Nhà Fedor Pavlovich không phải ở ngay trung tâm thành phố nhưng cũng không hẳn ở ngoại ô. Ngôi nhà khá cũ kỹ, nhưng bề ngoài nom dễ thương: một tầng, có gác nóc, sơn xám, lợp tôn đỏ. Tuy vậy nó còn vững chãi chán, rộng rãi và tiện lợi. Trong nhà có nhiều buồng kho, nhiều xó xỉnh và những cầu thang bất ngờ. Nhà có chuột, nhưng Fedor Pavlovich cũng không lấy thế làm bực tức gì cho lắm. "Dù sao tối đến cũng không buồn tẻ quá khi ta chỉ có một mình". Quả thực là ông có thói quen ban đêm cho đầy tớ xuống ngủ nhà dưới, còn ông khoá cửa ở trên nhà một mình suốt đêm. Căn nhà dưới ấy ở sân, rộng thênh thang và vững chãi, Fedor Pavlovich đặt bếp ở đấy, tuy nhà trên cũng có bếp: ông ta không ưa mùi nhà bếp, và thức ăn phải đưa lên qua sân, đông cùng mùa hè. Nói chung ngôi nhà xây cho một gia đình lớn: có thể chứa được một số người nhiều gấp năm, cả chủ lẫn đầy tớ. Nhưng vào lúc xảy ra câu chuyện này, trên nhà chỉ có Fedor Pavlovich và Ivan Fedorovich, còn ở căn nhà dưới của gia nhân chỉ có ba người đầy tớ: lão Grigori, mụ Marfa vợ lão và Xmerdiakov, gã đầy tớ khá trẻ. Cần nói kỹ hơn chút nữa về ba nhân vật này. Về lão Grigori Vaxilievich thì chúng ta nói khá nhiều rồi. Đấy là một con người cứng rắn và kiên cường, bền gan đi thẳng tới đích của mình, miễn là cái đích ấy, do nhưng nguyên nhân nào đó (thường là phi lôgic kỳ lạ), được lão coi là chân lý hiển nhiên. Nói chung lão là người chính trực và không mua chuộc được. Vợ lão, Marfa Ignatievna, mặc dù suốt đời một mực tuân theo ý chồng, đã có lần dầy dà chồng ghê gớm, chẳng hạn ngay sau khi giải phóng nông nô, mụ cứ nằng nặc đòi bỏ Fedor Pavlovich đi Moskva để buôn bán lặt vặt gì ở đó (hai vợ chồng cũng có được tý tiền). Nhưng ngay hồi ấy Grigori đã quyết định, một lần dứt khoát, là mụ nói tầm bậy. "vì đàn bà ả nào cũng bất nghĩa bất nghì", nhưng bỏ chủ cũ mà đi thì không được, dù chủ thế nào đi nữa, "vì bây giờ bổn phận của họ là như vậy".
- Bà có hiểu thế nào là bổn phận không? - Lão nói với vợ.
- Tôi hiểu. Ông Grigori Vaxilievich ạ, nhưng sao chúng ta lại có bổn phận phải ở lại đây dù tôi chẳng hiểu gì cả. - Marfa Ignatievna trả lời dứt khoát.
- Không hiểu thì thôi, nhưng vẫn cứ phải như vậy. Từ nay đừng nói nữa.
Đúng như thế: họ không đi, Fedor Pavlovich ấn định cho họ một khoản tiền còng nhỏ thôi, nhưng trả sòng phẳng. Thêm nữa Grigori biết rằng lão có ảnh hưởng không chối cãi được đối với chủ. Lão cảm thấy như thế, và cũng hợp lý thôi: tay hề ranh mãnh và bướng bỉnh Fedor Pavlovich tính tình rất cương quyết "trong một số việc của đời sống", theo lối nói của chính ông ta, nhưng lại rất non gan trong "một số sự việc khác của đời sống", điều mà chính ông ta cũng lấy làm lạ. Chính ông ta biết đó là những việc gì. Ông ta biết và có nhiều điều ông ta sợ. Trong đời có những trường hợp cần đề phòng cẩn thận, khi ấy không có một người trung thành thì thật gay, mà Grigori là người trung thành bậc nhất: trong cuộc đời bon chen của mình, đã nhiều lần Fedor Pavlovich có thể bị ăn đòn, và ăn đòn đau, nhưng bao giờ ông ta cũng được Grigori cứu thoát, tuy sau mỗi lần như thế lão đều la rầy ông đến rát tai. Nếu chỉ là bị đánh thôi thì có lẽ Fedor Pavlovich không sợ: có những trường hợp hơn thế, thậm chí rất tinh vi và phức tạp, mà khi ấy, chính Fedor Pavlovich có lẽ cũng không hiểu tại sao ông tức khắc cảm thấy hết sức cần một người thân tín trung thành. Đấy là những trưởng hợp gần như bệnh hoạn: là một kẻ hết sức truỵ lạc và nhiều khi dâm đãng đến tàn bạo, như một con sâu độc, đôi khi, vào nhưng lúc say, bỗng dưng Fedor Pavlovich cảm thấy một nỗi sợ hãi không đâu, một cơn chấn động tinh thần có ảnh hưởng gần như về mặt thể xác trong tâm hồn. "Những lần ấy tâm hồn tôi như run rẩy trong cổ họng" - đôi khi ông ta nói như vậy. Những lúc ấy ông ta thích bên cạnh mình, dù không phải ở cùng phòng, mà ở nhà dưới, có một người tin cẩn, cương quyết, không truỵ lạc như ông ta, nay nhìn thấy tất cả những trò phóng đãng đang diễn ra và biết hết mọi bí mật, nhưng vì trung thành mà dung thứ hết, không chống lại, nhất là không trách móc và không doạ nạt ông bằng bất cứ hình phạt gì trong cuộc đời hiện nay hay ở kiếp sau; khi cần thì sẽ bảo vệ ông - chống lại ai? Chống lại kẻ nào đó không biết, nhưng ghê gớm và nguy hiểm. Cái chính là nhất thiết phải có một người khác, một người thân thiết lâu năm mà lúc đau buồn có thể gọi đến chỉ để chăm chú nhìn vào mặt, có thể trao đổi một lời dù là tầm phơ, và nếu người đó không hề cáu kỉnh thì nỗi lòng vợi hẳn đi, còn nếu người đó cáu kỉnh thì trong lòng càng buồn thêm. Có khi (tuy là rất hiếm) Fedor Pavlovich đương đêm xuống nhà dưới đánh thức Grigori dậy, bảo lão lên với ông ta một lát. Lão lên, ông ta nói nhưng chuyện hết sức vẩn vơ, rồi lát sau cho lão xuống nhà, đôi khi thậm chí giễu cợt và pha trò, rồi nhổ một bãi nước bọt, đi nằm và ngủ một giấc ngon lành của người công chính. Ngay cả sau khi Aliosa về nhà cũng đã xảy ra một trò gì tương tự như thế. Aliosa "đâm thủng tim" ông vì anh "nhìn thấy hết và không chê trách gì". Hơn thế nữa, ở anh còn có một điều chưa từng thấy: anh hoàn toàn không khinh ông già, trái lại bao giờ cũng dịu dàng với ông, thương mến ông một cách hoàn toàn thẳng thắn, tự nhiên, tuy ông chẳng xứng đáng được như thế. Đối với lão già dâm đãng sống độc thân, tất cả những điều đó hoàn toàn bất ngờ, hết sức bất ngờ đối với một người như ông ta trước nay chỉ ham thích "cái bỉ ổi". Aliosa đi rồi, ông ta tự thú với mình rằng ông ta đã hiểu được điều gì trước nay ông ta không muốn hiểu.
Khi mới vào câu chuyện, tôi đã nói rằng Grigori ghét Adelaida Ivanovna, người vợ đầu tiên của Fedor Pavlovich và mẹ của con trai cả của ông - Dmitri Fedorovich - và trái lại, lão bênh người vợ thứ hai mắc bệnh "ngộ dại" của chủ, Xofia Ivanovna, chống lại chính ông chủ và bất cứ ai thốt ra một lời tồi tệ hay nông nổi về bà ta. Thiện cảm của lão đối với người đàn bà bất hạnh ấy biến thành cái gì thiêng liêng đến mức hai mươi năm sau lão vẫn không chịu nổi khi bất kỳ ai nói xấu bà chủ và lão lập tức phản đối kẻ xúc phạm. Vẻ ngoài Grigori là một người lạnh lùng và nghiêm trang, không nhiều lời, nói ra là xác đáng, chắc nịch.
Thoạt gặp không thể đoán chắc được lão có yêu người vợ ngoan ngoãn tận tuỵ không, thế nhưng lão thực sự yêu vợ, và bà vợ cố nhiên cũng biết như thế. Marfa Ignatievna chẳng những không đần mà có lẽ còn tinh khôn hơn chồng, ít ra cũng chín chắn hơn trong đời sống, nhưng mụ nhẫn nại phục tùng chồng vô điều kiện, ngay từ khi thành vợ thành chồng, hiển nhiên là mụ kính trọng chồng vì đức độ cao cả. Đáng chú ý là hai vợ chồng cả đời rất ít nói với nhau, ngoài những điều hết sức cần thiết và những việc hàng ngày. Grigori nghiêm trang và oai vệ chỉ nghiền ngẫm một mình mọi công việc và ưu tư của mình, vì thế Marfa Ignatievna đã từ lâu hiểu rõ dứt khoát rằng chồng không cần đến lời bàn của mụ. Mụ cảm thấy rằng chồng quý trọng sự im lặng đó của mụ và cho như thế là khôn ngoan. Lão không bao giờ đánh vợ, trừ có một lần, nhưng cũng nhẹ thôi.
Năm đầu tiên sau khi Adelaida Ivanovna và Fedor Pavlovich thành hôn, có lần đàn bà con gái trong làng hồi ấy còn là nông nô, tụ họp ở sân nhà chủ để hát và nhảy. Họ hát bài "Trong những đồng cỏ" và Marfa Ignatievna, hồi ấy còn trẻ, bỗng nhảy ra đi điệu vũ Nga bằng một kiểu đặc biệt, không như các bà trong làng, mà như mình vẫn nhảy hồi còn là người hầu trong gia đình Miuxov giàu có: những người biểu diễn vũ trên sân khấu nhà họ đều được một vũ sư ở Moskva về dạy cho. Grigori thấy vợ nhảy rất chi là "điệu", và một giờ sau, ở nhà ông ta cho vợ bài học, nắm tóc giúi nhẹ mấy cái. Nhưng việc đánh vợ chỉ có độc một lần như thế thôi, không tái diễn lần nào, vả lại từ đó Marfa Ignatievna thề không nhảy nhót gì nữa.
Trời không cho họ có con, sinh được một đứa nhưng bỏ mất rồi, Grigori rõ ràng là yêu trẻ, mà lão cũng không giấu giếm điều đó nghĩa là nói ra mồm không ngượng ngập. Khi Adelaida Ivanovna bỏ nhà trốn đi, lão đem Dmitri Fedorovich mới lên ba về nuôi, chăm nom thằng bé gần một năm, tự tay chải đầu cho nó, tự tay tắm rửa cho nó trong chiếc chậu giặt. Rồi lão chăm nom cho Ivan, cả Aliosa, vì thế mà lão được ăn cái tát; nhưng về chuyện ấy tôi đã kể đầy đủ rồi. Còn chính con lão chỉ đem lại cho lão niềm vui sướng hy vọng lúc Marfa Ignatievna còn mang thai. Khi đã ra đời, nó làm cho lão đau xót và khiếp sợ. Số là đứa bé sinh ra có sáu ngón tay. Thấy thế Grigori chán nản đến nỗi chẳng những không hé răng nửa lời cho đến ngày làm lễ rửa tội, và cố ý lánh ra vườn để khỏi nói năng gì. Bấy giờ là mùa xuân, suốt ba ngày lão đánh luống rau trong vườn, đến ngày thứ ba phải làm lễ rửa tội cho đứa bé. Lúc ấy Grigori đã nghĩ ra một cách. Trong nhà đã có mặt cha xứ, khách khứa và chính Fedor Pavlovich đến để làm cha đỡ đầu, Grigori vào và đột nhiên tuyên bố là "không nên làm lễ rửa tội" cho đứa bé, lão nói khẽ thôi, không nhiều lời, khó nhọc thốt ra từng tiếng, chỉ giương mắt ngây ngô nhìn linh mục chằm chằm.
- Sao lại thế? - Linh mục hỏi, vẻ ngạc nhiên và vui vẻ.
- Là bởi vì đấy là… con rồng… - Grigori ấp úng.
- Sao lại rồng, rồng nào?
Grigori im lặng một lúc.
- Thiên nhiên lầm lộn… - Lão ấp úng, nói không rõ ràng, nhưng rất kiên quyết và dễ thấy là lão không muốn dài lời thêm nữa.
Người ta cười và dĩ nhiên là vẫn cứ làm lễ cho đứa bé tội nghiệp. Grigori nhiệt tâm cầu nguyện bên chậu nước làm lễ, nhưng không thay đổi ý kiến về đứa bé mới sinh. Tuy nhiên, lão không cản trở gì hết, có điều suốt mấy tuần lễ đứa bé ốm yếu còn sống, lão hầu như không nhìn đến nó, thậm chí không muốn nhận thấy là có nó, và phần lớn thời gian lão đi khỏi nhà.
Nhưng hai tuần sau khi đứa bé chết vì bệnh tưa mồm thì lão tự tay đặt nó vào cỗ quan tài nhỏ, hết sức buồn rầu nhìn nó, và khi người ta lấp cái huyệt nhỏ, đào nông thì lão quỳ xuống, rạp mình sát đất trước nấm mồ. Từ đó, suốt nhiều năm lão không hề nhắc đến con mình lần nào, cả Marfa Ignatievna cũng không bao giờ nhắc đến đứa con trước mặt chồng, còn khi buộc phải nói với ai về "con mình" thì chỉ nói thì thầm, cho dù là Grigori không có mặt ở đấy. Theo nhận xét của Marfa Ignatievna, từ sau khi chôn đứa bé, ông chồng đâm ra mê mải chăm "việc thần linh", đọc kinh Treti-minei, đeo cặp kính tròn to tướng gọng bạc lên và phần nhiều là lẳng lặng đọc một mình. Ít khi lão đọc thành tiếng, trừ phi vào tuần chay. Lão thích cuốn Jov, lão kiếm đâu ra được tập lời giảng và giáo lý của "Cha Ixaac người Sy-ri của chúng ta, đấng rao truyền ý Chúa", lão kiên gan đọc nhiều năm mà hầu như chẳng hiểu gì cả. Gần đây lão bắt đầu chú ý tìm hiểu kỹ giáo phái Khlưxtư, nhờ có những người hàng xóm mà lão có dịp làm việc đó, rõ ràng lão xúc động mãnh liệt, nhưng lão chưa có ý theo đạo mới. Do đọc nhiều thánh kinh, dĩ nhiên diện mạo lão càng có vẻ trịnh trọng hơn;
Có lẽ lão có khuynh hướng thần bí. Vậy mà như có sự sắp đặt sẵn, việc đứa con sáu ngón ra đời và chết lại trùng khớp với một việc tình cờ khác hết sức lạ lùng, bất ngờ, kỳ dị mà như lời lão nói sau này, đã để lại "dấu ấn" trong tâm hồn lão. Chuyện là thế này: đúng hôm chôn đứa con sáu ngón, Marfa Ignatievna đương đêm thức giấc, nghe như có tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Mụ sợ hãi đánh thức chồng dậy. Lão lắng tai nghe và nhận xét rằng có tiếng ai rên thì đúng hơn, "hình như tiếng đàn bà". Lão trở dậy, mặc quần áo, đấy là một đêm tháng năm khá ấm áp. Ra đến thềm, lão nghe thấy rõ tiếng rên ở trong vườn. Nhưng ban đêm vườn khoá từ phía sân, và ngoài lối đi đó thì không vào vườn được vì khắp xung quanh là tường rào chắc chắn và cao. Grigori vào nhà thắp đèn, lấy khoá vườn và không để ý gì đến sự sợ hãi điên cuồng của vợ - vợ lão càng tin chắc rằng mụ nghe thấy tiếng khóc, chắc là thằng bé gọi mụ - và lão lặng lặng đi ra vườn. Đến đây lão hiểu rõ ràng tiếng rên vọng ra từ buồng tấm hơi ở trong vườn, cách cửa rào không xa, và đúng là tiếng rên của đàn bà. Mở cửa buồng tắm, lão thấy một cảnh tượng khiến lão sững người: cô gái ngây dại vẫn đi lang thang trên các đường phố và cả thành phố đều biết, biệt hiệu là ELizaveta Xmerdiasaia, đã vào được buồng tắm và vừa sinh một đứa con. Đứa hài nhi nằm cạnh cô ta, còn cô ta đang hấp hối. Cô ta chẳng nói năng gì, vì một lẽ đơn giản là cô ta không biết nói. Nhưng tất cả những điều đó cần phải giải thích riêng.