Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27584 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt
Nguyễn Văn Minh

Chương 3.1

 
TIỀN ĐẢO CHÁNH
 
 Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 xảy ra không phải là chuyện bất ngờ đối với các nhà lãnh đạo Đệ I Cộng Hòa. Chỉ mấy tháng sau khi Tổng Thống Kennedy lên cầm quyền, thấy rõ đường lối của ông, họ đã đoán biết những khó khăn sẽ xảy đến đối với họ.
Sau khi nhận chính quyền, duyệt xét chiến lược ngăn chận Cộng Sản bành trướng tại vùng Đông Nam Á, Tổng Thống Kennedy chủ trương: Không cần giữ Lào Quốc để bảo vệ "bức tường" Nam Việt Nam, vì đường tiếp vận cho Lào khó khăn. Thay vào đó, chỉ cần bố trí một lực lượng quân sự thật hùng mạnh tại Nam Việt Nam.
Thực hiện chủ trương này, tháng 5.1961 Tổng Thống Kennedy gửi Phó Tổng Thống Johson qua Sài Gòn đề nghị Tổng Thống Diệm cho đưa Quân Đội Mỹ vào tham chiến tại Việt Nam. Đề nghị này bị Tổng Thống Diệm từ chối vì sự hiện diện của Quân Đội Mỹ trên chiến trường sẽ làm cho cuộc chiến chống cộng của Việt Nam Cộng Hòa mất chính nghĩa và đất nước mất chủ quyền.
Để dung hòa. Việt Nam đề nghị hai Chính Phủ Việt-Mỹ ký một Hiệp ước An Ninh Hỗ Tương như chính phủ Mỹ đã ký kết với chính phủ Đại Hàn.
Không chấp nhận đề nghị của Việt Nam,  Hoa Kỳ đưa ra đề nghị mới: Hai nước ký một Hiệp ước hợp tác theo hình thức "công ty hợp doanh"(tháng 10.1961). Áp dụng hình thức này có nghĩa là bên nào đóng góp nhiều hơn sẽ nắm quyền điều khiển cuộc chiến.
Một lần nữa sáng kiến của chính phủ Kennedy bị Tổng Thống Diệm bác khước. Vì hợp tác theo hình thức này Việt Nam sẽ mất quyền chủ động trong cuộc chiến.
Thái độ cứng rắn không khoan nhượng trong lập trường bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước của Tổng Thống Diệm, đã làm cho một số nhân vật trong chính phủ Kennedy hết sức tức dận. Họ đòi chính phủ Mỹ phải lập một chính quyền mới tại Việt Nam.
Biết rõ được lập trường của Tổng Thống Diệm, các nhân vật này liền thực hiện một âm mưu rất thâm độc. Họ tìm cách tạo ra những tình trạng đẩy ông vào thế phải chống lại chính quyền Mỹ, để có lý do biện hộ cho việc loại trừ ông trước công luận Hoa Kỳ.
Cuối năm 1961, chính phủ Mỹ tự ý tăng số Cố Vấn trong Quân Đội Việt Nam từ 6. 000 lên 18. 000 người mà không tham khảo trước với Chính Phủ Việt Nam. Với số cố vấn tăng lên gấp 3 này, họ đòi phải được đặt thêm cố vấn quân sự xuống đến cấp Tiểu Đoàn, và bên ngành Hành Chánh phải được đặt cố vấn ở cấp Tỉnh.
Khi đã đặt được cố vấn ở cấp Tỉnh, đầu năm 1963, họ đơn phương quyết định cung cấp các vận dụng viện trợ cho Chương Trình Ấp Chiến Lược thẳng đến các Tỉnh, không qua Ủy Ban Trung Ương của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Đến tháng 4 cùng năm, Tổng Thống Kennedy lại đòi Chính Phủ Việt Nam phải để cho Hoa Kỳ kiểm soát ngân khoản dành cho công tác chống nổi dậy, mà trong đó có 3% do ngân sách Việt Nam đóng góp.
Qua các sự kiện trên đây, âm mưu của những nhân vật chủ trương loại trừ Tổng Thống Diệm trong chính quyền Kennedy đã đạt kết quả. Họ gây ra được sự rạn nức trầm trọng trong bang giao giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ rõ thái độ quyết liệt chống lại lối hành xử của chính quyền Kennedy coi Việt Nam như một thuộc địa của nước Mỹ.
Từ đó, dư luận về một cuộc đảo chánh nhằm xóa bỏ chế độ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam mỗi ngày mỗi ồn ào hơn. Trong quần chúng thành thị, người ta được nghe nói nhiều đến việc chính phủ Kennedy đã quyết định tìm cách loại bỏ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhiều giới chức Hoa Kỳ đã vô tình hay cố ý tiết lộ với vác giới chức và nhân vật thân quen, gần gũi với các nhà lãnh đạo Việt Nam tin tức liên quan đến quyết định nói trên.
Ông Trần Trung Dung kể lại với tôi, Giáo Sư Fishel, nguyên Cố Vấn của Trường Quốc Gia Hành Chánh và ngành Cảnh Sát Quốc Gia, bị chấm dứt bởi hợp đồng vào trước cuối năm 1962, vì bị khám phá ra là một nhân viên CIA quan trọng. Trong một chuyến ghé qua Sài Gòn cuối năm ấy, ông này cho ông Dung biết "Một cuộc đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm sẽ xảy ra trong tháng 1 hoặc tháng 2. 1963".
Ít lâu sau, hai người Mỹ khác, bạn thân của ông Trần Trung Dung đến Sài Gòn, ông khoảng đãi họ cách trân trọng. Theo lời ông Dung, khi rượu đã ngà ngà, hai người này tiết lộ với ông: "Việc bắt ông Diệm thôi đã dứt khoát, nếu không thôi sẽ bị giết".
Nhận thấy tình hình đã đến mức quá nguy hiểm, ông Dung, một mặt trình cho Tổng Thống Diệm biết, một mặt gửi phu nhân ra tin cho ông Cẩn hay. Đề phòng những bất trắc có thể xảy ra khi tình hình bị xáo trộn, ông Dung đề nghị ông Cẩn tạm thời đi nghỉ bất cứ một nước nào trong Vùng Đông Nam Á như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore v. v. . . đem theo vài người tín cẩn. Ông Dung sẽ nhờ bạn quen ở các nước này lo chu đáo mọi chuyện cho ông.  Chừng ba bốn tháng, nếu tình hình yên ổn sẽ về lại. Được biết tình hình, ông Cẩn sau ba ngày suy nghĩ đã trả lời với bà Dung: "Tao nhất định ở lại làm việc, sống thì sống, chết thì chết,  không đi mô hết".
Về phần Tổng Thống Diệm, mặc dầu được biết những đe dọa và nguy hiểm đối với chế độ của mình, ông vẫn cương quyết giữ vững lập trường bảo toàn chủ quyền Quốc Gia và đường lối chính trị độc lập không nhân nhượng. Lập trường cứng rắn ấy đã làm mất đi những hậu thuẫn chính trị từ trước vẫn dành cho Tổng Thống nơi một số chính khách Hoa Kỳ và làm tăng thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện một cuộc đảo chánh chống lại ông.
Đầu tháng 6. 1963, Linh Mục Cao Văn Luận sau khi đi một vòng mấy nước Âu Châu và Mỹ, khi trở về đã nói với tôi: "Tình hình hết sức bất lợi và nguy hiểm lắm. Âu Châu không đến nỗi chi. Nhưng tại Hoa Kỳ thì những người đã từng ủng hộ và thân thiết với ông Cụ (Tổng Thống Diệm) như ông Mansfield (Thượng Nghị Sĩ) bây giờ cũng trở lại chống".
Tiếp theo, từ thượng bán niên 1963, một chiến dịch thông tin do những phóng viên còn quá trẻ của Mỹ thực hiện. Hành động của họ, nếu không muốn nói rằng họ được sai đi dọ đường cho việc thực hiện một kế hoạch gì đó, thì người ta phải nhìn nhận rằng họ không có một chút hiểu biết nào về loại chiến tranh khuynh đảo và nổi dậy. Họ không biết hoặc không thèm quan tâm đến những yếu tố như tâm lý, nếp suy nghĩ và tôn ty trật tự xã hội theo quan niệm Khổng Giáo của Dân Tộc Việt Nam, và đặc biệt với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Họ đã nói, viết về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đủ điều theo tầm hiểu biết hạn hẹp và lối nhìn thiên kiến của họ. Đến khi vụ "biến động cờ Phật Giáo" bùng nổ thì những phóng viên này đã thực sự trở thành đội quân xung kích của trận chiến xóa bỏ nền Đệ I Cộng Hòa Việt Nam. Họ tích cực khai thác, sử dụng biến động này làm vũ khí đánh thẳng vào nhà lãnh đạo chế độ ngay tại Trung Tâm Thủ Đô Sài Gòn.
Khi xảy ra tai nạn bi thảm tại Đài Phát Thanh Huế, ông Ngô Đình Nhu thấy ngay âm mưu thực hiện cuộc đảo chánh chống lại nền Đệ I Cộng Hòa đã thực sự được khởi động. Ông nói với ông Cao Xuân Vỹ: "Họ dùng tôn giáo để đánh mình thế này thì mình chết rồi". Và ít tuần sau, theo Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp Sĩ Quan Tùy Viện của ông Nhu, trong cuộc họp hàng tuần (ngày thứ hai) tại Bộ Tổng Tham Mưu với các Tướng lãnh, ông đã nói thẳng với họ:
"Nếu trong các anh ai thấy có khả năng đảo chánh để làm gì cho đất nước tốt hơn Chính Phủ này thì cứ làm. Tôi sẵn sàng phò tá. Nhưng nếu làm do sự xúi dục của ngoại bang thì đừng làm. Bây giờ ngoại bang nói Chính Phủ này thế này thế nọ, mai mốt họ cũng nói những chính phủ kế tiếp như vậy. Và cứ thế, đất nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Đến ngày 23. 7. 1963, tại Suối Lồ Ô, khi được các Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược khóa XIII hỏi về tình hình những biến động được gọi là "cuộc tranh đấu của Phật Giáo". Ông Nhu cũng đã công khai nói đến một âm mưu đảo chánh đang được thực hiện từ cả hai phía: Việt Nam và Mỹ.
Về phía Việt Nam, sau khi nói về kỹ thuật của cuộc "đấu tranh mang danh Phật Giáo" là: Cứ gây nên những xáo trộn, bắt buộc lực lượng bảo vệ anh ninh phải đối phó. Càng xáo trộn càng phải đối phó, càng đối phó càng va chạm, càng gây bất mãn, phẫn nộ, tạo nên tình hình thuận lợi cho một cuộc đảo chánh, ông nói:
". . . Cho nên đường lối vận động của bên Tổng Hội Phật Giáo nhằm tiến tới một cuộc đảo chính rất là tinh vi, rất có kết quả. . . "
Về tương lai của Tổng Hội Phật Giáo ông cũng tiên đoán:
"Theo ý tôi thì cái chính phủ này, cái chính phủ cừ nhừ này, là Chính Phủ duy nhất có thể bảo đảm sự sinh tồn và thống nhất của Tổng Hội Phật Giáo. Cái Chính Phủ này là Chính Phủ mà Tổng Hội Phật Giáo ưng lật đi, chính cái Chính Phủ này mới bảo đảm sự sống còn cho anh em bên Tổng Hội Phật Giáo. Nếu Chính Phủ này mất mà Chính Phủ khác lên thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì đối với bên Phật Giáo".
Về phía người Mỹ, ông nói:
". . . tất cả thông tấn xã của Mỹ hoàn toàn tuyên truyền một chiều. Còn bên ta ngắn cổ kêu không thấu trời, mình nói ai mà nghe. Các thông tấn ngoại quốc hoàn toàn dìm công việc của chúng ta. Họ không nói gì đến lập trường của Chính Phủ, chỉ nói đến những gì bên Tổng Hội Phật Giáo đưa ra. Việc đó nhằm âm mưu nào thì anh em cũng dễ hiểu".
Và trước đó, ngày 9 tháng 7 năm 1963, trong buổi lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ Ấp Chiến Lược khóa XIII này, ông cũng đã tiên đoán đúng thời điểm những thế lực chủ mưu cuộc đảo chánh toan tính. Ông xác quyết:
"Chúng tôi xác nhận lại một lần nữa là, mấy tháng tới đây, cho đến cuối năm 1963 là những tháng quyết định số mạng của Dân Tộc mình".
Với Tổng Thống Diệm, dù biết rằng lý do tôn giáo đã được khai thác trong những bất ổn này là một mối nguy quá lớn cho chế độ. Nhưng ông vẫn nhất quyết không nhượng bộ những đòi hỏi phạm tới chủ quyền đất nước. Ông tiếp tục giải quyết mọi vấn đề nội bộ theo đường lối của Chính Phủ.
Khi được biết có dư luận nói rằng: Tổng Thống Kennedy đưa ông Henry Cabot Lodge qua làm Đại Sứ thay ông Nolting với sứ mạng tổ chức đảo chánh lật đổ mình, Tổng Thống Diệm nói với ông Nguyễn Đình Thuần:
"Họ có thể gửi qua đây một chục ông Lodge, nhưng không khi nào tôi chịu để cho người ta làm nhục tôi hay Dân Tộc mình, dù họ có chĩa đại bác bắn vào Dinh này". (The Year Of The Hare. Trang 37)
Sau khi ông Cabot Lodge nhận chức Đại Sứ, giữa tháng 9. 1963,  ông Ralt Johnson, một trong hai Cố Vấn của Bộ Nội Vụ, (người kia là ông Conein, kẻ móc nối các Tướng làm cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963) và là Cố Vấn Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân, ra Huế gặp tôi. Ông này vốn tính tình có vẻ cởi mở và đối với tôi khá thân tình, từ khi ông giữ vai trò Cố Vấn Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân. Mỗi lần đến gặp tôi, vừa vào tới cổng đã giơ tay chào "Hi" và cười hể hả. Lần này ông đến với vẻ mặt tỏ rõ nét suy tư khác thường. Vào trong nhà vừa ngồi xuống ghế ông nói ngay:
- Hôm nay tôi ra gặp anh vì một việc rất quan trọng.
Cướp lời ông tôi nói đùa:
- Thấy nét mặt anh tôi biết là quan trọng rồi.
Ông lặng lẽ rút từ trong túi ra một miếng giấy đưa cho tôi:
- Anh đọc cái này đi rồi tôi sẽ cho anh biết mục đích tôi ra gặp anh hôm nay.
Miếng giấy ghi trích đoạn của hai Công Điện Hoa Thịnh Đốn gửi Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Nội dung:
1.  Công điện thứ nhất: ". . . Nếu Diệm vẫn ngoan cố không thay đổi thì chúng ta phải chọn quyết định ngay cả Diệm cũng không được duy trì". (Công Điện ngày 24. 8. 1963, bật đèn xanh cho ông Lodge khuyến khích và hỗ trợ một cuộc đảo chánh. Công Điện này đã được nhiều tài liệu nói tới)
2.  Công điện thứ hai: "Phải tìm mọi cách giữ Diệm lại. Vì miền Nam Việt Nam không có Diệm thì không còn biểu tượng chống Cộng Sản". (Công Điện này chưa thấy tài liệu nào nói đến. Một dịp đến Maryland năm 1995, tôi hỏi thăm tìm gặp ông Ralf Johnson, thì được cho biết ông Johnson đã qua đời mấy năm trước rồi).
Sau khi nhận miếng giấy tôi trao lại, ông Johnson nói:
- Anh thấy đó, chúng tôi nhận được hai lệnh trái ngược hẳn nhau. Dĩ nhiên chúng tôi phải thi hành lệnh mới nhất. Để có thể thi hành lệnh mới này, chúng tôi nghĩ chỉ có cách đề nghị Tổng Thống sửa đổi một chút trong Bản Hiến Pháp Việt Nam, để có thể đặt thêm một Thủ Tướng phụ giúp cho Tổng Thống. Giải pháp này nhằm lúc gặp tình hình quá khó khăn,  chúng ta chỉ cần thay Thủ Tướng, còn Tổng Thống vẫn tại vị. Đây là một đề nghị hoàn toàn do thiện chí của chúng tôi. Và để chứng tỏ chúng tôi không có ý can thiệp vào vấn đề nội bộ của Chính Phủ Việt Nam, chúng tôi không có ý kiến gì về vấn đề nhân sự. Vị Thủ Tướng hoàn toàn do Tổng Thống tự lựa chọn và chỉ định.
Chúng tôi đã nhờ tất cả những người mà chúng tôi biết vốn được Tổng Thống nể trọng và tín nhiệm, trình với Tổng Thống đề nghị trên đây, nhưng tất cả đều không được Tổng Thống chấp thuận. Chúng tôi thấy chỉ còn một người duy nhất có thể được Tổng Thống nghe là ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn. Vì thế hôm nay tôi được lệnh ra đây nhờ anh trình với ông Cố Vấn đề nghị trên đây của chúng tôi.
Và ông cũng khéo léo gợi ý:
- Tôi cũng muốn nói với anh rằng, tình hình rất nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ cử ông Cabot Lodge qua làm Đại Sứ ở đây, thì cũng không khác gì Chính Phủ Việt Nam cử ông Ngô Đình Nhu đi làm Đại Sứ ở nước nào đó.
Tôi trả lời ông Johnson:
- Vấn đề quả thật quan trọng. Tôi sẽ trình ông Cố Vấn tất cả những điều anh đã nói với tôi ngay trong chiều hôm nay. Hy vọng rằng công tác của anh sẽ đạt kết quả tốt.
Tuy nói với ông Johnson như vậy, nhưng trong đầu tôi nghi ngờ chưa chắc ông Cẩn sẽ có hành động gì đối với đề nghị vừa kể của người Mỹ. Vì lúc này ông Cẩn không còn muốn can dự gì vào công việc của chính quyền nữa.
Nhưng tôi đã nghĩ sai. Buổi chiều tôi vào trình ông Cẩn đề nghị nói trên của Tòa Đại Sứ Mỹ. Sau khi nghe tôi trình bày, ông cười khẩy nói: "Họ muốn biến mình thành bù nhìn đây.  Nhưng tình thế này thì cứ chấp nhận, khi đã ổn định, thay đổi lại mấy hồi. Không biết ông Cụ có chịu nghe ý kiến của mình không? Nhưng chú cứ nên viết thơ trình ông Cụ, lát nữa đưa xuống cho tôi". Quả thật điều ông Cẩn nghi ngờ đã xảy ra, ý kiến của ông không được Tổng Thống Diệm chấp thuận.
Điều ông Johnson nói người Mỹ không có ý kiến về nhân vật sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng, vì không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Chính Phủ Việt Nam. Thật ra không phải như vậy. Sau này khi một số hồ sơ mật được bạch hóa, người ta mới thấy đây chỉ là một thiện chí được nói ra cốt để che đậy một âm mưu đã được sắp đặt. Vì họ đã biết rằng, trong số các Bộ Trưởng trong Chính Phủ của Tổng Thống Diệm lúc ấy, người được ông tin tưởng nhất và có đủ yếu tố để được chỉ định giữ chức vụ Thủ Tướng, nếu ông chấp thuận đề nghị của họ, là Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần.  Về phía họ, CIA đã nắm chắc ông Thuần, đã nhận được nhiều tin tức về nội tình Chính Phủ Việt Nam từ ông ta. Trong Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại, Giáo Sư Tiến Sĩ Sử Học Phạm Văn Lưu cho biết, Roger Hilsman, Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao phụ trách Viễn Đông Vụ tiết lộ, chính ông Thuần đã tung tin ông Nhu hút thuốc phiện nhiều, và đã trở nên điện loạn. Một số nhân vật quan trọng trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã lựa chọn ông Thuần,  để đưa ông ta lên ghế Thủ Tướng. (Biến Cố chính Trị Việt Nam Hiện Đại. Trang 237)
Riêng Tổng Thống Diệm, lúc này ông đã biết rất rõ về một âm mưu đảo chánh lật đổ chế độ và sự an nguy của cá nhân mình. Nhưng ông vẫn cương quyết bảo vệ đến cùng chủ quyền Quốc Gia, như lời ông tâm sự với ông Võ Như Nguyện dịp ghé về chào thăm thân mẫu,  nhân một chuyến kinh lý vùng Cao Nguyên vào tháng 9. 1963, mà tôi được ông kể lại như sau đây:
Lời Tổng Thống Diệm: "Trên trường quốc tế, Hoa Kỳ đang cải tổ mọi kế hoạch cần thiết về chính trị,  Việt Nam cũng là một vấn đề mà Hoa Kỳ muốn thay đổi ít nhiều.
Chính trị gia Hoa Kỳ và tôi đã có nhiều lần đàm thoại và tranh luận quan trọng. Tôi đã thỏa mãn vài ba điều kiện và cũng không chịu chấp nhận những yêu cầu không thích hợp với chiều hướng của Đất Nước trong hiện tại.
Tôi biết những biến cố rắc rối có thể xảy ra, nhưng tôi vẫn giữ lập trường chính đáng của tôi. Những lời lẽ và cử chỉ cương nghị của tôi Hoa Kỳ không bằng lòng.
Dù gặp trường hợp khó khăn, gay cấn, hoặc nguy hiểm, tôi nhất quyết bảo tồn uy tín của Quốc Gia, của Dân Tộc, kể cả uy tín của Vị Nguyên Thủ Quốc Gia.
Năm 1961 Hoa Kỳ đã yêu cầu gửi Quân Đội sang chiến đấu trên đất nước ta. Nếu tôi nhượng bộ ngay lúc đó thì còn gì là Chính Nghĩa, con gì là Độc Lập.
Thủ đoạn của cường quốc,  đối phó cho chính đáng không phải là dễ dàng. Thể thống của Việt Nam, dù là một Tiểu Quốc, chẳng phải là nhỏ".
Suốt thời gian Tổng Thống tâm tình với tôi (ông Nguyện), từ 5 giờ chiều đến 10 giờ khuya, luôn có Sĩ Quan Tùy Viên Lê Châu Lộc đứng sau lưng Tổng Thống.
Tôi xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói sơ qua về sự liên hệ giữa Tổng Thống Diệm và ông Võ Như Nguyện.
Ông Võ Như Nguyện là con trai trưởng của cụ Cử Võ Bá Hạp, một nhà hoạt động cách mạng cùng thời với Cụ Phan Bội Châu và là đồng chí thiết cốt của Cụ Phan. Khi Cụ Phan bị thực dân Pháp quản thúc tại Bến Ngự, ông Nguyện là một thiếu niên 15, 16 tuổi thường được thân phụ sai đến liên lạc, tiếp tế cho Cụ Phan. Ông đã thấy ông Ngô Đình Diệm lần đầu tiên tại nhà Cụ Phan. Và từ năm 1940, ông Nguyện đã theo giúp ông Diệm.
Càng gần đến thời điểm thực hiện cuộc đảo chánh, người Mỹ và nhóm Tướng lãnh âm mưu, càng áp dụng nhiều kế hoạch nhằm cô lập các nhà lãnh đạo chế độ. Một trong những kế hoạch ấy là gây nghi ngờ, chia rẽ nhau trong thành phần những người gần gũi với các vị lãnh đạo. Đồng thời làm cho các vị này giảm bớt hoặc mất lòng tin ở những người xung quanh mình. Trong số nạn nhân của kế hoạch này có tôi. Phần Trung Tá Phạm Thứ Đường, Chánh Văn Phòng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, trong một dịp đến thăm ông tại Boston, ông Đường buồn rầu cho tôi biết, những ngày cuối cùng trước đảo chánh, ông đã bị một vài anh em nghi ngờ, dè chừng. Ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, người có công đem lại kết quả "kỳ diệu" cho chính sách "Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ" của ông Cẩn, cũng bị những hiểu lầm "nhức đầu" ngay từ phía ông Cẩn.
Về trường hợp của tôi, ngày 20. 10. 1963 tôi nhận được lệnh Tổng Thống gọi vào trình diện. Vào Sài Gòn ngày 22, sáng 23 tôi đến Dinh Gia Long xin trình diện Tổng Thống mà quên rằng ngày này là ngày kỷ niệm mừng kết quả Trưng Cầu Dân Ý 23 và Quốc Khánh 26 tháng 10. Tôi ngồi đợi trong Phòng Sĩ Quan Tùy Viên từ 9 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa. Ngoại Giao Đoàn, Phái Đoàn Chính Phủ, Quốc Hội và các cơ quan đoàn thể vào chúc mừng Tổng Thống liên tục, nên không có giờ nào hở để tôi có thể vào trình diện ông. Đại Úy Lê Châu Lộc Sĩ Quan Tùy viên nói với tôi: Lịch tiếp khách của Tổng Thống hôm nay phải đến 3 giờ 30 mới dứt. Anh về ăn trưa nghỉ ngơi, chừng 3 giờ lên lại thì vừa.
Nghe lời Đại Úy Lộc, 3 giờ chiều tôi lên lại Dinh Gia Long. Vừa tới Phòng Sĩ Quan Tùy Viên thì tôi thấy Tướng Tôn Thất Đính hướng dẫn Phái Đoàn Quân Đoàn III từ trong phòng khách Dinh Gia Long đi ra.
Thấy tôi, Tướng Đính bước nhanh lại nắm hai vai tôi lắc mạnh:
- Bác vô răng chừ?
- Thưa Thiếu Tướng tôi vô bữa qua.
- Vô mần chi rứa?
- Thưa Tổng Thống kêu vô trình diện, tôi chưa được gặp nên chưa biết chuyện gì.
Tướng Đính nói dồn dập: "Được gặp bác ở đây may quá. Tôi có chuyện rất cần muốn nói với bác". Và ông chụp cuốn sổ trên bàn Sĩ Quan Tùy Viên, ghi số điện thoại, xé tờ giấy đưa cho tôi, ông nói:
- Đây là số điện thoại của tôi tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Sau khi bác gặp Tổng Thống,  bất cứ giờ nào, gọi cho tôi ở số điện thoại này, tôi sẽ gặp bác ngay.
Tiếp khách xong. Tổng Thống nghỉ ngơi ít phút, 4 giờ, sau khi trình, Đại Úy Lộc dẫn tôi vào. Tổng Thống ngồi trước bàn làm việc, tôi tới gần đứng nghiêm chào xưng tên tên trình diện theo kiểu nhà binh. Không ngước lên nhìn tôi, với giọng lạnh lùng ông hỏi:
- Nghe nói ở ngoài nớ anh liên lạc với Mỹ nhiều lắm phải không?
Tôi thoáng nghĩ trong đầu, tình hình này mà đứa nào đánh mình cú đòn này thì độc thật. Nhưng tôi bình tĩnh thưa lại:
- Kính thưa Tổng Thống,  ở ngoài nớ, vì con có biết năm ba tiếng Mỹ, nên mỗi khi người Mỹ họ có điều chi muốn hỏi ý kiến ông Cậu, họ đều đến với con. Và khi ông Cậu có điều chi muốn nói mới họ, thì con cũng phải đến với họ.
- Anh thấy thái độ của họ ra răng?
- Kính thưa, như Tổng Thống đã biết, ngay từ khi vụ cờ Phật Giáo xảy ra, thái độ của họ rõ ràng ngả về phía chống đối.
Thấy Tổng Thống có vẻ suy nghĩ, không nói gì, tôi trình tiếp:
- Kính thưa Tổng Thống, tuy vậy nhưng hồi giữa tháng 9 mới rồi, họ có cho người ra nhờ ông Cậu con trình xin Tổng Thống thay đổi. . . Tôi vừa nói đến đó thì Tổng Thống đập mạnh tay xuống bàn, dằn tiếng nói với vẻ rất tức giận.
- . . .  Đất nước mình chứ đất nước chi họ mà họ muốn mần chi thì mần. Mai mốt tôi đuổi đi hết cho coi.
Chừng một phút sau, cơn giận hạ, Tổng Thống dịu giọng nói:
- Bữa ni gọi anh vô là có ý cho anh biết, ý tôi muốn cho chú Cẩn ngoài nớ nghỉ ngơi,  đừng mần việc chi nữa. Ngoài nớ trước kia có công việc bên Lào, bây chừ tình hình bên Lào như rứa mình mô có mần chi được nữa. Chú Cẩn thì đau lui đau tới hoài. Tôi muốn cho chú ấy đi nghỉ một thời gian. Các anh trước ở mô chừ về lại nấy thôi.
Thấy "tình hình" có vẻ thuận lợi tôi trình luôn:
- Kính thưa Tổng Thống, nếu Tổng Thống đã quyết định như vậy thì xin cho con được giải ngũ. Vì khi vào lính còn được đào tạo theo lối Pháp, nay Quân Đội của mình đã được huấn luyện theo lối Mỹ. Nếu trở về lại Quân Đội mần răng con chỉ huy được. Tổng Thống không trả lời điều tôi xin mà lại hỏi:
- Năm nay anh mấy tuổi?
- Kính thưa Tổng Thống năm nay con 35 tuổi.
- Còn trẻ quá, giải ngũ mần chi. Để đó ta lo cho. Ừ, thôi về trình cho chú Cẩn biết tôi quyết định như rứa.
Không biết Tổng Thống có biết cách làm việc của ông Cẩn không, nhưng tôi không thấy ông nói gì rõ ràng về phía Hành Chánh của ông Hồ Đắc Trọng.
Tôi xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói tóm tắt về lý do Tổng Thống Diệm quyết định giải tán bộ phận văn phòng của ông Cẩn do tôi phụ trách, mà tôi chỉ mới được biết cách đây ít năm.
Năm 1996 hay 1997 gì đó, tôi không nhớ chính xác cựu Đại Tá Nguyễn Mâu đã viết một bài đăng trên một nhật báo tại San Jose, nơi ông định cư. Qua bài báo này ông Mâu xin lỗi tôi vì ông đã nhận xét và báo cáo sai lầm về tôi với Tổng Thống Diệm.
Số là, trước khi xảy ra cuộc đảo chánh 1.11.1963 chừng ba bốn tháng, Thiếu Tá Mâu từ Sài Gòn được đưa ra giữ chức Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Thị Trưởng Huế. Thời gian ngắn sau,  ông thấy tại văn phòng ông Cẩn có hai người là ông Hồ Đắc Trọng và tôi, nhưng chỉ có tôi hay giao thiệp với người Mỹ. Dựa vào lý lịch của tôi, ông Mâu nghi ngờ tôi đã bị người Mỹ mua chuộc. Việc tôi hay liên lạc với người Mỹ trong tình hình lúc ấy là điều đáng nghi ngờ có hại cho chế độ. Ông đã trình Tổng Thống Diệm nhận xét của ông và đề nghị đưa tôi đi khỏi Huế.
Nghe lời ông Mâu báo cáo, Tổng Thống Diệm gọi tôi vào trình diện và tỏ rõ thái độ nghi ngờ lòng trung thành của tôi đối với ông qua việc trả tôi về lại Quân Đội.
Chắc hẳn có không ít anh em bị rơi vào tình trạng như tôi, nhưng những người báo cáo sai lầm lại không có được sự can đảm và ngay thẳng nói ra sự thật như cựu Đại Tá Nguyễn Mâu. Tôi xin thành thật cám ơn cựu Đại Tá Nguyễn Mâu đã giải tỏa cho tôi điều thắc mắc luôn vấn vương trong tôi từ mấy chục năm qua.
Ra khỏi Phòng Tổng Thống, nhớ lời Tướng Đính nói cần gặp, tôi vào Phòng Sĩ Quan Tùy Viên mượn điện thoại gọi cho ông.  Ông mời tôi về tư dinh ở số 5 Đường Nguyễn Du.
Từ Dinh Gia Long tôi lái xe thẳng đến số 5 Nguyễn Du được Đại Úy Nguyễn Duy Nghệ Tùy Viên của Tướng Đính đứng đón ngoài cổng. Anh Nghệ dẫn tôi vào phòng khách.  Hai anh em chúng tôi vừa ngồi nói chuyện với nhau chừng 5 phút thì Tướng Đính về tới. Ông kéo tay tôi dẫn lên lầu, đưa vào phòng ngủ của ông, đóng cửa lại và nói cách rất tâm tình:
"Bữa ni được gặp bác tôi mừng quá, vì có điều bực bội trong lòng mà không dám nói với ai. Khi giao cho tôi làm Tổng Trấn Sài Gòn-Gia Định,  ông Cụ và ông Cố Vấn (Nhu) hứa sau khi xong việc sẽ cho tôi lên Trung Tướng.  Đến nay mọi việc đã giải quyết tốt đẹp thì hai ông làm lơ không nói chi đến chuyện đó cả làm cho tôi bị kẹt. Một bên thì gia đình trách móc tiô là phản bội bà con, một bên thì bạn bè chúng nó chửi tôi ham tiền ham chức đàn áp Phật Giáo. Tôi vừa mắc cỡ vừa bực mình. Trong khi thấy tình hình càng lúc càng nguy hiểm và không biết nói với ai. Nếu ông Cụ và ông Cố Vấn cứ đưa tình hình kéo dài như ri, thì thế nào cũng xảy ra đảo chánh. Mà có đảo chánh thì Ba Đính phải tham gia để cứu anh em, nếu không thì chết hết".
Ông nói khá nhiều nhưng tôi thấy chung quy nhất vào hai điểm
1.  Không được lên Trung Tướng
2.  Tham gia đảo chánh.
Tôi hiểu ý ông muốn dò xem ông Cẩn cho tôi vào gặp Tổng Thống về chuyện gì. Vì trước đó ít ngày ông đã ra gặp ông Cẩn một các chớp nhoáng. Có lẽ ông sợ ông Cẩn cho tôi vào trình ông Diệm câu chuyện ông đã trình với ông Cẩn trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng này.  Nhưng ông lại khéo léo không đề cập tới việc tôi vào gặp Tổng Thống. Nương theo sự khéo léo của ông tôi cũng lờ luôn, không đả động gì đến chuyện ấy.
Nghe Tướng Đính tâm sự, mặc dầu lúc đó trong đầu tôi đang quay cuồng nhiều ý nghĩ khó tả về thái độ của Tổng Thống Diệm đối với tôi khi tôi vào trình diện ông. Một ý nghĩ đậm nét nhất là tôi thấy suốt 10 năm được biết và làm việc với ông Ngô Đình Cẩn, trong đó có 8 năm làm việc bên cạnh ông, có lúc vui có khi buồn, đến giờ này lòng ngay thẳng của mình vẫn không được "bảo chứng". Tuy nhiên, may mắn tôi vẫn còn đủ bình tĩnh suy xét đắn đo tự nhủ,  không thể hành động trái với những gì mình đã được biết về họ theo lương tâm một người Công Giáo. Tôi cố gạt qua một bên các ý nghĩ đang nhào lộn trong đầu, uốn ba tấc lưỡi để trần tĩnh ông Đính.
Tôi nói với ông:
- Theo tôi, điều ông Cụ và ông Cố Vấn hứa với Thiếu Tướng trước sau gì cũng sẽ có.  Tôi nghĩ sở dĩ hai ông chưa gắn lon Trung Tướng cho Thiếu Tướng là vì muốn giữ uy tín cho Chính Phủ cũng như cho chính Thiếu Tướng. Vừa mới xong việc mà thăng cấp cho Thiếu Tướng ngay thì sẽ bị hiểu lầm là Chính Phủ dùng chức quyền mua chuộc Thiếu Tướng để đàn áp Phật Giáo. Còn với Thiếu Tướng, những người chống đối sẽ hô hoán lên Thiếu Tường là tay sai, là tên đánh mướn. Thiếu Tướng thừa biết từ Tá lên Tướng mới khó. Vậy mà với Đại Tá Tôn Thất Đính chỉ từ 6 giờ chiều bữa trước đến 6 giờ sáng bữa sau là đã có 2 sao rồi. Xin Thiếu Tướng hãy bình tĩnh, tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách làm cho ông Cụ và ông Cố Vấn hiểu hoàn cảnh của Thiếu Tướng. Riêng ông Cậu, về lại Huế tôi sẽ trình cho ông biết ngay chuyện này,  để ông có thể can thiệp với ông Cụ và ông Cố Vấn cho Thiếu Tướng càng sớm càng hay. Còn việc Thiếu Tướng sẽ tham gia đảo chánh nếu việc ấy xảy ra. Theo tôi nghĩ, bất cứ một cuộc binh biến nào xảy ra ở Sài Gòn này mà không có Thiếu Tướng tham dự, tôi e khó thành công được. Vì ngoài Thiếu Tướng ra, quanh đây ai có đủ lực lượng làm chuyện ấy?Một lần nữa tôi xin Thiếu Tướng bình tĩnh và suy nghĩ cho thật thấu đáo về mọi quyết định của Thiếu Tướng trong lúc này. Vì theo chỗ tôi biết, tương lai của Thiếu Tướng còn dài và sáng sủa lắm.
Khi tôi cáo biệt ra về, tiễn tôi ra đến cửa ông hỏi:
- Khi mô bác về lại Huế?
- Thưa tôi còn ở lại qua ngày Quốc Khánh, sáng 27 tôi mới về.
Trên đường lái xe về nhà người bà con ở trước Trường đua Phú Thọ, tôi suy nghĩ miên man cố tìm xem vì lý do gì mà Tướng Đính lại thổ lộ tâm tình với tôi một cách khá chân thành như vậy? Đem chuyện tham gia đảo chánh để hù dọa câu móc cặp lon Trung Tướng? Đem chuyện ông cho là thất hứa của ông Diệm và ông Nhu sang tai ông Cẩn, mong ông Cẩn can thiệp như đã can thiệp cho ông lên Thiếu Tướng, để sớm được thỏa mãn tự ái? Nhưng ông mới gặp ông Cẩn đây, không lẽ ông không biết con đường từ Phú Cam vào đến Dinh Gia Long "băng tuyết" đã đóng khá dày rồi!?
Buổi tối đi ăn cơm tối với Đại Tá Lê Quang Tung tại nhà hàng Chung Nam bên cạnh trụ sở Quốc Hội, chúng tôi vào ngồi trong một phòng nhỏ. Tôi cho ông Tung biết kết quả việc tôi gặp Tổng Thống Diệm, nhưng không hé lộ tâm trạng buồn phiền của tôi lúc ấy. Tôi bình thảm trao đổi với ông Tung một số sự kiện liên quan đến tình hình sôi động lúc bấy giờ. Tiếp theo tôi kể lại chi tiết câu chuyện và thái độ của Tướng Đính khi tâm tình với tôi. Tôi đề nghị ông Tung trình gấp với Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, gắn lon Trung Tướng cho ông Đính nhân ngày Quốc Khánh sắp đến.
Về thái độ của ông Đính,  ông tung nói:
- Tính ông Đính anh biết mà, bô lô ba la vậy thôi chứ không có chi mô.
- Tôi biết anh hiểu ông Đính hơn tôi. Nhưng lần này tôi thấy thái độ của ông ấy không phải bô lô bô la kiểu bốc đồng như anh em mình thường thấy đâu. Anh cần quan tâm trường hợp của ông Đính lúc này. Theo tôi, ông Cụ và ông Cố Vấn đã hứa thì trước sau gì cũng phải thực hiện lời hứa. Chi bằng xin hai ông thực hiện lời hứa với ông Đính ngay lúc này đi để trừ mối họa mà anh em mình đang lo nghĩ.
- Anh yên chí đi. Mình đã có đầy đủ tin tức về nhóm phản loạn. Có kế hoạch đối phó,  đợi được chấp thuận là thực hiện thôi.
Sáng hôm sau (24. 10) Tướng Trần Văn Đôn, Tư Lệnh Lục Quân, cho Đại Úy Phạm Văn Tuy (còn ở Việt Nam) Chánh Văn Phòng của ông đến đón tôi lên gặp ông tại Bộ Tư Lệnh Lục Quân. Tướng Đôn lúc này nắm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, vì Đại Tướng Lê Văn Tỵ đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ. Vào gặp Tướng Đôn ông hỏi tôi:
- Anh Minh đã biết ông Cụ cho anh đi đâu chưa?
- Thưa Trung Tướng chưa. Chiều bữa qua khi tôi xin giải ngũ, ông Cụ không cho và nói là để ông lo cho, nhưng không biết là lo thế nào.
- Chiều bữa qua ông Cụ gọi tôi bảo cho anh về Trường Đà Lạt một thời gian, quan sát Sinh Viên Sĩ Quan học tập cho biết cách thức chỉ huy theo lối Mỹ. Tôi gọi báo cho thằng Huyến, nó sợ quá nói: "Chết cha! Không biết chuyện chi mà lại cho ông Minh lên theo dõi tôi". Tôi cười và nói với nó: "Yên tâm, sự việc không phải như thế đâu".
Lúc ấy tôi chưa hiểu tại sao ông Huyến lại lo sợ khi hay tin tôi được tuyên chuyển về Trường Đà Lạt. Sau này tôi mới biết, khi ấy Đại Tá Huyến đã nằm trong tổ chức đảo chánh của Tướng Đôn rồi.
Tướng Đôn hỏi tiếp:
- Anh muốn khi nào lên Đà Lạt?
- Thưa Trung Tướng, 27 này tôi về lại Huế, sắp xếp công chuyện, thu dọn đồ đạc, thu xếp phương tiện chuyên chở v. v. . . chắc cũng mất 4, 5 bữa. Đưa vợ con tôi vô đây lo nơi ăn ở,  học hành cho các cháu cũng phải mất chừng mười ngày. Xin Trung Tướng cho khoảng 10 tháng 11 tôi trình diện Trường Đà Lạt.
- Được, tôi sẽ cho làm Sự Vụ Lệnh để anh trình diện Trường Đà Lạt ngày 10. Sau khi vô đây nếu thấy cần thêm thời gian, anh cho tôi biết.
Chiều 26 tháng 10, Tướng Đính lại cho xe đón tôi lên nhà và như lần trước, ông cũng dẫn tôi lên phòng ngủ nói lại những điều tâm tình đã thổ lộ. Buổi tối về nhà người bà con, qua điện thoại tôi cho Đại Tá Tung biết sự kiện này, và nhấn mạnh với ông về việc trình xin Tổng Thống Diệm gắn lon Trung Tướng gấp cho ông Đính. Thấy tôi có vẻ nôn nóng, Đại Tá Tung nói:
- Anh cứ yên chí về đi, tôi sẽ thu xếp gấp việc này và sẽ tin cho anh biết kết quả.
Ngày 27 về lại Huế tôi vào trình cho ông Cẩn biết quyết định của Tổng Thống Diệm,  ông ngồi lặng thinh một lúc rồi hỏi:
- Vô trong nớ rồi vợ con chú nhà cửa mô mà ở?
- Thưa Cậu lúc này con cũng chưa biết nên đem theo vợ con lên Đà Lạt hay để lại ở Sài Gòn. Nhưng ở đâu thì cũng có Cư Xá Sĩ Quan.
- Xin được cư xá mà ở có dễ không? Không chi bằng có một căn nhà riêng của mình mà ở. Vô trong nớ kiếm căn mô vừa vừa cỡ năm trăm ngàn, đến Đặng Văn Quốc mượn tiền mua lấy một căn. Tôi sẽ trả lại anh ta sau.
Rất tiếc tình cảm của ông Cẩn dành cho gia đình tôi mãi mải vẫn là tình cảm. Vì thời thế đổi thay ông không kịp có cơ hội giúp chúng tôi.
Sáng 28 khi thu dọn văn phòng thấy còn mấy việc cần xin chỉ thị của ông Cẩn. Tôi xuống tìm ông thì gặp Tướng Trần Văn Đôn từ trong nhà đi ra, ông nói với tôi: Moa ra mừng sinh nhật ông Cậu, bây giờ moa phải bay vô Nha Trang phơi cặp giò, mấy tháng nay cặp giò nhức quá. Sau này trong một dịp gặp lại ông ở Sài Gòn, ông cho tôi biết chuyến đi Nha Trang của ông hôm ấy, không phải để phơi cặp giò, mà là để cho Đại Tá Nguyễn Vĩnh Xuân biết ngày giờ phát khởi cuộc đảo chánh.
Sáng 30, khoảng 10 giờ, văn phòng Tướng Đỗ Cao Trí liên lạc xin cho Tướng Khánh vào gặp ông Cẩn nội trong sáng nay vì ông phải về lại Pleiku trong ngày. Tôi mời Tướng Khánh đến ngay và lên đón ông trước sân nhà ông Cẩn. Tướng Khánh đến ôm theo bó bông Lay-ơn khá lớn, ông nói với tôi: "Bữa nay trên Cao Nguyên mưa lớn mây thấp quá, moa phải tự lái máy bay lấy để ra cho kịp mừng sinh nhật ông Cậu". (Sinh nhật ông Cậu nhằm ngày 1. 11).
Sau khi Tướng Khánh ra về, ông Cẩn bảo tôi đem một chai champange và hai cái tré qua nhà Tướng Trí nói với hai Tướng Trí và Khánh: "Ông Cậu biếu hai Thiếu Tướng dùng cho vui".
Phần Đại Tá Lê Quang Tung, có lẽ ông biết tâm trạng của tôi đang hết sức quan tâm đến việc giải quyết tình trạng của Tướng Đính. Trưa ngày 30 tháng 10, qua văn phòng của Lực Lượng Đặc Biệt tại Huế, ông gửi cho tôi một điện văn với nội dung:
"Trong này tất cả anh em đã gặp nhau, có cả anh Đính. Rất vui vẻ. Anh yên tâm". 
 

<< Chương 2.7 | Chương 3.2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 583

Return to top