Tôi tổ chức lễ mừng sinh nhật vào mùa Xuân 1954, mọi người đều được dịp vui chơi thoải mái. Một trong những người đàn ông đến dự có máy bay riêng, nói, “Elyette, tôi có một điều bất ngờ cho cô”. Vì thiếu phương tiện quân sự nên người ta đã thuê máy bay dân sự đi tiếp tế cho quân Pháp đang bị Việt Minh bao vây ở Điện Biên Phủ và ông bạn phi công của tôi định bay một chuyến trong đêm nay. Ông mời chúng tôi cùng bay. Cha mẹ tôi rất nghiêm. Hễ tôi muốn đi đâu thì phải xin phép mà bây giờ không thể nói chuyện điện thoại với cha mẹ được nên tôi không đi. Ba đứa bạn gái của tôi đi. Máy bay bị bắn rơi. Họ chết hết. Chiến tranh đang tới gần. Nhiều người Pháp đã về nước. Ngoài nhân viên quân sự chỉ có những quan chức có liên quan đến chính phủ, thầy giáo và vài bác sĩ được để lại Hà Nội. Chế độ kiểm duyệt được ban hành nên chúng tôi chỉ biết những gì chính phủ cho biết. Kế có một quan chức từ toà lãnh sự Anh tới nhà tôi vào lúc mười một giờ ngày 7 tháng Năm 1954 và nói, “Cô có nghe tin Điện Biên Phủ không?” Tôi nói, “Có, tôi có nghe, tôi hiểu là mọi việc sẽ khá hơn”. Ông ta nói, “Không, quân Pháp đã đầu hàng. Cô phải rời khỏi nơi đây ngay”. Tôi không tin có chuyện đó. Chúng ta có những chiến sĩ giỏi nhất, anh biết đấy. Chúng ta chỉ không có cái người Mỹ có - trang bị tốt nhất. Và ở Paris người ta có cảm giác là họ không muốn đánh nhau nữa. Có quá nhiều người chết.
Khi Điện Biên Phủ sụp đổ thì Châu đang ở gần nhà của Elyette, theo học một lớp huấn luyện quân sự của Pháp. Ông được đánh giá là một trong những sĩ quan xuất sắc, đang trên đà thăng tiến và chắc còn gặt được nhiều thành công hơn nữa dưới thời Pháp. Nhưng tình hình Điện Biên Phủ đã làm đảo lộn tất cả, và kể từ nay số phận của ông sẽ được định đoạt tại một thành phố xa xăm khác, không phải trên bờ sông Seine mà bên bờ sông Potomac.
Một năm trước khi Điện Biên Phủ sụp đổ, Washington đã quan tâm đến những gì họ có thể làm để cho Đông Dương khỏi rơi vào tay cộng sản. Như Tổng thống Dwight Eisenhower đã nói trong bài diễn văn tại cuộc họp Hội đồng An minh Quốc gia ngày 6 tháng Năm, 1953, trừ phi người Pháp nói rõ cho nhân dân Đông Dương biết rằng Pháp nghiêm túc trong việc trao trả độc lập cho họ và bổ nhiệm một chỉ huy quân sự hiệu quả hơn để đánh Việt Minh, không có gì có thể cứu vãn tình thế được nữa và “sự viện trợ tiếp tục của Mỹ chẳng khác nào đổ tiền vào cái thùng không đáy”. Phó Tổng thống Nixon cũng đồng ý như vậy. Một sự lượng định tình hình của CIA cho biết là tình hình quân sự và chính trị sẽ còn suy đồi hơi trong năm tới. Người ta chỉ lạc quan trong phút chốc khi Pháp cử tướng Henri-Eugène Navarre làm tư lệnh mới của Pháp ở Đông Dương. Washington cử thiếu tướng John (Iron Mike) O’Daniel, tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương phối hợp hành động với Navarre. O’Daniel có mười hai người trợ lý tháp tùng tới Đông Dương, trong đó có Lansdale, trích một phần thời gian đang phục vụ của mình ở Philippines. Nhiệm vụ của O Daniel được biết là thúc đẩy quân đội Pháp hoạt động xông xáo hơn, nhấn mạnh hơn tới chiến tranh du kích và sử dụng những sĩ quan bản xứ như Châu trong những đơn vị có nhiều người Việt Nau hơn. Tướng Navarre biết trước người Mỹ định thúc ép ông làm gì nên ông đã chuẩn bị một bản tuyên bố viết sẵn, được coi là kế hoạch Navarre, trong đó có tất cả những điều mà Mỹ định yêu cầu. Trong báo cáo của ông gửi về Washington, tướng O’Daniel đã nói nước đôi về khả năng thắng lợi của Pháp, nhưng cũng cố gắng đề cao mặt tốt của họ lên. Lansdale thì bi quan ra mặt, “Tôi không hiểu làm sao mà Navarre có thể thắng được trừ phi ông ta có những thay đổi tận gốc, làm cho những người Việt quốc gia nhập cuộc sâu hơn nữa”.
Vào lúc có một cuộc họp quan trọng về an ninh quốc gia ngày 8 tháng giêng, 1954, thì Điện Biên Phủ bị bao vây, và Washington, sau mười năm có lẩn tránh vấn đề này càng lâu càng tốt, đã bắt buộc phải có một quyết định. Dwight Eisenhower chống lại việc gửi quân Mỹ sang giúp cho Pháp. Theo biên bản cuộc họp, Eisenhower nói, “Việc đưa quân đội Mỹ sang đánh thay cho Pháp là một điều vô nghĩa. Chúng ta làm như vậy thì người Việt Nam sẽ căm thù chúng ta như trước đây họ đã căm thù người Pháp. Tôi cương quyết chống lại cách hành động như vậy, Tổng thống nói sôi nổi. Cuộc chiến tranh Đông Dương này sẽ ngốn của chúng ta hàng sư đoàn!”
Trong các cố vấn của Tổng thống, có hai người chủ trương dùng biện pháp mạnh, đó là Bộ trưởng ngoại giao John Forter Dulles và Tổng tham mưu trưởng Đô đốc Arthur Radford. Việc vạch kế hoạch đề phòng những trường hợp đột biến đã kéo dài cho tới còn mấy tuần nữa thì Điện Biên phủ sụp đổ. Đô đốc Radford có vẻ lúng túng trong vấn đề này, lúc thì ông tỏ ra lạc quan nói với Quốc hội rằng rồi đâu sẽ vào đấy, lúc thì thấy như tận thế đến nơi, đòi phải đem bom nguyên tử chiến thuật ra mà quét sạch Việt Minh đang bao vây Điện Biên Phủ. Eisenhower thường được miêu tả là theo đuôi ngoại trưởng của ông trong lĩnh vực đối ngoại nhưng trong vấn đề này không có bằng chứng cho thấy là ông theo Dulles hay Radford.
Tình hình càng xấu đi thì Eisenhower có chuyển biến đôi chút, ông kêu gọi “phối hợp hành động” giữa các lực lượng đồng minh và tính đến khả năng hỗ trợ không quân cho quân đội Pháp nhưng ông không thay đổi ý kiến trong việc đơn phương sử dụng quân lực Hoa Kỳ. Về vấn đề này, Tồng thống được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tham mưu trưởng lục quân James Ridgway, ông này có kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á. Kế hoạch của chính phủ trong việc giúp đỡ Pháp là gửi cho họ phi công, máy bay, dưới sự che đậy của CIA, một chiến thuật ít mạo hiểm do chính Eisenhower đề ra.
Đồng thời, Washington bắt đầu nhìn tới thời kỳ sau khi Pháp rút đi. Điện Biên Phủ tượng trưng cho sự thất bại của Pháp nhưng còn có một nguyên nhân sâu xa hơn đó là sự mệt mỏi chiến tranh ở Pháp. Người Pháp đã nói tới chuyện thương lượng để rút ra khỏi vũng lầy từ lâu trước khi mất Điện Biên Phủ, trong sự lo ngại của Mỹ muốn cho Pháp trụ lại. Chính là Pháp, bị Mỹ phản đối, đã nằng nặc đòi đưa vấn đề Đông Dương vào chương trình nghị sự của hội nghị 5 nước mạnh nhất tại Genève, bắt đầu họp vào tháng Tư năm 1954, trước đây dự định để bàn về vấn đề Triều Tiên. Vào khoảng thời gian đó một uỷ ban đặc biệt về Đông Dương đã được Eisenhower thành lập để tìm kiếm những giải pháp có thể có. Đầu tháng Hai 1954, ba tháng trước khi Điện Biên Phủ sụp đổ, Thứ trường ngoại giao Hoa Kỳ Walter Bedell Smith đã nói với Uỷ ban ngoại giao thượng nghị viện những dự tính của ngành hành pháp. Bedell Smith nói rằng nếu Pháp bắt buộc rút lui thì giải pháp có thề áp dụng đầu tiên là “dựng tường để ngăn chặn một miền, và giúp đỡ những phần tử bản xứ muốn được giúp đỡ ở một miền khác”. Mấy tháng sau, Việt Nam đã bị chia thành hai miền Bắc, Nam, tại vĩ tuyến 17.
Washington cũng bắt đầu đồng ý với nhau về vấn đề vì sao người Pháp đã thất bại và vì sao người Mỹ có thể làm tốt hơn. Washington cho rằng sở dĩ thất bại là vì Pháp là thực dân. Họ không sử đụng những phần tử quốc gia trong nhân dân Việt Nam (những người như Châu chẳng hạn), những người có thể đem lại cho đất nước họ một giải pháp không cộng sản. Người Pháp nói rằng họ khuyến khích thành lập một quân đội quốc gia gồm toàn những người Việt Nam, nhưng họ nói vậy mà chẳng làm bao nhiêu để thực hiện điều đó. Chỉ có chừng mấy ngàn sĩ quan như Châu trong toàn bộ quân đội Liên hiệp Pháp, và không có ai có vai trò quan trọng cả. Tại cuộc họp ngày 8 tháng giêng, 1954, bàn về an ninh quốc gia, Phó Tổng thống Richard Nixon nói cho người Pháp biết rằng “nếu người Việt Nam đủ mạnh để tự bảo vệ đất nước của họ thì họ sẽ rút khỏi khối Liên hiệp Pháp”. Sự phân tích của Richard Nixon như đã được chứng minh bằng sự từ chối của Pháp không cho người Mỹ dính líu bằng cách làm cố vấn cho người Việt Nam. Có người nghĩ rằng Pháp sợ Mỹ sẽ khuyến khích một phong trào đòi độc lập. Phái đoàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ, do Tổng thống Truman phái sang Việt Nam năm 1950, chỉ làm việc thông qua người Pháp và chỉ lo chủ yếu vào việc tiếp tế quân cụ. Người Pháp cần tiền và đồ tiếp tế chứ không cần cố vấn. Tình hình ngày càng xấu người Pháp càng cần viện trợ hơn nên họ bắt buộc phải mềm mỏng. Đầu năm 1954, tướng Navarre đồng ý cho Mỹ để năm sĩ quan liên lạc bên cạnh bộ chỉ huy quân sự của ông. Giám đốc CIA Allen Dulles yêu cầu đưa Lansdale từ Philippines sang Sài Gòn.
***
Lansdale và Lawrence ở Arabia có nhiều nét giống nhau. Cả hai đều là những nhà hoạt động không muốn bị câu thúc, bị cấp trên coi là hoạt động không đúng đường lối, nhưng được chấp nhận vì đã có quan hệ hợp tác có hiệu quả với người địa phương. Hình ảnh của họ trước công chúng cũng được truyền tụng với ít nhiều huyền ảo. Tiếng tăm của người Anh Lawrence và người Mỹ Lansdale được đề cao bởi những người không phải trong nước của họ. Chính nhà văn Mỹ Lowell Thomas là người đầu tiên nêu bật chiến công của Lawrence, với tư cách là cố vấn cho quân du kích Arập trên sa mạc chiến đấu chống đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Lowell Thomas mô tả Lawrence là một người hết sức giản dị, thật thà đến vụng về, chỉ có một tâm niệm là chiến đấu cho tự do. Nhưng theo sự uốn nắn của nhiều nhà văn khác thì Lawrence là một con người phức tạp hơn nhiều và ông đã lôi kéo người Arập theo ảnh hưởng của Anh ở Trung Đông một cách có hại cho Pháp.
Còn Lansdale, đã có ba cuốn sách dùng ông làm người mẫu, và cả ba đều hư cấu (Cuốn sách của Lowell Thomas viết về Lawrence là viết về người thật việc thật). Cuốn sách làm cho ông nổi tiếng nhất là cuốn Người Mỹ trầm lặng do nhà văn Anh Graham Greene viết. Trong cuốn sách này, viết như lời kể của một nhà báo yếm thế người Anh, với chủ đề những ý định tốt có thể dẫn đến những hậu quả chết người, được minh hoạ bằng hình ảnh một người Mỹ tới Sài Gòn trong cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, cố tạo ra một lực lượng thứ ba đấu tranh cho dân chủ để thay thế cho thực dân Pháp và Cộng sản Việt Nam. Người Mỹ này có tên là Pyle, cũng giống như Lawrence ở Arabia đo Lowell Thomas mô tả, nghĩa là một người cực kỳ giản dị và thật thà đến vụng về. Có sự khác biệt là Lawrence của Thomas Lowell là sức mạnh đấu tranh cho cái thiện, còn nhân vật giống Lansdale trong tiểu thuyết của Greene lại là một người có ý định tốt nhưng lại vô tình đấu tranh cho cái ác - hoặc là tượng trưng, theo Greene, cho cái tánh ngây thơ của người Mỹ cứ thò mũi vào những việc không phải của mình, và cũng không biết mình phải làm gì nữa. Đứng về mặt nghệ thuật mà nói thì tác phẩm của Greene chưa ai vượt qua nổi trong việc nắm bắt không khí của Sài Gòn. Đứng trên một quan điểm chính trị nào đó, người ta có thể nói rằng chủ đề này cũng chẳng có gì nổi bật. Và tính cách của nhân vật hư cấu đã mô tả bóng dáng của Lansdale. Nhưng Lansdale đâu có phải là Pyle, mặc dầu một số đông độc giả có uy thế của Greene đã nghĩ như vậy, đó chỉ là một sự ngộ nhân mà một số nhà báo quay ra chống chiến tranh đã gieo rắc mà thôi. Daniel Ellsberg, ngay sau khi trở thành một người chống chiến tranh, vẫn quý trọng Lansdale, xem như một người cha, đã làm việc với Lansdale với tư cách một sĩ quan phục vụ hải ngoại và đã quan sát Lansdale rất kỹ. Theo Ellsberg, có ba Lansdale trong con người Lansdale:
“Thứ nhất là Lansdale nổi tiếng có một khả năng huyền bí trong giao dịch với người nước ngoài”. Mọi người đều cho rằng ông nói được tiếng của họ, kỳ thực ông không biết tiếng gọi khác ngoài tiếng Anh. Ông làm việc với một thông dịch viên. Tôi đã học được cách ông làm việc với người Việt Nam, ông nghe họ nói thay vì giảng bài cho họ hay nói với họ theo kiểu bề trên như những người Mỹ khác thường làm. Ông đối xử với họ một cách tôn trọng như họ là những người đáng cho ông chú ý - không quá sùng kính mà chỉ coi nhau như bình đẳng. Đó là chín mươi phần trăm trong quan hệ của ông với người khác. Và phần lớn những người đó đều tỏ ra biết ơn vì họ đã được ông tiếp nhận như những con người xứng đáng. Lansdale đối xử với họ rất tốt, tốt hơn cả đối xử với người Mỹ.
“Lansdale thứ hai là con người giao dịch với những người Mỹ quan chức như là một thứ người ngốc nào đó - một con người có những ý tưởng điên khùng, ngây thơ và quá đơn sơ”. Ông không ngần ngại tỏ ra là một người có đầu óc bình thường trước những người ông không muốn bộc lộ thân phận của mình, mà những người đó lại chiếm tới chín mươi chín phần trăm người Mỹ trong bộ máy thư lại. Đối với các nhà báo, ngoại trừ một đôi người rất thân như Robert Chaplen của tờ The New Yorker, ông rất dè dặt và cẩn thận trong lời nói. Để cho họ đi nơi khác, ông chỉ nói những khái niệm cơ bản về dân chủ và những vấn đề về truyền thống Việt Nam mà thôi.
“Còn con người Lansđale thứ ba thì ta chỉ được gặp khi ta cùng làm việc gần gũi hoặc cùng một nhóm. Sau khi nói chuyện với ký giả theo cái kiểu nhà quê cục mịch hàng ngày của mình, ông quay lại với chúng tôi, và ông thay đổi hẳn. Ông trình bày một lượng định tình hình sắc sảo và rõ ràng, với những chị tiết, nhiều khi tàn nhẫn, cho biết ai đang làm điều gì cho ai”.
Joe Redick, một sĩ quan CIA đã phục vụ với Lansdale trong cả hai nhiệm kỳ của ông, nói rằng còn lâu Lansdale mới ngây thơ. “Lansdale cộng tác với người Việt Nam và một số trong những người đó thực sự khốn nạn, không còn nghi ngờ gì”, Redick nói. “Tham nhũng như quỷ. Nhưng ông nói chuyện với họ như họ là những người đang thực tâm phục vụ đất nước. Đến nỗi khi họ ra về họ cũng cảm thấy như thế thật”.
Đó là con người Ed Lansdale đã tới Sài Gòn ngày 1 tháng Sáu, 1954, một nhân viên tình báo tài ba và giàu kinh nghiệm. Nhiệm vụ của ông là đánh bật người Pháp ra và làm việc trực tiếp với người Việt Nam để chuẩn bị đối phó với Cộng sản. Khi Lansdale bước ra khỏi máy bay, thực tế ông đã là người Mỹ đầu tiên tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai(
).
Lansdale thấy cần có một người Việt Nam để có thể thông qua người đó mà thực hiện sứ mạng của mình. Nhưng thay vì tìm được một Magsaysay thì ông lai vớ phải một Ngô Đình Diệm. Ông không dính líu gì trong việc đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng đề tiếp tục một chuỗi những tên bù nhìn dưới thời của Pháp. Diệm là do Hoàng đế Bảo Đại đề nghị, ông này do Pháp phục vị để làm cảnh, đóng vai quốc trưởng từ chỗ lưu đày của ông ta ở Côte d Azur, bên Pháp, sự lựa chọn này đã được Washington xem lại và duyệt. Việc chọn Diệm phản ánh thực trạng khó khăn trong việc lựa chọn những phần tử không Việt Minh. Những lãnh tụ không Việt Minh khác thì hoặc là có quốc tịch Pháp hoặc là có quá khứ hợp tác với Pháp. Những quan chức trong toà Đại sứ Mỹ ở Paris đã xem xét kỹ con người Ngô Đình Diệm trước khi ông này về Sài Gòn, đã điện cho Washington nói rằng Diệm là một người “thần bí kiểu yoga” và họ chuẩn bị chấp nhận một “triển vọng lố bịch” là Diệm được chọn làm Thủ tướng “chỉ vì những Thủ tướng trước ông quá tồi”. Đó là một lời đánh giá hóc búa nhưng không phải quá sự thật như nhiều người đã nghĩ.
Diệm có chỗ hấp dẫn là ông đã chống cả Pháp lẫn Cộng sản và được biết tiếng trong nước là một người quốc gia. CIA có thề đã thò bàn tay bí mật vào cái vụ bổ nhiệm này thông qua Bảo Đại, bởi vì ông vua này, nếu chưa đem bán vẫn có thể thuê được. Robert Amory, lúc đó là Phó Giám đốc CIA, kể lại hôm ông đến chơi với một nhà báo truyền hình là Martin Agronsky, và tán chuyện với thẩm phán toà án tối cao William O.Douglas, ông này nói với ông, “Ông có biết ai là người sẽ đưa chúng ta đến Việt Nam không. Ông ta đang ở nước này, đó là Ngô Đình Diệm”. Amory ghi lại tên người đó trong sổ tay, Z-I-M, và hôm sau nói lại với các quan chức CIA. Chưa có ai nghe nói tới Diệm cả, nhưng ông ta nghiên cứu kỹ thì thấy đúng là người đang cần.
Chuyện Amory kể có thể là đúng vì thẩm phán Douglas, sau này được biết là con người tự do trong những người theo phái tự do trong Toà án tối cao, đã một mình vận động cho Ngô Đình Diệm. Douglas trong một chuyến đi mạo hiểm sang Việt Nam năm 1953 đã ẩn ở những nơi nào đó trong nước mà có rất ít người Mỹ trông thấy. Ông kinh tởm việc chính quyền Eisenhower ủng hộ thực dân Pháp. Là một người dân chủ theo phái tự do, ông tự mình chọn ra một giải pháp cho Việt Nam. Phần lớn những người Việt ông gặp là những người trung lập, họ tìm sự che chở của Pháp để khỏi bị cộng sản làm hại nhưng lại ghét Pháp và chỉ mơ được độc lập. Bật ra một cái tên: Ngô Đình Diệm, một quan chức Việt Nam đã rời khỏi đất nước năm 1950 khi đã bị Cộng sản tuyên án tử hình và người Pháp không nhận bảo vệ. Diệm là một người sống độc thân, và cuộc sống độc thân coi như là một dâng hiến cho đạo Thiên chúa, đáng cho nhiều linh mục hổ thẹn, đã lánh nạn trong dòng các cha Maryknoll ở New Jersey, theo sự khuyến khích của Wesley Fishel, một nhà hàn lâm và một người bạn, đã chọn Hoa Kỳ là nơi tạm trú của mình. Khi thẩm phán Douglas từ Việt Nam trở về, ông đã mời Diệm đến Washington gặp một số lãnh tụ có thế lực. Douglas thu xếp một bữa tiệc trưa tại toà án tối cao tháng Năm 1953 và một trong các vị khách hôm đó là vị Thượng Nghị sĩ trẻ tuổi tên là John F. Kennedy. Douglas đặc biệt muốn cho Kennedy gặp Diệm bởi vì Thượng Nghị sĩ quan tâm đến các vấn đề ngoại giao, và lúc còn làm hạ nghị sĩ đã có qua thăm Việt Nam, và đã chọc giận người Pháp khi ông nói rằng người Việt Nam đâu có lý do gì để chiến đấu chống cộng sản, trừ phi họ được trao trả tự do. Dù sao thì tên của Diệm cũng đã cắm rễ ở những người đề xuất ý kiến cũng như những người lựa chọn ở Washington.
Sự nổi tiếng ngay từ đầu của Diệm đã phần nào đánh lừa nhiều người. Diệm chống Pháp và chống cộng sản, điều đó rất đúng. Ông ta là con người dòng dõi và đã làm việc trong triều đình. Cha ông đã lập ra trường học ở Huế mà chính Hồ Chí Minh và Diệm đã học. Ông ngang bướng. Ông là một người quốc gia. Nhưng là một người quốc gia ngang bướng chưa có nghĩa là một người lãnh tụ trưởng thành qua cách mạng. Bản chất của ông là người tĩnh tại và trầm ngâm. Không thể tưởng tượng nổi một người chóng chán, khó chiều như Diệm lại có thể xông pha vào rừng, ca những bài yêu nước. Khi ông gặp khó khăn thì ông lại chui vào cái kén của mình. Ông là một người ngoan cố, tin tuyệt đối ở bản thân mình, mặc dầu chưa có hành động gì to lớn có thể động viên được người khác. Ông cho rằng việc mình làm là đúng và không cần phải thuyết phục bất cứ ai.
Ed Lansdale chỉ nghe nói tới Diệm khi ông này được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Hai người khác nhau như vậy, nhưng có một ràng buộc quan trọng: cả hai đều là người ngoài cuộc. Nếu một người muốn thành công, thì phải nhờ tới người kia. Lansdale đã chọc tức các sĩ quan đồng nghiệp của ông ngay trong thời gian ngắn ông tới Sài Gòn trước khi Diệm về nước. Phản ứng với sự tiếp đón mà ông cho là không xứng đáng, thậm chí cũng không cấp cho ông một cái xe riêng, ông đã đến dự một buồi chiêu đãi chính thức của giới quân sự bằng xe xích lô, một phương tiện giao thông của người Việt Nam nghèo, nhảy ra khỏi xe, chào nhanh nhẹn, gây ra tiếng thì thầm khó chịu của đám sĩ quan Mỹ mặc quân phục hồ cứng, họ cho rằng ông đã làm xấu mặt họ trước các sĩ quan Pháp mà họ coi thường. Tuy nhiên, cái chiến thuật này đã đem lại hiệu quả, ông được cấp cho một cái xe. Đó là một chiếc Citroen cũ, deux chevaux (hai ngựa), ghế trước có băng cao su trắng, cái giàn bên dưới đã lệch sang một bên. Ông đã lái chiếc xe đó ra phi trường để đón Ngô Đình Diệm.
“Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng còi hú và tiếng bình bịch của xe mô tô”, Lansdale thuật lại. “Tiếng càng to thì dân chúng càng lấn tới trước để xem cho rõ. Thình lình đoàn mô tô xuất hiện vọt qua. Phóng rất nhanh sau đoàn mô tô là một chiếc li-mu-din lớn màu đen, cắm cờ Việt Nam: cửa đóng kín mít, người ngồi bên trong không ai trông thấy. Vút một cái, thế là chiếc li-mu-din và tuỳ tùng qua mất. Dân chúng ai nấy nhìn nhau chán ngán”.
Chán quá, Lansdale nhảy lên xe chạy về sứ quán tả lại mọi việc cho Đại sứ Donald Heath nghe. “Đáng lẽ Diệm phải đi vào thành phố chầm chậm trên một cái xe mui trần, hoặc cũng có thể là đi bộ, để mà tiếp nhận nhiệt tình mà quần chúng đứng đợi đã dành cho ông ta mới phải”, ông nói. Mặc dầu mới ở Việt Nam có hai mười lăm ngày nhưng Lansdale lại nghĩ rằng có thể Diệm xa nước quá lâu nên mới vậy và có thể cho ông ta một đôi lời khuyên về cách giao dịch với đồng bào ông ta chăng. Ông gợi ý Đại sứ Heath là ông sẽ chuẩn bị một văn bản đề ra cho Diệm nghiên cứu. Heath đồng ý. Lansdale dành hết phần còn lại trong ngày và cả đêm để vạch một kế hoạch hành động cho Diệm. Sáng hôm sau ông đưa cho Đại sứ xem. Xem xong, Đại sứ nói đây là một văn bản mà Hoa Kỳ không thể chính thức trao cho Thủ tướng mới được nhưng Lansdale có thể đưa trực tiếp cho Diệm như là một bản gợi ý có tính cách cá nhân thì được.
Lansdale tìm một người Mỹ biết nói tiếng Pháp làm thông dịch rồi đi thẳng tới dinh Tổng thống. Lính bảo vệ để cho họ vào tự do. Họ vào một văn phòng và xin gặp Diệm. Một người Việt Nam tuổi trung niên đang đọc một văn kiện ngước lên nhìn và nói, “Tôi là Ngô Đình Diệm”. Diệm xem ra không gây được ấn tượng gì ở Lansdale: “Một con người bụ bẫm, mặc áo sác-kin trắng cài chéo, chân chưa chạm hẳn tới đất… tóc đen, chải sát, gương mặt đầy thịt trên xương má, cứ như tại cười hoài mà nó lồi lên vậy”. Lansdale và người thông dịch tự giới thiệu và nói rõ lý do đến. Người thông dịch lại để quên kiếng ở nhà. Diệm cho ông ta mượn kiếng để ông ta có thể dịch to lên cho ông nghe. Diệm nghe, hỏi thêm vài điều. Xong ông cảm ơn Lansdale về những lời khuyên nhủ, gấp tờ giấy lại cho vào túi. Thế là xong cuộc gặp gỡ đầu tiên.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên hứa hẹn sự cộng tác tốt đẹp sau này cho cả hai người. Lansdale quan niệm Diệm phải trở về theo kiểu một chính khách của Mỹ, như ông đã từng khuyến khích Magsaysay làm ở Philippines, nghĩa là phải vẫy tay với quần chúng, rồi dừng xe lại bắt tay họ, và ông quan niệm rằng nếu không làm như vậy thì quần chúng sẽ giận. Nhưng Việt Nam có một hệ thống giá trị xã hội khác xa của Mỹ. Đó là một xã hội đầy lễ nghi đến nỗi thay vì cô, ông, bà thì họ có hàng chục cách khác nhau để gọi tuỳ theo vị trí của từng người trong gia tộc, hay tuỳ theo chức vụ xã hội. Ngay ông Hồ Chí Minh, không muốn người ta đối xử với mình theo chức vụ chính thức và ông cũng không đi trong đám đông, đã được gọi là “Bác Hồ”, một cách xưng hô bày tỏ sự kính yêu chứ không phải như Ike (Eisenhower) hay Jack (Kennedy). Nếu Diệm có làm như một chính khách Mỹ, Lansdale thích kiểu đó hơn, thì quần chúng cũng không biết phải làm gì với ông ta nữa. Diệm có thể nói cho Lansdale biết điều đó nhưng ông không nói, ông chỉ cảm ơn Lansdale về những lời gợi ý mà thôi.
“Tôi nghĩ là Diệm có ấn tượng tốt về thành tích của Lansdale ở Philippines và phần nào thích con người ông ta”, Joe Redick nói. “Nhưng không thể nói họ là đôi bạn thân. Tôi cho là Diệm không hề có một người bạn nào thân. Ông ta không phải loại người có bạn thân. Tuy nhiên, hai người đã làm việc chung với nhau rất tốt”.
Lansdale bắt đầu gặp Diệm gần như mỗi ngày. Ông định làm những gì ông đã làm ở Philippines, nghĩa là dùng chiến tranh tâm lý và chính trị mà đánh lại cộng sản và góp phần củng cố một quyền lực chính trị. Nhưng cái phương trình ở Việt Nam có khác, khác không phải chỉ về mặt văn hoá và lịch sử mà khác còn vì có thêm một nhân tố là Pháp nữa.
Cuộc thương thuyết ở Genève về vấn đề Đông Dương đã bất đầu một hôm sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, và ba tuần trước khi Lansdale tới Sài Gòn, đã diễn biến thuận lợi hơn là Hoa Kỳ và Pháp đã tưởng, mặc dầu Hoa Kỳ và Nam Việt Nam từ chối không ký vào hiệp định cuối cùng. Nếu xét ưu thế tâm lý rất lớn và khả năng tiếp tục chiến tranh của cộng sản thì những đòi hỏi của họ tại hội nghị là tương đối khiêm tốn. Họ đồng ý một cuộc ngừng bắn và chỉ chiếm một nửa đất nước với vấn đề tái thống nhất sẽ được quyết định trong một cuộc tuyển cử hai năm sau đó. John Foster Dulles cho rằng hoặc Bắc Việt Nam bị Trung Hoa và Nga kìm chế, hoặc là họ tin chắc sẽ giành được thắng lợi trong cả nước và họ có thể gặm mỗi lần một chút cũng được.
Dù sao thì tại cuộc hoà đàm này, Pháp cũng tránh được một phần bản án tử hình của họ và chỉ buộc phải rút về miền Nam Việt Nam dưới vĩ tuyến 17, gồm có một phần Trung Bộ, toàn bộ Nam Bộ, với đồng bằng sông Cửu Long, vùng giàu nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là vùng tập trung mọi quyền lợi của Pháp. Nói chung là tình thế của họ cũng không tệ lắm và họ cố gắng để giữ vị trí của họ ở Nam Việt Nam.
Nhưng người Pháp đã không tính đến một nhà hoạt động như Lansdale. Trong những tháng sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất([ii]) kết thúc, các cơ quan tình báo của Pháp với cái nhóm nhỏ những tình báo của Lansdale đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích bí mật để xem ai sẽ là người kiểm soát chính phủ Sài Gòn. Lansdale đã chiến đấu cho cái ông gọi là những quyền lợi chiến lược của Mỹ trong việc Hoa Kỳ giành được ưu tiên ở Việt Nam hầu ngăn chặn đà tiến của cộng sản, một việc mà người Pháp đã thất bại. Sứ mạng của ông chưa hề được vạch ra một cách chính thức và lúc đó phần lớn là dựa vào sáng kiến cá nhân của ông trong tình thế còn hỗn độn, đã được đem ra thảo luận giữa ông bộ trưởng ngoại giao và ông Giám đốc CIA, hoá ra là hai anh em, chứ không được nêu thành chính sách chính thức bởi Nhà trắng hay Quốc hội. Đằng sau những hoạt động của Lansdale, và cũng là lý do vì sao ông ta có thể hoạt động tự do như vậy, là niềm tin của hầu hết các quan chức Mỹ từ thời Franklin Roosevelt trở lại đây cho rằng không thể làm bất cứ điều gì ở Việt Nam nếu người Pháp chưa bị tống cổ đi.
Phải đánh cả ba mặt cùng một lúc - chống cộng sản, chống Pháp, và chống những phần tử đối lập với Diệm - thì Lansdale cần phải có người tiếp sức. Hiệp định Genève đã tạo ra một rắc rối không lường trước là hạn chế số người Mỹ vào Việt Nam tới một mức nào đó. Người ta đã vội vã gọi các sĩ quan tới Sài Gòn để giúp cho Lansdale. Bởi vì một số đã sẵn có mặt ở châu Á và có thể đến ngay nên phần lớn mười hai người được phái đến là từ Triều Tiên, Nhật Bản và Okinawa. Chỉ có hai người được phái từ tổng hành dinh của CIA ở Washington tới và sự khác nhau của hai người này thật không thể nào lớn hơn được nữa.
Joe Redick được chọn vì khả năng ngoại ngữ của ông. Ông đã trở thành người thông dịch cho Lansdale và trợ thủ của ông này trong công tác văn phòng. Joe Redick có bằng tiến sĩ về tiếng Pháp, đã làm người thông dịch tiếng Nhật cho tình báo của hải quân trong Thế chiến II và biết nói cả tiếng Tây Ban Nha. Sau chiến tranh, Redick dạy học, cũng như cha ông trước kia, nhưng ông mau chán với công tác này và lương thấp nên đã xin vào CIA.
“Trong Cục tình báo không có nhiều người biết tiếng Pháp, hay ít ra cũng không có nhiều người chịu sang Việt Nam”, Joe Redick nói. “Khi tôi nói với một người bạn làm ở bộ phận Philippines rằng tôi sắp sang Việt Nam thì anh ta kêu lên, “Chúa ơi!” Tôi hỏi anh ta sao anh lại kêu lên như vậy, anh nói rằng Lansdale được nhận vào Cục tình báo vì ông ta là một người hoạt động đắc lực nhưng đó là trường hợp không bình thường và có phần khó xử lý”.
Redick và Lansdale ăn ý với nhau ngay, mặc dầu hai người khác nhau như hai thái cực. Joe Redick có phong cách của một ông thầy giáo, chính xác và tỉ mỉ, làm cho ông rất thích hợp với công việc bàn giấy mà Lansdale biết là rất cần, nhưng lại rất ghét. Joe Redickk không được ăn ý cho lắm với ông bạn đồng nghiệp sĩ quan tình báo được phái từ Washington tới - Lou Conein - và sau này ông thấy khó mà hiểu nổi mối quan hệ của Conein với Elyette.
“Tôi biết Elyette lắm Redick nói. “Đó là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng và thông minh. Còn Lou? Lou là một thằng du côn”.
Lou Conein đã trở về Washington một năm trước đây, sau sáu năm rưỡi làm sĩ quan tình báo ở Đức. Ông là người của quân đội biệt phái sang Cục tình bảo. “Tôi vẫn là quân nhân”, Conein nói. “Nhưng không ai ra lệnh cho tôi cả. Tôi nghĩ chắc họ cũng quên cả sự tồn tại của tôi nữa. Đó là điều không bình thường. Tôi ở bộ phận Tây Âu của Cục tình báo, chỉ lục lọi giấy tờ. Trong lý lịch cá nhân của tôi có chỗ tiết lộ rằng trước đây tôi có ở Việt Nam mà Cục thì chẳng ai biết Việt Nam là cái gì cả, thế là tôi được gửi sang Việt Nam”.
Lou Conein chưa từng gặp Lansdale. Ông được nghe báo cáo về Lansdale trước khi rời Washington. Khi ông vừa đến Việt Nam thì một sĩ quan đưa ông đi gặp xếp mới. “Lansdale là một đại tá không quân thật là kỳ quặc còn tôi là một thiếu tá nhảy dù lục quân cũng thật là kỳ quặc”, Conein nói. “Lansdale là một người có nhiều ý kiến. Ông nói với tôi về Philippines và những gì ông định làm ở Việt Nam. Rồi ông hỏi tôi nghĩ sao. Ở Lansdale có điều này. Hễ anh có một ý kiến, mà ý kiến đó ông ta đồng ý thì ông ta ủng hộ anh hết mình. Tôi cho rằng ông ta không thích người Pháp vì họ đã đón tiếp ông rất tồi khi ông mới tới Sài Gòn. Người Pháp không thích bất kỳ người Mỹ nào loanh quanh ở đây. Ý kiến của Lansdale là tất cả những người anh em da vàng bé nhỏ ở châu Á sẽ trở thành một đại gia đình hạnh phúc và giúp đỡ lẫn nhau. Vậy thì chỉ có việc là tống cái hệ thống thuộc địa này đi và để cho họ chiến đấu chống cộng sản”.
Rufus Phillips, một viên thiếu uý vừa đúng hai mươi lăm tuổi cũng không hiểu phải làm việc như thế nào với Lansdale và Lou Conein. Được phái sang Triều Tiên, ông thình lình được lịnh đến trình diện với phái bộ cố vấn quân sự ở Sài Gòn. Phillips đã qua trường đào tạo của CIA nhưng đã rời bỏ cơ quan này mà vào lục quân. Có ai đó đã lục trong hồ sơ cá nhân của ông, thấy rằng ông có học qua trường đào tạo của CIA, có học qua tiếng Pháp và đã nghỉ một mùa hè ở Pháp. Rufe Phillips là một người đẹp trai, lóng ngóng, nói giọng Virginia dịu dịu, cao một thước tám, nặng một tạ tám, trông tướng giống như một anh chắn bóng trong đội bóng bầu dục của trường đại học hơn là một sinh viên xuất sắc của đại học đường Yale - thực ra ông là một sinh viên xuất sắc, đồng thời giữ một chân chắn bóng trong đội bóng của trường Yale thật.
Phillips được cấp cho một gian phòng tại khách sạn Majestic, ngồi đó mà chờ những người khác trong nhóm đến mà không hề hay biết điều gì đang xảy ra. Sài Gòn rất lộn xộn, một số người Việt chuẩn bị bay sang Pháp, các nhà buôn và những người đổi tiền thì bám theo bất kỳ người Mỹ nào họ thấy để mua đô-la. Không ai dám cá quá hai mươi phần trăm rằng Nam Việt Nam có thể tập hợp lại thành một nước. Phillips rất thất vọng với lần gặp gỡ đầu tiên với Lansdale, ông này xem ra khó hiểu và không thể nói rõ cho Phillips biết nhiệm vụ của ông là làm gì. Khi ông nghe nói rằng Lou Conein và một số người khác trong nhóm được cử đi Hà Nội, ông nghĩ chuyện này có vẻ hấp dẫn. Tuy nhiên, ông vẫn không hiểu là mình có ích gì cho Lansdale ở Sài Gòn. Một hôm Lansdale nói, “Có một cơ quan chiến tranh tâm lý trong bộ chỉ huy quân lực Nam Việt Nam. Sao ông không đến gặp họ xem coi có thể giúp gì cho họ không”. Khi Phillips trở về, ông nói với Lansdale, “Họ thực sự cần được huấn luyện về chiến tranh tâm lý nhưng tôi thì lại không biết một tí gì về chuyện đó cả”. Lansdale mới moi cuốn sách nổi tiếng của Paul Linerbarger, Chiến tranh tâm lý, đưa cho Phillips, con người sắp trở thành chuyên gia trong nhóm về chiến tranh tâm lý.
Nhóm của Lansdale sống rải rác trong mấy căn nhà và căn hộ khắp thành phố. Tất cả, dù là người của CIA hay không, đều hoạt động dưới danh nghĩa là sĩ quan trực thuộc vào Phái bộ viện trợ quân sự Hoa Kỳ. Joe Redick chẳng hạn trở lại với chức vụ là thiếu uý hải quân của ông trong Thế Chiến II và có đầy đủ giấy tờ chứng nhận. Lansdale quyết định gọi nhóm ông là Phái bộ quân sự Sài Gòn (Sai gon Military Mission) nghe vô thưởng vô phạt hơn là quan trọng. Họ có bộ quân phục riêng của họ, quần sọt ka-ki với bít tất cao, giống như quân phục của Pháp, do một thợ may ở Sài Gòn cắt. Sau khi làm công việc nghi trang của họ ban ngày, họ lại họp nhau ban đêm đề bàn mưu tính kế. Lúc đó rượu cô-nhắc, branđi, và sôđa, nhiều lại rẻ nên đã thành thứ nước uống ưa chuộng của nhóm, nhưng Lansdale thì uống rượu không bao giờ pha. Khi Lou Conein đi Hà Nội, ông đã “giải phóng” được mấy chiếc Citroen màu đen Pháp còn để lại ngoài đó, cái kiểu xe mà Jean Gabin đã dùng trong những c uốn phim cảnh sát và ăn cướp, cho xe xuống tàu chở vào Sài Gòn, và thế là mọi người đều có xe đi.
“Lansdale chỉ đạo tất cả”, Rufe Phillips nói. “Nhưng ông điều hành công việc rất lỏng lẻo. Trước hết, bởi vì ông có quá nhiều việc phải làm, cho nên mọi người phải báo cáo riêng với ông. Ông ta không bao giờ đem cấp bậc ra làm việc. Uy tín của ông ở chỗ là ông biết mình đang làm gì”. Một thành viên khác của nhóm cũng tin rằng ông biết rất rõ việc ông làm. “Lansdale và Conein thường hay cãi nhau dữ dội!” Phillips nói thêm “Tôi nghĩ rằng Lou không thích Diệm. Đơn giản là ông không thích con người đó, vậy thôi. Thế là cãi nhau đủ thứ chuyện. Nhưng anh có thể cãi với Lansdale mà ông ta không hề để bụng”.
Trên bình diện con người thì Lansdale và Lou Conein lại rất thích nhau. Lansdale rất khoái Conein vì ông này có tài chửi rủa rất hay, nói từ tiếng Anh sang tiếng Pháp một cách rất thoải mái. Trong từ vựng của Conein thì những từ như đồ ngu hay đồ khốn nạn([iii]) là những từ còn tương đối bạn bè. Và Lansdale kính trọng những tài năng tình báo của Lou. Nhưng ngay từ lúc đầu đã có sự cách biệt trong triết lý hành động của hai người, dựa vào những kinh nghiệm của họ trong quá khứ. Lansdale tin vào hiệu quả của những hoạt động chính trị để đạt được mục đích. Còn Conein, nguyên là một chiến sĩ biệt kích của OSS, lại thích có những chiến thuật trong đó có sử dụng đến quả đấm mạnh.
“Tôi đồng ý với Lansdale về nguyên tắc”, Conein nói. “Nhưng tôi nói với ông ấy rằng “Chúng ta cần phải làm vài việc gì đó ngoài công tác chính trị của ông thì mới được. Ông muốn tranh thủ con tim và khối óc của nhân dân nhưng trước khi ông làm được việc đó thì phải làm một đôi việc khác đã. Ý của tôi là tổ chức và nuôi dưỡng một phong trào kháng chiến trong các nhóm quân sư và chính trị”.
Lou Conein thuyết phục Lansdale cho lập một phong trào chống đối cộng sản trên miền Bắc. Nghe xong, Lansdale chuẩn y kế hoạch hành động và phái Lou Conein ra Hà Nội cầm đầu một nhóm ba người. Sau một chuyến đi thăm Hà Nội một ngày cùng với vị tướng cầm đầu phái bộ viện trợ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Lansdale đã rời khỏi Hà Nội để Lou Conein ở lại cầm đầu mọi hoạt động ở đấy. Theo hiệp định Genève, những người Việt Nam cộng sản hay là không cộng sản được có một thời gian để tập kết vào Nam hay ra Bắc trước khi biên giới giữa hai miền đóng lại. Đội của Conein bay ra Hà Nội bề ngoài nói là để giúp đỡ phong trào di cư từ Bắc vào Nam nhưng nhiệm vụ chính của họ là gây ra một chiến dịch chống lại chính phủ mới của Bắc Việt Nam. Conein báo cáo theo hệ thống, nói rõ cho Lansdale biết những gì ông định làm để ông này xin phép Washington. Nhưng tổng hành dinh của CIA thì xa quá, mọi giao thông liên lạc chưa được tốt, và mọi hoạt động của Conein được chỉ thị một cách ngắn gọn là “gây rắc rối cho Cộng sản”, được thảo luận một cách chung chung và được chấp thuận của hai anh em nhà Dulles. Nhờ tình hình hỗn độn, lại không có sự chỉ đạo chính trị rõ ràng, thêm phong cách làm việc dễ dãi của Lansdale nên Lou Conein có khá nhiều tự do để hoạt động theo sự lựa chọn của mình.
Ông cho tìm những phần tử thuộc các đảng phái quốc gia đã bị cộng sản đàn áp và cố gắng tổ chức họ lại thành một phong trào kháng chiến. Việc này đưa ông tới chỗ tổ chức một chiến dịch phá hoại hệ thống giao thông của Hà Nội. “Trong bất cứ tổ chức kháng chiến nào, anh cũng phải có cái gọi là “ngày hội”, Conein nói “Anh không thể chờ người ta đến với anh nếu anh không làm được cái gì cả. Do đó tôi muốn có một ngày hội, nghĩa là có tiếng nổ ở chỗ này, có một cái gì đó ở chỗ kia, làm cho dân chúng nghĩ rằng có một phong trào kháng chiến thật, tạo không khí sao cho những người còn hoài nghi cũng đi theo chúng ta”.
Người ta có thể nghĩ là Lou Conein lại hành động theo kiểu đội biệt kích trước kia, cứ thích giật mìn mọi thứ lên. Nhưng dù sao thì Conein cũng vạch ra một kế hoạch phá hoại cần có sự hỗ trợ của chi nhánh CIA ở Nhật Bản. Nhiều năm sau, David Halberstam đã viết trong cuốn Những người giỏi nhất và thông minh nhất của ông rằng những người trong nhóm của Lansdale đã định cho đường vào bình xăng của xe buýt Hà Nội, đó là một sai lầm mà nhiều nhà báo đã lắp lại làm cho Conein cáu tiết lên. Đường hả? Đó là trò chơi của học trò trung học, một anh chàng phất phơ tài tử nào đó có thể làm như vậy chứ còn người chuyên nghiệp thì không bao giờ. Thực tế là Conein chuẩn bị phá hoại xe buýt và xe con trên đường phố Hà Nội bằng acid.
Ông mua năm chục thùng dầu, loại mà giao thông Hà Nội thường dùng, trong một đêm, những người của ông đã trộn dầu với acid, suýt ngất vì hơi của nó bốc ra, rồi đem để vào kho chứa dầu của công ty giao thông để cho họ cứ thế mà dùng trong những tháng tới. Để phá hoại xe lửa của Bắc Việt Nam, Conein đã yêu cầu các chuyên viên kỹ thuật của CIA làm cho ông những quá mìn hình thù như những cục than xe lửa hay dùng. CLA làm những quả mìn bề ngoài có hình thù như những cục than đá mà xe lửa thường dùng rồi gửi qua Sài Gòn, từ đó gửi ra Hà Nội hàng trăm gói, Conein đem giấu trong lãnh sự quán Hoa Kỳ cho tới khi ông có thể để lẫn chúng vào than đá Bắc Việt Nam vẫn dùng, tuy vậy Coneỉn vẫn không hề biết việc làm này có hiệu quả gì không.
Sau đó Conein nhằm vào một mục tiêu lớn hơn - kho chứa xăng ở Hải Phòng của Standard Oil và Shell. Hai kho xăng này nằm cạnh nhau, Conein nghĩ rằng ông có thể cho nổ tung cả hai bằng cách gài mìn vào mỗi kho xăng rồi nối lại với nhau để cái này nổ sẽ làm nổ luôn cái kia.
Sau khi gài mìn xong, Conein bay vào Sài Gòn báo cáo cho Lansdale biết việc mình đang làm. “Bình thường thì tôi muốn làm gì thì làm”, Conein nói. “Nhưng lần này Ed lại bảo tôi là Tổng thống Eisenhower vừa cử một đặc phái viên là tướng J. Lawton Collins tới đây và tôi thấy ông nên nói cho ông ta biết việc ông định làm”. Collins phản đối vụ phá hoại của Conein và ra lệnh cho Conein phải tháo gỡ ngay. Conein trở ra Hải Phòng, thuê một chiếc thuyền và vứt mìn xuống biển luôn.
Trong khi đó những người giúp việc của Conein ở Hà Nội lo đưa những người không cộng sản lên máy bay đi vào Nam. Lansdale và sứ quán Mỹ đã thuyết phục người Pháp hãy thưởng cho Hãng Hàng không Dân dụng (Civil Air Transport) một hợp đồng chở người di cư vào Nam. Cái sáng kiến sử dụng này đã có từ lâu trước khi xảy ra trận Trân Châu Cảng, lúc đó Mỹ đã dùng hàng không dân dụng để bí mật chở vũ khí tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch lúc đó đã đánh nhau với Nhật, với phi công và máy bay của Mỹ. Kế hoạch bí mật này đã tiến hành cho đến khi Nhật bất ngờ đánh Trân Châu Cảng, từ đó về sau vũ khí tiếp tế được chở công khai bằng những chiếc Cọp Bay (Flying Tigers) của tướng Claire Chennault. Sau chiến tranh, Chennault là người đã góp phần trong chiến dịch tiếp tế nguỵ trang ban đầu làm việc với Washington để thành lập Hãng Hàng không Dân dụng, là hãng hàng không bí mật của CIA. Khoảng hai chục phi công dân sự do CIA thuê đã chở đồ tiếp tế cho Điện Biên Phủ bằng máy bay CAT và hai trong số đó đã bị bắn rơi, chết. Sau khi cái màn nguỵ trang đó bị lộ, hãng này lại biến thành hãng Air America, tiếp tục tiến hành những phi vụ bí mật cho CIA ở Đông Dương trong khi công khai chở đồ tiếp tế và người cho các cơ quan khác của chính phủ. Với nhiệm vụ chở người di cư, Lou Conein và người của ông có được phương tiện thuận lợi đi khắp nơi.
Tại hội nghị Genève, Washington nhấn mạnh yêu cầu cho người Việt Nam được định cư nơi nào tuỳ ý sau khi ngừng bắn. Người Mỹ muốn rằng càng có nhiều người chống cộng càng tốt, đặc biệt là những người theo đạo Thiên Chúa miền Bắc được tổ chức tốt, sẽ được đưa vào Nam để tăng cường cho cơ sở chính trị yếu ớt ở miền Nam. Sở Thông tin Hoa Kỳ (U.S Information Service) đã mở một chiến dịch cổ động và truyền đơn đã được rải xuống Hà Nội nói rằng “Chúa đã vào Nam”. Bốn phần năm của số khoảng một triệu người di cư vào Nam là người theo đạo Thiên Chúa. Lansdale thẳng thắn thừa nhận có dính líu vào việc khuyến khích họ ra đi, nhưng ông lại nói thêm, điều này chắc là đúng hơn, rằng những cố gắng của ông không có tính chất quyết định.
“Tôi chỉ nói cho dân chúng Bắc Việt biết rằng việc gì đang xảy ra”, Lansdale nói. “Nhưng nhân dân không lìa khỏi nhà cửa tổ tiên mà họ rất quý trọng nếu không có lý do vững chắc, đặc biệt là ở châu Á. Phải có một sự sợ hãi cá nhân ghê gớm lắm thì họ mới đi, và khi cả triệu người đã làm thì không phải lời nói hay tuyên truyền mà làm được”.
Lou Conein đã mở những chiến dịch tuyên truyền tuy đồng thời cũng cho rằng cái nhóm của Lansdale lại quan tâm - hay trách móc - quá nhiều việc thuyết phục mọi người đi vào Nam. “Ông xem, chúng tôi còn một nhiêm vụ nữa là phải thu nhặt và cho tàu chở vào Nam tất cả thiết bị trên miền Bắc mà trước đây Hoa Kỳ đã cho Pháp. Đó là một tình hình hết sức lộn xộn. Chuyện người di cư là do Washington quyết định. Họ chỉ nói với tôi rằng “Ông có bao nhiêu máy bay đây - họ nói con số - bay ra Hà Nội mỗi ngày. Cứ chất họ lên”. Thế là tôi phải đến với các nhóm chính trị và người theo cạo Thiên Chúa để nói cho họ biết”. Tình hình lộn xộn đến nỗi có hôm nhóm của Lou Conein cho một thằng bé lên máy bay đi Nam thì cha mẹ nó lại đến đòi con. Họ phải giải quyết là cho họ đi chuyến sau, biến họ thành những người di cư luôn. Nhóm của Lansdale có tác dụng như thế nào đi nữa, Washington vẫn đánh giá rằng chiến dịch di cư là một thắng lợi và trong những năm sau hình như cuộc chiến chống cộng ở trong Nam chủ yếu là do những người theo đạo Thiên Chúa di cư tiến hành và lãnh đạo.
Nhóm kháng chiến của Lou Conein đã thành hình. Ông đã tuyển mộ người cho hai nhóm, mật danh là Hảo và Bình, cái này không biết cái kia. Một nhóm bán quân sự thứ hai được thành lập ở Sài Gòn để làm nhiệm vụ huấn luyện. Lúc đầu họ được đưa đến một trạm của CIA bên ngoài Việt Nam, sau đó lại được đưa qua Philippines để huấn thị vào phút chót, sau đó được đưa thâm nhập vào Bắc Việt Nam, việc này không có gì khó nếu biết rằng tình hình di cư qua lại là chuyện thường. Với sự giúp đỡ của hải quân, nhóm của Conein đã đưa tám tấn rưỡi đồ tiếp tế cho hai mươi mốt nhân viên trong nhóm kháng chiến của Hảo, kể cả mười bốn ra-di-ô, ba trăm cac-bin, năm mươi súng ngắn, và ba trăm pound chất nổ. Conein giấu hầu hết những thứ đó dọc theo hai bên sông Hồng.
Lúc dó tôi nghĩ là chiến dịch của tôi ở Hà Nội đã thành công”, Conein nói. “Mạng lưới kháng chiến tồn tại có khoảng bốn năm, trước khi chết hẳn”.
Conein cũng cho rằng chiến dịch phá hoại xe lửa của ông có kết quả. Trong việc này phải nói là ông ta gặp may. Ông ta không hề biết tí gì về việc đánh vào một hệ thống giao thông nhưng ông lại được những ý kiến đổng góp của một người ở Hà Nội biết rành việc đó đó là bố dượng của Elyette Bruchot, Charles Dufour, người đã từng quản lý chi nhánh hãng giao thông của Pháp tại Hà Nội.
***
Ông lãnh sự Mỹ nói: “Elyette, chúng tôi được nghe nói rằng cô là một người bạn của Hoa Kỳ, vậy chúng tôi đã dành cho cô một chỗ trên máy bay sẽ rời khỏi Hà Nội vào cuối tháng Bảy một ngàn chín trăm năm mươi tư”. Thay vì biết ơn, Eyette cảm thấy bực. Sao một người Mỹ lại đến bảo mình bao giờ phải đi? Tôi đã sống ở Hà Nội cả đời tôi rồi. Tôi cảm ơn ông ta rồi nói: “Ông tốt qúa. Nhưng ông đừng lo. Tôi có một người bạn Pháp có máy bay và tôi sẽ tính coi bao giờ thì đi”. Ai cũng có thời hạn cuối cùng và tôi đã đi vào phút chót. Trong lúc chờ đợi, ông lãnh sự đã mời tôi tới dự buổi cốc tai cuối cùng. Tôi rủ cô bạn lâu đời nhất là Eliane cùng đi. Tôi nói. “Mình nghe nói ở đó có một sĩ quan Mỹ gặp cũng vui đấy. Anh ta đang lẩn quẩn ở đây mà khoe khoang khoác lác rằng có hai việc mà người Pháp nào cũng có trước năm mươi tuổi - Bắc đẩu bội tinh và bệnh lậu. Anh ta nói rằng anh ta có cả hai thứ đó lúc chưa hai mươi lăm tuổi!” Hay lắm, thế là một trong những ông phó lãnh sự đã giới thiệu tôi với Lucien. Anh ta dí dỏm tế nhị và nói tiếng Pháp với giọng Mỹ nhưng sau bữa tiệc thì tôi cũng không nghĩ gì tới anh ta nữa. Trước khi tôi đi khỏi Hà Nội ít lâu, tôi có bữa ăn tối với các bạn ở khách sạn Métropole, anh ta cho người mang tới một ly rượu khai vị và sau đó đích thân tới tự giới thiệu. Anh ta nói: “Thưa cô, tôi muốn được quan hệ với cô ở Sài Gòn. Cô đã biết sẽ ở đâu chưa?” Tôi đáp là không. Anh nói: “Đây là số điện thoại của tôi. Cô nhớ gọi cho tôi nhé”. Tôi đi Sài Gòn và hãng Pan Am thuê tôi ngay lập tức làm tại văn phòng trên đường Catina, gần chỗ khách sạn Continental. Viên phó lãnh sự Hoa Kỳ một hôm mời tôi ăn tối tại Continental, tôi nhận lời. Tôi không nhìn được xa, nhưng ra đường không bao giờ đeo kiếng vì xấu hổ. Thế là con người đó đã đến và tôi không nhận ra anh ta, anh nói với phó lãnh sự. “Xin lỗi, nhưng tôi phải hỏi người khách của ông vì sao cô ta không gọi điện cho tôi”. Ông phó lãnh sự giận quá. Lúc đó tôi nhận ra anh ta là ai rồi. Tôi nói: “Tôi đánh mất số điện thoại của ông rồi”. Anh lại nói: “Vậy xin cô gọi tôi sáng mai, tôi sẽ đợi đấy”. Sáng hôm sau tôi gọi lại thì anh ta đã trực bên máy. “Tôi mời cô ăn tôi được không?” Im lặng. “Ăn trưa vậy nhé?”. “Được, ăn trưa”. Anh giới thiệu tôi với những người cùng làm với anh. Lansdale xem ra là một người lịch sự. Tôi không biết ông đang làm gì. Chỉ biết là một đại tá, còn tôi đã gặp tất cả các ông tướng trong quân đội Pháp rồi. Rufus Phillips - tôi thích Rufus Phillips nhất - anh ta dễ thương, đẹp trai, mơ mộng, làm nào cũng đi với một cô gái khác. Dù sao thì Lou cũng đã bay ra Hà Nội và hỏi bố dượng tôi cho cưới tôi Bố dượng tôi vẫn còn ngoài đó để dạy cho ai đó điều khiển hệ thống xe điện trước khi ông đi. Bố dượng tôi lúc nào cũng cho rằng không có ai xứng với tôi cả, lại có ấn tượng tốt với Lou. Ông đánh cho tôi bức điện và gửi cho tôi lời chúc lành.
Lou Conein hoạt động ở Hà Nội, Ed Lansdale quay lại với tình hình ở Sài Gòn. Ông không thoả mãn với những sĩ quan người ta bổ nhiệm tới chỗ ông. “Chắc chắn là do các sĩ quan đó phụ trách nhân sự ở Washington đã chọn mấy người này mà phớt lờ danh sách gợi ý của tôi, mấy ông đó đang hình dung một cuộc chiến tranh kiểu Triều Tiên, với những trận biệt kích, giật mìn, nhảy dù sau lưng địch, phản gián chống cộng sản thâm nhập phá hoại và khủng bố. Chẳng có người nào hiểu biết qua loa về chiến tranh tâm lý là cái tôi đang giúp quân đội Nam Việt Nam và họ cũng không ai biết gì về các hoạt động công dân (civil action ) như đã làm ở Philippines hoặc những đề tài tôi đã nêu rõ cho ông thủ tướng mới cần phải làm và cần sự hỗ trợ của chúng ta”.
Ngoài việc tổ chức cho người di cư từ Bắc vào Nam, Lansdale còn quan tâm đến việc chiếm lại những vùng do Việt Minh trước đây kiểm soát ở Nam Việt Nam. Theo Hiệp định Genève, Cộng sản phải rút khỏi Nam Việt Nam trong một thời gian cũng như Pháp phải rút khỏi Bắc Việt Nam vậy. Nhưng Việt Minh kiểm soát vùng của họ không những về mặt quân sự mà còn về mặt hành chánh nữa vậy vấn đề là ai sẽ thay thế cấu trúc hành chính của họ đây? Lansdale không muốn cho người Pháp dính líu bởi vì họ vẫn muốn duy trì hệ thống thuộc địa ở Nam Việt Nam nhưng Hiệp định Genève thì tuyên bố Nam Việt Nam hoàn toàn độc lập. Quân đội quốc gia Việt Nam là nhóm người được tổ chức tốt nhất để chiếm lại những vùng trước đây của Việt Minh, mặc dầu họ chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp.
Cuối tháng Chín, 1954, khi Việt Minh bắt đầu rút khỏi những vùng họ kiểm soát ở miền Nam, Lansdale phái Rufe Phillips về đồng bằng để xem có thể được gì để lập một sự hiện diện nào đó của chính phủ Sài Gòn và lôi kéo người nông dân ủng hộ Diệm thay vì ủng hộ Hồ Chí Minh. Sau chuyến đi quan sát Rufe Phillips tin rằng có thể lôi kéo sự ủng hộ của họ bằng cách cung cấp cho họ chăn màn và lương thực cũng như xây đựng cầu đường mà nhiều nơi tới nay chưa có để họ có thể mang sản phẩm ra chợ. Phillips và nhóm người Việt Nam được thành lập để cùng đi quan sát đã trở về Sài Gòn và viết cho Diệm một bản báo cáo yêu cầu ông phải có một chiến lược cải thiện đời sống nông dân. Lansdale thu xếp choPhillips đi theo nhóm người này, phần lớn là người vạch kế hoạch cho Diệm, đi Philippines, nơi họ sẽ được đích thân Ramon Magsaysay chỉ cho thấy làm thế nào đánh bại Cộng sản nồi dậy bằng sự phối hợp những chương trình quân sự và công dân vụ. Nhóm làm kế hoạch này về nước lòng rất phấn khởi, bắt tay thảo ra một phương thức hành động để nắm lại những vùng trước đây do Việt Minh kiểm soát.
“Chúng tôi định đặt cho công việc đang làm một cái tên mà chúng tôi tìm mãi không ra”, Rufe Phillips nói. “Thực chất việc chúng tôi làm chiếm lại những vùng này và cung cấp cho nhân dân ở đó những đồ tiếp tế cần thiết. Vì phần lớn quan chức Việt Nam làm việc với chúng tôi đều nói tiếng Pháp, ít nói tiếng Anh, nên cuối cùng chúng tôi đặt cho chương trình này cái tên đã dùng trong cuộc chiến tranh của Pháp là bình định” (pacification)
Bình định là chữ mà người Mỹ không lấy gì làm thích và trong nhiều năm họ đã cố, mà không mấy thành công, tìm chữ thay thế như xây dựng nông thôn (rural construction), phát triển cách mạng (revolutionary development) hay đơn giản là cuộc chiến tranh khác (the other war). Vấn đề là không tìm ra một định nghĩa chính xác cho chữ bình định. Ở đây, một định nghĩa chính xác không đúng với thực chất của nó: một người lính bắn chết một người lính khác trong một cuộc hành quân.
Ở Philippines, Lansdale đã bàn với Magsaysay thành lập một Bộ Công dân vụ (Civil Affairs Office) với nhiệm vụ là phát động chiến tranh tâm lý chống lại kẻ địch và đồng thời, và quan trọng hơn, là giáo dục cho quân đội của chính phủ cách đối xử tử tế với nhân dân - hoặc noi theo cách của Lansdale là “làm cho người lính trở thành anh em và người che chở cho nhân dân trong những cuộc hành quân hàng ngày của họ, thay thế thái độ ngang ngược của binh lính trên các trạm gác xa lộ hay trong những cuộc lùng sục trong làng bằng những cử chỉ lịch sự và tìm cách chấm dứt tệ lâu đời của binh lính là bắt gà bắt heo của nông dân”. MÔ tả thái độ anh em của binh lính đối với nhân dân, Lansdale gọi đó là những hoạt động công dân (civil action), chữ này đã mau chóng được tiếp nhận và sử dụng trong quân đội các nước trên thế giới.
Đàng sau chữ bình định không phải chỉ có hoạt động công dân mà còn có nhiều nhân tố khác. Bước thứ nhất là đem lại an ninh cho nông thôn, chấm dứt bạo lực vũ trang, điều đó có nghĩa là phải thanh toán sự hiện diện của Cộng sản. Như vậy, bước đầu của việc bình định là bước dễ thực hiện nhất, bởi vì Cộng sản đã tự nguyện rút lui khỏi vùng của họ, theo điều khoản của hiệp định Genève. Và vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa. Bước thứ hai, đời sống của nông dân phải được cải thiện. Đó có nghĩa là phải phá bỏ chế độ tập trung thừa hưởng của Pháp làm cho Sài Gòn - cũng như Paris - nắm hết mọi quyền hành; đó cũng có nghĩa là phải đấu tranh với tệ tham nhũng cố hữu của quan chức Việt Nam, để làm sao đồ tiếp tế xuống được tới tay người được hưởng, tức là nông dân, và tổ chức những cơ quan của Mỹ sao cho có thể giám sát được tốt mọi cố gắng này. Thứ ba, người lính Việt Nam phải được huấn luyện đối xử như thế nào với đồng bào của họ và làm được nhiều việc tốt về hoạt động công dân. Nhiều thế hệ cốvấn quân sự Mỹ đã phát hiện ra rằng việc cấm quân lính bắt gà của nông dân, ra lệnh thì dễ mà làm thì khó. Theo lý thuyết về bình định thì tất cả những việc làm kể trên đều góp phần vào mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất: tranh thủ được lòng trung thành của nhân dân.
Nhưng trung thành với cái gì? hay trung thành với ai? “Vấn đề là”, Rufe Phillips nói, “nếu anh có một nước mà không có người lãnh đạo, thì làm thế nào có thề tự mình thiết lập sự lãnh đạo đó? Cần phải tiến hành một quá trình chính trị như thế nào? Lansdale có khái niệm rất rõ vế vấn đề đó, đồng thời lại rất tôn trọng những lý tưởng dân chủ. Vấn đề tiếp theo là làm sao thực hiện mục tiêu đó? Phương pháp của Lansdale là thuyết phục người Việt Nam đảm đương công việc, với những lời khuyên mà ông cố trình bày một cách rõ ràng và thực tế, sau đó thuyết phục họ rằng những điều ông trình bày chính ra xuất phát từ họ chứ không phải của ông. Ed là một người chịu lắng nghe ý kiến và ông dự định làm việc gì cũng thuyết phục nhân dân rằng ông thành thật muốn giúp họ và ông làm thật. Đây là loại công việc phức tạp. Dĩ nhiên phần lớn ý kiến này là của Lansdale”.
Nhưng trước khi Landale kịp thực hiện bất cứ ý kiến nào của ông thì ông đã phải đương đầu với một nhiệm vụ cấp bách và căn bản là cứu Diệm khỏi bị các sĩ quan của ông ta lật đổ. Chu kỳ những cuộc đảo chính và tin đồn đảo chính kéo dài suốt cuộc chiến tranh, đã bắt đầu ít lâu sau khi Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng. Người trước tiên sẽ thay thế ông ta là tham mưu trưởng quân đội, một người mang quốc tịch Pháp tên là Nguyên Văn Hinh. Ông này được sự ủng hộ của người đứng đầu cơ quan chiến tranh tâm lý mà Rufe Phillips đang giúp thành lập và trang bị. Việc này đã trở thành một tiền lệ mà sau này còn tiếp tục tái diễn nhiều lần. Mỹ cố gắng huấn luyện người Việt Nam để họ chống cộng sản nhưng họ sử dụng những điều học được để đánh lẫn nhau giành quyền bính.
Cuộc đảo chính của Hinh rất mù mờ, không rõ ràng và về sau cũng không có gì rõ ràng cả. Lansdale coi đây là một việc quan trọng và tin rằng ông có thể ngăn chặn bằng cách đưa những người trợ lý chủ yếu của Hinh đi chơi ở Philippines. Sau đó ông lại bố trí đưa Hinh ra khỏi Việt Nam. Hinh được đưa sang Pháp để tiếp tục đào tạo và phục vụ trong quân đội Pháp với chức vụ một tướng không quân.
Lansdale và Diệm đã rút ra được một số bài học từ âm mưu đảo chính đầu tiên này. Ông không có cơ sở chính trị ở trong nước mà quân đội lại là lực lượng mạnh nhất cho nên ông cần phải nắm lấy quân đội. Ông không thể nào sống sót với chức vụ cũng như không thể nào chiến đấu chống cộng sản nếu bị một người phụ tá đâm dao găm vào lưng. Dễ hiểu rằng ông cần phải đưa những người tin cẩn vào các chức vụ then chốt. Thế là Diệm đưa ra một nguyên tắc là sắp xếp quân đội theo thứ tự ưu tiên như sau, thứ nhất, đề phòng một cuộc đảo chính, thứ hai, chống cộng sản. Nhưng nếu tiêu chuẩn trung thành với Diệm được coi là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc lựa chọn những nhà chỉ huy quân sự thì những đức tính khác như tính trung thực và năng lực chuyên môn phải xếp vào hàng thứ yếu. Thế là cái vòng luẩn quẩn lại khép lại: Diệm không thể tại vị nếu không có sự ủng hộ trung thành; đồng thời ông ta cũng không thể làm bất cứ điều gì với những bề dưới vừa bất tài vừa bất lương, như phần đông họ như vậy. Nguyên tắc của Diệm dành ưu tiên cho việc đề phòng một cuộc đảo chính đã trở thành một nguyên tắc phổ biến kéo dài suốt cuộc chiến tranh, bất kể là ai lên đứng đầu chính quyền Sài Gòn.
Âm mưu đảo chính nói trên càng làm cho Diệm dựa vào những người trong gia đình hơn nữa. Ở Việt Nam, gia đình là tất cả, là công việc cụ thể hàng ngày còn quốc gia dân tộc lại là một khái niệm trừu tượng. Nếu một nhà lãnh đạo chính trị hay một nhà chỉ huy quân sự lại không giúp đỡ cho cậu em thứ tư con của bà thím vợ ông ta thì anh ta còn biết nhờ cậy ai đây? Trong bàn ăn của gia đình thì con người không vợ là Diệm ngồi ở đầu bàn nhưng trong những cuộc thảo luận với anh em thì ông ta lại lép vế hơn. Một trong những anh em đó được cử làm Đại sứ ở London; một người khác ở Huế làm Tổng giám mục Thiên chúa giáo và trên thực tế nắm quyền hành tại miền Trung Việt Nam. Một người em được coi là người trí thức trong gia đình trở thành người trợ lý cho Diệm ở Sài Gòn. Tên ông ta là Nhu. Những người Mỹ biết cả hai anh em cho rằng Nhu nói tiếng Pháp giỏi hơn và suy nghĩ thông minh hơn ông anh. Nhưng đồng thời ông ta cũng ngang ngược hơn và khó đối phó hơn. Nhu cưới một bà vợ xinh đẹp nhưng lại thích ồn ào.
“Diệm là một người yêu nước và yêu nhân dân của mình”, Lansdale nhận xét. “Ông là một thứ của hiếm. Nhưng ông em Nhu của ông ta thì tôn sùng cái tôi khủng khiếp và mưu cầu cho cá nhân. Tôi thấy thích và thương hại cho bà Nhu. Bà được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ hoa khôi và tài bồi cho bà để bà được lấy chồng giàu sang. Một hôm tôi đang nói chuyện với Diệm và Nhu thì bà ta bước vào và nói “Có vị nào thích nghe pi-a-nô không?” rồi ngồi xuống chơi đàn luôn. Tôi nói: “Không, không, chúng tôi đang bận lắm”. Bà ta được dạy bảo như vậy đấy. Bà ta chơi thân với vài bà vợ Mỹ ở Sài Gòn mà không biết sao họ lại mắng bà ta. Bà ta đẹp và tôi chắc là mấy bà vợ Mỹ kia lo cho mấy đức ông chồng của mình. Sau đó, bà lại quay ra chống Mỹ”.
Lansdale cho rằng Nhu đã nhân danh ông anh mà phạm nhiều sai lầm và Nhu càng tìm cách củng cố địa vị cho Diệm thì sai lầm càng nhiều. Nhu ghét người Pháp và nhìn đâu cũng thấy có âm mưu lật đổ anh mình cả. Cơn hoảng loạn của ông không phải là không có cơ sở. Người Pháp tìm cách tống Diệm đi. Nhu trở thành người đứng đầu cơ quan mật vụ của Diệm tìm cách dập tắt những âm mưu nổi loạn và theo dõi nhưng âm mưu không ngừng diễn ra ở Sài Gòn. Để củng cố quyền lực của Diệm trong cả nước, ông đã dựng lên một tổ chức chính trị nửa bí mật gọi là Cần Lao mà người tham gia hầu hết là những người Công giáo trung thành với Diệm. Rồi Nhu lại đưa những người đó vào các vị trí then chốt trong guồng máy hành chính và quân đội, lấn át những người theo đạo Phật và các tôn giáo hay nhóm chính trị khác, chiến thuật này gây ra chia rẽ và xáo trộn cho nên Lansdale đã có lý khi ông chống lại chiến thuật này ngay từ đầu.
Về phần mình, Lansdale, cũng làm nhiều việc quan trọng sau cuộc đảo chính. Khi ông đến thăm Diệm giữa lúc lộn xộn nhất thì ông thấy Diệm không được ai bảo vệ cả, lính gác dinh Tổng thống đã bỏ chạy hết. Lansdale yêu cầu Magsaysay cử một trong các tiểu đoàn trưởng của ông ta qua huấn luyện một đơn vị cận vệ. Diệm và Nhu cũng thấy được lợi ích có đội bảo vệ riêng. Sau này, khi Hoa Kỳ phái Lực lượng Đặc biệt sang Việt Nam, Diệm và Nhu đã nhờ họ tồ chức và huấn luyện một đơn vị Lực lượng Đặc biệt Việt Nam mà họ dùng để bảo vệ hoặc để sử dụng vào những nhiệm vụ độc lập với bộ chi huy quân đội.
Lansdale cũng tìm thấy sự ủng hộ cho Diệm từ bên ngoài. Ông tìm thấy một giáo phái có võ trang lãnh đạo bởi một tướng tên là Trịnh Minh Thế, ông này đã nhiều năm chống Cộng sản và chống Pháp. Việt Nam có nhiều giáo phái có võ trang mà không có cái nào nhiều màu sắc như Cao Đài. Giáo phái này kiểm soát vùng chung quanh tổng hành dinh của họ cách Sài Gòn sáu mươi hai dặm, tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Campuchia.
Lansdale thừa nhận rằng tiếp xúc với Trịnh Minh Thế và những chiến sĩ của ông ta sẽ gây ra nhiều dư luận. Ông đem ra bàn với Diệm. Diệm lúc đầu chú ý đến tên của Thế, rồi đem ra bàn với Đại sứ Donald Heath và tướng John (Iron Mike) O’Daniel, người trước dây Lansdale đã đi theo trong chuyến đầu tiên thăm Việt Nam và đứng đầu phái bộ viện trợ Hoa Kỳ. O’Daniel muốn sáp nhập tất cả các giáo phái võ trang vào quân đội quốc gia Việt Nam, nên ông và Đại sứ Heath đã chấp nhận đề nghị của Lansdale.
Lansdale và năm người trong nhóm của ông mặc quần áo dân sự, cất giấu vũ khí, lái xe đi đến sào huyệt của Thế. “Tôi hết sức ngạc nhiên sao ông ta trông trẻ và trẻ con như thế mà lại có thể là một con quỷ đối với người Pháp và là một người yêu nước tiếng tăm đối với người Việt Nam”, Lansdale nhớ lại. “Tôi cảm thấy thích ông ta một cách tự nhiên”. Joe Redick dịch những nhận xét của Lansdale ra tiếng Pháp, và một người nào đó dịch ra tiếng Việt cho Thế nghe. Nhóm của Lansdale không có người nói tiếng Việt. Cuộc nói chuyện diễn ra chậm chạp nhưng Lansdale thấy bản tuyên bố của Thế đòi tự do khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp “làm tôi nhớ lại, một cách sâu sắc và xúc động, những người đã khuất, những người đã lập ra đất nước tôi”.
Kết quả cuối cùng là Trịnh Minh Thế với ba ngàn dân quân của ông ta đã sáp nhập vào quân đội quốc gia và trở thành những người ủng hộ Diệm, mặc dầu không lấy gì làm kiên định.
Lansdale hay thổi phồng khía cạnh lý tưởng của những người ông ta tuyển mộ cho Diệm. Chẳng hạn như ông ta cho rằng Trịnh Minh Thế là một người có tinh thần yêu nước cao. Ông cố làm giảm nhẹ giá trị của đồng tiền khi nó đã thay tay đổi chủ. Trong trường hợp của Trịnh Minh Thế thì ông nói rằng tiền Mỹ cho ông này chẳng qua là để chi phí cho những cuộc hành quân du kích của Thế mà thôi. Những bằng chứng cho thấy là cái nhóm của Lansdale không do dự gì trong việc bơm lòng yêu nước của Thế lên bằng một túi tiền mặt. Năm 1955 nhóm của Lansdale đã chi 228.000 đô-la cho những cuộc hành quân của Thế, nếu người ta xét thời gian 1955 và tình hình đất nước năm đó thì người ta dễ dàng thấy rằng một số tiền như vậy là rất đáng kể. Đó là chưa nói tiền vũ khí, đạn dược và lương bổng. Nhưng cũng có một số người không nhìn Trịnh Minh Thế theo cách nhìn của Lansdale. Họ coi Thế chỉ là một tên tướng lục lâm, một tên khủng bố lấy chiêu bài yêu nước chống Pháp che đậy hành động của mình mà thôi. Người Pháp ghét Trịnh Minh Thế và treo giải thưởng cho ai lấy đầu ông ta. Lansdale cũng thừa nhận rằng người ta ghét Thế không phải là không có lý do xác đáng. Người của Thế đã giết một sĩ quan cao cấp và đã gài mìn trong nhà hát, ngay giữa Sài Gòn, hy vọng là sẽ tiêu diệt bộ chỉ huy của Pháp nhưng mưu toan này thất bại.
Người Pháp đã tỏ ra nghi ngờ Lansdale ngay từ khi ông này mới đến và đã chống lại ông kịch liệt khi họ biết ông giúp đỡ cho Trịnh Minh Thế. Một số người trong bọn họ đã tìm cách ám sát Lansdale. Tác giả người Anh Graham Greene lúc đó đang ở Sài Gòn để viết bài cho báo và thu thập tài liệu cho một cuốn sách. “Tôi chưa bao giờ gặp Graham Greene”, Lansdale nói. “Nhưng ông ta hay ngồi uống cà phê bên ngoài khách sạn Majestic, với các sĩ quan toàn là người Pháp. Ông ta rất thích Pháp và thậm chí còn cất nhà bên Pháp nữa. Một hôm tôi đến khách sạn Majestic đế chở một phóng viên và vợ anh ta làm cho New York Times, bạn của tôi, và Graham Greene cũng có ngồi đó. Các sĩ quan Pháp la hét tôi và gọi tôi đủ thứ tên bẩn thỉu. Chị vợ anh phóng viên mới bước ra và hôn lên má tôi. Xong chị quay lại đám đông, thè lưỡi ra mà nói “Chúng tôi yêu anh ta”. Con chó nhỏ Pierre của tôi chạy qua một cái bàn và cắn vào mắt cá chân một sĩ quan Pháp. Chuyện đó không làm cho tôi được lòng người. Cuốn sách của Graham greene, trong đó Trịnh Minh Thế là một nhân vật, và một cuốn sách khác có tên là Người Mỹ xấu xa một phần nào làm cho tôi khó làm việc với những người Mỹ khác. Anh cần gặp các quan chức để cùng làm việc này việc nọ, nhưng sau khi đọc những cuốn sách đó rồi họ không tín nhiệm tôi nữa. Họ nói rằng tôi là một người vô kỷ luật, muốn trèo cao bằng cách làm hại những người chung quanh”.
Các thế lực chống Lansdale đã tăng lên. Cuộc tranh giành giữa người Pháp và người Mỹ về việc ai sẽ là người huấn luyện quân đội Việt Nam và từ đó mà giành được ảnh hưởng lớn nhất trong nước, đã được giải quyết bằng một thoả hiệp gộp chung cả hai ban tham mưu và phân chia địa vị chủ chốt ngang nhau, bên cạnh chỉ huy của Pháp có một người Mỹ làm phó, và bên cạnh chỉ huy của Mỹ có một người Pháp làm phó. Lansdale đã lách lên tới địa vị chỉ huy một phân ban huấn luyện quan trọng, phân ban phụ trách về bình định, nhưng tránh thuật ngữ của Pháp mà chỉ gọi là “ban an ninh quốc gia” mà thôi. Người Pháp làm phó cho ông là một người có phong thái ôn hoà và dễ thương nhưng người Pháp lại cài vào phân ban của Lansdale nhiều nhân viên tình báo đề giám sát công việc của ông. Cuối cùng họ than phiền về Lansdale với sứ quán Mỹ nhiều quá đến nỗi phải có một cuộc họp tại văn phòng chi nhánh CIA ở đây để xét những lời tố cáo của họ.
Lansdale là người của CIA biệt phái đứng đầu Phái bộ quân sự Sài Gòn. Nhưng Cục tình báo này cũng có một chi nhánh thường trực gồm nhiều sĩ quan tình báo hoạt động bên ngoài sứ quán. Một trong những nhiệm vụ của người lãnh đạo chi nhánh ở Sài Gòn, cũng như ở tất cả các nước, là phải giữ quan hệ tốt với cơ quan tình báo của Pháp. Cái lối làm việc nước đôi như thế này, một bên là Lansdale tiến hành những hoạt động chủ yếu là chống Pháp, và bên kia là người trưởng chi nhánh thường trực của CIA thì cố duy trì một mức độ hợp tác nào đó với họ, coi đó là một phần trong nhiệm vụ của anh ta tất nhiên là sẽ dẫn tới đụng chạm. Đúng lúc đó thì ông Giám đốc CIA là Allen Dulles bí mật tới Sài Gòn, trong tâm trạng vui vẻ trước quang cảnh của thành phố, nói với Lansdale rằng nó làm cho ông nhớ lại những ngày trong Thế Chiến II, đã đồng ý để cho cả hai người làm cho ra lẽ.
“Chúng tôi không thể nào làm việc chung với nhau được”, Lansdale nói. “Người trưởng chi nhánh của Cục tình báo ở đây có nhiệm vụ là phải cung cấp ngân quỹ và mọi thứ khác cho chúng tôi hoạt động nhưng anh ta không động móng tay. Khi tôi đến thăm anh ta thì anh ta lại quen cho tôi đứng chờ ngoài cửa. Có lần anh ta còn lên lớp tôi, bảo tôi nên học đôi điều gì đó về tình báo đi, rằng anh ta đã vào học trong trường tình báo và được huấn luyện về nghề này, và thấy cũng hay lắm. Ôi! thật là kinh khủng!”
Người trưởng chi nhánh này ghi hết lời than phiền của tình báo Pháp rồi chuyển về Washington. Một lời tố cáo của họ nói rằng Lansdale đã thả dù vũ khí xuống cho Hoà Hảo, một giáo phái võ trang khác mà ông định lôi kéo về với Diệm. Nhưng người Pháp đã đưa ra ngày tháng thả dù sai nên Lansdale có thể chứng minh rằng lúc đó ông không có mặt trong vùng này. Ông ta thừa nhận rằng mọi lời tố cáo đều nhằm loại trừ ông. Chỉ trừ có một trường hợp là trường hợp người trong nhóm ông ở Bắc Việt Nam đã tìm cách đánh mìn cảng Hải Phòng. Lansdale thừa nhận rằng việc này được bàn tán nhiều nhưng ông nói lấp liếm rằng đó chẳng qua là một trò chơi khăm của Lou Conein và người của ông ta thôi. Căn nhà của nhóm Lou Conein ở Hải Phòng gần nhà của đô đốc người Pháp và họ thấy rằng đô đốc mỗi buổi sáng ngồi trong buồng tắm rất lâu. Conein và người của ông bàn cách ném một cây pháo qua cửa sổ buồng tắm cho ông đô đốc nhảy nhổm chơi. Nhưng thay vì làm việc đó thì họ bày với nhau là sẽ nói lớn tiếng về việc họ sẽ giật mìn cảng Hải Phòng về cho ông đô đốc nghe được và đánh điện về Sài Gòn. Một trò chơi khăm thì Lou Conein dám làm lắm. Hơn nữa, đánh mìn Hải Phòng thì thật là quá. Dù sao thì lời giải thích của Lansdale cũng làm cho ông khỏi mắc kẹt và người Pháp cũng thôi không tìm cách cho ông bị CIA cách chức nữa.
Nhưng quan hệ của Lansdale với người phụ trách CIA tại đây cũng không cải thiện chút nào. Lansdale nói “Trong những bức điện báo cho về trung tâm, anh ta đặt điều nói xấu tôi đủ thứ. Anh ta nhận điện gửi đến cho tôi nhưng không đưa. Cuối cùng, chịu hết nổi, một hôm nhà tôi không có ai, tôi gọi anh ta đến và nói. “Anh còn trẻ hơn tôi. Anh to con hơn tôi. Anh đang trong tầm tay để đánh nhau đấy. Nhưng anh là đồ chó đẻ!”. Anh ta không chịu đánh. Tôi nói anh ta hèn. Sau đó, tôi nói với Frank Wisner, một quan chức CIA, về anh này và làm cho anh ta bị đổi đi nơi khác”.
Nhưng cuộc chiến tranh trong bộ máy thư lại giữa Lansdale với người phụ trách CIA ở Sài Gòn chỉ là một cuộc chạm súng nhỏ ở biên giới so với những gì sẽ nổ ra khi vị Đại sứ mới của Hoa Kỳ, tướng J. Lawton Collin đến nhận chức tháng Mười Một 1954. Lansdale cho rằng Đại sứ Donald Heath, người ở Sài Gòn trong thời gian Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève, có phần nào thân Pháp, nhưng họ làm việc với nhau rất tốt. Heath cảm kích trước việc làm của Lansdale ở Philippines và phần nào bị lấn át trước cá tính của ông này. Có lần Heath nhận thấy mình đang làm thông dịch cho Lansdale trong một cuộc nói chuyện với Diệm về vấn đề di cư, Đại sứ đã khiển trách Lansdale là đã vi phạm lễ tân vì đã đối xử với Heath như một trợ lý. Nhưng hôm đó thì chính lời khuyên của Lansdale đã được Diệm nghe theo. Lansdale cũng làm việc suôn sẻ với tướng Iron Mike O’Daniel, trưởng phái bộ viện trợ quân sự Mỹ, một người cộc cằn nhưng ân cần. O Daniel thừa nhận rằng cứ mỗi lần bàn tới vấn đề Việt Nam thì lại bị cái ông đại tá không quân này qua mặt.
Nhưng tình hình đã phát triền quá nhanh nên Tổng thống Eisenhower đã quyết định thay đổi Đại sứ Heath, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bằng một người bạn thân của ông để có thể nắm tình hình cho chắc hơn. Cũng như những trường hợp tương tự trước đây, ông đã tìm một viên tướng đã từng phục vụ dưới trướng của ông trong Thế Chiến II. J. Lawton (Lightning Joe) Collins đã chi huy một quân đoàn mở đường đổ bộ lên Normandy. Collins là mọt con người không dễ gì để cho ai áp đảo và ông đã chứng tỏ điều đó ngay trong buổi họp đầu tiên với các quan chức Mỹ ở Sài Gòn. Đại sứ Heath đã lãnh đạo những cuộc họp của ông trong không khí thân mật dễ dãi, để cho những người phụ trách các bộ phân tự do đề xuất ý kiến, tạo cho con người tự tin và giỏi ăn nói như Lansdale tha hồ nêu quan điểm của mình lên. Tướng Collins cho họ hay rằng những cuộc họp của ông sẽ tiến hành với sự chính xác quân sự. Mỗi quan chức phải báo cáo miệng một cách cụ thể ngắn gọn rồi ngồi xuống chờ sự phán quyết của ông.
Tại cuộc họp mặt đầu tiên, Collins đã nêu lên những ưu tiên mà ông muốn mọi người thực hiện. Đó là việc phải cố gắng tăng cường cho chính quyền Sài Gòn đồng thời phải cắt giảm biên chế của quân đội Sài Gòn bởi vì Washington thấy tốn kém quá. Khi Collins nói xong thì Lansdale đứng lên và nói lên những ưu tiên của ông đó là phải thiết lập những thể chế dân chủ trong khắp cả nước trước khi có cuộc tuyển cử dự định để thống nhất với Bắc Việt Nam vào năm 1956; đó là cần phải sáp nhập quân đội các giáo phái vào quân đội Sài Gòn trước đã rồi sau đó mới nói tới việc thu gọn nó lại.
Collins đứng lên nói, giận dữ, “Tôi là người đại diện đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi là người duy nhất đề ra những ưu tiên chứ không phải ông, và chúng ta không cần bàn cãi về vấn đề này nữa. Hiểu chưa, đại tá?”.
“Vâng, thưa ngài”, Lansdale đáp. “Tôi hiểu. Tôi chắc rằng ở đây không có ai là người đại diện riêng của nhân dân Hoa Kỳ. Nhân dân Mỹ muốn chúng ta thảo luận những ưu tiên đó. Do đó, tôi tự coi là người đại diện của họ - và chúng tôi sẽ bỏ ông mà đi đây”. Rồi không nói thêm một tiếng nào, Lansdale bỏ đi ra ngoài tới một chỗ cạnh sứ quán, bắt đầu kê ra những gì cần phải làm trước khi rời Việt Nam, nếu Collins ra lệnh cho ông phải đi.
Đó là một cử chỉ láo xược. Nhưng những cử chỉ có vẻ tự tiện của Lansdale thường được thực hiện với sự tính toán khôn ngoan về lợi thế của mình, ông có thể đoán rằng Collins đang tìm mưu kế loại trừ ông sau này, chứ ngay bây giờ thì khó mà loại trừ một người không phải là người đại diện riêng của dân chúng Mỹ như anh ta tự xưng, mà là người đại diện riêng của Giám đốc CIA. Lansdale đã đoán đúng. Sau đó một lúc thì có một phái viên đến nói với Lansdale rằng cuộc họp đã kết thúc nhưng Collins muốn gặp ông trong văn phòng. Collins đang ngồi đọc giấy tờ tại bàn. Ông trách móc Lansdale nhưng nói với giọng nhân từ như một ông bố vậy, nói rằng ông buồn phiền với cách ứng xử của Lansdale trong cuộc họp. Là một quân nhân, Lansdale phải hiểu rằng ở đó chỉ có một người chỉ huy để ra lệnh và trong trường hợp này là Đại sứ. Nhưng kêu gọi một người như Lansdale phải ứng xử như một sĩ quan chuyên nghiệp thì chẳng khác nào kêu gọi một tay đầu cơ ứng xử như một nhà doanh nghiệp thực thụ, Lansdale cũng đáp lại Collins một cách lịch sự tử tế, nói rằng ông chỉ muốn góp phần đề ra chính sách thôi. Ông nói là ông đã được nghe sở dĩ người ta tặng cho Collins biệt danh “Lightning Joe” là vì ông có biệt tài nhìn xuyên thấu vấn đề một cách nhanh chóng và tìm ra giải pháp. Có thể là Lightning Joe, Lansdale gợi ý, nói rõ tư tưởng của mình trong cuộc gặp riêng này để cho Lansdale góp thêm tư tưởng của mình vào vấn đề đang quan tâm được chăng. Collins mỉm cười và nói cái đó không được. Ông giải thích rằng thường ông chỉ suy nghĩ nghiêm chỉnh nhất vào lúc sau bữa ăn trưa: nằm trên giường mà nghỉ một chút thôi.
“Được lắm”, Lansdale nói. “Tôi sẽ đến nhà ngài sau bữa ăn trưa và tôi sẽ vào phòng ngài, ngồi yên lặng khi ngài ngủ. Nếu ngài muốn nói chuyện, thì O.K., chúng ta sẽ nói chuyện. Còn nếu ngài muốn nghỉ thì tôi sẽ ngồi đó không nói một tiếng”.
Đại sứ Collins tưởng là Lansdale nói giỡn nên hôm đó ông rất bực mình vì thấy Lansdale đã lù đù tới sau bữa ăn trưa. Lansdale tán tỉnh ông vui vẻ. “Nào, bây giờ tôi tới đây rồi. Chúng ta thử một tí xem nào”. Collins miễn cưỡng đưa ông ta vào phòng và nằm trườn ra giường. Lansdale kéo cái ghế lại ngồi gần giường. Họ nói chuyện với nhau lâu. Lansdale nhận thấy Collins còn khó chịu vì chuyến bay vừa qua nên ông xin lỗi vì đã đòi phải có cuộc gặp gỡ này. “Chợp mắt một tí thì ngài sẽ thấy dễ chịu hơn”, Lansdale nói. Collins đồng ý Lansdale rút lui.
Mấy năm sau nhớ lại, Lansdale nhìn nhận rằng mình đã cư xử một cách xúc phạm. “Nếu tôi là Đại sứ, thì tôi đã tống cổ tôi ra khỏi nước đó ngay lập tức”, Lansdale nói, với một tiếng cười khoái trá.
Đó là buổi đầu mối quan hệ sóng gió của họ. Collins cho rằng Lansdale đã gắn bó quá nhiều với Việt Nam về mặt tình cảm. Ông lo ngại không biết cầm cương như thế nào cái anh chàng đại tá mới phất đang phóng ngựa trên lĩnh vực do sứ quán phụ trách này. Collins nổi nóng khi nghe rằng Lansdale đang thương lượng để đưa một số đội công dân vụ Philippines sang Việt Nam. Lansdale lại thanh minh rằng đó là ý kiến của một quan chức tại Phòng thương mại Philippines trong một chuyến công cán tại Sài Gòn đưa ra. Từ lâu Lansdale là người đầu tiên áp dụng phương pháp gợi ý cho những người không phải Mỹ để họ yêu cầu Mỹ làm việc này việc nọ, tạo cho ông ta cơ hội để nói rằng chúng ta chỉ làm theo yêu cầu của một nước bạn thôi mà. Diệm, cũng không tán thành cho mời mấy đội công tác Philippines này, nói với Lansdale rằng người Việt Nam đâu có cần sự giúp đỡ của mấy anh nhạc sĩ hộp đêm, nhắc lại việc mấy người Phi này là một số chuyên viên về vũ trường ở châu Á. Nhưng Lansdale đã thắng cả sứ quán lẫn chính phủ Diệm. Những đội Philippines gồm có bác sĩ và y tá, sau đó là kỹ thuật viên, đã được triển khai không những ở Việt Nam mà cả bên Lào, để tiêm thuốc phòng cho nhân dân Đông Dương khỏi tiêm nhiễm bệnh dịch Cộng sản bằng những hoạt động từ thiện và công dân vụ, thực hiện ý kiến của Lansdale - theo kiểu nói giễu cợt không che đậy của Lou Conein - “tất cả những người anh em da nâu bé nhỏ của châu Á hợp thành một đại gia đình hạnh phúc và thương yêu lẫn nhau”.
Và Lansdale thấy Đại sứ Collins hiểu về Việt Nam quá ít và tệ hơn, lại rơi vào vòng ảnh hưởng của vị chỉ huy của Pháp ở Sài Gòn là tướng Paul Ely. Elylà một người lịch thiệp và biết điều, biết cách giao dịch với người Mỹ và giành được một cảm tưởng tốt trong chuyến ông viếng thăm Hoa Kỳ thời kỳ khủng hoảng Điện Biên Phủ. Ông và Collins là hai ông tướng trong Thế Chiến II, cùng là những người anh em thông cảm lẫn nhau. Tướng Ely không thích Diệm và muốn thay thế ông ta. Ely muốn thay thế Diệm vì thấy Diệm là một lãnh tụ quá tồi hay là vì Diệm là người chống Pháp mà Diệm cầm quyền thì Pháp sẽ sớm cuốn gói thì không ai có thể biết được. Dù sao đi nữa thì sau một tháng đến Việt Nam, và sau khi nói chuyện với Ely, Collins bắt đầu cho rằng ông bạn đồng nghiệp người Pháp của mình có lý. Điều đó có nghĩa là Diệm vừa tại chức vừa đúng năm tháng thì hai quan chức cao cấp của Pháp và Mỹ tại đây đã muốn tống ông đi.
Tướng Ely có một danh sách ngắn những người có thể thay.thế Diệm - tất cả những người đó đều có quốc tịch Pháp, dĩ nhiên. Bước đầu Collins thuyết phục Diệm chấp nhận cho Phan Huy Quát, bác sĩ y khoa, cái đầu theo Pháp mà trái tim Việt Nam, làm phó thủ tướng và chuẩn bị cho Quát thay Diệm sau này. Khi Diệm từ chối, Collins bắt đầu vận động Washington bỏ rơi Diệm. Collins cho rằng đó là một quyết định bất đắc dĩ.
Washington, đặc biệt là John Foster Dulles, tìm cách loại Collins ra. Nhưng Collins lại là phái viên đặc biệt của Eisenhower và là một người bạn có trọng lượng, và khi ông ta yêu cầu nằng nặc điều gì thì Tổng thống và ngoại trưởng lại bắt đầu suy nghĩ giống như ông ta. Dulles đã nói sau một phiên họp với Tổng thống rằng họ “sẵn sàng ủng hộ” quyết định cuối cùng của Collins. Nhưng họ muốn rằng Collins phải hiểu rõ lập trường của họ. Những gì đã xảy ra ở Việt Nam, Dulles nói, là kết quả “một sự hiểu lầm cơ bản và nguy hiềm” giữa Pháp và Hoa Kỳ. Eisenhower và Dulles tin rằng bỏ Diệm đi cũng không giải quyết được vấn đề, mà chỉ có nghĩa là từ nay trở đi chúng ta trả tiền mà người Pháp quyết định tất cả”.
Nhưng tình thế lúc đó không cho phép kéo dài được nữa. Dưới thời của Pháp, có một bọn giết người tên là phái Bình Xuyên kiểm soát cảnh sát Sài Gòn và mọi cơ sở ăn chơi, cờ bạc, hút xách. Bọn Bình Xuyên đóng tiền cho Pháp, cho các quan chức Việt Nam và theo lời đồn, cấp tiền cho cả Hoàng đế Bảo Đại nữa. Khi Diệm tìm cách loại trừ Bình Xuyên thì băng này, được sự hỗ trợ của hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo nồi dậy định đập tan Diệm và quân đội của ông. Người của Diệm ở Sài Gòn ít hơn nên Diệm phải trông chờ vào sự giúp đỡ của quân đội Pháp. Trong vụ này có quá nhiều trò lá mặt lá trái ở cả mọi phía nên người ta khó mà nói được rằng ai ủng hộ ai, nhưng người ta nghi nhiều cho Pháp là đã đứng sau Bình Xuyên để tìm cách lật đổ Diệm. Người ta cũng không cần phải tìm hiểu xem lệnh này xuất phát từ Paris hay từ tướng Ely. Bởi vì nếu Lansdale và những người trong nhóm của ông ta đã có lúc hành động một cách tự tiện thì tại sao các sĩ quan tình báo của Pháp, được sự khuyến khích của những người còn lại của chế độ thực dân hay tập trung tại Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn, lại không có thể biến chánh sách của Pháp là lật đổ Diệm thành những hành dộng tự tiện có thể gây ra một cuộc nội chiến nhỏ.
Sự nổi dậy của các giáo phái đã kêu gọi đến sự khôn khéo của Lansdale đề xử lý. Trước hết, ông tìm cách tách những phái ông vừa chiêu mộ được là Cao Đài và Hoà Hảo ra khỏi Bình Xuyên. Ông bắt đầu thuyết phục Trịnh Minh Thế và người lãnh đạo Hoà Hảo rằng họ là những người yêu nước chân chính đang bị bọn cướp Bình Xuyên lợi dụng bằng những thủ đoạn tiền bạc. Khi ông thấy họ bắt đầu chịu nghe, ông bố trí cho hai tướng chỉ huy của họ gặp tướng Collins, Đại sứ Hoa Kỳ. Collins bắt đầu nói rằng, với tư cách là một quân nhân, ông thấy bất bình trước sự thiếu trung thành của họ đối với chính phủ của chính họ. Joe Redick làm nhiệm vụ thông dịch. Lansdale chặn Redick lại trước khi ông kịp dịch cho họ nghe những lời nói của Collins. Lansdale yêu cầu Collins không nên khiển trách hai ông tướng này mà nên khen họ là vẫn trung thành với chính phủ. Lansdale và Collins trao đổi qua lại với nhau một hồi, làm cho Trịnh Minh Thế và tướng Hoà Hảo kia ngồi đó, nghi hoặc. Lansdale ngừng cuộc gặp mặt lại. Ông đã lôi được Trịnh Minh Thế về phe chính phủ. Đánh nhau lại nổ ra. Quân đội Pháp can thiệp và không hề che đậy việc họ ủng hộ phe Bình Xuyên.
Đại sứ Collins bay về Sài Gòn để xin ý kiến. Trước khi lên đường ông hứa với Lansdale rằng ông sẽ ủng hộ Diệm, nhưng trong thực tế ông ép Eisenhower bỏ rơi Diệm, và nếu cần, bỏ Lansdale luôn. Sử dụng sự tín nhiệm của mình, ông đã thuyết phục được Eisenhower và Dulles. Ngày 27 tháng Tư 1955, một bức điện gửi tới sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn đề nghị một kế hoạch tống khứ Diệm đi. Công khai thì chính sách của Hoa Kỳ vẫn là ủng hộ Diệm, bức điện viết, nhưng bí mật thì bật đèn xanh cho Collins và Ely tìm người thay thế cho Bảo Đại bổ nhiệm.
Bức điện tới Sài Gòn trong lúc quân Bình Xuyên và quân của Diệm đánh nhau. Thành phố biến thành chiến trường. Lansdale nhận thức được rằng trong tình hình này, yếu tố tâm lý là tối quan trọng. Ông đã mô tả tình hình như là Diệm đã thắng mặc dầu các quan chức Mỹ tại toà Đại sứ vẫn còn hoài nghi. Lansdale đòi gửi bức điện của ông về Washington nói về chiến thắng đã gần kề. John Foster Dulles đang dự tiệc thì bức điện tới. Ông xin lỗi, cáo lui và đi thẳng tới Nhà Trắng để nói với Eisenhower. Lúc đó có làn sóng phản đối mạnh mẽ trong Quốc Hội, do Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield lãnh đạo, chống lại việc bỏ rơi Diệm. Đương đầu với sự phản đối của Quốc Hội, với bức điện nhanh chóng của Lansdale trong tay cho biết Diệm sắp thắng đến nơi, ba ngày sau Nhà Trắng đã thay đổi chính sách. Lệnh mới là huỷ bỏ bức điện ngày 27 tháng Tư nói về việc rút bỏ sự ủng hộ Diệm. Bây giờ là Hoa Kỳ phải cùng bơi hoặc cùng chìm với Diệm. Và người chìm trước tiên là Collins. Ông đã chơi cái trò nguy hiểm, đưa tới chỗ hoặc ông hoặc là Lansdale phải có một người cuốn gói ra đi. Không đầy một tháng sau, Collins xách va-li về nước, người đến thay là G. Frederick Reinhart, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Thắng lợi của Diệm đã đẩy người Pháp ở Sài Gòn tới cơn điên dại cuối cùng. Lansdale mà đi ngoài đường sẽ bị bắn chết ngay. Một người Pháp có xe giống ông mà người cũng giống ông đã bị bọn ám sát bắn chết. Bài trên báo chí Pháp mô tả Diệm là một tên đồ tề do một cố vấn Mỹ giật dây.
“Cuộc tấn công trên báo chí còn nhịn được, chứ cuộc tấn công sau đó thì nhịn không nổi”, Lansdale nói. “Một số cái đầu cay cú trong đám người Pháp ở Sài Gòn đã bắt đầu một cuộc khủng bố người Mỹ ở Sài Gòn. Chúng ném lựu đạn vào sân nhà người Mỹ. Ôtô của người Mỹ bị giật mìn hoặc bị gài lựu đạn”.
Lansdale thu thập tin tức xem ai đứng đằng sau vụ này. Té ra đó là đại tá người Pháp trong phái bộ huấn luyện quân sự hỗn hợp và một số thuộc cấp của ông ta. Lansdale tới gặp ông ta, nói cho ông ta biết rằng ông biết ai đứng đằng sau những vụ nổ, và nói “Xin ông nhớ cho là ông đang ở xa mẫu quốc tới hàng vạn dặm. Cái gì sắp xảy đến cho ông còn tuỳ cách ông xử sự từ nay về sau đấy”.
Đêm hôm đó, lựu đạn nổ bên ngoài khu vực cư trú những người Pháp tình nghi là khủng bố. Đại tá Pháp bị Lansdale đe doạ đã phản kháng với toà Đại sứ Mỹ và hôm sau Lansđale đã bị gọi lên. Ông ta vẫn không hề tỏ ra hối lỗi. Ông nói cho Đại sứ mới biết tin có ba sĩ quan Pháp trẻ tuổi đã bị cảnh sát Việt Nam bắt quả tang có chất nổ trên xe gíp và một bản danh sách những mục tiêu Mỹ trong túi. Lansdale đã được lịnh chấm dứt cuộc chiến tranh du kích của ông.
Trong cuộc chiến tranh lựu đạn này, Lansdale được sự giúp đỡ của Lou Conein và những người trong nhóm ông rút khỏi Bắc Việt Nam theo những quy định của Hiệp định Genève. Lou Conein làm giảm nhẹ vai trò của mình trong vụ này, ông nói. “Tôi chỉ là người liên lạc của Lansdale thôi, liên lạc với những người ông ta muốn tôi nói chuyện”. Những người biết Conein, không ai ngờ có lúc ông ta lại khiêm tốn lạ thường như vậy.
Elyette còn nhớ một sự kiện thời đó làm cô hết hồn. Lou không bao giờ cho vợ biết việc mình làm. Cô bao giờ cũng chỉ được tiếp xúc với khía cạnh Pháp trong con người ông, khía cạnh Conein khéo kín tiếng và khéo xử, khía cạnh một con người thích ăn ngon, thích uống rượu ngon. Lansdale có một căn hộ xinh đẹp có của thông ra vườn trên mái nhà nhưng Elyette và Lou chưa bao giờ ăn tối với Lansdale. Lansdale không quan tâm tới ăn uống còn Elyette và Lou thích hưởng thụ những món ăn ngon của Pháp tại các tiệm ăn Sài Gòn. Thỉnh thoảng Lou lại đeo cái hoa hồng nhỏ của Bắc Đẩu Bội tinh và Elyette cảm thấy có nhiều cặp mắt liếc nhìn họ. Cô cảm thấy tự hào. Một hôm sau khi họ đi ăn tối thì sự cổ xảy ra.
“Vào khoảng chín giờ đêm”, Elyette kể lại. “Chúng tôi đang chạy xe chậm chậm qua nhà Đại sứ Mỹ. Lou cầm lấy cái đó - tôi không biết cái gì, cái gì đang rít lên - ném đi. Bùm! Anh đã ném một trái lựu đạn vào sân vườn Đại sứ. Tôi không thể tin nổi điều đó. Tôi nói, “Sao vậy, Lou? Anh điên rồi!” Anh nói, “Đó là lệnh của Lansdale!” Chúng tôi tránh xa nơi đó và cũng may là không có ai theo chúng tôi cả. Tôi đã từng trông thấy nhiều chuyện trong đời rồi, nhưng tôi là một người đúng mực. Nhưng Lou thì lại rất hấp dẫn, anh bao giờ cũng có những cái mới lạ”.
Nhìn lại chuyện cũ, Elyette cho rằng Lou đã ném lựu đạn vào nhà ở của Đại sứ Mỹ đề cảnh cáo ông này hãy tăng cường bảo vệ an ninh cho cá nhân ông, và thực tế, mấy hôm sau hàng rào đã được nâng cao lên. Nhưng trong lúc các sĩ quan Pháp ném lựu đạn vào nhà người Mỹ thì Lansdale lại bị cấm đánh trả. Người ta có thề nghĩ rằng Lansdale, thông qua Conein, gửi cho Đại sứ lời nhắn nhủ rằng vụ ném lựu đạn này có thể là của Pháp lắm.
Pháp thấy vậy là đủ quá rồi. Tướng Ely ra lệnh chấm dứt chiến dịch khủng bố. Đại sứ Collins thương lượng để cho người Mỹ nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm huấn luyện quân đội Việt Nam, và bây giờ người pháp đã quyết định bỏ hết tất cả. Trong một cuộc hội đàm tại Paris, từ 8 tới 11 tháng Năm, 1955, ngoại trưởng Pháp Edgar Faure nói rằng Diệm là một thằng điên, un fou, và cảnh cáo rằng Lansdale đang chơi trò nguy hiểm có thể dẫn tới thảm hoạ. John Foster Dulles không đồng ý và nói rằng sự lựa chọn duy nhất của Hoa Kỳ là ủng hộ Diệm hoặc rút lui. Tháng Năm 1956, sau khi Diệm chính thức yêu cầu, bộ chỉ huy quân sự Pháp đã giải tán, và đội quân cuối cùng của Pháp đã rời khỏi Việt Nam.
Lansdale và Diệm đã chung lưng đấu cật với nhau và trải qua hết thử thách này tới thử thách khác. Nhưng một năm sau đó thì họ lại hậm hực với nhau. Không nghi ngờ gì rằng Diệm đã đọc bài đăng trên báo nói rằng ông bị người ta coi là bù nhìn của Mỹ như thế nào. Quan hệ của họ nguội lạnh. Lansdale không được trọng vọng như trước nữa. Những nhà ngoại giao tới dinh Tổng thống không còn trông thấy ông đùa giỡn với con của Nhu như trước nữa. Lansdale đã làm việc duy nhất phải làm. Ông xin trở về Washington.
CIA cho rằng cái phương pháp cho Diệm một cố vấn đặc biệt đã mang lại kết quả nên người ta bắt đầu tìm một người thay thế cho Lansdale. Công việc này được giao cho một sĩ quan tình báo trẻ, nổi tiếng trong ngành vì đã khéo lèo lái các chính đảng ở Ý để loại đảng Cộng sản ra ngoài. Nhưng William Colby yêu cầu để cho ông hoàn thành nhiệm kỳ của ông ở Rome đã, yêu cầu đó được chấp nhận. Lansdale đã đem một chuyên viên nông nghiệp châu Á sang Việt Nam. Ông này tên là Wolf Ladejinski, một người Mỹ gốc Nga. Ladejinski đã học được cách làm việc với người Việt Nam của Lansdale và trở thành cố vấn riêng của Diệm, thực tế đã trở thành một người trong văn phòng của Tổng thống từ 1956 tới 1961, do CIA tra lương. Wesley Fishel, người bạn Mỹ lâu đời nhất của Diệm cũng làm cố vấn. Fishel đã giúp tập hợp một số giáo sư của trường Đại học quốc gia Michigan, do CIA bí mật trả lương, đến lấp đúng vào chỗ trống do Lansdale để lại, khuyến khích những thể chế dân chủ và củng cố quyền lực cho Diệm trong cuối những năm 1950. CIA cũng sử dụng phái bộ trường đại học Michigan làm cái vỏ ngoài che đậy việc họ huấn luyện cảnh sát của Diệm.
Lansdale làm việc có hiệu quả ở Việt Nam nhưng không hiệu quả bằng ở Philippines. Nhà lãnh đạo ông để lại tại chỗ đã bị tổn thương. Một phần do lỗi của Diệm, ông ta có nhiều thiếu sót quá, một phần cùng do phương thức lên cầm quyền của ông bắt buộc phải đối phó không ngừng với sự đối lập của Pháp, ảnh hưởng tới thái độ của giới thế lực ở Việt Nam đối với ông. Trong những ngày đầu ông mới lên cầm quyền, giới tri thức trong nước, quanh quẩn trong Sài Gòn như đám chim ác là, bắt đầu một chiến dịch công kích không thương tiếc chính phủ của ông làm cho một người ngoan cố như ông càng chui sâu vào tổ kén của mình. Dù tốt hay xấu, việc bây giờ Việt Nam trở thành thân chủ duy nhất của Hoa Kỳ là nhờ phần lớn ở công lao của Lansdale, con người của Không lực Hoa Kỳ/Cục tình báo Trung ương. Nhưng người Pháp, với gần một thế kỷ tạo dựng bóng ma riêng của mình, vẫn còn ở đây, nếu không phải bằng thể xác thì cũng bằng linh hồn.
Chú thích:Những cuốn sách viết về Lansdale, ngoài cuốn Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, là cuốn Người Mỹ xấu xa của Wiliam J Lederer, và cuốn Cơn sốt màu vàng của Jean Larteguy, do Xan Fielding dịch ra tiếng Anh. (chú thích của tác giả)
[ii] Cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất là cuộc chiến tranh của Pháp, gọi thế để phân biệt với cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai là cuộc chiến tranh của Mỹ.(N.D)
[iii] Tiếng Pháp trong nguyên bản - N.D.