16.- Mai-sinh tự-ải, được nhà sư cứu sống (câu 573 - câu 616)
Nghĩ đi nghĩ lại tần-ngần, Tay không đất khách, một thân quê người. Biết cùng ai tỏ khúc nôi, Dở-dang hai lẽ, tới lui khó lòng. Bước lần bỗng thấy gần sông, Xuống thuyền nhờ để tìm vùng lánh xa. Trọn ngày đến bến, lên bờ, 580.- Trời hôm vào đấy là chùa Thọ-am. Than rằng: "Tội báo cho cam, "Thế này trời hãy còn làm đến đâu. "Họ Lư tầm-nã còn lâu, "Tấm thân đã biết về sau thế nào ?" Trong lưng sẵn giải lụa đào, Cởi ra, sinh đã buộc vào cành cây. Thương ôi ! Sao khéo đang tay ! Thân này đã quyết với dây ấy rồi. Trời còn cứu kẻ anh-tài, 590.- Trong chùa bỗng có một người bước ra. Lòng lành thấy sự oan-gia, Trở vào bạch lại sư-già trước sau. Sư ra dạy cởi xuống mau, Khương-thang kíp đổ, giờ lâu tỉnh dần. Thấy người trạng mạo văn-nhân, Quá thương sư mới hỏi gần hỏi xa. Nỗi mình đâu dám giở ra, Sinh bèn chống chế, kêu-ca liệu lời : Rằng: " Con chút phận tôi đòi, 600.- "Giữ đồ thầy để mất vài bốn bao. "Trở về nghĩ chẳng tha nào, "Cực mình nên phải quyết liều quyên-sinh. Sư rằng: " Cửa bụt thênh-thênh, "Tòng quyền hãy tạm gởi mình ở đây. "Nhà chùa công việc cũng đầy, "Dẫu rằng lau án, tưới cây cũng là, "Vả trông ra dáng con nhà, "Sẵn nghiên bút viết một và tờ xem. "Dẫu rằng xấu tốt chẳng hiềm," 610.- Sinh bèn đề chữ "Thọ-am tự-thuyền ". Sư rằng: "Này bút thiên-nhiên, "Lọ tìm Vũ-kiếm, lọ khen Lan-đình." Phòng văn giao mặc viết kinh, Vườn hoa lại phó một mình sửa-sang. Sức người như giúp hơi dương, Một vườn tươi-tốt bằng dường thêm xuân.
17.- Cuộc gặp gỡ giữa Mai-sinh với họ Trần (câu 617 - câu 656)
Những mong bóng Phật nương thân. Hay đâu bỗng chốc lương-nhân giắt vào. Nỗi sư nào biết đâu nào, 620.- Chẳng là tên gọi Nhật Cao họ Trần. Thám hoa võ-cử xuất thân, Ba nơi tọa-trấn mấy lần đổng-binh. Thờ-ơ áng lợi quyền danh, Vui lòng tuyền-thạch gửi mình thuyền-am. Trần Đông Sơ ấy là em, Một ngày thong thả mới tìm sang chơi. Anh em kể-lể lôi-thôi, Có khi nhắc chuyện họ Mai khóc thầm. Mai-sinh riêng dạ nghĩ ngầm, 630.- Xem trò-chuyện ấy, biết tâm-tích rồi. Hai ông tìm hứng mua vui, Giắt tay, sánh bước, chân dời vườn sau, Xem hoa vừa ý, gật đầu, Trình anh, mới kể mấy câu nằn-nì : "Mười năm theo việc vương-kỳ, Sân Đào mấy lớp, Đông-ly bỏ rèm. "Gốc cằn, cỗi rậm, khó xem, "Cỏ cây ví với am-thuyền kém xa. "Tiểu đây kể khéo có thừa, 640.- Nhà em bên ấy tạm nhờ một tay." Sư rằng: " Anh cũng là may, "Ngày xưa được chú tiểu này bỗng không "Họ Vương tên gọi Hỉ Đồng, "Bút nghiên tay giỏi, nghi-dung con nhà. "Việc quen sửa cảnh, vun hoa, "Cho về bên ấy nương-nhờ cũng hay !" Mai-sinh bèn lạy tạ thầy, Theo về Trần-phủmột giây đến nhà. Trần-công cười nói lôi-la; 650.- Đòi công-tử với cùng là phu-nhân. Tiểu-thư cũng gọi đến gần, Rằng: "Hôm nay buổi dời chân tham thuyền. "Xin về được gã thiếu-niên. "Cảnh hoa việc biết, bút-nghiên nghề nòi." Những xem phong-dạng con người, Một nhà ai cũng một lời khen lao.
18.- Cảm tưởng của Mai-sinh trong khi ở Trần phủ (câu 657 - câu 670)
Mai-sinh đành phận biết sao, Khi ra viết thiếp, khi vào sửa hoa. Cửa người ngày tháng lân-la, 660.- Một mình riêng những xót-xa sự mình. Sinh-ly xa cách huyện-đình, Một cây bóng ngả mấy cành tang-du. Sơn-đông non nước mịt-mù, Niềm thương nỗi nhớ biết hồ có nguôi. Nghi-trưng một nắm cát vùi, Vì ai nên nỗi thiệt-thòi đến ai. Sau này dù nhận có người, Nghĩa kia biết có đền-bồi được chăng ? Thành sầu cao ngất tầng tầng, 670.-Một vườn ngày gió đêm trăng thẫn-thờ.
19.- Mối tình của Mai-sinh, khi trông thấy Hạnh-Nguyên (câu 671 - câu 694)
Hay đâu con tạo lọc-lừa, Chen vòng hắc vận, trao tơ xích-thằng. Có phen bên gió dưới trăng, Buổi man -mác bóng, cơn văng-vắng người. Trong vườn tha-thướt dường ai, Xem hoàn đổ lá, giục đòi hái hoa. Người đâu trong ngọc trắng ngà, Mặt vành-vạnh nguyệt, tóc ngà-ngà mây. Lập-lòa mớ đính mớ thay, 680.- Sắc xiêm hoa dệt, nét giày phượng thêu. A-hoàn một lũ nối theo, Quạt tha-thướt phẩy, lò dìu-dặt mang. Xa xa thong-thoảng mùi hương, Mai-sinh trông liếc rõ-ràng tiểu-thư. Mối tình buộc lấy khư-khư, Hồn bâng-khuâng quế, phách thờ-thẫn mai. Của đâu trêu-ghẹo chi ai, Ấy người cung Quảng, hay người đài Dương. Tấc riêng, riêng những mơ-màng, 690.- Chữ tư đề dưới chữ tương ngày ngày. Nghĩ mình lưu-lạc đã dày, Chút niềm tâm-sự dám bày cùng ai. Lại mang cái tiếng tôi-đòi, Nhân-duyên trời có chiều người cho chăng ?.
20.- Thăm vườn mai, Trần công nhớ bạn (câu 695 - câu 194)
Thu đông trải mấy gió trăng, Bông đào chợt đã báo chừng nửa xuân. Một vườn cảnh-vật tiên-tân, Mõ xa cành biếc, kệ gần lưỡi oanh ! Trần công nhân buổi dạo quanh, 700.- Đầy vườn thấy nở chật cành hoa mai. Tính ngày mai, tối mười hai, Truyền làm tiệc rượu đặt nơi hoa đình. Vào trong khi bất thình lình. Phu-nhân xem thấy ra tình không vui. Rằng: " Vườn ta cảnh ưa người, "Sắc ông sao bỗng kém tươi, thêm sầu ?" Ông rằng: "Chẳng đánh mà đau, "Ngày mai sực nhớ giỗ đầu Mai-huynh. "Nghĩa bằng-hữu, bậc trung-trinh, 710.- "Thấy hoa mai, bỗng động tình xót ai." Sáng ngày mượn tiếng thưởng mai, Đem lòng thành-kính, viếng người tinh-anh: "Có thiêng chăng nhẽ Mai-huynh ! "Chớ nề u-hiển, thấu tình anh em. "Bây giờ kẻ khuất đã cam, "Kẻ còn giong-ruổi cho tìm thấy tôi." "Trông hoa lại nhớ mấy lời : "Họ Mai còn chút lạc-loài nên thương. "Phỏng ngày sau có ra tuồng, 720.- "Thì hoa mai nở bội thường hơn xưa." Hóa-nhi khen khéo thờ-ơ, Bởi đâu một trận gió mưa đêm trường. Sáng mai trông lọt bốn tường, Cành hoa dưới đất, mùi hương trên trời. Trần-công thấy chẳng nên lời. Thương tình bạn, giận sự đời, ngổn-ngang. Gác ngoài phú-quí một tràng, Mũ-ni, tràng-hạt, quyết đàng xuất-gia. Phu-nhân, công-tử vào thưa: 730.- "Xưa nay mưa gió rụng hoa là thường. "Làm chi nhọc bụng lo-lường, "Tuổi già, nhà vắng, thêm đường dở-dang. Ông rằng: " Thôi chớ bàn ngang. "Một lời nói, dẫu nghìn vàng đổi sao !
Chú thích:
oan-gia: nhà có oan-nghiệt, nhà gặp sự chẳng may. Khương-thang: nước gừng nóng, thang thuốc gừng. trạng mạo văn-nhân: bởi câu Văn-nhân trạng-mạo, nghĩa là mặt ra dáng người có văn-học. quyên-sinh: bỏ sự sống, nghĩa là liều thân, liều chết. Thọ-am tự-thuyền: chùa Thọ-am. thiên-nhiên: tự nhiên mà thành như trời làm sẵn. Vũ-kiếm, Lan-đình: Vũ-kiếm : Một lối chữ nét sắc như gươm múa, nên gọi là vũ kiếm . Lan-đình : lối viết của Vương Hy Chi đời Tấn, chữ rất tươi-đẹp, người ta gọi là thiếp Lan-đình. lương-nhân: cũng như lương duyên : duyên tốt. Nhật Cao họ Trần: anh Trần Đông Sơ. Thám hoa võ-cử xuất thân: tức là đỗ Thám-hoa khoa thi võ . Xuất thân : bước đầu tiên ra đời.
tọa-trấn: ngồi nhậm chức. tuyền-thạch : suối và đá, trỏ vào cảnh rừng núi. thuyền-am: cảnh nhà chùa. vương-kỳ: Kinh-đô nhà vua. Sân Đào, Đông-ly: sân Đào là sân nhà ông Đào Tiềm, một hưu quan đời Tấn. Đông-ly là dậu bên đông, nơi trồng cúc và các thứ hoa. Vương tên gọi Hỉ Đồng: Sau khi được nhà sư cứu sống, Mai-sinh mang tên Vương Hỉ Đồng, người đầy tớ có nghĩa đã chết thay Mai-sinh ở Nghi-trưng. Trần-phủ : dinh Trần-công, người ta quen gọi nhà các quan là "phủ". tham thuyền: thăm cảnh chùa. Sinh-ly : sống mà phải lìa nhau. mỗi người mỗi ngả, không được sum-họp. huyện-đình: sân cỏ huyện, trỏ người mẹ- xem chú thích trên.
tang-du: khi mặt trời sắp lặn, bóng nắng còn sót lại trên cành dâu, cành bưởi, người ta nhân đó mới mượn chữ tang-cành dâu, cành bưởi, người ta nhân đó mới mượn chữ tang-cành dâu, du-cành bưởi- ví với cảnh già, nên có chữ tang du mộ cảnh : cảnh về chiều của cây dâu cây bưởi. Sơn-đông: nơi Mai phu-nhân lánh nạn, tức là chỗ em bà làm quan. Nghi-trưng một nắm cát vùi: nói về mả Hỉ Đồng táng ở Nghi-trưng. Thành sầu cao ngất tầng tầng: đoạn này tả Mai sinh nhớ mẹ và thương đầy-tớ. hắc vận, trao tơ xích-thằng: Hắc vận : vận đen . Xích-thằng : dây đỏ, dây xe duyên của Nguyệt-lão trong truyện Vy-Cố. hoàn: tức liễu-hoàn : con đòi đầy-tớ gái. cung Quảng: tức Quảng-hàn-cung, cung trăng. đài Dương: tức Dương-đài, nơi Sở Tương-vương cùng thần nữ hội-ngộ. Chữ tư đề dưới chữ tương: tức là tương-tư. tiên-tân: tươi tốt, mát-mẻ.
hoa đình: đình hoa, vòm cao xây ở vườn hoa, làm nơi thờ hoa-thần. Mai-huynh: ông anh họ Mai, lời xưng-hô của anh em bạn. thưởng mai: ngắm cảnh hoa mai. bội thường: gấp đôi lúc thường, nghĩa là hơn lên. xuất-gia: đi tu, đi ở chùa.