Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27591 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt
Nguyễn Văn Minh

Chương 2.4

 

Biến động được gọi là "Cuộc tranh đấu của Phật Giáo", chống lại "Chính sách kỳ thị tôn giáo" của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được khởi động ngày 7 tháng 5 năm 1963 từ Huế,  trước Lễ Phật Đản một ngày. Với lý do: Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày Lễ Phật Đản, ngày 8 tháng 5 năm ấy.

Trước khi thuận lại diễn biến của biến động này, tôi thấy cần phải nói về những lý do được nhóm Tranh đấu của Thượng Tọa Trí Quang nêu lên để phát động vụ nổi lên chống cái mà họ gọi là "lệnh cấm treo cờ Phật Giáo". Vì những lý do này đã được một số báo chí, tài liệu ngoại quốc và hồi ký của mấy giới chức Việt Nam tường thuật lại, khi đề cập đến "vụ Phật Giáo"năm 1963:

Thứ Nhất: Vì Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tham vọng lên chức Hồng Y đã bắt Tổng Thống Diệm ra lệnh này.

Thứ Hai: Vì chỉ trước đó 2 ngày, tức ngày 5 tháng 5 Lễ Ngân Khánh Giám Mục của Đức Cha Thục được tổ chức trọng thể, cờ Vatican được treo khắp Thành Phố Huế xuống đến tận vùng Vỹ Dạ, ngoại ô Thành Phố.

Các tài liệu, sách báo, hồi ký kể trên nói rằng, những điều đó làm cho các nhà lãnh đạo Phật Giáo bất bình và coi đó là sự đối xử bất công của Tổng Thống Diệm đối với Phật Giáo.

Về lý do thứ nhất. Không ai có thể quyết đoán một điều mà nếu có, cũng chỉ có trong thâm tâm của Đức Cha Thục. Đó là điều Đức Cha Thục tham vọng lên chức Hồng Y. Hơn nữa,  với Giáo Hội Công Giáo, số lượng giáo dân trong tổng số dân sinh sống trong địa hạt của Giáo Phận, không phải là điều kiện bắt buộc phải có để vị Giám Mục của Giáo Phận ấy được nâng lên hàng Hồng Y.

Vì lý do thứ hai: Lý do này hoàn toàn không đúng sự thật. Vì đúng ngày Đức Cha Thục thụ phong Giám Mục được 25 năm, ngày 4 (không phải ngày 5) tháng 5 năm 1963, Lễ Ngân Khánh của Ngài được tổ chức tại Trường Đại Học Đà Lạt chứ không phải tại Huế. Lễ này được tổ chức tại Huế vào ngày Lễ kính Thánh Phêrô, Thánh bổn mạng của Ngài, ngày 24 tháng 6. Vì tình hình lúc ấy, Ngài đã không cho Giáo Phận Huế đứng ra tổ chức lễ. Cuộc lễ được số Linh Mục giáo dân phục vụ trong Tòa Tổng Giám Mục tổ chức và chỉ dành cho các Linh Mục, Tu Sĩ trong Giáo Phận tham dự lễ mừng Đức Cha. Một trong số những giáo dân phục vụ tại Tòa Giám Mục, ở trong Ban Tổ Chức lễ ngày 24. 6 là ông Hoàng Ngọc Trợ, hiện định cư tại San Jose, California.

Thượng Tọa Trí Quang đã đưa ra hai lý do nêu trên để phát động cuộc tranh đấu.  Nhưng Giáo Sư Nguyễn Văn Trung Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975,  trong bài viết về ông Ngô Đình Cẩn đã tiết lộ phát biểu của Thượng Tọa Trí Quang về "vụ Phật Giáo" như sau:

". . . bài Hòa Thượng Thích Trí Quang ký thác tâm sự với tôi (Giáo Sư Trung) khẳng định các ông Diệm, Nhu, nhất là ông Cẩn, trừ ông Thục, không trách nhiệm gì trong việc gây ra vụ Phật Giáo".

Nhưng trong Tiểu thuyết tự ghi nói về vụ Phật Giáo, tập san giao điểm số 26. 4. 1997,  Hòa Thượng Trí Quang lại ghi:

" Ông Ngô Đình Diệm muốn thiên chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là Ngô Đình Thục là hồng y giáo chủ nên ông kỳ thị đàn áp phật giáo".

DIỄN BIẾN CUỘC TRANH ĐẤU CHỐNG "LỆNH CẤM TREO CỜ"

Như mọi năm trước dưới thời Đệ I Cộng Hòa, đồng bào Phật Giáo trong Thành Phố Huế cũng như mọi nơi, chuẩn bị mừng Lễ Phật Đản thứ 2507 (ngày 8. 5. 1963) rất náo nhiệt. Cờ Phật Giáo tung bay khắp nơi từ cả tuần lễ trước một cách rất yên ổn. Không có triệu chứng gì báo hiệu lá cờ này sẽ là nguyên nhân gây ra một biến cố làm rung động dư luận trong, ngoài nước, tạo ra hàng chuỗi biến động khác kéo dài ròng rã suốt ba năm trời. Và từ đó, lịch sử đất nước đã lật qua một trang được viết bằng không biết bao nhiêu là máu và nước mắt cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 1963

Sáng ngày 7. 5. 1963, tôi đang sử soạn đến văn phòng làm việc thì vợ tôi từ dưới nhà bếp lên hỏi:

- Sao lại có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày mai hả anh?

- Làm gì có chuyện kỳ cục như vậy!

- O (tiếng miền Trung có nghĩa là cô, bà cô) vừa đi chợ về nói, ngoài chợ họ đang rỉ tai rủ nhau chiều nay đi biểu tình, phản đối lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày mai đấy!

Tôi hết sức ngạc nhiên tự nghĩ, làm sao lại có thể có chuyện kỳ cục như vậy được. Tôi nói với vợ tôi:

- Không có đâu, làm sao lại có chuyện kỳ cục như vậy được.

Tuy nói thế, nhưng trong đầu tôi vẫn thắc mắc: Nếu không có, thì tại sao lại có người dám đi rỉ tai kêu gọi biểu tình như vậy?

Trên đường đến văn phòng, tôi vào thẳng nhà ông Cẩn và hỏi ông:

- Thưa Cậu, có phải có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày Phật Đản không?

Ông tỏ vẻ ngạc nhiên nói:

- Chỉ có điện nhắc phải treo cờ theo quy định chứ mần chi có chuyện cấm!

- Thưa Cậu, mới tức thì, bà giúp việc ở nhà con đi chợ về nói, ngoài chợ có người đi rỉ tai kêu gọi chiều nay đi biểu tình chống "Lệnh Cấm Treo Cờ Phật Giáo".

Ông Cẩn nói lầm rầm như chỉ để cho một mình ông nghe:

- Răng kỳ vậy?

Và ông kêu Đại Úy Tôn Thất Độ, Trưởng Toán An Ninh, bảo mời ông Tỉnh Trưởng vào gặp ông gấp.

Chừng mười lăm phút sau, ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đảng bước vào, ông Cẩn hỏi:

- Ngoài chợ có người đang đi phao tin có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Lễ Phật Đản, và kêu gọi dân chúng chiều nay đi biểu tình chống chuyện nớ, chú có nghe chi không?

- Dạ thưa Cố Vấn tôi không nghe chi hết.

- Chú về cho xe Thông Tin đi loan báo ngay, yêu cầu đồng bào Phật Tử treo cờ mừng ngày Phật Đản như mọi năm, không có cấm cản chi hết. Rồi chú lên nói với ông Khương,  (ông Hồ Đắc Khương Đại Biểu Chính Phủ) hai anh em gặp các Thầy trên Chùa Từ Đàm, tìm cách giải tỏa nguồn tin thất thiệt này ngay đi, kẻo sinh chuyện lớn đấy.

Và như thấy trước chuyện gì, ông nói tiếp:

- Chú cùng với ông Khương nên thảo luận trước với Thượng Tọa Trí Quang về bài diễn văn ông ấy đọc trong buổi lễ sáng mai.

Lời yêu cầu của ông Cẩn đã được nhanh chóng thực hiện. Ngay buổi sáng hôm ấy, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đi vòng khắp Thành Phố, loan báo cho dân chúng biết không có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Lễ Phật Đản, và yêu cầu đồng bào Phật Tử cứ treo cờ như những năm trước. Hai ông, Đại Biểu Chính Phủ và Tỉnh Trưởng, đã thảo luận với Thượng Tọa Trí Quang về bài diễn văn Thượng Tọa sẽ đọc khai mạc buổi lễ sáng hôm sau.  Đồng thời cho Đài Phát Thanh Huế ghi âm sẵn để phát lại trong chương trình phóng sự sẽ được truyền thanh vào tối ngày lễ.

Đến khoảng 10 giờ sáng, ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn Lương từ Sài Gòn ra gặp các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa tại Chùa Từ Đàm, giải thích về công điện nhắc việc treo cờ theo quy định. Và chỉ thị cho chính quyền địa phương không phải thi hành lệnh này trong dịp Lễ Phật Đản năm nay vì đã quá cận ngày lễ, mà cờ đã được dân chúng theo thói quen, treo trước cả tuần rồi.

Đến hkoảng 5 giờ chiều, một tin gây xúc động cho đồng bào Phật Tử được loan truyền rất nhanh. Phía bên Thành Nội (Tả ngạn sông Hương) thì nghe: Cảnh Sát đang đi hạ cờ Phật Giáo bên Hữu ngạn. Phía bên Chùa Từ Đàm (Hữu ngạn sông Hương) thì nghe: Cảnh Sát đã giựt bỏ cờ Phật Giáo tại một ngôi Chùa trong Thành Nội.

Tuy vậy, lúc ấy tin này cũng không gây nên sự náo động nào trong dân chúng. Ngoại trừ một nhóm khoảng gần một trăm công chức và sinh viên Viện Đại Học Huế, sau giờ làm việc buổi chiều, tập trung trước Tòa Hành Chánh Tỉnh, yêu cầu thu hồi "lệnh cấm treo cờ Phật Giáo".

Nhưng sau khi được ông Tỉnh Trưởng ra tiếp xúc, nhắc lại thông cáo đã được xe Thông Tin loan báo nhiều lần trong ngày hôm ấy. Và cho biết không hề có lệnh cho Cảnh Sát hạ cờ Phật Giáo, số công chức và sinh viên này đã tự động giải tán ra về yên ổn.

NGÀY 8 THÁNG 5

Ngày 8 tháng năm 1963 (15. 4 năm Quý Mão), Lễ Phật Đản lần thứ 2507 được cử hành một cách rất trọng thể tại Chùa Từ Đàm. Các khuôn hội trong Thành Phố Huế đều tập trung về đây dự lễ một cách êm thắm. Ngoại trừ một đám rước kiệu Phật xuất phát từ Chùa Diệu Đế,  nằm trên Đường Nguyễn Văn Sâm, bên khu Gia Hội.

Để đến Chùa Từ Đàm, đoàn rước từ Chùa Diệu Đế đi qua các Đường Nguyễn Văn Sâm, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nam Giao.  (Chùa Từ Đàm nằm trên Đường này) Suốt lộ trình từ điểm xuất phát đến ngã ba Lý Thường Kiệt-Nam Giao, đoàn rước đi rất trật tự và trang nghiêm. Nhưng khi đến ngã ba Nam Giao, thay vì rẽ bên trái qua Đường Nam Giao để đến Chùa Từ Đàm cách chừng 300 thước, đoàn rước đi thẳng theo Đường Lý Thường Kiệt đến trước Tòa Đại Biểu Chính Phủ cách đó chừng 50 thước, dừng lại, quay qua Tòa Đại Biểu phía bên phải. Lập tức, các biểu ngữ mang nội dung: "yêu cầu Chính Phủ thi hành chính sách tôn gioá bình đẳng", "Chúng tôi không từ chối một sụ hy sinh nào", "Cờ Phật Giáo quốc tế không thể bị triệt hạ". v. v. . . được một số người trong đoàn rước giấu sẵn trong mình, rút ra và gương lên, hô to cho đoàn rước lặp lại nhiều lần. Có vài người ngoại quốc đi theo đoàn rước đưa máy ảnh lên chụp lia lịa. Trong số người ngoại quốc này có Bác Sĩ Wulff.

Xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói qua về Bác Sĩ Wulff và một số đồng nghiệp của ông, Bác Sĩ Holterscheidt. Hai ông này ở trong đoàn ba Bác Sĩ được Chính Phủ Tây Đức đưa qua giúp giảng dạy tại Trường Đại Học Y Khoa Huế. Nếu tôi nhớ không lầm thì, một thời gian sau cuộc đảo chánh 1. 11. 1963, báo chí Sài Gòn có đăng tin: Trong một cuộc hành quân của Quân Đoàn I, một đơn vị hành quân đã bắt được tài liệu chứng minh hai ông này làm việc cho Đông Đức, và cả hai bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Theo Phúc Trình của Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc thì nhân chứng số 42, đã khai trước Phái Đoàn rằng: "Hai Bác Sĩ luôn luôn đi sau sinh viên để thúc đẩy họ biểu tình".  (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 223)

Trong lúc đoàn rước dừng lại biểu tình trước Tòa Đại Biểu Chính Phủ, thì bên trong Tòa Đại Biểu, các viên chức cao cấp địa phương: Đại Biểu Chính Phủ, Tướng Tư Lệnh Vùng,  Tỉnh Trưởng, Giám Đốc Công An Cảnh Sát đều có mặt, sẵn sàng để cùng đến dự lễ với tư cách Đại Diện Chính Quyền. Ông Đại Biểu Chính Phủ đã phải ra giải thích, dàn xếp hồi lâu đoàn rước mới trở lui đi đến Chùa Từ Đàm. Các khẩu hiệu, biểu ngữ họ cầm theo, được đem trương quanh lễ đài và sân chùa.

Khi đoàn rước di chuyển đến Chùa Từ Đàm, người ta thấy một số truyền đơn có nội dung chống Chính Phủ khích động lòng tự ái tôn giáo v. v. . . đã rơi rới trên mặt đường nơi họ đứng trước Tòa Đại Biểu Chính Phủ.

Tại Chùa Từ Đàm, khi mọi thành phần dự lễ đã an vị, sau một vài nghi thức mở đầu thông thường, Thượng Tọa Thích Trí Quang đọc diễn văn khai mạc buổi lễ. Nội dung bài diễn văn này hoàn toàn khác với bài đã được hai ông Đại Biểu Chính Phủ và Tỉnh Trưởng thỏa thuận với Thượng Tọa. Phần lớn nội dung bài diễn văn đã được Thượng Tọa dùng để chỉ trích nặng nề điều mà ông gọi là "Chính sách độc tài kỳ thị tôn giáo" của Chính Phủ, qua việc được ông diễn giải là mưu định triệt hạ cờ Phật Giáo. Mặc dầu vậy, Phái Đoàn Đại Diện Chính Quyền vẫn tham dự buổi lễ cho đến phút chót, không tỏ thái độ gì đối với bài diễn văn của Thượng Tọa Trí Quang. Ngoại trừ Trung Tá Giám Độc Nha Công an Cảnh Sát Trần Văn Thưởng, đã bỏ ra về.

Cuối cùng, Thượng Tọa Trí Quang đưa ra 5 yêu cầu được gọi là 5 nguyện vọng:

1. - Yêu cầu Chánh Phủ thu hồi lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo.

2. - Phật Giáo phải được hưởng chế độ đặc biệt như các đoàn truyền giáo Thiên Chúa Giáo.

3. - Yêu cầu Chánh Phủ chấm dứt các cuộc bắt bớ và đàn áp Phật Giáo đồ.

4. - Tăng ni và Phật Tử phải được tự do hành giáo và truyền giáo.

5. - Yêu cầu Chánh Phủ bồi thường xứng đáng cho gia đình những nạn nhân trong các vụ lộn xộn vừa qua, và trừng trị nghiêm khắc kẻ chủ mưu giết hại Phật Giáo đồ.

Sau khi cuộc lễ chấm dứt, ông Đại Biểu Chính Phủ, Tướng Tư Lệnh Vùng và ông Tỉnh Trưởng vào tường trình sự việc với ông Ngô Đình Cẩn.

Tôi được biết, trong ngày hôm ấy, khi gặp ông Cẩn, Thượng Tọa Trí Quang đã giải thích rằng, bài diễn văn ông đọc buổi sáng là điều bất đắc dĩ ông phải làm, để tránh những lộn xộn có thể xảy ra trong cuộc lễ. Và ông cam kết với ông Cẩn sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa.

CUỘC RƯỚC XE HOA

Theo chương trình ngày lễ thì buổi tối có rước xe hoa và thả đèn trên sông Hương.  Đoàn xe hoa tập trung tại Chùa Từ Đàm, phát xuất từ đây diễn qua các đường phố chính trong Thành Phố.

Tối hôm ấy, tôi được ông Mullen, Phó Lãnh Sự Mỹ mời dự bữa cơm tại tư thất, nhân dịp ông khoản đãi ba học sinh sắp lên đường qua Mỹ du học theo chương trình trao đổi sinh viên học sinh giữa hai Chính Phủ Việt-Mỹ. Trong ba học sinh này có một người là con trai ông Đại Biểu Chính Phủ Hồ Đắc Khương. Tham dự bữa cơm, ngoài ông Phó Lãnh Sự, chủ nhà, khách được mời có ba học sinh và tôi.

Nhà ông Phó Lãnh Sự tọa lạc trên bờ Tả ngạn sông Bến Ngự, gần Cầu Nam Giao, cách Chùa Từ Đàm chừng 200 thước đường chim bay.

Khi chúng tôi vừa khởi sự bữa ăn, khoảng 8 giờ tối, thì nghe loa phóng thanh từ Chùa Từ Đàm loan báo nhiều lần, có đoàn xe hoa từ Đà Nẵng ra diễn hành. Và yêu cầu đồng bào đang có mặt tại Chùa cũng như tại các nơi xung quanh, thay vì tập trung tại đầu Cầu Tràng Tiền trước Đài Phát Thanh đón đoàn xe từ Đà Nẵng ra.

Nghe thông báo, tôi hết sức ngạc nhiên vì không hề biết gì về chuyện có xe hoa từ Đà Nẵng ra.

Chúng tôi tiếp tục bữa ăn, nhưng trong bụng tôi cứ thắc mắc tại sao xe hoa từ Đà Nẵng lại ra cách đột ngột thế này? Trong khi tại Huế, như mọi năm, xe hoa đều do các đơn vị Quân Đội thực hiện. Năm nay có lẽ vì tình hình xảy ra ngày hôm trước và nhất là trong buổi sáng,  nên cho đến chiều tối không thấy xe nào tập trung tại Chùa Từ Đàm.

Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, dùng cơm xong, tôi vội cáo từ ông Phó lãnh Sự ra về vì cảm thấy bồn chồn trong bụng.

Ra khỏi tư thất ông Phó Lãnh Sự, tôi đi thẳng đến Đài Phát Thanh có ý xem tình hình ra sao. Nhưng khi còn cách đài chừng 100 thước thì tất cả các ngã đường đều kẹt cứng, không sao lái xe đến gần Đài được. Tôi quay xe trở về văn phòng, tại đây đã có mặt các ông Hoàng Trọng Bá Chủ Tịch Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên, Nguyễn Văn Hà Phó Tỉnh Trưởng và Hồ Đắc Trọng. Chúng tôi được bộ phận an ninh khu vực Đài Phát Thanh báo về cho biết, có mấy nhà sư đem tới đài cuộn băng ghi âm bài diễn văn Thượng Tọa Trí Quang đọc khai mạc cuộc lễ buổi sáng, yêu cầu Đài cho phát trong chương trình phóng sự ngày lễ.  Quản Đốc Đài, Nhạc Sĩ Ngô Ganh, không chấp thuận vì không phải là cuộn băng đã được Đài thâu âm. Bị từ chối, họ liền hô hào đám đông tiến vào chiếm Đài. Trước thái độ hung hăng của số người này và đám đông, ông Quản Đốc vội cho đóng chặt các cửa, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp giải quyết tình trạng hỗn loạn phía trước. Đám đông được khích động, mỗi lúc mỗi ồn ào hơn, nhóm nhào tới cửa chính, nhóm leo lên cửa sổ, nhóm tràn lên hành lang hai bên Đài đập phá cửa sổ và hai cửa hông thông vào văn phòng đài. Có mấy người leo lên nóc Đài phất cờ kêu gọi đám đông tiến tới.

Trước lời kêu cứu của Quản Đốc Đài Phát Thanh, chính quyền địa phương phía Hánh chánh,  ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đảng có một số giới chức an ninh địa phương cùng đi,  đến tiếp xúc với mấy nhà sư đang điều động đám đông trước Đài Phát Thanh.  Đồng thời cho mời Thượng tọa Trí Quang đến giúp cùng giải quyết. Phía quân sự, vì đã gần đến giờ giới nghiêm, Thiếu Tá Đặng Sỹ Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An, người chịu trách nhiệm an ninh tại địa phương, sau khi thảo luận với Đại Úy Nguyễn Phu (cấp bậc sau cùng là Trung Tá, hiện địch cư tại Thành Phố Oakland, California), Quân Trấn Trưởng Quân Trấn Huế kiêm Tiểu Khu Phó,  đã báo cáo cho Tướng Lê Văn Nghiêm Tư Lệnh Quân Đoàn I, Vùng I Chiến Thuật ở Đà Nẵng biết về tình hình hỗn loạn đang xảy ra quanh Đài Phát Thanh. Tướng Nghiêm ra lệnh cho ông đến giờ giới nghiêm phải giải tán đám đông,  và cho phép ông dùng một Trung Đội binh sĩ và Chi Đội Tuần Thám, loại Amtrack nhẹ không phải thiết giáp, của Tỉnh Đoàn Bảo An trong công tác này.

Qua sự việc xảy ra ngày hôm trước và trong cuộc lễ buổi sáng tại Chùa Từ Đàm, là một tín đồ Công Giáo, Thiếu Tá Sỹ nhận thấy việc chỉ huy một lực lượng vũ trang, mặc dầu là lực lượng bán quân sự để giải tán đám đông này quá tế nhị và nguy hiểm. Ông đã đến gặp ông Cẩn xin cho biết nên xử trí cách nào. Ông Cẩn bảo ông:

- Chú phải tuyệt đối thận trọng.

Cựu Trung Tá Nguyễn Phu, một tín đồ Phật Giáo, kể lại:

"Sau khi nhận lệnh của Tướng Nghiêm qua điện thoại tại văn phòng của tôi ở Quân Trấn, Thiếu Tá Sỹ đã tỏ ra thật sự lo ngại đối với nhiệm vụ quá tế nhị này. Ông nói với tôi,  mình phải làm sao thi hành được lệnh trên mà đừng để xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Ông đã thảo luận hết sức kỹ lưỡng với tôi, và chúng tôi đồng ý với nhau là phải làm sao tránh dùng lực lượng võ trang trong việc giải tán đám đông, dù là lực lượng bán quân sự. Để thực hiện được điều này, việc giải tán đám đông phải được thực hiện từng bước:

- Dùng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng tự động giải tán.

- Nếu sự kêu gọi không kết quả sẽ dùng xe vòi rồng xịt nước.

- Cuối cùng nếu cả hai biện pháp trên không đem lại kết quả, mới dùng đến Trung Đội Tuần Thám của Bảo An. Và Thiếu Tá Sỹ đã phân công cho chúng tôi:

Tôi (cựu Trung Tá Phu) vừa coi Quân Trấn vừa trách nhiệm về hậu cứ của Tiểu Khu,  ở lại tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, tập họp các đơn vị chính quy của Quân Trấn kiểm tra vũ khí cẩn thận. Ông đã thận trọng dặn tôi không được dùng lực lượng này trong việc đối phó với đám biểu tình. Chỉ tự vệ trường hợp Doanh Trại Tiểu Khu bị tấn công.

- Trung Úy Nguyễn Kỳ, (một Phật Tử) Chi Đội Trưởng Chi Đội Tuần Thám đem hai xe bọc sắt và xe vòi rồng sẽ đến Đài Phát Thanh cùng với ông".

Một điều cần ghi nhận ở đây là, sau cuộc đảo chánh 1. 11. 1963, Thiếu Tá Đặng Sỹ bị đưa ra Tòa Án xét xử và bị kết án tù chung thân. Tại Tòa, Thiếu Tá Sỹ đã khai rõ ràng, ông được Tướng Lê Văn Nghiêm Tư Lệnh Quân Đoàn cung cấp xe bọc sắt, lính Bảo An, và ra lệnh cho ông giải tán đám biểu tình. Ông yêu cầu Tòa cho Tướng Nghiêm ra đối chất với ông,  nhưng lời yêu cầu của ông đã không được chấp nhận.

DIỄN BIẾN TRƯỚC ĐÀI PHÁT THANH

Các sự việc xảy ra trước Đài Phát Thanh, tôi được cựu Đại Úy Phạm Văn Vệ, khi ấy là Thượng Sĩ, nhân viên Khu 11 An Ninh Quân Đội (Huế), phụ trách an ninh tại khu vực này tối hôm ấy thuận lại như sau:

"Lúc bấy giờ tôi là Trưởng Ban Công Tác Khu 11 An Ninh Quân Đội do Đại Úy Phạm Bá Thích chỉ huy, có nhiêm vụ sưu tầm tin tức các diễn biến thời sự, chính trị, về nội tình địa phương song song với các hoạt động chống cộng sản xâm lược.

Nói riêng về buổi chiều ngày 8. 5. 1963 xảy ra vụ nổ tại Đài Phát Thanh. Theo tin tức tôi và các nhân viên thuộc quyền ghi nhận qua sự chứng kiến hoặc thu thập qua cộng tác viên,  tổng hợp lại thì: Buổi sáng ngày 8. 5. 1963 có cuộc thuyết phát của Thượng Tọa Thích Trí Quang tại Chùa Từ Đàm. Các Thầy muốn cho phát thanh cuộc băng ghi âm nội dung buổi thuyết pháp. Đã có sự tiếp xúc và thỏa thuận giữa các Thầy và chính quyền địa phương về việc phổ biến. Dù nội dung bài thuyết pháp có lời lẽ chỉ trích chính quyền song không mạnh mẽ quá đáng và đã được đôi bên xét duyệt qua và đồng ý. Nếu mọi việc diễn tiến như đã thỏa thuận thì chắc chắn sẽ không có sự kiện gì đáng tiếc xảy ra. Đàng này, một mặt các Thầy đồng ý sẽ phát nội dung buổi thuyết pháp như đôi bên đã thỏa thuận, song mặt khác lại thực hiện một cuộn băng ghi âm khác mà nội dung đại diện chính quyền không được biến đến. Trong ngày này, khi chưa đến giờ phát thanh buổi chiều (Đài chỉ phát Sáng, Trưa và Chiều tối chứ không hoạt động suốt ngày) thì tại các chợ, phường, xóm trong Thành Phố đã có tin loan truyền kêu gọi đồng bào Phật Giáo tụ tập tại Đài Phát Thanh vào chiều tối để nghe thuyết pháp và đón xe hoa từ Đà Nẵng ra. Càng về chiều, đồng bào từ các nơi kéo về Đài Phát Thanh càng đông, trong khi đó tại Chùa Từ Đàm đã có sẵn một số đồng bào cũng kéo về đài. Khi đồng bào đã tập trung đông đảo chật cả khuôn viên Đài Phát Thanh thì có mấy Phật Tử đòi ông Quản Đốc Đài cho phát cuộn băng. Ông Quản Đốc Đài đã cảnh giác nên muốn kiểm duyệt trước nội dung xem có đúng là cuộn băng đã được thỏa thuận trước hay không thì phía mấy Phật Tử này nhất quyết không cho kiểm duyệt và dùng đám đông la hét làm áp lực buộc ông Quản Đốc phải cho phát cuốn băng họ đưa. Thế là huyên náo xảy ra. Các Phật Tử la ó chống đối kịch liệt, một số định trèo lên nóc nhà treo cờ, một số khác xô đẩy định phá cửa đài (đã đóng kín).

Ngay lúc hỗn độn, Thiếu Tá Đặng Sỹ Phó Tỉnh Trưởng Nội An đi trên một xe bọc sắt với một Trung Úy và binh sĩ tiến vào can thiệp. Xe vừa xuất hiện, Thiếu Tá Sỹ vừa cho phát loa kêu gọi đánh đông giải tán thì một số thanh niên bu lại chận đường, người tìm cách trèo lên xe, người la hét. Bị bao vây, Thiếu Tá Sỹ đứng trên xe bắn mấy phát súng lục chỉ thiên,  đồng thời cho nổ mấy trái lựu đạn loại OF, gọi là lựu đạn hơi, để dọa trong khi loa kêu gọi giải tán. Một quả đã nổ cách chỗ tôi đứng chừng hơn một thước mà tôi không hề hấn gì, chỉ bị sức mạnh của hơi tạt vào người làm cho lắc lư. Đang khi một số đồng bào giao động vì tiếng súng,  tiếng nổ của lựu đạn hơi, đang tản thoát lui và trên cửa Đài Phát Thanh vẫn la ó, xô đẩy cửa thì một tiếng nổ rất dữ dội lửa chớp sáng lóe lên xảy ra ngay trên thềm đài nơi cửa ra hành lang làm cho một số chết tại chỗ. Liền sau đó xe vòi rồng được điều động đến xịt nước giải tán đám người còn ở giữa sân. Hơn phân nửa số người bởi hoảng sợ đã bỏ chạy tản mác ra các khu vực chung quanh. Cuối cùng đám người biểu tình cũng đã giải tán.

Các Bác Sĩ giảo nghiệm các tử thi trong biên bản ghi là người chết vì sức ép của chất nổ cực mạnh chứ không hề có ghi vì xe tăng cán chết hoặc do súng bắn.

Những điểm tôi cần nhấn mạnh ở đây là:

* Thiếu Tá Sỹ chỉ bắn mấy phát súng lục chỉ thiên chứ ông cũng như binh sĩ dưới quyền không bắn thẳng vào đồng bào Phật Tử.

* Lựu đạn sử dụng là loại hơi (OF), chứ không phải loại sát thương, vì không có ai bị thương tích gì. Lựu đạn chỉ được liệng vào khoảng trống chứ không vào đám đông.

* Xe bọc sắt của Thiếu Tá Sỹ chỉ tiến được vào giữa sân rất khó khăn, chứ không tiến sát vào được gần thềm đài vì kẹt đám đông.

* Sau khi đám đông giải tán, ở giữa sân không hề có dấu vết gì chứng tỏ xe đã cán chết người như một vài luận điệu hàm hồ cho rằng ông Sỹ đã dùng xe tăng cán người.

Tiếng nổ làm cho 8 em bé từ tuổi 12 đến 14 chết, trong đó có một em là con của Trung Sĩ Dương Viết Tây, phục vụ tại Khu 11 An Ninh Quân Đội Huế, một em là người Công Giáo,  và một số bị thương. Ngoại trừ em bé người Công Giáo, 7 em còn lại đều thuộc Đoàn Thiếu Nhi Phật Tử. Các em đứng phía trước, bị đám đông ở phía sau đẩy tới, dồn ép quá chen chúc nên đã bị chết vì sức ép quá mạnh của chất nổ. Lúc ấy khoảng 10 giờ 30 khuya.

Các nạn nhân, người chết cũng như bị thương, đều được đưa vào bệnh viện Trung Ương Huế khám nghiệm và chữa trị".

Đến khoảng 0 giờ 30 sáng hôm sau, mấy anh em chúng tôi còn ngồi ở văn phòng thì,  Thiếu Tá Sỹ từ Đài Phát Thanh gọi điện thoại về cho biết dân chúng đã giải tán hết, tình hình đã yên tĩnh trở lại. Tôi vội lái xe ra ngay hiện trường, được Thiếu Tá Sỹ dẫn đến cho coi nơi phát ra tiếng nổ. Đó là vị trí ngay góc cửa văn phòng Đài đi ra hành lang phía Đông, tức là phía Cầu Tràng Tiền. Chất nổ tạo một lỗ hõm tròn trên nền gạch bông, sâu chừng 1cm, rộng chừng 15cm. Cánh cửa mở ra hành lang, phía trên có hai lớp, bên ngoài là lá sách, bên trong là kính, tất cả kính đều vỡ bay đi hết, trên tường và cánh cửa không có vết thủng nào.

NGÀY 9 THÁNG 5

Sáng ngày 9 tháng 5 Thượng Tọa Trí Quang xin được đưa tất cả số người chết về Chùa Từ Đàm để tổ chức lễ cầu siêu và làm đám táng tập thể. Nhưng vì những việc thất tín ông đã làm trong mấy ngày trước nên chính quyền đề nghị để cho gia đình các nạn nhân tự lo liệu. Những người chết được đưa về gia đình. Đại diện chính quyền và đoàn thể đã đến phân ưu, ủy lạo và giúp đỡ mai táng. Việc chôn cất diễn tiến êm xuôi tốt đẹp.

Cũng trong buổi sáng này, một dư luận được tung ra: Số người chết vì bị xe tăng cán.  Bác Sĩ Lê Khắc Quyến Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương, Khoa Trưởng Trường Đại Học Y Khoa Huế, nơi có hai Bác Sĩ Wulf và Holterscheidt giảng dạy, đã cho một người bà con của ông là cựu Giám Đốc Công An Cảnh Sát Trung Nguyên Trung Phần Lê Khắc Duyệt, coi những tấm hình xe tăng cán lên xác người.

Nhưng kết quả khám nghiệm các tử thi xác định các nạn nhân bị chết vì sức ép quá mạnh của một loại chất nổ. Mặt khác, các nạn nhân bị chết đều nằm trên thềm hành lang Đài Phát Thanh. Muốn đến được địa điểm này, xe phải băng ngang qua Đường Lý Thường Kiệt,  qua khoảng sân trước Đài và đi xuống phía bờ sông chừng 10 thước nữa. Tất cả chiều dài đoạn đường này không dưới 40 thước, khi ấy dân chúng đứng chật như nêm cối, chen chân vào không nổi, làm sao một xe bọc sắt kềnh càng lại có thể vượt qua quãng đường này không đụng vào ai để đến cán chết mấy em bé đứng trên hành lang. Một điểm khác nữa là, mặt nền Đài Phát Thanh cao hơn mặt đất khoảng 0, 80 mét có lan can chạy suốt chiều dài hành lang. Loại xe bọc sắt với bánh cao su không thể leo lên một độ cao có thành thẳng đứng như vậy. Hơn nữa nếu xe leo lên được thì làm sao dãy lan can không bị ủi sập?

Có lẽ vì những yếu tố quá rõ ràng trên đây, làm cho tấm ảnh xe tăng cán người dễ dàng bị lật tẩy, nên người ta đã không thấy nó được sử dụng.

Tôi thấy cần nói qua về Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, một nhân vật luôn sát cánh với Thượng Tọa Thích Trí Quang trong phong trào tranh đấu mang danh Phật Giáo. Từ khi phong trào này được phát động cho đến khi bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan.

Ông Quyến từng là thành viên của phong trào bảo vệ hòa bình hoạt động theo lập trường hòa bình của cộng sản Bắc Việt, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử v. v. . . sau khi Hiệp định Geneva được thi hành. (Mười Hương, người chỉ huy màng lưới tình báo chiến lược của Bắc Việt tại miền Nam và hai nước Miên, Lào, cũng ở trong phong trào này). Nhóm này bị Chính Phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm quyết định tống xuất ra Bắc Việt. Một số thành viên của phong trào tại Huế, trong đó có Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, đã quy thuận và xin Chính Phủ cho họ được ở lại miền Nam. Ông là một Bác Sĩ Việt Nam có uy tín về nghề nghiệp ở Huế, được bổ nhiệm làm Giám Đốc Bệnh Viện Huế khoảng năm 1956. Ông được ông Cẩn tin cậy quý mến nhờ săn sóc riêng cho Bà Cụ Ngô Đình Khả. Khi Viện Đại Học Y Khoa Huế được thành lập ông đã dễ dàng nắm chức Khoa Trưởng. Hai Bác Sĩ người Đức Wulf và Holtescheidt gặp và làm việc với ông tại cả hai nơi Trường Y Khoa và Bệnh Viện Huế. Họ đã nhanh chóng trở nên thân thiết vì cùng có lập trường thân cộng. Vì vậy họ là những người rất hăng say trong phong trào tranh đấu mang danh Phật Giáo chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau khi anh em Tổng Thống Diệm bị giết, ông cùng với một nhóm nhỏ Giáo Sư của Viện Đại Học Huế, dùng phương tiện của Viện Đại Học xuất bản tờ báo Lập Trường tích cực khích động tinh thần chia rẽ, đố kỵ Công Giáo-Phật Giáo. Khi phong trào tranh đấu của Thượng Tọa Thích Trí Quang hoạt động chống Chính Phủ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, nhóm này thành lập phong trào nhân dân cứu quốc, đòi đuổi người Mỹ, tách miền Trung khỏi Chính Phủ Trung Ương Sài Gòn thì ông là chủ tịch của phong trào này.

Những ngày kế tiếp, mặc dầu bầu không khí trong Thành Phố vẫn còn vương vấn mầu u ám của tai nạn thảm khốc tại Đài Phát Thanh tối hôm 8. 5, nhưng không xảy ra cuộc xáo trộn nào, tuy có tin nhóm Thượng Tọa Trí Quang đang có nhiều mưu tính.

Một tuần lễ sau, Thượng Tọa Thích Trí Quang viết thơ trình bày với ông Cẩn rằng, việc đưa ra 5 nguyện vọng là do bị áp lực và ông lại cam đoan không có tranh đấu gì nữa. (Trong Bạch thư phổ biến ngày 31. 12. 1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu có nói đến việc Thượng Tọa Trí Quang gửi là thơ này).

Tình hình lắng dịu, chỉ còn những buổi thuyết pháp, tụng kinh, được truyền qua loa phóng thanh mỗi buổi chiều tại hai Chùa Từ Đàm và Diệu Đế kéo dài chừng mười ngày. Đến cuối tháng 5 thì đột phát trở lại với những cuộc tụ họp tại một vài Chùa của một số thanh niên gồm sinh viên Viện Đại Học Huế và học sinh Trung Học. Đặc biệt là tại Chùa Từ Đàm, nhóm này công khai hoạt động chống Chính Phủ, gây nhiều xáo trộn, làm trở ngại cho sinh hoạt thường ngày của dân chúng không ít.

Để vãn hồi trật tự, chính quyền địa phương phải nhờ Quân Đội can thiệp, giải tán những toán biểu tình ngồi lì ngoài đường gần Chùa. Tướng Đỗ Cao Trí cho áp dụng biện pháp cứng rắn như cắt điện, cắt nước, đối với hai Chùa Từ Đàm và Diệu Đế, nhằm chấm dứt những cuộc tụ họp bất hợp pháp tại các nơi này.

Trong thời gian này, các hoạt động chống Chính Phủ đã lan vào đến các Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Chùa Xá Lợi tại Sài Gòn.

 

 

<< Chương 2.3 | Chương 2.5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 599

Return to top