Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Thung Lũng Tuổi Thơ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21304 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thung Lũng Tuổi Thơ
Lương Tố Nga

Chương 1

Các bạn thân mến.

Bỗng dưng, không hiểu sao hôm nay tôi lại muốn tâm sự với các bạn thật nhiều, thật nhiều.

Phải chăng, vì do tôi đang đứng bên đường lặng ngắm các bạn lũ lượt từng tốp, trong áo trắng quần xanh còn mới tinh, vui cười hớn hở. Chính vẻ mặt vô tư, yêu đời và thơ dại của các bạn đã gợi nhớ cho tôi cả một quảng đời không may.

Vâng, đúng với lứa tuổi của các bạn giờ này đây, tôi đã bỏ dở dang việc học để bắt đầu một cuộc sống bụi đời, lang thang, sau đó là ăn cắp, móc túi, sống bất cần đời, miễn sao có cái ăn qua ngày.

Ậy, khoan! Các bạn chớ có vội sợ hãi, rẻ rúng tôi.

Cuộc sống đáng khinh đó đã nằm trong quá khứ xa xôi lắm rồi các bạn ạ!

Nhưng mà, nói cho đúng ra, cái cuộc sống đầu đường xó chợ đó của tôi có thể kéo dài đến vô tận nếu không có một biến cố bất ngờ xảy ra.

Một buổi chiều. Tàu Thống Nhất chưa vào ga. Tôi xỏ hai tay vào túi quần soọc, chậm rãi đi dọc sân ga, đảo mắt chờ đợi sự sơ hở của hàng khách đang chờ tàu.

Chợt tôi chú ý tới một cô gái rất trẻ, ăn mặc tồi tàn, đang cầm chiếc gậy tre quờ quạng đi ngược chiều với tôi. Gương mặt cô có vẻ gì đó quen thuộc khiến tôi phải dừng chân, nhíu mày, lục trí nhớ. Nhưng không được. Tới sát bên cô gái, vô tri giác đang mở mắt lớn bất động, lòng tôi vẫn dửng dưng. Tôi đã quá quen với mọi khổ đau của những kẻ ở tận đáy xã hội. Nhưng khi nhìn đến chiếc mũi thẳng, đôi mắt xinh xinh hé mở chực cất lên lời van xin, tôi đã nhớ ra.

Khẽ đụng tay vào vai cô gái, tôi gọi nhỏ:

- Kim Anh!

Cô gái giật nảy người, đứng lại tức thì.

Thân hình thẳng đơ nhưng môi cô run rẩy với giọng Huế đặc sệt:

- Ai? Ai gọi tui đó? Ai, ai mà lại biết tên tui?

Tôi kêu thầm “Thôi đúng rồi, Kim Anh, người bạn của tôi ngày nào”. Nhưng nay sao lại… Tôi vẫn chưa tin vào sự thật. Tôi rụt rè cầm tay cô gái:

- Kim Anh! Tui đây nè. Tui là thằng Hoàng đây!

Kim Anh làm rơi chiếc gậy, quờ quờ tay rối rít;

- Hoàng! Nguyễn Văn Hoàng! Hoàng đó hả?

Tôi gật đầu, quên mắt là cô ấy không thể thấy được. Rồi không ngờ, tôi nghe cay cay ở sống mũi.

Tôi lén đưa ống tay trần lên chùi mắt, chùi mũi. Một thằng chai sạn như tôi đã khóc cho một cuộc hội ngộ bất ngờ quá đau lòng.

Cầm bàn tau cáu ghét của người bạn cũ, tôi bóp nhè nhè như muốn chuyền cho bạn chút tình cảm thân thiết và đầy cảm thông của mình. Tôi ngập ngừng hỏi:

- Kim Anh, tại sao trò… trò lại ra nông nỗi này?

Kim Anh không trả lời, cúi xuống quờ tay tìm cây gậy. Tôi nhặt lên đặt vào tay cô. Kim Anh dáo dác đưa khuôn mặt tái xanh hóng về mọi phía:

- Hoàng, trò nhìn xem có ông ấy ở quanh đây không?

- Ai?

- Người đàng ông dắt tui vào sân ga, bảo đứng đây chờ một lát, ông ta đi mua thức ăn sẽ trở lại.

- Nhưng ông ta là ai?

Kim Anh không trả lời câu hỏi của tôi. Cô ấy lập cập bảo:

- Trò, trò nhìn kỹ đi, xem có ông ấy ở đâu đây không?

Mắt đảo nhìn nhanh đám hành khách, tôi đáp lại:

- Không có ai quanh đây cả.

Kim Anh quờ tay nắm lấy cổ tay tôi kéo kéo, giật giật:

- Trò hãy dẫn mình đi nhanh đi. Phải ra khỏi chỗ này, trốn ông ấy.

Không cần tìm hiểu nhiều, tôi biết Kim Anh đang gặp phải hoạn nạn và cần tôi giúp. Vội vàng cầm chặt tay bạn, tôi đưa cô đi thật nhanh về phía cửa hông vào sân ga trong. Bỗng một giọng nói khê đặc đầy dọa nạt vang lên sau lưng tôi:

- Nè, đứng lại thằng ma cô kia. Mày dẫn cô ta đi đâu đó?

Bàn tay Kim Anh run lật bật trong tay tôi. Tôi cau mày nhìn lui. À, một lão già bẩn thỉu, là cái thá gì mà bạn tôi lại phải sợ hãi đến như thế chứ?

Quay hẳn người lại che chắn cho Kim Anh, tôi nghênh ngang đáp:

- Ðây là bạn tui. Tui dẫn cô ấy đi đâu kệ tía tui, mắc mớ chi ông?

Lão cười gằn:

- Ðể nó lại cho tao. Nó là con tao. Mày ưa tao kêu công an bắt mày về tội dụ dỗ con gái mù lòa của tao không hả?

Hừ, lão ta thật ngốc, chẳng hề biết rằng tôi đây đã từng sát vách nhà Kim Anh ngay từ ngày còn bé tí tẹo. Gia cảnh của cô ấy tôi rõ nhưa cảnh nhà tôi vậy. Cô ta làm gì có một người cha với gương mặt gian ác và ti tiện như thế! Tôi nói với giọng bắt nọn:

- Chính tui đây sẽ gọi công an bắt ông về cái tội bắt cóc cô gái này. Ông đã làm đui mù cô gái ấy để đi ăn xin đem tiền về nuôi ông. Nè, cái tội ông mà ra tòa nhé, ít nhất bóc lịch chục cuốn.

Ðó là tôi đoán mò, nhưng nghe vậy, mặt lão tái đi rồi đỏ tía lên. Căm giận nhìn Kim Anh, lão rít giọng:

- À, mày khai hết với hắn rồi hả? Ðược, sẽ biết tay tao.

Nói vừa dứt, lão chộp ngay Kim Anh, kéo giật ra khỏi cửa. Mặc cho Kim Anh ghị tay thật cặt lên thành song sắt ngăn lối đi, lão lôi cô đi xềnh xệch. Kim Anh thảng thốt kêu:

- Hoàng ơi, Hoàng đâu rồi? Trò cứu tui, ông ta sẽ đánh tui chết mất.

Lời van nài của bạn tôi rất đáng thương càng thúc dục thêm quyết tâm trong lòng tôi. Tôi phóng hai cẳng đuổi theo. Ngáng chân một cái, tôi làm lão ngã sóng soài ngay trên lối đi, kéo theo Kim Anh khụy gối bên cạnh. Bắt gặp nét mặt hốt hoảng tái xanh của bạn, tôi căm giận đá thốc một cú vào hông lão rồi giật tay, lôi Kim Anh tránh xa lão ra.

Lão già quái ác bật người dậy. Ðỏ kè hai mắt, môi mím lại, lão hăm dọa:

- Mày có chơi ngon cứ giữ con nhỏ đi. Tao sẽ cho mày một bài học nhớ đời:

- Nói xong lão bất ngờ tống nguyên cái đầu lão vào bụng tôi. Không đề phòng trước, tôi bị nhào ngửa ra đất. Ðau đớn không chịu được, tôi ôm bụng gượng đứng lên. Lão ta nhìn tôi trừng trừng, sẵn sàng tống tôi thêm một cái nữa. Tôi gầm gừ định lao tới thì một tiếng quát dõng dạc vang lên:

- Hoàng, đứng im!

Một thanh niên, lớn hơn tôi năm tuổi, mặt mày bặm trợn đầy những vết sẹo, mặc áo thung trắng sát nách để lộ hai cánh tay cuồn cuộn cơ bắp. Ngay vai, chỗ mang vết sẹo trồng đậu mùa ngày nhỏ, có xâm hình một chiếc đầu lâu bắt tréo. Trông người anh ta toát ra vẻ dữ dội của một “đại ca” cái thế giới đầu đường xó chợ. Anh ấy chính là Thạch Ðầu Lâu!

Anh đứng dạng hai chân mang đôi bốt-đờ-sô đã cũ mèm, hai tay cố làm cho phồng lớp thịt lên hết cỡ, chông lên hông, gương mặt nghênh nghênh, đôi mắt liếc liếc. Anh hất hàm hỏi vào mặt lão già:

- Nè, bố già! Bố có biết “con” đây là ai không?

Ngó mặt ra vẻ yêng hùng, gồ ghề của tên anh chị vừa mới đột ngột xuất hiện, lão lắc đầu. Thạch Ðầu Lâu hừ một tiếng có vẻ giận dữ.

- Có khi nào bố nghe tới tên Thạch Ðầu Lâu chưa hả?

Lão già giật thót một cái, liếc vội lên cánh tay có xâm hình của tên thanh niên đứng trước mặt. Lão thay đổi thái độ ngay tức khắc. Khúm núm một cách hèn hạ, lão nói rất… cãi lương:

- Dà, dà! Kẻ hèn này biết ạ. Danh tiếng đại ca lừng khắp thiên hạ ạ.

Thạch Ðầu Lâu quát:

- Dẹp đi! Ai là đại ca của lão? Nếu biết danh ta sao lão còn léng phén tới lãnh địa cuả ta hả?

Lão run:

- Dạ thưa đại ca, em đâu có dám làm ăn ở chỗ này. Tại… bị có người bà con ở Huế vô, hẹn em đến đón. Em… em không nỡ để con bé mù ở nhà một mình, nên… nên đem theo, và…

Chưa nghe dứt câu, Thạch Ðầu Lâu gầm lên rồi nhanh như chớp, anh phóng một nắm đấm vào ngực lão. Lão “hự” một tiếng rất trầm, ngã huỵch xuống đất, bất động.

Không thèm ngó tới tình trạng của lão, Thạch quay qua Kim Anh không biết tự lúc nào, cô ấy ôm lấy bụng tôi, nép người run rẩy dưới cánh tay tôi như muốn tìm kiếm một sự chở che an toàn – anh dịu dàng hỏi:

- Cô bé từ đâu tới đây? Cô là gì của lão ấy?

Kim Anh càng run và nép sát vào tôi hơn, không trả lời. Có lẽ cô sợ cái tên rợn người Thạch Ðầu Lâu và cái giọng dữ dội của anh ấy. Biết vậy, đại ca tôi khẽ mĩm cười, nói với tôi:

- Chú mày hãy chú ý săn sóc cô bé này. Mà cô ấy là gì của chú mày?

- Bạn học, đại ca à.

- Bạn học?

Thạch Ðầu Lâu cười khẩy với vẻ chế riễu rồi huýt gió lanh lảnh, bỏ đi. Kim Anh giật tay tôi nói rất nhỏ:

- Nè, trò. Ông ấy đâu rồi?

- Ai? Ðại ca ấy hả?

- Không! Cái ông hồi nãy đánh lộn với trò đó.

Trời! Cái lão hắc ám, hèn hạ đó mà Kim Anh cứ một tiếng “ông”, hai tiếng “ông”? Bạn tôi bao giờ cũng nhỏ nhẹ, lịch sự ngay với kẻ đã làm hại mình. Ngày xưa, bạn ấy vẫn đã từng như vậy.

Tôi khẽ ẩy vai Kim Anh, nói:

- Thằng chả dọt lẹ từ lúc đại ca vừ đi khỏi đây. Giờ Kim Anh khỏi phải sợ ai nữa. Ðại ca tôi là xếp xì ở khu vự nhà ga này. Không ai dám đụng đến Kim Anh, mỗi khi mà đại ca đã nói chuyện với Kim Anh bằng cái giọng nhẹ nhàng như thế. Với lại, đại ca thương tui nhất trong đám em út đó.

Kim Anh không nói gì thêm, cúi người quờ quờ tay. Hiểu ý, tôi nhặt chiếc gậy tre mỏng manh như người cô, đưa cho cô. Kim Anh vẫn nói rất nhỏ như sợ sệt điều gì:

- Trò hãy đưa tôi về nhà trò đi. Tui đói bụng và cũng mệt lắm.

- Tôi chợt cười “hích” một tiếng vẻ mỉa mai. Nhà à? Ðã từ lâu, tôi không hề dùng tới cái từ “nhà” sang trọng đó. Kể từ ngày bỏ xứ Huế vào đây, tôi chưa hề biết đến một nơi kín gió để ngả lưng vào ban đêm, chớ đừng nói chi đến cái nhà với đủ mái và đủ buồn tủi vì phải sống như một kẻ không cha, không mẹ, lang thang như con thú hoang. Sống như thế nào tôi không còn thiết, miễn sao trước mặt tôi không còn có bóng dáng ba tôi, một người cha tôi chưa nguôi lòng căm hận.

Nhưng giờ đây, tôi không muốn Kim Anh biết rõ về cuộc sống đó. Tôi dắt tay bạn, ân cần:

- Ðược rồi, Kim Anh hãy về chỗ tui. Bọn mình kiếm cái gì ăn rồi bạn hãy kể cho tôi rõ chuyện gì đã xảy ra cho bạn.

Mua hai ổ bánh mì kẹp thịt gần đó, tôi thận trọng đưa Kim Anh quay trở vào sân ga trong. Tàu ra Bắc đã chạy từ lâu. Quanh đây vắng vẻ, im ẳng. Tôi kiếm tới bên một kho hàng. Nơi đây có một góc tối khá rộng, cũng có hai mái che phía trên và mấy tấm vách ngăn mưa gió bằng tôn cũ. Các bà chủ mấy chiếc xe mì vẫn thường gởi xe qua đêm ở đây. Tôi cố xe xích mấy chiếc xe sát vào nhau, lấy chỗ trống.

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 346

Return to top