Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Anh em nhà Caramazov

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 43877 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Anh em nhà Caramazov
Dostoevsky

Quyển 5: Pro và Contra(1)
Chương 1


Bà Khokhlakova lại là người trước lên gặp Aliosa. Bà đang cuống lên: đã xảy ra một việc quan trọng: sau cơn thần kinh Ekaterina Ivanovna ngất đi, tiếp đó là sự suy yếu khủng khiếp, đáng sợ, nàng nằm, mắt trợn ngược và bắt đầu mê sảng. Bây giờ thì sốt nóng, đã cho đi mời bác sĩ Gherxenstube, cho đi mời các bà cô. Các bà cô hiện đã ở đây. Còn Gherxenstube vẫn chưa đến.

- Mọi người đang ở trong buồng của nàng, chờ đợi. Có thể có chuyện không hay, vậy mà nàng vẫn mê man. Nếu chỉ sốt cao thôi thì còn được!

 

Khi thốt lên như vậy, bà Khokhlakova có vẻ sợ hãi thực sự: "Lần này thì nghiêm trọng, nghiêm trọng đấy!" - cứ mỗi câu bà lại đệm thêm vào, như thể mọi chuyện xảy ra với nàng trước đó đều không đáng kể. Aliosa nghe bà nói mà lòng đau buồn; anh toan kể với bà cuộc sóng gió vừa xảy ra với mình, nhưng anh vừa mở miệng đã bị ngắt lời: bà không có thời giờ, bà bảo anh ngồi chơi với Liza và đợi bà ở đấy.

- Anh Alecxei Fedorovich quý mến ơi, - bà thì thầm gần như ghé sát vào tai anh, - vừa rồi con Liza làm tôi hết sức ngạc nhiên, nhưng nó cũng làm tôi cảm động, vì thế trái tim tôi tha thứ hết cho nó. Anh cứ tưởng tượng xem, anh vừa đi khỏi là nó bỗng hối hận thành thực vì đã chế nhạo anh hôm qua và hôm nay. Nhưng thực ra nó không chế nhạo, mà chỉ đùa thôi. Thế mà nó hối hận thực sự, gần như ứa nước mắt, đến nỗi tôi ngạc nhiên. Trước đây chưa bao giờ nó thực bụng hối hận khi nó chế nhạo tôi, mà biến tất cả thành trò đùa. Anh biết đấy, nó cứ chế nhạo tôi luôn ấy mà. Nhưng bây giờ thì nó nghiêm chỉnh, bây giờ thì tất cả đều là nghiêm chỉnh. Nó hết sức coi trọng ý kiến của anh. Alecxei Fedorovich ạ, nếu có thể thì anh đừng giận nó, đừng để bụng. Tôi bao giờ cũng gượng nhẹ với nó, vì nó hết sức thông minh, anh có tin không? Ban nãy nó nói anh là bạn nó từ thuở bé, "người bạn đứng đắn nhất thuở bé", anh hãy tưởng tượng xem, người bạn đứng đắn nhất, thế còn tôi thì sao? Về việc này, nó có những tình cảm cực kỳ nghiêm chỉnh và thậm chí cả những kỷ niệm, nhất là những câu và những lời âu yếm không thể ngờ tới được, vậy mà đột nhiên lại buột ra. Như mới đây nó nói về cây thông chẳng hạn: ở vườn nhà chúng tôi có một cây thông từ hồi nó còn bé lắm, có lẽ hiện giờ vẫn còn đấy, cho nên chẳng phải là nói về thời quá khứ. Thông không như người, rất lâu chẳng hề thay đổi gì, Alecxei Fedorovich ạ. Nó nói: "Mẹ ơi, con nhớ đến cây thông ấy như trong giấc mơ "xoxna kak xoxna"(1), hình như nó diễn tả hơi khác, ở đây có sự lẫn lộn gì đó "xoxna" là một tiếng dớ dẩn, nhưng chẳng qua là nó nhân chuyện ấy để nói với tôi một điều gì rất đặc sắc mà dứt khoát tôi không đủ sức truyền đạt lại. Vả lại tôi quên hết rồi. Thôi, tạm biệt, tôi bàng hoàng quá, hẳn là tôi phát điên lên đây. Ôi chao, Alecxei Fedorovich - trong đời tôi đã hai lần hoá điên và đã được chữa khỏi. Anh đến với Liza đi. Hãy khích lệ nó, việc này anh vốn khéo lắm mà. Liza, - bà gọi to khi đến gần cửa buồng cô con gái. - mẹ đưa Alecxei Fedorovich đến với con đây, anh ấy đã bị con xúc phạm nặng nề, nhưng anh ấy không giận con chút nào, mẹ cam đoan với con đấy, trái lại anh ấy lấy làm lạ rằng con lại có thể nghĩ như thế!

- Merci maman(2); mời vào, anh Alecxei Fedorovich.

Aliosa vào. Liza nhìn anh hơi có vẻ ngượng ngùng và bỗng nhiên mặt đỏ đến tận mang tai. Rõ ràng cô có điều gì hổ thẹn, và như thường thấy trong những trường hợp như thế này, cô liến thoắng nói chuyện đâu đâu, dường như lúc này cô chỉ quan tâm đến cái chuyện đâu đâu ấy.

- Anh Alecxei Fedorovich, ban nãy mẹ vừa kể với em tất cả câu chuyện về hai trăm rúp ấy và về việc anh được giao nhiệm vụ đến gặp ông sĩ quan tội nghiệp nọ… mẹ cũng đã kể tất cả câu chuyện khủng khiếp về việc ông ta bị xúc phạm như thế nào, và anh ạ, tuy mẹ kể rất lộn xộn… cứ toàn nhảy cóc… nhưng em nghe mà phát khóc. Thế nào, anh, anh đưa số tiền ấy rồi chứ, và con người khốn khổ ấy bây giờ thế nào?…

- Dở một nỗi là tôi không đưa được tiền, đây là cả một câu chuyện. - Aliosa đáp, bề ngoài như thể anh bận tâm nhất về việc không trao được tiền, thế nhưng Liza rất tinh nhận thấy rằng anh nhìn đi nơi khác và rõ ràng cũng cố nói chuyện đâu đâu. Aliosa ngồi vào bàn và bắt đầu kể chuyện, ngay từ những lời đầu tiên anh đã hết ngượng ngập và lôi cuốn được Liza. Trong lúc nói, tình cảm mãnh liệt và cảm tưởng phi thường về việc vừa xảy ra vẫn còn ảnh hưởng đến anh, anh kể hấp dẫn và cặn kẽ. Ngay cả trước kia, hồi ở Moskva, khi Liza còn thơ bé, anh vẫn thích đến với cô và kể cho cô nghe những chuyện vừa xảy ra với anh, hoặc những điều anh đọc được hoặc nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu. Có khi thậm chí cả hai cùng nhau mơ ước và cùng nhau sáng tác cả từng thiên truyện, phần lớn là truyện vui và ngộ nghĩnh.

Bây giờ cả hai dường như trở lại cái thời ở Moskva, hai năm trước Liza hết sức cảm động về câu chuyện anh kể. Với tình cảm nồng nhiệt. Aliosa vẽ ra trước mắt cô hình ảnh của "Aliosenka", anh kể hết sức tỉ mỉ cảnh con người bất hạnh kia đạp lên tiền, nghe kể xong, Liza đập hai tay vào nhau và kêu lên với tình cảm bồng bột:

- Thế là anh không đưa được tiền cho ông ấy, thế là anh để cho ông ấy chạy đi! Trời ơi, lẽ ra ít nhất anh cũng nên đuổi theo giữ ông ta lại chứ…

- Không, Liza ạ, tôi không chạy theo là hơn. - Aliosa nói, rời ghế đứng dậy và đi lại trong phòng với vẻ lo ngại.

- Sao lại hơn, hơn là thế nào kia chứ? Bây giờ họ sẽ chết đói thôi!

- Họ không chết đâu, bởi vì hai trăm rúp ấy rồi vẫn sẽ vào tay họ. Đằng nào thì ngày mai ông ấy cũng sẽ lấy số tiền đó.

- Ngày mai chắc chắn ông ấy sẽ lấy. - Aliosa vừa nói vừa trầm ngâm bước đi. - Này Liza ạ, - anh nói tiếp, đột nhiên dừng lại trước mặt cô, - ở đây tôi đã phạm một sai lầm, nhưng vậy mà lại hoá hay.

- Này nhé, ông ấy là người nhát gan và nhu nhược. Ông ấy bị giày vò khổ sở và quá tốt bụng. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ ngợi: cớ gì ông ấy bỗng nổi giận và chà đạp lên mấy tờ giấy bạc, tôi cam đoan với cô rằng cho đến phút chót ông ấy cũng không biết mình giày đạp lên tiền. Tôi cho rằng ông ấy bực tức vì nhiều lẽ… với lại ở địa vị ông ấy không thể khác thế được. Thứ nhất, ông ấy đã quá mừng rỡ trước mặt tôi khi nhìn thấy tiền, và không giấu giếm điều đó. Nếu như ông ấy không quá mừng rỡ, không bộc lộ điều đó mà làm bộ làm tịch như những người khác vờ làm cao khi nhận tiền, như vậy thì còn có thể dằn lòng cầm tiền vậy, đằng này ông ấy lại mừng rỡ quả thực mình, thế thì đáng bực thật đấy chứ? À Liza ạ, ông ấy là người thật thà và tốt bụng, đây chính là điều tai hại trong những trường hợp như thế này! Suốt thời gian ông ấy nói, tiếng ông ấy rất yếu, tự dưng yếu hẳn đi, ông ấy nói liến láu, luôn luôn xen lẫn tiếng cười khúc khích, hay thậm chí còn khóc… đúng, ông ấy khóc, ông hoan hỉ quá… và ông nói vẻ hai người con gái của mình… về chỗ làm mà người ta hứa dành cho ông ở một thành phố khác… Vừa thổ lộ tâm mình xong, ông đột nhiên xấu hổ vì đã dốc hết nỗi lòng với tôi. Bây giờ thì ông ấy căm ghét tôi. Ông ấy thuộc loại người nghèo rất hay hổ thẹn. Cái chính là ông tự giận mình đã quá mau chóng coi tôi là bạn và mau chóng nhượng bộ tôi; lúc đầu ông ấy xông vào tôi làm tôi phát hoảng, rồi vừa trông thấy tiền lại đột nhiên ôm chầm lấy tôi. Ông ôm chầm lấy tôi, hai tay về vuốt suốt. Chính trong tư thế như vậy, ông hẳn phải cảm thấy tất cả sự quỵ luỵ, đúng lúc ấy tôi đã phạm một sai lầm rất nghiêm trọng: bỗng nhiên tôi nói với ông ấy rằng nếu ông không có tiền để rời sang thành phố khác thì người ta sẽ cho tiền ông, thậm chí tôi sẽ lấy tiền riêng của tôi cho ông, cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Chính điều đó làm ông ấy sửng sốt: vì lẽ gì tôi hăm hở giúp ông ấy? Liza ạ, một người bị xúc phạm bao giờ cũng hết sức đau lòng khi tất cả mọi người đều tự xem mình là ân nhân của người đó… điều này là trưởng lão nói với tôi. Tôi không biết diễn tả thế nào, nhưng chính mắt tôi thường vẫn nhìn thấy. Và tự tôi cũng cảm thấy đúng là như thế. Điều quan trọng nhất là tuy cho đến giây lát cuối cùng, ông ấy không biết mình chà đạp lên giấy bạc, nhưng dù sao ông đã linh cảm lấy điều đó, nhất định thế. Ông ấy hoan hỉ đến như thế là vì đã linh cảm thấy trước" Bởi vậy mặc dù mọi việc hỏng cả, nhưng hoá ra lại hay hơn. Thậm chí tôi cho là hay nhất, không thể nào hay hơn được…

- Tại sao, tại sao lại không thể nào hay hơn được? - Liza kêu lên, hết sức ngạc nhiên nhìn Aliosa.

- Bởi vì rằng, Liza ạ, nếu như ông ấy không giày xéo lên tiền, mà cầm ngay thì về đến nhà, chỉ một giờ sau là ông ấy sẽ khóc và có lẽ sáng sớm hôm sau sẽ đến gặp tôi và ném mấy tờ giấy bạc trả lại tôi và xéo đạp lên như vừa rồi: Còn bây giờ thì ông ấy bỏ đi mà rất đỗi tự hào và đắc chí, tuy ông biết rằng thế là "tự giết mình". Như vậy, bây giờ không có gì dễ hơn là bắt ông ấy nhận hai trăm rúp ấy, mai là chậm nhất, bởi vì ông ấy đã tỏ ra biết giữ danh dự, đã ném tiền đi, giày đạp lên… Khi đạp lên tiền, ông ấy không thể không biết rằng ngày mai tôi sẽ lại đem số tiền ấy đến cho ông. Mà ông cần số tiền ấy lắm lắm. Mặc dù bây giờ ông ấy kiêu hãnh, nhưng ngay hôm nay thôi, ông cũng sẽ nghĩ về việc mình đã bỏ mất một sự cứu giúp như thế nào. Ban đêm ông ấy sẽ càng nghĩ ngợi nhiều hơn, sẽ nằm mơ thấy tiền, sáng mai có lẽ ông ấy sẵn sàng chạy đến gặp tôi xin lỗi. Thế mà đúng lúc đó tôi chợt xuất hiện: "Ông quả là con người có lòng tự hào, ông đã chứng tỏ điều đó, bây giờ xin ông nhận cho và thứ lỗi cho chúng tôi" Bấy giờ ông ấy sẽ nhận.

Aliosa say sưa nói câu "bấy giờ ông ấy sẽ nhận!". Liza vỗ tay.

- Chà, đúng vậy, ôi chà, đột nhiên em bỗng hiểu ra! Chà, Aliosa, làm sao anh biết tất cả những điều ấy? Anh còn trẻ như thế mà biết rõ lòng người… Em thì có lẽ chẳng bao giờ nghĩ ra được như thế.

- Bây giờ cần nhất là phải làm cho ông ấy tin rằng ông ngang hàng với tất cả chúng ta, mặc dù ông nhận tiền của chúng ta, - Aliosa nói tiếp, vẫn với giọng say sưa, - chẳng những là ngang, hàng, mà còn cao hơn…

- "Còn cao hơn", hay lắm, Alecxei Fedorovich, nhưng anh nói đi nói đi!

- Vậy là tôi diễn tả không đúng lắm… về việc ta ở thế cao hơn… nhưng chẳng sao, bởi vì…

- Ờ chẳng sao, chẳng sao, cố nhiên là chẳng sao. Xin lỗi, anh Aliosa yêu quý… Anh ạ, cho đến nay em hầu như không kính trọng anh… nghĩa là có kính trọng không như người ngang hàng, còn bây giờ em sẽ kính trọng anh là bậc trên… Anh yêu quý, đừng giận em "pha trò hóm hỉnh". - Cô nói tiếp luôn, giọng chứa chan tình cảm. - Em kỳ cục và bé bỏng, nhưng anh, anh… Này anh Alecxei Fedorovich ạ, phải chăng trong toàn bộ lập luận ấy của chúng ta, tức là của anh… không, của chúng ta thì đúng hơn… có sự miệt thị con người bất hạnh ấy… thì chúng ta vừa mổ xẻ tâm hồn ông ấy đấy thôi, mà dường như tự cho mình là cao hơn, phải không nào? Chúng ta cả quyết rằng ông ấy sẽ nhận tiền, phải không?

- Không, Liza ạ, không hề khinh miệt. - Aliosa trả lời dứt khoát, dường như anh đã có chuẩn bị sẵn cho câu hỏi ấy. - Chính tôi đã nghĩ đến điều đó khi đến đây. Hãy suy xét xem, khinh cái quái gì khi bản thân chúng ta cũng như ông ấy, khi mọi người cũng đều như ông ấy cả. Bởi vì chúng ta cũng chỉ thế thôi, không hơn. Mà cho dù có hơn đi nữa thì ở cảnh ngộ của ông ấy, ta cũng thế thôi. Tôi không biết cô thế nào. Liza ạ, nhưng trong thâm tâm, tôi cho rằng tôi có một tâm hồn nhỏ mọn về nhiều mặt. Còn tâm hồn ông ấy không nhỏ mọn, trái lại rất tinh tế… không, Liza ạ, không hề có chút khinh thị nào đối với ông ấy cả! Cô Liza ạ, trưởng lão của tôi có lần đã nói: phải chăm sóc người ta như chăm sóc con trẻ, với một số người thì phải chăm nom như thể họ là người bệnh đang nằm viện…

- Ôi chao, Alecxei Fedorovich, anh thân thương, vậy thì ta hãy chăm nom mọi người như chăm người bệnh!

- Ta hãy làm như thế, Liza ạ, tôi sẵn sàng, khốn nhưng tôi cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng; đôi khi tôi lại thiếu kiên nhẫn, có khi tôi chẳng nhận thấy gì hết. Còn cô thì khác.

- Ồ, em không tin! Anh Alecxei Fedorovich, em hạnh phúc biết bao!

- Rất đáng mừng khi có nói như vậy, Liza ạ.

- Alecxei Fedorovich, anh tốt tuyệt vời, nhưng đôi khi anh cứ như một thầy đồ gàn… Ờ mà không, anh không gàn chút nào. Anh hãy ra kia, nhẹ nhàng mở cửa xem mẹ em có rình nghe ở đấy không - Liza bỗng thì thầm, giọng hối hả, nóng nảy.

Aliosa ra hé mở cửa và cho biết không có ai rình nghe cả.

- Anh đến đây, Alecxei Fedorovich, - Liza nói tiếp, mặt càng đỏ lựng. - Anh đưa tay đây, thế. Anh ạ, em phải thú nhận với anh một điều quan trọng: lá thư hôm qua em viết cho anh không phải là để đùa bỡn đâu, nghiêm chỉnh đấy…

Và cô đưa một tay che mặt. Rõ ràng là cô rất hổ thẹn khi thú nhận điều đó. Đột nhiên cô chộp lấy tay anh và hăm hở hôn ba lần.

- Kìa Liza, thật tuyệt quá. - Aliosa vui sướng kêu lên. - Tôi cũng tin chắc rằng cô viết nghiêm chỉnh.

- Anh ấy tin chắc, khó mà tưởng tượng nổi! - Cô đẩy tay anh ra, nhưng vẫn không buông, mặt đỏ bừng và khúc khích cười vui sướng. - Tôi hôn tay anh ấy, vậy mà anh ấy nói: "Tuyệt quá".

- Nhưng cô trách oan, - Aliosa cũng hết sức bối rối. -Tôi luôn luôn mong muốn cô thích tôi, nhưng không biết làm thế nào. - Anh nói lúng búng và cũng đó mặt.

- Aliosa thân mến, anh lạnh lùng và táo tợn. Ấy đấy. Anh ấy hạ cố chọn tôi làm vợ và thế là anh ấy yên tâm! Anh ấy đã tin chắc rằng tôi viết nghiêm chỉnh, lạ chưa! Táo tợn thật, thế đấy!

- Vậy là dở hay sao, một khi tôi tin chắc như thế? - Aliosa bỗng bật cười.

- Ồ, Aliosa, trái lại, rất tốt là đằng khác. - Liza nhìn anh với vẻ trìu mến và hạnh phúc. Aliosa vẫn để tay mình trong tay Liza. Bỗng anh cúi xuống và hôn ngay vào môi cô.

- Lại còn thế nữa ư? Anh làm sao vậy? - Liza kêu lên. Aliosa hoàn toàn bối rối.

- Thứ lỗi cho tôi… nếu có gì không phải… Tôi làm như vậy có lẽ là dớ dẩn quá… Cô bảo tôi lạnh lùng, vì thế tôi tự dưng hôn cô. Nhưng tôi thấy như vậy là dớ dẩn…

Liza bật cười và đưa hai tay bưng mặt.

- Mặc bộ áo này mà làm như vậy! - Cô buột miệng nói trong tiếng cười và đột nhiên trở nên hết sức nghiêm chính, gần như nghiêm khắc. - Anh Aliosa ạ, chúng ta khoan hãy hôn nhau vì cả hai ta đều chưa biết làm việc đó, chúng ta còn phải chờ đợi lâu. - Cô bỗng kết luận. - Tốt hơn hết là anh hãy cho biết vì sao anh chọn một con bé ngốc nghếch ốm yếu như em, anh là người thông minh, hay suy nghĩ và tinh ý như thế kia mà? Ôi chao, Aliosa, em hạnh phúc vô cùng, vì em hoàn toàn không xứng với anh!

- Xứng quá đi chứ, Liza ạ. Nay mai tôi sẽ rời bỏ hắn tu viện. Đã hoàn tục thì phải lấy vợ, tôi biết như vậy. Đấng ấy đã căn dặn tôi như vậy. Tôi còn lấy ai hơn em được… mà ngoài em ra thì còn ai ưng lấy tôi? Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Thứ nhất, em biết tôi từ thời thơ ấu, hai nữa em rất có nhiều khả năng mà tôi không có. Tính tình em vui vẻ hơn tôi, cái chính là em hồn nhiên hơn tôi, còn tôi đã đụng chạm nhiều, dính nhớp nhiều… ôi, em không biết chứ, tôi là con nhà Karamazov kia mà! Em hay cười và bông đùa thì có sao đâu, kể cả trêu cợt tôi nữa. Trái lại, em cứ cười đùa đi tôi lấy thế làm vui mừng… Nhưng em cười vui như trẻ thơ, mà bên trong thì em nghĩ ngợi như người tự giày vò mình.

- Tự giày vò mình? Thế là thế nào?

- Phải, Liza ạ, vừa nãy em hỏi: chúng tôi có khinh rẻ con người khốn khổ ấy không khi chúng ta mổ xẻ tâm hồn ông ta, đấy là một câu hỏi tự giày vò… ờ, tôi không biết diễn tả cách nào, những người nào nảy ra những câu hỏi như thế thì người ấy có khả năng đau khổ. Cứ ngồi miết trong ghế, hẳn là em phải nghĩ ngợi nhiều.

- Anh Aliosa, đưa tay đây cho em, sao anh lại rút tay ra. - Liza thốt lên giọng nghẹn ngào, yếu hẳn đi vì chứa chan hạnh phúc. - Này anh Aliosa ạ, anh sẽ mặc thế nào sau khi ra khỏi tu viện, mặc bộ đồ thế nào? Anh đừng cười, đừng giận nhé, đấy là điều vô cùng quan trọng đối với em.

- Liza ạ, về áo quần thì tôi vẫn chưa nghĩ tới, nhưng tôi sẽ mặc theo ý muốn.

Em muốn anh mặc vét tông bằng nhung màu xanh sẫm, gilê bằng vải pi kê(3) trắng và mũ mềm màu trắng có lông tơ… Này anh, vừa rồi thế là anh tin rằng em không yêu anh khi em chối bỏ lá thư hôm qua chứ gì?

- Không, không tin.

- Ôi, thật là một con người hết chịu nổi, vô phương cứu chữa!

- Em ạ, tôi biết… hình như em yêu tôi, nhưng tôi làm ra vẻ tin rằng em không yêu tôi, để… tiện cho em hơn…

- Thế thì càng tệ! Vừa tệ hơn mà lại hay hơn. Anh Aliosa ạ, em yêu anh lắm lắm. Ban nãy khi anh đến, em định bụng: mình sẽ hỏi anh ấy lá thư hôm qua, nếu anh ấy thản nhiên lấy ra trả lại (điều này bao giờ cũng có thể chờ đợi ở anh ấy) thì tức là anh ấy hoàn toàn không yêu mình, không cảm thấy gì, như vậy anh ấy chỉ là một chú bé ngốc nghếch, không xứng đáng, đời mình thế là bỏ đi. Nhưng anh để lá thư ở phòng tu, thế là em yên lòng: có phải vì cảm thấy trước rằng em sẽ đòi lá thư nên anh để ở nhà để khỏi phải trả không? Phải thế không? Đúng vậy chứ?

- Ôi chao Liza, hoàn toàn không phải thế, lá thư tôi mang trong người, hiện giờ cũng như ban nãy, ở trong túi này này, đây! - Aliosa vừa cười vừa lấy lá thư ra và giơ cho cô bé xem ở khoảng xa. - Nhưng tôi không đưa cho em đâu, cầm cho xem thôi.

- Vậy ư? Nghĩa là ban nãy anh nói dối, thầy tu mà nói dối ư?

- Ừ thì nói dối, - Aliosa cũng cười. - nói dối để khỏi phải trả lại bức thư. Nó rất quý đối với tôi. - Anh bỗng nói thêm, lòng dạt dào tình cảm và lại đỏ mặt. Tôi sẽ giữ suốt đời và không trao cho ai hết.

Liza nhìn anh, mê thích.

- Anh Aliosa, - cô lại thỏ thẻ, - anh ra cửa xem mẹ em có rình nghe ở đấy không.

- Được Liza ạ, tôi sẽ xem, nhưng có lẽ không xem thì hơn, phải không? Sao lại nghi ngờ mẹ em làm một việc thấp hèn như vậy?

- Thấp hèn thế nào? Thấp hèn quái gì? Mẹ rình nghe chuyện con gái của mẹ, thế không phải là thấp hèn. - Liza đỏ mặt tía tai. - Anh Alecxei Fedorovich, anh hãy tin rằng khi chính em sẽ làm mẹ và có một đứa con gái như em bây giờ thì nhất định em cũng sẽ lén nghe chuyện của nó.

- Thật thế ư, Liza? Vậy thì không tốt.

- Ôi lạy chúa tôi, thấp hèn quái gì? Nếu như lén nghe một cuộc nói chuyện giao tế thông thường thì hèn hạ thật, nhưng đây là con gái mình đóng cửa ở trong buồng và một chàng trẻ tuổi… Này, anh Aliosa ạ, anh nên biết rằng bao giờ chúng ta thành hôn thì em cũng sẽ rình mò anh đấy, và anh cũng nên biết rằng thư từ của anh, em sẽ bóc ra đọc bằng hết đấy… Anh được báo trước rồi đấy nhé…

- Ờ cố nhiên, nếu là như vậy… - Aliosa nói lúng búng. - Nhưng như vậy là không tốt.

- A, khinh nhau chưa! Anh Aliosa yêu quý, ta đừng cãi cọ nhau ngay từ lần đầu, nhưng em cứ nói thật hết với anh thì hơn: nghe trộm tất nhiên là rất xấu, và tất nhiên là em sai trái, anh nói phải, nhưng em vẫn cử sẽ rình nghe.

- Thì cứ việc. Nhưng em sẽ không bắt chộp được tôi điều gì đâu Aliosa cất tiếng cười.

- Anh Aliosa, thế anh sẽ phục tùng em chứ? Điều đó cũng phải quyết định trước.

- Rất sẵn lòng, Liza ạ, nhất định là như thế, trừ trường hợp quan trọng nhất. Trong trường hợp quan trọng nhất, dù em không đồng ý với tôi, tôi vẫn cứ làm theo bổn phận.

- Thế là phải. Anh nên biết rằng về phần em thì trái lại, chẳng những em sẵn sàng tuân theo anh trong trường hợp quan trọng nhất, mà em sẽ nhường nhịn anh trong mọi việc, bây giờ em xin thề với anh: nhường nhịn anh tất cả mọi điều và suốt đời. - Liza kêu lên bằng giọng cuồng nhiệt, - và em coi đó là hạnh phúc, hạnh phúc! Hơn thế nữa, em thề với anh là sẽ không bao giờ nghe trộm anh, không một lần nào và anh có lý, chứ không phải là em. Mặc dù em rất muốn nghe trộm, em biết thế, nhưng em sẽ không nghe, vì anh cho là hèn hạ. Bây giờ anh là Thượng đế của em… Anh Alecxei Fedorovich ơi, tại sao mấy ngày qua anh buồn như thế, cả hôm qua và hôm nay; em biết anh có những việc phải lo toan, những chuyện đau lòng, nhưng em còn thấy anh có một nỗi buồn đặc biệt gì đó, có lẽ chuyện riêng kia, Phải không?

- Đúng Liza ạ, có một chuyện buồn phải giữ kín. - Aliosa nói.

- Tôi thấy là em yêu tôi, vì em đã đoán được điều đó.

- Nỗi buồn gì? Về việc gì? Có thể nói ra được không? - Liza nói với giọng van vỉ rụt rè.

- Sau này tôi sẽ nói. Liza ạ… sau này… - Aliosa bối rối. - Bây giờ nói ra em sẽ không hiểu được. Mà có lẽ chính tôi cũng không biết nói thế nào.

- Em còn biết là anh khổ tâm vì mấy người anh và ông bố, phải không?

- Ừ, vì hai người anh, - Aliosa nói, như ngẫm nghĩ.

- Em không ưa anh Ivan Fedorovich của anh, anh Aliosa ạ. - Liza đột nhiên đưa ra nhận xét.

Aliosa hơi ngạc nhiên về nhận xét ấy, nhưng không hỏi lại.

- Các anh tôi tự giết mình, - anh nói tiếp, - ba tôi cũng thế. Và đồng thời giết cả những người khác. Đây là "sức mạnh bắt nguồn từ đất sức mạnh của dòng họ Karamazov", như Cha Paixi mới nói hôm nào, sức mạnh bắt nguồn từ đất, cuồng bạo và thô thiển… Thậm chí thánh linh Đức Chúa Trời có chế ngự được sức mạnh ấy không, tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết bản thân tôi cũng là một Karamazov… Tôi là thầy tu ư, thầy tu ư? Tôi là thầy tu ư, Liza? Vừa nãy em bảo rằng tôi là thầy tu phải không?

- Vâng, em có nói.

- Vậy mà có lẽ tôi không tin có Chúa Trời.

- Anh mà lại không tin, anh làm sao vậy?

Liza khẽ nói một cách thận trọng. Nhưng Aliosa không đáp. Trong những lời quá bất ngờ ấy của anh có một cái gì quá bí ẩn và quá chủ quan. Có lẽ ngay cả anh cũng không hiểu rỏ, nhưng chắc chắn nó làm anh khổ tâm.

- Còn điều này nữa, bây giờ một người bạn của tôi sắp mất, người đáng kính nhất trên đời sắp từ giã cõi trần. Giá như em biết, Liza ạ, giá như em biết giữa tôi và con người đó có sự gắn bó tinh thần như thế nào! Vậy mà bây giờ tôi sẽ chỉ còn lại một mình… Tôi sẽ đến với em, Liza ạ… Từ nay chúng ta sẽ ở bên nhau.

- Vâng, ở bên nhau, ở bên nhau! Từ nay ta sẽ ở bên nhau suốt đời Anh ơi, hôn em đi, em cho phép đấy.

Aliosa lại hôn cô gái.

- Bây giờ thì anh về đi, Chúa Kito ở cùng anh! (Và cô làm dấu thánh cho anh). Hãy mau mau về với Người, trong lúc Người còn sống. Em thấy rằng em giữ anh ở đây thật là tàn nhẫn. Hôm nay em sẽ cầu nguyện cả cho Người và cho anh. Anh Aliosa, chúng ta sẽ hạnh phúc! Chúng ta sẽ hạnh phúc, phải không?

- Tôi cho rằng sẽ như thế, Liza ạ.

Rời khỏi chỗ Liza, Aliosa không có ý định đến gặp bà Khokhlakova, anh toan ra về mà không từ biệt bà. Nhưng anh vừa mở cửa và ra cầu thang thì bà Khokhlakova đột ngột xuất hiện trước mắt anh. Thoạt nghe bà nói, Aliosa đã đoán ra rằng bà chủ tâm chờ anh ở đây.

- Alecxei Fedorovich, thật là khủng khiếp. Đấy là trò trẻ con và chỉ là tầm bậy. Tôi hy vọng rằng anh không mơ tưởng… Ngu xuẩn, ngu xuẩn và ngu xuẩn! - Bà sừng sộ với anh.

- Chỉ xin bà đừng nói điều đó với cô ấy, - Aliosa đáp lại, - không thì cô ấy sẽ xúc động, mà bây giờ như thế có hại cho cô ấy.

- Tôi nghe được lời nói phải lẽ của một người trẻ tuổi biết lẽ phải. Theo tôi hiểu, có phải anh thuận theo ý nó chỉ vì thương nó tật bệnh, không muốn trái ý nó làm nó tức giận chứ gì?

- Ồ, không, hoàn toàn không, tôi nói chuyện với cô ấy hoàn toàn nghiêm chỉnh, - Aliosa tuyên bố dứt khoát.

- Không thể nghiêm chỉnh được, nhẽ nào như thế, và thứ nhất bây giờ tôi sẽ không để cho anh đến đây lần nào nữa, hai là tôi sẽ đi nơi khác và đưa nó đi, anh nên biết như vậy.

- Cần gì phải thế, - Aliosa nói, - chuyện ấy cũng còn lâu kia mà, có lẽ phải còn chờ một năm rưỡi nữa ấy chứ.

- À, Alecxei Fedorovich, cố nhiên đúng là như thế, và trong một năm rưỡi ấy anh với nó sẽ cãi nhau một ngàn lần và sẽ đoạn tuyệt với nhau. Nhưng khổ thân tôi, khổ thân tôi! Tuy đấy chỉ là chuyện vớ vẩn, nhưng nó làm tôi tan lòng nát ruột. Bây giờ tôi như Famuxov trong cảnh cuối của vở kịch(4), anh là Trasky, nó là Xofia, và anh hãy tưởng tượng xem, tôi chạy ra cầu thang này cốt để gặp anh, mà ở nhà này mọi điều ác hại đều xảy ra ở cầu thang. Tôi đã nghe thấy hết, tôi phải gắng lắm mới đứng nổi. Thì ra vì thế mà có những điều khủng khiếp suốt đêm qua và tất cả những cơn thần kinh vừa rồi! Tình yêu cho con gái, còn cái chết cho bà mẹ. Hãy nằm vào quan tài. Bây giờ đến điểm thứ hai và là điểm quan trọng nhất: lá thư nó viết cho anh, thư gì vậy, đưa tôi xem ngay, nào!

- Không, không nên. Bà cho biết sức khỏe Ekaterina Ivanovna ra sao, tôi rất cần biết.

- Vẫn mê sảng, chưa tỉnh; các bà cô của cô ấy hiện ở đây, chỉ kêu than và lên mặt với tôi, còn bác sĩ Gherxenstube đã đến và ông ta sợ hãi đến nỗi tôi không biết tính sao với ông ta, làm cách nào cứu ông ta, thậm chí tôi muốn cho đi mới bác sĩ khác. Ông ta đã được đưa đi bằng xe của tôi. Đã thế lại thêm cả anh, với lá thư này. Của đáng tội, chuyện ấy cũng còn một năm rưỡi nữa mới đến. Vì tất cả những gì vĩ đại và thiêng liêng, vì trưởng lão sắp qua đời của anh, hãy đưa tôi lá thư ấy. Alecxei Fedorovich, tôi là người mẹ mà. Nếu anh muốn thì cứ cầm thư trong tay cho tôi đọc thôi cũng được.

- Không, tôi sẽ không cho bà xem, bà Ekaterina Oxipovna ạ, cho dù cô ấy cho phép đi nữa. Mai tôi sẽ đến, và nếu bà muốn, tôi sẽ nói với bà nhiều điều, còn bây giờ thì xin từ biệt!

Và Aliosa từ chỗ cầu thang chạy ra đường.

 

Chú thích:

(1) chơi chữ: xoxna là cây thông, xoxna: trong giấc mơ

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: cảm ơn mẹ (N.D)

(3) loại vải hai lớp may chần (N.D).

(4) Vở kịch "Khổ vì cái tri tuệ" của Gruboedov (N.D)

<< Chương 7 | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 221

Return to top