Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Anh em nhà Caramazov

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47013 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Anh em nhà Caramazov
Dostoevsky

Lời người dịch

 

(Trích từ "Lời giới thiệu" của dịch giả Phạm Mạnh Hùng từ "F. Dostoievsky. "Anh em nhà Karamazov". Nhà Xuất bán Văn học, Hà Nội. 1988)

 

"Anh em nhà Karamazov" là tác phẩm cuối cùng của Dostoievsky, ông viết tác phẩm này từ 1878 đến 1880. Dostoievsky thuộc loại thiên tài hiếm hoi mà càng về cuối đời thì sự nghiệp sáng tác càng lên tới đỉnh cao hơn.

 

"Anh em nhà Karamazov" là tác phẩm vĩ đại nhất của ông, là tác phẩm tổng kết cả cuộc đời viết văn của ông: ở đây hội tụ tất cả những ý tưởng chủ đạo mà nhà văn ấp ủ suốt đời và đã giãi bày một phần trong tác phàm trước đó, đây là sự kết tinh kinh nghiệm sóng sóng gió đầy đau khổ của nhà văn và vô vàn quan sát trong thực tế, tay nghề điêu luyện sau bốn chục năm lao động văn học.

 

Thời kỳ viết "Anh em nhà Karamazov" là một thời kỳ tương đối êm đềm, hạnh phúc trong đời tư của Dostoievsky. Quang vinh của ông lên tới tột đỉnh: ông được bầu vào Viện hàn lâm cuối tháng 7 năm 1877 và bài diễn văn về Puskyn ông đọc vào tháng 6 năm 1880 đã gây chấn động trong toàn nước Nga, làm cho uy tín của ông càng thêm lẫy lừng. Cảnh túng bấn thường xuyên trước đây đã chấm dứt, ông có thể làm việc bình tĩnh hơn, không bị những "eo xèo" về cơm áo bám riết nữa, Anna Grigonevna là người vợ hoàn hảo, người thư ký tận tuỵ của ông.

 

Hoàn cảnh nước Nga những năm 70 hết sức phức tạp và đau thương.

Sau cuộc cải cách nông thôn nam 1861, quan hệ tư bản phát triển mãnh liệt ở Nga, nông thôn tan rã, nông dân phá sản, bần cùng hoá, kéo ra thành thị để trở thành người làm thuê cho các chủ xưởng máy bóc lột tàn nhẫn. Gorki viết rằng trong những năm 70-80, "tất cả những gì mang tính thú vật đều được chính phủ cổ vũ", "tất cả những gì có tính người đều bị truy bức". Đồng thời, đây cùng là thời kỳ mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, ý thức cách mạng của quản chúng lao động phát triển sâu sắc thêm, phong trào phản đối dẩy lên trong nông dân, trí thức, nhằm chống bóc lột chống sự chuyên chế của chế độ Sa hoàng và sự lộng quyền của cảnh sát. Nói cách khác là những năm tình thế cách mạng.

 

Trong hoàn cảnh nóng bỏng ấy, trước sự rạn nứt của mọi nền móng xã hội và bóng dáng của cuộc cách mạng xả hội đã hiện rõ, đau đớn nhìn thấy những đau khổ tột cùng của nhân dân, Dostoievsky đã viết tác phẩm lớn nhất của ông về tình trạng hỗn loạn xã hội khúc xạ qua sự tan rã gia đình, về sự tìm kiếm "ý nghĩa của tồn tại" ở những con người đại diện cho các thế hệ thuộc quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô lượng của nhân dân, về những con đường có thể có để đi đến hoà đồng xã hội.

 

Trước khi bắt tay vào viết tác phẩm mà thật ra ông đã ấp ủ ý đồ từ nhiều năm trước, Dostoievsky đã linh cảm thấy mình nắm bắt được một đề tài xứng đáng với tầm vóc của mình. Ông viết: "Ít khi tôi gặp trường hợp nói lên được những điều mới mẻ, đầy đủ, độc đáo như thế này". Tiếp đó là quá trình làm việc hết sức căng thẳng. Trong một lá thư đề ngày 23-7-1879, ông viết: "Cuốn tiểu thuyết tôi đang viết (Anh em nhà Karamazov) hiện thời nuốt hết mọi sức lực và thời giờ của tôi… Tôi viết không hối hả, không vội làm cho xong việc, sửa đi sửa lại, gọt tỉa, tôi muốn tận tâm hoàn tất tác phẩm, bởi vì chưa hề có tác phẩm nào mà tôi nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn tác phẩm này".

 

Thoạt nhìn Anh em nhà Karamazov là cuốn tiểu thuyết về đề tài gia đình, về sự tan rã của "gia đình ngẫu hợp" tức là loại gia đình ở đó không có những mồi quan hệ trong sạch, vững chắc, không có nền móng đạo lý và tan rã trong hoàn cảnh của một xã hội đang băng hoại, thối nát. Sự chọn lựa như thế cũng dễ hiểu: tất cả các tiểu thuyết của Dostoievsky đều viết về đề tài gia đình. Đối với Dostoievsky, vấn đề quan hệ gia đình là vấn đề hết sức quan trọng. Năm 1854, ông viết cho em trai là Andrei: "Ngay cả trước đây cũng thế, bao giờ tôi cũng cho rằng trên đời không có gì cao cả hơn hạnh phúc gia đình". Trước khi bắt tay vào "Anh em nhà Karamazov", trong thư viết cho nữ văn sĩ K. D. Antsevskaia, ông nói rằng nhiệm vụ chủ yếu của ông là nhận thức "thế hệ trẻ" và "gia đình Nga thời nay mà tôi linh cảm thấy rằng mới hai mươi năm trước đây, nó hoàn toàn không như thế".

 

Cơ sở cốt truyện của "Anh em nhà Karamazov" là một chuyện có thật mà tác giả nghe được trong thời gian đi tù khổ sai. Cùng bị giam ở nhà tù Omsk với Dostoievsky có một trung uý hỏi hưu tên là Ilinsky, anh ta bị kết án hai mươi năm tù khổ sai về tội "giết cha". Kẻ sát nhân thực sự là em trai anh ta, gã muốn một mình thừa kế gia tài của bố. Anh ta thụ hình phạt được mười hai năm thì người em hối hận, ra tự thú và tự nguyện xin đi đày. Ông đã kể chuyện này trong "Bút ký nhà chết". Trong phác thảo viết năm 1874 cho cuốn tiều thuyết, nhân vật thậm được đặt tên là Ilinsky.

 

Ông còn được nghe một chuyện tương tự ở Tobonsk. Có hai anh em trai, người anh có vợ chưa cưới xinh đẹp mà người em thầm say mê. Người anh là trung uý, ăn chơi hoang đàng và thường xuyên xích mích với bố. Thế rồi ông bố mất tích mấy ngày. Cuối cùng người ta nhìn thấy xác ông bố trong hầm nhà. Người em không ở với bố nên không bị nghi. Người anh bị buộc tội, bị kết án khổ sai. Lúc mang xiềng đi tù, anh hỏi vợ chưa cưới: "Em có tin không?". Thật ra người em mới là kẻ sát nhân, song đã nguỵ tạo chứng cớ một cách khôn khéo. Về sau vợ chưa cưới của người anh thành vợ của người em. Mười hai năm sau, người em đến thăm anh ở nơi đầy khổ sai, hai bên nhìn nhau không nói mà cũng hiểu. Bày năm nữa trôi qua. Người em thăng quan tiến chức, nhưng bỗng mắc chứng u uất, bị giày vò. Cuối cùng anh ta thú nhận với vợ là mình giết bố. "Anh nói với tôi điều ấy để làm gì?" - nàng hỏi. Người em đến gặp người anh tù khổ sai, ăn năn tội lỗi. Người tù nói: "Tôi quen rồi". Hai anh em nhất trí với nhau: "Như thế là chú cũng đã bị trừng phạt". Một hôm nhân lễ sinh nhật của mình, người em tuyên bố trước khách khứa: "Tôi mới là kẻ giết cha".

 

Người ta cho là anh ta điên. Cuối cùng người anh được tha trở về, người em đi tù khổ sai thay anh, anh ta cầu xin anh làm bố các con anh ta. Anh ta "đã được lên con đường chính đạo".

 

Ta trở lại tiều thuyết "Anh em nhà Karamazov". Một ông bố, ba người con chính thức và một đứa con hoang, kết quả của một lần đi lại gần như cưỡng hiếp một người phụ nữ điên dại. Trừ người con trai thứ ba - Alecxei, - cả gia đình sống trong sự căm thù lẫn nhau mà kết quả là vụ giết bố và một người bị oan đi tù khổ sai. Trong tất cả các nhân vật của "nhà Karamazov", khó nói ai là nhân vật chính. Tất cả đều là nhân vật chính, đều có vai trò quan trọng ngang nhau trong sự phát triển câu chuyện.

 

Trước hết là ông bố - Fedor Pavlovich Karamazov - lão già thuộc tầng lớp quý tộc nhỏ này kiêu ngạo về chút vốn tiếng bọt bèo hời hợt của văn hoá Tây phương, y cố thích nghĩ với chủ nghĩa tư bản hiện đại. Y là một loại tài năng trong thủ đoạn kiếm tiền kiểu con buôn: điều này được tác giả phơi bày qua những chi tiết cụ thể, qua lời bộc lộ của chính nhân vật. "Tôi căm ghét nước Nga biết chừng nào!" - y không thấy cần phải giấu giếm lòng yêu nước của mình. Săn đuổi khoái lạc, đấy là mục đích tối cao của cả cuộc đời y. Ngoài khoái lạc, y không thừa nhận một trách nhiệm đạo lý nào hết, ngay cả đối với hai người vợ đã quá cố và các con y. Thậm chí y tìm thấy cả khoái lạc trong tình cảnh sỉ nhục: y khoái trá khi làm thằng hề múa vui cho bọn giàu có để kiếm miếng ăn, khi vợ bỏ theo trai, y thích thú với vai ông chồng mọc sừng để được thiên hạ thông cảm. Đểu cáng ra mặt đi đôi với đạo đức giả, dâm đãng tột độ và keo kiệt bủn xỉn, tàn bạo, đấy là bản chất của y. Đây không còn là con người mà là con vật độc ác, bệnh tật, đáng kinh tởm.

 

Tuy nhiên, mỗi nhân vật của Dostoievsky bao giờ cũng đầy mâu thuẫn, mang trong mình nhưng nét trái ngược chuyển biến lẫn nhau. Fedor Pavlovich trâng tráo và dâm đãng, nhưng là một cá tính không nhạt nhẽo chút nào. Y là "thằng hề", nhưng pha trò có duyên và giễu cợt rất đắt. Y là nhà triết học trong loại của mình. Y biết tìm ra cơ sở triết lý cho cách sống vô luân vô liêm sỉ của mình. Y lý sự về địa ngục: "Ta cứ nghĩ, khi ta chết không thể nào quỷ lại không dùng móc câu lôi ta đi. Nhưng ta lại nghĩ: Móc ư? Chúng đào đâu ra móc. Làm bằng gì? Sắt ư? Thế thì rèn móc ở đâu? Ở địa ngục có xưởng rèn chắc?". Y biến quan niệm tôn giáo về đời sống ở thế giới bên kia thành cái cụ thể thô thiển nhất để khẳng định tính phi thực tế của nó và gạt bỏ. Không có cả địa ngục lẫn thiên đường thì không có gì phải sợ. Cứ sống như ta muốn.

 

Cái đinh của cốt truyện là sự xung đột giữa ông bố và người con trai cả Mitia Karamazov vì tiền và tình. Ngoài sự tranh chấp giữa hai bố con về quyền thừa kế tài sản của mẹ Mitia để lại, xen vào quan hệ tình địch của họ còn có một món tiền cụ thể, nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ giết người: số tiền ba nghìn rúp mà Mitia rất cần để gỡ danh dự, nhưng lại là số tiền Fedor Pavlovich dành tặng cho Grusenka "thiên thần của tôi", "con gà con của tôi", "nếu nàng đến với tôi".

 

Mitia Karamazov là mẫu người tập trung những đam mê xác thịt dữ dội, không gì kìm hãm nổi, về điểm này anh ta đích thị là dòng máu của bố. "Thượng đế ban dục tình cho sâu bọ", anh ta nghĩ vậy. Nhưng mặc dù ngụp mình trong vũng bùn truỵ lạc, anh ta vẫn khát vọng cái cao đẹp, ở anh ta "lý tưởng Madona" giao tranh với lý tưởng "Xodom", "ở đây quỷ và Chúa Trời giao tranh với nhau mà chiến trường là trái tim con người", "ở đây hai giải bờ gặp nhau, ở đây mọi mâu thuẫn cùng chung sống". Vì thế tâm hồn anh ta quằn quại trong những đam mê, nhưng bất thần ở anh ta lại xuất hiện những ý nghĩ và hành động cao cả. Trong cảnh gặp gỡ lần đầu tiên với Ekaterina Ivanovna tại nhà anh ta, Mitia đã có những tình cảm và hành vi cao quý. Sự say mê, thậm chí tình yêu của anh ta với Grusenka, là tình cảm trong trắng của tuổi trẻ. Trong cuộc tình này lẽ phải thuộc về gã chứ không phải ở phía con dê già kia.

 

Mitia căm thù bố, nhưng không nhúng tay vào tội ác ghê tởm, anh ta sa đoạ nhưng vẫn giữ được bộ mặt con người, theo tác giả, là vì anh ta vẫn còn tin vào Thượng đế: "Cho dù tôi đáng bị nguyền rủa, cho dù tôi hèn hạ và đê tiện, nhưng hãy cho tôi hôn gấu bộ áo mà Chúa Trời của tôi khoác trên người, cho dù tôi đi với quỷ, nhưng tôi vẫn là con của Ngài, ôi Chúa Trời, tôi yêu Ngài…" Mitia nghĩ ngợi về nhưng đau khổ của con người tràn lan khắp thế gian. Nhưng suy nghĩ về đau khổ của chúng sinh và về sự hiện hữu của Thượng đế đã đưa Mitia đến sự phục hưng trong đau khổ.

 

Anh ta bị toà án hình sự kết tội, nhưng toà án lương tâm bào chữa cho anh ta. Anh ta chọn con đường cứu chuộc qua đau khổ, qua sự quy thuận để chuộc lỗi của mình "có ý định giết cha" và chuộc lỗi cho kẻ phạm tội thực sự Dostoievsky viết về nhân vật này: "… tôi sẽ nhấn mạnh hơn nữa tính cách của Mitia Karamazov, trước nguy cơ phải gánh chịu sự bất hạnh và bị kết tội oan, anh ta tự gột rửa mình bằng trái tim và bằng lương tâm. Tâm hồn anh ta chấp nhận "sự trừng phạt không phải vì anh ta đã làm wệc ấy mà vì anh ta xấu xa đến mức từng mong muốn thực hiện cái hành vi phạm tội mà sau này anh ta bị kết tội oan do sai lầm của toà án. Một tính cách hoàn toàn Nga: "Sấm không gầm lên thì gã mugich không làm dấu thánh". Sự gột rửa tâm hồn như thế, xét về mặt hoàn canh tâm lý cụ thể, là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng ở đây phần khiên cưỡng do tác giả cố ý ép đặt vẫn nhiều hơn sự chuẩn bị nội tâm cho nhân vật.

 

Thủ phạm thật sự của vụ giết cha là Ivan Karamazov và Pavel Xmerdiakov.

 

Xmerdiakov là một trong những hình tượng ghê tởm nhất, hiện thân của sự đe doạ ghê gớm của con người mà Dostoievsky đã tạo nên với sức mạnh nghệ thuật kinh hoàng. Ra đời do sự dâm đãng của Fedor Pavlovich với một cô gái dở điên dở dại Lizaveta Xmerdiasaia mà có lẽ không một ai có thể thèm muốn, là con hoang không được thừa nhận của lão già, chỉ được coi là đầy tớ trong nhà, hắn sống trong sự căm thù dữ dội của kẻ đã sinh ra hắn. Chịu ảnh hưởng giáo dục của tính ích kỷ độc ác của lão già, hắn không coi cái gì là thiêng liêng. Hắn không có chút tình cảm nào với những người nuôi dưỡng hắn, hắn sẵn sàng chào mừng Napoleon xâm chiếm Nga, mơ ước chiếm được số tiền ba nghìn rúp để trốn ra nước ngoài mở một tiệm ăn nhỏ. Bên cạnh chủ nghĩa hư vô thô thiển, tính ngạo mạn tôi đòi và sự khinh miệt toàn nhân loại của hắn được miêu tả với sức mạnh nghệ thuật đặc biệt. Là một kẻ vô học, thân phận hèn kém, hắn lại khinh miệt dân Nga "vô học"! Ngu dốt, thiển cận, nhưng hắn có logic tôi đòi, phép biện chứng tôi đòi riêng của hắn, cái biện chứng trâng tráo nhưng mềm dẻo, linh hoạt, biện bạch cho bất cứ hành động đê tiện và tội ác nào. Tâm lý tôi đòi thật dễ sợ. Fedor Pavlovich chết chính bởi tay hắn, kẻ được lão tiêm nhiễm thói độc ác và hèn mạt bị lão làm cho hư hỏng.

 

Tuy nhiên, Xmerdiakov chỉ là kẻ thực thi việc giết cha, Ivan Karamazov mới là đầu não, là "nhà lý luận" khơi gợi và cũng cố cho hắn ý nghĩ giết người, thúc đẩy hắn đi đến hành động, Ivan Karamazov là nhân vật mang tất cả gánh nặng của những hoài nghi và tìm kiếm triết lý trong cuốn tiểu thuyết.

 

Lòng ham sống mãnh liệt, "yêu bầu trời xanh thẫm", hoạt động tìm kiếm ráo riết của tư tưởng, đấy đích thực là "chất Karamazov" thể hiện ở Ivan. Nhưng Ivan không phải là "đứa con của tự nhiên" như Mitia, anh ta trước hết là con người duy lý đầu óc lạnh lùng, người của "văn hoá phương Tây".

 

Anh ta là kẻ nhẫn tâm: xung đột giữa anh Dmitri và bố đến độ có thể gây án mạng, vậy mà anh ta thản nhiên, coi đó là chuyện tự nhiên, "rắn nuốt rắn". Với Ivan, tình cảm ruột thịt là một thành kiến. Lý trí cao hơn mọi mong muốn và khát vọng. Đầu óc duy lý lạnh lùng của Ivan kết hợp với chủ nghĩa cá nhân ích kỷ: "Tội ác chẳng những phải được cho phép, mà thậm chí được thừa nhận là lối thoát khôn ngoan nhất của người vô thần để ra khỏi tình thế khó khăn". Xmerdiakov giết người theo lý luận "mọi việc đều được phép làm" của Ivan, hắn chính là kẻ song trùng của Ivan. Với tư cách là nhà triết lý, Ivan đã đi từ cực đoan này đến cực đoan khác nhiều khi phản lại chính mình, ở anh ta không có sự thống nhất giữa nói và làm. Lý thuyết trừu tượng của anh ta dẫn tới nhưng hậu quả bẩn thỉu mà anh ta không thể nào nuốt trôi được. Cuộc đối chất của Ivan với lương tâm trong cuộc đối thoại với quỷ thật là đau lòng. Quỷ nhìn thấu ruột gan anh ta, nhắc lại lời lẽ trước đây anh ta đã nói, đòi anh ta phải nói - làm đi đôi với nhau. Số phận đã buộc chàng Ivan vô thần phải soi gương tự ngẫm kỹ mình, điều đó làm anh ta phát điên. Qua nhân vật Ivan, Dostoievsky biểu lộ sự thù ghét của ông đối với loại người vô thần duy lý.

 

Lý trí lạnh lùng không chấp nhận tín ngưỡng, Ivan không chấp nhận Thượng đế, anh ta là con người nổi loạn. Cái ác ngự trị trên thế gian, bục tranh tội ác mà Ivan về ra với Alecxei rùng rợn đến nỗi Alecxei - người của Chúa buột miệng thốt lên: "Phải bắn". Sự phê phán của Ivan về trật tự cuộc sống đích thực là "nổi loạn". "Tôi nghĩ rằng, - Ivan bàn về Thượng đế nếu như không có quỷ, có nghĩa là quỷ do người tạo ra thì con người tạo ra quỷ theo hình ảnh của mình và giống như mình…" và "cả trái đất, từ vỏ đến ruột, đều thấm đẫm nước mắt".

 

Ivan nhất quyết chống lại kiểu hài hoà của thế giới khiến cho con nai nằm ngủ cạnh con sư tử, nạn nhân hôn kẻ sát hại mình, kiểu hài hoà mà bà mẹ với viên tướng đã xua chó xé xác con bà, cùng với đứa con, cả ba ôm lấy nhau, mắt đẫm lệ cùng reo lên: "Chúa có lý!". Kiểu hài hoà ấy "không đáng một giọt nước mắt trẻ thơ". Như vậy thì Ivan thà cứ ôm những đau khổ không được trả thù còn hơn, "cho dù là tôi không có lý đi nữa". Đồng thời Ivan cũng cự tuyệt cái thế giới kiểu trại lính, được lý trí tổ chức theo định luật hình học, trong đó tất cả được xếp đâu vào đấy, được giản lược hoá, cá tính và tự do bị xoá bỏ.

 

Câu chuyện "Viên Đại pháp quan tôn giáo" mà Ivan kể cho Alecxei nghe là những trang thâu tóm những suy nghĩ lâu năm của Dostoevsky về đạo thiên chúa La Mã, về vấn đề cá nhân và xã hội nói chung.

 

Mười lăm thế kỷ sau ngày bị đóng đanh câu rút, Chúa trở lại thế gian, tới thành Xevin Tây Ban Nha giữa thời Pháp đình Tôn giáo tàn ác nhất.

 

Dân chúng nhận ra Chúa và vui mừng khôn xiết. Viên Đại pháp quan chợt xuất hiện, ra lệnh bắt giam Chúa, dân chúng sợ một phép, im thít. Ban đêm, viên Đại pháp quan một mình vào ngục tối, bảo cho Chúa biết: từ khi Chúa về trời, thế gian đã được thu xếp ổn định, Chúa đến làm cho con chiên và các đấng chăn chiên không thể sống mà không bị lương tâm trách móc. Đạo của Chúa cao siêu quá, không vừa sức các tín đồ trần thế, nhà thờ đã từ bỏ nó từ lâu. Suy cho cùng, con người không đi tìm chúa Trời, mà tìm bánh mì trần gian. Nhà thờ Thiên Chúa nhân danh đấng Kito, nhưng đã sửa chữa Chúa, dùng cây thập giá và thanh kiếm thiết lập nhà nước của mình làm một tổ chức cưỡng bức để đem lại hạnh phúc cho con người. Nhà nước Thiên Chúa giáo đặt nền tảng trên phép lạ, sự bí mật và quyền lực. Đối với viên Đại pháp quan, mọi vấn đề đều đã được giải quyết dứt khoát.

 

Quần chúng nhân dân, theo lời viên Đại pháp quan, vốn yếu đuối, bất lực, sai lầm của Chúa là không hiểu rằng con người không cần tự do bằng bánh mì. Bởi vì tự do đi đôi với lựa chọn, mà tự do lựa chọn tức là đau khổ gánh trách nhiệm. Chúa quên mất rằng "không có gì quyến rũ con người bằng tự do ý chí, nhưng cũng không có gì đau khổ hơn". Vì vậy quần chúng sẵn sàng đem đổi tự do lấy sự no đủ, yên bình. Các đấng chăn chiên cho họ một ít tự do và chủ yếu là bánh mì. "Phải, chúng tôi bắt họ làm việc, nhưng những lúc rảnh rỗi, chúng tôi tổ chức đời sống của họ như một trò chơi trẻ em, với những bài ca trẻ em, ban đồng ca, những điệu vũ hồn nhiên. Ồ, chúng tôi cho phép họ phạm tội, họ yếu đuối và bất lực, họ sẽ yêu chúng tôi như trẻ con yêu người lớn, vì chúng tôi cho phép họ phạm tội. Chúng tôi sẽ nói với họ rằng tội nào cũng có thể tha thứ được nếu sự phạm tội ấy được chúng tôi cho phép… Sự trừng phạt về những tội ấy, chúng tôi sẽ nhận lấy".

 

Trong bản trường ca "Viên Đại pháp quan", Dostoievsky lên án gắt gao đạo Thiên Chúa mà ông căm ghét và đả kích quan niệm chủ nghĩa xã hội kiểu trại lính (Dostoievsky coi quan niệm này là chung cho mọi học thuyết về chủ nghĩa xã hội). Đây cũng là bài ca chống lại sự áp bức, sự xuyên tạc những tư tưởng vĩ đại. Lịch sử đã từng biết có những phong trào vĩ đại, mở đầu với lý tưởng cao đẹp, với những hứa hẹn hấp dẫn và kết cục lại ngược với lý tưởng. Chẳng hạn cuộc đại cách mạng Pháp thế kỷ XVIII với khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" đã dẫn tới xã hội tư sản Pháp thế kỷ XIX nằm trong tay bọn con buôn.

 

Trong tiểu thuyết, theo niềm tin của tác giả, tính ích kỷ và sự phủ nhận đạo đức gắn liền với quan niệm vô thần, không tin có Thượng đế, điều đó làm què quặt con người, dẫn đến tai hoạ: Fedor Pavlovich bị giết, kẻ sát nhân Xmerdiakov treo cổ tự tử, cuộc đời Ekaterina Ivanovna tan nát…

 

Đối lại với những con người vô thần và Đại pháp quan, Dostoievsky hướng về Chúa cứu thế, về tu viện và xây dựng nhân vật Aliosa và Zoxima.

 

Aliosa phải giữ một vai trò đặc biệt trong tác phẩm. Nhà văn gọi đó là "chàng trai của thời đại chúng ta", tất cả thiện cảm của ông dành cho nhân vật này. Aliosa là một "anticorp" (phản cơ thể) của gia đình Karamazov.

 

Anh là một tâm hồn trong trắng của cái gia đình sục sôi dục vọng này, anh yêu con người và cho rằng mình không có quyền phán xét người khác. Anh có thiên khiếu khơi gợi lòng yêu mến của mọi người đối với mình, không bao giờ để bụng những điều xúc phạm đến mình. Tuy nhiên, "thày tu" này không xa lạ với dục vọng của con người, hiểu biết sâu sắc những đau khổ. Khi Ivan kể với Aliosa về chú bé nông nô bị chó săn xé xác, trả lời câu hỏi anh sẽ xử trí như thế nào với viên tướng đã làm việc đó, Aliosa kêu lên: "xử bắn!". Đấy là sự vi phạm điều răn không chống lại cái ác. Khi Ivan nói lên sự cảm phẫn đối với thế giới của Chúa. Aliosa nói: "Đấy là sự nổi loạn". Lại một lần nữa Aliosa vi phạm điều răn của nhà thờ. Đó là sự thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực của Dostoievsky. Sự nghi ngờ của Aliosa về tính thần thánh của trưởng lão Zoxima khi xác ông bốc mùi cũng là thắng lợi của thực tế đối với ý đồ chủ quan. Về mặt tâm lý, hình tượng Aliosa có sức sống sinh động. Nhưng vai trò mà tác giả muốn gắn cho hình tượng này - vai trò của người nhờ ánh sáng tôn giáo mà vượt thắng được sự độc ác, lính tham lam, dục vọng điên cuồng - thì có vẻ ngây thơ, liệu sức thuyết phục. Người như Aliosa không làm ác với ai, nhưng thánh hạnh của anh bất lực, không làm nên điều thiện.

 

Qua thư từ của Dostoievsky chúng ta được biết rằng với nhân vật Zoxima, nhà văn định khắc hoạ một người Kito giáo trong trắng, lý tưởng, có lý luận mà những lời thuyết giáng của ông ta sẽ đập tan tành những lời lẽ báng bổ Thượng đế của Ivan. Nhưng qua tác phẩm chúng ta thấy thế nào?

 

Trong lời thuyết giảng tràng giang đại hải của trưởng lão về đời sống của nhân dân, trên thực tế, ta thấy đau khổ đầy rẫy dưới thế gian, cái ác đánh bại cái thiện. Người dân chết dần chết mòn vì nạn say rượu, tàn bạo với gia đình, với vợ con, "ở các công xưởng thậm chí tôi đã thấy cả những trẻ em mười tuổi, chúng còm cõi, héo hon và đã truỵ lạc". Trưởng lão nhìn thấy sự đối kháng giữa chủ và tớ diễn ra khắp nơi, ở châu Âu người nghèo nổi dậy dùng sức mạnh chống lại bọn bóc lột giàu có, đầu rơi máu chảy khắp nơi vậy thì làm sao mà chấp nhận được thế giới của Chúa Trời?

 

Lối thoát mà trưởng lão đề ra cho nước Nga là "Chúa Trời sẽ cứu vớt con dân của Ngài, bởi vì nước Nga vĩ đại do sự quy thuận của mình" và "rồi đây cuối cùng ngay cả người giàu đồi bại nhất của chúng ta cũng sẽ xấu hổ với người nghèo về sự giàu có của mình, còn người nghèo thấy người giàu khiêm nhượng như vậy, sẽ hiểu họ và vui sướng nhượng bộ". Thật là ngây ngô, nhạt nhẽo. Những lời răn như thế lại do ngồi bút của nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại Dostoievsky viết ra, thật khó hiểu!

 

Còn về lập luận của Zoxima đáp lại những lời lẽ vô thần và báng bổ Thượng đế của Ivan thì thật là yếu ớt, không có sức thuyết phục.

 

Dostoievsky viết cho Pobedonoxev ngày 24 tháng Tám 1879: "Tôi sợ và run lên vì lo cho ông ta: liệu ông ta có đủ sức không?". Ý định của Dostoievsky dành cho Zoxima vai trò người thầy của cuộc sống rõ ràng là không thành công.

 

Trong "Anh em nhà Karamazov", có một loại nhân vật hầu như không liên can gì đến gia đình Karamazov mà chiếm một vị trí lớn trong tác phẩm: trẻ em. Phần thứ mười của tác phẩm mang tên là Những cậu bé.

Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng bài diễn thuyết của Aliosa Karamazov trước những đứa trẻ ấy trong ngày đưa đám Aliosa Xneghiriov. Những điều Aliosa nói với các chú bé là điều hết sức quan tròng đối với Dostoievsky.

 

Mượn lời Aliosa, ông nói lên những ý nghĩ dường như là lời kêu gọi của ông với thế hệ mai sau.

 

Những trang ông viết về trẻ em - đặc biệt về Iliusa và Cha Kraxotkin - thấm thía, cảm động phi thường, cho thấy tài nghệ tuyệt luân và sự am hiểu tâm lý trẻ em có một không hai mà khó có nhà văn nào viết nổi như thế. Nhà văn dành cả một chương cho hình tượng Kolia Kraxotkin. Tính cách của nhân vật này tập trung tất cả những suy nghĩ nhiều năm của Dostoievsky về trẻ em. Chú bé "hư vô chủ nghĩa" này thực ra rất tuyệt diệu: thông minh tự hào, công bằng, chân tình, dũng cảm, nhưng luôn nghi ngờ bản thân, muốn vượt trội hơn tất cả các bạn, ý muốn có ra mình có học và độc lập khiến chú phủ định tất cả những gì mà chú không biết (lên án việc dịch Voltaire mặc dù chú không biết Voltaire, chỉ trích Belinsky tuy chú chưa hề đọc Belinsky). Khuynh hướng chủ yếu của Kraxotkin vẫn là hướng tới tình bạn và lòng chân thành. Loại trẻ em như thế hiện có không ít trong các trường học của chúng ta thời nay.

 

Tôn sùng sự trong trắng của tuổi thơ mà mỗi người nhất định phải gìn giữ trong tâm hồn, bất kể khi lớn lên anh trở thành người thế nào, đấy là điều tâm niệm của Dostoievsky. Đoạn kết của tác phẩm vang lên tiếng nói trẻ thơ, điều đó lộ niềm tin tươi sáng của nhà văn vào tương lai nhân loại.

 

"Anh em nhà Karamazov" là một tác phẩm hiện thực theo nghĩa cao cả nhất có sức tố cáo hết sức lớn, đồng thời là tác phẩm rất lôi cuốn, khiến người đọc hồi hộp với sự phát triển căng thẳng của cốt truyện hình sự được bố trí rất mực khéo léo, nhưng bao trùm tất cả, nó là cuốn tiểu thuyết "triết lý" tuyến "triết lý" chiếm địa vị thống trị. Những vấn đề tư tưởng trọng đại, sự xung đột giữa các luồng tư tưởng đó thể hiện dưới hình thức những nghị luận của các nhân vật về các đề tài triết học, bản thân các nhân vật bị ám ảnh bởi những tư tưởng nhất định, các nhân vật gắn liền với tư tưởng của mình đến mức tư tưởng trở thành "bản ảnh thứ hai" của nhân vật. Thế nhưng đọc "Anh em nhà Karamazov" ta vẫn thấy Dostoievsky trong tác phẩm này là nhà tiểu thuyết hơn là nhà tư tưởng. Tài nghệ gắn kết một cách hữu cơ những yếu tố nghệ thuật khác loại - bức tranh hiện thực, tình kết hình sự, truyền thuyết, sự tích các thánh, triết luận, đã đạt tới mức thần tình số một trong văn học thế giới.

 

Dostoievsky rất quý trọng những sự kiện có thực làm cơ sở cho tác phẩm, kể cả những chi tiết về địa điểm và thời gian hành động. Trong số ghi chép chuẩn bị cho "Anh em nhà Karamazov", ta đọc thấy: "Tìm hiểu xem có thể nằm dài giữa đường ray dưới xe lửa phóng hết tốc lực không", "Tìm hiểu về lao động của trẻ em trong các công xưởng". Để tả về tu viện và các tu sĩ, ông đã cùng với người bạn mới quen là triết gia Vladimir Xoloviev đến thăm tu viện Optina, ở lại đấy hai ngày. Theo nhận xét của Anna Grigorievna, vợ Dostoievsky, đoạn tả người phụ nữ đến gặp trưởng lão để được an ủi về đứa con trai lên ba tuổi vừa chết phản ánh chân thực nỗi đau xé ruột của bà và Dostoievsky về bé Alecxei của họ vừa qua đời; Alecxei chết năm lên ba và những lời than khóc của họ cũng như vậy. Như vậy ta hiểu được vì sao sự miêu tả của cuộc sống của tác giả cụ thể và sống động đến vậy.

 

Trong tất cả các tác phẩm của Dostoievsky, "Anh em nhà Karamazov" là cuốn tiểu thuyết dễ hiểu nhất, nhiều tính cụ thể nhất, bố cục sáng rõ nhất của ông. Ở đây không có cái mù mờ của Bọn người quỷ ám, không có cái rắc rối của Gã mới lớn. Sự phân chia các phần, quyển, chương ứng với những giai đoạn hành động. Phần thứ nhất kể về lịch sử trước đó của gia đình Karamazov, ta được biết các tính cách, linh cảm thấy bầu không khí tội lỗi và vụ sát nhân sẽ xảy ra, nhưng không ngờ đích xác cho ai: Phần thứ hai là sự kìm chậm hành động, chuyển sang đề tài hệ tư tưởng. Phần thứ ba, tội phạm xảy ra, Dmitri bị kết án, ở đây Dostoievsky phỉ nhổ cái toà án giả dối, tàn bạo thời đó. Phần thứ ba giải quyết vấn đề: ai giết? Mỗi chương đều có chức năng, vai trò rõ rệt.

 

Nhà nghiên cứu Xô viết có uy tín M. M. Bakhotin đã chỉ rõ tính đa thanh (nhiều giọng nói) là đặc điểm quan trọng nhất ở các tiểu thuyết của Dostoievsky. Trong tính đa thanh, điều trước hết là lập trường nghệ thuật mới của tác giả đối với nhân vật: nhân vật có tính tự chủ, có tự do bên trong, về nguyên tắc không chịu sự xác định trước theo cách định giá dứt khoát của tác giả. Tiếng nói của tác giả về nhân vật được tổ chức như tiếng nói của người đang có mặt, nghe tác giả nói và có thể trả lời tác giả. Tiếng nói của nhân vật (quan điểm của nhân vật về thế giới) có giá trị ngang tiếng nói của tác giả, cùng cất lên với tiếng nói của tác giả và tiếng nói đay đủ giá trị của các nhân vật khác. Như vậy, trong tác phẩm của Dostoievsky, nhiều nhân vật cùng thuật chuyện về một sự biến, tạo nên những cách hiểu khác nhau về sự biến đó. Chẳng hạn, diễn văn của biện lý và luật sư trong phiên toà xử Mitia. Tính đa thanh còn có trong tâm hồn mỗi nhân vật, nhân vật có thể có nhiều quan niệm, ý kiến, dao động, nói một đằng nghĩ một nẻo.

 

Cũng do tính đa thanh, đối thoại chiếm một vị trí phi thường trong tác phẩm Dostoievsky. Các nhân vật của ông tranh cãi với nhau, nêu lên những vấn đề quan trọng nhất về thế giới quan, về bổn phận đạo đức, về ương quan giữa người với người. Ivan Karamazov, trên lập trường không chấp nhận thế giới hiện có, đã say sưa đưa ra luận chứng đanh thép đến nỗi các nhân vật của phái "quy thuận" không sao bác bỏ được. Thế nhưng ý tưởng được đề cập tới trong tranh luận không phải là thuần tuý trìu tượng, mà mang cả tính riêng của người phát biểu: không có "sự thật phi cá tính", sự thật về thế giới bao giờ cũng là sự thật của cá nhân. Cho nên, tư tưởng được nêu lên bao giờ cũng đậm đà mãnh liệt, mặt khác nhân vật dù có tính tiêu biểu đến đâu cũng không thành biểu tượng, mà là có xương có thịt.

 

Một trong những cái độc đáo nữa của Dostoievsky là các nhân vật của ông bao giờ cũng hiện hữu trước hết với chính bản thân mình, với lương tâm của chính mình. Vì thế, những tâm tư sâu kín của nhân vật hiện ra trước chúng ta với tất cả sự bộn bề của "những câu hỏi đáng nguyền rủa".

 

Thời gian nghệ thuật của Dostoievsky cũng khác thường, cô nén đặc biệt. Sự biến rất nhiều dồn lại trong thời gian hết sức ngắn, xung quanh một việc làm trung tâm. Hiện tại bao giờ cũng hàm chứa dĩ vãng và bao giờ cũng mang mầm mống của tương lai. Ivan Karamazov bị giày vò vì ý thức được tất cả những tội ác mà nhân loại phạm phải trong tất cả các thế kỷ. Mitia Karamazov muốn chuộc lỗi về một tội mà mình chỉ nghĩ đến chứ chưa làm. Với Dostoievsky, tương lai hiện ra như sự chấm dứt đau khổ, như mơ ước về "sự phục hưng" con người.

 

Tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov" là một bằng chứng hùng hồn về Phép màu của sự thể hiện nghệ thuật: vốn sống được dùng để tạo nên hình tượng có thể rộng hơn quan niệm chủ quan của tác giả. Nói theo lời Doboroliubov, ở đây logic của sự liên kết các sự kiện khách quan và những kết luận nảy sinh từ đó bắt đầu có tác động.

 

Herman Hexxo, nhà văn Đức thời nay viết: "Một con người đơn độc mà viết nổi "Anh em nhà Karamazov" thì đó là phép màu".

 

PHẠM MẠNH HÙNG

 

 

<< Chương 8 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 648

Return to top