Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Nữ Thần Mê Cung

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18712 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nữ Thần Mê Cung
Joe Alex

Chương III

Mãi đến khi ô tô chuyển bánh hòa lẫn vào dòng xe cộ trên đại lộ Edgware, Caroline mới phá tan sự im lặng.
-          Anh Joe này, nhiều lúc anh coi em cứ như đứa trẻ nhỏ ấy, em đảm bảo với anh rằng em đã trưởng thành từ lâu và…
-          Em muốn biết là chúng ta đi đâu chứ gì? - Anh liếc nhìn cô cười rồi lại tập trung nhìn về phía tay lái – Theo em, ở đâu trong Luân đôn có thể biết được vị trí của một hòn đảo nào đấy?
-          Ở đâu à? Em không hiểu… - Caroline nắm lấy cánh tay của anh – Joe, đừng có đùa như thế, nếu không thì em thề là sẽ bịt mắt anh lại và chúng ta cùng đâm vào cái cột điện nào đó trên đường.
-          Ấy đừng! Em sẽ không làm được điều đó đâu vì em còn mơ tới đảo Keros và người đàn bà cầm rắn trong tay. Còn nếu em không biết tìm những hòn đảo mất tích ở đâu thì anh sẽ bảo cho em biết: tìm ở Bộ Hải quân Hoàng gia Anh.
-          Ở bộ Hải quân? Anh ơi, em chỉ quen có vài sĩ quan hải quân, em đánh cược rằng chẳng ai ở bộ này có thể biết Keros nằm ở đâu và chưa từng nghe tới người cổ đại Crêt.
-          Về điều này thì anh không đánh cược, nhưng anh có thể cược rằng Phó Đô đốc Holinshead sẽ nói cho chúng ta tất cả những gì cần biết về hòn đảo của em – anh ngừng lời rồi vừa cười vừa nói thêm – tất nhiên là nếu như nó tồn tại.
-          Thế Phó Đô đốc Holinshead là ai?
-          À, đó là người mê truyện trinh thám và yêu thích nhà văn Joe Alex – anh trả lời một cách khiêm tốn – Chính ông ta nói với anh như vậy.
-          Nhưng… - Caroline không nói tiếp. Cô không tin rằng một vị đô đốc hải quân Anh nào đấy lại có thể biết về Keros hơn là những quyển Atlas và từ điển về thế giới cổ đại. Cô thở dài. Cô mệt mỏi về mười mấy ngày làm việc, thiếu ngủ và thiếu không khí trong lành. Mải cho tới lúc này cô mới nhớ ra rằng từ hai tuần nay cô chưa bước ra khỏi cửa.
Joe khéo léo lách xe giữa luồng xe đông đúc của buổi sáng. Vừa đi anh vừa nghĩ sẽ nói gì về Keros cho Holinshead. Vị Phó đô đốc này quả là người yêu thích truyện trinh thám. Alex biết ông ta trong một bữa tiệc tại nhà người bạn thân. Khi chia tay, Holinshead nói một câu xã giao với những người vừa quen biết. Nếu như tôi có thể giúp được ông điều gì, xin hãy đến gặp tôi ở Bộ hải quân. Joe chưa từng quên điều gì và cũng không quên cả những lời này.
Xe dừng lại trước toà nhà lớn, trụ sở của Bộ Hải quân. Họ đi vào. Khi người sĩ quan thường trực đi khỏi với tờ danh thiếp của Joe Alex, Caroline lại thở dài. Đáng lý ra phải báo cáo trước hết cho giáo sư Lee và cùng ông xác định vị trí của hòn đảo. Nhưng mà thế cũng chả hơn gì. Chỉ một điều duy nhất có ý nghĩa: đảo Keros nằm ở đâu? Liệu nó có tồn tại như Joe đã nhận xét không?
Viên sĩ quan đã quay  lại và đứng trước Alex.
-          Xin mời theo tôi, Đô đốc sẽ tiếp ông.
Caroline do dự nhưng Joe đã kéo cô cùng đi.
Herbert Holinshead chưa phải đã già lắm, thậm chí Caroline còn cho rằng ông rất trẻ. Cô không biết tại sao nhưng cái từ “Đô đốc” làm cô nghĩ ngay tới tóc bạc. Trong khi đó, vị sĩ quan Hải quân này chưa quá năm mươi, dáng người cao lớn và đẹp, trong bộ quân phục ông giống diễn viên hơn là sĩ quan Hải quân thực thụ.
Thế nhưng Holinshead chính là Đô đốc Hải quân, vì vậy ông hơi ngạc nhiên nhìn Caroline. Trong vài giây, trông ông như người bị chóng mặt, lúc này cô gái mới nhận thấy mình vẫn mặc áo sơ mi và quần dài. Có lẽ ít nhất từ một trăm năm mươi năm nay chưa có một phụ nữ trẻ đẹp nào bước qua ngưỡng cửa văn phòng này, và cũng chắc chắn là chưa có người phụ nữ nào mặc quần dài được bước vào đây[1]. Tuy nhiên Đô đốc trấn tĩnh ngay được. Bên cạnh cô gái này là Joe Alex, như vậy mọi sự có thế xảy ra được. Có thể sự đến thăm của họ che đậy một điều bí ẩn rùng rợn gì chăng? Còn công việc của vị trưởng phòng hải đô Bộ Hải quân Anh chẳng lấy làm mơ mộng và thú vị như trước đây ông tưởng khi còn là chàng trai muốn trở thành sĩ quan hải quân. Nếu được tự do nói thật, có lẽ ông thừa nhận ngay là công việc chán lắm. Mùa hè đang tới, ông chờ đón nghỉ hè như chờ cứu nạn.
-          Xin mời, xin mời, mời ông bà ngồi – ông nói hơi do dự, nghiêng đầu chào Caroline.
-          Tôi hi vọng là ông tha lỗi cho sự viếng thăm đường đột này – Alex nói nghiêm túc – nhưng sự việc đối với chúng tôi rất quan trọng. Có lẽ ông là người duy nhất ở Luân đôn này có thể giúp chúng tôi được. Cô Beacon đây là đại diện của Viện khảo cổ, và cứ trông quần áo thì ông thấy đấy, cô ấy tới thẳng đây từ hiện trường làm việc.
Không để ý tới cái nhìn đầy biết ơn từ Caroline, anh nói tiếp:
-          Công việc vô cùng phức tạp giống như giải mật mã vậy. Chúng tôi muốn nói về hòn đảo…
-          Về đảo à… - vị phó đô đốc tươi tỉnh hẳn lên – Tất nhiên nếu như chúng tôi có thể giúp được – ông mỉm cười – Đảo là một chuyên ngành của chúng tôi, một trong số…
-          Vâng – Joe nói – nhưng chúng tôi muốn nhờ ông, thưa Đô đốc, tìm hộ chúng tôi một hòn đảo mà chúng tôi biết là có tồn tại nhưng không biết nó ở đâu và gọi là gì.
-          Chuyện vặt! – Holinshead cười thoải mái – Rất may là ông bà còn biết là nó tồn tại.
-          Ấy, ngay điều này chúng tôi cũng chưa rõ.
Sau những lời đó, Joe tóm tắt cho ông ta nghe câu chuyện. Càng về cuối nét mặt của vị Phó đô đốc càng tập trung. Khi Alex nói xong, ông nói:
-          Câu chuyện này rất thú vị. Tôi biết một người có thể giúp được ông bà. Để tôi hỏi xem anh ta có ở trong khu vực này không – ông nhấc máy điện thoại, không cần quay số và nói: - Đại úy Brown có đấy không? – ông đợi một lúc – Hãy bảo anh ta lại chỗ tôi… Phải, ngay lập tức – Ông đặt máy xuống quay lại nói với Alex – Anh ta sắp tới đây. Đại úy Brown biết rõ vùng phía đông Địa trung hải hơn là những người khác biết vị trí đồ đạc trong nhà mình. Anh ta biết tất cả những hòn đảo nằm trên và dưới mặt nước, hơn nữa cả những hòn đảo đã mất tích và những hòn đang trồi lên phía trên nhưng vẫn còn nằm dưới sóng biển.
Cùng lúc đó có tiếng gõ cửa và đại úy Brown bước vào phòng. Sau khi giới thiệu khách, đô đốc nói rõ mục đích cuộc viếng thăm của khách. Đại úy Brown, theo Caroline, trông có vẻ thủy thủ hơn chỉ huy của mình, người chắc nịch, rám nắng, tóc cắt ngắn. Anh ta bước vào phòng với dáng đi đặc biệt của người thủy thủ. Anh suy nghĩ không lâu.
-          Những tư liệu ông đưa ra khá chính xác, có lẽ đủ để xác định vị trí của hòn đảo này – anh nói và nghiêng người bên tấm bản đồ vùng biển Địa trung hải treo kín cả một bức tường trong phòng đô đốc – Người này bơi theo hướng “sao hàng hải” có nghĩa là từ nam lên bắc, vì đó chính là sao Bắc đẩu. Ông ta đến Bi-dăng-tin, bây giờ là Công-stăng-ti-nô-pôn, như vậy có thể cho rằng ông ta đi từ Ai cập tới. Như ông bà nhận thấy khi đó sao Bắc đẩu hơi lệch về phía trái, tuy nhiên trong sách cổ hàng hải, hướng đi chỉ gọi theo cách tương đối, trong trường hợp này độ sai lệch không lớn lắm…
Đại úy ngừng lời, ngón tay vạch chậm theo con đường biển mà người thủy thủ Perimos đã đi cách đây hàng thế kỉ.
-          Thế… thế liệu ông có tìm thấy trên tuyến này có hòn đảo mà chúng tôi đang tìm không? - Caroline hỏi, cố giữ giọng bình tĩnh.
-          Loại đảo như vậy có ít nhất là vài hòn – Brown nhíu mày – Cả vùng này toàn những đảo đá màu trắng – Brown ngừng lời - Bà có thể cho tôi xem lại lời văn được không?
Anh cầm lên tay bản dịch sang tiếng Anh những lời của Perimos. Anh đọc từ từ và bỗng nhiên đứng thẳng người.
-          Có lẽ tôi đã tìm thấy. Vào thời đó người ta chèo thuyền dưới gió. Nhưng lúc đó thuyền không thể đi được vì cả đoàn thủy thủ đã đi ngủ. Như vậy Perimos muốn bơi từ nam lên bắc nhờ buồm để đến cạnh hòn đảo này phải đi vào dòng hải lưu chảy từ bắc xuống nam. Trong trường hợp khác, ông ta không thể làm được điều này nếu không có người chèo. Chỉ có một chỗ phù hợp với lời văn này. Do cấu tạo của đáy biển, dòng hải lưu này tạo ra dòng chảy quanh đảo và Perimos có thể lái thuyền đi mà không cần chèo, sau đó khi thuận gió ông ta có thể ra khỏi đó – anh ngừng lời và lắc đầu - nhưng ở đây nói có một đền thờ cổ rất lớn phải không ạ? Tôi e rằng ông bà sẽ thất vọng. Nơi đó hoàn toàn trơ trụi, không có cây cối, và điều quan trọng là trước đây không lâu không có chỗ cập bến tự nhiên. Chung quanh đảo là vách đá dựng đứng, lại có những mỏm đá ngầm làm cho biển lúc nào cũng sủi bọt, gầm réo ngay trong những ngày yên tĩnh. Có một sườn núi nghiêng thoai thoải làm thành một mặt phẳng dài rộng khoảng vài trăm thước, nhưng ra phía biển lại có vách gần như dựng đứng. Có lẽ chưa bao giờ có người và súc vật ở đó cả. Giả sử rằng có ai đó ngẫu nhiên lại tới đây thì nếu như không rơi xuống vực thẳm của biển thì cũng sẽ chết đói vì ở đó không có cây cỏ, còn động vật, ngoài chim không có loại nào sống ở đấy cả.
-          Ông nói rằng trước đây không lâu đảo không có bến cập tự nhiên phải không ạ? -  Caroline cúi người xuống bản đồ nhưng mắt vẫn nhìn viên đại úy.
-          Vâng – Brown gật đầu – trước đại chiến thế giới thứ hai, đảo này thuộc Italia. Sau chiến tranh nó được về Hy lạp. Trước đây, người Italia đã đục đá thành một  bến có bậc lên xuống dẫn tới chỗ bằng phẳng trên sườn núi, ở đây họ đặt một trạm quan sát nhỏ để theo dõi sự di chuyển của hạm đội Anh. Trạm có đài phát tin. Gần đây người Hy lạp dùng bến này để đặt trên đảo một cây đèn biển công suất không lớn lắm. Mật độ tàu biển trên Địa trung hải ngày càng tăng nên cần phải đặt đèn biển trên đó mặc dù đảo không nằm trên tuyến đường biển chính. Chính vì vậy nó không có tên trên bản đồ và từ lâu lắm chẳng ai nói tới nó cả. Phía đông của Địa trung hải có rất nhiều đảo đá lớn nhỏ. Một số đảo có bến đổ kín hoặc hở, thời cổ xưa và trung cổ đây là nơi trú ẩn của bọn cướp biển. Còn một điểm nữa là núi đá có rất nhiều hang động. Chúng ta biết về điều này không phải vì chúng có ý nghĩa với hàng hải mà đơn giản là trong trường hợp cần thiết có thể biến chúng thành nơi trú ẩn hoặc điểm tựa – anh giang tay – Có lẽ ông bà cũng hiểu được như vậy chứ?
-          Tất nhiên – Joe gật đầu – nhưng chúng tôi không chú ý đến vấn đề chiến lược lắm.
-          Thế hòn đảo này tên gì? – Caroline hỏi khẽ.
-          À… - Brown khẽ nhún vai – Trên hải đồ chi tiết nhất ông bà cũng nhìn thấy một chấm đen. Đấy để cho thoáng chứ không thì nhiều dấu với chữ quá sẽ làm cho bản đồ khó nhìn, mà những đảo như vậy ở đó có hàng chục cái. Mỗi mỏm đá nhỏ từ dưới nước lên không thể có tên riêng được. Người Ý đã đánh số cho chúng. Nhưng gần đây sau khi tiếp nhận các hòn đảo, người Hy lạp đã trả lại tên cho hàng loạt đảo, thậm chí cả những đảo rất nhỏ. Bản đồ mới của họ có tên những đảo đó. Hòn đảo này đã có bến và đèn biển nên chắc chắn là có người trực thường xuyên mặc dù trông nó chẳng có vẻ mến khách. Chắc là nó sẽ có một cái tên, một cái tên truyền thống do những người đánh cá đặt ra. Họ đặt tên cho các điểm mốc. Nếu như ông bà muốn tôi có thể tìm ở chỗ tôi…
-          Chúng tôi vô cùng biết ơn – Caroline nói và cười với vẻ hào hứng của đứa trẻ khiến Joe phải vội nói để dẹp bớt sự vui mừng thái quá của cô.
-          Tất nhiên sau khi nghe những điều ông nói, khả năng xác định hòn đảo của chúng tôi nhỏ lại đi. Khó có thể cho rằng những người dân trên biển như người Crêt lại đặt đền thờ nữ thần của họ tại một nơi không thuyền nào tới được. Nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn muốn kiểm tra ở mức độ có thể.
-          Vâng tất nhiên rồi – Đại úy quay lại thượng cấp của mình – Xin đô đốc cho phép tôi được đi kiểm tra lại ở chỗ của tôi.
-          Tất nhiên, xin mời.
Brown đứng nghiêm chào và bước ra khỏi phòng, khép cửa một cách nhẹ nhàng.
-          Tôi rất tiếc là phải làm cho bà thất vọng – đô đốc nói với Caroline – nhưng tôi nghĩ rằng cái tên cổ Keros có lẽ đã không tồn tại từ lâu và…
Có tiếng chuông điện thoại. Vị đô đốc nhấc máy.
-          Holinshead đây… phải… Tôi nghe đây, đại úy… Cái gì? À phải, tôi hiểu… Rất cám ơn.
Ông đặt máy và quay lại phía Alex.
-          Vâng – ông nói – Người Hy lạp quả đặt tên cho hòn đảo này năm năm trước đây theo cách gọi của dân đánh cá. Tên của nó là KEROS.
-          Keros? – Caroline lắc đầu như muốn tỉnh dậy khỏi cơn mơ – Thật thế ư? Keros?
Vị đô đốc giang hai tay.
-          Tôi hy vọng cái tên này sẽ thích hợp với bà hơn tất cả những tên nào khác mà người ta có thể nghĩ ra, có phải không?
Và ông cười rất thoải mái.


Chú thích:

[1] Ở châu Âu, khi tới những nơi trang trọng, người phụ nữ thường mặc váy

<< Chương II | Chương IV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 680

Return to top