Vậy mà tôi vẫn không nuốt trôi một miếng bánh mì nhỏ nào. Cứ ngồi xếp chân bên cạnh Kim Anh, tôi chống tay xuống đất, nhìn đăm đăm vào dáng người tiều tụy của bạn ấy, nhìn vào đôi mắt vô cảm xúc, nhìn đôi môi xinh xinh đang nhai nhỏ nhẹ từng miếng bánh mì dòn một cách ngon lành. Tôi mũi lòng. Bạn tôi đang đói lắm và có lẽ thường xuyên bị bỏ đói như thế.
Thấy Kim Anh ăn hết phần bánh mì, tôi đưa ổ của tôi vào tay bạn ấy. Nhưng cổ đẩy ra, bảo đã no và nài nỉ tôi ăn. Tôi chỉ nuốt nước miếng, không phải vì thèm ăn mà vì cổ tôi khô khốc một làn sóng thương cảm mỗi lúc một dâng cao.
Tôi dịu dàng ấn vào tay Kim Anh chai nước lọc của chủ xe bỏ lại trong góc tủ. Rất nóng lòng muốn biết hoàn cảnh đưa đẩy Kim Anh vào tận thành phố này với hình hài tang thương như thế, tôi hối thúc bạn:
- Bây giờ Kim Anh hãy kể cho tui nghe chuyện gì xảy ra cho bạn đi.
Kim Anh chớp chớp đôi mắt đục màu, nét mặt xa xăm, ai óan như nhìn thấu suốt một nơi nào đó vô cùng tối tăm và hãi hùng.
Cô bắt đầu kể:
Ngày Hoàng bỏ nhà đi biệt, khoảng một năm sau, Kim Anh cũng thay đổi cuộc sống của mình. Bởi vì với cái nghề chằm nón của mẹ truyền cho, cô cũng không đủ sức kiếm ra tiền, vừa nuôi người mẹ bệnh hoạn và tự nuôi lấy bản thân. Nhất là khi mẹ Kim Anh bị mắc bịnh lao, một căn bịnh rất dễ chữa nếu có dư tiền mua thuốc. Với độ tuổi 12, chưa qua hết lớp sáu, cô bé Kim Anh không cách nào kiếm ra tiền dễ dàng được.
Có mấy lần, ngoài giờ học, cô bé theo bạn nghèo xuống ga Huế làm thuê cho lái buôn như cân đong, gánh hàng, chạy hàng... nhưng cũng không được bao nhiêu tiền. Cô bé xoay qua đi bán rong. Kẹp một chiếc mẹt tre với đủ thứ bánh kẹo rẻ tiền, cô rao bán ở các cửa toa tàu. Cô rao hàng với giọng cao vút, âm điệu như hát, khiến hành khách thích thú và ưa gọi cô bé lại để mua. Vậy mà số tiền kiếm được vẫn rất ít ỏi.
Một chiều, cô bé đang đi dọc các toa tàu, miệng không ngớt cất tiếng rao lanh lảnh thì một giọng đàn ông nói to ở cửa toa tàu:
- Cha! Con nhỏ này mà hát thì phải biết! Này nhỏ. Tại sao mày không lên hát giúp vui trên tàu hả Mày hát hay, hành khách sẽ thưởng cho mày nhiều tiền đấy.
Kim Anh ngẩn người ra nghe. Cô chưa kịp hình dung ra cái cảnh làm “ca sĩ dã chiến” đó nó như thế nào, tên đàn ông đã đánh đét một cái vào đùi mình như để tự tán thưởng ý kiến tuyệt vời. Ông ta nhảy phóc ra khỏi toa tàu. Ðứng trước mặt Kim Anh, ông nói với vẻ hớn hở:
- Phải đấy bé con ạ. Về nhà, mày suy nghĩ đề nghị của tao đi. Chiều mai ra đây, ta tính chuyện. Tao có cây đàn ghi-ta, tao tập cho mày hát. Sẽ xôm đấy. Sẽ ăn khách đấy. Ðược tiền, tao và mày “cưa” đôi.
Chiều hôm sau, Kim Anh nôn nóng ra chỗ hẹn. Cô bé vẫn mang theo cái mẹt nhưng không phải là kẹo bánh, cóc, ổi nằm trong đó mà là một xấp nhạc đủ thứ, những bản nhạc ở nhà cô bé thường ê a tập hát chơi.
Kim Anh không biết chất giọng của mình có hấp dẫn được ai không, nhưng cô biết tính mình rất cả thẹn. Cô cần vượt qua tất cả khó khăn ban đầu để có nhiều tiền hơn mua thuốc chích cho mẹ và lo ăn, lo mặc cho cả hai mẹ con. Cô rất cần tiền, vì thế cô phải cố hết sức!
Và rồi, bắt đầu từ đó, hành khách trên tàu các chuyến tàu Bắc vào Nam, Nam ra Bắc dừng lại tại Huế đều quen mặt và quen giọng hát của Kim Anh.
Lẽ dĩ nhiên, Kim Anh chỉ hát được những lúc thời gian cho phép. Cô vẫn phải vừa đi học vừa kiếm tiền.
Mỗi khi gã đàn ông kia bắt đầu dạo đàn, Kim Anh cất tiếng với giọng hát ngây thơ, trong trẻo. Cô hát cải lương, cô hát nhạc vàng, những bài hát nỉ non, ai oán không hợp với lứa tuổi của cô, nhưng cô vẫn hát. Những lúc như thế, cô thu được nhiều tiền. À mà không. Gã đàn ông kia thu được nhiều tiền và chia cho cô, không phải một nữa như gã dã nói mà chỉ một phần rất nhỏ.
Khi tàu đến Ðà Nẵng, gã đàn ông ôm đàn cùng Kim Anh nhảy lên con tàu ngược ra Bắc để trở về ga Huế. Cô bé lại lảnh lót hát cho đến lúc tàu chuyểnh bánh tiếp. hai con người chưa từng quen biết nhau đó đã kết hợp thành một đôi đàn ca. Một lớn già dặn, quỉ quyệt; một cô bé dại khờ, non nớt, nhảy xuống tàu trở về nơi ở của mình lúc trời đã tối mịt.
Có điều, mẹ Kim Anh không biết việc làm của con gái vì cô bé giấu mẹ. Bà vẫn yên trí mỗi buổi sáng, Kim Anh chuyên cần đến trường, buổi chiều siêng năng xuống ga để bán hàng rong. Nhiều đêm thấy con về quá khuya, bà hỏi. Cô bé nhoẻn miệng cười thật tươi, bá cổ mẹ nũng nịu:
- Con phải chờ tàu Vĩnh vào, bán được nhiều lắm mẹ à. Này, mẹ xem, có còn chiếc kẹo nào đâu.
Nói rồi, cô bé chìa ra cho mẹ một nắm tiền lẻ cùng chiếc mẹt trống trơn mà mỗi buổi chiều xuống sân ga cô không quên đem theo và nhớ đem về để mẹ khỏi nghi ngờ.
Những lúc đó, nhìn gương mặt non nớt, hốc hác của con, bà mẹ chép miệng, lắc đầu chỉ vào góc nhà bảo:
- Mẹ chỉ thích con ngồi bên khung nón đó mà kiếm tiền, chớ chạy lông bông ngoài đường, khổ nhọc lắm con à.
Nhưng dần dà, công việc kiếm tiền trong lời ca tiếng hát đó cũng không còn trôi chảy nữa. Hành khách trên tàu dã nhàm chán với cái trò hát rong, xin tiền một cách... “nghệ sĩ” như thế. Vả lại, tài chánh của khách đường xa càng ngày càng trở nên eo hẹp, nên hành động mở hầu bao chi ra ít tiền, mua chút lãng mạn nhất thời cũng đã trở thành khó khăn theo. Chiếc mũ ni lông trắng nhàu cũ xì do gã đàn ghi-ta chia ra, hiếm khi được chiếu cố tới.
Vậy là gã ta bèn bàn với “cô bé ca sĩ” đi xa hơn, và Nam chẳng hạn. Nhưng Kim Anh không chịu đi vì nếu đi xa, cô sẽ mất nhiều thời gian, không thể đi học và lo cho mẹ được. Nói riết Kim Anh cũng vẫn không nghe. Gã đàn ông nọ không nói năng gì nữa.
Một tối, Kim Anh không bao giờ quên, lúc đó đang còn ở ga Ðà Nẵng, trời sắp sang hè nên nóng hầm hập. Khi đã hát xong ở toa cuối cùng, Kim Anh khát khô cổ và mồ hôi lại tứa ra, rin rít sau lưng áo. Vừa đúng lúc, gã đàn ông chơi ghi-ta đã ân cần đưa cho Kim Anh một chai xá xị đã mở nắp sẵn. Gã bảo cô bé uống đi cho đỡ khát. Kim Anh uống ngay không ngần ngại. Lát sau, Kim Anh định leo lên chuyến tàu ra nhưng bỗng nghe buồn ngủ không chịu được. Cô sắp gục lên sàn toa thì gã chơi ghi-ta kéo cô bé ra khỏi con tàu, lại ân cần bảo:
- Cô bé mệt lắm rồi đấy! Ta đi tìm một chỗ kín đáo, nghỉ ngơi một lúc, lát tàu chạy, nhảy lên cũng kịp chán.
Cơn buồn ngủ kéo sụp mí mắt lên mà cũng không nghĩ ngợi đâu xa gì được nữa, cứ theo tay dìu của gã đàn ông nọ đi khỏi con tàu sắp chuyển bánh.