Thật vậy, từ lúc ấy Louise kiên trì theo đuổi dự định đến với Alexis ở Tobolsk.
Cô mang thai, không đầy hai tháng nữa thì sinh, do muốn đi ngay sau khi sinh, cô không để mất một phút chuẩn bị.
Những chuẩn bị ấy nhằm đổi sang tiền những gì cô sở hữu, cửa tiệm, đồ đạc, vật trang sức. Người ta biết đang lúc cô cần, việc mua bán chỉ bằng một phần ba giá trị, nhờ việc mua bán của cải ấy cô gom được một số tiền gần ba mươi ngàn rúp, rời bỏ ngôi nhà ở Đại lộ rút về sống ở một ngôi nhà trên bờ kênh Moïka.
Còn tôi, tôi nhờ ông De Gorgoli, người giúp đỡ tôi và ông hứa, đến lúc cần sẽ xin Hoàng đế cho phép Louise đến với Alexis.
Tiếng đồn về dự định ấy lan ra trong thành phố Saint-Peterbourg và ai cũng khen sự tận tuỵ của người đàn bà Pháp trẻ nhưng họ cũng nói đến lúc đi rồi cô sẽ cảm thấy thiếu quyết tâm. Chỉ có tôi, hiểu rõ Louise, biết là cô sẽ không như thế.
Cuối cùng tôi là người bạn duy nhất của cô, đúng hơn là hơn thế, tôi là người anh của cô. Những lúc rảnh rỗi tôi đến với cô và suốt thời gian chúng tôi ở bên nhau, chúng tôi chỉ nói về Alexis.
Đôi khi tôi muốn cô từ bỏ ý định ấy mà tôi cho là điên rồ. Cô bèn nắm tay tôi, nhìn với một nụ cười buồn "Ông biết đấy – cô nói – khi không ra đi vì tình yêu thì tôi phải ra đi vì bổn phận. Không phải vì chán đời, vì tôi không trả lời thư mà anh ấy tham gia vào cuộc âm mưu đó sao? Nếu tôi nói yêu anh sáu tháng sớm hơn, anh ấy sẽ phấn khởi trong cuộc sống hơn và ngày nay không bị lưu đày. Ông thấy tôi cũng có tội như anh ấy, do đó vì lẽ công bằng tôi phải chịu hình phạt như anh ấy". Lúc ấy tôi thấy nếu ở vị trí của cô ấy tôi cũng sẽ hành động như cô. Tôi trả lời "Vậy cô cứ đi, mong rằng ý muốn của Chúa được thực hiện!"
Vào những ngày đầu tháng chín, Louise sinh một đứa con trai.
Tôi muốn cô viết thư cho Bá tước Vaninkoff báo tin ấy nhưng cô trả lời:
- Dưới con mắt của xã hội, con tôi không có họ, do đó không có gia đình. Nếu bà mẹ Vaninkoff đòi hỏi tôi sẽ trao cho bà vì không muốn đưa con đi trong một hành trình như thế, vào một lúc như thế. Nhưng nếu bà từ chối chắc chắn tôi sẽ không giao lại con tôi.
Cô gọi người vú nuôi đưa con lại cho cô hôn và chỉ cho tôi thấy đứa bé giống bố nó đến mức nào.
Nhưng bà mẹ Vaninkoff được tin Louise sinh con liền viết thư bảo khi nào vừa bình phục cô đến ngay với bà cùng đứa bé. Bức thư ấy làm tan mọi ngần ngại về số phận của đứa con làm cô lo lắng. Từ đó cô yên tâm và không có gì phải chờ đợi.
Tuy vậy dù Louise muốn đi càng sớm càng tốt, những xúc động trong lúc mang thai có ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nên cô hồi phục chậm hơn. Từ lâu cô làm ra vẻ đã khoẻ nhưng thầy thuốc bảo còn quá yếu chưa thể lên đường. Điều ấy không ngăn cản cô nếu được tự do rời bỏ Saint-Peterbourg nhưng giấy phép do tôi xoay sở nên cô phải tuỳ theo ý tôi.
Một buổi sáng có tiếng gõ cửa ở phòng tôi. Louise mặt mày rạng rỡ lao vào cánh tay tôi:
- Anh ấy thoát rồi! – cô bảo.
- Thoát? Ai vậy?
- Anh ấy! Anh ấy! Alexis!
- Thế nào? Thoát ư? Không thể được.
- Đây, ông xem.
Cô đưa cho tôi một bức thư chữ viết của Bá tước và thấy tôi ngạc nhiên, cô giục:
- Ông đọc đi! Ông đọc đi!
Và mệt mỏi vì quá vui mừng, cô buông mình xuống một chiếc ghế. Tôi đọc:
"Louise thân yêu của anh,
Em hãy tin vào người đưa thư này như tin vào chính anh vì đây còn hơn là một người bạn, là một cứu tinh.
Anh lâm bệnh vì đi đường mệt mỏi, dừng lại ở Perm và may mắn gặp được người em của cai tù, một đầy tớ cũ của gia đình. Nhờ anh ấy xin xỏ, thầy thuốc tuyên bố anh quá yếu không tiếp tục đi được và quyết định trong mùa đông anh phải ở lại Perm. Anh viết thư cho em ở đây.
Tất cả đã chuẩn bị để cho anh trốn thoát, cai tù và người em cùng trốn với anh. Anh phải chi phí cho họ những gì họ đã làm cho anh và những hiểm nguy họ đi theo anh. Em hãy đưa cho người đưa thư không chỉ tất cả tiền mặt em có mà cả những vật trang sức của em nữa.
Anh biết em yêu anh và hy vọng em sẽ không mặc cả về cuộc sống của anh. Khi đã được tự do, anh sẽ viết thư ngay để em đến với anh.
Bá tước Vaninkoff"
- Thế nào? – tôi hỏi sau khi đọc bức thư lần thứ hai.
- Sao? Ông không thấy sao?
- Có chứ, một kế hoạch bỏ trốn.
- Ồ! Anh ấy sẽ thành công.
- Và cô đã làm gì?
- Ông còn hỏi ư?
- Sao? Cô đã đưa cho một người lạ?
- Tất cả những gì tôi có. Alexis chẳng nói hãy tin vào người này như tin vào chính anh ấy?
- Nhưng – tôi nhìn thẳng vào cô chậm rãi từng lời – cô có chắc thư này là của Alexis không?
Đến lượt cô nhìn thẳng vào tôi:
- Vậy thì của ai? Kẻ khốn nạn nào đã hèn hạ lợi dụng nỗi đau của tôi?
- Nếu người ấy là?...- tôi không dám nói ra điều ấy, tôi có một linh tính, tôi run.
- Ông nói đi – Louise cũng tái mặt bảo.
- Nếu người ấy là một tên lừa đảo đã giả dạng chữ viết của Bá tước?
Louise kêu lên một tiếng, giật lấy bức thư ở tay tôi.
- Ồ! Không! Không! – cô nói to như thế để tự trấn an mình – Không! Tôi biết rõ chữ viết của anh ấy và không lầm đâu!
Thế nhưng lúc đọc lại bức thư, cô tái xanh mặt.
- Cô có bức thư nào khác của Bá tước ở đấy không?
- Đây – cô nói với tôi – mảnh giấy anh ấy viết bằng bút chì. Chữ viết đúng thế nhưng hơi run tỏ rõ sự ngần ngại.
- Cô tưởng – tôi bèn bảo cô – Bá tước viết cho cô chăng?
- Sao lại không cho tôi? Chẳng phải tôi là người anh ấy yêu nhất trên đời ư?
- Vâng, đúng thế, để đòi hỏi tình yêu, đề nghị một tận tuỵ nào đó, Bá tước sẽ viết cho cô, nhưng về tiền, ông sẽ viết cho mẹ.
- Nhưng những gì tôi có không phải của anh ấy sao? Không do anh ấy mà có sao? – Louise trả lời giọng mỗi lúc càng chán ngán.
- Chắc chắn thế, tất cả những cái đó là do ông ấy tạo dựng, nhưng hoặc tôi không biết rõ Bá tước Vaninkoff hoặc, tôi nhắc lại, bức thư ấy không phải do ông ấy viết.
- Ồ! Ba mươi ngàn rúp ấy là tài sản duy nhất của tôi! Nguồn sống, hy vọng duy nhất của tôi!
- Thường trong các bức thư gởi cho cô, ông ấy ký tên như thế nào? – tôi hỏi.
- Luôn là Alexis và chỉ đơn giản có thế.
- Bức thư này, cô thấy đấy, ký là Bá tước Vaninkoff.
- Đúng vậy – Louise sợ hãi xác nhận.
- Cô có biết người kia bây giờ ở đâu không?
- Anh ta nói vừa đến Saint-Peterbourg tối hôm qua và sẽ trở lại Perm ngay.
- Phải viết đơn tố cáo với cảnh sát! Chà! Nếu ông De Gorgoli còn là người đứng đầu ở đây!
- Nhưng nếu chúng ta lầm? – Louise bảo tôi – nếu người kia không phải là một kẻ lừa đảo mà thực sự muốn cứu Alexis? Thế là do nghi ngờ, sợ mất mấy chục ngàn rúp, tôi ngăn cản việc anh ấy trốn thóat, lần thứ hai là nguyên nhân sự lưu đày vĩnh viễn của anh ấy? Thôi, cứ để mặc may rủi. Còn tôi, tôi sẽ làm theo điều kiện của mình, ông đừng lo cho tôi. Tôi chỉ muốn biết anh ấy có thực sự ở Perm không.
- Này, tôi nghe nói lính áp giải những người tù đã trở về mấy ngày rồi. Tôi có quen một trung uý hiến binh, tôi sẽ đi tìm anh ta hỏi xem. Cô chờ tôi ở đây.
- Không, không, tôi đi theo ông.
- Cô phải giữ mình cẩn thận. Trước hết cô chưa thật khoẻ để có thể đi ra ngoài, vừa rồi lại là một việc thiếu khôn ngoan trầm trọng. Vả lại có cô tôi không hỏi thêm được các chi tiết.
- Thế thì ông cứ đi và trở về thật nhanh. Ông hãy nghĩ tôi đang chờ và vì sao tôi chờ.
Tôi sang phòng khác vội thay quần áo, xuống đã có xe đang chờ và hai mươi phút sau tôi có mặt ở nhà Trung uý hiến binh Soloviev, một trong những học trò của tôi.
Đúng là đoàn áp giải đã trở về được ba ngày nay nhưng viên trung uý chỉ huy có thông tin chính xác thì đang đi nghỉ phép sáu tuần về gia đình ở Moscou. Thấy tôi thất vọng, Soloviev tỏ ra sốt sắng giúp đỡ tôi dù là việc gì, tôi bèn thú nhận nguyện vọng biết được tin tức của Bá tước Vaninkoff. Ông bảo viên đội chỉ huy toán đi lưu đày có Vaninkoff thuộc về đại đội ông và cho đi gọi Đội trưởng Ivan tới gặp.
Mười phút sau viên đội bước vào, một trong những gương mặt lính nửa nghiêm khắc nửa vui vẻ, không bao giờ cười thoải mái nhưng không ngớt mỉm cười. tuy không biết ông ta đã làm gì cho bà Bá tước và các cô con gái, nhưng nhìn qua tôi đoán ông đã giúp đỡ bà. Tôi đến hỏi khi ông vừa vào:
- Ông là viên đội Ivan?
- Sẵn sàng phục vụ ngài – ông trả lời.
- Chính ông chỉ huy toán xe lưu đày thứ sáu?
- Chính tôi.
- Bá tước Vaninkoff thuộc về toán ấy, đúng không?
- Hừm! hừm! – ông đội trưởng trả lời ậm ừ, không biết câu hỏi này sẽ đi đến đâu.
Tôi thấy ông bối rối bèn nói:
- Ông đừng ngại gì, tôi là một người bạn có thể hy sinh mạng sống cho ông ấy. Thiết tha đề nghị ông cho tôi biết sự thật.
- Ông muốn biết điều gì? – ông ta vẫn có thái độ đề phòng.
- Bá tước dọc đường đi có đau ốm gì không?
- Không lúc nào.
- Ông ấy có dừng lại ở Perm không?
- Thậm chí cũng không dừng lại để thay ngựa.
- Vậy là vẫn tiếp tục cuộc hành trình à?
- Cho đến Koslovo, tôi hy vọng vào giờ này ở đấy ông ấy vẫn mạnh khoẻ như ông và tôi.
- Koslovo là chỗ nào?
- Một ngôi làng nhỏ xinh xắn trên bờ sông Irtych, đi quá Tobolsk gần hai mươi dặm.
- Ông chắc chắn thế chứ?
- Tất nhiên! Tôi nghĩ thế, người phụ trách đã biên nhận mà hôm kia khi trở về tôi đã nộp lên ngài cảnh sát trưởng.
- Vậy là việc đau ốm, dừng lại ở Perm chỉ là chuyện bịa?
- Đúng vậy.
- Xin cám ơn, ông bạn.
Bây giờ đã biết chắc, tôi đến gặp ông De Gorgoli kể lại chuyện đã xảy ra. Ông hỏi:
- Ông nói cô gái ấy quyết định đến với người yêu ở Sibérie?
- Ồ lạy Chúa! Vâng, thưa ngài.
- Dù không còn tiền nữa?
- Dù không còn tiền.
- Thế thì ông chuyển lời tôi, cô ấy sẽ được đi.
Tôi về nhà, Louise đang ở trong phòng, thấy tôi cô liền hỏi ngay:
- Thế nào?
- Thế này – tôi trả lời – có cái tốt và có cái xấu trong điều tôi kể lại với cô. Ba mươi nghìn rúp của cô đã bị mất. Bá tước không ốm đau gì, đang ở Koslovo, không có cơ may bỏ trốn được. Nhưng cô được phép đến với ông ấy.
- Đây là tất cả những gì tôi mong muốn, có điều ông xin giấy phép cho tôi càng sớm càng tốt.
Tôi hứa và cô ra về an tâm một phần do nghị lực rất lớn và quyết định rất dứt khóat.
Khỏi phải nói khi cô ra về tôi đã đưa cho cô những gì mình có, nghĩa là hai, ba nghìn rúp vì cách đây một tháng không biết sẽ cần tiền nên tôi đã gởi về Pháp số tiền để dành được từ khi đến Saint-Peterbourg.
Buổi chiều lúc tôi còn ở nhà Louise, người ta bảo có một viên tuỳ tùng của Hoàng đế, đến đưa một bức thư cho phép tiếp kiến vào mười một giờ sáng hôm sau, ở cung điện Mùa Đông.
Vậy là ông De Gorgoli đã thực hiện vượt xa cả lời hứa.