Lên lớp 5, tôi được nhà trương xếp học ở cơ sở ba, tức là ngôi trường ba phòng ở cuối khu vực Lịch Ðợi, nới cận bên nghĩa địa mẹ tôi đã từng nói tới.
Thật chả khác nào thả cọp về rừng. Tôi mặc tình tung hoành ở "địa bàn" của tôi.
Sáng hôm ấy, tuy chưa tới ngày chính thức khai giảng lên khóa mới, chúng tôi cũng tới lớp đông đủ để được ổn định lớp.
Ba thằng bạn thân nhất và tôi đang ngồi thòng qua chân cửa sổ lớp vừa đu đưa mấy cái cẳng chân đen nhẻm không giày, không dép, chúng tôi vừa cười đùa vừa chọc ghẹo mấy đứa con gái đang ra sức làm vệ sinh lớp. Chợt tôi chú ý tới một phụ nữ ăn bận thanh nhã, áo dài lam, quần trắng, đang dắt chiếc xe đạp lên dốc đường làng. Tôi bảo lũ bạn:
- Tụi mày coi con mắm khô đang bò lên dốc kìa.
Không biết con Kim Anh đứng sau lưng tôi tự bao giờ, tức thì lên tiếng chỉnh tôi:
- Trò Hoàng hỗn láo lắm. Cô giáo Kim Loan dạy lớp mình đó.
Tôi nghênh mặt, lườm nó:
- Sao trò biết rành vậy?
Kim Anh chưa kịp đáp thì thằng Tú đã cướp lời:
- Trưởng lớp chớ phải củ khoai sùng đâu mà không biết.
Cô giáo lên tới nơi, tìm chỗ đậu xe đạp. Vẫn ngỗi ở cửa, tôi bình luận thêm:
- Cô giáo lạ hoắc à. Chắc cô ở trường cũ, phạm lỗi gì đó bị đày lên đậy dạy chứ gì.
Có tiếng cười khẽ, một thằng nào đó bình thêm:
- Tui cho là cô giáo chưa có chồng.
Một đứa khác:
- Sao mày biết? Coi bộ cô cũng chẳng còn trẻ nhỏ gì.
- Tao thấy tay trái cô không có chiếc nhẫn cưới nào.
Tôi chớp liền, nói khá lớn:
- Nhẫn cưới cô đem bán lấy tiền mua gạo độn sắn lát rồi.
Cô giáo nghe được, quay mặt lại, cô nhìn khá lâu vào mặt tôi rồi bước vào lớp. Mấy thằng bạn ngồi ở cửa sổ cùng nhảy xuống đất hết. Tôi vẫn ngồi tỉnh bơ. Tôi biết chớ. Ở trường chính, bọn học trò rất lễ phép. Hiếm khi có đứa xấc láo với giáo viên. Mỗi lần gặp thầy cô, chúng đều giở mũ nón chào hỏi hoặc khép nép đứng qua một bên, chớ đời nào mà cô giáo đã vào lớp, lại cứ ngồi yên trên cửa sổ, đu đưa chân. Chính mấy thằng bạn "trời ơi đất hỡi" của tôi cũng đã học được thói quen "Tiên học lễ, hậu học văn", nhưng tôi thì không. Ðây là rừng của tôi. Cô giáo ấy là kẻ xa lạ đến đây, tôi cần "dằn mặt" cô giáo mà.
Cô giáo nhìn đồng hồ tay, hỏi đứa con gái đứng gần đó:
- Cơ sở này có trống hay kẻng gì không?
Nhiều tiếng đáp lao nhao:
- Không có cô.
- Không cô! Không cô!
- Mỗi lần vào lớp hoặ ra chơi thì gọi miệng thôi cô.
Cô giáo nhíu mày. Có lẽ cô khó chịu vì lối nói trống không của học trò nơi đây. Cô nhìn đồng hồ lần nữa:
- Vậy thì bây giờ đúng rồi. Các em sắp hàng vào lớp.
Lũ bạn tôi nghe cô bảo, ào ra khỏi lớp, xuống sân xếp hàng. Hai lớp kia cũng đã sắp hàng xong và đang vào lớp. Cô giáo lớp tôi đi ra. Cô chưa cho vào, bảo phải chọn đôi bạn học trước đã, rồi cùng xếp hàng theo từng đôi bạn, mới được vào lớp.
Chúng nó nháo nhào tìm nhau. Con gái tìm con gái. Con trai tìm con trai. Ðứa giỏi tìm đứa giỏi, đứa dốt cặp đứa dốt. Cứ lung tung, loạn xạ cả lên. Mãi, cũng chưa sắp được hàng.
Riêng thằng Liêm sầu, thằng Tú còm, thằng Mít và tôi là đứng chung một chỗ. Chúng tôi chán lắm rồi cái trò cặp đôi bạn học đó. Chả đi tới đâu. Dối vẫn hoàn dốt, nghịch vẫn hoàn nghịch, và giỏi vẫn hoàn giỏi.
Cô giáo cau mày hỏi:
- Các em chọn đôi bạn theo tiêu chuẩn nào đó?
Lũ bạn trong lớp tôi ngớ mặt nhìn nhau. Chúng nó biết mình làm sai. Nhưng chúng vẫn ưa chọn cho mình đứa bạn thân nhất, cùng "trình độ" học tập cũng như hạnh kiểm. Cô giáo nghiêm trang bảo:
- Mỗi em học giỏi hoặc khá kèm một em kém hơn mình, bất kể con trai, con gái và phải ở gần nhà nhau. Các em không được tự chọn bạn theo ý thích!
Lũ bạn tôi lại nhao nhao, xáo xào thêm một lần nữa. Rất lâu, chúng mới quyết định được đôi bạn cho mình.
Thấy bốn thằng tôi cứ thò tay vô túi quần nhìn các bạn với vẻ thờ ơ, cô giáo tới bên hỏi:
- Bốn em này sao? Khó tính vậy hả? Không chọn được ai à?
Có tiếng cười phì trong đám đông rồi có tiếng nói ra:
- Thưa cô, để bốn trò đó kết bạn "bộ tứ" cho xong cô.
- Bốn tên quỉ sứ đó cô.
- Học sinh cá biệt đó cô. Chả có đứa nào dám kết bạn cả.
Kim Anh tách khỏi các bạn, đứng trước cô giáo. Lễ phép, chững chạc, con bé nói một hồi dài, không vấp váp:
- Thưa cô, trò Liêm, trò Tú không phải học sinh cá biệt chỉ kém toán và văn thôi. Vì quá kém nên không trò nào trong lớp dám kết bạn học tập, sợ mất thì giờ kèm cặp mà không ích lợi gì. Trò Mít thì hay nghỉ học lắm nên ai cũng sợ chép bài dùm cho trò, mệt. Riêng trò Hoàng, năm ngoái là học sinh cá biệt. Trò ấy thông minh, nếu chăm học thì rất giỏi nhưng trò ham chơi, nghịch phá lắm...
Liếc mắt qua tôi, thấy cái mặt bặm trợn của tôi, nó vẫn không ngán, tiếp:
- Trò Hoàng đã ham chơi lại ưa lôi kéo bạn bè...
Tôi ngăm trong bụng: "Ðược rồi, mới đầu năm học, mày chơi tao một vố đậm, có ngày tao cho mày biết tay." Tôi đang tức nó, vậy mà cô giáo lại cười, khen nó:
- Em là Kim Anh, trưởng lớp bốn C năm ngoái phải không? Em làm được việc lắm. Bây giờ em cho các bạn sắp xếp bốn hàng thẳng, vào lớp ngồi theo đội hình chữ V.
Bốn thằng chúng tôi chẳng cần theo đội hình gì ráo, cứ xề xuống bàn cuối cùng, ngồi dựa ngửa vào tường. Con Kim Anh không chịu, nó làm như bà tướng, ra lệnh, cho thằng Mít, thằng Liêm, thằng Tú tới ngồi bên những đứa đôi bạn của chúng nó. Ðến lướt tôi, nó ngần ngừ không biết làm sao. Cô giáo đến bên bảo:
- Em Hoàng ngồi một mình ở bàn cuối này.
Ngạc nhiên vì sự "chiếu cố" đặc biệt của cô giáo đối với tôi, Kim Anh lên tiếng:
- Thưa cô, để trò Hoàng ngồi một mình không được đâu ạ.
- Tại sao?
- Thưa cô. Năm nay là năm cuối cấp. Trò ấy cần có người kèm cặp gắt gao ạ.
Cô nhẹ nhà bảo:
- Vậy theo em, em nào sẽ ngồi được bên một học sinh cá biệt, chẳng những cá biệt nhất lớp mà nhất trường Vĩnh Ninh nữa. Cô biết rất rõ em Hoàng, Nguyễn Văn Huy Hoàng. Trước khi nhận lớp, cô đã được chuyển giao toàn bộ hồ sơ của lớp. Cô nghiên cứu kỹ từng em. Cô được biết năm ngoái, Hoàng là học sinh nghịch phá nhất, ít vâng lời nhất, đã từng đi tắm sông mỗi buổi trưa và đã...
Cô bặm môi, im ngang. Nhưng tôi biết rõ cô đang sợ tôi, đang lo phải đối phó với một học sinh bất trị, đã từng dẫn dắt bạn tới cái chết tức tưởi. Cô đã chạm tới vết thương lòng của tôi, một vết thương mà tôi đinh ninh nó đang lành miệng. Té ra, chỉ có dì Xuân là hiểu tôi, người khác thì không. Trong thâm tâm những người ấy, tôi vẫn có lỗi với Tý Cố? Ðược rồi, tôi cố quên mà cô thì khơi lại. Tôi sẽ quậy cho cô biết tay.
Cô giáo quay qua hỏi tôi:
- Hoàng à, em nghiệm xem, bạn nào sẽ giúp được em đi vào kỷ cương học tập?
Tôi ngó mặt qua hướng khác, trả lời không do dự:
- Em cóc cần đứa nào.
Vậy mà cô giáo vẫn không nổi giận. Cô định nói gì thêm, Kim Anh đã lên tiếng:
- Thưa cô, em ở gần nhà trò Hoàng. Trong hè, trò ấy và em có học chung với nhau. Em xin nhận làm đôi bạn học tập với trò ấy. Em hứa sẽ cố hết mình.
Cô giáo quay lại, cười dịu dàng với Kim Anh:
- Kim Anh ngoan lắm. Em sẽ giúp bạn ấy lúc về nhà, còn ở tại lớp, cô sẽ lo.
Trở lại phía tôi, cô cũng dịu dàng bảo:
- Hoàng à, cô hy vọng rằng những gì em sai trái trong quá khứ, chẳng qua ngày đó em có nhỏ, chưa biết suy nghĩ kỹ. Nay đã là học sinh lớp năm, lớn hơn, em sẽ hiểu được điều gì phải, điều gì trái...
Tôi lầu bầu:
Giả bộ không nghe, cô tiếp:
- Bắt đầu từ hôm nay, cũng như Kim Anh, cô hứa rằng cô sẽ dần dần cải tạo từ một học sinh cá biệt trở thành học sinh ngoan, học giỏi. Cô tin rằng cô sẽ thành công, nếu em...
Tôi trừng mắt lên nhìn cô, không nói gì, chỉ nghĩ bụng: "Ðể rồi xem, cô có tài cán gì? Tui sẽ quậy cho cô điên đầu đến phải bỏ nơi này mà đi. Cô hứa, con Kim Anh hứa và tui cũng hứa vậy đó. Xem ai hơn."