưa quý vị, điều đó không hề vương vấn một chút "vô ơn bạc nghĩa nào". Điều đó chỉ vì, trách nhiệm và lương tâm đối với các thế hệ mai sau. Vì những thế hệ này, trong nhiệm vụ phục vụ Quê Hương và Dân Tộc, họ cần và phải được học hỏi những điều hay, cũng như những cái dở, nơi những người đi trước. Nhất là nơi những người đã từng một thời tự dành lấy trách nhiệm đối với sự Thịnh Suy của Đất Nước, sự Tồn Vong của Dân Tộc.
Tôi thành thật kính trọng mong được quý vị thông cảm và thứ lỗi.
TRUNG TƯỚNG TRẦN VĂN ĐÔN
Tôi được nghe tên Tướng Trần Văn Đôn khi ông là Đại Tá Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia thời Tướng Nguyễn Văn Hinh làm Tổng Tham Mưu Trưởng. Sau này tên tuổi ông được nhắc đến nhiều hơn, khi ông tổ chức buổi lễ "h ỏa thiêu" cấp hiệu của quân đội Pháp mà quân đội quốc gia vẫn mang, khi cấp hiệu này được thay thế bằng bông mai. Tôi chỉ thực sự biết và được tiếp xúc với ông, khi ông ra giữ chức Tư Lệnh Quân Khu II, giữa tháng 10. 1957.
Là một Tướng lãnh hàng đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông sinh trưởng tại Pháp, học Trường sĩ quan của Pháp ở Tông và Bắc Việt năm 1944, phục vụ trong quân đội Pháp. Ông hồi Việt tịch và tiếp tục phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia với cấp bậc Đại Tá, khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thu hồi nền độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Từ hồi xa xưa, không biết được phát minh từ giới nào, sinh viên, học sinh hay Quân Nhân, mà đám thanh niên hầu như không ai không biết ba điều kiện "phải có", để được lọt vào mắt xanh của các "nàng tiên", "Đẹp trai-Học giỏi-Con nhà giàu". Với Tướng Đôn, hai điều kiện 1 và 3 ông có dư. Riêng điều kiện 2 thì tôi không được rõ, nhưng có điều chắc, ông không phải là người kém thông minh. Vả lại, điều kiện này nếu có thiếu nơi ông, thì nó đã được thay thế bằng địa vị lớn nhất nhì trong Quân Đội Quốc Gia khi trước, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau này. Vì vậy mà ông đã lọt vào mắt xanh không phải chỉ một, mà quá nhiều nàng tiên. Cũng vì vậy mà ông đã bị mang nhiều tai tiếng về vụ đàn bà con gái.
Người miền Nam thường được coi là bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Nhưng trường hợp Tướng Đôn lại là một biệt lệ. Là con người đa cảm, ông cư xử rất khôn khéo, kín đáo, ít nói, rất nhã nhặn, lịch sự với mọi người kể cả hàng Binh Sĩ. Gần như ông không làm mất lòng ai bao giờ.
Sau khi ông nhận chức Tư Lệnh Quân Khu II được ít ngày, một hôm ông Cẩn gọi tôi bảo:
- Ông Đôn xin một Sĩ Quan làm Chánh Văn Phòng, chú coi trong anh em có ai không?
- Thưa Cậu, ông Đôn là Tây con, một Sĩ Quan làm Chánh Văn Phòng cho ông phải thông thạo tiếng Pháp mới được. Ở đây con không biết có anh em nào không. Nhưng con có ông Thầy dạy con hồi nhỏ, hiện là Sĩ Quan Quân Cụ ở Sài Gòn. Ông có bằng tú tài Pháp, đã đi Pháp học về quân Cụ, nói tiếng Pháp lưu loát.
- Chú vô Sài Gòn xin cho anh nớ tuyên chuyển ra ngoài ni.
Hai ngày sau tôi vào Sài Gòn, đến gặp ông Thầy cũ của tôi, Trung Úy Phạm Văn Thiết, trong Khu Cư Xá Hòa Bình đối diện rạp chiếu bóng Palace ở Đường Trần Hưng Đạo. Tôi phải mất gần một buổi tối mới thuyết phục được ông bỏ Sài Gòn. Ông Thiết làm Chánh Văn Phòng cho Tướng Đôn đến sau ngày đảo chánh 1.11.1963 ít lâu sau thì ông về lại ngành Quân Cụ.
Ít tháng sau, Tướng Đôn ngỏ ý xin Linh Mục Đỗ Bá Ái, Giám Đốc Tuyên Úy Công Giáo Quân Khu II, dạy đạo và rửa tội cho ông. Cha Ái đã khuyên ông không nên gấp gáp quá, hãy bình tĩnh tìm hiểu đạo cho thấu đáo, ngài sẽ giúp ông trong chuyện đó. Ngài cũng lưu ý ông rằng, điều cốt yếu là thực sự TIN và MUỐN. Vấn đề rửa tôi chưa cần thiết, vì theo ý ngài, việc ông vào Đạo Công Giáo lúc này sẽ làm mất thế giá của ông. Sau này nhiều lần gặp ngài ông Đôn không nhắc gì đến chuyện học đạo nữa.
Vì có quen biết với Ông Bà Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn từ trước, nên Tướng Đôn không những được hai ông mà cả Tổng Thống Diệm có phần tin tưởng, nể trọng. Phần Tướng Đôn, trước mặt Tổng Thống Diệm và ông Nhu, ông Cẩn, ông cũng giữ được tư cách tương đối xứng đáng hơn nhiều vị tai to mặt lớn và Tướng lãnh khác.
Suốt thời gian ông giữ chức Tư Lệnh Quân Khu II, sau là Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật, từ cuối 1957 đến cuối 1962, thỉnh thoảng tôi chỉ gặp ông trong nhà ông Cẩn, không có dịp gặp riêng ông bao giờ. Ngoại trừ một lần ông mời tôi dùng cơm gia đình với ông tại tư dinh. Dự bữa cơm chỉ có ông, Đại Úy Thiết và tôi. Bữa cơn thanh đạm, đặc biệt có món cá bát sống chấm mắm tôm. Một món ăn mà tôi nghĩ, người miền Nam rất ít, có thể nói là không ai biết thưởng thức. Vì đó là món chỉ dành cho người dân nghèo miền Bắc. Ông tỏ ra có cảm tình với tôi nhiều hơn chỉ từ sau cuộc binh biến 11.11.1960.
Số là khi cuộc binh biến 11.11.1960 xảy ra, không biết do ngẫu nhiên hay có mưu tính, mà các Tư Lệnh Quân Đoàn và Sư Đoàn đều về họp tại Sài Gòn. Khi vụ binh biến thất bại, vì muốn sắp xếp lại nhân sự trong các chức vụ chỉ huy, nên các vị này được yêu cầu tạm lưu lại Sài Gòn, trong đó có Tướng Đôn. Tướng Hồ Văn Tố được Bộ Tham Mưu đưa ra tạm Quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật. Mấy ngày sau Tướng Tôn Thất Đính cũng từ Sài Gòn ra, tạm nghỉ tại nhà vãng lai cấp Tướng, trong khi Tướng Tố cũng đang tạm trú tại đó. Ban đêm, một cuộc sô xát xảy ra giữa hai ông Tố và Đính. Sáng hôm sau khi biết sự việc, ông Cẩn nói với tôi: "Mình muốn nâng đỡ cho Đính, mà hắn con nít quá như ri, mần răng?" Chú lên viết thơ trình Tổng Thống xin cho ông Đôn ra lại!.
Mấy ngày sau Tướng Đôn ra nắm lại Quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật.
Khoảng hai tháng sau, đầu năm 1961, một hôm ông Cẩn gọi tôi bảo: Chú chuẩn bị bàn thờ Tổ Quốc trên Văn Phòng, để 10 giờ sáng mai cho ông Đôn tuyên thệ gia nhập đảng. Tôi sẽ chủ trì buổi lễ. Chú cũng chuẩn bị một tiệc trà nhỏ để sau buổi lễ anh em uống trà cho vui. Không may đêm ấy ông Cẩn bị đau bất thình lình. Sáng hôm sau ông phải ủy cho ông Nguyễn Đình Cẩn, Bí Thư Khu Bộ Phan Đình Phùng, cơ sở đảng Cần Lao dân sự tại Trung Phần, thay ông chủ trì buổi lễ tuyên thệ gia nhập đảng Cần Lao của Tướng Đôn.
Suốt 5 năm nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật, khi ở Huế, lúc ở Đà Nẵng, Tướng Đôn luôn giữ được mối liên hệ rất tốt với ông Cẩn. Lâu lâu ông vẫn ra vào ông Cẩn một cách vui vẻ, kính cẩn. Kể cả khi ông đã rời Quân Đoàn I vào giữ chức Tư Lệnh Lục Quân tại Sài Gòn, khi Bộ Tư Lệnh này được thành lập vào cuối năm 1962. Ông đã để Đại Úy Thiết ở lại Huế, một phần là để giữ cho mối liên hệ giữa ông và ông Cẩn không bị gián đoạn và trở ngại. Và ba ngày trước ngày ông khởi động cuộc đảo chánh, ngày 28. 10. 1963, ông vẫn ra "mừng sinh nhật" ông Cẩn.
Phần ông Cẩn, cũng vẫn dành cho Tướng Đôn sự trọng nể hơn các Tướng lãnh khác, ngoại trừ Đại Tướng Nguyễn Văn Tỵ. Mắc dầu Tướng Đôn hay bị tố cáo về vấn đề liên hệ với nhiều phụ nữ, nhưng ông Cẩn vẫn tỏ ra có một quan niệm rộng rãi đối với ông về vấn đề này, như tôi đã kể trong phần về con người ông Cẩn.
Được tất cả các vị lãnh đạo Đệ I Cộng Hòa nể trọng và biệt đãi như vậy nhưng, Tướng Đôn lại đã âm thầm tổ chức cuộc đảo chánh lật đổ các vị ấy như chính ông kể lại với tôi sau đây.
Sau khi ông bị hai Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm chỉnh lý đêm 29 rạng ngày 30. 1. 1964 cùng với một số bạn "đồng hội đồng thuyền", bị giam lỏng và quản thúc một thời gian, rồi bị giải ngũ và được tự do. Một hôm ông cho Thiếu Tá Phạm Văn Tuy Chánh Văn Phòng của ông, mới tôi đến ăn cơm với ông tại nhà anh, trong một hẻm nhỏ ở cuối Đường Nguyễn Tri Phương gần Chợ Cá Trần Quốc Toản. Dự bữa cơm chỉ có ông, anh Tuy và tôi. Trong bữa ăn ông đề cập đến hai việc:
Việc thứ nhất là vụ đảo chánh 1.11.1963. Đại để ông cho tôi biết phần lớn việc thực hiện cuộc đảo chánh 1.11.1963, từ sắp đặt kế hoạch, móc nối tổ chức nhân sự ở các nơi đều do ông thực hiện. Khi mọi việc đã được sắp xếp xong xuôi rồi, chỉ còn chọn ngày giờ hành động, mới đưa ông Dương Văn Minh vô, vì ông Minh từ trước vẫn được coi là đàn anh của các Tướng lãnh, sau Đại Tướng Lê Văn Tỵ. Nhưng ông (Đôn) không dính dấp gì đến cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Nhu.
Theo câu Tướng Dương Văn Minh nói với Hội Đồng Tướng Lãnh, chiều ngày 2. 11. 63, sau khi cuộc đảo chánh thành công: "Các "toi" còn cần gì "moi" không để "moi" còn đi đánh tennis"? thì điều thứ nhất trên đây có lẽ Tướng Đôn nói thật.
Tướng Đôn cũng cho tôi biết, sáng ngày 2. 11, nếu Tổng Thống Diệm giữ im lặng chừng nửa tiếng đồng hồ nửa tiếng đồng hồ nữa thì các Tướng đảo chánh đã chạy trốn rồi. Vì lúc 6 giờ 30 khi cánh quân của Sư Đoàn 5 chiếm được Dinh Gia Long, ông Thiệu báo cáo không thấy Tổng Thống và ông Nhu, không biết hai ông ở đâu. Các Tướng đảo chánh lúc ấy mất hết tinh thần, hốt hoảng chuẩn bị vào Bộ Tư Lệnh Không Quân để chạy sang Cao Miên hoặc Thái Lan. Vừa lúc ấy thì nhận được điện thoại Tổng Thống cho biết đang ở Nhà Thờ Cha Tam và yêu cầu đón ông về Bộ Tổng Tham Mưu.
Khi tôi hỏi lý do làm đảo chánh, ông nói:
- Một mặt vì tình hình nội bộ không giải quyết được vụ Phật Giáo. Những bất ổn càng ngày càng trầm trọng gây nhiều bất mãn. Trong khi tình hình chiến sự ở mọi nơi đều gia tăng cường độ, kể từ khi có những bất ổn nội bộ. Mặt khác vì áp lực quá mạnh từ phía người Mỹ. Nếu còn Tổng Thống và ông Nhu thì mình sẽ không có phương tiện chiến đấu.
- Thưa, Trung Tướng nói không dính dấp gì đến cái chết của Tổng Thống và ông Nhu nghĩa là làm sao?
- Tôi thật sự ân hận về việc này. Tôi, ông Đính và ông Khiêm không hề có ý định làm hại tính mạng ông Cụ và ông Cố Vấn (Nhu). Khi được biết ông Cụ và ông Cố Vấn ở Nhà Thờ Cha Tam và yêu cầu đón hai ông về Bộ Tổng Tham Mưu, tôi đã nói ông Đính cho người đi đón, nhưng sau đó Trung Tướng Minh dành cử người đi. Thấy ông Minh sai ông Xuân đi tôi đã nghĩ ngay đến việc phải bảo vệ hai ông. Tôi nói với Đại Tá Lắm cùng đi với ông Xuân, và yêu cầu ông Xuân phải đến gặp ông Đính trước khi đến đón ông Cụ và ông Cố Vấn. Khi đoàn xe đi rồi tôi yên tâm và dọn phòng Đại Tướng Tỵ, cắt đường dây điện thoại, cho đặt thêm giường. . . để hai ông tạm nghỉ trong khi chờ máy bay đưa ra ngoại quốc. Công việc chưa xong thì tôi được báo, hai ông đã chết.
- Thưa, lúc ấy Trung Tướng có tin là hai ông tự tử không?
- Khi vừa nghe tin, tôi ra ngay phòng họp thấy ông Xuân lên báo cáo với ông Minh "mission accomplie" (nhiệm vụ hoàn tất) tôi biết ngay là hai ông bị giết.
- Thưa Trung Tướng, vậy tại sao Hội Đồng Tướng Lãnh lại ra thông báo là hai ông tự tử?
- Vì lúc ấy không ai ước tính được phản ứng của thế giới, của dân chúng, nhất là dân di cư, và ngay cả trong Quân Đội, nếu họ biết hai ông bị giết sẽ ra sao. Nên phải nói như vậy để, một mặt an dư luận, một mặt thăm dò phản ứng.
Việc thứ hai được ông đề cập là, đề nghị tôi hợp tác tổ chức một cuộc "đảo chánh". Chắc vì ông nghĩ rằng tôi có khả năng quy tụ được một số nhân vật và lực lượng đáng kể (Cần Lao). Ít lâu sau, thấy tôi chưa đáp ứng, ông đã nhắc lại đề nghị này trong dịp cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ và tôi đến phân ưu với ông Trần Văn Đôn khi thân phụ ông qua đời. Vì đã biết rằng khi ấy mọi việc đều do người Mỹ sắp đặt, Đại Tá Duệ và tôi bảo nhau cùng làm thinh trước đề nghị của Tướng Đôn.
Tôi cảm thấy chưa được thỏa mãn về những giải thích của ông. Bởi vì, ông là một Tướng lãnh hàng đầu của Quân Đội, từng đại diện Chính Phủ và Quân Đội điều tra về tai nạn tại Đài Phát Thanh Huế đêm mồng 8. 5. 1963. Trước kia ông từng sinh hoạt hàng tuần với ông Ngô Đình Nhu về tình hình chính trị, quân sự trong nước và ngoại quốc. Hơn ai hết ông phải biết nguyên nhân và thực trạng của những vấn đề ông đưa ra để chứng minh cho hành động làm đảo chánh của ông, mà tôi cho là quá đơn giản và không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, tôi vẫn thắc mắc có tìm hiểu thêm xem có động lực nào khác nữa, đã góp phần thúc đẩy ông có hành động nhiều mạo hiểm đối với bản thân ông, và thiếu thành thực đối với những người luôn thành thực với ông. Cho đến sau ngày 30.4.1975, qua một số sự kiện và đến khi được đọc Hồi Ký của ông, tôi mới thấy được những động lực này.
Chắc nhiều độc giả biết và còn nhớ, thời Đệ II Cộng Hòa, sau khi bị rớt khỏi Thượng Viện, Tướng Đôn đã ra ứng cử và đắc cử Dân Biểu tại Quảng Ngãi. Hồi ấy, trong nhiều dịp gặp gỡ riêng tư, một số bạn bè nguyên là Cán Bộ Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, đảng viên đảng Cần Lao, quê quán tại Quảng Ngãi và các Tỉnh thuộc Vùng I Chiến Thuật, đặt nghi vấn và hỏi tôi về sự kiện này. Vì ai cũng có thể thấy 90% dân chúng Tỉnh Quảng Ngãi không biết đến tên Tướng Đôn, nói chi đến thành tích hoạt động của ông mà bầu cho ông. Và với tình hình an ninh thời bấy giờ, làm sao Tướng Đôn đến được các Thôn xã của một Tỉnh vốn là lãnh địa của cơ quan đầu não (liên khu ủy) của liên khu 5 Việt Cộng, để vận động, ra mắt dân chúng? Về phía Quốc Gia, Quảng Ngãi là lãnh địa của Quốc Dân Đảng. Tướng Đôn không phải là đảng viên Quốc Dân Đảng. Thực tình khi ấy tôi chỉ nghĩ rằng đó là kết quả do "phù phép" của chính quyền.
Nhưng, sau ngày 30. 4. 1975, người dân Sài Gòn, nhất là giới nghệ sĩ, đều biết cô "đệ nhất đào bi" Kim Cương được chính quyền Cộng Sản ưu đãi đặc biệt, vì cô đã được móc nối và cộng tác với họ từ trước. Dĩ nhiên là cô được dùng để thực hiện nghiệp vụ gián điệp bằng mỹ nhân kế. Có nhiều người còn cho biết, họ đã từng thấy cô mang cấp bậc thiếu tá Cộng Sản. Từ sự kiện này, tôi nhớ lại sự liên hệ tình cảm khắm khít giữa Tướng Trần Văn Đôn và cô đào này. Họ khắm khít nhau đến độ có nhiều chuyện tình tứ, mây mưa. . . giữa hai người đã được ghi nhận. Một mối tình mà người ta thường gọi là: "Già nhân ngãi, non vợ chồng". Tôi thấy rằng, mối tình này đã ảnh hưởng không nhỏ trên quyết định làm đảo chánh của Tướng Đôn, đã đưa ông ra ứng cử và đặc cử Dân Biểu đơn vị Quảng Ngãi.
Thi hành công tác gián điệp, cô Kim Cương khi đã "chài" được Tướng Đôn, cho dù cô có thật sự si mê ông đi nữa, thì tình yêu cô dành cho ông cũng không thể nào là thứ tình "cho không biếu không" được.
Vì vậy, việc nữ gián điệp Kim Cương dùng mối tình khắm khít cô dành cho Tướng Đôn để khai thác và ảnh hưởng trên ông trong những công việc và quyết định của ông trong các chức vụ ông nắm giữ, để mang lại lợi ích tối đa cho tổ chức của cô là điều dễ hiểu. Theo tôi, đây là động lực thứ hai, sau những hứa hẹn của chính quyền Hoa Kỳ, đã thúc đẩy Tướng Đôn tổ chức cuộc đảo chánh một cách quá liều lĩnh. Liều lĩnh với bản thân ông nếu cuộc đảo chánh bất thành. Nhất là liều lĩnh với tương lai đất nước khi ông tổ chức đảo chánh lật đổ cả một chế độ, một bộ máy điều khiển cuộc chiến chống cộng đang đi vào giai đoạn quyết liệt, chỉ vì bất bình với chế độ chứ chẳng phải vì tình hình nội bộ, tình hình an ninh v. v. . . như ông đã nói với tôi. Điều này do chính Tướng Đôn thú nhận trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của ông, khi Lucien Conein, người đại diện của Đại Sứ Cabot Lodge bên cạnh các Tướng đảo chánh hỏi ông, sáng sớm ngày 2. 11:
Conein hỏi: "Theo lời yêu cầu của chính phủ Mỹ, xin quý ông cho biết chương trình hoạt động sau khi cuộc đảo chánh hoàn thành".
Tướng Đôn ghi lại: "Tôi thối thác vì thực ra chúng tôi chưa bàn với nhau gì về chương trình xây dựng sau khi đảo chánh thành công. Chúng tôi làm vì bất bình chứ chưa phải là người chính trị". ( Việt Nam Nhân Chứng. Trang 227)
Một hành động có tính cách quyết định tương lai của cả một dân tộc đã được các Tướng đảo chánh ngày 1.11.1963 làm chỉ vì "bất bình chứ không hề có một kế hoạch gì để xây dựng sau đó".
Hành động vô ý thức, vô chính trị của các Tướng đảo chánh được Tướng Đôn thú nhận trên đây, đã được Bắc Việt đánh giá bằng 10 năm chiến đấu của họ.
Trong bản phân tích tình hình sau chính biến 1.11.1963 tại miền Nam được Hà Nội phổ biến, để hướng dẫn cán bộ của họ khai thác những thuận lợi do chính biến này đem lại, có đoạn viết:
"Cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam lật đổ chế độ độc tài, khát máu, gia đình trị Diệm-Nhu đã giúp cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta rút ngắn được ít nhất là mười năm".
Tài liệu nói trên đây do một đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc Quân Đoàn III bắt được trong cuộc hành quân tại mật khu Hố Bò thời gian ngắn sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, được giao nạp cho Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu và Cục An Ninh Quân Đội.
Tôi không biết Tướng Đôn và các bạn "đồng hội đồng thuyền" của ông nghĩ thế nào khi đọc tài liệu này?
Tướng Tôn Thất Đính, vị Tư Lệnh các lực lượng đảo chánh, có lẽ do đọc tài liệu này mà ông đã nhìn nhận cuộc "hành quân 1.11.1963" là "một thảm bại lớn lao đối với lịch sử". . . "Ai cũng đều thất bại kể cả Hoa Kỳ là nước đồng minh, khi kẻ thù từ quốc tế đến quốc nội bắt đầu vỗ tay cho tương lai chiến thắng của chủ nghĩa Cộng Sản". (20 Năm Binh Nghiệp. Trang 455) Một tấm gương can đảm.
Việc Tướng Đôn chọn đơn vị bầu cử Quảng Ngãi, lãnh địa của liên khu ủy khu 5 Việt Cộng để ra ứng cử dân biểu và đã đắc cử, liệu có phải do sự sắp xếp của nữ gián điệp Kim Cương không? Có nhiều phần chắc là phải. Vì vào Hạ Viện với cấp bậc và chức vụ ông đã từng nắm giữ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông, chức Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa làm sao lọt khỏi tay ông? Hơn nữa, ông đã nắm chức vụ này khi ở Thượng Viện. Chức vụ này ai cũng biết, là một trong những nơi mà các tổ chức tình báo và gián điệp của địch luôn luôn tận tình chiếu cố.
Tưởng cũng nên nói qua, tại miền Nam, thời Đệ II Cộng Hòa, Hạ Viện có hai vị Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng là cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, có liên hệ rất khắm khít với một nữ gián điệp của đối phương như vừa nói trên. Và vị kia là Đại Tá Đinh văn Đệ, một cán bộ Cộng Sản nằm vùng.
Như vậy, sách lược Quốc Phòng của miền Nam còn chút gì là "MẬT" đối với đối phương nữa không?
Một sự kiện khác nữa mà theo tôi, cũng là một yếu tố giúp Tướng Đôn hăng hái tổ chức đảo chánh Tổng Thống Diệm. Đó là sự kiện ông Hội Trưởng Hội Tiên Thiên Thánh Giáo Huế, truyền lệnh thánh chỉ thị cho Tướng Đôn phải đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm như đã được đề cập trong phần "Tại sao biến động cờ Phật Giáo được khởi động tại Huế". Vì ông tin rằng đó là sứ mạng được thần thánh trao phó.
Tóm lại, lý do khiến Tướng Trần Văn Đôn đã liều lĩnh tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 là vì:
- Trên đầu ông có vị Thánh của Tiên Thiên Thánh Giáo.
- Bên phải ông người tình, gián điệp của Cộng Sản.
- Bên trái ông có ông bạn Lucien Conein, gián điệp người đồng minh vĩ đại Hoa Kỳ.
Những lý do đẹp đẽ và đơn giản như ông nói với tôi nếu có, cũng chỉ là những lý do phụ, rất phụ mà thôi.
Về tâm trạng ân hận về việc Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị sát hại của Tướng Đôn, tôi không biết mức độ thật thà của ông trong lời nói này đạt được đến mức nào. Vì trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của ông, ông lại đã cho rằng, quyết định giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu là một quyết định khôn ngoan.
Có lẽ khi viết hồi ký, Tướng Đôn đã có một nhận định khác hẳn với tâm trạng được ông thổ lộ với tôi trước kia, vì khi ấy ông đã nhận ra sự chính xác của lời nhận xét được cựu Tổng Thống Trần Văn Hương, khi đang làm Thủ Tướng, nói với một Nhà Ngoại Giao Anh:
"Các Tướng lãnh hàng đầu vì sợ chết, họ đã quyết định ám sát Tổng Thống Diệm và em ông. Các Tướng lãnh biết quá rõ rằng họ bất tài, không có đạo đức và kể cả không được dân chúng hậu thuẫn, họ không thể ngăn cản một cuộc trở về ngoạn mục của Tổng Thống và ông Nhu nếu hai ông còn sống". (Our Vietnam Nightmare. Trang 215)
TRUNG TƯỚNG TÔN THẤT ĐÍNH
Khi về phục vụ tại Tiểu Đoàn 7, qua số anh em binh sĩ được đưa từ Quảng Bình vào để thành lập Tiểu Đoàn này, tôi đã được nghe danh Đại Úy Tôn Thất Đính, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 12 tại Quảng Bình. Một sĩ quan trẻ, lanh lợi, nhưng tính tình thì nóng như Trương Phi.
Khi ông về làm Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh được ít lâu, sau vụ đụng độ với Thiếu Tá Võ Văn Cảnh Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 Sư Đoàn I, trong dịp tiếp đón Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Trần Trung Dung tại Trung Đoàn này. Buổi chiều ông đến kể lại với tôi diễn tiến sự việc và cho biết ông sẽ phạt ông Trung Đoàn Trưởng này. Tôi thấy nhận xét của anh em Binh Sĩ về tính nóng nảy của ông tôi được nghe khi ở Tiểu Đoàn 7, đúng thật. Cũng may, suốt thời gian ông chỉ huy Sư Đoàn 1, ngoài vụ Thiếu Tá Cảnh, không xảy ra vụ đụng độ nào khác giữa ông và anh em Quân Nhân trong Sư Đoàn nữa.
Vì nóng nảy, nhiều tự ái và háo thắng, nên lúc nào ông cũng muốn, bằng mọi cách, vượt lên trên tất cả bạn bè. Từ tâm trạng đó, hình như ông luôn luôn bị sự thèm khát chức tước và địa vị dày vò mà không giấu giếm được.
Sau khi Đại Tá Trần Ngọc Tám được vinh thăng Thiếu Tướng, ông đã tỏ ra bực bội, bất mãn gần như công khai. Trong thời gian này, tất cả những ai có dịp tiếp xúc với ông đều nhận thấy thái độ ấy của ông. Ông Ngô Đình Cẩn biết tình trạng này, một đôi lần ông đã định can thiệp cho ông Đính, nhưng ông còn ngại vì thấy ông Đính "tính tình còn con nít" quá. Nhưng cuối cùng, dịp may của ông Đính cũng đã đến.
Nếu tôi nhớ không lầm thì giữa năm 1957, Tổng Thống Diệm quyết định mở con đường chiến lược xuyên sơn từ Lăng Minh Mạng lên đến vùng Ashao-Aluoi, giáp với biên giới Lào. Một địa điểm chiến lược mà sau này đã xảy ra những trận đụng độ ác liệt từng gây chấn động dư luận Việt-Mỹ, giữa quân đội Cộng Sản Bắc Việt và quân đội Mỹ. Việc thực hiện con đường được giao cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh do Đại Tá Tôn Thất Đính, đảm trách.
Cuối mùa Hè năm 1958, công trình thực hiện con đường hoàn tất, Tổng Thống ra thị sát và khánh thành. Buổi chiều, từ Ashao-Aluoi trở về, ông đã đi thẳng xuống nhà nghỉ của ông Cẩn ở Thuận An.
Chiều hôm ấy tôi xuống trình công việc với ông Cẩn, ông bảo tôi vào phụ ông sắp đặt lại căn phòng của ông để Tổng Thống nghỉ qua đêm. Trong lúc chúng tôi đang dọn dẹp trong phòng, thì Tổng Thống về đến. Đứng trước cửa phòng, ông tươi cười hỏi ông Cẩn:
- Ở như ri thì. . . tiêu, tiểu vô mô?
- Dạ thưa anh có chứ ạ!
Và ông Cẩn đi ra hướng dẫn Tổng Thống vào nhà vệ sinh, trong khi đó tôi tiếp tục dọn trong phòng. Lúc ông trở lại, tôi đề nghị với ông:
- Bữa nay ông Cụ vui quá. Chắc con đường Sư Đoàn 1 làm, ông Cụ vừa ý lắm. Cậu xin cho ông Đính lên Tướng cho rồi. Để ông bất mãn nói lung tung hoài, bất lợi đối với anh em ở dưới.
- Ừ! Chắc ông Cụ vừa ý về con đường ấy lắm. Để xin cho hắn cho rồi.
Khi Tổng Thống trở ra, ông Cẩn hướng dẫn ông đi coi quanh nhà. Vừa lúc phái đoàn tháp tùng Tổng Thống gồm một số vị Bộ Trưởng, Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Trung Tướng Trần Văn Đôn, vào tới phòng khách. Theo Tổng Thống ra phòng khách rồi trở lui, ông Cẩn nói với tôi:
- Được rồi! Ông Cụ chấp thuận cho Đính lên Tướng rồi. Sáng mai gắn lon, chú về cho hắn biết cho hắn mừng.
Trong bữa tiệc anh em Sư Đoàn I khoảng đãi mừng ông vinh thăng, ông đã tuyên bố một câu làm cho anh em rất hài lòng. Ông nói: "Cặp sao tôi nhận được bữa nay là do công lao của tất cả anh em, chứ không phải của riêng mình tôi".
Ít tháng sau, đầu năm 1959, ông bàn giao Sư Đoàn cho Đại Tá Nguyễn Văn Chuân và lên Cao Nguyên nhận quyền Tư Lệnh Quân Đoàn II Vùng II Chiến Thuật, thay thế Tướng Trần Ngọc Tám. Khoảng giữa năm 1959, ông Cẩn sai tôi lên thăm ông tại Pleiku. Sau lần này, tôi chỉ có dịp gặp lại ông mỗi lần ông ra Huế và đến chào thăm ông Cẩn. Cho đến bốn ngày sau khi xảy ra cuộc binh biến 11.11.1960, Tướng Đính từ Sài Gòn ra Huế. Buổi tối Đại Úy Ngô Văn Hùng Giám Đốc Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng mời tôi ăn cơm với ông tại văn phòng của anh. Cơm xong, khoảng 10 giờ, tôi cáo từ ra về, ông cùng đi với tôi. Về nhà tôi, ông ngồi nói chuyện đến hơn 1 giờ sáng, uống thêm gần hết chai rượu Johnnie Walker. Kết ý câu chuyện dài mấy tiếng đồng hồ, ông chỉ trích cách làm việc thiếu chặt chẽ, tắc trách của Bộ Tổng Tham Mưu, và kết luận:
"Ba Đính mà làm Tổng Tham Mưu Trưởng thì sức mấy mà đứa mô mần đảo chánh được".
Từ nhà tôi ông về nghỉ ở nhà vãng lai cấp Tướng, và trong đêm đó xảy ra vụ xô xát giữa ông và Tướng Tố như tôi đã thuận lại ở phần trên.
Đến cuộc đảo chánh 1.11.1963, việc ông tham gia cuộc đảo chánh này, ngoài phần ông hé hở với tôi như đã được kể lại trong mục "Tiền Đảo Chánh" tôi được cựu Trung Tá Nguyễn Duy Nghệ, khi ấy là Đại Úy Tùy Viên của ông, cho biết một số sự kiện như sau:
Trước ngày đảo chánh chừng một tuần, Tướng Đính cùng với Tướng Đôn từ Sài Gòn ra Quân Đoàn I. Đến Đà Nẵng Tướng Đôn ở lại gặp Tướng Trí, Tướng Đính bay ra Huế gặp ông Cẩn.
Cùng ngày, trên đường về lại Sài Gòn, ghé Đà Nẵng đón Tướng Đôn và Đại Tá Hồ Tấn Quyền Tư Lệnh Hải Quân, ghé Đà Lạt gặp Tướng Khánh tại sân bay Liên Khương.
Đêm trước ngày đảo chánh (30. 11), Tướng Đính thao thức suốt đêm, ông gọi tôi (Đại Úy Nghệ) vào hỏi:
- Kế hoạch toa đã biết, toa nghĩ moa có nên làm không?
- Theo tinh thần Trung Quân, Ái Quốc, xin Thiếu Tướng xét lại. Tôi không dám có ý kiến. Đại Úy Nghệ thưa lại.
- Nhưng moa làm chuyện này là để cứu ông Cụ, với sự đồng ý của ông Cậu.
Đêm 1. 11 Tướng Đính băn khoăn lo lắng cả đêm. Ông ra lệnh cho Đại Tá Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, phải tìm cho được hai "objets précieux" (báu vật). Đến sáng, khi được Trung Tướng Đôn yêu cầu đi đón Tổng Thống và ông Nhu, ông cho lệnh sửa soạn xe Beaulieu của ông để đi đón, nhưng lấy cớ bận, cử Đại Tá Lâm Văn Phát thay mặt. Ông Phát cũng sợ không dám đi. Vừa lúc ấy, Tướng Đôn điện thoại cho ông:
- Thôi toa khỏi đi. Trên này cử phái đoàn đi. Phái đoàn sẽ đến gặp toa trước khi đi.
Khi Tướng Xuân dẫn đoàn xe đi rồi, ông Đính gắn lon Tướng cho ba Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Lâm Văn Phát và Nguyễn Hữu Có. Chừng 45 phút sau, khi các ông còn đang vui vẻ thì Tướng Đôn điện thoại cho Tướng Đính. Nghe điện thoại, Tướng Đính ngạc nhiên nói lớn:
- Có chuyện đó sao?
Rồi ông gọi ông Thiệu.
- Thiệu, toa nghe này!
Cầm điện thoại nghe Tướng Đôn nói, Tướng Thiệu (mới được ông Đính gắn lon) sửng sốt hỏi:
- Hai ông tự tử à?
Tướng Đính tỏ ra hết sức buồn bực, ông cho lệnh tất cả giải tán rồi ra xe lên thẳng Bộ Tổng Tham Mưu.
Khi đến Bộ Tổng Tham Mưu, ông Đính vừa xuống xe, ông Mậu đứng đâu quanh đó chạy ra nói:
- Hai ông nằm trong xe ở bên kia, Thiếu Tướng qua coi một chút.
Với vẻ giận dữ, Tướng Đính vung cây gậy chỉ huy đang cầm trong tay suýt trúng mặt ông Mậu.
- Coi răng được mà coi.
Nói rồi, bỏ mặc ông Mậu đứng đó, ông đi thẳng lên phòng họp trong tòa nhà chính.
Buổi chiều, tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, ông được Bưu Điện Sài Gòn mời 8 giờ sáng hôm sau đến nhà Bưu Điện, có Bà Ngô Đình Nhu từ Mỹ muốn nói chuyện với ông. Ông không chịu đến nhà Bưu Điện và yêu cầu Nha Bưu Điện nội trong đêm, cho thiết lập một đường dây đặc biệt từ nhà Bưu Điện Sài Gòn đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, trong Trại Lê Văn Duyệt để ông sử dụng.
Sáng hôm sau, đúng giờ Bà Ngô Đình Nhu từ Mỹ gọi về. Bà hỏi ông:
- Anh Đính! Ai cho phép anh làm như vậy?
- Thưa bà, không phải tôi.
- Không phải anh thì tôi không cần nói chuyện với anh! Cuộc điện đàm chấm dứt.
Từ những sự kiện trên đây, có thể, việc sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã xảy ra ngoài ý muốn của ba Tướng Đôn, Đính, Khiêm như Tướng Đôn nói với tôi. Ít nữa là trong dự mưu. Nó cũng giúp tôi hiểu được thái độ bình tĩnh của ông Cẩn, khi được tôi trình lại lời báo cáo của Tướng Đính, lúc gần 12 giờ đêm 1. 11: "Trong này anh em đã thi hành lệnh của ông Cố Vấn". Nhưng nó lại đem đến cho tôi một thắc mắc lớn khác: Tướng Đính đã theo lệnh ai hay tại sao, và ông lý luận thế nào để thuyết phục ông Cẩn mà được ông Cẩn đồng ý để ông làm đảo chánh "cứu ông Cụ"? Và có thật sự là có việc ấy không? Hay chỉ là vì ông Cẩn đã được biết có kế hoạch Bravo I. Bravo II?
Dù nói cách nào đi nữa để tránh né trách nhiệm đối với cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Nhưng là những Tướng lãnh tự cho mình là mưu trí, tài ba thao lược, trong khi đang nắm trọn Quyền và Lực trong tay, mà lại để xảy ra một sai phạm quá lớn đối với dự mưu, với lương tâm và sự liêm sỉ của mình một cách dễ dàng như thế, thì người ta khó có thể giải thích cách nào khác hơn, là phải nhìn nhận rằng, nhận xét của Cố Tổng Thống Trần Văn Hương về các Tướng làm cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 vừa được trích dẫn ở trên, quả thật là chính xác.
Cuốn tự truyện 20 Năm Binh Nghiệp được Tướng Tôn Thất Đính viết sau 32 năm (66-98) ông rời quân ngũ. Vốn là một "con sâu" rượu, điều này tất cả những ai đã quen biết ông đều rõ. Có lẽ rượu đã tàn phá trí nhớ của ông khá nhiều, nên nhiều chuyện được ông tự thuật, ngoài những điều ông nói về Đảng và Quân Ủy Cần Lao tôi sẽ minh xác trong Chương nói Đảng Cần Lao, không được đúng lắm theo những gì tôi biết.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nhìn nhận rằng, trong số các vị Tướng đã viết hồi ký nói về vụ đảo chánh ngày 1.11.1963, về anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tướng Tôn Thất Đính là người còn có ít nhiều lương tri, hành văn tương đối đàng hoàng và can đảm, dám thẳng thắn nhìn nhận chính biến này không phải là một thành công, mà là một thảm bại lớn lao đối với lịch sử và đã góp phần đưa miền Nam đến cuộc đại bại sau cùng. (20 Năm binh Nghiệp. Trang 455)
Theo hiểu biết của tôi, với cá nhân Tướng Đính, việc quyết định tham gia vào âm mưu đảo chánh ngày 1.11.1963 là hành động dại dột nhất của đời ông. Nói cách khác, Tướng Đính là người dại dột và bị mất mát nhiều nhất khi tham gia cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Nó đã làm cho mộng ước trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông: Chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong tầm tay, phút chốc vuột mất và hoàn toàn bị tiêu tan. Nó đã làm cho ông mất cả danh dự, làm tắt lịm tất cả mọi "hào quang" ông đã tạo được trong suốt "20 năm binh nghiệp", đưa ông vào một cuộc sống càng ngày càng tối tăm hơn. Và chắc chắn tình trạng ấy sẽ kéo dài cho đến hết đời ông. Phải chăng đó là một hình phạt?
TƯỚNG TRẦN THIỆN KHIÊM
Tôi không biết gì nhiều về Tướng Trần Thiện Khiêm người được mệnh danh "ông ngậm miệng ăn tiền". Từ biệt danh này, người ta dễ dàng nhận ra ông là một mẫu người khá hiếm thấy trong giới người Nam.
Lần đầu tôi được gặp ông là vào năm 1953, khi ấy ông mang cấp bậc Đại Úy, ở trong "ê kíp", "Có-Lắm-Thiệu-Khiêm" từ miền Nam, cùng với Đại Tá Trương Văn Xương ra thay thế Đại Tá Nguyễn Ngọc Lễ, và "ê kíp" Bộ Tham Mưu Việt Binh Đoàn của ông này đi ra Bắc, Nhưng chỉ là một cuộc gặp thoáng qua do một người bạn tôi giới thiệu. Lần thứ hai tôi gặp ông là dịp sau cuộc binh biến 11.11.1960, tôi đã kể trong mục nói về cuộc binh biến này ở Chương I.
Khi xảy ra cuộc binh biến 11.11.1960, ông Khiêm đang là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 kiêm quyền Tư Lệnh Quân Khu V tại Cần Thơ. Ông đã đem Sư Đoàn 21 về chống đảo chánh, trong tinh thần "đảng viên cứu giá Lãnh Tụ".
Theo ông Huỳnh Văn Lang, Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái, Bí Thư Liên Kỳ Bộ Cần Lao Nam-Bắc Việt, Tướng Khiên được ông Lang kết nạp vào đảng Cần Lao từ trước giữa năm 1955. Khi ấy ông còn là Trung Tá, không có chức vụ gì, đang đợi ra Tòa Án vì là chủ tịch đảng Con Ó của Tướng Nguyễn Văn Hinh, hoạt động chống lại Chính Phủ. Trung Tá Khiêm sinh hoạt trong Tiểu Tổ Quân Sự, còn gọi là Hội Nghiên Cứu Quân Sự của Liên Kỳ, cùng với Đại Tá Nguyễn Quang Sanh, Chỉ Huy Trưởng Hiến Binh, Trung Tá Nguyễn Hữu Phước, Tổng Nha Bảo An, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hiệu, Sở An Ninh Bộ Nội Vụ, và sau có thêm Thiếu Tá Phạm Ngọc Thảo.
Liên Kỳ Bộ Cần Lao do ông Lang phụ trách đã giải tán từ cuối năm 1957. Nhưng khi đem quân về chống đảo chánh, Đại Tá Khiêm đã tuyên bố, ông hành động với tư cách đảng viên Cần Lao Liên Kỳ. Sau đó trong một dịp gặp lại, ông Lang hỏi ông Khiêm: Liên Kỳ giải tán lâu rồi, anh lấy danh nghĩa ai vậy? Đại Tá Khiêm xác định, ông quên việc Liên Kỳ đã giải tán, nhưng Cần Lao thì còn đúng.
Sau khi lập được thành tích này, với tính tình hòa nhã, kín miệng, tư cách đứng đắn, không bị tai tiếng gì về tiền bạc, trai gái, ông đã được Tổng Thống Diệm, ông Nhu và ông Cẩn rất quý mến và tin tưởng. Vì vậy mà có dư luận nói rằng, ông đã vào đạo Công Giáo và được Tổng Thống Diệm nhận làm con nuôi. Theo tôi được biết, quả thật đã có lần ông ngỏ ý muốn được học và theo đạo Công Giáo. Nhưng ông Ngô Đình Nhu, người cực lực chống đối việc các viên chức cao cấp trong chính quyền và Quân Đội thời bấy giờ xin vào đạo Công Giáo, đã khuyên ông bỏ ý định ấy. Một điểm đáng ghi là, Tướng Khiêm không ra Huế lần nào, nhưng có cho bà Khiêm ra nhờ phu nhân Tướng Đính đưa đến văn phòng Cố Vấn Chỉ Đạo xin vào chào ông Cẩn. Tiếp hai bà, ông Cẩn đã tỏ rõ lòng quý mến và tin tưởng ở các đức lang quân của các bà, qua những món quà đặc sản địa phương, đúng hơn là đặc sản gia đình, gửi tặng các ông.
Nhờ ở tính ít nói, kín miệng, với nét mặt khó tìm do tư tưởng, và cách làm việc hết sức cẩn trọng của ông, Tướng Khiêm đã không để hở một mảy may nào về mưu đồ đảo chánh ngày 1.11.1963. Qua Trung Tá Phạm Thứ Đường, tôi được biết, cho đến trước ngày cuộc đảo chánh bùng nổ chừng một tuần lễ, danh sách số Tướng lãnh có ý đồ mưu phản, Dinh Gia Long có được, vẫn không thấy có tên Tướng Trần Thiện Khiêm. Đến nỗi, theo ông Dương Văn Hiếu cho tôi biết, một kế hoạch chống đảo chánh của Lực Lượng Cảnh Sát Đặc Biệt đệ trình Tổng Thống Diệm, đã được Tổng Thống giao cho Tướng Khiêm nghiên cứu để cung cấp quân số. Và cho mãi đến ngày miền Nam sụp đổ, người ta vẫn không nghe thấy ai nói đến Tướng Khiêm đã đóng vai trò gì trong cuộc chính biến này. Phải đợi cho đến năm 1994, khi cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, Sĩ Quan Chánh Văn Phòng của ông cho ra mắt bà con cuốn hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ, người ta mới bật ngửa: Chính Tướng Trần Thiện Khiêm mới là người nắm giữ vai trò "chủ chốt" trong cuộc đảo chánh 1.11.1963. Cũng vì sự lầm lẫn về con người Tướng Khiêm một cách quá ngây thơ mà tôi đã gặp ông lần thứ ba hồi giữa năm 1968, cũng tại nhà riêng của ông trong Bộ Tổng Tham Mưu, để làm nhịp cầu đưa ông ngồi vào chiếc ghế Tổng Trưởng Nội Vụ. Khi ấy ông đang là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Loan, còn rất e ngại đối với những thế lực chống đối tại Việt Nam. Và rồi từ Bộ Nội Vụ, ông tiến vào làm chủ nhân ông tòa nhà trước Sở Thú Sài Gòn (Phủ Thủ Tướng) cho đến đầu tháng 4. 1975. Thời gian ông còn ngồi ở Bộ Nội Vụ, vì công việc, tôi gặp ông lần thứ tư, được ông tiếp rất niềm nở và lịch sự. Nhưng thấy ông quá dè dặt và thận trọng, nên từ đó không bao giờ tôi gặp lại ông nữa.
Theo tiết lộ của cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, một thời gian trước ngày 1.11.1963, Tướng Khiêm đã có những cuộc tiếp xúc hết sức kín đáo, với một nhân vật bí mật nào đó. Việc tiến hành cuộc tiếp xúc được sắp đặt thật cẩn trọng. Từ nhà ra đi, có hộ tống, hộ vệ đầy đủ. Đến giữa chặng đường, ông được xe lạ chờ sẵn. Từ đó, không hộ tống, không hộ vệ, một mình ông dùng xe lạ đến nơi hẹn.
Điều đó cho thấy Tướng Khiêm là người nắm giữ những bí mật then chốt của cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Mong rằng cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, không giữ mãi tính cố hữu "ngậm miệng" đem theo những bí mật ấy xuống mồ. Mà Đại Tướng sẽ cho bạch hóa một cách thật đầy đủ, thật trung thực những bí mật ấy, để các thế hệ con cháu có được những bài học, những kinh nghiệm quý giá, giúp họ trong trách nhiệm phục vụ đất nước và dân tộc sau này.
TƯỚNG NGUYỄN KHÁNH
Tướng Nguyễn Khánh được một số anh em ở Huế tặng cho biệt danh là "Ông Tá lỳ".
Tôi không nhớ rõ ngày tháng, nhưng khoảng thượng bán niên năm 1956, sau khi nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh tại Huế, Đại Tá Nguyễn Khánh đến xin được vào chào ông Cẩn. Không biết vì muốn thử thách hay vì lý do nào khác mà ông Cẩn. Không biết vì muốn thử thách hay vì lý do nào khác mà ông Cẩn không chịu tiếp ông. Đại Tá Khánh liền áp dụng chính sách "lỳ". Từ hôm sau, mỗi buổi sáng, đầu giờ làm việc, với quân phục chỉnh tề, ông tự lái xe đến đậu ngay trước cổng nhà ông Cẩn. Sau khi yêu cầu nhân viên gác cổng trình ông Cẩn xin cho ông gặp, ông trở vào ngồi trong xe đợi hàng tiếng đồng hồ. Không được gặp, sáng hôm sau ông lại đến. Và cứ như vậy ba bốn buổi sáng liền. Cuối cùng thì ông cũng đã được ông Cẩn tiếp.
Khi xảy ra cuộc binh biến 11.11.1960, Tướng Khánh trong chức vụ Tổng Thơ Ký Thường Trực Quốc Phòng, đã nhanh nhẹn vào ngay Dinh Độc Lập. Từ trong Dinh ông đã điều binh khiển tướng, chống lại quân đảo chánh. Từ đó, cũng như Tướng Trần Thiện Khiêm, ông được Tổng Thống Diệm cũng như ông Nhu, ông Cẩn hoàn toàn tin tưởng và quý mến.
Trong cuộc đảo chánh 1.11.1963, như tôi đã thuận lại trong mục "Tiền Đảo Chánh", sáng ngày 30 tháng 10 ông còn ra chúc mừng sinh nhật ông Cẩn. Tôi không được biết nội dung cuộc gặp gỡ. Nhưng qua thái độ đặc biệt chưa từng có của ông Cẩn đối với ông, là sau khi ông ra về, ông Cẩn sai tôi đem một chai Champange và một cặp tré qua nhà Tướng Đỗ Cao Trí (Tướng Khánh dùng cơm trưa với Tướng Trí trước khi về lại Pleiku) với lời nhắn: "Ông Cậu biếu hai Thiếu Tướng dùng cho vui". Tôi nghĩ, hẳn đã có phải có câu chuyện gì đặc biệt trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa ông Cẩn và ông sáng hôm ấy.
Ngày 1.11.1963, khi tiếng súng đảo chánh nổ tại Sài gòn, Tướng Khánh đã tập họp Bộ Tham Mưu và các Đơn Vị Trưởng của Quân Đoàn II, ông tuyên bố:
"Sài Gòn đang có biến. Thủy Quân Lục Chiến Đài Phát Thanh, đang bao vây Dinh Gia Long, nội đêm nay sẽ dứt điểm. Tôi tuyên bố tình trạng khẩn trương trong toàn lãnh thổ. Kể từ giờ phút này, chỉ có cấp chỉ huy duy nhất là tôi, cấm không ai được liên lạc về Sài Gòn. Chúng ta là những thanh niên của thế hệ, chúng ta phải làm gì để sau này khỏi hổ thẹn với con cháu chúng ta".
Sau đó ông lập một Bộ Tham Mưu nhẹ, được tăng cường Liên Đoàn 3 Thiết Giáp của Thiếu Tá Lương Bùi Tùng, vào đóng trong Đồn Điền Trà Catecka.
Trong cuộc đảo chánh lần này, bốn vị Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, theo cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, trừ Tướng Đính Tư Lệnh Quân Đoàn III đã ở trong thành phần nhóm Tướng lãnh đảo chánh. Tướng Trí Tư Lệnh Quân Đoàn I, gửi công điện ủng hộ. Và Tướng Huỳnh Văn Cao là người cuối cùng lên tiếng ủng hộ đảo chánh. Sau khi được tin Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đã bị sát hại, Tướng Khánh nói với các Sĩ Quan trong Bộ Tham Mưu:
"Anh em ai khóc, tiếc thương Cụ Diệm thì vào phòng đóng cửa lại mà khóc. Phần tôi, không còn cách nào khác hơn là phải gởi điện về ủng hộ nhóm Dương Văn Minh".
Cựu Thiếu Tá Đặng Đức Thắng, hiện định cư tại Thành Phố Pacoima, Los Angeles, California, một Sĩ Quan trong Bộ Tham Mưu Quân Đoàn II khi ấy biết rõ chuyện này.
Tôi có nghe một nguồn tin nói rằng, trong các kế hoạch chống lại một cuộc đảo chánh được ngoại bang hỗ trợ, ông Ngô Đình Nhu có sắp đặt với Tướng Khánh, sẽ dùng Quân Đoàn II làm điểm xuất phát của lực lượng chống đảo chánh. Kế hoạch dự phòng trường hợp các lực lượng trung thành với Tổng Thống Diệm tại Sài Gòn bị khống chế, Tổng Thống sẽ được đưa đến một nơi an toàn không xa Sài Gòn. Ông Nhu sẽ lên Pleiku và cùng Tướng Khánh chỉ huy cuộc phản công.
Thái độ, hành động và những lời tuyên bố của Tướng Khánh vừa được thuận lại trên đây, cộng với sự kiện ngày 29. 10 ông Cố Vấn Nhu đột ngột gọi Sĩ Quan Tùy Viên, Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp vào cho biết, biến động sẽ xảy ra trong một hai ngày nữa. Ông sai Đại Úy Hạp đưa ba người con của ông lên Đà Lạt ngay trong ngày hôm ấy. Những yếu tố này làm cho nguồn tin trên đây tăng thêm độ chính xác. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn một mình Tướng Khánh là người biết đích xác có kế hoạch ấy hay không.
Cho dù kế hoạch dùng Quân Đoàn II làm điểm phản công chống đảo chánh có hay không, cử chỉ đối xử với Tướng Khánh một cách đặc biệt khác thường của ông Cẩn ngày 30. 10. 1963. Và thái độ của Tướng Khánh trong thời gian diễn biến cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, cho thấy Tướng Khánh không hoàn toàn tán thành một cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhưng ông đã áp dụng chính sách bắt cá hai tay, để bên nào ăn thì ông cũng có phần. Hoặc là ông đã được ai đó nói nhỏ cho biết hoạt cảnh ngày 1. 11 sẽ còn màn hai nữa. Và trong bố cục của màn hai, ông sẽ là một vai chính, như Tướng Khiêm tiết lộ với ba Sĩ Quan: Đại Tá Nguyễn Hữu Phước, Trung Tá Nguyễn Văn Phước và Trung Tá Nguyễn Đức Xích, khi ba Sĩ Quan này đến cám ơn Tướng Khiêm vì ông đã cứu họ khỏi tay Tướng Mai Hữu Xuân. Tướng Khiêm nói:
"Thôi chuyện đã qua rồi, thương tiếc cũng không làm gì cho ông "Cụ", ông Nhu được nữa. Nhưng còn nữa, chưa hết đâu". (Nhân Chứng Một Chế Độ. Tập 3. Trang 261)
Sau khi đã cùng với Tướng Trần Thiện Khiêm, loại được các "anh hùng" ngày 1.11.1963, nắm trọn quyền hành trong tay. Tướng Khánh đã áp dụng một chính sách có thể gọi được là "chính sách chong chóng" gió chiều nào che chiều ấy, nhằm bảo vệ địa vị và quyền lực. Chính sách này đã khiến ông dùng quyền lực sửa đổi luật pháp để giết cho được ông Ngô Đình Cẩn. Một hành động mà tôi chắc ông không hề nghĩ tới trong buổi trưa ngày 30. 10. 1963, khi cùng với Tướng Đỗ Cao Trí, uống chai champange với đồ nhậu rất bắt mắt là hai con tré do chính người nhà ông Cẩn làm. Chỉ vì ông nghĩ rằng xác ông Cẩn sẽ là cái bệ vững chắc cho chiếc ngai quyền lực của ông. Chính sách này cũng đã khiến ông, sau 6 tháng nắm trọn quyền hành, thay đổi cách nhìn đối với Tướng Trần Thiện Khiêm. Từ một người bạn đồng thuyền, Tướng Khiêm đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho quyền lực của ông. Và Tướng Khiêm đã bị buộc phải ra ngoại quốc sống đời lưu vong suốt thời gian cầm quyền còn lại của Tướng Khánh. Mặc dù không phải một mình Tướng Khánh buộc được Tướng Khiêm phải rời quê hương.
Cũng cần nói thêm một điều khá khôi hài Tướng Khánh đã làm theo chính sách này. Đó là ông đã ra một sắc lệnh hạ cấp bậc, giải nhiệm, các công chức mà ông gọi là: "Đã được thăng thưởng quá lạm trong thời Ngô Triều". Trong khi việc thăng thưởng dưới Triều của ông, nhất là trong Quân Đội, thì không biết dùng danh từ "quá lạm", đã diễn tả được đầy đủ "tình trạng" tăng thưởng của thời kỳ này chưa?
Cuối cùng thì chính ông cũng trở thành nạn nhân của cái "chính sách chong chóng" của ông. Ông phải rời bỏ quyền lực, xa lìa quê hương, để sống cuộc đời lưu vong từ đầu năm 1965 cho đến ngày nay.
Âu đây cũng là một bài học quý cho những ai toan tính xây dựng tình liên kết trên nền tảng quyền lợi cá nhân hoặc phe phái.
TƯỚNG ĐỖ MẬU
Trong số những người chủ mưu cuộc đảo chánh 1.11.1963, cho đến nay, Tướng Đỗ Mậu là người nổi tiếng nhất, nhờ cuốn hồi ký chính trị Việt Nam Máu Lửa Quê hương Tôi của ông. Một cuốn hồi ký được nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh diễn tả một cách rất chính xác là "Một lời chửi rủa dài cả ngàn trang".
Do cái "lời chửi rủa dài cả ngàn trang" này, mà những người đã từng quen biết, cộng tác với ông trong nhiều thời kỳ, hiểu biết nhiều về con người ông, đã tốn khá nhiều giấy mực nói về ông và công trình "đặc sắc" này của ông. Đúng hơn, là của nhóm anh em của ông, như ông thú nhận với ông Võ Như Nguyện. Vì vậy, tôi nghĩ, ngày nay không còn ai không biết lai lịch Tướng Mậu xuất thân từ ngạch lính khô xanh dưới thời Pháp thuộc. Cuối thập niên 30, ở ngạch này, ông phục vụ tại Tòa Khâm Sứ Pháp ở Huế, trong khi ông Võ Như Nguyện là Tham Sự Hành Chánh làm việc tại đây. Sau này cả hai ông, kẻ trước người sau, cùng theo phò ông Ngô Đình Diệm.
Dịp húy nhật lần thứ 25 Tổng Thống Ngô Đình Diệm, báo Văn Nghệ Tiền Phong đã đăng bài phỏng vấn Giáo Sư Võ Như Nguyện, do ông Từ Nguyên thực hiện. Khi được hỏi về cảm tưởng đối với cuốn hồi ký của Tướng Mậu, ông Nguyện trả lời:
"Cảm tưởng của tôi là sách ấy được bán chạy, đồng bào mua nhiều vì ai cũng muốn biết công cuộc thời Đệ I Cộng Hòa, do một tác giả sát cánh với Cụ Ngô từ năm 1942 đến 1963 kể lại, qua sự trung thành lẫn sự. . . phản bội".
Ông Nguyện cũng đưa ra một câu hỏi:
"Trong thời gian Cụ Ngô còn là Tổng Thống, họ biết là quá xấu xa như vậy, tại sao vẫn theo "ủng hộ"?
Năm 1996 được gặp ông Nguyện tại Mỹ, ông cho tôi biết, năm 1979, khi được ông Đỗ Mậu ngỏ ý muốn viết về Tổng Thống Diệm, ông đã khuyên nên đợi thêm một thời gian nữa. Nhưng khi về lại Pháp, ông nhận được thơ ông Mậu phân trần về việc nên viết cuốn hồi ký ấy. Ông Nguyện đã trả lời trong một thơ dài, và được ông Mậu phúc đáp hẹn sẽ cùng với nhóm anh em của ông viết cuốn thứ hai để bổ túc. Vì trong cuốn thứ nhất, ông Mậu đã cho in kèm các thư từ bạn bè gửi cho ông, nên ông Nguyện tỏ ý rất mong muốn của ông Mậu sẽ cho công bố đầy đủ bức thơ của ông trong cuốn hai. Nhưng cho đến nay điều mong muốn của ông Nguyện vẫn không được ông Mậu thỏa mãn.
Tướng Đỗ Mậu cùng với một số bạn đồng ngũ như cựu Đại Tá Phùng Ngọc Trưng, theo phò ông Ngô Đình Diệm từ năm 1942, khi đang phục vụ trong ngạch lính khố xanh.
Khi Việt Minh cướp được chính quyền, tháng 8. 1945, ông Mậu đã gia nhập "quân đội nhân dân" của Việt Minh.
Một viên chức công an Tỉnh Quảng Bình thời chính quyền quốc gia mới được thiết lập và cũng là đồng hương với Tướng Mậu, ông Phạm Tường, cho biết: Ông Đỗ Mậu người làng Thổ Ngọa, Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình, là con một địa chủ, chứ không phải con nhà nghèo như ông nói. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, cha ông bị bắt, nhưng ít lâu sau được thả, khi ông về làm huyện đội trưởng dân quân Huyện Quảng Trạch.
Thời gian làm huyện đội trưởng dân quân, ông Mậu đã thâm lạm của huyện đội 10 tấn thóc và 7 triệu đồng (tiền Việt Nam). Bị giáng chức và chuyển sang làm trưởng một trại giam có tên là Trại Tranh ở Kim Lũ, thuộc Huyện Tuyên Hóa. Năm 1947, một dịp về thăm nhà, ông bị ông Nguyễn Rạng, người cùng làng, khi ấy là Bang Tá Huyện Quảng Trạch, bắt giải về Đồng Hới. Tại đây ông được tha, nhờ người em ruột của ông là Đỗ Toàn, trước là thượng sĩ khố xanh được Pháp dùng làm Quản Đốc nhà lao Đồng Hới bảo lãnh.
Danh từ "Đỗ Mậu" đã bị người dân vùng Duyên Hải Trung Phần, đặc biệt là tại Nha Trang, nói trại ra là "Đổ Máu". Vì khi ông được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bổ nhậm làm Chỉ Huy Phó, rồi Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Duyên Hải, ông đã áp dụng một đường lối quá cứng rắn đối với những đảng phái, lực lượng, chống lại Thủ Tướng Diệm lúc bấy giờ. Ông là một trong những người ủng hộ Thủ Tướng Diệm tích cực nhất trong thời kỳ ấy. Trong một Đại Hội Quân Cán Chính của Vùng Duyên Hải do ông tổ chức, ông đọc một diễn văn dài ca tụng tài đức, tinh thần cánh mạng, lòng yêu nước thương dân của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ông kể lại với thái độ rất hãnh diện là người được biết những chặng đường tranh đấu cho nền độc lập dân tộc, và hạnh phúc nhân dân của ông Diệm. Bài diễn văn có câu kết: "Khí thiêng sông núi đã hun đúc nên con người Ngô Đình Diệm". Bài diễn văn này sau được ông in thành tập nhỏ nhan đề Thân Thế và Sự Nghiệp Của Ngô Chí Sĩ, dùng làm tài liệu học tập cho các cơ sở Đảng và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tại Vùng Duyên Hải. Tài liệu cũng được gửi ra Huế bán cho các cơ sở Đảng và Phong Trào với giá 3 đồng một tập. Khi đề nghị tổ chức một Đại Hội Đảng Cần Lao Toàn Quân để thành lập Quân Ủy Cần Lao được ông Tổng Bí Thư Ngô Đình Nhu chấp thuận, ông Mậu đã hăng hái xung phong nhận trách nhiệm tổ chức Đại Hội này tại Bộ Chỉ Huy Phân Khu Duyên Hải của ông. Sau cuộc Đại Hội này, mỗi tham dự viên đều được ông tặng một tập Thân Thế và Sự Nghiệp Của Ngô Chí Sĩ.
Tôi được gặp ông Đỗ Mậu diện đối diện lần đầu và cũng là lần duy nhất suốt thời Đệ I Cộng Hòa là dịp ông ra chào ông Cẩn sau khi nhận chức Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội. Tôi được mời dự bữa tiệc đón chào ông, do Nha An Ninh Quân Đội Đệ II Quân Khu tổ chức, tại Khách sạn Du Centre. Qua tình đồng chí, tuy cảm thấy gần gũi và thân mật, nhưng trong giao dịch tôi chưa mấy quen biết ông, nên câu chuyện giữa ông và tôi trong suốt bữa ăn không có gì là tâm tình.
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, ngoài một lần tôi được ông gọi lên trình diện vì việc gặp và bắt tay chào hỏi anh Đặng Sỹ tại Phi Trường Tân Sơn Nhất, đã được kể lại trong mục "Tôi Thoát Hiểm", tôi còn tình cờ được gặp ông lần thứ hai tại nhà thầy bói Bích.
Ngày Phật Đản năm 1964, khoảng 9 giờ sáng, Thiếu Tá Ngô Văn Hùng đến đón tôi đi chơi. Sau khi đi vòng vòng mấy đường phố chính Sài Gòn-Chợ Lớn coi quang cảnh ngày lễ, chúng tôi đến nhà thầy bói Bích ở cuối Đường Pasteur, ngồi hút thuốc lào, nói chuyện tướng số. Chúng tôi đang mải mê nghe thầy bói Bích giải thích về tướng mạo của một vài vị "anh hùng 1. 11", thì thấy một xe jeep dừng trước cửa. Từ trên xe, Tướng Mậu mặc thường phục, áo sơ mi trắng ngắn tay, quần màu xám, chân đi dép, bước xuống. Ông bước vào nhà, anh Hùng và tôi đứng dậy chào. Anh Hùng là người thân thiết với ông. Ông bước tới, vừa bắt tay chúng tôi vừa nói với vẻ hết sức bực bội:
"Moa vừa đại diện chính phủ dự lễ Phật Đản ngoài Bến Bạch Đằng về. Chán quá đi! Đã không hơn mà còn thua ngày trước nữa. Biết như ri thì moa uổng công lạy thằng Đính hai lạy để mần đảo chánh mần chi".
Sau khi đi cải tạo về, khoảng năm 1990, một người bạn, anh N. V. H. (còn ở Việt Nam) đưa cho tôi cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Tướng Đỗ Mậu và bảo tôi:
- Anh đọc xem ông Mậu nói có đúng không?
- Anh đọc chưa? Tôi hỏi.
- Đọc rồi.
- Anh thấy thế nào?
- Cứ như ông Mậu nói thì ông Diệm là người xấu xa nhất trần đời. Nhưng có một tội lớn nhất của ông Diệm lại không được ông Mậu nói tới?
- Tội gì?
- Tội ông đã dùng và tin những người như ông Đỗ Mậu chứ còn tội gì nữa!
Ngẫm nghĩ câu nói của anh bạn, tôi thấy thật thấm thía.
Cuốn sách được Việt Cộng in và cho lưu hành tại Việt Nam. Bìa sách in hình vẽ một người, đúng hơn, là một bộ xương có khuôn mặt giống như thần chết, ngồi cầm cây súng M16 chống ngược lên. Nội dung được cắt bỏ nhiều phần, nên cuốn sách chỉ có trên 600 trang. Những phần kết tội Tổng Thống Diệm diệt đối lập, đàn áp Phật Giáo và những điều bới mọc gia đình họ Ngô, được in lại đầy đủ.
Tại Mỹ, cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ứng, người quen biết ông Mậu từ khi còn ở Phân Khu Duyên Hải, khi mới cùng đơn vị di cư từ ngoài Bắc vào. Ông Ứng được ông Mậu rất tin tưởng và quý mến đưa về ngành An Ninh Quân Đội. Sau khi đọc cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của vị chỉ huy cũ của mình, trong một dịp gặp tôi, nhắc đến tại phẩm này, anh đã tỏ ra hết sức bất bình về nội dung cuốn sách mà anh quả quyết 90% là bịa đặt. Đối với anh, cuốn sách phơi bầy rõ ràng tính gian trá và thiếu lương thiện của ông Mậu. Anh nói:
"Nói những chuyện không hay về người chỉ huy cũ của mình là một việc làm đáng xấu hổ. Nhưng không nói lên sự thật về những điều mình biết là bịa đặt, xuyên tạc một cách bất lương, để cho độc giả bị lừa gạt thì lại là một tội".
Và trong một cuốn băng ghi âm, anh kể khá nhiều chuyện minh chứng tính nhỏ nhen hay thù vặt, dành công của người khác, khả năng yếu kém về an ninh v. v. . . Nhưng không làm phí thì giờ của quý độc giả, ở đây tôi chỉ xin trích lược một số câu chuyện có "ý nghĩa" đối với những thành tích được ông khoe khoang trong hồi ký của ông mà thôi. Anh Ứng kể lại:
"Năm 1956, là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 85 đóng ở Phú Yên, tôi được Bộ Chỉ Huy Phân Khu Duyên Hải mời tham dự bữa cơm tiễn ông Mậu đi làm Tùy Viên Quân Sự tại Pháp. Trong bữa ăn ông nói với tất cả những người tham dự: "Bây giờ tôi vào Sài Gòn không ai tiếp. Ra Huế không được tiếp. Xin các anh mỗi người nói cho tôi một tiếng, nhiều tiếng thành tiếng vang, một ngày nào đó sẽ đến tai Thượng Cấp".
- Thời Đệ I Cộng Hòa ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đề cao tinh thần chống cộng của người Công Giáo. Hết lời tán tụng đức độ, công lao của gia đình họ Ngô. Trong các buổi học tập tại Nha An Ninh Quân Đội, hai câu phương ngôn: "Đầy Vua không Khả, Đào mả không Bài" đã được ông thêm vào một vế thứ ba: "Hai dân không Diệm".
- Thời gian làm việc tại Nha An Ninh Quân Đội, là Trưởng Phòng Chính Trị, tôi thấy mtộ điều rất khôi hài, vì theo tôi biết, phúc trình của một cơ quan, đơn vị Quân Đội, không bao giờ được kết thúc như vậy. Tại Nha An Ninh Quân Đội, mọi phúc trình lên Tổng Thống, ông đều bắt phải kết thúc bằng câu: "Nha chúng tôi kính trình Tổng Thống nhận nơi đây lòng tri ân và sự trung thành tuyệt đối của Nha chúng tôi".
- Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, cũng trong một buổi học tập, ông đã hết lời ca tụng Tướng Dương Văn Minh, và không tiếc lời mạt sát Tổng Thống Diệm, với những tội độc tài, gia đình trị, ký thị tôn giáo v. v. . . Một sĩ quan, Đại Úy Sinh, Trưởng Phòng Công Tác của Nha, đã phát biểu ý kiến: "Xin Thiếu Tướng cho biết những ai là người đã từng ủng hộ ông Diệm thực hiện những tội ấy".
Biết Đại Úy Sinh có ý ám chỉ mình, Tướng Mậu nói: "Hết ai để chơi rồi à anh Sinh? Răng anh lại nhè tôi mà chơi?"
- Thời Tướng Khánh nắm quyền, là Chánh Sở I An Ninh Quân Đội tại Đà Nẵng, một hôm về Sài Gòn tôi ghé thăm ông Mậu, gặp lúc ông đang tiếp 8, 9 người khách. Ông mời tôi vào, giới thiệu với họ: Đây là Thiếu Tá Ứng, một cộng sự viên rất đắc lực của tôi, từng làm việc bên cạnh Trung Tướng từ khi ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn II.
Nghe ông ca tụng Tướng Khánh quá mức, tôi hỏi:
- Thưa Thiếu Tướng tôi ở xa không rõ, xin Thiếu Tướng cho biết về vụ bà Phùng Há bị trở ngại bên phi trường Orly ra sao? Ông nói:
- Ồ! Anh ở xa không biết, chứ công lao của ông Khánh như Trời như Biển.
- Cuối năm 64 từ Đà Nẵng về, tôi ghé thăm ông Mậu, lúc ấy độ 11 giờ 30 trưa. Thấy ông đang tiếp hai người mặc đồ dân sự, tôi lui ra, ông gọi giật lại:
- Ứng! Vô đây, moa cần gặp toa.
Và ông giới thiệu với tôi, hai vị khách là hai nhà viết sử. Ngồi một lúc thấy trong nhà có tiếng động chén bát, tôi xin phép ra về, ông giữ lại ăn cơm cùng với hai vị khách. Chúng tôi vừa ăn chưa được nửa chén cơm, một trong hai vị hỏi ông Mậu:
- Thưa Thiếu Tướng, xin Thiếu Tướng cho biết vì nguyên nhân nào Thiếu Tướng làm cách mạng hạ nhà Ngô?
- Trả lời câu hỏi này, ông Mậu đã kể công lao ông theo phò ông Diệm từ khi còn trong binh đội khố xanh, đã hoạt động ủng hộ ông suốt thời gian ông hoạt động bí mật, cho đến khi về làm Thủ Tướng và lên làm Tổng Thống. Rồi ông nêu tên hai Tướng Huỳnh Văn Cao, Hồ Văn Tố và so sánh, những người ấy có công gì với ông Diệm mà được cho lên Tướng còn ông thì không. Vừa nghe đến đây, vị khách đã nêu lên câu hỏi, đứng dậy nói:
- Thưa Thiếu Tướng, tôi tưởng Thiếu Tướng vì Quốc Gia Dân Tộc mà làm đảo chánh hạ nhà Ngô. Hôm nay hân hạnh được nghe chính miệng Thiếu Tướng nói là, vì không được lên Tướng. Thôi, gặp Thiếu Tướng thế này là đủ rồi. Tôi xin phép cáo từ. Và vị khách đã bỏ chén cơm đang ăn dở, ra về.
Anh Ứng kể tiếp:
- Tôi không nhớ chính xác, nhưng khoảng cuối năm 66 đầu năm 67. Một hôm đến thăm ông, khi nói đến tình trạng xáo trộn xảy ra liên miên, ông nói: "Nói thật với toa, ở Việt Nam này, về quân sự moa không bằng ai, chứ chính trị ai hơn moa".
Khi tôi ra về, ông đứng dậy tiễn, không hiểu vì lý do gì, ông chỉ vào tượng Phật để trong góc nhà, nói: "Một ngày gần đây moa sẽ đập cái này đi, moa vào đạo Công Giáo".
Và vẫn chuyện Tướng Mậu viết hồi ký. Một hôm, vào tháng 3 năm 2000, tôi đến thăm ông bạn già hiện ở Thành Phố Fountain Valley, được ông đưa cho hai bản photo copy, và nói:
- Anh đọc đi rồi tôi sẽ nói cho nghe.
Hai bản này, một bản copy trang 889 và trang kế tiếp của cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, ông Mậu kể chuyện Tướng Khánh sợ ông làm đảo chánh nên vào tháng 10. 1964 kiếm cớ đẩy ông ra ngoại quốc bằng cách sai ông đi công tác ở Thái Lan. Đến Thái Lan ông được Tướng Thái Quang Hoàng, Đại Sứ Việt Nam tại quốc gia này, dẫn đến thăm xã giao Thủ Tướng Thái Sarit Thanarat.
Bản kia là bản photo copy hai trang 180, 181 cuốn Thailand Today, A Visit to Modern Siam, do Valentin Chu soạn. In tại Thomas Y. Crowell Company New York. Trong hai trang sách đó, có đoạn nói về Thủ Tướng Sarit Thanarat: Ông Sarit Thanarat là một Thống Chế của Thái Lan. Năm 1957, trước tình hình đất nước bị đe dọa bởi lực lượng Cộng Sản tại quốc nội cũng như quốc ngoại, ông đã làm một cuộc đảo chính bất bạo động, xóa bỏ Hiến Pháp. Ông nắm quyền hành động nhằm bảo vệ nền an ninh quốc gia. Năm 1959, chính quyền của ông đã đưa ra một bản Hiến Pháp tạm thời, chỉ định thành phần Quốc Hội để thi hành quyền Lập Pháp, đồng thời soạn thảo một bản Hiến Pháp mới. Thống Chế Sarit nắm quyền cho đến khi ông qua đời vào năm 1963. Sau đó, quyền Thủ Tướng được trao cho Phó Thủ Tướng là Thống Chế Thanom Kittikachorm.
Sau khi tôi đọc xong, ông bạn già nói:
- Hai bản này do ông bạn của tôi gửi cho. Ông này người Quy Nhơn, trước làm việc cho Liên Hiệp Quốc, nay đã về hưu. Sau khi đọc hồi ký của ông Mậu, thấy viết bừa bãi quá, bực mình, ông sao hai bản này gửi cho tôi, trong thơ ông viết:
"Anh coi, đối với một nhân vật mà các quốc gia và tổ chức quốc tế đều biết tên biết mặt như ông Sarit Thanarat mà Đỗ Mậu còn dám nói một cách vô tội vạ, không biết mắc cỡ rằng, đã đến thăm xã giao ông khi anh ta đến Thái Lan vào tháng 10. 1964. Trong khi ông ấy đã mất từ năm 1963, nghĩa là cả năm trước rồi. Như vậy thì còn cái gì mà anh ta không dám nói. Chắc là anh ta đã đến nghĩa địa thăm xã giao Thủ Tướng Sarit Thanarat".
Thiết tưởng cũng nên nói rõ: Lý do Tổng Thống Diệm không cho ông Đỗ Mậu lên Tướng là vì Tổng Thống muốn giữ giá trị và thể diện cho hàng Tướng lãnh Quân Đội Quốc Gia. Tôi được Linh Mục Cao Văn Luận kể lại rằng ông Mậu có nhờ ngài xin Tổng Thống Diệm cho ông được lên Tướng. Khi vào gặp ông Diệm, Cha Luận đã khéo léo nhắc đến công lao ông Mậu đã theo hầu ông Diệm và xin cho ông Mậu lên Tướng. Ông Diệm nói với Cha Luận:
"Cha biết tôi thương hắn lắm chứ. Nhưng cho hắn lên Tướng thì ông Giáp ông ấy cười chết và họ còn coi Tướng lãnh của mình ra chi nữa".