Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Người thầy dậy đánh kiếm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15780 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người thầy dậy đánh kiếm
Alexandre Dumas

CHƯƠNG 4
Tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ giăng đầy vải Á đông và tôi thấy người đồng hương của tôi nửa nằm nửa ngồi đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Thấy tôi cô đứng dậy và nghe tiếng nói đầu tiên của tôi, cô thốt lên:
-         A! Ông là người Pháp!
Tôi xin lỗi vì đã đến vào giờ nghỉ ngơi nhưng tôi giải thích vì tôi vừa đến vào hôm qua và chưa biết một vài thói quen ở đây rồi tôi đưa bức thư ra.
-         Của em gái tôi đây! – cô kêu lên – Chà Rose tốt bụng! Rất vui được nhận tin của em. Ông biết cô ấy chứ? Cô ấy vẫn luôn luôn vui vẻ trẻ đẹp chứ ạ?
-         Đẹp, tôi chỉ có thể trả lời. Vui vẻ; tôi hy vọng thế. Tôi chỉ gặp cô ấy có một lần, bức do một người bạn giao cho.
-         Ông Auguste, đúng không?
-         Ông Auguste.
-         Cô em gái khốn khổ, vào giờ này chắc hài lòng lắm đây. Tôi vừa gởi cho cô ấy những món vải rất đẹp và vài thứ đồ khác. Tôi viết thư bảo cô ấy đến đây với tôi, nhưng…
-         Nhưng sao?
-         Nhưng phải từ bỏ ông Auguste nên cô ấy từ chối. Xin mời ông ngồi.
Tôi định kéo một chiếc ghế nhưng cô ra hiệu cho tôi lại ngồi gần bên cô. Tôi nghe theo không chút ngại ngần. Cô bắt đầu đọc bức thư tôi đưa tới và tôi có thì giờ nhìn ngắm cô.
Phụ nữ có khả năng biến đổi mình tuyệt vời, nếu có thể nói thế. Dưới mắt tôi trước đây là một cô gái tầm thường trên đường phố Harpe; cách đây bốn năm cô gái chắc còn đi nhảy tất cả các ngày Chủ nhật ở Prado và La Chaumìere. Thế mà chỉ cần chuyển người đàn bà ấy đến vùng đất khác và thế là cô trở nên sang trọng, lịch sự. Tôi không còn thấy ở cô điều gì gợi lại sự thô thiển lúc sinh thành và sự giáo dục không đầy đủ. Việc thay đổi lớn đến nỗi khi nhìn người đẹp với mái tóc dài, chiếc áo khóac vải mút xơ lin trắng đơn giản, đôi giày vải Thổ, tư thế nửa ngồi nửa nằm như người thợ đã sắp xếp để chụp ảnh, tôi đã nghĩ mình đang ở một phòng khách riêng của một qúy bà lịch sự ở ngoại ô Saint Germain, tuy chỉ là căn nhà sau của một cửa hàng.
-         Này, ông làm gì vậy? – Louise đã đọc xong bức thư và bắt đầu lúng túng dưới cái nhìn của tôi bèn hỏi.
-         Tôi ngắm cô và nghĩ đến Rose nếu cô ấy đến đây thay vì ở lại trung thành với ông Auguste. Nếu có một quyền lực ma thuật nào đó đột nhiên mang cô tới giữa căn phòng êm dịu này, nếu cô ấy đối mặt với cô như tôi lúc này, cô ấy sẽ quỳ xuống, nghĩ rằng mình đã trông thấy một hoàng hậu.
-         Lời ca ngợi hơi quá – Louise mỉm cười nói với tôi nhưng cũng có cái gì đó thật, cô thở dài nói tiếp – Vâng, ông nói đúng, tôi đã thay đổi nhiều quá.
-         Thưa bà – một cô gái bước vào nói – bà Gossudarina muốn có một chiếc mũ giống chiếc hôm qua bà bán cho Nữ Hoàng Dolgorouki.
-         Có phải chính bà ấy đến không? – Louise hỏi.
-         Vâng, chính bà ấy.
-         Đưa bà ấy vào phòng khách, tôi sẽ ra ngay.
Cô gái đi ra.
-         Đây là điều nhắc nhở với Rose – Louise tiếp tục – tôi chỉ là một người buôn bán thời trang khốn khổ. Nhưng nếu ông muốn thấy một sự thay đổi lớn hơn của tôi, ông hãy nâng tấm vải ngăn và nhìn qua cửa kính.
Nói rồi cô sang phòng khách, để tôi lại một mình. Tôi lợi dụng sự cho phép ấy, nâng tấm vải lên và dán mắt vào một góc cửa kính.
Người phụ nữ tên là Gossudarina là một người đàn bà trẻ khoảng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, có những nét châu Á cổ kính, tay và tai đeo đầy trang sức kim cương. Nàng tựa người vào một nữ nô lệ trẻ để đi vào, trông như quá mệt mỏi khi bước, dù đi trên tấm thảm mềm của phòng khách. Họ dừng lại trước chiếc ghế đi văng gần cửa ra vào nhất , cô nô lệ dùng chiếc quạt lông phe phẩy cho chủ. Vừa trông thấy Louise, nàng uể oải ra hiệu cho cô lại gần và nói bằng tiếng Pháp khá tồi. Nàng đề nghị cô cho xem những chiếc mũ lịch sự nhất và đắt nhất. Louise vội vã mang lại ngay những gì tốt nhất. Gossudarina thử hết chiếc mũ này đến  chiếc kia, soi vào chiếc gương do cô nô lệ quỳ trước mặt nâng lên, nhưng không chiếc nào  vừa ý vì không có chiếc nào chính xác giống chiếc mũ của Nữ hoàng Dolgorouki. Vì vậy nàng đề nghị phải làm cho nàng một chiếc theo mẫu ấy. Không may là người đàn bà trẻ đẹp muốn có chiếc mũ ngay trong ngày và băn khoăn về hy vọng ấy. Vì vậy dù người bán hàng nói thế nào, nàng vẫn đòi hỏi muộn nhất sáng hôm sau phải đưa mũ tới. Sau khi tin chắc về lời bảo đảm của Louise, Gossudarina đứng dậy, chậm chạp bước ra, vẫn dựa vào cô lệ và dặn Louise phải giữ lời nếu không muốn làm nàng chết vì buồn. Louise tiễn nàng ra cửa và trở lại ngay để tìm tôi.
-         Thế nào? – cô vừa nói vừa cười – Ông thấy người đàn bà ấy ra sao?
-         Tôi cho rằng bà ta rất đẹp.
-         Tôi không hỏi ông điều ấy, tôi hỏi ông nghĩ gì về tầng lớp và tính chất của bà ta.
-         Nếu tôi gặp ở Paris, với những thái độ cường điệu , cách giả làm ra vẻ bà lớn, tôi sẽ cho đấy là một vũ nữ nào đấy được một đức ông đưa ra từ nhà hát và bảo trợ cho.
-         Như vậy, đối với một người khởi sự thì không tồi, ông đã tiến tới gần sự thật. Người đàn bà ấy mới đây còn là một nữ nô lệ giòng giống xư Georgie, được vị bộ trưởng thân tín của Hoàng đế, ông Naravitchev bao làm tình nhân. Việc thay đổi vị trí ấy đã được bốn năm và cô Machinka nghèo khổ đã quên mất mình từ đâu ra, hay đúng hơn chỉ nhớ đến một phần vào những giờ bận bịu trang điểm ăn mặc, thời gian còn lại cô dùng để hành hạ những người bạn cũ và cô trở thành kẻ khủng bố của họ. Những người nô lệ khác không dám gọi tên cũ của cô ta là Machinka nữa mà gọi là Gossudarina, có nghĩa gần như là "quý bà". Ông đã nghe người ta báo với tôi tên ấy đấy, đến mức – Louise tiếp tục – đây là một ví dụ về sự tàn  bạo của con người hãnh tiến ấy. Có lần cô ta thay quần áo, không thấy cuộn chỉ để cắm đinh ghim đã cắm ngay kim vào vú của cô nô lệ hầu phòng. Việc làm ấy gây ồn ào đến mức Hoàng đế biết được.
-         Nhà vua đã làm gì? – tôi sốt sắng hỏi.
-         Người ta trả tự do cho cô nô lệ, gả cô cho một người nông dân và cảnh cáo vị bộ trưởng nếu để kẻ thân tín của ông làm một việc gì đại loại như thế. Nếu không sẽ bị đày đi Sibérie.
-         Cô ta dè chừng về lời cảnh cáo ấy chứ?
-         Vâng. Lâu nay không nghe nói gì về cô ta nữa. Nhưng nào, nói chuyện về tôi và những người khác đủ rồi. Trở về việc của ông một chút. Ông cho phép, nhân danh đồng hương, hỏi ông đến Saint-Peterbourg có ý định gì. Có lẽ biết rõ thành phố trong ba năm ở đây ít nhất tôi cũng giúp cho ông được những lời khuyên.
-         Tôi hơi nghi ngại đấy, nhưng không sao. Vì cô quan tâm đến tôi, xin nói với cô tôi đến đây với tư cách là thầy dạy đánh kiếm. Người ta có hay gây gỗ với nhau ở Saint-Peterbourg không?
-         Có, những cuộc đấu tay đôi hầu như luôn có người chết. Khi tan cuộc các đấu thủ và người làm chứng có nguy cơ bị đi đày ở Sibérie. Mặc dù vậy ông sẽ không thiếu học trò. Tuy nhiên tôi có một lời khuyên.
-         Thế nào?
-         Cố gắng để Hoàng đế chỉ định ông làm thầy dạy đánh kiếm ở một trung tâm nào đấy, để ông có một cấp bậc trong quân đội. Như ông biết, ở đây bộ quân phục rất có giá.
-         Lời khuyên rất tốt, đưa ra thì dễ nhưng thực hiện thì khó lắm.
-         Vì sao vậy?
-         Làm sao tiếp xúc được với Hoàng đế? Tôi không có một sự bảo trợ nào ở đây cả.
-         Tôi sẽ nghĩ về điều đó.
-         Thế nào? Cô ư?
-         Việc ấy làm ông ngạc nhiên à? – Louise cười nói với tôi.
-         Không, tôi không ngạc nhiên gì về cô. Cô khá đẹp để có thể đạt được những gì mình muốn. Nhưng tôi chưa làm điều gì xứng đáng với lòng tốt của cô.
-         Ông chưa làm gì ư? Chẳng phải ông là đồng hương? Mang đến cho tôi bức thư của Rose tốt bụng? Nhắc lại với tôi Paris hoa lệ, đưa lại cho tôi một trong những giờ êm dịu nhất tôi chưa từng trải qua ở Saint-Peterbourg? Hy vọng tôi sẽ gặp lại ông chứ?
-         Cô đề nghị thế sao?
-         Vào khi nào đây?
-         Nếu cô cho phép, xin gặp cô ngày mai.
-         Vào giờ này, lúc tôi rảnh nhất để có thể nói chuyện lâu.
-         Vậy thì vào giờ này.
Tôi chia tay với Louise, vui vẻ vì đã không còn cảm thấy đơn độc ở Saint-Peterbourg nữa. Đây là một chỗ dựa tạm thời, đúng thế, dựa vào một cô gái đơn độc. Tuy nhiên ở cô có cái gì đó rất êm dịu gợi lên niềm hy vọng.
Tôi ăn tối ở nhà hàng, đối diện với cửa hiệu của Louise, chủ nhà hàng là người Pháp tên Talon. Lúc này tôi không muốn nói chuyện với bất cứ một người đồng hương nào, dễ dàng nhận ra họ ở đây cũng như nơi khác qua giọng nói to và những câu chuyện kinh doanh của họ. Vả lại lúc này đây tôi đang có nhiều những suy nghĩ riêng tư và tôi không thích bị quấy rầy.
Như hôm trước, tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ có hai người chèo, suốt đêm nằm trên áo khoác, say sưa nghe âm điệu dịu dàng của những chiếc kèn và đếm những ngôi sao trên bầu trời.
Tôi trở về cũng vào lúc hai giờ sáng và thức dậy lúc bảy giờ. Vì muốn đi thăm những cảnh lạ ở Saint-Peterbourg một lượt sau đó mới bắt tay vào công việc, tôi bảo người phục vụ thuê một chiếc xe ngựa với giá cả như hôm trước và tôi đi thăm những nơi tôi chưa đi xem. Từ tu viện Saint – Alexandre Nevski với ngôi mộ bằng bạc trên đó có những người đang cầu nguyện, đến Viện hàn lâm khoa học với bộ sưu tập về khoáng sản, quả địa cầu Gottorp vua Đan Mạch Frédéric IV tặng cho Pierre Đệ Nhất, con voi ma mút trong nạn hồng thuỷ do nhà du hành Michel Adam tìm  được trên băng tuyết biển Trắng.
Cuối cùng vào lúc bốn giờ, không chờ hơn được nữa, tôi tôi cho xe đưa lại đại lộ Nevski, dự tính sẽ dạo chơi cho đến năm giờ. Nhưng khi đến con kênh Catherine, người đông quá không đi xe được nữa. Việc tụ tập này rất hiếm xảy ra ở Saint-Peterbourg và ở đây cũng gần đến nơi, tôi bèn trả tiền xe và xuống đi bộ và lẫn vào dòng người. Người ta đang dẫn đến nhà tù một tên ăn cắp vừa bị ông Gorgoli, người đứng đầu trong ngành cảnh sát, bắt được. Vụ trộm cắp gây ra sự tò mò của dân chúng.
Cho dù ông Gorgoli, một trong những người đàn ông đẹp nhất kinh thành và một trong những tướng dũng cảm nhất của quân đội, ông có vẻ uy nghi hiếm có, tình cờ lại có một tên vô lại sành sỏi ở Saint-Peterbourg rất giống ông. Tên trộm quyết định khai thác sự giống nhau ấy. Để tăng thêm uy tín, hắn quyết định mặc bộ quân phục thiếu tướng, khoác một chiếc áo khoác màu xám có cổ, thuê một chiếc xe giống xe ông Gorgoli thường dùng, thuê những con ngựa cùng màu lông và một anh lái xe ăn mặc như người đánh xe của ông tướng, dừng lại trước cửa tiệm một nhà buôn lớn trên đường Grande-Millione, vào và bảo chủ tiệm:
-         Ông này, ông biết rõ tôi chứ, tôi là tướng Gorgoli, người đứng đầu ngành cảnh sát.
-         Vâng, thưa ngài.
-         Thế này, lúc này tôi cần một số tiền hai mươi lăm ngàn rúp vì một việc rất quan trọng. Tôi ở quá xa nên không thể lấy tiền tới kịp và chậm trễ sẽ làm hỏng công việc. Ông cho tôi mượn hai mươi lăm ngàn rúp ấy và sáng mai đến nhà tôi lấy lại.
-         Thưa ngài – chủ tiệm hân hoan kêu lên – rất vui sướng được phục vụ ngài, ngài có muốn hơn thế không?
-         Nếu thế, ông cho vay ba mươi ngàn rúp vậy.
-         Thưa quý ngài, có ngay đây.
-         Cám ơn. Chín giờ ngày mai đến nhà tôi.
Kẻ mượn tiền lên xe, phóng nước đại về phía công viên Mùa Hè.
Ngày hôm sau, theo giờ hẹn, chủ tiệm đến nhà ông Gorgoli, ông tiếp với lối nhã nhặn thường ngày và vì chậm nghe nói lý do, hỏi nhà buôn đến có việc gì.
Câu hỏi ấy làm chủ hiệu buôn lúng túng, vả lại nhìn gần vị tướng, ông thấy có vài nét khác biệt giữa vị tướng và người đến hỏi vay tiền. Ông ta bỗng kêu lên "Thưa ngài, tôi đã bị trấn lột!" và kể lại mưu mẹo không thể tưởng tượng được và ông là nạn nhân. Ông Gorgoli lắng nghe không ngắt lời, sau đó ông cho mang áo khóac lại, bảo thắng ngựa vào xe. Sau đó ông bảo kể lại sự việc lần thứ hai thật chi tiết rồi mời người chủ hiệu buôn chờ ở  nhà ông còn ông chạy đi tìm tên cướp.
Ong Gorgoli cho xe đưa tới đường Grande-Millione, đi từ hiệu buôn, theo đường tên cướp đã đi và hỏi người lính gác đường:
-         Hôm qua tôi đã đi ngang qua đây lúc ba giờ, anh có thấy không?
-         Có, thưa ngài.
-         Rồi tôi đi đâu?
-         Đi về phía cầu Troiskoï .
-         Đúng thế.
Vị tướng đi về phía cầu, đầu cầu ông thấy một người gác khác.
-         Tôi đi qua trước mặt anh hôm qua, lúc ba giờ mười phút, anh có trông thấy tôi không?
-         Có, thưa ngài.
-         Tôi đi theo đường nào?
-         Ngài đi qua cầu ạ.
-         Tốt.
Vị tướng phóng xe qua cầu, dừng lại trước căn nhà gỗ của Pierre Đệ Nhất, người lính trong chòi canh chạy ra.
-         Hôm qua tôi đi ngang qua anh lúc ba giờ rưỡi – vị tướng nói .
-         Thưa ngài đúng.
-         Nhưng anh thấy tôi đi đâu?
-         Vào khu Viborg
-         Được.
Ông Gorgoli tiếp tục đi, quyết định sẽ đi đến tận cùng. Ông góc bệnh viện bộ binh, ông lại thấy một người lính gác và lại hỏi. Lần này ông đi về phía những cửa hàng rượu. Từ đó ông qua cầu Voskresenskoï , đi thẳng đến cuối đại lộ, tiếp đến đầu những quán hàng bên nhà băng. Ông Gorgoli hỏi một lần cuối cùng người lính gác:
-         Hôm qua tôi đi ngang qua trước mặt anh vào lúc bốn giờ rưỡi?
-         Vâng, thưa ngài.
-         Tôi đi đâu vậy?
-         Đến số nhà 19 ở góc kênh Catherine.
-         Tôi có vào đấy không?
-         Dạ có.
-         Anh có thấy tôi đi ra không?
-         Không.
-         Tốt lắm. Bảo bạn anh thay thế cho anh và đến trại lính đầu tiên điều cho tôi hai người.
-         Vâng thưa ngài.
Người lính gác chạy đi và mười phút sau quay trở lại với hai người nữa.
Vị tướng cùng họ đến số nhà 19, đóng cửa ra vào rồi hỏi người gác cổng. Ông này cho biết tên kia ở tầng thứ ba. Họ lên tầng thứ ba đạp cửa ra vào và đối diện với tên mạo danh. Tên này kinh hoàng vì cuộc viếng thăm đột ngột này mà hắn cũng đóan ra mục đích nên vội vã nhận tất cả rồi hoàn trả lại ba mươi ngàn rúp.
Nền văn minh của Saint-Peterbourg, như người ta thấy, không hề lạc hậu so với Paris.
Tôi được chứng kiến cuộc phiêu lưu ở đoạn kết thúc và tôi tranh thủ được hai mươi phút trước khi đến giờ hẹn với Louise. Tôi tới đấy, càng tới gần tim tôi càng đập mạnh, và khi hỏi có gặp được cô không thì tôi run đến nỗi phải hỏi đến hai lần người ta mới hiểu.
Louise đang chờ tôi ở phòng khách riêng.

<< CHƯƠNG 3 | CHƯƠNG 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 269

Return to top