Công điện nhắc nhở việc treo giáo kỳ theo quy định năm 1963 được Chính Phủ Sài Gòn gửi đến cho tất cả các Tỉnh, Thành trong toàn quốc. Không phải chỉ riêng Tỉnh Thừa Thiên và Thành Phố Huế nhận được Công Điện này. Nếu tôi nhớ không lầm thì, dưới thời Đệ I Cộng Hòa, toàn miền Nam có 44 Tỉnh Thành. Vậy tại sao việc phản đối đưa đến biến động chỉ xảy ra tại Thừa Thiên-Huế? Chính xác hơn, là xảy ra trong Thành Phố Huế?
Tôi đã được nghe nhiều người nêu lên thắc mắc trên đây, và hầu như tất cả mọi câu trả lời đều là: Vì Huế là Trung Tâm, là cái nôi của Phật Giáo.
Câu trả lời trên đây, theo tôi, không hoàn toàn đúng vì Huế chỉ là Trung Tâm Phật Giáo của miền Trung. Còn tại miền Nam, khối Phật Giáo đồ nhiều hơn và các hoạt động Phật sự cũng không kém sầm uất so với Huế. Nhưng tại tất cả mọi nơi, kể cả tại miền Trung, ngoại trừ tại Thành Phố Huế, đều yên tĩnh, không có phản ứng gì đối với việc nhắc nhở phải treo giáo kỳ theo quy định, đối với Quốc Kỳ.
Để có thể tìm được một câu trả lời chính xác hơn, đề nghị quý độc giả xét qua lý lịch của những giới chức có trách nhiệm và thẩm quyền, trong việc khởi động cũng như hòa giải biến động này, tại Tỉnh Thừa Thiên và Thành Phố Huế.
1. - Phía Khởi Động: Người đứng đầu là Thượng Tọa Thích Trí Quang.
Thượng Tọa Trí Quang sinh năm Giáp Tý (1924), tại làng Diêm Điền Tỉnh Quảng Bình. Thân mẫu ông là hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo (hội những người chuyên lên đồng bóng). Khi nhỏ, ông tu học tại Chùa Bảo Quốc, Huế với các Thượng Tọa Thích Trí Độ, Thích Mật Thể v. v. . . là những vị sáng lập Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo tại miền Trung.
Người ta biết rằng, Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo được thành lập tại Huế vào đầu thập niên 30, với Bác Sĩ Lê Đình Thám là Hội Trưởng, các sư bà Diệu Không, Thượng Tọa Thích Trí Độ, Thích Mật Thể v. v. . . là hội viên. Chính quyền Bảo Hộ khi ấy không chịu cấp giấy phép cho Phong Trào hoạt động, vì có nghi vấn sao đó. Nhờ có sư bà Diệu Không, một người bà con với Cụ Phò Quan Quận Vương Phụ Chánh Thân Thần Tôn Thất Hân xin Cụ can thiệp, Phong trào mới được cấp giấy phép. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, các vị kể trên, ngoại trừ sư bà Diệu Không, đều ra Hà Nội hợp tác, hoạt động với chính quyền Việt Minh. Thượng Tọa Thích Trí Quang được đi theo các vị này, và hoạt động trong hội phật giáo cứu quốc do Thượng Tọa Thích Mật Thể làm chủ tịch. Năm 1947, Thượng Tọa Trí Quang về quê tại Quảng Bình một thời gian ngắn, sau đó vào Huế, trong khi gia đình Thượng Tọa vẫn ở làng quê Diêm Điền trong vùng kiểm soát của Việt Cộng. Vào Huế, Thượng Tọa tiếp tục hoạt động trong hội phật giáo cứu quốc, bị chính quyền Pháp thời ấy bắt giam và bị quản thúc sau khi được trả tự do.
Ông Phạm Tường cựu Giám Đốc Nha Công An Cảnh Sát Cao Nguyên Trung Phần, cựu viên chức công an Tỉnh Quảng Bình cho biết, cuối năm 1953, Thượng Tọa Trí Quang đã bị Đại Úy Le Blaze Trưởng Phòng 5 Secteur Đồng Hới, (bộ phận sở công an Pháp đặt tại các Tỉnh) phối hợp với Ty công an Quảng Bình bắt hụt, khi Thượng Tọa ra gặp Thượng Tọa Thích Trí Độ từ Hà Nội vào tại làng Diêm Điền. Vì đội xung kích của hai cơ quan trên đã đụng phải lực lượng bảo vệ an ninh cho cuộc gặp gỡ này, trước khi đến được địa điểm hai vị Thượng Tọa gặp nhau.
Khi Hiệp định Geneva được ký kết, tháng 7 năm 1954, tại vùng đất sẽ được đặt thuộc quyền quản trị của chính quyền Quốc Gia (phía Nam vĩ tuyến thứ 17), nổi lên một tổ chức mang tên "Phong trào bảo vệ hòa bình". Lập trường của phong trào này tôi đã đề cập sơ qua trong đoạn nói về Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, chủ tịch mặt trận cứu quốc chống Chính Phủ Thiệu-Kỳ ở một phần trên. Phong trào này hoạt động đòi hỏi Chính Phủ miền Nam phải tôn trọng Hiệp định Geneva, phải hiệp thương với cộng sản Bắc Việt, không trả thù những người kháng chiến, tổ chức tổng tuyển cử v. v. . . đúng theo lập trường của cộng sản Bắc Việt. Vì vậy cuối năm 1954, chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã bắt giữ các thành viên của phong trào này và quyết định tống xuất ra Bắc. Một số thành viên của phong trào này sinh sống tại Huế, trong đó có Thượng Tọa Thích Trí Quang, Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, Thầu Khoán Nguyễn Ngọc Bang, Nhà Buôn Vĩnh Cơ. Những người này đã xin Chính Phủ khoan hồng để được ở lại miền Nam. Thời Đệ I Cộng Hòa Bác Sĩ Quyến và tất cả những người kể trên đều được trọng dụng. Thời Quân Đội nắm quyền dưới cơ chế Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Bác Sĩ Quyến là mặt trận cứu quốc của miền Trung, chống lại Chính Phủ Trung Ương.
Được ở lại miền Nam, Thượng Tọa Trí Quang đã tìm mọi cách khai thác triệt để tình đồng hương với ông Ngô Đình Cẩn, để tranh thủ lòng tin của ông.
2. - Phía Hòa giải:
a/. Người có trách nhiệm đầu tiên về cả hai mặt Hành Chánh và Quân Sự là Tỉnh Trưởng Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng Thành Phố Huế Nguyễn Văn Đảng.
Ông Nguyễn Văn Đảng nguyên là một nhân viên hành chánh ngạch Thừa Phái. Giữa năm 1951 ông được ông Lê Văn Đạm Giám Đốc Nha Quản Lý Viện Trợ Kinh Tế Mỹ-Trung Việt, nhận vào cho tạm coi về nhân viên của Nha này. Tại đây ông gặp một nữ Thư Ký tên là Lê Thị Trung, nhà ở Đường Âm Hồn, trong khu Thành Nội Huế, ông đã bỏ người vợ cũ để lấy cô này. Người vợ mới này của ông cũng là hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo như thân mẫu của Thượng Tọa Trí Quang. Đến khi Chính Phủ Mỹ viện trợ trực tiếp cho Chính Phủ Việt Nam, Nha Quản Lý Viện Trợ Kinh Tế Mỹ giải tán, cô Trung được chuyển về Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên, nơi sau này chồng cô, ông Nguyễn Văn Đảng về giữ chức Tỉnh Trưởng.
Ông Nguyễn Văn Đảng với dáng điệu, cử chỉ, cách ăn nói có vẻ hiền hòa, nhỏ nhẹ, đã được ông Ngô Đình Cẩn đặc biệt nâng đỡ. Từ một Thừa Phái ông được cân nhắc lên dần đến Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị, rồi Tỉnh Trưởng Bình Định, và cuối cùng là Tỉnh Trưởng Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng Thành Phố Huế.
Được ưu đãi như thế, nhưng bị ảnh hưởng của người vợ hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo, nên ông Đảng đã bị Hội Trưởng của hội này, ông Phạm Ngọc Đạm, một thuộc cấp của ông, điều khiển. Vì thế trước khi Tướng Trần Văn Đôn dời Quân Đoàn I vào Sài Gòn nhậm chức Tư Lệnh Lục Quân, ông Đảng đã mời Tướng Đôn đến nhà, dẫn vào một phòng có bày bàn thờ Phật. Tại đây ông Hội Trưởng Hội Tiên Thiên Thánh Giáo Phạm Ngọc Đảm đứng chờ sẵn. Khi Tướng Đôn bước vào phòng, ông Hội Trưởng mời cùng lễ Phật với ông và ông Đảng. Cuộc lễ Phật được kết thúc bằng màn ông Hội Trưởng đốt một nắm nhang đưa vào miệng nhai, trong khi nắm nhang đang cháy thành lửa ngọn. Sau khi đã nuốt nắm tàn nhang, ông Hội Trưởng quay qua phán rằng:
"Thánh Giáo có chỉ định Trung Tướng Trần Văn Đôn cầm quân đảo chánh"
Việc này chính Tướng Đôn đã thú nhận trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của ông. (Trang 165)
Có thể tư tưởng đảo chánh chế độ Đệ I Cộng Hòa ám ảnh đầu óc Tướng Đôn từ đó. Mặc dầu ông đã xin được gia nhập đảng Cần Lao đầu năm 1961, sau khi được ông Cẩn cứu cho khỏi bị nghi ngờ có dính líu trong cuộc binh biến ngày 11. 11. 1960. Ngoài ra, chắc chắn Tướng Đôn còn bị thúc đẩy tham gia đảo chánh bởi một nữ gián điệp của Việt Cộng mà ông rất si mê. Tôi sẽ đề cập tới vấn đề này trong phần viết về ông.
b/. Sau Tỉnh Trưởng sở tại, người có thẩm quyền cao nhất, có khả năng giải hóa vụ này về mặt quân sự, là vị Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật, Tướng Lê Văn Nghiêm.
Theo một số sĩ quan cao cấp xuất thân từ Huế thì, thời Đệ Nhị Thế Chiến, Tướng Nghiêm ở trong đoàn lính thợ do chính phủ bảo hộ Pháp bắt Chính Phủ Nam Triều cung cấp để đưa sang phục vụ chiến trường tại Pháp. Ông hồi hương năm 1946 với cấp bậc Thượng Sĩ. Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau khi quân đội Anh hoàn tất nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật, ông Nghiêm đã được ông Trần Văn Lý giới thiệu cho vào quân đội Pháp và được mang cấp bậc Thiếu Úy. Giáo Sư Học Giả Võ Long Tê cho biết: Thiếu Úy Lê Văn Nghiêm từng là Trung Đội Trưởng Trung Đội An Ninh Phủ Tổng Đốc Trung Phần thời kỳ chưa có chế độ Thủ Hiến. Khi ấy vị đứng đầu mỗi Phần được gọi là Quốc Vụ Khanh Thống Đốc và vị Phó là Thứ Ủy Khanh. Ông Nghiêm đã để xảy ra vụ một tên lính lê dương người Áo theo Việt Cộng, lái xe vào thẳng Dinh Thống Đốc, bắn chết Thứ Ủy Khanh Hà Văn Lan ngay tại văn phòng tại Huế. Mặc dù vậy, trong thời còn quân đội viễn chinh Pháp là Trung Tá. chỉ huy Lữ Đoàn Lưu Động 21. Thời Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, khi quân đội Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam, ông là vị Tư Lệnh thứ hai tại Quân Khu II (Sau đổi thành Quân Khu I) sau Đại Tá Nguyễn Quang Hoàng và vinh thăng Thiếu Tướng khi đang ở chức vụ này. Sau đó ông liên tiếp giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Tư Lệnh Quân Đoàn III Chiến Thuật, và trở về lại Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật tại Huế cuối năm 1962. Là một đảng viên kỳ cựu của đảng Cần Lao, năm 1955 ông đã được bầu làm Bí Thư Quân Ủy đảng Cần Lao đầu tiên và cũng là sau hết.
Ông là một Tướng lãnh trong đời binh nghiệp đã từng lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến tranh chống cộng sản, được chế độ tín nhiệm. Và nếu như người ta nói, đảng Cần Lao gồm những thành phần tuyệt đối trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được Tổng Thống tuyệt đối tin tưởng và dùng để khống chế Quân Đội, kiểm soát chính quyền, thì Tướng Nghiêm phải là người được coi là trung thành với chế độ và được chế độ tin tưởng hơn ai hết.
Nhưng tôi được ông Hoàng Ngọc Trợ kể lại sự kiện dưới đây về ông Nghiêm mà tôi và có lẽ rất nhiều người không bao giờ nghĩ tới với vị Tướng này.
Ông Trợ kể rằng: Một cựu nhân viên phòng tình báo liên khu 5 Việt Cộng, vì lý do riêng xin được dấu tên, hồi chánh năm 1956, hiện định cư tại California. Khi được biết sau ngày 30. 4. 1975 Tướng Nghiêm không phải đi cải tạo, ông này mới tiết lộ, rằng khi ông làm trong phòng tình báo của liên khu 5 Việt Cộng, ông vẫn thường nhận được tin tức về các kế hoạch hoạt động của quân đội viễn chinh Pháp và Quân Đội Quốc Gia do ông Nghiêm báo cáo. Khi về hồi chánh phục vụ trong ngành hành chánh, thấy Tướng Nghiêm được chế độ tín nhiệm và trọng dụng, ông nghĩ rằng ông ta đã thục sự dứt bỏ quá khứ nên làm thinh.
Nhân chứng từ một nước trong vùng Âu Châu mới được tái định cư tại Hoa Kỳ 3, 4 năm nay. Mới đây, qua một cuộc điện đàm, ông và ông Hoàng Ngọc Trợ đều xác nhận với tôi về sự đúng đắn của sự việc kể trên.
Cựu Trung Tá Nguyễn Duy Nghệ, hiện định cư tại Thành Phố Anaheim, Orage County, nguyên là Sĩ Quan Tùy Viên phụ trách hành quân của Tướng Tôn Thất Đính cũng cho biết: Khi Tướng Tôn Thất Đính được đưa từ Quân Đoàn II về thay thế Tướng Nghiêm làm Tư Lệnh Quân Đoàn III, ông Ngô Đình Nhu đã đặc biệt lưu ý Tướng Đính về sự kiện thời gian Tướng Nghiêm làm Tư Lệnh Quân Đoàn III, mọi cuộc hành quân quan trọng đều bị tiết lộ. Vì vậy khi chỉ huy Quân Đoàn III, mỗi lần mở hành quân, Tướng Đính đều đem Sĩ Quan Trưởng Phòng 3 và Tùy Viên phụ trách hành quân về làm lệnh hành quân tại nhà. Bộ Tham Mưu, kể cả Tham Mưu Trưởng của ông, đều không được biết gì trước cuộc hành quân khai mở.
Sau khi bàn giao Quân Đoàn III cho Tướng Đính, Tướng Nghiêm lại được trở về miền Trung, giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật. Và khi Thượng Tọa Trí Quang mở màn cuộc "tranh đấu" bằng chiến dịch "chống lệnh cấm treo cờ Phật Giáo", thì các chỉ huy cao cấp nhất về quân sự và hành chánh tại địa phương, đều là người đứng đằng sau ông.
Tuy vậy, mãi cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, có lẽ không ai nghi ngờ gì Tướng Nghiêm. Nhưng sau này, những người được biết Tướng Nghiêm vẫn thong dong an dưỡng tuổi già tại ngôi biệt thự tọa lạc ở góc Đường Hai Bà Trưng-Phan Đình Phùng, trong khi tất cả Quân Cán Chính lớn nhỏ của Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại, đều bị vào tù cải tạo, thì họ đều nghĩ rằng Tướng Nghiêm phải là một cán bộ hoặc đã lập được công lao với cộng sản nên mới được họ dành cho một chế độ đặc biệt như thế.
Ông Nguyễn Ngọc Bang một nhà thầu khoán tên tuổi ở Huế, một trong số những thành viên của phong trào "Bảo vệ hòa bình" đã quy thuận để được ở lại miền Nam, người trực tiếp nhận báo cáo từ Tướng Nghiêm chuyển lên mật khu cho Việt Cộng, đã xác nhận với cố Đại Tá Phan Văn Khoa:"Ông Nghiêm là người của cách mạng, có công lớn nên không phải học tập". Cố Đại Tá Khoa nguyên là Cảnh Sát Viên trong Đội Cảnh Sát gác Dinh Thống Đốc Trung Phần ngày Thứ Ủy Hà Văn Lan bị sát hại. Thời Đệ II Cộng Hòa ông Khoa đã giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thành Phố Huế. Sau ngày 30.4.1975 ông bị tù cải tạo gần 13 năm, khi được trả tự do, thấy Tướng Nghiêm không phải đi cải tạo, trong một dịp gặp ông Nguyễn Ngọc Bang đề cập tới trường hợp này, ông đã được ông Bang xác nhận như trên. Ông Khoa qua Hoa Kỳ theo diện HO, định cư tại Thành Phố Gardena, Los Angeles County, đã qua đời cách nay 5, 6 năm vì bệnh ung thư gan.
Về phần ông Nguyễn Ngọc Bang khi hoạt động cộng sản của ông này bị cơ quan An Ninh phát giác, ông đã được ông Bửu Vu, Chủ Tịch Hội Nguyễn Phước Tộc đứng ra bảo đảm nên đã được yên ổn làm ăn.
Qua lý lịch của ba nhân vật then chốt có thẩm quyền và trách nhiệm trong "Biến Động Cờ Phật Giáo" tại Huế kỳ Lễ Phật Đản năm 1963, được lược thuật trên đây, người ta có thể thấy được tại sao Biến Động này đã xảy ra tại Thành Phố Huế. Trong khi tại 43 Tỉnh, Thành khác trong toàn miền Nam, lệnh nhắc phải treo cờ Quốc Gia tại các nơi thờ tự đã không gây nên một giao động, thắc mắc nào trong giới Phật Tử.