Ed Lansdale không biết mưu toan của cộng sản liên lạc với Đại sứ Lodge. Nếu ông biết thì ông đã lấy đó làm một bằng chứng nữa để nói rằng chiến tranh chỉ có thể thắng bằng phương tiện chính trị chứ không phải quân sự. Năm 1965, trong khi Hiền đã sẵn sàng để tới thăm Châu, thì Lansdale đang khăn gói lên đường qua Sài Gòn làm trợ lý đặc biệt cho Lodge về bình định.
Mặc dầu giờ đây Lansdale không giảm bớt chút nào nhiệt tình của ông với Việt Nam nhưng chín năm quan từ khi phái bộ quân sự Sài Gòn bị giải thể và Lansdale trở về Washington, làm việc ở Lầu Năm Góc, là một thời kỳ rất thất vọng của ông. Thất vọng thứ nhất là Kennedy nói rồi đổi ý không bổ nhiệm ông làm đại sứ ở Sài Gòn nữa. Tới cuối năm 1961, Kennedy lại giao trách nhiệm cho ông phải tìm cách tống khứ Fidel Castro đi. Điều anh em nhà Kennedy nghĩ trong đầu khi họ nói “tống khứ Fidel Castro” sau này đã thành đề tài suy luận của báo chí và điều tra của quốc hội; Lansdale đã cùng với các quan chức khác phải công khai đính chính để bảo vệ cho anh em Kennedy (và cho bản thân họ nữa), nhưng trong chỗ riêng tư họ hiểu là anh em Kenneđy muốn họ làm gì và họ cũng đã thành thật ghi nó ra giấy trắng mực đen - việc này đã làm cho Lansdale gặp rắc rối sau khi ông đã cầm đầu những hoạt động bí mật nhằm lật đổ Castro, kế hoạch này có tên được mã hoá là MONGOOSE. Lansdale đã dùng chữ “thanh toán những nhà lãnh đạo” trong một bản ghi nhớ liệt kê những biện pháp có thể dùng để chống Castro, gây ra biết bao điều rắc rối! Một nhân viên CIA trước đây là người của FBI, nói với Lansdale rằng những việc như vậy không bao giờ được viết ra trên giấy trắng mực đen cả! Ông này cũng sẵn sàng giúp một tay để đánh bật Fidel Castro, chừng nào mà không ai có thể bắt được quả tang ông ta làm việc đó.
Nhưng dù cho không có chuyện rắc rối nói trên, Lansdale cũng không thích hợp với công tác ở Cuba. Ông là một chuyên gia thành lập chính phủ chứ không phải chuyên gia lật đổ chính phủ. Ông cũng cố gắng tham gia quá trình hoạt động, gọi là “đánh đấm đùng đoàng” ở Cuba, nhưng đối với những nhân viên bán quân sự của CIA cùng hoạt động thì ông còn hiểu biết quá ít về các hoạt động phá hoại và đổ bộ bờ biển. Hơn nữa, ông lại không được tự do hành động mà phải chịu sự kiểm soát quá chặt chẽ của một cơ cấu kiểm tra do Tướng Maxwell Taylor đứng đầu, mà Lansdale thì lại không phải là người ngưỡng mộ Taylor. Lansdale đã đề ra một kế hoạch gồm sáu giai đoạn để lật đổ Castro, nhưng Taylor chỉ cho phép thực hiện có mỗi một giai đoạn thứ nhất, chủ yếu là thu thập tin tức tình báo. Những hoạt động phá hoại và do thám không thuộc quyền điều khiển của Lansdale thì tiến hành chẳng ra sao cả. Những người phê phán ông cho rằng những ý kiến thường rất dồi dào phong phú của ông toàn là chuyện điên rồ.
Sự có mặt của ông trong hoạt động chống Cuba không ảnh hưởng gì đến thành công hay thất bại của kế hoạch này cả. Sự thật là Castro không bị lật đổ bằng bất cứ hình thức xâm lăng quân sự nào, hoặc bằng ám sát. Khi một cuộc xâm lăng quân sự đã không thành vấn đề thì người ta tính đến thủ đoạn ám sát, coi đó là thủ đoạn có nhiều khả năng thành công nhất, nhưng không ai nghĩ rằng Lansdale là người có khả năng tiến hành một vụ mưu sát. Khi cuộc khủng hoảng tên lửa nổ ra vào tháng Mười 1962 thì Tổng thống Kennedy và em ông, cả hai đều sốt ruột thấy hoạt động chống Castro của Lansdale chẳng có tiến bộ gì, đã quyết định chấm dứt mọi hoạt động của ông ở đó, nhằm tránh cho tình hình thêm căng thẳng, sợ có thể đưa đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa chấm dứt, Lansdale được thay thế bởi Desmond Fitzgerald, người đứng đầu phân ban Viễn Đông của CIA. Công tác của Fitzgerald được giao cho người phó của ông, William Colby. Cái ngày Kennedy bị giết ở Dallas, Fitzgerald đang ở tại một khách sạn ở Paris động viên một nhân viên CIA người Cuba tìm cách giết Castro, sau khi CIA đã thất bại trong mưu toan lôi kéo cả Mafia vào cuộc. Tổng thống mới Lyndon Johnson tin rằng âm mưu chống Castro có dính dáng cách nào đó với việc ám sát Kennedy nên đã ra lịnh bãi bỏ chương trình này.
Sau khi thất bại với những hoạt động chống Cuba, Lansdale ngồi chơi xơi nước. Ông cố tạo cho mình vai trò một chuyên gia về Nam Mỹ, nhưng Bộ ngoại giao rất sợ cái xu hướng tự tung tự tác của Lansdale nên tìm cách hạn chế ảnh hưởng của ông trong việc đề ra chính sách đối với Mỹ La tinh. Ông cũng không làm được gì trong cương vị trợ lý cho Bộ trưởng quốc phòng. Ông đã gặp bế tắc trong sự nghiệp. Lầu Năm Góc lại bần tiện ra lệnh cho ông về hưu ngay tức khắc trong lúc ông đang rời Washington đi công vụ ở Bolivia. Lệnh này đã được hoãn lại năm tháng, khi ông trở về, và người ta đã tìm cách an ủi bằng cách phong ông chức Trung tướng, nhưng Lansdale rất chán nản. Ông ta đang dọn dẹp cài bàn làm việc của mình tại Lầu Năm Góc ngày 1 tháng Mười Một, 1963, thì một người bạn ở hãng tin Associated Press gọi điện báo cho ông biết tin cuộc đảo chính ở Sài Gòn. Một nhân viên quân sự nào khác chắc là đã nhẫn nhục tiếp nhận tin này và đành rút lui mà vui thú điền viên, để cho vấn đề Việt Nam lùi vào quá khứ. Nhưng cuộc đảo chính Diệm đã làm cho Lansdale, lúc đó đã năm mươi lăm tuổi, càng quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc tìm cách ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Ông đến Toà nhà Hành pháp làm việc với tư cách một tham vấn cho Chương trình Lương thực vì Hoà bình. Đây là một công việc tình nguyện, một chức vụ làm không ăn lương, phục vụ mà thôi, nhưng với Lansdale thì việc này có một cái lợi trực tiếp là đưa ông tới kề cận với ban lãnh đạo quốc gia. Một khuôn mặt đang lên ở Washington là thượng nghị sĩ bang Minnesota, tên là Hubert Humphrey, động lực thúc đẩy của chương trình Lương thực vì Hoà bình, người cha đỡ đầu mong cho chương trình này được thành công. Humphrey là người đứng đầu của phe đa số trong Thượng viện và là bạn của Lyndon Johnson, một người kịch liệt chống cộng và chia xẻ niềm tin của Lansdale cho rằng mọi vấn đề quốc tế cần được giải quyết bằng phương tiện chính trị. Người ta nói rằng chính là Humphrey đã gợi ý cho Kennedy tổ chức ra Đội hoà bình. Trong bất cứ trường hợp nào thì cặp Humphrey và Lansdale, một nhà chính trị và một nhà tình báo chính trị cũng hợp nhau một cách tự nhiên; và Rufe Phillips liên hệ với William Connell, đứng đầu ban tham mưu của Humphrey, tổ chức một cuộc gặp gỡ. Connell chịu ảnh hưởng của Rufe Phillips và mau chóng tán thành triết lý hành động của Lansdale.
“Rõ ràng là Lansdale muốn lái cuộc chiến tranh vào một vai trò chính trị lớn hơn và rõ ràng là cố gắng này bị ngăn chặn bởi Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc”, William Connell nói. “Vì vậy, ông quyết định cố gắng một lần cuối cùng, đi thẳng tới Johnson, thông qua Humphrey”.
Hubert Humphrey trở thành người ủng hộ chủ yếu của Lansdale ở Washington và mở đường cho ý kiến của Lansdale đi thẳng tới Johnson. Humphrey đã viết lại trong hồi ký của ông “Quá trình này rất tế nhị, bởi vì trên thực tế, tôi đang thách thức Maxwell Taylor, con người mà cả Johnson lẫn tôi đều kính trọng, sự kính trọng này một phần do sự mật thiết của Taylor với Tổng thống Kennedy”. Nhưng Humphrey tin tưởng ở Lansdale. Ông nói: “Trực giác cho biết là Lansdale đúng - ít ra là đúng hơn Taylor - nhưng kiến thức quân sự của tôi lại hạn chế. Johnson nghe tôi nói nhưng có thể thông cảm là ông không coi tôi như một chuyên gia trong lĩnh vực đó, mặc dầu đã được Lansdale bồi bổ cho ý kiến, những ý kiến của Lansdale xứng đáng được xếp ngang hàng với của Taylor, Bundy, Rusk và McNamara”.
Tổng thống Johnson không hiểu nhiều về các vấn đề đối ngoại, lãnh vực chuyên môn của ông là các vấn đề trong nước, cho nên thường dựa vào ý kiến của những người trong chính quyền Kennedy còn ở lại. Ông cho luân lưu bản ghi nhớ của Humphrey viết về Lansdale trong những người cố vấn đó. Ngày 25 tháng Sáu, 1964, Trung tướng Chester V. Clifton, Jr. phụ tá quân sự của Johnson (và trước đây là của Kennedy) và là một người ủng hộ Taylor, đã tìm cách gạt bỏ đề nghị của Humphrey cử Lansdale và Phillips sang Sài Gòn. Ông viết trong bản ghi nhớ gửi Johnson “… mặc dầu đó là những người giỏi thật nhưng họ nổi tiếng là hay đơn độc như chó sói hơn là những người biết làm việc với một đội ngũ đồng tâm hiệp lực. Tôi không yêu cầu ngài đưa Lansdale - Phillips vào hành động ngay lúc này”.
Humphrey lúc này sắp đứng liên danh với Johnson ra tranh cử cũng không nhấn mạnh tới sự bổ nhiệm Lansdale nữa, nhưng tiếp tục nói công khai rằng ông tán thành những ý kiến của Lansdale. Tháng Chín, 1964, ông viết: “Chúng ta không có ý định tiến hành chiến tranh thay cho người Việt Nam. Cuộc đấu tranh hiện nay là giữa người Việt Nam theo những mềm tin chính trị khác nhau. Không có một giải pháp bền vững nào có thể được áp đặt bằng quân đội nước ngoài. Chúng ta cần nhớ rằng cuộc đấu tranh ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh có tính chất chính trị và xã hội cũng nhiều như tính chất quân sự. Điều cần có hiện nay ở Việt Nam là một chính phủ mà nhân dân có thể tin cậy được”.
Johnson không để ý mấy tới việc Humphrey cứ giương cao lá cờ của Lansdale, nhưng rõ ràng là ông có phần băn khoăn cắn rứt vì đã nghe lời Tướng Clifton và những người còn lại của chính quyền Kennedy mà không quan tâm đúng mức tới chiến lược chính trị do Lansdale đề xướng. Sự cắn rứt này cũng bắt nguồn từ thành tích quá nghèo nàn của bản thân con người hùng Maxwell Taylor. Tháng Sáu, 1964, khi Henry Cabot Lodge quyết định trở về Hoa Kỳ tham gia cuộc tranh cử, Johnson đã cử Taylor sang làm đại sứ tại Sài Gòn. Đây là cơ hội cho con người trong nhiều năm qua đã đưa ra bao ý kiến rõ rệt về Việt Nam chứng minh xem ông có thể làm được gì. Thay vì vào ra Sài Gòn như ông đã làm nhiều lần trong mấy năm qua, bây giờ Taylor có cơ hội ngồi tại chỗ, sống ở đấy, hít thở không khí ở đấy, hàng ngày làm việc với người Việt Nam.
Phải thừa nhận rằng Taylor đến Việt Nam vào một thời kỳ tồi tệ nhất trong chiến tranh. Cuộc đảo chính Diệm thay vì giải quyết được vấn đề lại đưa tới sự hỗn loạn chính trị. Một trong những việc làm cuối cùng trước khi rời Sài Gòn trên cương vị là Chi cục trưởng của CIA, William Colby đã vạch ra một danh sách những người có thể thay thế Diệm trong trường hợp có điều chỉ xảy đến cho ông ta. Đứng đầu trong bản danh sách của Colby là một viên tướng tên là Nguyễn Khánh. Và trong một thời gian sau khi Khánh, ngày 30 tháng giêng, lật đổ những viên tướng đã lật đổ Diệm ba tháng về trước, Washington tưởng mình đã tìm được con người hùng có thể theo đuổi chiến tranh. McNamara, con người bình thường không hay nồng nhiệt bề ngoài, đã bay qua Sài Gòn và ôm hôn Nguyễn Khánh thắm thiết như là bạn thân lâu ngày, tỏ cho mọi người thấy rằng Khánh là một người của Mỹ. Nhưng sự đánh giá của Colby về Nguyễn Khánh đã sớm tỏ ra thiển cận một cách đáng buồn.
Colby nói rằng “Tôi có phần nào muốn bảo vệ, có phần nào muốn rộng lượng với Khánh. Nhưng điều làm cho Khánh nay dời mai đổi trong chính sách từ khi lên cầm quyền là vấn đề Phật giáo. Ông ta cho rằng trước đây Mỹ đã bỏ rơi Diệm vì Diệm đã không biết cách giải quyết với Phật giáo. Bây giờ nếu tôi là người lên nắm chính quyền sau đó thì tôi phải thận trọng trong cách đối xử với họ, bởi vì người Mỹ cũng có thể quay lại chống cả tôi. Dĩ nhiên là tới lúc đó thì chúng ta đã chán ngán với Phật giáo rồi thành ra chúng ta lại khó chịu thấy ông ta nương tay với họ quá. Thật lạ kỳ cục, Nguyễn Khánh muốn làm vừa lòng chúng ta mà hoá ra lại làm phiền lòng chúng ta, dẫn tới chỗ đổ vỡ”.
Dù sao thì những cuộc đụng chạm với Phật giáo và các cuộc khủng hoảng lặt vặt khác làm cho Nguyễn Khánh buồn phiền, tâm thần không ổn định. Tính khí ông ta thay đổi thất thường, những lời tuyên bố của ông ta thì cáu kỉnh và không thể lường trước. Bộ tổng tham mưu thì y như cái chợ, tại đó các sĩ quan cấp tá và cấp tướng mới đề bạt chen vai thích cánh tranh giành địa vị lẫn nhau. Và người ta thi nhau đoán xem bao giờ thì có đảo chính nữa.
Taylor làm cho mọi người chú ý trong việc đem lại trật tư và kỷ luật trong phái bộ quân sự Mỹ. Ông xử sự như một ông tướng, đúng với cấp bậc của ông, bảo mọi người phải làm như thế này hay làm như thế kia, không thì đi nơi khác. Nhưng vấn đề đã phát sinh khi ông cũng định bắt người Việt Nam cũng phải làm theo kiểu như vậy, Taylor thường hay đối xử tế nhị với Khánh và các tướng khác nhưng ông ngày càng cáu tiết với những việc làm vớ vẩn vô nghĩa của họ và cuối cùng ông đã thay đổi thái độ từ một sự cố có dính líu tới Lou Conein, làm ông này bị đá ra khỏi Việt Nam. Sau khi làm việc hàng mấy tháng trời để có được sự ổn định chính trị, Taylor và sứ quán Hoa Kỳ bày ra một cái giống như một chính phủ dân sự, gồm có một Hội đồng Dân tộc tối cao, lãnh đạo bởi hai người dân sự được trọng vọng và lớn tuổi nhưng không có quyền lực gì. Khánh và các sĩ quan trẻ đòi Hội đồng phải ký một sắc lệnh cho các tướng lớn tuổi đã tham gia đảo chính Diệm về hưu, và do đó, bằng một việc đã rồi, loại họ ra khỏi cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra giữa những người được gọi là các tướng trẻ bất trị. Khi vị Thủ tướng mới và quốc trưởng từ chối thì các tướng của Khánh nửa đêm kéo tới tuyên bố giai tán Hội đồng. Đại sứ Taylor nổi cáu vì mấy ông tướng này đã làm sụp đổ lâu đài bằng cát ông vừa dựng lên, nên ông đã khuyên cái Hội đồng Dân sự này thách thức các viên tướng và đừng giải tán. Khánh và phe ông ta lại nổi giận.
Taylor gọi mấy ông tướng tới toà đại sứ để chỉnh cho một trận. Khánh không đến mà phái bốn người đến trong số đó có Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, những thế lực đang lên trong các tướng trẻ. Taylor tiếp họ lạnh nhạt.
Taylor hỏi: “Tất cả các ông nghe được tiếng Anh chứ? Trong bữa tiệc của tướng William Westmoreland, tôi đã nói với các ông rõ ràng rằng người Mỹ chúng tôi đã mệt mỏi với những cuộc đáo chính lắm rồi. Rõ ràng là tôi đã phí lời. Có thể vì tiếng Pháp của tôi không rành bởi vì hiển nhiên là mấy ông không hiểu gì cả. Tôi phải nói rõ là tất cả các kế hoạch quân sự mà tôi biết các ông đang tiến hành sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có một chính phủ ồn định. Bây giờ thì các ông gây ra một tình trạng hỗn độn thật sự. Chúng tôi không thể cưu mang các ông mãi mãi nếu các ông cứ làm những việc như vậy”.
Trong cuộc thảo luận, một sĩ quan Việt Nam là Cang, tư lệnh hải quân, đã phản pháo Taylor: “Ông làm như chúng tôi là những người có lỗi. Những gì chúng tôi làm là đúng và chúng tôi chỉ muốn làm lợi cho đất nước chúng tôi”.
Taylor cố gắng thuyết phục họ ủng hộ chế độ dân sự và khôi phục lại Hội đồng Dân tộc tối cao. Các tướng không chịu. Taylor đứng lên kết thúc phiên họp, nói rằng: “Mấy ông đã đập bể bao nhiêu đĩa rồi, bây giờ chúng tôi phải tính xem sắp xếp lại cái mớ hỗn độn này thế nào đây”.
Khi Khánh nghe được những gì đã xảy ra, ông ta thấy phải ra tay hành động tích cực hơn. Không những vì Taylor đã làm mất mặt các phái viên của ông bằng cách chỉnh cho họ một trận mà Taylor còn dồn ông vào một cái thế rất kẹt, là nếu ông không làm gì để chống lại Taylor, người mà theo lời của Kỳ, đã đối xử với họ như một đám thiếu uý vậy, thì hoá ra ông là một lãnh tụ bất lực quá.
Vài hôm sau cuộc gặp mặt đó, Khánh đang ở trên Đà Lạt đã gọi điện thoại cho Conein và nói muốn gặp. Sau khi được sự đồng ý của người Chi cục trưởng, Conein lấy một chiếc máy bay Air America đi Đà Lạt để nói chuyện với ông tướng này. Khánh tỏ ra cáu gắt và rất giận Taylor. Conein ghi chú những lời phê bình của Khánh và hỏi Khánh có muốn ông phản ánh những lời chỉ trích này với đại sứ không. Khánh nói có, Conein bay về Sài Gòn tới nhà của Đại sứ, ông thấy đại sứ đang đánh quần vợt với Phó Đại sứ Alexis Johnson. Conein đọc lại hết những lời ghi chú cho hai người nghe. Taylor nhìn Conein một cách nghiêm khắc mà hỏi “Ông chắc chắn là hiểu tiếng Pháp đấy chứ?” Taylor quyết định đi ngay lên Đà Lạt để gặp Khánh nhưng sân bay đã bị sương mù nên ông phải quay trở lại. Nhưng mấy hôm sau, khi Taylor nói chuyện với Khánh thì thái độ của Khánh đã thay đổi hoàn toàn. Ông ta vui vẻ hồ hởi và nói mọi việc đều tốt đẹp cả Trong khi đó, người anh em bạn rể của Khánh lại nói với Beverly Deepe của báo New York Herald Tribune rằng Khánh đã nói với Conein rằng Khánh coi Taylor là “người không được hoan nghênh” (persona non grata). Taylor có thể nghĩ rằng Conein đã cung cấp chuyện này cho Deepe. Dù sao đi nữa thì khi chuyện này xảy ra, Taylor đã gọi Conein đến văn phòng của ông và nói, “Đại tá, tôi e rằng ông không còn có ích gì ở đây nữa. Tôi đang đề nghị đưa ông về nước”. Ông cho Conein coi bức thư ông gửi cho Giám đốc CIA. Conein xin ba mươi ngày để thu xếp đưa gia đình về nước, Taylor đồng ý.
Việc Taylor cãi nhau với mấy tướng Sài Gòn đã làm cho ông bị tổn thương ở Nhà Trắng. Ông không còn là con người phê phán đáng sợ trong con mắt của Johnson và ban tham mưu của ông ta nữa. Một tuần sau, ngày 30 tháng Chạp, sau khi đọc bài trên báo New York Herald Tribune, Johnson đã gửi một bức điện riêng cho Taylor bày tỏ mối quan ngại của ông về tình trạng không có tiến bộ “trong mối quan hệ tế nhị và thuyết phục với các nhóm khác nhau ở Nam Việt Nam… Tôi muốn nói riêng tới việc chúng ta cần sử dụng loại người Mỹ đã chứng tỏ sở trường của họ trong quan hệ với người Việt Nam trong quá khứ… cho dù họ là những người khó làm việc chung với những người khác trong đội ngũ. Nói cách khác, tôi vẫn tin tưởng rằng chúng ta cần có những người Mỹ nhạy cảm nhất, kiên nhẫn nhất, ân cần nhất mà chúng ta có thể có được đề giao dịch với người Việt Nam thuộc bất cứ loại nào:."..
Lansdale! Johnson đang nói với ông Taylor hiu hiu tự đắc rằng Lansdale và những người môn đệ của ông ta có thể làm việc tốt hơn với người Việt Nam. Đó là một cái tát vào mặt, Taylor cũng cảm thấy như vậy. Theo tướng Westmoreland, Taylor “đau nhói” trước sự phê phán của Johnson. Và mặc dầu ông ta không bao giờ thẳng thắn thừa nhận, nhưng ông bắt đầu thấy rằng Lansdale đúng và ông sai trong một số việc, đặc biệt là trong việc liệu có khôn ngoan không trong việc đưa bộ binh Mỹ vào Việt Nam. Theo những người từng biết ông, đó là một sự thay đổi thái độ làm cho ai cũng sửng sốt.
“Đại sứ Taylor phản đối việc đưa quân đánh bộ Mỹ vào Việt Nam”, tướng Westmoreland đã viết trong hồi ký của ông. “Mặc dầu mấy năm trước đây khi còn ở Washington, ông đã yêu cầu đưa các đội công binh Hoa Kỳ vào cứu nạn lụt đồng thời cũng tạo ra một sự có mặt trên bộ của quân Mỹ, nhưng đến đầu năm 1965, ông đã đi đến kết luận rằng một khi Hoa Kỳ đảm nhận bất kỳ vai trò chiến đấu nào trên bộ thì Nam Việt Nam lại cố gắng không làm việc đó nữa. Gửi đơn vị chiến đấu trên bộ đầu tiên của Mỹ sang Việt Nam có nghĩa là đã bước chân vào cửa, dẫn đến một sự cam kết ngày càng rộng lớn hơn. Ông đã thấy những vấn đề mà một người lính “mặt trắng” đã gặp phải khi phải điều chỉnh cho thích hợp với môi trường Đông phương, có thể là sẽ thất bại trong việc điều chỉnh cho thích hợp với cuộc chiến tranh du kích, cũng như người Pháp trước đây đã thất bại vậy”.
Trên thực tế, mặc dầu Westmoreland đã thận trọng kể lại việc này trong hồi ký của mình, với giọng điệu khôn khéo của một sĩ quan và một người thượng lưu, việc Taylor thay lòng đổi dạ này đã gây ra một rạn nứt nào đó giữa hai người. Điều đó càng đáng chú ý vì Westmoreland vốn là một người được Taylor che chở và được bổ nhiệm vào chức vụ hiện nay, cũng giống như tướng Paul Harkins, tư lệnh đầu tiên của MACV, một phần là do sự đề cử của Taylor. Taylor, Harkins và Westmoreland là những con người được đúc từ một khối thép không rỉ mà ra. Lưng thẳng, cằm nhôm và ngực nở mề-đay, trông rất oách trong bộ quân phục. (Nhưng thành tích của bộ ba này khiến cho người ta nghĩ rằng tất cả các viên tướng đều nên trải qua phương pháp trắc nghiệm quần áo của danh tướng thời nội chiến là Ulysses S. Grant: một con người trông càng đẹp mã bao nhiêu trong bộ quân phục thì thường là đánh đấm tồi bấy nhiêu. Phương pháp này sẽ cho thấy Creighton Abrams, lưng còng, trông bèo nhèo như khách đi tàu, và Fred Weyand, cao lớn quê mùa cục mịch là những vị chỉ huy có năng lực nhất đã từng phục vụ ở Việt Nam - mà họ có năng lực thật). Trước khi Taylor tới Việt Nam, thường có mối quan hệ không rõ ràng giữa tư lệnh quân sự và Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Paul Harkins cho rằng mình là người ngang quyền chứ không phải tuỳ thuộc vào ngài Đại sứ. Nhưng trong trường hợp hiện nay, Johnson đã nói rõ, có thể là theo yêu cầu của Taylor, rằng Đại sứ là người chỉ huy mọi việc.
Trong những tháng đầu năm 1965, khi Taylor đang cãi nhau với mấy tướng Nam Việt Nam, tổng thống Johnson muốn nghe ý kiến của Westmoreland. Lúc đó, khuynh hướng đòi can thiệp mạnh hơn đang tăng lên ở Washington. Westmoreland biết rằng Taylor chống lại việc đưa quân Mỹ vào Việt Nam nên ông đã tìm cách đi đường vòng, yêu cầu đưa thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ sân bay Đà Nẵng, như để đổi lại việc gửi quân chiến đấu sang. Về sau Westmoreland nói rằng ông lo cho sự an toàn của sân bay đang được sử dụng để ném bom Bắc Việt Nam và cái việc xin thuỷ quân lục chiến không phải là một mưu mẹo để lót đường cho việc tăng cường quân sự. Theo sự phản ánh của Westmoreland thì Taylor cũng đồng ý với ông. Nhưng Taylor cũng bắt đầu cáu gắt với các tướng cao cấp người Mỹ cũng như ông đã từng cáu gắt với các tướng cao cấp người Nam Việt Nam. Việc thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng, ngày 7 tháng Ba, 1965, một lần nữa, lại chọc cho ông bực tức. Westmoreland đã kể lại chuyện đó như sau.
“Trường hợp thuỷ quân lục chiến đổ bộ lên Đà Nẵng đã gây ra cuộc tranh cãi giữa tôi với Đái sứ Taylor. Tin của Bộ Tổng tham mưu cho biết ngày giờ đổ bộ đến chỗ tôi trước khi đến sứ quán và mặc dầu tôi đã thông báo cho sứ quán mà hình như nó cũng không tới ông đại sứ. Ông bực mình và sự bực mình của ông càng tăng lên khi ông thấy thuỷ quân lục chiến đã tới với xe tăng, pháo tự hành và nhiều vũ khí nặng khác mà ông không ngờ. Đại sứ Taylor đã hỏi tôi thẳng thừng: “Chắc ông hiểu rằng tôi có quyền hạn đối với ông chứ?”. “Tôi hiểu đầy đủ”, tôi đáp, “và tôi hoàn toàn tán thành điều đó, thưa Đại sứ”. Câu chuyện thế là chấm dút”.
Nhận thực tế, nó không chấm dứt. Westmoreland và Taylor lại bất đồng với nhau, mặc dù vẫn bình tĩnh, về vấn đề quan trọng nhất trong chiến lược quân sự: quân đội sẽ được sử dụng như thế nào khi đã được đưa tới xứ này. Taylor, lại đồng ý với triết lý hành động của Lansdale, không muốn cho quân đội Mỹ chạy vòng quanh để tàn phá nông thôn, tạo thêm nhiều Việt Cộng mới nữa. Ông chịu ảnh hưởng của người phó của ông, ông Alexis Johnson, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông này tỏ ra nhạy cảm hơn hầu hết các quan chức Mỹ khác trong việc phân tán quân đội chính quy của Mỹ. Taylor muốn để quân Mỹ ở một số nơi - gọi là chốt - nơi đông dân cư vùng biển Nam Việt Nam, dựa lưng vào biển, han chế những cuộc tấn công của chúng vào thành phố và làng mạc. Những lời đề nghị của Taylor được giữ bí mật ở Nhà Trắng nhưng không đầy một năm sau một đại tướng khác, cũng từng được không vận hồi Thế Chiến II, tướng James Gavin, đã công khai đưa ra một đề nghị tương tự về chiến lược đóng chốt. Những người ủng hộ ông cho rằng chiến lược đóng chốt sẽ cho Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam cơ hội đem lại an ninh lâu dài cho một số vùng, tạo điều kiện cho việc bình định bằng những biện pháp cải thiện đời sống kinh tế cho nông dân, cũng như việc phá huỷ bộ máy chính trị / hành chính của cộng sản bằng những chương trình hoạt động cảnh sát chọn lọc như chương trình Phượng Hoàng.
Westmoreland kịch liệt chống lại chiến lược đóng chốt. Ảnh hưởng của ông với tư cách là một tư lệnh chiến trường đã tăng lên thời Tồng thống Johnson và ông có thể đánh bại mọi đề nghị của Taylor và Gavin. Westmoreland nói “Tôi không tán thành chiến lược đóng chốt. Một cuộc nghiên cứu của ban tham mưu của tôi đã chỉ rõ rằng đó “là việc sử dụng một cách tĩnh tại và không vinh quang các lực lượng của Mỹ ở những vùng đông dân mà có ít cơ may tác động trực tiếp và tức khắc đến diễn biến của tình hình”. Westmoreland khuyên nên áp dụng một chiến lược mà ông cho là vinh quang hơn, dựa trên sứ mạng truyền thống của lục quân là tìm và diệt quân địch, thỉnh thoảng được gọi ở Việt Nam là chiến lược “tiêu hao” (sinh lực đối phương) hay chiến lược “xay thịt” - theo lý thuyết cho rằng tiêu hao quân địch tới mức nào đó thì chúng sẽ bỏ cuộc.
Cái nhóm nhỏ những nhà hoạt động tình báo chính trị như Lansdale, John Paul Vann và William Colby nhận thấy ngay từ đầu rằng quyết định của Westmoreland tập trung quân lại mà tấn công tìm diệt Việt Cộng có nghĩa là công việc bình định sẽ thất bại bởi vì không còn có an ninh ở nông thôn nữa. Làm sao người nông dân có thể ủng hộ chính phủ Sài Gòn khi họ đứng trước viễn cảnh là quân Mỹ kéo đến, bắn phá đốt làng mạc của họ, rồi mấy hôm sau lại rút đi để cho Việt Cộng trở lại một lần nữa? Chừng nào mà người xã trưởng Việt Cộng còn lẩn tránh quân Mỹ và tồn tại thì ông ta còn mộ được du kích để bổ sung cho số đã bị quân Mỹ giết.
Mặc dầu Taylor đã tiến gần tới lập trường của Lansdale, ông không hề có ý định ôm hôn con người truyền bá các hoạt động chính trị Sau khi nhận được bức điện nhức nhối của Tổng thống Johnson tiếp theo việc cãi nhau của ông với mấy ông tướng Việt Nam, Taylor đã gửi một bức điện phúc đáp với một giọng văn lịch sự mà chua chát nói rằng ông không cần bất cứ sự giúp đỡ nào trong công việc giao dịch với người Việt Nam cả.
Tuy nhiên, với sự thiếu tế nhị về chính trị mà cả thế giới đều biết, và với sự bất đồng riêng của ông với Westmoreland mà ở Nhà Trắng ai cung biết hiển nhiên là Taylor đã đến lúc hết thời. Johnson đã quyết định tống ông khỏi Việt Nam. Người ta không giải thích rõ ràng việc ông ra đi nhưng nhiệm vụ mới của ông được mô tả như là đầy quyền lực, cố vấn quân sự của Nhà Trắng, nhưng thực ra mọi ảnh hưởng của ông đã tan thành mây khói và Taylor không còn đóng vai trò nào chủ yếu trong suốt cuộc chiến tranh. Cuộc rút lui lặng lẽ của ông khỏi Sài Gòn, tháng Bảy 1965, mở màn cho cuộc trở lại một lần nữa của Henry Cabot Lodge.