Hoàng đế đến Tagnarog vào cuối tháng tám năm 1825, sau khi đi qua Varsovie dừng lại mấy ngày để dự lễ sinh nhật Đại quận công Constantin. Đấy là chuyến đi thứ hai của Hoàng đế tới thành phố mà ông thích và thường nói có ý định rút lui về đấy. Chuyến du lịch rất tốt cho Người và cho cả Hoàng hậu, người ta tổ chức thật tốt việc nghỉ ngơi của họ để thuận lợi cho việc chữa bệnh. Nói cho cùng việc yêu thích của Hoàng đế tới Taganrog chỉ được xác minh qua các cảnh vật sẽ được làm đẹp trong tương lai theo Người dự tính. Vì như lúc đó, thành phố nhỏ này trên bờ Azov có không đến một nghìn ngôi nhà bình thường chỉ một phần sáu bằng gạch ngói, còn lại là những căn nhà gỗ phủ rạ trát bùn. Đường phố rộng nhưng không được lát đá hay gạch, vừa mưa nước ngập đến đầu gối, ngược lại khi mặt trời và gió làm khô những nơi ẩm ướt, súc vật và ngựa chở sản vật đi qua, hắt lên từng cuộn bụi mà gió tung lên thành những lớp sóng dày, ban ngày cách nhau vài bước người ta không phân biệt được người hay ngựa. Bụi bay khắp nơi, trong nhà qua những khe hở hoặc những tấm chắn gió đóng kín, vào cả quần áo và nước uống.
Hoàng đế ở nhà Tỉnh trưởng trước pháo đài Azov nhưng hầu như không bao giờ có mặt ở đấy. Người ra đi từ sáng sớm và chỉ trở về vào bữa ăn, nghĩa là lúc hai giờ chiều. Cả thời gian Người đi bộ trong bùn hoặc bụi đường, lơ là những phòng bị mà ngay người dân địa phương cũng phải giữ gìn chống lại những bệnh sốt mùa thu mà năm ấy rất phổ biến. Mối quan tâm chính của Người là bản thiết kế và xây dựng một công viên lớn, việc do mg người Anh được gọi từ Saint-Peterbourg đến dang chỉ đạo. Ban đêm, Người ngủ trên một chiếc giường gỗ, gối đầu trên chiếc gối đá.
Một số người nói rằng những bận tâm bên ngoài chỉ nhằm che giấu một kế hoạch mật và Hoàng đế tới vùng địa đầu vương quốc này là để suy nghĩ cho một quyết định lớn. Những người này hy vọng đến một lúc nào đó từ nơi này sẽ ban hành một thể chế cho toàn nước Nga.
Tuy thế Taganrog chỉ là điểm trú ngụ của Alexandre, Elizabeth ở đấy một mình vì bà không chịu nổi những chuyến đi của Hoàng đế trong các tỉnh vùng sông Don, khi đến Scherkask, khi đến Donets. Ở đấy trở về, Người sắp đi Astrakhan thì Bá tước Voronzoff, người đã chiếm đóng nước Pháp đến năm 1818 và là tỉnh trưởng Odessa, đến đột ngột làm đảo lộn kế hoạch. Voronzoff đến báo cáo với Hoàng đế có những âm mưu lớn sắp nổ ra ở Crimée, chỉ có mặt Người mới lắng dịu được. Phải đi ba trăm dặm nhưng có nghĩa gì khi có những con ngựa lông bờm bù xù, có thể vượt đồng cỏ và rừng với tốc độ như mơ. Alexandre hứa với Hoàng hậu sẽ trở về trước ba tuần lễ và cho lệnh ra đi ngay sau khi người mang công văn đi Alupka quay trở lại.
Nhân viên bưu vụ trở về, mang theo những chi tiết về cuộc âm mưu. Người ta phát hiện không chỉ muốn lật đổ chính phủ mà còn muốn cả mạng sống của Hoàng đế. Nghe tin ấy Alexandre đưa hai tay ôm đầu, rên rỉ kêu lên "Ôi, cha ơi, cha ơi!"
Đang nửa đêm Hoàng đế cho đánh thức tướng Diébitch ở trong nhà bên cạnh đấy. Trong lúc chờ đợi Người tỏ ra rất lo lắng, sải bước trong phòng và thỉnh thoảng lại giường nằm rồi ngồi nhỏm dậy. Viên tướng vào, suốt hai giờ họ thảo luận và viết rồi sau đó có hai người mang chỉ dụ đi, một cho Phó vương Ba lan, một cho Đại quận công Nicolas.
Hôm sau Hoàng đế đã lấy lại được vẻ bình tĩnh thường ngày, không ai thấy được những dấu vết xáo trộn trong đêm. Tuy vậy, Voronzoff khi đến xin chỉ thị thấy Người trong tình trạng nôn nóng, khác hoàn toàn với tính tình dịu dàng quen thuộc. Người vẫn ra lệnh lên đường vào sáng ngày hôm sau.
Cuộc hành trình chỉ làm tăng thêm cơn đau tinh thần, từng lúc, điều chưa bao giờ có. Hoàng đế than phiền ngựa đi chậm và đường sá xấu. Nỗi buồn chán càng tăng nhất là khi bác sĩ Wyllie khuyên Người đề phòng gió lạnh mùa thu. Người vứt bỏ áo choàng, khăn cổ, như muốn tìm những nguy hiểm người ta khẩn nài phải tránh. Sự bất cẩn ấy mang lại hậu quả: một buổi tối Hoàng đế ho thường xuyên và sáng hôm sau đến Oriel thì bị một cơn sốt ngắt quãng, với thái độ ương bướng của người bệnh, chuyển sang cơn sốt thuyên giảm từng hồi mà chẳng mấy chốc bác sĩ Wyllie nhận ra là căn bệnh suốt mùa thu mang từ Taganrog đến Sébastopol.
Cuộc hành trình bị gián đoạn.
Alexandre như cảm thấy bệnh trầm trọng hơn, muốn gặp Hoàng hậu trước khi chết nên đòi quay trở lại Taganrog ngay lúc đó. Vẫn làm trái ý với những khẩn nài của Wyllie, Người đi ngựa một phần đường, nhưng không lâu chẳng thể ngồi lưng ngựa được nữa, lại phải lên xe tiếp tục đi. Cuối cùng, ngày 3 tháng mườ một Người trở về đến Taganrog, vừa vào đến lâu đài Tỉnh trưởng thì ngất đi.
Hoàng hậu, bản thân gần như chết dở vì bệnh tim, lúc ấy quên hết những cơn đau của mình, để săn sóc chồng. Cơn sốt nguy hại, tuy môi trường đã thay đổi, ngày càng có vẻ nặng hơn, đến ngày 8 triệu chứng đã trở nên trầm trọng nên ngài James Wyllie đòi phải có bác sĩ Stophiegen, bác sĩ riêng của Hoàng hậu phụ với mình. Ngày 13 hai bác sĩ hợp lực chống bệnh viêm não đang đe doạ làm phức tạp thêm căn bệnh, họ đề nghị Hoàng đế cho trích máu, Hoàng đế luôn luôn phản đối, chỉ đòi uống nước lạnh và khi người ta từ chối thì Người từ bỏ hết tất cả các việc khác. Đến bốn giờ chiều Hoàng đế bảo lấy giấy mực, viết một bức thư, đóng dấu, thấy ngọn nến đang cháy, Người bảo với anh hầu: "Anh bạn, tắt nến đi không người ta nghĩ là bạch lạp và tưởng ta đã chết".
Hôm sau, ngày 14, hai bác sĩ trở lại chăm sóc theo yêu cầu của Hoàng hậu nhưng vẫn vô ích vì Hoàng đế giận dữ đuổi họ đi. Tuy vậy gần như sau đó hối hận vì hành động thiếu kiên trì của mình, Người cho gọi cả hai người lại "Này – Người nói với Stophiegen – ta rất vui gặp ông và ông James Wyllie, nhưng ta báo trước ta từ bỏ niềm vui ấy nếu các ông làm ta vỡ đầu vì thuốc thang". Thế nhưng vào giữa trưa Hoàng đế đồng ý dùng một liều thuốc giảm đau.
Đến bốn giờ chiều, bệnh tiến triển đáng sợ đến mức phải gọi gấp một linh mục. Ngài James Wyllie theo yêu cầu của Hoàng hậu, vào phòng người hấp hối, lại gần giường Hoàng đế vừa khóc vừa khuyên nếu vẫn tiếp tục từ chối sự chăm sóc thuốc men, ít nhất cũng không nên từ chối những việc làm về tôn giáo. Hoàng đế trả lời Người chấp nhận những gì người ta muốn.
Ngày 15, lúc năm giờ sáng, linh mục nghe xưng tội được đưa vào. Vừa thấy ông, Hoàng đế giơ tay, bảo "Thưa cha, hãy xử sự với tôi như một con người chứ không phải như với một ông vua". Linh mục lại gần giường, tiếp nhận những lời xưng tội và ban phép thánh cho Hoàng đế.
Ông đã biết Alexandre từ chối dùng thuốc, tấn công điểm này về tôn giáo đối với người hấp hối, nói rằng nếu Người tiếp tục từ chối như thế sợ rằng Chúa trời sẽ xem cái chết là một việc tự sát. Ý nghĩ này tác động đến Alexandre một cách sâu sắc đến mức Người gọi Wyllie, bảo phó thác mình cho ông này muốn làm gì thì làm.
Wyllie cho áp dụng ngay hai mươi con đỉa hút máu trên đầu nhưng đã quá chậm. Người bệnh bị một cơn sốt hành hạ đến nỗi từ lúc này người ta bắt đầu mất hết hy vọng và gian phòng đầy người rên khóc, Elizabeth chỉ rời đầu giường người bệnh để nhường chỗ cho linh mục rửa tội và khi ông này đi ra, bà lại vào ngồi ngay ở chỗ quen thuộc.
Lúc hai giờ Hoàng đế có vẻ đau đớn gấp bội. Người ra hiệu cho người ta đến gần như để trao đổi một điều bí mật. Nhưng rồi lại đổi ý, Người kêu lên "Các ông vua đau khổ hơn những người khác". Rồi đột ngột ngừng lại, Người ngã ra trên chiếc gối dài, miệng lẩm bẩm "Chúng đã phạm một hành động ô nhục". Người muốn nói đến ai? Chẳng ai biết nhưng một số người nghĩ đấy là lời oán trách cuối cùng đối với những kẻ đã giết Hoàng đế Paul.
Trong đêm Hoàng đế mất hết cảm giác.
Hai giờ sáng tướng Diébitch nói đến ông già Alexandrovitch đã cứu được nhiều người Tatares về căn bệnh sốt rét mà Hoàng đế mắc phải. ngài James Wyllie đề nghị cho đi tìm người ấy và Hoàng hậu bám vào tia hy vọng ấy nên ra lệnh đến nhà ông già đưa ông đến ngay.
Trong thời gian này Hoàng hậu ngồi đầu giường người hấp hối, mắt nhìn mắt, lo lắng thấy cuộc sống đang lùi dần.
Chín giờ sáng ông già bước vào. Khó khăn lắm ông mới chịu đi, gần như phải dùng sức mạnh. Nhìn người bệnh, ông lắc đầu, khi người ta hỏi ông trả lời "Chậm quá rồi, vả lại những người tôi chữa khỏi không phải mắc bệnh này".
Lời nói ấy làm tan hy vọng cuối cùng của Elizabeth.
Thật vậy, đến hai giờ năm phút sáng, Hoàng đế tắt thở. Đấy là ngày mùng 1 tháng chạp theo lịch Nga.
Ngay từ ngày 18, lúc Hoàng đế trở về Taganrov,một công văn gởi cho Đại quận công Nicolas thông báo về tình trạng sức khoẻ kém của Hoàng đế. Tiếp đó ngày 21, 24, 27 và 28 tháng mười một, những chuyến thư thông báo mối nguy hiểm càng tăng làm gia đình hoàng gia rất buồn rồi một bức thư ngày 29 đưa tới một vài hy vọng.
Tuy hy vọng từ một bức thư như vậy rất mơ hồ, nhưng Hoàng thái hậu và Đại quận công Nicolas, Michel ra lệnh tổ chức một buổi "Lễ tạ ơn Chúa" vào ngày 10 tháng chạp ở nhà thờ chính Kazan. Dân chúng biết buổi lễ để mừng sức khoẻ khá hơn của Hoàng đế nên vui mừng đến dự chật cả khu vườn dành riêng cho họ.
Cuối buổi lễ Tạ ơn, giữa tiếng thánh ca ngân vang, người ta đến nói nhỏ với Đại quận công rằng một người đưa thư đến từ Taganrov muốn đưa tận tay Đại quận công bức thư cuối cùng. Đại quận công đứng dậy, theo sau viên tuỳ tùng, ra khỏi nhà thờ. Chỉ Hoàng thái hậu nhận thấy việc này và buổi lễ vẫn được tiếp tục.
Đại quận công chỉ nhìn bức thư đã biết tin tức thê thảm đến mức nào. Bức thư đóng dấu viền đen, có chữ viết của Elizabeth, chỉ có mấy hàng:
"Thiên thần của chúng ta đã về trời, tôi còn lay lắt trên mặt đất nhưng hy vọng chẳng bao lâu lên sum họp với Người".
Đại quận công cho gọi giáo chủ, đưa bức thư và nói uỷ nhiệm cho ông này báo tin cho Hoàng thái hậu rồi trở lại gần bà và tiếp tục cầu nguyện.
Một lúc sau, ông già vào giữa ban đồng ca, ra hiệu cho mọi giọng ca ngừng lại và sự im lặng của chết chóc bao trùm. Giữa sự chú ý và ngạc nhiên của mọi người, ông chậm rãi, rất nghiêm trang, bước tới bàn thờ, cầm chiếc thánh giá bằng bạc khối, trên đó một tấm vải đen phủ lên biểu tượng mọi đau khổ trên mặt đất và mọi hy vọng, lại gần Hoàng thái hậu đưa bà hôn chiếc thánh giá mang tang đen.
Hoàng thái hậu thét lên một tiếng, ngã đập mặt xuống nền nhà, bà hiểu người con trưởng của mình đã chết.
Còn Hoàng hậu Elizabeth, hy vọng đáng buồn bà ghi trong bức thư ngắn và cảm động chẳng bao lâu cũng được thực hiện. Khoảng bốn tháng sau khi Alexandre chết, bà rời Taganrov đi Kalauga, ở đây người ta vừa mua cho bà một ngôi nhà rất đẹp. Đi được một phần ba đường, bà cảm thấy yếu mệt, nên dừng lại ở Relovo, một thành phố nhỏ của tỉnh Kourks, tám ngày sau bà theo gót "thiên thần của bà lên trời".