Dù khuyết điểm như thế nào David Halberstam chưa bao giờ bị cho là quá khôn khéo cả. Cái đêm anh đến Sài Gòn 1962, anh đã dự bữa tiệc tiễn François Sully, phóng viên của báo Newsweek, người Pháp, bị tống ra khỏi Việt Nam vì đã xúc phạm bà Nhu. “Cái nổi bật nhất trong buổi họp mặt hôm ấy”, Halberstam nhắc lại, “là bầu không khí làm tôi nhớ lại rất rõ những ngày tôi làm phóng viên ở Mississipi: Tất cả chúng tôi đều như người ngoài cuộc. Ở đó không có ai ở sứ quán hay của phái bộ quân sự Mỹ cả - cũng giống như những cuộc họp mặt của các phóng viên ở Mississipi không bao giờ có mặt những người lãnh đạo của phòng thương mại, ông thị trưởng hoặc ông chánh án”. Halberstam đã nhanh chóng cảm thấy rằng đây lại là một trường hợp mà các phóng viên chống lại lũ người thô lỗ (redneck). Điều đó hình như đã được chứng minh khi anh nói chuyện với các quan chức toà đại sứ và phát hiện ra, sau này anh đã tả lại trong cuốn Tạo ra bãi lầy, rằng “họ không chút nào buồn phiền về chuyện François phải ra đi cả. Như một quan chức cao cấp nhất tại toà đại sứ thời bấy giờ nói với tôi, anh ta chẳng qua chỉ là một thằng chân đen (pied noir), một từ xúc phạm gần giống như nói anh ta là một đứa con lai vậy”.
Thực ra, chữ pied noir không hẳn có nghĩa như vậy. Quan chức Mỹ thực ra nói ngụ ý François Sully là một người thô lỗ và những người của sứ quán là những người tử tế. Sự hiểu lầm của Halberstam về cái bản thân nó cũng là một sự hiểu lầm của các quan chức, tượng trưng cho tình hình quan hệ giữa báo chí với phái bộ quân sự, cả hai bên đều coi bên kia là thô lỗ, và không bên nào hiểu thật rõ rằng chữ đó có nghĩa gì.
Chữ pied noir (chân đen) chỉ một người Pháp sinh ra ở Algéria - chân anh ta ở Algéria, chắc người ta muốn nói vậy - một người có thể vừa pied noir vừa thô lỗ (redneck), nhưng cũng có người vừa pied noir vừa được giải thưởng Nobel văn chương, Albert Camus chẳng hạn.
Trong trường hợp này, giới báo chí, tính theo tầm ảnh hưởng của họ ở Hoa Kỳ, gồm có David Halberstam của tờ New York Times, Malcolm Browne của Associated Press (AP) và Neil Sheehan của United Press International (UPI). Họ còn tương đối trẻ - Halberstam và Sheehan khoảng hai mươi lăm tuổi, Browne lớn hơn một chút - nói chung là chưa được thử thách. Vì sao ba phóng viên còn trẻ mà đã đóng vai trò to lớn như vậy trong tiến trình chiến tranh Việt Nam, người ta có thể quy cho một đặc điểm trong nghề nghiệp của họ. Trong thế giới kinh doanh đầy những bất trắc tài chính, cần có những quyết định thận trọng thì công việc phần lớn do những người lớn tuổi dày dạn kinh nghiệm đảm trách. Nhưng trong nghề làm báo thì điều ngược lại mới đúng. Phản ánh một câu chuyện đột xuất là một việc đòi hỏi cá nhân phải chịu đựng gian khổ, thoát ly gia đình, đòi hỏi phải có nghị lực và tinh thần dám nghĩ dám làm mà một nhà báo trên bốn mươi tuổi ít khi có được.
Dù sao đi nữa thì cũng ít có phóng viên trẻ nào có sức tác động đến tình hình như Halberstam, Browne, và Sheehan. Trước khi họ đến, chiến tranh ở đây được phản ánh bởi những nhà báo đã ngoài bốn mươi: từ những văn phòng của họ ở Hongkong hay những địa điểm cố định khác, hoặc do những người địa phương như François Sully, đã sống ở Việt Nam mười bảy năm và đã bắt đầu với một chân nghiệp dư. Những tay ký giả kỳ cựu ở châu Á bay đến Sài Gòn, phỏng vấn những người quen biết của họ ở sứ quán Mỹ hoặc trong đám chính khách Việt Nam và trở về nhà của họ mà viết bài trong khung cảnh yên lành. Các nhà báo đi đi về về như vậy không có khả năng trực tiếp dính líu cá nhân với câu chuyện họ phản ánh và thường là họ phản ánh quan điểm của các quan chức sứ quán Mỹ là những đầu mối quan hệ của họ, và trên thực tế, là chỗ làm ăn của họ. Nhưng sau cuộc đảo chính thất bại của Nguyễn Chánh Thi năm 1960, tiếp theo là thảm hoạ ở Vịnh Con Lợn của Cuba năm tháng sau đó, mối quan tâm đến Việt Nam đã khiến cho các cơ quan báo chí mở văn phòng với các phóng viên thường trú ở Sài Gòn.
Halberstam, Browne và Sheehan là ba người còn trẻ mà học cao, điều không bình thường đối với ba phóng viên đến một nơi được coi là chưa có chuyện gì xảy ra. Halberstam tốt nghiệp trường đại học Harvard, làm chủ nhiệm tờ Crimson của trường, Sheehan cũng tốt nghiệp Harvard, và Browne đã tốt nghiệp trường Swarthmore. Nói theo nghĩa nào đó thì họ là những người giỏi nhất và thông minh nhất() trong các phóng viên trẻ ở Sài Gòn, họ rất tin tưởng ở những việc đang làm, đó là những con người xông xáo nhất, lúc nào cũng nhiệt thành - và tất cả đều hiểu rằng họ sẽ bị thay thế, sự nghiệp của họ sẽ tiêu ma, nếu họ không bắt được mạch đập của thời cuộc.
Vì hãng Associated Press cung cấp tin cho hầu hết các báo hàng ngày ở Mỹ nên có thể nói rằng Malcolm Browne là người có ảnh hưởng tới tình hình nhiều nhất. Sau đó là người của hãng tin kia, Neil Sheehan, người Ái Nhĩ Lan có phong cách hoà nhã, lúc nào cũng như lơ đãng đâu đâu vậy. Tuy nhiên, chính David Halberstam mới là con người nổi bật trong nhóm ba người.
David Halberstam đến Sài Gòn vào thời điểm hội tụ của lịch sử chiến tranh và của tờ New York Times. Lúc đó John F. Kennedy đã bác bỏ yêu cầu của tướng Maxwell Taylor xin đưa quân Mỹ vào Nam Việt Nam nhưng chấp nhận từng bước tăng cường viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam, cung cấp cho họ khoảng ba mươi trực thăng Chuối Bay CH-21 cùng với phi công để đưa quân đội của họ đi chiến đấu cùng với mấy cái máy bay ném bom phóng pháo cũ kỹ để yểm trợ trên không. Để điều khiển việc này, một tổ chức quân sự mới được thành lập - Bộ chỉ huy viện trợ quân sự, Việt Nam (MACV) - do tướng Paul Harkins cầm đầu, vài tháng trước khi Halberstam tới.
Cũng trong thời gian này, tờ New York Times đang lên tới đỉnh cao ảnh hưởng của nó, tràn ngập các hệ thống vô tuyến truyền hình, bằng hàng loạt tin tức và bài vở mới của họ. Vài năm trước đây thì tình hình ngược hẳn, không phải là hiếm hoi khi thấy các phóng viên báo Times phải ngồi trước máy vô tuyến mà ghi tin tức. Nhưng từ khi Halbestam tới Sài Gòn thì chính tờ đã giúp đỡ rất nhiều cho các hệ thống truyền hình lên chương trình tin tức của họ, và như vậy là cho cả nước Mỹ. Những người nắm đòn bẩy các phương tiện truyền thông ở Mỹ đã dành cho tờ Times sự kính trọng cao nhất, tờ báo quán quân của đất nước.
Với Halberstam, tờ Times đã có được một phóng viên không sợ phải đặt một chương trình nghị sự cho riêng mình. Cao một thước tám mươi, vai ngang làm cho anh trông càng lớn con, càng có vẻ được việc và cương quyết. Trong khi các nhà báo nói chung chưa bao giờ nổi bật về tính dễ bảo thì Halberstam lại được thúc đẩy bởi cái tôi sáng như ánh chớp của anh. Anh đã từng viết về cuộc chiến ở Congo và từ đó mà đến Việt Nam, không dễ gì để cho ai bắt nạt. Anh có ý định sẽ viết về Việt Nam trong tinh thần hoàn toàn độc lập.
Thái độ công kích mãnh liệt trong các bài phóng sự của Halberstam, cũng như của Browne và Sheehan, không phải là thái độ chống chiến tranh dưới bất cứ ý nghĩa nào. Về căn bản, điều các anh nói là cuộc chiến đã diễn ra tồi quá. Trên thực tế, họ đang thực thi chức năng phê phán của báo chí hiện đại, với sự hiểu ngầm là nếu mọi việc đều tốt đẹp cả thì chẳng cần phải viết nhiều làm gì. Việc đó đã dẫn họ đến một cuộc xung đột tư tưởng với những con người như William Colby và Stuart Methven, những con người cũng học hành đàng hoàng như họ, cũng hiểu biết Việt Nam chẳng kém gì các nhà báo, và tin rằng, với tất cả mọi vấn đề phức tạp, cuộc chiến đấu chống cộng vẫn đang tiến triển, và cho rằng phê phán nhiều quá có thể phản tác dụng. Nói rút lại, vào lúc bấy giờ chiến tranh tiến triển tốt hay không chỉ là vấn đề cách hiểu, cách giải thích mà thôi, bởi vì người ta có đầy đủ sự kiện để chứng minh cho bất cứ quan điểm nào. Nhưng quan điểm được chú ý rộng rãi nhất vẫn là quan điểm của các nhà báo, như mọi người, trừ những người ngây thơ nhất, đã biết.
Chính trong không khí đó, các quan chức chính phủ đã tung ra một chiến dịch làm mất uy tín những bài viết của Halberstam, Browne và Sheehan. Lời tố cáo dễ nhất đối với họ là nói rằng họ còn trẻ và chưa có kinh nghiệm và “muốn tạo cho mình một tên tuổi”, mà thực ra cũng có như vậy thật. Đâu có ai hỏi một nhà kinh doanh trẻ vì sao ông ta lại kiếm tiền, việc tạo ra cho mình một tên tuổi đối với nhà báo cũng vậy thôi, và không phải vì vậy mà các phóng viên lại đánh mất tính trung thực của họ như các quan chức chính phủ muốn ám chỉ đâu.
Nhưng chọc giận các nhà báo hơn cả là cái chiến dịch đặt vấn đề về lòng can đảm của họ. Học đòi theo Ngô Đình Diệm là người chế giễu phe đối lập của mình là “Nhóm Caravelle” các quan chức của toà đại sứ và phái bộ quân sự nói rằng các phóng viên lấy tài liệu để viết bài ở quán rượu trên tầng chín của khách sạn Caravelle, từ những người Việt Nam thân Pháp cứ la cà ở đấy, chứ ít khi dám mạo hiểm đi về miền quê nơi dễ gặp chuyện nguy hiểm. Chủ đề này được nêu lên bởi các nhà báo lớn tuổi đến thăm xứ này như Joe Alsop và nói lại với các nhà báo ở nhà.
Làm phóng viên trong một cuộc chiến tranh mà lại bị giới quân sự chê là chết nhát thì chẳng khác nào chơi đàn pianô trong một nhà thổ và bị bọn con gái chê là bất lực, với tất cả những cái nháy mắt và cười điệu kèm theo. Một số phóng viên vì sợ bị đánh giá là hèn nhát đã lao vào những hành động mạo hiểm đã kết thúc trong túi đựng xác, vì vậy mà làm cho nhiều người phân vân; và một số ít nhà báo không quan tâm đến việc bảo đảm an toàn bản thân, coi nhẹ vấn đề lòng can đảm. Vấn đề đã lên tới cực điểm khi tạp chí Times, do một người chủ nhiệm rất diều hâu là Otto Fuenbringer lãnh đạo, cho đăng một bài tố cáo các nhà báo ở khách sạn Caravelle, khiến cho phóng viên của báo đó ở Sài Gòn là Charles Mohr, cùng với một người bạn khác của Halberstam, từ chức để phản đối. Mohr không phản đối chiến tranh; trái lại, anh vẫn tin rằng ý nghĩa cuộc chiến này là đúng đắn, mãi về sau này, khi một số đồng nghiệp của anh đã thay đổi quan điểm, anh vẫn tin như vậy. Như sự từ chức của anh ở báo Times đã chứng minh, cuộc đấu tranh giữa báo chí và phái bộ quân sự Hoa Kỳ đã vượt qua đường ranh ý thức hệ.
Trong trường hợp riêng của Halberstam, còn có dư luận rằng anh đã bật khóc hu hu khi trông thấy một đống xác chết trong một cuộc hành quân ở nông thôn, đây là sự nhục mạ lớn nhất theo quan điểm của một quân nhân. Halberstam, một người Do Thái thị dân, đã từng viết về hai sự kiện đầy xác chết - cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của người da đen ở miền Nam nước Mỹ và cuộc chiến tranh ở Congo - thì đáng lẽ không phải chịu những lời phỉ báng như vậy - mà thật ra anh đâu có làm như vậy. Nhưng cứ mỗi lần bị đả kích thì bài viết của anh càng phê phán kịch liệt hơn, và anh đã tỏ ra rất tự hào khi chính John F. Kennedy đã yêu cầu ông chủ nhiệm báo New York Times đưa anh đi khỏi Sài Gòn, nhưng bị ông này từ chối.
“Tất cả chúng tôi đều là hiện thân của cuộc đấu tranh”, Neil Sheehan nhớ lại. “Nhưng Halberstam là người hiện thân nhiều hơn cả”.
Nhưng cũng đúng khi người ta tố cáo rằng các phóng viên ở Sài Gòn nhiều hơn là ở nông thôn, nơi chiến tranh đang diễn ra. Cái đó một phần do tính chất cuộc chiến tranh. Trong Thế Chiến II và trong Chiến tranh Triều Tiên các phóng viên được cử đến nằm tại các đơn vị lớn của Mỹ và ở đó luôn. Họ bị buộc phải đi theo đơn vị đó mà viết bài, đưa tin. Nhưng viết về một cuộc chiến tranh du kích với những cuộc chạm súng không chừng không đỗi thì làm thế nào? Đó là một vấn đề các phóng viên đã đặt ra khá lâu, cả khi Halberstam đã đi rồi. Hơn nữa, các phóng viên viết bài về chiến tranh trong những ngày đầu không có máy bay và trực thăng chở các phóng viên đi khắp mặt trận như sau cuộc đổ bộ lớn năm 1965, mà họ tự tìm lấy phương tiện vận chuyển. Nhạy cảm với những lời tố cáo rằng họ không dám đi khỏi Sài Gòn, mà các quan chức chính phủ coi là biểu hiện của sự hèn nhát, và bị bắt buộc phải tự tìm lấy phương tiện đi lại trên một nước giao thông còn kém phát triển, nhiều phóng viên ở Sài Gòn đã phải tự xoay sở bằng nhiều thủ đoạn.
“Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ của tôi ở Việt Nam, tôi cố gắng tìm cách đánh giá cuộc chiến tranh rắc rối khó hiểu này”, David Halberstam nhắc lại trong cuốn Tạo ra bãi lầy. “Làm thế nào để anh nói về khoảng ba mươi cuộc đụng độ nhỏ mỗi ngày, phần lớn xảy ra ở những nơi anh chưa hề đặt chân tới, và không có thông tin gì rõ ràng để thấy rõ ý nghĩa của tình hình đó cả? Tôi cũng nhanh chóng thấy rõ rằng không thể ở Sài Gòn, dự những buổi báo cáo tình hình mà viết về cuộc chiến tranh này mặc dầu trên bản đồ tham mưu người ta vẽ đầy những mũi tên xanh đỏ đủ màu. Sư đoàn 7 của Nam Việt Nam đã làm cho tôi chú ý bởi vì đây có thể là chỗ trắc nghiệm cuộc chiến tranh, mọi vấn đề đều tập trung ở đây, phía chính phủ có nhiều cơ hội, và nếu tình hình ở đây đã xấu thì không chắc chỗ khác lại tốt được, hay ngược lại. Hơn nữa: Mỹ Tho là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy sư đoàn chỉ cách Sài Gòn có bốn mươi dặm về phía Nam trên đoạn đường tốt, phóng viên chúng tôi có thể xuống đó, nói chuyện với bạn bè và tham gia những cuộc hành quân”.
Cố vấn Mỹ của Sư đoàn 7 là Trung tá John Paul Vann. Thế là do sự trùng hợp ngẫu nhiên, do những khó khăn kỹ thuật trong việc đi viết về chiến tranh và do nhu cầu, cá nhân cũng như nghề nghiệp, phải đi khỏi Sài Gòn mà các phóng viên trẻ, đặc biệt là Halberstam và Sheehan, rơi vào vòng ảnh hưởng của Vann, một trong những người dũng cảm và tinh ranh nhất đã phục vụ trong chiến tranh. Vann gần gũi với mẫu người của Lansdale nhưng do quân đội mà ra và ông cũng giống Lansdale ở chỗ là không sợ bày tỏ quan điểm riêng của mình. Nhưng có chỗ khác là Lansdale thì tương đối kín miệng với báo chí còn Vann thì sử dụng các nhà báo như một vũ khí để chống lại bộ máy thư lại trong quân đội.
Và cái mà Vann nói ra đã thành một câu chuyện rất hấp dẫn với báo chí. Gần như đơn độc trong số những quân nhân chuyên nghiệp, Vann cho rằng cuộc chiến đã được tiến hành quá tồi và do đó thế nào cũng thua. Cũng như Lansdale, ông hoàn toàn tin tưởng ở chính nghĩa của cuộc chiến này. Ông có thể là còn bảo thủ hơn cả Lansdale và chắc chắn là kém linh hoạt hơn. Vann chỉ đơn giản muốn thay đổi chiến thuật và chính sách cho phù hợp với ý kiến của ông - mà ý kiến của ông là đúng - để giành được thắng lợi trong chiến tranh. Các phóng viên đã làm cho quan điểm của ông được phổ biến đi khắp nơi, đẩy tướng Paul Harkins, Tư lệnh của MACV với cái chủ nghĩa lạc quan của ông ta vào chân tường. Trong lĩnh vực báo chí, lúc nào cũng vậy, do tính chất của công việc, người ta thường chú ý tới những cái nổi bật chứ không phải những cái tinh vi tế nhị, cho nên những điểm chính trong tư tưởng của Vann do các nhà báo phản ánh là mọi việc đang xấu đi, chứ không phải mọi việc cần phải thay đổi.
Sáu tháng sau khi đến Việt Nam, David Halberstam là một trong số ít các nhà báo đã họp để ăn trưa với thượng nghị sĩ Mike Mansfield, ông này đến Việt Nam để tìm hiểu tình hình, để báo cáo một cách không chính thức cho ông biết họ đánh giá tình hình như thế nào. “Mike bắt đầu đã có nhiều nghi ngờ”, Halberstam nhớ lại, “và dĩ nhiên là từ đó trở đi, tất cả chúng tôi đều rất, rất chán nản và bi quan và chúng tôi đã trở thành kẻ thù của phái bộ quân sự Mỹ và của chế độ Sài Gòn."..
Mấy tuần lễ sau đó, ngày 2 tháng giêng, 1963, một trận đánh mà các phóng viên có đủ mọi điều kiện theo dõi thuận lợi đã nổ ra. Trận đánh này có liên quan đến John Paul Vann và Sư đoàn do ông làm cố vấn. Trận đánh lúc đầu định là tấn công vào một trạm truyền tin của cộng sản và một đại đội đang bảo vệ nó. Nhưng ngay từ lúc những chiếc trực thăng đầu tiên bắt đầu cất cánh thì mọi việc cũng bắt đầu hỏng cả. Hình như cộng sản đã được báo trước và đang chờ đợi với lực lượng một tiểu đoàn với súng máy hạng nặng và mooc-chê. John Paul Vann vẫn tỏ ra can đảm như mọi khi, nhưng trận Ấp Bắc đã thất bại và năm trực thăng bị bắn rơi, ba người Mỹ chết, chủ yếu là do sự bất tài và hèn nhát của các chỉ huy Nam Việt Nam chỉ huy cuộc hành quân này.
Trung tướng Charles Timmes đến tận chiến trường cùng với xếp của ông, tướng Paul Harkins, cùng một lúc với các nhà báo từ Sài Gòn xuống. Timmes, một con người lịch sự, đã nhảy dù xuống Normandy cùng với Sư đoàn 82, cũng như John Vann, người mà ông cho rằng “nhiều khi can đảm quá mức cần thiết, nhưng hết sức đắc lực”. Harkins đã bị tổn thương vì những lời phê phán trên báo chí từ Vann mà ra.
“Cái khó ở Ấp Bắc”, Charles Timmes kể lại, “đã bắt đầu khi Vann la hét với Harkins khi vừa thấy ông ta, “Mấy thằng khốn nạn này đánh không bằng - “Ông rất gay gắt cho rằng quân Nam Việt Nam hèn nhát. Một số nhà báo đứng quanh đấy và nghe rõ những lời Vann nói. Harkins theo tôi nhớ, tìm cách vỗ về ông ta. Harkins tìm cánh để tống Vann về Hoa Kỳ. Tôi nói “Ông không nên làm thế. Ông sẽ gặp rắc rối với đám nhà báo. Hãy để việc đó tôi lo” Tôi cử Vann làm trợ lý cho tôi và cử ông đi khắp nơi trong nước. Không lâu sau đó, Vann về nước và ra khỏi quân đội”.
Trận Ấp Bắc, nếu xét một cách cô lập, có ý nghĩa về mặt quân sự, nó đã chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng mà quân đội Sài Gòn đang vấp phải, Việt Cộng bây giờ không bỏ chạy mà đứng lại và đánh trả họ với quy mô tiểu đoàn. Nhưng đó không nhất thiết đã báo hiệu ngày tận thế. Tuy nhiên, báo chí đã mô tả trận Ấp Bắc như một trận động đất thực sự, một phần lớn cũng vì có dính líu với John Vann, ông này đã nói với các phóng viên như Halberstam và Sheehan mọi điều về trận Ấp Bắc và họ đã coi ông như một người anh hùng. Các nhà báo tin rằng họ đã có bằng chứng về sự bất lực của quân đội Diệm, và do đó, của chính bản thân Diệm nữa. Trong một cuốn sách viết về John Vann nhiều năm sau, Neil Sheehan gần như đã chấp nhận như vậy. “Ấp Bắc là một cuốn phim lớn đã bác bỏ cuốn phim lớn mà Harkins và Nolting đang cho chiếu”, Sheehan viết. “Chúng tôi khai thác trận đánh này càng nhiều càng tốt vì lẽ đó, và khi Vann đã nguôi giận và chia sẻ mối quan tâm của chúng tôi, đã ngấm ngầm liên minh với chúng tôi thì chúng tôi hăng hái lao vào đấy”.
Các nhà báo càng quyết tâm giới thiệu quan điểm của họ sau cuộc họp báo của tướng Paul Harkins, và Đô đốc Harry Felt, cấp trên của Harkins từ Honolulu tới. Harkins nhìn thẳng vào mắt các nhà báo mà nói rằng Ấp Bắc là một chiến thắng của quân đội Sài Gòn. Nhưng những lời nói ngu ngốc của Harkins chỉ là miếng vải đỏ để nhử con bò tót. Đô đốc Harry Felt mới là người đấu bò. Ông yêu cầu các nhà báo, đặc biệt là Malcolm Browne, hãy “cùng nhau hợp tác”. Lời hô hào này, tiếp tục vang dội trong các nhà báo nhiều năm sau, càng làm cho họ tức giận, điều đó chắc hẳn phải làm cho Đô đốc Harry Felt bối rối bởi vì nói như vậy ông chỉ đơn giản kêu gọi họ trở lại với cách thức quan hệ trước đây mà thôi.
Sau trận Ấp Bắc thì các nhà báo tập trung viết về tình hình chính trị, về cuộc khủng hoảng Phật giáo, chỉ trích gay gắt chính sách của Diệm, khoét sâu thêm cừu hận giữa phóng viên với phái bộ quân sự Mỹ, nay đã trở thành cay cú cá nhân. Cuộc khủng hoảng Phật giáo đã hạ bệ Diệm và Neil Sheehan đã có những lời nói bộc trực về vai trò của báo chí trong đó. “Halberstam và tôi và nhiều phóng viên khác đã tóm lấy cuộc khủng hoảng Phật giáo cũng như trước đây chúng tôi đã tóm lấy trận Ấp Bắc vậy”, anh viết. “Chúng tôi trưng nó ra như một bằng chứng cho thấy chế độ Diệm đã phá sản về chính trị cũng như nó đã sụp đổ về quân sự”.
Barry Zorthian, một quan chức chính phủ được các nhà báo ưa thích và kính trọng, sau này đã đem lại một quan hệ êm thấm hơn giữa báo chí và giới quân sự, cho rằng trong việc phản ánh tình hình, các nhà báo đi gần với sự thật hơn là giới quân sự và toà đại sứ. Nhưng đồng thời Zorthian cũng cho rằng trong việc phá hoại chế độ Diệm, Halberstam, Browne và Sheehan đã làm quá vai trò của báo chí của mình - hầu hết các quan chức trong chính phủ Hoa Kỳ, bất kể trước đây họ nghĩ gì về Diệm: đều cho rằng việc lật đổ Diệm là một sai lầm nghiêm trọng trong chiến tranh.
“Các nhà báo này đã trở thành những nhân vật trong câu chuyện”, Zorthian nói. “Họ đã dính líu quá nhiều, và quá nồng nhiệt nên đã trở thành những diễn viên trong tấn kịch này. Tôi không muốn nói họ có ác ý. Họ hầu như đã bị lôi cuốn, bị đẩy vào đấy”
***
Mike Dunn là người đã đi học bằng tiền của quân đội nhiều hơn bất cứ sĩ quan nào khác trong Lầu Năm Góc. Dunn đã tốt nghiệp Harvard, đã học trường Yale, MIT, và Cornell và đã lấy bằng tiến sĩ về khoa học chính trị tại trường Princeton. Khi ra trường Princeton, ông là trung tá, được phái đến cơ quan tham mưu của lục quân. Một trong công việc của ông là báo cáo tình hình với Henry Cabot Lodge, Trung tướng quân trừ bị, đến Lầu Năm Góc mỗi mùa hè để, theo lời Dunn, “bổ túc kỹ năng và truyền đạt kiến thức cho các bộ phận của bộ tổng tham mưu”. Lodge từng là thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ, đại diện tại Liên hiệp quốc và ứng cử viên của Đảng Cộng hoà năm 1960.
Mike Dunn và Henry Cabot Lodge cùng ở một tiểu bang, Massachusett, nhưng hai người thuộc hai môi trường xã hội hoàn toàn khác nhau. Dunn đẹp trai một cách ảm đạm, với tầm cao trung bình, ăn nói toạc móng heo và nhạy cảm với câu nói tế nhị dí dỏm, nhiễm cái lề thói của một tên bợm nhậu Ái Nhĩ Lan, giọng nói thì còn lâu mới thành quý tộc nhưng anh đã quyết không bao giờ quên nguồn gốc xuất thân cho dù sau này có thành đạt thế nào trong cuộc đời; tất cả những cái đó, hoà với trí thông minh có học thức và tài ăn nói khôn khéo, đã biến ông thành một người đáng chú ý và tất yếu hấp dẫn được Henry Cabot Lodge. Lodge rất ghét bị quấy rầy, và Dunn có thể bị chê trách về nhiều điều khác, nhưng ông là người ít khi quấy rầy ai. Cho nên khi Lodge trở thành đại sứ thay thế cho nhà ngoại giao chuyên nghiệp Fredenck Nolting, ông đã yêu cầu Dunn cùng đi với ông. Lodge nói nếu Dunn đồng ý ông sẽ thu xếp cho Dunn được chuyền sang ngành ngoại giao và hưởng lương ngang với cấp chuẩn tướng.
Dunn tin rằng Henry Cabot Lodge, trước đây đã chứng tỏ cho Tổng thống Kennedy thấy khả năng có thể sử dụng của mình, nay được bổ nhiệm, ít ra một phần cũng nhờ báo New York Times. “Halberstam, Sheehan và Browne không phản ánh đúng những gì đang xảy ra ở đó”, Dunn nói. “Họ tác động đến tình hình. Và họ tác động đến việc bổ nhiệm ông Lodge”. Dunn cho rằng Kennedy và trợ lý của ông tin rằng họ có thể lái những lời phê phán do báo chí tác động đang tăng lên ở Quốc hội bằng sự bổ nhiệm Cabot Lodge, một sự bổ nhiệm có tính chất chính trị bởi vì Lodge là một khuôn mặt sáng giá của đảng Cộng hoà, làm đại sứ ở Nam Việt Nam biến cuộc chiến tranh thành vấn đề của cả hai đảng.
Những sự kiện dồn dập đưa Cabot Lodge tới Sài Gòn tháng Tám 1963 đã bắt đầu với việc Phật tử Việt Nam tham gia hàng ngũ những người bất mãn với chế độ và tung ra những cuộc biểu tình chống chính phủ. Cuộc xung đột đã nổ ra ở Huế, quê hương của Diệm, chung quanh việc Phật tử có được treo cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật đản hay không. Diệm nói không. Hành động của Phật tử đã làm cho mọi người bất ngờ. Trong lịch sử hiện đại của nước này chưa bao giờ các nhà sư có một vai trò chính trị cả. Theo cách nhìn của Washinbton, cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn tới những hệ quả kinh người. Kennedy vừa phải đấu tranh với một vấn đề tôn giáo trong nước để giành được chức tổng thống, nay hình như những người đồng đạo Thiên chúa của ông ở Sài Gòn đã tự biến thành kẻ thù của mọi tôn giáo khác ở đất nước này. Bởi vì Việt Nam là một nước Phật giáo, phải vậy không nào? Nếu đúng vậy thì Diệm cũng giống như một người theo đạo Thiên chúa ở Mỹ bị chống đối bởi mọi người theo các tôn giáo khác, từ Baptist, Méthodist, Presbyterian, Episcopalian, Lutheran, Mormon, Do Thái, và Hồi giáo. Diệm, mặt khác, lại coi Phật giáo như các giáo phái ly khai khác như Cao Đài, Hoà Hảo mà ông ta có thể thẳng tay đàn áp.
Cả Washington và Diệm đều không nắm được tình hình - mà hoá ra các nhà báo cũng vậy. Phật tử là một cộng đồng tôn giáo có những nguyện vọng chính đáng không thể từ chối được, nhưng họ cũng không phải là một lực lượng đoàn kết thống nhất như người ta đã tưởng và báo chí đã tả. Diệm biết đất nước của ông và chắc chắn là hiểu được điều đó. Điều ông ta không ngờ là các nhà sư lại có khả năng động viên và hướng dẫn sự bất mãn chung của một nước bần cùng hoá trong chiến tranh và làm cho nó mang hình thức một cuộc nổi dậy của tôn giáo. Nhìn lại chuyện đã qua, các “Phật tử” lúc đầu chỉ là mấy nhà sư đưa ra những lời thỉnh nguyện chính đáng, rồi biến nó thành một mưu toan nắm lấy quyền bính, không có bất kỳ chương trình nào rõ ràng. Tiêu biểu trong đám họ là một trong các nhà sư lãnh đạo, hoà thượng Trí Quang, người chủ mưu những cuộc biểu tình đầu tiên chống Diệm, nhiều năm được báo chí và quan chức sứ quán Hoa Kỳ coi trọng mà ngoài việc cho thấy mình là một người xách động chính trị có ảo tưởng to lớn, thực ra, chẳng có ý nghĩa gì đáng kể cả- Trí Quang thành công vì người Mỹ dốt nát về văn hoá: ông ta đã che dấu những quan điểm rời rạc về chính trị của mình, dựa một cách chung chung trên nguyên tắc trung lập và lực lượng thứ ba, dưới cái lớp văn cầu kỳ huyền ảo của Phật giáo - làm cho nó trở nên giá trị, theo ý nghĩ của người Mỹ, đáng được kính trọng và nghiên cứu cẩn thận. Và điều đó lại làm tăng giá trị của ông ta dưới mắt người Việt Nam, những người lấy làm nghiêm chỉnh tất cả những gì người Mỹ lấy làm nghiêm chỉnh.
Trong thời gian đó, chỉ có một việc rõ ràng, đó là việc Diệm đối phó với tình hình quá dở. Toà đại sứ dựa vào ông ta để thương lượng với các hoà thượng, và cũng đã đạt được vài tiến bộ cho đến lúc bà Nhu, con người không bao giờ chịu giữ mồm giữ miệng, đã ra một bản tuyên bố tố cáo rằng các nhà sư đã bị cộng sản lợi dụng. Bốn hôm sau, ngày 11 tháng Sáu năm 1963, các Phật tử đang tung ra một trong những trò biểu diễn bi thảm nhất trong lịch sử, cho thấy họ láu cá hơn Diệm nhiều. Sau khi gọi điện thoại báo cho các nhà báo Mỹ biết rằng sắp có một sự kiện quan trọng xảy ra ở một ngã tư đông xe ở Sài Gòn, hai nhà sư đã đổ xăng vào nhà sư thứ ba, hoà thượng Quảng Đức, bảy mươi ba tuổi, ông ngồi với tư thế hoa sen và đánh diêm châm lửa. Để cho mọi người đều chú ý, một nhà sư đã nói to bằng tiếng Anh “Một hoà thượng Phật giáo tự thiêu tới chết. Một hoà thượng đã hy sinh vì đạo”. Malcolm Browne của hãng Associated Press có mặt tại đó, đã chụp được bức ảnh được đăng trên khắp thế giới. Bà Nhu gọi đó là “thịt quay”. Washington phản ứng bằng cách ra lệnh cho sứ quán hăm doạ Diệm rằng nếu Diệm không chịu đáp ứng yêu cầu của Phật giáo thì Hoa Kỳ sẽ công khai tuyên bố không đồng tình với chánh sách Phật giáo của Diệm. Diệm biết rằng một lời tuyên bố công khai như vậy có giá trị như một lời mời những kẻ thù của ông hãy tổ chức một cuộc đảo chính nên ông đã ký kết một bản thoả hiệp với Phật giáo.
Nhưng cuộc khủng hoảng đã đi quá xa. Những nhà sư trẻ và cấp tiến ngày càng nắm quyền lãnh đạo phong trào Phật giáo và thật đáng ngờ là các tay hoạt động bí mật của cộng sản lại không quan tâm đến phong trào này. Phật tử tiếp tục đấu tranh và Diệm, dưới ảnh hưởng của em trai và em dâu, lại càng tỏ ra ngoan cố. Ngày 21 tháng Tám, 1963, trên đường qua Sài Gòn, Henry Cabot Lodge đã ghé qua Honolulu để gặp đại sứ vừa mãn nhiệm là Frederick Noting với trợ lý ngoại trưởng Roger Hilsman, họ được tin là Diệm đã ra lệnh tấn công các chùa Phật giáo. Lúc đầu người ta tưởng cuộc lùng sục này là do quân đội tiến hành. Sau người ta được biết là do các đơn vị cảnh sát và Lực lượng Đặc biệt do Nhu kiểm soát.
Những cuộc tấn công vào chùa Phật giáo được xếp đặt diễn ra lúc không có đại sứ Mỹ nào tại Sài Gòn, đã gây bất bình cho hầu hết các quan chức chính phủ ở Washington, nhưng bất bình nhiều nhất thì không ai khác hơn là trợ lý của ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Viễn Đông Roger Hilsman. Ông là một người tri thức hay gây gổ,đã tham gia các đội du kích của Mỹ đánh nhau với quân Nhật ở Miến Điện, tự cho mình là một chuyên gia về chiến tranh du kích, trong các cuộc họp hay kể dài dòng chán ngắt về những kinh nghiệm chiến đấu của ông. Hilsman đã bắt đầu thấy ghét sự lãnh đạo của Diệm và tin rằng nếu Diệm còn tại vị thì người em của ông ta nhất thiết phải ra đi. Hilsman có một người đồng minh đáng gờm là thứ trưởng ngoại giao Averell Harriman, ông này không những là đồng tình với nhận định của Hilsman mà còn đi xa hơn, nuôi một thù hận cá nhân đối với Diệm, bởi vì Diệm đã phạm một khuyết điểm là đã tỏ ra hống hách với Harriman, bản thân ông này cũng có hống hách chút đỉnh, trong dịp Harriman tới Sài Gòn tìm cách thuyết phục đám người Việt Nam bướng bỉnh này ký Hiệp định Genève về Lào.
Dù sao đi nữa, hai ngày sau khi Henry Cabot Lodge tới Sài Gòn, Rober Hilsman và Averell Harriman đã gửi cho ông một bức điện báo hiệu sự cáo chung của chế độ Diệm. Có một số lắt léo né tránh nào đó chung quanh bức điện ngày 24 tháng Tám này, ai đã thảo ra và nó đã được thông qua như thế nào, bởi vì nó gần như việc bật đèn xanh cho một cuộc đảo chính dẫn tới việc giết Diệm. Bức điện chủ yếu nhằm vào Nhu. “Chính phủ Hoa Kỳ không chấp nhận tình hình mọi quyền bính đều nằm trong tay Nhu”, bức điện viết. “Diệm phải tách khỏi Nhu và cái nhóm của ông ta và thay thế vào đó những nhân vật quân sự và chính trị có giá trị hơn”. Và sau cùng là cú sút ghi bàn: “Nếu, bất chấp mọi cố gắng của ông, Diệm vẫn không lay chuyền và từ khước, lúc đó chúng ta phải tính đến khả năng không giữ Diệm nữa”.
Bức điện đã khiến cho William Colby ngừng ngay mọi việc đang làm, bay về Mỹ báo cáo với Giám đốc CIA John McCone. Ông và John McCone đều chống lại mọi cố gắng để thay thế Diệm. Robert McNamara ở Bộ quốc phòng, và Tướng Harkins ở Sài Gòn cũng vậy. Nhưng ở những cấp thấp hơn thì người ta không thống nhất với nhau, bên phía các quan chức Việt Nam cũng vậy. Ngay Nguyễn Đình Thuần, Đổng lý văn phòng của Diệm cũng nói riêng với Rufe Phillips rằng cần phải tống Nhu đi.
Như William Colby đã thấy, người do dự nhất trong vấn đề này là John Kennedy. “Có những phần tử thân Diệm và những phần tử chống Diệm ngay trong chính phủ, và nói ra thật không hay, nhưng Tổng thống cứ nghiêng ngửa giữa hay phái”, Colby nói. “Tổng thống không dứt khoát chúng ta phải theo đường lối nào, phải làm cái này hay làm cái kia. Điều ông muốn làm là phái ai đó sang Việt Nam, xem xét tình hình, và mang về cho ông một sự đánh giá mới. Đó là một cách tránh né một quyết định. “Chúng ta hãy đánh giá lại tình hình cái đã”. Ông đã không làm cách nào khác được thì chúng ta phải đương đầu với nó vậy. Kể ra thì đầu óc không thể không bị ít nhiều căng thẳng khi mà báo chí cứ nã đại bác vào chính sách của ông ở Việt Nam”.
Hai tuần sau bức điện của Harriman-Hilsman gửi Đại sứ Lodge, Tổng thống Kennedy quyết định đánh giá lại tình hình một lần nữa. Ông cử hai người đi, một người thân Diệm và một người chống Diệm. Tướng thuỷ quân lục chiến Victor Krulak, do McNamara đề cử, không lấy gì làm lạ là ông tin rằng có thể cùng với Diệm mà thắng cuộc chiến tranh này. Joseph Mendenhall, do Harriman-Hilsman chọn, trước đã làm việc tại Sài Gòn dưới thời Đại sứ Durbrow, đã công khai phản đối việc Diệm không cho bác sĩ Phan Quang Đán nhận ghế đại biểu quốc hội. Krulak và Mendenhall cũng không ưa gì nhau nên trên đường đi họ chẳng nói với nhau câu nào ngoài những điều cần thiết, chuyến đi chỉ kéo dài có chín mươi sáu giờ, kể cả bốn mươi sáu giờ bay từ Washington qua Sài Gòn và bay về.
Ngày 10 tháng Chín, 1963, họ báo cáo kết quả lên Tổng thống Kennedy và các cố vấn. Krulak nói rằng tình hình quân sự đang tiến triển rất tốt. Mendenhall nói rằng tình hình chính trị đang tiến triển rất xấu. Báo cáo mâu thuẫn của họ đã cho Kennedy một cơ hội nói một câu châm biếm làm cho cuộc họp nổi tiếng về sau: “Hai ngài cùng đến một nước đấy chứ?”
Krulak và Mendenhall nói xong thì Rufe Phillips nói. Ông đã bay về nước cùng với hai người kia nhưng không có ý định báo cáo với Tổng thống. Ông về Mỹ vì cha ông bị ung thư ngày càng nặng, ông muốn rời Sài Gòn và thôi làm cho chính phủ để về ở với cha và chăm sóc công việc kinh doanh của gia đình. Ông ghé thăm Mike Forrestal, một trợ lý của Kennedy và người được Harriman che chở, và Mike Forrestal đã yêu cầu ông đến báo cáo cho Tổng thống nghe.
Báo cáo của Phillips hoá ra bi quan, làm cho phái Harriman-Hilsman cứ tưởng là ông ủng hộ quan điểm của họ. Phillips cho rằng cần phải tách Nhu khỏi Diệm. Trên thực tế, chính ông đã tác động đến bức điện của Harriman-Hilsman gửi Cabot Lodge bởi vì trước đó một hôm ông đã gửi về một bức điện với nội dung rất tiêu cực về Nhu. Nhưng Phillips có ý lợi dụng buổi báo cáo này để vận động Tổng thống Kennedy cho Lansdale trở lại Sài Gòn. Diệm cảm thấy đã bị người Mỹ hiểu lầm và cô lập, đã nhờ Phillips xem có thể thu xếp cho Lansdale trở lại làm cố vấn cho ông ta không. Phillips đem báo cáo lại với Đại sứ Nolting, nói với ông này rằng Diệm không có ý coi thường ông, mà chỉ đơn giản nghĩ rằng Lansdale có thể giúp ông ta giao dịch với Mỹ tốt hơn mà thôi. Khi Lodge tới nhậm chức, Phillips cũng nói với Lodge như vậy và nghĩ rằng Lodge đã đồng ý cho Lansdale trở lại.
Trong báo cáo của mình với Tổng thống, Phillips nói rằng ông không đồng ý với cả Krulak lẫn Mendenhall. Tình hình quân sự còn tồi tệ hơn Krulak nói nhiều, bởi vì quân đội Sài Gòn đã rút về bảo vệ cho Diệm khỏi một cuộc đảo chính và Việt cộng đã tràn vào lấp chỗ trống đó. Vấn đề Phật giáo là nghiêm trọng và đang làm cho chính phủ bị xói mòn nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất và có thể hạn chế nó trong phạm vi nhất định. Vấn đề lớn, theo ông, là Nhu và Phillips kết luận bằng cách nói với Kennedy: “Tôi nghĩ là chúng ta nên làm tất cả mọi việc để cứu Diệm. Nếu chúng ta đưa Nhu ra khỏi Việt Nam, chúng ta có thể đạt đến một kiểu thoả thuận nào đó với Phật giáo. Và chỉ có một người tôi tin có thể làm được việc đó. Đó là Tướng Lansdale. Tôi đề nghị ngài phái ông ta sang Việt Nam càng sớm càng tốt”.
Kennedy nói, “Cảm ơn ông nhiều. Những điều ông nói rất bổ ích và tôi xin cảm ơn lời đề nghị của ông, đặc biệt là đề nghị liên quan đến Tướng Lansdale”.
Tin Rufe Phillips đề nghị đưa Lansdale trở lại Sài Gòn đã nhanh chóng lan rộng trong các cơ quan chính phủ có liên quan đến Việt Nam. Lansdale cũng được nghe tin đó từ những nguồn riêng của ông không đầy một giờ đồng hồ sau. Những kẻ thù của ông cũng vậy. Một lần nữa, họ lại nổi lên để giết ngay ý kiến này ngay từ trong nôi. Hai tuần sau, Tổng thống Kennedy lại cử một phái đoàn khác sang Việt Nam để đánh giá tình hình tại chỗ. Phái đoàn lần này gồm có Maxwell Taylor và Robert McNamara, cùng với William Colby, Mike Forrestal, và William Sullivan. Chuyến đi sáu ngày không có kết quả. Taylor và McNamara thấy Diệm có vẻ xa cách, và theo họ, bình thản một cách khó hiểu trước cuộc khủng hoảng; và hai quan chức này lên đường về nước ít có cảm tình với Diệm hơn trước khi họ đến. Nhưng chuyến đi này đã phát hiện một điều đó là Henry Cabot Lodge đã nắm lấy quyền hành ở đây và xử sự một cách tự tin như một khuôn mặt chính trị tầm cỡ quốc gia, dựa trên cơ sở quyền lực riêng của mình và không phải ngả mũ trước bất cứ ai, trừ Tổng thống. Và nếu Tổng thống chưa sẵn sàng hành động một cách dứt khoát thì con người bị ông hai lần đánh bại trong cuộc thử thách chính trị là Cabot Lodge lại sẵn sàng hành động.
“Ông ấy đã trở thành một con người hành động khôn ngoan sắc sảo và cứng rắn, một đối thủ thực sự của gia đình họ Ngô”, David Halberstam đã nói về Lodge như vậy. “Ông là người tập trung vào mục đích của mình, làm việc cật lực, làm cả việc nhà, và không hề có ảo tưởng về công việc mà Hoa Kỳ đang phai đương đầu”.
“Lodbe làm đại sứ thì thực là một tai hoạ”, William Colby nói. “Ông không có ý niệm gì về việc lãnh đạo một sứ quán cả. Ông là một con chó sói đơn độc không muốn lãng phí thời gian trong công việc quản trị. Có một thời gian ông tỏ ra không thích Diệm, ông coi Diệm như một người không cần quan hệ và không phải là một nhân vật chính trị thực thụ nữa. Vì sao? Tôi không biết. Tôi thực sự không biết. Cái đó làm khó khăn cho công việc của tôi”.
“Tôi yêu mến Lodge”, Mike Dunn nói. “Tôi không ngần ngại gì mà không nói như vậy. Trong cuộc đời của tôi, tôi không yêu mến ai nhiều như ông ấy. Tôi rất gần gũi và đã sống chung với ông sáu hay bảy tháng trong một ngôi nhà. Ông là một nhà quý tộc, nhưng nếu một nhà quý tộc xử sự cho đàng hoàng thì cũng tốt thôi, và ông Lodge chính là một người như vậy. Còn khả năng ông tự cười nhạo mình thì tôi chưa được thấy một người thứ hai trong suốt đời tôi. Theo tôi nghĩ, sở dĩ ông gặp rắc rối Việt Nam, và không giành được chức Phó tổng thống Hoa Kỳ là vì ông thiếu kiên nhẫn với những người ông cho là ngớ ngẩn - và ông tự cho mình cái quyền định nghĩa ai là người ngớ ngẩn. Và ông là con người làm việc vội vã chứ không miệt mài. Đó là sự thật. Tôi sẽ là người cuối cùng phủ nhận điều đó. Nhưng những con người làm việc năng nổ như vậy sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho đất nước và cho thế giới tây phương, nếu họ làm việc từ tốn hơn một chút”.
“Tôi cho rằng Lodge không chống Diệm ngay từ đầu”, Dunn nói thêm. “Chắc chắn là không chống Diệm hết mức như sau này chúng ta đã thấy. Ông tự coi mình là một chính khách thực tiễn, không phải nhà ngoại giao, và ông bực mình khi thấy chế độ Diệm không hiểu được rằng họ đang phạm phải những sai lầm tai hại như thế nào”.
Và để giúp sửa chữa những sai lầm tai hại của Diệm, nhà chính trị thực tiễn đã phải nhờ đến tài năng của một nhà tình báo thực tiễn. Họ hợp thành một cặp khá kỳ cục, Cabot Lodge và Lou Conein.
***
Khi chúng tôi trở lại Việt Nam vào năm 1961 thì Sài Gòn nhiều người Mỹ mà ít người Pháp. Nhưng thức ăn vẫn ngon và tất cả các bạn cũ của tôi vẫn còn đây. Sứ quán cho biết là chúng tôi được trợ cấp một số tiền để thuê nhà. Tôi chọn một ngôi biệt thự đẹp, tôi bán cái áo choàng lông lấy tiền trang trí theo sở thích. Lou lúc nào cũng bận việc. Tôi biết rằng nếu tôi chung sống với Lou thì tôi phải lo sao cho trong nhà lúc nào cũng có thức ăn thức uống ngon lành cho các bạn anh và những người giao dịch công tác thường đến luôn. Tôi biến một gian phòng thành chỗ chiêu đãi giải trí, nhờ một người Pháp thiết kế mỹ thuật, màu đỏ và xanh lá cây, với một cái bàn tre ở giữa. Rồi tôi mướn một người bếp và một người phụ bếp. Thời kỳ đảo chính Diện, nhiều tướng Việt Nam đã tới nhà chúng tôi. Trần Văn Đôn đã đến đây, Lê Văn Kim một người bạn rất thân của Lou và một sĩ quan xuất sắc, kể cả Tôn Thất Đính nữa, ông này cứ giận điên lên. Người Việt nói chuyện không hay bằng người Pháp và câu chuyện của họ cứ xoay quanh bà Nhu. Tôi không rõ có phải vì tôi chịu ảnh hưởng của Pháp hay không nhưng tôi thấy người Việt Nam việc nhỏ thích xích ra to.
Lou Conein bắt đầu dính líu vào cuộc đảo chính từ ngày 4 tháng Bảy, 1963. Hôm dó, sau khi dự lễ Quốc khánh Hoa Kỳ tại toà đại sứ mấy ông tướng Nam Việt Nam quyết định kéo ra khách sạn Caravelle, Trần Văn Đôn rủ Conein đi uống rượu với họ. Đôn đang làm tham mưu trưởng quân đội Nam Việt Nam. Conein đã gặp Đôn lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1945 trong lúc Đôn đang là thiếu uý trong quân đội Pháp. Đôn sinh ra ở Pháp và có hộ chiếu Pháp. Còn Lê Văn Kim, anh em bạn rể của Đôn, làm phó cho Đôn. Kim cũng có hộ chiếu Pháp. Kim đã từng làm trợ lý cho đạo diễn phim Marcel Pagnol và rất giống người Pháp tuy vẫn da vàng và mắt trái hạnh. Theo những người Mỹ quen biết, ông là một người lịch sự, nói năng nhã nhặn, được đánh giá là xuất sắc nhất trong các viên tướng, tuy có lúc còn do dự, thiếu dứt khoát. Kim là bạn của Rufe Phillips. Phillips biết Kim năm 1954, khi Kim chỉ đạo cuộc hành quân tái chiếm lĩnh thổ - bình định. Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim thì xuất sắc tinh tế hơn nhưng ít được biết hơn, so với viên tướng khác cũng đã từng phục vụ thời Pháp, đó là Dương Văn Minh. Minh trước đây là một đại tá nhưng nổi tiếng và được Lansdale nâng đỡ vì đã tham gia dẹp cuộc nổi loạn của Bình Xuyên, cái thời Diệm củng cố quyền lực chống lại các giáo phái. Minh to con so với người Việt Nam, cao một thước tám, được gọi là Minh lớn.
Là một người nổi tiếng nhất trong các viên tướng Nam Việt Nam, đáng lẽ Minh là người đứng đầu quân đội nhưng Diệm và Nhu sợ ông ta sẽ quay lại chống họ nên họ bổ nhiệm ông vào một chức vụ không nguy hiểm để họ có thể dòm ngó ông. Thay vào đó, họ bổ nhiệm một người trung tín hơn nhưng ông này lại bệnh, do đó sự lựa chọn tốt nhất là Đôn. Đôn, do những bước đi khôn khéo qua bãi lầy chính trị, đã làm cho Diệm và Nhu tin rằng ông chẳng qua chỉ là con người săn đuổi đàn bà và bảo gì làm nấy. Đôn cũng có ít nhiều tai tiếng về đàn bà và theo những lời đồn đại ở Sài Gòn, ông ta còn quyến rũ cả bà Nhu nữa.
Sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Phật giáo mà Diệm không đối phó nổi, Minh Lớn lâu nay ngậm đắng nuốt cay bây giờ mới mạnh dạn nói với các viên tướng rằng đã đến lúc cần phải dứt khoát với hai anh em Diệm, việc này đã tác động đến hai con người vốn thận trọng là Đôn và Kim khiến họ phải suy nghĩ về vấn đề này.
Đôn cho rằng Lou Conein uống rượu nhiều quá, và cả một số người Mỹ khác cũng uống rượu nhiều quá, đặc biệt là so với người Việt Nam uống ít hơn và thường là pha Coca-cola với Scotch, nhưng Đôn cho rằng có thể tin tưởng ở sự trung thực của Conein. Ngoài ra, Đôn biết Conein lâu hơn bất cứ người Mỹ nào ở Việt Nam, và Đôn, vốn là một người đa mưu túc kế, hiểu rằng Conein cũng chẳng thích gì Diệm và Nhu. Thế là sau buổi chiêu đãi Quốc khánh Hoa Kỳ, Đôn đã nói với Conein trong lúc uống rượu về sự bất bình của các tướng, đặc biệt là đối với Nhu và muốn biết Hoa Kỳ nghĩ gì về một cuộc đảo chính. Các tướng lo cho vận mạng quốc gia nhưng cũng e ngại vì họ biết rằng Nhu có thể tiêu diệt bất cứ ai trong bọn họ trong một cơn ngẫu hứng nào đó. Cho nên có bất mãn và lo ngại tới đâu họ cũng không động móng tay nếu họ nghĩ rằng Washington sẽ bỏ rơi họ.
Lou Conein nghe những lời Đôn nói, báo cáo lại cho trưởng Chi cục CIA ở đây là John Richardson, ông này lại báo cáo về Washington. Cái đêm Conein uống rượu với các tướng, John Kennedy cũng họp với các cố vấn, cũng cái đêm Quốc khánh 4 tháng Bảy ấy, để xem phải làm gì với Diệm. Cũng như mọi khi, cuộc họp không đi đến quyết định nào cả. Lời nói của Trần Văn Đôn về một cuộc đảo chính không được khuyến khích. Tình trạng căng thẳng tiếp tục tăng lên giữa Diệm và giới Phật giáo. Vụ tự thiêu đầu tiên đã gây được nhiều chú ý nên tới ngày 5 tháng Tám lại có một nhà sư khác tự thiêu, và mười một ngày sau tới vụ tự thiêu thứ ba. Rồi tới việc Diệm và Nhu tấn công các chùa Phật giáo.
Hai ngày sau vụ tấn công các chùa, Đôn lại liên lạc với Conein để thảo luận về khả năng một cuộc đảo chính. Cùng một lúc Đôn nói với Conein, Kim đi gặp Rufe Phillips. Các ông tướng nổi giận vì Nhu tìm cách đổ vấy trách nhiệm đánh phá chùa chiền cho quân đội. Kim nói rằng Nhu và bà vợ ông ta phải ra đi, và nếu Hoa Kỳ công khai chống lại Nhu thì ông và các bạn đồng nghiệp của ông sẽ thay thế họ. Nguyễn Đình Thuần, Đổng lý văn phòng của Diệm, cũng gặp Phillips và phụ hoạ vào việc chống Nhu.
Rufe Phillips báo cáo về Washington buổi nói chuyện của ông với Kim và Thuần, đẩy mạnh thái độ chống đối vốn đã mạnh mẽ của các thế lực Harriman-Hilsman với Diệm và Nhu, và một hôm sau - hai ngày sau khi Lodge tới Sài gòn - Harriman-Hilsman đã gửi cho Đại sứ mới đề nghị Diệm phải ra đi nếu ông ta không chịu cho ông em của ông ra đi. Về sau này, Lodge nói rằng ông hơi ngạc nhiên khi nhận được bức điện đó nhưng khi tỉnh táo trở lại. Ông đã đánh bức điện trả lời nói rằng ông đồng ý với chánh sách đó.
Sau này William Colby đã nói “Tôi cho rằng vụ đảo chính lật Diệm là sai lầm then chốt của cuộc chiến tranh. Với sự lật đổ Diệm là sự sụp đổ của Nam Việt Nam, chỉ có thể cứu vãn bằng việt Tổng thống Johnson đưa quân Mỹ sang Việt Nam”. Do đó, William Colby không muốn cho bất cứ ai trong cấp đề ra chính sách dính líu vào cuộc đảo chính, nhất là với Cabot Lodge. Nhưng ông thừa nhận tác động bức điện ngày 24 tháng Tám của Harriman-Hilsman. “Cái gay go trong bức điện này là Lodge lại coi đó là một chỉ thị tìm cách tổ chức đảo chính - và ông giao cho chi cục CIA làm việc đó”.
Chi cục CIA hỏi Colby và xếp ông là John McCone xin chỉ thị. “Câu trả lời của tôi là”, Colby nói, “các ông ở gần ngài đại sứ. Các ông phải làm đúng như lời ngài đại sứ yêu cầu. Chúng tôi không muốn CIA tự mình đứng ra ngoài. Cho dù tôi có không đồng tình với việc mà ngài đại sứ đang làm thì chi cục vẫn nằm trong bộ máy của ngài đại sứ”.
CIA triển khai chỉ thị này bằng cách bảo Lou Conein và một sĩ quan khác thúc đẩy công việc bằng cách tiếp xúc với các tướng khác ngoài Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim. Hai tướng Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh đã từng cứu Diệm trong cuộc đảo chính năm 1960 nhưng sau đó đã ngày càng bất mãn với Diệm. Nhưng nói vậy chứ vẫn chưa có ai sẵn sàng hành động cả và Cabot Lodge chân ướt chân ráo tới Việt Nam và sẵn sàng hành động một cách quyết liệt thì lại đụng phải đặc tính của các sĩ quan Việt Nam mà những người khác đã biết từ lâu. Do dự và không dứt khoát trong việc đánh nhau với Việt Cộng, họ cũng do dự và không dứt khoát trong việc đảo chính chống Diệm. Trước khi việc này kết thúc, Cabot Lodge và Lou Conein có thừa thời giờ để tìm hiểu lẫn nhau.
***
Sau khi nhóm công tác của Lansdale giải thể, năm 1956, Conein trở về Hoa Kỳ và yêu cầu được trả về quân đội. Lầu Năm Góc cho ông biết rằng vì ông đi làm nhiệm vụ đặc biệt quá lâu cho nên không thể đề bạt ông lên chức trung tá được, trừ phi ông trở hẳn về quân đội và bắt đầu lại từ một người lính. Nhiệm vụ mới của ông là hoạt động trong Lực lượng Đặc biệt mới thành lập, một đơn vị vẫn để ông bên ngoài quân đội chính quy và ông vẫn còn thắc mắc về tiền đồ của mình. Vận hội cuối cùng cũng đến và ông đến làm việc tương đối hài lòng tại Fort Bragg. “Tôi chơi cái trò cao bồi đánh nhau với Da đỏ và cái trò nhảy dù từ trên máy bay xuống”, Conein nói. “Ông được chọn để triển khai chương trình huấn luyện nhảy dù rơi tự do cho lính Mũ Nồi Xanh, và từ những kinh nghiệm của ông, người ta đã thành lập những đội nhảy dù chính xác Golden Knights của quân đội. Đơn vị Lực lượng Đặc biệt do ông chỉ huy được phái sang Lào năm 1959. Bởi vì đội Mũ Nồi Xanh hoạt động dưới cái lốt dân sự nên Lou Conein không cùng đi với họ sang Lào bởi vì ở Đông Dương ông đã được mọi người biết là một chiến sĩ tình báo rồi. Thay vào đó ông được bổ nhiệm trở lại với cơ quan tình báo quân đội và được phái sang Teheran, nơi không ai biết ông là ai. “Tôi ở Teheran từ 1959 tới 1961”, Conein nói, “sau đó rút lui và trở lại với CIA”. Ông đã ở trong quân đội hai mươi năm và biết rằng mình không có hy vọng gì hơn chức trung tá. “Trong lúc đó, những đơn vị Lực lượng Đặc biệt lúc đầu của tôi nay được chuyển từ Lào sang Việt Nam. Và họ đang huấn luyện cho bọn Montagnard (dân miền núi). Thế là tôi lại được phái đi làm người của CIA liên lạc với Lực lượng Đặc biệt”. Nhưng có cái lạ là Conein không nói với bất cứ ai về việc ông không còn trong quân đội, kể cả với bạn ông là Rufe Phillips. Ông thích đeo súng lục có nạm ngọc trai mặc quân phục, và khi mọi người biết rõ vai trò của ông trong việc lật đổ Diệm thì ông thích mọi người nhắc đến với cái tên là Trung tá Conein.
Khi được phân công đến làm nhân viên cho Lodge để tổ chức cuộc đảo chính thì Conein cảm thấy không được thoải mái. “Trước hết là tôi không dám nói chuyện với ông đại sứ”, Conein nói. “Tôi sợ ông ấy. Người ta nói rằng không ai được phép hút thuốc trước mặt đại sứ và nhiều chuyện khác đại loại như vậy. Nhưng khi biết rồi thì tôi thấy đại sứ không đến nỗi tệ như vậy. Tôi thấy ông rất thích vị trí của mình và ông đang phê phán gay gắt toàn bộ đội ngũ người Mỹ tại đây, thậm chí còn đòi sa thải hết mọi người nữa”.
Mọi việc hoá ra lại tốt đẹp vì Lodge và Conein phải trao đổi ý kiến trực tiếp với nhau, đó là vì Conein viết lách không nhanh nhẹn. Một hôm, sau khi Conein đã báo cáo với ông, John Richardson qua chỗ Conein và Stu Methven, và nói với Conein: “Lou, tôi nghĩ điều cần nhất với anh là một cô thư ký”.
Conein quay lại hỏi: “Amanda who?”([ii])
Một phần của vấn đề là Conein không đánh máy được, hai ngón tay phải của ông bị cụt một phần do một tai nạn. Cho nên thường là Conein ghi chép rồi đọc cho xếp của mình nghe.
Conein gặp Lodge lần đầu tiên sau khi ông đi gặp Minh Lớn. Lodge đến văn phòng của CIA để nghe Lou báo cáo miệng cho Richardson. Conein trao những điều ghi chú của mình cho Richardson hay Lodge, viết chữ thường chứ không phải tốc ký, hai ông này mới soạn thành báo cáo gửi cho Kennedy và các cố vấn của Tổng thống. Sau một thời gian Conein cảm thấy thư thái bên cạnh Lodge và bắt đầu thấy mến ông.
Hình như tình cảm này đã được đáp ứng. “Bí quyết để thành công với Lodge”, Mike Dunn nói, “là phải vui tính, theo kiểu người Pháp. Một việc chúng tôi hay làm là cung cấp cho ông một lô sự kiện, mà trong lĩnh vực cung cấp sự kiện thì Conein là một ngôi sao. Đại sứ rất vui tính. Ngoài ra, nếu anh không trực tiếp nói chuyện với Conein thì anh đừng hòng hiểu được ông ta đang nói gì. Thật khó mà hiểu được một số thủ đoạn đang được tiến hành nếu không thấy anh chàng này bằng da bằng thịt. Tôi nghĩ là Conein muốn hướng dẫn người nghe của mình theo một hướng nào đó. Tôi muốn nói là ở đây mọi người đều chơi trò chơi của mình cả. Lodge không hề mơ hồ về cái gọi là sự trung thành trong tổ chức và cách thức mọi sự đang diễn ra.
“Ở đấy, Lou là con người đáng giá bằng vàng”, Stu Methven nói. “Tôi cho rằng ông là một sĩ quan giỏi. Vai trò của ông rất quyết định trong cuộc đảo chính. Không có ông ta, tôi không tin là người khác có thể thành công được. Cho dù có được thì cũng rất vất vả.
Nhưng, mặc dù có những cố gắng của Lou Conein, sứ quán cũng không làm sao thúc đẩy được các tướng đứng lên chống Diệm. Đến cuối tháng Tám, Đại sứ Lodge nhận thấy tình hình trở nên khó khăn và kéo dài, ông bắt đầu tìm những phương kế khác để gây áp lực với Diệm. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington không mong đợi ở một cuộc đảo chính nữa cũng tìm những phương kế khác để bắt Diệm phải theo. Vấn đề tập trung vào chỗ đẩy Nhu đi. Lansdale có một ý kiến riêng về việc này và trong một bữa ăn sáng ông đã nói ý kiến đó với Averell Harriman và John Kenneth Galbraith, đại sứ ở Ấn Độ và bạn của Kenneđy. Lansdale nghĩ rằng Harriman và Galbraith nên tiếp xúc với bạn của họ ở đại học đường Harvard và lập ra một nhóm có tên thật kêu là nhóm nghiên cứu chính sách và mời Nhu làm một thành viên. “Đá ông ta lên trên”, Lansdale nói. “Nói với ông ta rằng ông ta là một người trí thức. Nghe ông ta nói rồi cho ông ta một chỗ làm ở đấy. Ông ta sẽ đến và Diệm sẽ để ông ta đi”. Lansdale giải thích rằng Diệm đã hứa với cha ông lúc sắp chết là sẽ chăm sóc cho người em. “Thế mà người Mỹ chúng ta lại đến bảo thẳng với ông ta là hãy tống cổ thằng em của ông đi”, Lansdale nói. “Nhất định là ông ta coi trọng nguyện vọng của cha ông hơn. Ông ta là một người tôn trọng gia đình”.