Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Văn Việt Nam >> Nhị Độ Mai

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15728 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhị Độ Mai
Vô Danh

Trang 2
6.- Dân Lịch-thành ái-mộ Mai-Công (câu 143 - câu 194)




          Còn đương trò-chuyện trước sau,
          Xôn-xao nghe bỗng tiếng đâu gần gần.
          Gót giày ông mới động chân,
          Trông ra đã chật một sân những người.
          Bẩm rằng: " Dân sự chúng tôi,
          "Tấm lòng xin ngỏ, chút lời xin thưa.
          "Từ ngày trọng lỵ đến giờ,
          150.- "Một đường sao phúc, muôn nhà phật sinh.
          "Bao nhiêu lại tệ dân tình,
          "Đuốc soi chẳng chút đỉnh-đinh dám lòa.
          "Tấc lòng xem bẵng mẹ cha,
          "Đọc ca mạch-tuệ ngâm thơ cam-đường.
          "Bấm tay mười mấy năm trường,
          "Mưa xuân tưới khắp một phương Lịch-thành.
          "Rày vâng thăng điệu lai Kinh,
          "Thỏa lòng hồ-thỉ phỉ tình đai cân.
          "Thênh-thênh nhẹ bước thanh vân,
          160.- "Cành cây dám tưởng bận chân loan hoàng.
          "Nghĩ cho chút phận tầm thường,
          "Đạo con cái được tựa-nương bấy chầy.
          "Chỉn e tiếp lỵ sau này,
          "Lòng thương cân được như rày mấy phân ?
          "Bấy giờ lễ cách quan dân,
          "Tưởng công-đức trước, lại năn nỉ nhiều.
          "Lòng thành nay quyết xin theo,
          "Làm đơn ái-mộ dâng liều một chương.
          "Hoạ là vua nặng lòng thương,
          170.- "Thấy tình Trường-xã, lưu chàng Khấu quân."
          Ông rằng : "Vẫn biết lòng dân,
          "Lời trung-hậu ấy, tình thân-ái này.
          "Ta làm Huyện-tể bấy nay,
          "Có chi công-đức đáng rày truy-tư?
          "Phương chi thế-sự bây giờ,
          "Dễ dò bụng hiểm, khôn lừa mưu gian.
          "Họ Lư cưu dạ tham tàn,
          "Rình như miếng mộc, những toan hại người.
          "Phỏng mà nghe đặng như lời,
          180.-Hẳn là mua chuộc lòng người tại ta.
          "Miệng sàm dệt gấm thêu hoa,
          "Công nào chưa thấy tội đà đến ngay.
          "Lại càng mang tiếng chẳng hay,
          "Yêu đây để xấu cho đây ích gì?"
          Dân nghe biết ý quyết đi,
          Lui ra, còn dám nằn-nì nữa đâu?
          Một đoàn kẻ trước, người sau,
          Khen cho rằng khéo bảo nhau một bề.
          Lễ đâu đưa đến tức thì,
          190.- Vạn dân-tản, vạn dân-y sãn sàng.
          Thưa rằng: "Gọi chút lễ thường,
          "Mà lòng tạc dạ ghi xương còn dài"
          Ông xem thấy ý vật nài,
          Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn.

7.- Kẻ ở người đi (câu 195 - câu 254)




          Phu-nhân công-tử xuống thoàn,
          Mai-công ở lại đợi còn bàn giao.
          Ngại-ngùng thay, lúc phân-bào !
          Kẻ về tụ-lý người vào ngọc-kinh.
          Cho hay là kẻ trung-trinh,
          200.- Nặng lòng vương-sự, nhẹ tình gia-mang.
          Mặc ai châu lệ hai hàng,
          Gác tình nhi nữ xem thường như không.
          Vài ngày huyện-vụ giao xong,
          Ra thành lên kiệu thẳng giong nhật trình.
          Huyện dân chực sẵn tiễn-hành.
          Hương-đăng bày án, tràng đình dọn nơi.
          Đón đưa khắp mặt thiếu ai,
          Mấy tòa quan tỉnh mấy người hương thân.
          Người dường ra ý ân-cần.
          210.- Ông thì thủng-thẳng có phần xem khinh.
8.- Phong-cảnh dọc đường, từ Lịch-thành đến Kinh-sư (câu 57 - câu 108)





          Giã nhau mười dặm tràng-đình.
          Trông theo đã khuất mây xanh mấy trùng.
          Nước non đưa đón người trung,
          Suối tuôn giòng chảy, núi chồng lớp cao.
          Nhởn-nhơ cỏ đón hoa chào,
          Hang men móc vượn, cây xào-xạc chim.
          Tấc gang kinh-quốc chờ xem,
          Đường ngày giục kiệu, điếm đêm đổ cờ.
          Kià chài sớm, nọ cày trưa,
          Gió gần giọng địch (mục), mây xa tiếng tiều
          .
          Quê người phong cảnh đìu hiu.
          Trăng thanh gió mát dường chiều chuông ai !
          Những màng giong-ruổi dặm dài,
          Trông ra bỗng thấy bốn người xa xa.
          Hỏi ra mới biết rằng là:
          Trong kinh, Lại-bộ sai nha đón mình.
          Hoàng hôn gác bóng chênh-chênh,
          Truyền tìm quán khách bộ-hành nghỉ-ngơi.
          Bốn người tức khắc vâng lời,
          230.- Trước đi tìm chốn thảnh-thơi đón mời.
          Tuy rằng quán khách hẹp-hòi,
          Chốn nằm cũng tĩnh, chốn ngồi cũng thanh.
          Thung-dung hỏi chuyện trong Kinh:
          Lư, Hoàng lũ ấy tung-hoành ra sao ?"
          Thưa rằng: "Chức trọng quyền cao,
          "Triều-quan quá nửa ra vào làm tôi.
          "Ai ai khóa miệng bịt hơi,
          "Ngang vua phú-qúi, nghiêng trời uy-linh.
          "Đại-gia rày ở quan Kinh,
          240.- "Theo đòi nhiều ít, thế tình là xong."
          Mai-công nổi giận đùng đùng,
          Rằng: "Phen này quyết chẳng dung loài hồ.
          Vào đây ta sẽ hay cho,
          "Đừng Tung, đừng Kỷ, hết Lư, hết Hoàng !
          "Mặt nào bắt-chước thế thường,
          "Thiết-tha ban tối, khoe-khoang giữa ngày."
          Gan càng tức, ruột càng đầy,
          Truyền thôi cuộc rượu, vào ngay trong bình.
          Sáng mai thức dậy trông quanh,
          250.- Treo trên thấy có bực tranh Di, Tề.
          Như khêu tấm dạ trung-nghì,
          Dạy đem nghiên-bút thơ đề mấy câu.
          Than rằng: "Thanh ứng khí cầu.
          "Người kim cổ, bụng trước sau một đường."

9.- Quang cảnh nơi kinh-đô (câu 255 - câu 264)


10.- Mai-công vào chầu và qua tướng-phủ (câu 265 - câu 300)





          Tìm vào Lại-bộ tới nơi,
          Truyền nha-môn định, ngày mai tiến chầu.
          Ngắm xiêm, sụa mũ giờ lâu,
          Uốn lưng năm lạy, Khấn đầu ba phen.
          Lạy rồi ren-rén tâu lên,
          270.- Chúc câu vạn-tuế, dâng lên cửu-trùng.
          Tiếng trời đưa lại bệ rồng:
          "Đặt tòa gián-viện kén dùng kẻ trung.
          "Sau cho sắt đá một lòng,
          "Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê."
          Tâu rằng: "Hổ phận ngu-si,
          "Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông."
          Tan triều lệnh ngự vào trong,
          Bách quan lui xuống đều cùng bước ra.
          Mai-công toan trở lại nhà,
          280.- Tiện gần tướng-phủ sang qua vào liền.
          Nghiêm-trang cụa thế sân quyền,
          Trước bia hạ mã chật lèn ngựa xe.
          Ông bèn giả cách vô tri,
          Ngồi trăm-trắm kiệu, vào kề nghi-môn.
          Môn quan trông thấy thét dồn,
          Xôn-xao bẻ-bót, ôn-tồn hỏi tra.
          Ông rằng: "Đâu chẳng biết ta,
          "Huyện-quan về bộ Lại-khoa ngày rày.
          "Buổi chầu nhân tiện sang đây,
          290.- Nhờ ai trong ấy bẩm thay cho tường."
          Môn-quan rằng lệ phủ-đường,
          "Có đồ yết lễ, có vàng mấy bao.
          "Có thì sẽ bẩm cho vào,
          "Bằng không hãy chực ngoài rào xa xa."
          Ông rằng: "Lệ đặt bao giờ,
          "ấy là quốc-pháp hay là phủ-qui ?
          "Ta đây vốn chẳng cần chi,
          "Vào thì cũng được, ra thì cũng nên !"
          Không xuống kiệu vẫn ngồi trên,
          300.- Tay cầm thủ-bản ném bên thềm ngoài.

Chú thích:

    trọng lỵ: tiếng nói tôn cũng như trọng nhâm
    phật sinh
    : bởi chữ: Nhất lộ phúc tinh và vạn gia sinh Phật.
    lại tệ dân tình
    : Tình tệ nha lại và dân chúng
    mạch tuệ
    : Đời Hán, Trương Kham làm Thái-thú quận Ngư-dương, khuyên dân chăm-chỉ cấy lúa trồng dâu, dân được no ấm, có câu ca tụng rằng: "tang vô phụ chi, mạch-tuệ lưỡng kỳ", nghĩa là cây dâu không có cành phụ, bông lúa mạch có hai chẽ, ý nói dâu tươi lúa tốt.
    cam đường
    : Đời Chu, Thiệu Bá đi tuần thú thay vua, thường nghỉ dưới gốc cây cam-đường xử kiện, dân có thơ khen rằng: "tế phế cam-đường, vật tiễn vật phạt, Thiệu Bá sở bạt" nghĩa là rườm-rà cây cam-đường (phải chăng cây bàng) chớ cắt chớ chặt, nơi Thiệu Bá nghỉ-ngơi.
    lai Kinh
    : lại kinh cũng như đăng kinh đã nói trên.
    hồ thỉ
    : Hồ thỉ do chữ: tang hồ bồng thỉ, cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng : ngày xưa nhà vua sinh con trai thì dùng hai thứ ấy treo ra cửa cung, nhân thế người ta mượn làm biểu-hiệu phái con trai chí ở bốn phương, như cung tên bắn tung khắp bốn phương trời.
    đai cân
    : bởi chữ cân đới, trỏ về phái quan chức mũ cao áo dài.
    thanh vân
    : mây xanh, bước thanh-vân nói về công-danh bay nhảy.
    loan hoàng
    : câu này đại ý như câu chữ nho : "Chỉ cức phi loan phượng sở thê" nghĩa là khóm cây gai không phải chỗ đậu của loài chim loan-phụng, Nguyên Cừu Hương đời Hán, mới bổ chức Đình trưởng, có người đàn bà góa đến kiện đứa con ngỗ-nghịch là Trần Nguyên, Hương khuyên-bảo trở về, rồi thân đến nhà, đem nghĩa lý hiểu bảo, Trần Nguyên cảm-đông nghe theo, trở nên người con chí hiếu. Quan Huyện-lệnh là Vương Hoán khen ngợi cất lên làm Chủ-bạ và hỏi: " Nhà ngươi không trị tội Trần Nguyên, lại chịu khó đến khuyên bảo, chả cũng kém mất sự lập oai như giống chim cắt với đàn chim nhỏ hay sao ? Hương thưa: "Giữ kỳ làm chim cắt, sao bằng làm chim loan-phụng !" Vương Hán cười nói: "Vậy thì khóm cây gai (trỏ vào chức chủ bạ) không phải chỗ đậu của chim loan-phụng !" Bèn đem tiền lương tháng giúp cho Hương vào nhà Thái học, sau trở nên bậc đại tài.
    [Back to the top]

    tiếp lỵ
    : người thay chân, kế tiếp nhận chức.
    lễ cách quan dân
    : bởi câu tục ngữ : quan dân lễ cách.
    ái mộ
    : yêu-mến
    Khấu quân
    : Câu này do tích Khấu Tuân đời Đông Hán làm quan Thái-thú quận Dĩnh-xuyên, dựng nhà học-hiệu, đem văn-hóa dạy dân, sau Dĩnh-xuyên có giặc, khấu Tuân đi tòng-chinh, lúc khải hoàn, Trăm họ đón đường kêu xin để Khấu lưu nhậm một năm nữa. Vua Quang Vũ thấy dân tình Trường xã, Dĩnh-xuyên như thế cũng ưng cho Khấu ở lại.
    Huyện-tể
    : Chức chủ-tể trong một huyện, tức là Tri-huyện.
    Miệng sàm dệt gấm thêu hoa
    : Câu này bởi câu trong Kinh Thi:
    Thê hề phỉ hề,
    thành thị bối cẩm,
    bỉ trấm nhân giả,
    diệc dĩ thái thậm"
    nghĩa là những thứ rau cỏ tạp nhạp có thể họp thành gấm vóc, những kẻ hay gièm-pha cũng đã quá lắm.
    vạn dân tản, vạn dân y
    : Tản và áo của muôn dân- cũng như câu nói " bách gia chi sản", nghĩa là của chung mọi nhà- Đây là một lễ chung của dân huyện Lịch-thành đem tiễn Mai-công.
    tạc dạ ghi xương
    : bởi chữ "minh tâm khắc cốt"
    phân bào
    : chia vạt áo, nói về khi giã nhau mỗi người mỗi nơi.
    tử-lý
    : tử : cây tử (cây lộc vừng), lý: làng . Kinh Thi có câu "duy tang giữ tử, tất cung kính chỉ," : ví cây dâu với cây tử tự cha mẹ trồng, nên phải cung kính. Người ta nhân đó mới mượn chữ tang tử để trỏ về quê-hương.
    [Back to the top]

    ngọc kinh
    : Kinh-đô nhà vua.
    vương-sự
    : việc nhà vua, việc công.
    gia mang
    : việc riêng bận rộn của tư gia, việc tư.
    tràng đình
    : Mỗi cung đường có một trạm nghỉ chân gọi là đình, nghĩa là dừng chân . Cung ngắn (5 dặm) gọi là đoản-đình, cung dài (10 dặm) gọi là trường-đình.
    hương thân
    : Người văn học trong làng, bậc văn thân địa-phương.
    kinh quốc
    : tức kinh-đô, kinh-sư nhà vua.
    kià chài sớm nọ cày trưa , gió gần giọng địch, mây xa tiếng tiều.
    : câu này tả đủ bốn cảnh : Ngư (chài), canh (cày), mục ( giọng địch), tiều (tiếng tiều)
    hoàng hôn
    : Hoàng là vàng, hôn là tối, lúc chiều hôm gần tối, mặt trời lặn còn sót một ánh vàng vàng, nên gọi là hoàng-hôn.
    Lư, Hoàng
    : tức Lư-Kỷ, Hoàng Tung : hai tên gian-thần đối đầu với Mai-công.
    đại-gia
    : nghĩa đen là cha, tiếng gọi tôn những bậc quan-trưởng cũng như chữ tướng công hay đại nhân.
    [Back to the top]

    thiết-tha ban tối, khoe-khoang giữa ngày
    : Câu này đại ý cũng như câu chữ nho: " Hôn dạ khất ái nhi, kiêu nhân bạch nhật"
    trong bình
    : là tên bức bình phong, nơi ngăn phòng ngoài với phòng ngủ.
    Di, Tề
    : Bá Di, Thúc Tề là hai nghĩa-sĩ đời nhà Thương, Chu Vũ-Vương đánh vua Trụ - Vua nhà Thương- hai ông can không được, sau khi nhà Chu đã được nước, hai ông liền lên ẩn cư trên đỉnh núi Thú-dương, hái rau vi ăn thay cơm, dù đói chết cũng không ăn thóc của nhà Chu.
    mấy câu
    : Thơ đề tranh Di, Tề nguyên văn chữ Hán:
    "Côn trọng đương niên ngã Thú-dương,
    Chí Kim lưu đắc tính danh hương,
    Nhược giao liệt-sĩ như kim tại,
    khởi nhẫn quần gian lập miếu đường,"
    Ý nói bấy giờ hai anh em ông chết đói trên núi Thú-dương, mà vẫn còn để họ tên thơm tho đến bây giờ. Nếu ngày nay còn có liệt-sĩ như thế, há chịu để cho lũ gian thần đứng ở triều-đình.
    Có người đã dịch:
    Thủa xưa ở núi Thái hái rau Vi,
    Muôn kiếp danh thơm, miệng ấy bi,
    Ví khiến đời nay còn kẻ ấy,
    Miếu-đường chi để lũ gian-phi.

    thanh ứng khí cầu
    : nghĩa là cùng tiếng thì hưởng-ứng với nhau, cùng chí khí thì tìm nhau.
    phủ trời
    : do chữ thiên-phủ, ý nói vững vàng như kho nhà trời.
    hoàng-thành
    : thành nhà vua.
    kỳ-đài
    : cột cờ
    nước nhược
    : bởi chữ nhược-thủy, nơi tiên ở.
    nguồn đào
    : bởi chữ đào-nguyên : cõi tiên
    ngũ phượng
    : lầu đắp năm chim phượng.
    lưỡng long
    : thềm xây hình hai con rồng.
    [Back to the top]

    sân phong
    : sân nhà vua. Cung-điện đời Hán hay trồng cây phong- một thứ cây có lá xanh- nên người ta quen gọi sân nhà vua là phong đình.
    Lại bộ
    : bộ coi việc tuyển bổ quan-lại, một bộ đứng đầu 6 bộ trong quan-chức của một Triều-đình.
    cửu trùng
    : Vạn tuế : muôn năm, lời chúc vua. Cửu-trùng : chín tầng, quan-tước triều-đình chia làm 9 bậc (phẩm cấp), trên chín bậc tức là vua, nên quan gọi vua là cửu-trùng.
    tiếng trời, bệ rồng
    : tiếng trời do chữ thiên ngữ, bệ rồng do chữ long bệ đều là những tiếng tôn nhà vua.
    gián viện
    : dinh của ông quan coi việc can vua.
    vảy rồng
    : bởi chữ phê nghịch lân, nghĩa là vuốt ngược vảy rồng . Hàn Phi truyện : Rồng là vật có thể vuốt-ve cho quen mà cỡi được, nhưng dưới cổ có cái vảy ngược, nếu động chạm phải sẽ chết với nó. Ông vua cũng có cái vảy ngược như thế, mấy người đã dám vuốt. Nên ai can vua thì gọi là vuốt ngược vảy rồng.
    khuyển mã
    : chó, ngựa : hai giống vật có nghĩa, mến chủ.
    bể sông
    : do chữ hải hà . Nói bóng về sự rộng lượng.
    hạ mã
    : xuống ngựa . Nơi đình-miếu hay dinh-thự nào tôn-nghiêm, thường có bia đá khắc chữ " hạ mã" dựng ở ngoài, để cho khách đi ngựa hay xe biết mà xuống, cho được tỏ lòng cung-kính.
    Môn quan
    : quan coi cửa.
    quốc-pháp, phủ qui
    : quốc-pháp : Phép của nước . Phủ-qui : lệ riêng của tướng-phủ.

<< Trang 1 | Trang 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 950

Return to top