Tháng Hai 1970, trong lúc Châu đang trốn xuống đồng bằng thì ở Los Angeles, Hoa Kỳ, Dan Ellsberg đang gửi đi bằng máy bay hai gói tài liệu mật về cuộc chiến tranh Việt Nam cho thượng nghị sĩ J. William Fulbright, Dân chủ tiểu bang Arkansas và là Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của thượng viện. Những tài liệu này, về sau được gọi là Tài liệu mật của Lầu Năm Góc, không phải gửi cho Fulbright mà cho Norvill Jones, người trợ lý lâu năm của Fulbright và là người phụ trách theo dõi vấn đề Việt Nam. Lo ngại rằng Fulbright có thể bị can hệ chính trị nếu người ta biết rằng ông đang chứa một số lớn tài liệu bí mật bị đánh cắp bất hợp pháp như vậy, Jones không nói với bất cứ ai, kể cả người chánh văn phòng của uỷ ban và người xếp trực tiếp của ông là Carl Marcy, rằng Ellsberg đang gửi những tài liệu đánh cắp đến. Sau khi gửi đi, Ellsberg gọi điên thoại cho Jones.
“Tài liệu gửi đi rồi”, Dan Ellsberg nói
“Tuyệt”, Norvill Jones đáp. “Chúng tôi có thể hoàn lại ông phí tổn được không?”
Ellsberg đã bỏ tiền túi ra mà sao chụp những tài liệu mật và ông nói với Jones rằng ông đánh giá cao cử chỉ đó. “Khoảng một ngàn năm trăm đô-la”, Ellsberg nói.
“Ồ không, chúng tôi không có khoản tiền đó”, Jones nói. “Tôi muốn nói cước phí kia”.
“Vậy thì bỏ đi”, Ellsberg nói. “Chẳng bao nhiêu, có bốn mươi lăm đô-la thôi”.
Dan Ellsberg và Norvill Jones hợp tác với nhau rất tốt nhưng sự hiểu lầm về việc hoàn lại tiền kể trên đã cho thấy có một sự hiểu lầm lớn hơn giữa hai người. Như Ellsberg đã nghĩ, ông và Norvill Jones cùng đứng về một phía trong cuộc đấu tranh; cả hai đều tìm cách chấm dứt chiến tranh Fulbright và uỷ ban đối ngoại đã trở thành đội tiền phong trong cuộc thánh chiến này ở Washington. Nhưng theo Norvill Jones thì tình hình không đơn giản. Phong trào chống chiến tranh không phải là một tập hợp toàn thế giới của giáo hội; trong đó lại có nhiều giáo phái, lạì có những người cũng tự xưng là hiệp sĩ của cuộc thánh chiến nhưng lại đánh lung tung mọi hướng - mà thường là đánh sai hướng. Ông cho rằng chỉ có lãnh tụ của ông, ngài Fulbright là đúng hướng mà thôi. Ông tin rằng trách nhiệm của uỷ ban là vạch ra một lối thoát cho những ai quan tâm sâu sắc tới chiến tranh, và chính ông đang giúp tổ chức những buổi điều trần trước quốc hội cho những người chống chiến tranh. Nhưng có một số người mà Fulbright đã nói riêng là quá lý tưởng nhưng lạc hướng thì Jones và những người khác trong uỷ ban tìm cách không cho họ tới gần. Dan Ellsberg dĩ nhiên là không thể bị đánh đống cá mè một lứa với những người phản đối chiến tranh khác, nhưng Jones lại thấy ở Ellsberg cái gì đó tiềm tàng còn nguy hiểm hơn nhiều.
“Tôi thấy ông ta giống như một ngòi pháo sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào”, Jones nói. “Vì vậy mà tôi muốn giữ một khoảng cách giữa tôi với ông ta cũng như giữa uỷ ban với ông ta”.
Norvill Jones cho rằng lập trường của uỷ ban đối ngoại về Việt Nam là khá mỏng manh về chính trị. Mặc dầu con bồ câu hay nói thẳng Frank Chuch là thành viên của uỷ ban, nhưng mũi nhọn tấn công của uỷ ban là dựa vào sự phản đối chiến tranh của Fulbright, một lập trường đã góp phần làm sụp đổ Lyndon Johnson. Trong lịch sử gần đây, chưa từng có một tổng thống tại vị nào lại bị chống đối mạnh mẽ như vậy bởi ông chủ tịch một uỷ ban của thượng viện, hơn nữa lại là thượng nghị sĩ cùng một đảng với tổng thống, và đã có thời là bạn gần gũi và trung thành. Và Jones, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Princeton, tiểu bang Arkansas, đã đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc đưa tới tình hình ấy. Hoạt động với tư cách là người phụ tá của Fulbright để hướng dẫn nỗ lực của quốc hội trong việc chấm dứt chiến tranh, Jones đã đặt cả tiền đồ sự nghiệp của bản thân mình vào đấy.
Jones đã đi theo Fulbright suốt cuộc đời hoạt động của mình, bắt đầu bằng một chân đưa tin, lúc ông mười bốn tuổi mùa hè 1944, khi Fulbright là hạ nghị sĩ ra tranh cử nhiệm kỳ thượng nghị sĩ đầu tiên. Sau khi Fulbright trúng cử, Jones về Washington theo học tại trường Capitol Page School từ sáu giờ rưỡi cho đến chín giờ rưỡi mỗi buổi sáng rồi làm người gác cổng cho thượng viện. Sau đó, ông được chuyển về văn phòng của Fulbright làm một chân tập sự vào học ban đêm tại đại học George Washington cho tới khi chiến tranh Triều Tiên, ông làm một sĩ quan hải quân lái những chiếc trực thăng từ hàng không mẫu hạm lên. Sau khi trở về Washington, ông học tiếp cho hết khoá đại học rồi vào trường luật, mãn học đúng vào lúc có sự cải tổ trong văn phòng của Fulbright nên ông được làm phụ tá pháp lý cho thượng nghị sĩ Jones đi theo Fulbright suốt cuộc vận động tái cử của ông và chỉ có người trợ lý hành chính là gần gũi với Fulbright như ông suốt bao nhiêu năm tháng mà thôi. Sự tiếp xúc gần gũi thường xuyên như vậy tạo ra sự gắn bó giữa hai người như cha con vậy.
“Sống giữa chúng tôi bao giờ cũng là “thượng nghị sĩ Fulbright”, Jones nói. “Chúng tôi không bao giờ có mối quan hệ cá nhân trực tiếp. Ông là một người theo nghi lễ, một người hào hoa phong nhã theo trường phái cũ, không thích bày tỏ tình cảm riêng tư. Mặc dầu ông thường đòi hỏi chất lượng trong công tác, nhưng ông không phải là nhà quản trị biết cách chỉ đạo nhân viên của mình đạt được điều đó. Ông là một người nóng nảy trong chừng mực nào đó nhưng lại kín đáo và tự kiềm chế, không bao giờ bày tỏ sự bực bội của mình là ngoài. Ông không bao giờ là người vỗ vai người khác, nhưng ông có khả năng làm cho mọi người ở Arkansas và mọi nơi khác kính trọng vì đầu óc của ông. Ông là một kiểu người đoan trang tề chỉnh, ăn nói thẳng thắn. Ông không đi đứng nhỏ nhẹ, ăn nói ngọt ngào như phần lớn các chính khách khác. Tất cả mọi người trong văn phòng đều kính trọng ông, bởi vì, tôi nghĩ, họ thấy ông cao hơn họ nhiều quá, tôi cũng vậy”.
Còn việc Jones trở thành chuyên viên về Việt Nam của uỷ ban đối ngoại thì chỉ là dịp may mà thôi. Ông cảm thấy mệt với văn phòng của Fulbright nên khi có một người bạn đi nơi khác thì ông hỏi Fulbright là ông có thể làm công việc của người đó được không. Trước hết, công việc của ông không có gì rõ ràng cả. Ông nói “Tôi không muốn có tiếng là người của Fulbright mà cả ngày cứ nhìn qua vai người khác”, Jones nói. “Tôi muốn được hoà vào không khí tập thể của cơ quan nên khi người theo dõi về châu Á nghỉ việc năm 1964, thì tôi được phân công làm việc đó mà chẳng biết gì về châu Á cả. Jones là một người lịch sự, tự kìm chế, mái tóc bạc trước tuổi càng tăng vẻ đẹp hoà nhã của ông, ông là một con mọt sách, định đọc tất cả những gì có thể tìm được về Việt Nam.
Không có gì khó nếu muốn vượt qua những hiểu biết của Fulbright về Việt Nam. Ông nguyên là một học giả của trường Rhodes nổi tiếng, được nhiều người coi là một trong những bộ óc thông minh nhất trong Thượng viện, nhưng hiểu biết của ông về Việt Nam có khi còn thua một sinh viên năng theo dõi các trận đánh trên báo chí. Nếu Fulbright có đọc cuốn sách nào đó về Việt Nam thì cũng không thấy ông thể hiện trong những cuộc nói chuyện. Đối với ông, Việt Nam không phải là một nước mà chỉ là một nguyên lý trừu tượng trên lĩnh vực đối ngoại. Ông chưa bao giờ đến nước này cả. Chỗ ông đến gần nhất là Thái Lan. Trong cơ quan có lần đã thảo luận xem Fulbright có nên đến vùng chiến sự không, mặc dù đó chỉ là bề ngoài, như các nhà chính trị khác đã làm. Jones, biết ý Fulbright, đã đứng về phía nhũng người phản đối chuyến đi đó.
Fulbright gay gắt bác bỏ ý kiến đi Việt Nam. “Tôi đã được mời tới đó”, ông nói. “Nhưng mấy ông có nhớ kinh nghiệm của George Romney không? Tới đó, anh không có thể làm gì khác hơn là nghe họ báo cáo. Anh không thể biết được điều gì ngoài những điều họ muốn cho anh biết”.
Nhưng mọi người vẫn nghĩ rằng Fulbright không quan tâm tới việc mục kích tại chỗ. Ông ghét những chi tiết. Ông không chỉ chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam mà ông còn chống lại cái cách suy nghĩ đã đưa Hoa Kỳ tới chỗ dính líu ở Việt Nam. Nhưng trước đây ông lại là người đã từng lên tiếng ủng hộ và thường bỏ phiếu tán thành sự can thiệp của nước ngoài vào châu Á. Nhưng thái độ ngoằn ngoèo về chính trị đó chi là thủ đoạn của một chính khách thực tiễn muốn làm vui lòng cử tri đoàn bảo thủ của mình ở Arkansas hơn là do thái độ hai mặt trong chính sách đối ngoại. Trên thực tế, Fulbright chưa hề thay đổi ý kiến của ông từ những năm một chín năm mươi, khi ông bắt đầu cho rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là kỳ quặc. Không như nhiều thành viên của Quốc hội - phần lớn các thành viên - ông có một quan niệm vững chắc nhưng khôn ngoan về vai trò của nước Mỹ trên thế giới. Đối với ông thì Việt Nam không phải là một căn bệnh, mà là sự thể hiện của căn bệnh, một kiểu như bệnh ung thư, có thể xuất hiện rồi thuyên giảm để rồi tái phát vài năm sau đó. Vì vậy ông không nói chống chiến tranh một cách hăng say như một giáo sư khoa học nhân văn, hay như một George McGovern, mà cũng không dùng những từ làm như sắp tới ngày tận thế như một người phản đối trong hàng ngũ sinh viên. Ông hình như tách mình một cách lạnh lùng khỏi những tình cảm bị khuấy động vì chiến tranh và những sự kiện hằng ngày ở Việt Nam. Ông là người bác sĩ tin rằng nhiệm vụ của mình là chữa căn nguyên của bệnh, chứ không phải chỉ chữa sự lây nhiễm gần đây trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và liều thuốc hay nhất, theo ông, là sự giáo dục, được tiêm một cách từ từ, kiên nhẫn vào mông của Quốc hội rồi từ đó mà lan ra khắp cơ thể chính trị trong nước.
Fulbright đã khôn khéo thúc đẩy uỷ ban đối ngoại đi tới chỗ chống lại chiến tranh. Ông đối xử không thật tốt lắm với nhân viên trong bộ máy của ông, không bao giờ giao du cá nhân với họ, chỉ hạn chế quan hệ với hai hay ba người trợ lý, giữ khoảng cách lịch sự với tất cả mọi người; nhưng ông đối xử hết sức tốt với các bạn đồng nghiệp trong uỷ ban, bao giờ cũng chiều chuộng thông cảm với những yêu cầu chính trị của họ, hết sức trân trọng họ. Thoạt tiên, ông gặp riêng từng thành viên trong nội các rồi gửi cho Johnson hết bản ghi nhớ này tới bản ghi nhớ khác, nói lên mối quan tâm của ông về Việt Nam. Khi ông thấy rõ rằng làm như vậy không đi tới đâu cả, Fulbright với ban tham mưu của ông mới tìm cách gây áp lực với Johnson. Cách làm là tổ chức những buổi điều trần trước Thượng viện về cuộc chiến tranh, nhưng những cuộc điều trần phải được tiến hành sao cho hợp với pháp luật, có cơ sở pháp lý nào đó, chứ không thể tự dưng tố cáo chính sách của chính quyền được.
Nhân có một dự luật về Đông Nam Á được đệ trình quốc hội vào tháng giêng 1966, Fulbright quyết định lợi dụng việc này để tổ chức những cuộc điều trần công khai, chất vấn các quan chức chính phủ về chiến tranh, những cuộc điều trần này được mọi người chú ý đến nỗi các hệ thống truyền hình đã truyền hình tại chỗ. Sau mấy ngày bị nã pháo liên tục, Tổng thống Johnson quyết định giành lại sự chú ý của công chúng từ tay uỷ ban đối ngoại bằng cách bày đặt ra một cuộc họp mặt với Thủ tướng Nam Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ tại Honolulu.
Lyndon Johnson không chấp nhận sự phản đối chính sách của mình một cách quân tử mà lại xoay ra chống Fulbright, người mà khi còn làm lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện ông vẫn gọi là “ngoại trưởng của tôi”. Fulbright kể lại “Trong một bữa dạ tiệc lớn của đảng Dân chủ, tôi đang ngồi cách Johnson chừng ba thước khi ông ta nhắc đến tôi nói rằng tôi là một người yêu nước sáng ngời và nhiều từ mỉa mai khác. Trước đó, tôi thường được mời vào Nhà Trắng để gặp riêng ông ta. Nhưng sau đó, tôi chỉ gặp ông ta cùng với những nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện mà thôi”. Mối bất hoà này rất khó chịu cho Fulbright. Vợ Fulbribht là bạn thân của vợ Johnson, thỉnh thoảng còn đi mua quà Noel giùm vợ Johnson nữa.
Các nhà quan sát ở Washington cho rằng có một nhân tố ân oán giang hồ nào đó trong sự chống đối của Fulbright đối vớiJohnson. Chính Fulbright là người đã làm cho Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc bộ mà Johnson đã lợi dụng biến thành một thứ tuyên bố chiến tranh để tiếp tục đưa quân vào miền Nam và ném bom miền Bắc Việt Nam. Nghị quyết đã được thông qua vào tháng Tám 1964, sau khi chính quyền tố cáo tàu tuần duyên Bắc Việt Nam đã vô cớ tấn công các khu trục hạm của Mỹ hai lần.
Dan Ellsberg muốn lợi dụng sự bực dọc của Fulbright về Nghị quyết Vịnh Bắc bộ để lôi kéo ông tới chỗ công bố những Tài liệu của Lầu Năm Góc trong một cuộc điều trần để, nếu không chấm dứt được chiến tranh, cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho những cố gắng chiến tranh. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với Fulbright, ngày 6 tháng Mười Một năm 1969, Dan Ellsberg không mang theo Tài liệu mật mà chỉ mang theo những ghi chú rút ra từ một tài liệu nghiên cứu về chỉ huy và kiểm tra của bộ quốc phòng trong đó cho biết rằng chính quyền nói là Bắc Việt đã hai lần tấn công các khu trục hạm của Hoa Kỳ nhưng thực ra không có cuộc tấn công thứ hai nào cả, đó chẳng qua là Johnson đã nói láo Quốc hội để quốc hội thông qua nghị quyết mà thôi.
Nói tới Dan Ellsberg thì chẳng có chuyện gì đơn giản cả. Tìm hiểu trình tự suy nghĩ của ông thời kỳ đó chẳng khác gì xếp cát trên bãi biển sau một đợt sóng. Hình như lúc đầu ông đã tính công bố những tài liệu mật vào dịp tạm ngừng hoạt động vì Việt Nam (Vietnam Moratorium) ngày 15 tháng Mười 1969, và cuộc biểu tình chống chiến tranh một tháng sau đó, hy vọng là tài liệu này sẽ gây ra cuộc nổi dậy buộc Richard Nixon phải hành động. Nhưng Nixon đã khôn khéo đưa ra một lời hứa là ông đã có một kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh trong danh dự, làm cho phong trào phản đối bị mất đà; và chính là lúc đó Ellsberg đã quay lại với Fulbright, trong một cuộc gặp gỡ do Jim Lowenstein thu xếp, Jim là một người điều tra của uỷ ban đối ngoại mà Dan đã gặp ở Việt Nam.
Norvill Jones sau đó có ghi lại buổi gặp gỡ đầu tiên ngày 6 tháng Mười Một, 1969, trong một bản ghi nhớ mật cho Fulbright: “Dan Ellsberg nói chung chung về việc quốc hội và nhân dân đã bị lừa gạt về chiến tranh và ông đề nghị cung cấp một số tài liệu mà không nói rõ là tài liệu của Lầu Năm Góc. Ông đã đưa cho chúng tôi một phong bì những ghi chú về chỉ huy và kiểm tra của bộ quốc phòng (chúng tôi đã biết có tài liệu này, do Viện nghiên cứu quốc phòng làm trong thời kỳ xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, chúng tôi đã có lúc tìm lấy) và có thể là có thêm một phần Tài liệu của Lầu Năm Góc có liên quan tới sự kiện Vịnh Bắc bộ. Ngài (Fulbright) hãy nói với ông ta làm việc với Jones và Lowenstein”.
“Việc đầu tiên của tôi là mang tài liệu về Vịnh Bắc bộ tới cho Fulbright”, Ellsberg nói. “Tôi muốn đảm bảo rằng những người ở đó sau này đừng quên mà nói rằng Fulbright chưa bao giờ thấy những tài liệu ấy”.
Ellsberg cho rằng tiết lộ những tài liệu của Lầu Năm Góc cho những cuộc điều trần như những cuộc đã được tổ chức năm 1966 thì sẽ có tác động mạnh hơn là tiết lộ cho báo chí. Trong vấn đề này ông cũng có một tính toán cá nhân. Ông thường hay nói rằng ông sẵn sàng vào tù nếu cần nhưng thật ra ông không mong làm thánh tử đạo mà cũng không muốn vào tù và ông thấy rằng tội ông sẽ nhẹ hơn nếu ông đưa tài liệu đó cho quốc hội chứ không đưa cho báo chí. Khi ông hỏi cố vấn pháp luật thì được biết khả năng ngồi tù của ông là 50% nếu quốc hội công bố tài liệu mật, 75% nếu báo chí tiết lộ và 95% nếu không ai chịu đưa ra công khai cả.
Ellsberg định đem những tài liệu liên quan đến sự kiện Vịnh Bắc bộ đề nhử cho Fulbright quan tâm tới việc công bố toàn bộ Tài liệu Lầu Năm Góc nhưng thủ đoạn này đã thất bại. Trước hết là ông hiểu sai bản chất ông Fulbright. “Điều tôi thường quan tâm không phải là họ nói dối như thế nào trong vụ Vịnh Bắc bộ, mà là Johnson nói dối như thế nào về ý đồ của ông ta”, Fulbright nói “Tôi cảm thấy bị đánh lừa về ý đồ của ông ta, về những gì ông ta nghĩ trong đầu” Việc những tài liệu về Vịnh Bắc bộ của Ellsberg phát hiện ra nhiều sự dối trá và mưu mẹo đã không cù được Fulbright. Đối với ông, những lời nói dối chỉ là những chi tiết. Điều quan trọng hơn là toàn bộ hành động của Johnson lợi dụng Nghị quyết Vịnh Bắc bộ để mở rộng chiến tranh, và Johnson, dưới sức ép ghê gớm của công luận, đã quyết định không tái tranh cử tổng thống. Ngoài ra, Fulbright đã tổ chức những buổi điều trần về sự kiện Vịnh Bắc bộ, sau khi một sĩ quan hải quân liên lạc với ông và cho biết rằng Lầu Năm Góc đang nói dối.
Ellsberg cũng hiểu sai con người của Norvill Jones, mà ông cho là “một anh chàng dễ thương, thông minh với những suy nghĩ đúng đắn về Việt Nam”. Quả thật Jones là con người như vậy, nhưng đồng thời ông ta cũng là một sinh vật chính trị từ đầu tới chân, khôn khéo như mèo rừng. Đằng sau giọng nói dịu dàng và nụ cười dễ dãi, đôi mắt lạnh lùng của Jones đang đánh giá con người Ellsberg và không lấy gì làm vui với nhưng điều thấy được. “Trong buổi gặp đầu tiên, ông nói năng mạch lạc rõ ràng nhưng có phần căng thẳng và lo âu”, Jones nói. “Ông nói nhanh và khua chân múa tay. Trông ông ta có vẻ như một người gây rắc rối”.
Theo Jones, việc này có nhiều nguy hiểm quá. Trước hết là liệu có nên để cho Fulbright dính líu vào việc sử dụng những tài liệu đánh cắp không. Tài liệu tiết lộ ra ngoài là chuyện cơm bữa ở Washington nhưng chưa bao giờ có một khối tài liệu lớn như Ellsberg đã có. Rồi còn phải tính đến những thành viên khác trong uỷ ban. Họ sẽ nghĩ sao nếu Fulbright đã nỗ lực rất nhiều để duy trì sự thống nhất trong uỷ ban, để cho các thượng nghị sĩ còn ủng hộ chiến tranh chia rẽ nhau gay gắt. Jones cũng biết rằng trong lúc này Fulbright cũng chưa muốn đối đầu với Nixon, vì nhiều lý do. Nixon nói rằng ông ta có một kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh và ông ta mới vào Nhà Trắng chưa tới một năm. Fulbright cho rằng phải tin ở lời hứa của tổng thống và cho ông thời gian để thực hiện kế hoạch của ông. Nhưng sự miễn cưỡng của ông còn một lý do ít cao thượng hơn, một lý do thực tiễn hơn. Fulbright đang gặp rắc rối về chính trị trong hạt bầu cử của ông, một phần vì những lời nói công khai chống chiến tranh của ông. Ông đã được tái cử năm 1968, chống lại một tên phân biệt chủng tộc hung dữ và vô ý thức, với một đa số không ngờ là chỉ có 54%, làm cho ban tham mưu của ông phải ớn xương sống, thấy rằng tới kỳ sau năm 1974, có thể còn được ít phiếu hơn nếu ông không có cách gì làm thay đổi tình thế.
Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon thấy cần phải tán tỉnh Fulbright trong những tháng đầu tiên vào Nhà Trắng, và Fulbright đã tiếp nhận lời tán tỉnh đó không chút e thẹn. Hai người có những điểm tương đồng về mặt trí thức. Cả hai đều có tầm nhìn rộng rãi về thế giới. Kissinger cũng vậy, và chính những năm theo học Oxford đã cho ông những bài học đầu tiên. Một số người trong ban tham mưu của Fulbright không tin Kissinger, nhưng những lời cằn nhằn của họ về mối quan hệ với người của Nixon đã được kìm chế vì họ nhận thấy rằng thủ trưởng của họ, vốn là một nhà chính trị khôn khéo, hẳn phải có lý do để giao du với con người ấy. Trong khi Kissinger tìm cách hạn chế bớt những lời chỉ trích của Fulbright đối với chính sách của Nixon về Việt Nam thì Fuìbright cũng muốn nhờ con diều hâu nổi tiếng Kissinger đến đọc diễn văn cổ động cho ông ở tiểu bang Arkansas, giúp ngăn chặn đà xuống của ông ở đó.
Trong khi Fulbright chơi cái trò có đi có lại ngầm với Kissinger, ông có để cho hai nhà điều tra của uỷ ban đối ngoại là Jim Lowenstein và Dick Moose khích động báo chí chống lại vấn đề Việt Nam để tạo cho mình một vai trò công khai trước công chúng, thực ra việc này từ trước đến nay do những người nặc danh thực hiện mà thôi. Ít có ai nghe đến tên của Norvill Jones nhưng Moose và Lowenstein đã làm cho người ta tốn nhiều giấy mực viết về họ bằng những chuyến đi đi về về của họ ở Việt Nam, rồi viết những báo cáo phê phán chiến tranh và khai thác các nhà báo, nhưng mọi người cũng công nhận vai trò nổi bật của họ trong uỷ ban đối ngoại. Họ là một nhóm làm việc tốt và bổ sung cho ban đối ngoại. Họ là một nhóm làm việc tốt và bổ sung cho nhau - Lowentein, bảo thủ, thận trọng, một mẫu mực của con nhà ngoại giao; ngược lại, Moose, nhiệt tình, năng nổ. Họ là những người biết tự động công tác và được Fulbright thừa nhận.
Gần như theo bản năng, Jones đã vạch ra một kế hoạch để lợi dụng Ellsberg mà không gây mạo hiểm chính trị cho Fulbright hay uỷ ban đối ngoại, đồng thời có vẻ như là một bước tiến logic tới Ellsberg. Thay vì công bố những tài liệu mật có thể làm cho Ellsberg gặp rắc rối, Jones gợi ý cho Fulbright viết thư cho Bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird và chính thức yêu cầu Lầu Năm Góc đưa những tài liệu mật đó cho uỷ ban đối ngoại. Dù cho Melvin Laird trả lời cách nào thì uỷ ban cũng có lợi cả.
Jones kể lại rằng “Suốt trong thời gian ấy, có một trò chơi giống như là bóng bàn đánh qua đánh lại giữa ngành hành pháp và uỷ ban đối ngoại. Chúng tôi sử dụng bất cứ vũ khí gì chúng tôi có được để làm cho người ta nghĩ rằng chúng tôi không được thông tin, muốn làm cho mọi người thấy rằng uỷ ban bị bưng bít thông tin cần thiết để ra quyết định”.
Nhưng Ellsberg lại không hiểu được ý đồ đó. Như có thể thấy trước, Melvin Laird từ chối đưa tài liệu cho uỷ ban đối ngoại mặc dầu đã có bốn bức thư yêu cầu có chữ ký của Fulbright. Ellsberg sốt ruột thấy ngày tháng trôi qua mà chẳng thấy điều trần đâu cả, đã quyết định bỏ rơi ý định lôi Fulbright vào cuộc và gửi hầu hết tài liệu Lầu Năm Góc cho Norvill Jones vào tháng Hai 1970.
Jones nói “Tôi không hiểu tôi đang có cái gì nữa, thật đấy, đó là hằng trăm tài liệu đã phôtô lại. Tôi mang một số về nhà đọc khi đi ngủ”.
***
Trong lúc Dan Ellsberg gửi Tài liệu của Lầu Năm Góc cho uỷ ban của Fulbright, Trần Ngọc Châu đang nhắc với Keyes Beech của tờ Los Angeles Times là ông muốn gặp. Ông tin Beech. Ông đã trốn trong nhà Beech, tránh cảnh sát của Thiệu trước khi John Paul Vann và Ev Bumgardner đưa ông từ Sài Gòn đi Cần Thơ và bây giờ Châu muốn hỏi ý kiến của Beech xem ông phải làm gì. Trong đoàn báo chí nước ngoài ở Sài Gòn thì Keys Beech là một cực đối lập với các nhà báo trẻ cứ theo dấu chân của David Halberstam và Neil Sheehan và công kích chiến tranh. Beech, năm mươi bảy tuổi ngăn nắp gọn gàng, đeo kiếng, đầu hói, với một nhúm tóc bạc, là một trong những nhà báo trên bốn mươi tuổi đã viết bài về Việt Nam nhiều năm theo kiểu đi đi về về khi Halberstam và Sheehan, trong lứa tuổi hai mươi của họ đến đây làm hai phóng viên thường trú đầu tiên. Quê ông ở Tennessee, Beech đã làm phóng viên chiến tranh trong thuỷ quân lục chiến, đã chứng kiến các trận đánh ở Tarawa và Iwo Jima, và sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đã được tặng giải Pulitzer, lúc còn làm phóng viên cho báo Chicago Daily News, sau đó chuyển qua làm cho Los Angeles Times.
Keyes Beech nói: “Tôi biết Dave và Neil trong những ngày chiến tranh còn chưa lan rộng. Tôi cứ đi qua đi lại giữa Tokyo và Sài Gòn, mấy anh ấy rất vui tính và có ích cho chúng tôi. Họ để một tập bài viết trong cơ quan cho các phóng viên báo khác tự do sử dụng, không những thế các phóng viên khác còn được khuyến khích đến nơi và sử dụng nữa, họ làm như vậy rất khôn ngoan, bởi vì họ được toàn bộ đoàn báo chí làm việc cho họ. Mal Brown cũng là một phóng viên thường trú khác, nhưng Dave và Halberstam làm việc rất mật thiết với nhau. Cả hai anh đó tin rằng Diệm phải ra đi mới được. Halberstam bao giờ cũng tỏ ra rất dứt khoát trong những chuyện như vậy.
“Tôi nói với các anh ấy. “Được lắm, tôi chỉ muốn nhắc các anh một điều. Tôi đã viết bao nhiêu chuyện bẩn thỉu tồi tệ về Diệm trong khi các anh còn mài đũng quần ở trường Harvard. Mặt khác, nếu có điều gì tôi đã học được sau bao nhiêu năm ở châu Á, đó là anh không thể lật đổ một chánh phủ nếu anh không có sẵn một cái gì đó cũng tốt bằng hoặc tốt hơn chờ sẵn ở cánh gà để thay thế. Đó là lập trường của tôi. Nếu không phải Diệm thì ai? Ông ta là một người quốc gia thực thụ. Người ta mời ông ta về là vì thế”.
“Ở đây không có vấn đề gì, nhưng tôi là một người hết sức bảo thủ”, Beech nói thêm “Nhưng cái tôi khác với nhiều phóng viên khác, nhiều người trong đám họ trẻ đến nỗi có thể làm con của tôi, là ở chỗ này tôi biết cuộc chiến tranh này rất lâu trước khi tôi tới Việt Nam”
Beech là người cứng cỏi và ăn ngay, nói thẳng, nhưng dễ thương và thường hay được đoàn báo chí ngoại quốc ở đây ái mộ. Ông lúc nào trông cũng mạnh khỏe và cũng mạo hiểm như tất cả mọi người. Ông thường ăn uống vui vẻ với họ, mặc dầu có điều không thể tránh khỏi là, một khi chiến tranh đã thành một đề tài tranh luận ở trong nước, các phóng viên vứt bỏ thái độ “khách quan” bề ngoài của họ, có khi ông phải tranh cãi với các phóng viên trẻ.
Ông nói “Ôi, bọn tôi cãi nhau hoài. Tôi chắc rằng nhiều người coi tôi là lão già hủ lậu. Tôi chắc rằng nhiều người coi tôi là lão già hủ lậu. Tôi theo dõi cuộc chiến tranh này lâu hơn họ. Vào một buổi tối một phóng viên rất trẻ của tờ Washington Post, nói “Tôi bất cần cái thế hệ chết tiệt của ông, tôi chỉ cần đưa thế hệ của tôi ra khỏi đây thôi”. Cảm tưởng của tôi là nếu chúng ta có thể kiềm soát được tiến trình cuộc chiến tranh, nắm chắc được nó, có thể có cơ may thay đổi chính phủ Sài Gòn bằng một chính phủ tốt hơn. Nhưng nếu để cho cộng sản thắng thì chẳng còn cơ may nào nữa”.
Thái độ bảo thủ của Beech làm cho ông không được lòng các phóng viên nước ngoài ở Sài Gòn, nhưng lại được lòng phái bộ quân sự Hoa Kỳ và được họ cung cấp tin tức. Ông là một trong số ít nhà báo được phép tới lui với đại sứ và người Chi cục trưởng của CIA. Frank Snepp, nhà phân tích tình hình của CIA, thân cận với Chi cục trưởng Ted Shackley, tin rằng Keyes Beech và một số ít nhà báo khác đã bị sứ quán, đặc biệt là CIA, lợi dụng mà không biết.
“Có ba nhà báo - Bod Shaplen, Keyes Beech và Bud Merick - có mối quan hệ thân mật bên trong sứ quán không thể tưởng được”. Frank Snepp nói. “Tôi không muốn gợi ý rằng họ không phải là những nhà báo tốt. Nhưng sau khi nói chuyện với Shackley, họ lại đến sứ quán khác, sứ quán Anh, chẳng hạn. Họ không biết rằng chúng tôi có tổ chức những buổi báo cáo tình hình cho các sứ quán, cho nên khi đến đó, họ lại nghe những tin tức của chúng tôi. Shackley có cái thiên tài là làm cho nhà báo tin rằng họ đã được ông ta tin cậ”’.
Những lời tố cáo của Frank Snepp, đưa ra sau khi chiến tranh chấm đứt, đã tạo ra bất bình với các nhà báo bị ông chỉ trích “Beech nói, “Snepp với tôi - được, tôi coi anh ta chỉ là một thằng vô đạo đức, một tiếng nói láo chó đẻ. Anh ta biết tôi nghĩ gì về anh ta và tôi cũng biết anh ta nghĩ gì về tôi”.
Quan hệ giữa Keyes Beech với Ted Shackley, mặc dầu là không bình thường trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng không có gì khác với quan hệ mà nhiều nhà báo lớn tuổi đã có đi có lại không nói ra giữa họ với nhau mà không bên nào biết cả. Những nhà báo lớn tuổi như Beech không phân vân do dự như các bạn trẻ của họ trước sự xung đột có thể có giữa một bên là đòi hỏi của lòng yêu nước và một bên là yêu cầu của nghề nghiệp. Robert Shaplen, của tờ The New Yorker chẳng hạn, phóng viên và tác giả của nhiều cuốn sách có ảnh hưởng lớn về Việt Nam, một người trong thế hệ của Beech, sau chiến tranh đã tiết lộ rằng đã bí mật trực tiếp dính líu vào một mưu toan không thành để giải thoát tù binh chiến tranh của Mỹ năm 1966, theo lời yêu cầu của đại sứ lưu động Averell Harriman.
“Tôi có mối quan hệ nghề nghiệp với Ted Shackley”, Keyes Beech nói. “Ông ta rất hữu ích cho tôi. Tôi nghe một số người chỉ trích ông ta, và một số người khác ghét cái thói ăn uống của ông ta, nhưng tôi chưa hề nghe ai nói là ông ta ngốc nghếch cả. Ông ta là nhà tình báo giỏi nhất mà tôi biết được. Tôi không phải là người có quyền trong lĩnh vực này, nhưng tôi đã biết chín người đứng đầu cơ quan tình báo ở Sài Gòn, bắt đầu từ Bill Colby và kết thúc với Tom Polger. Có ba hay bốn lần tôi biết là Ted Shackley định lợi dụng tôi theo cái nghĩa là muốn tôi viết bài theo kiểu nào đó, theo một quan điểm nào đó. Tôi nói với ông ta. “Tôi không viết cho ông. Tôi đang viết cho báo của tôi”. Đồng thời, tôi cũng không nghi ngờ gì rằng Shackley cho rằng tôi cũng là con người có ích để ông ta làm quen. Nhưng tôi hoàn toàn biết rõ tôi đang làm gì. Rất nhiều khi chúng tôi có những bất đồng lớn với nhau, đặc biệt là về Châu, thường là dẫn tới chỗ chúng tôi không đến với nhau nữa”.
Beech gặp Châu lần đầu tiên khi Châu làm tỉnh trưởng Kiến Hoà. Điều duy nhất mà Beech nhớ được về cuộc gặp gỡ là Châu bất hoà với cố vấn Mỹ của ông ta, một Trung tá. Cố vấn này không đồng ý với chiến thuật của Châu và nói với Beech: “Châu nghĩ rằng muốn thắng cuộc chiến tranh này thì phải lôi kéo dân chúng chứ không phải bắn họ”. Cho mãi tới cuối những năm một chín sáu mươi Beech mới thực sự biết Châu.
“Tôi thích Châu”, Beech nói. “Tôi nghĩ rằng Châu là một trong những bộ óc độc đáo hiếm có thực sự muốn làm cái gì đó cho chiến tranh. Ông ta thực sự là một người khó chơi, người gốc Huế, thuộc tầng lóp trên, nhưng ông ta đáng cho chúng ta chú ý và sử dụng”.
Khi Ev Bumgardner, một quan chức làm việc trong chương trình bình định liên lạc với Beech và hỏi Beech xem có cho Châu lẩn tránh mấy hôm được không thì Beech đồng ý ngay. Có ai nghĩ ra chỗ nào trốn tốt hơn nữa không? Nhà của Beecb ở số 10 đường Alexandre de Rhodes, ngay trước mũi Thiệu, chỉ cách dinh độc lập có nửa khối nhà. Ted Shackley là người khác thường đến ăn trưa, nhưng nhà tình báo đa nghi này cũng không hề biết bí mật của Beech.
“Một hôm Shackley đến ăn trưa lúc Châu cũng có ở đấy”, Beech nói, “tôi buồn cười nghĩ rằng mình đang giấu Châu ở buồng bên cạnh và ông ta có thể nghe trộm tất cả câu chuyên của chúng tôi nếu ông muốn”.
Beech bắt đầu đưa vào ý kiến của Châu mà viết bài. “Ông ta kể cho tôi nghe có hai người của CIA đề nghị cung cấp tiền cho Châu lập một chính đảng, với điều kiện chính đảng đó phải ủng hộ Thiệu nhưng ông ta không chịu làm việc đó”, Beech nói. Châu còn tiết lộ nhiều tài liệu về CIA cho Beech, và Beech cho rằng Châu nói sự thật. “CIA có một số ý kiến khá cụ thể về những gì ông ta phải làm nhưng đó là những điều không nhất thiết ông ta muốn làm”.
Beech tới sứ quán nói chuyện riêng với Đại sứ Bunker và Shackley. “Tôi nói với họ rằng đúng là Châu có một người anh là tình báo của Cộng sản. Nhưng việc đó không sao cả. Tôi lập luận rằng nếu một người có anh hay chị hay bố hay mẹ ở phía bên kia đều bị bỏ tù cả thì khắp Nam Việt Nam này sẽ không đủ tù để nhốt họ đâu. Tôi cũng nói rằng chẳng có gì chứng minh rằng Châu là nhân viên của Cộng sản cả, mặc dầu ông ta có thương ông anh thật. Nhưng nói vậy chứ tôi có cảm giác là họ không nghe tôi.
“Một số bài viết của tôi, đặc biệt là bài nói về việc CIA cố gắng lôi kéo Châu lập một chính đảng, đã gây ra nhiều phản ứng ở Washington, và Thượng nghị sĩ Fulbright đã đem ra sử dụng. Việc đó cũng gây ra một số chuyện khó chịu cho CIA và đặc biệt là cho Shackley. Ông ta rất giận tôi. Nhưng giận như vậy không đúng”.
Tuy nhiên, Beech cũng bắt đầu cảm thấy có chuyện nguy hiểm. Các phóng viên khác đã nhận được lời khiển trách của các ban biên tập hỏi họ vì sao họ lại không nắm được những chuyện mà Beech đã biết. Terry Smith của tờ New York Times gọi điện thoại cho Beech nói. “Ông hình như giữ độc quyền ông Châu thì phải. Tôi không biết muốn mượn ông ta ít lâu có được không”. Beech cười đáp “Được nếu ông hứa dùng xong sẽ trả lại”. Nhưng Beech biết rằng nếu đã có nhà báo khác nghĩ rằng ông đang giấu Châu thì không lâu sau đó Thiệu và sứ quán sẽ nghĩ như vậy.
“Tôi bắt đầu hơi quan tâm”, Beech nói. “Không phải lo cho tôi mặc dầu về lý thuyết họ có thể tống cổ tôi về nước. Nhưng tôi đâu có giấu một người đang chạy trốn bởi vì Châu đã bị tố cáo đâu. Tôi lo cho anh bếp của tôi, cho bà vợ và tám đứa con của anh, vợ chồng anh sống sau lưng nhà tôi. Cảnh sát của Thiệu có thể làm nhiều chuyện bậy bạ cho anh ta. Tôi phải gọi cho Ev Bumgardner nói rằng chúng đang tìm cách đến bắt Châu”.
Sau khi Bumgardner và Vann đưa Châu xuống đồng bằng, Châu liên lạc với Beech và yêu cầu Beech bay xuống Cần Thơ. Vann biết Beech đang đi tới. Beech nói rằng “Tôi không phải người ngưỡng mộ Vann, bởi vì Sheehan, Halberstam và Browne đã nhận Vann như một người trong bọn họ và tôi không thích xí phần vào đó”. Tuy nhiên, Beech cũng thừa nhận rằng Vann là một người dũng cảm. Vann đã giấu Châu trong ngôi nhà của Mỹ, chỉ cách văn phòng CIA ở Cần Thơ có hai cánh cửa. Vann báo cáo cho Beech nghe kế hoạch của ông nhằm đưa Châu khỏi Việt Nam.
Vann sẵn sàng giúp Châu trốn đi nhưng ông không biết đó có phải là phương kế tốt nhất hay không, và Châu muốn hỏi Beech xem Beech nghĩ sao. “Châu nói với tôi “Ông Vann không muốn cho tôi bỏ đi”, Beech nói. “Nếu bây giờ tôi bỏ đi”, ông nói. “Tôi bất quá cũng như một người bất mãn lưu vong khác và người ta sẽ mau chóng quên tôi. Nhưng nếu tôi ở lại và chiến đấu thì tôi có thể bị giết hay bỏ tù. Dĩ nhiên, đây là cuộc sống của tôi và sự lựa chọn của tô”.
“Đúng vậy”, tôi đáp. “Đây là sự lựa chọn của ông. Và không ai có thể làm thay ông cả. Thật là đơn giản. Dù cho ông ở hay ông đi cũng vậy”