Ngay trước bữa tối, Martin đi vào phòng khách và bắt gặp Leonor đang ngồi sau đàn dương cầm. Sự rụt rè mà cô gái đã đem đến cho chàng từ ngày đầu tiên quen biết giờ đây trở nên mạnh hơn nữa. Chàng trai cảm thấy nếu như chỉ có hai người với nhau thì Leonor sẽ không khó khăn gì đoán biết được bí mật của chàng, sẽ hiểu rằng chàng yêu nàng. Những người đang sợ bắt gặp ở phụ nữ sự đáp lại tình cảm của mình thường vẫn dè dặt như thế, dù thậm chí họ là những người có nghị lực nhất đi nữa.
"Nàng sẽ đối xử với mình bằng lòng thương hại", Rivas thoáng nghĩ và chàng vội vã lui ra cửa, cảm thấy nhục nhã vì cái ý nghĩ đó đến mức hai má đỏ bừng lên.
Leonor nhìn thấy Martin ngay từ lúc chàng bước vào, lần này nàng không tỏ ra lạnh nhạt như vẫn thường đối xử, nàng đứng bật dậy và đi ra ngoài cửa gọi giật chàng trở lại.
Chàng quay lại và luống cuống đứng im tại chỗ.
- Sao anh lui ra thế? – Leonor nhận thấy sự ngượng ngùng của chàng.
- Tôi nghĩ rằng cô đang bận nên sợ làm phiền – Martin đáp.
- Làm phiền ư? Vì sao cơ chứ? Anh thấy đấy, chính tôi gọi anh.
- Rất cám ơn tiểu thư.
- Xin mời anh ngồi. Chúng ta cần nói chuyện với nhau.
Rivas bực bội nghĩ là Leonor niềm nở với mình như thế chỉ vì nàng lại muốn tra hỏi chàng như hôm trước mà thôi. Chàng theo cô gái vào phòng khách và đứng gần chiếc ghế bành nàng vừa ngồi.
Cô gái xinh đẹp lịch thiệp chỉ cho chàng một chiếc ghế khác.
- Hôm qua thậm chí tôi không nhận ra anh đã đi lúc nào – nàng nhìn thẳng vào mắt Martin.
- Thưa tiểu thư – chàng tự trấn tĩnh trả lời – tôi đã cho rằng cô không còn gì để hỏi tôi nữa.
- Nhưng hôm qua tôi đã mời anh đâu chỉ vì việc ấy. Thực ra thì sau đó do lơ đễnh tôi đã để anh lại một mình, tôi thật là sơ ý. Nói thật, tôi rất lấy làm tiếc. Dù sao anh cũng đã có thể bực mình. Nhưng xin anh tin cho, tôi quá bận trí, tất cả đều là vì thế.
Cần nhận xét rằng giọng nói của Leonor hiểu không giống với người cần xin lỗi. Dường như nàng vượt qua lòng kiêu hãnh một cách khó khăn để có thể thú nhận lỗi của mình và nghĩ trước hết đến việc sao cho Martin, lạy trời, đừng có quên khoảng cách giữa hai người, giống na vẫn giữ vẻ ra lệnh. Song, nếu như nền giáo dục đã làm cho cô gái thành kiêu ngạo, thì tâm hồn nàng vẫn chứa đựng tình cảm công bằng, vì thế lương tâm trong Leonor đã lên tiếng và nàng quyết định xin lỗi Rivas. Hôm qua khi phát hiện ra Martin đột nhiên rời khỏi phòng khách, nàng đã lập tức nghĩ rằng chàng trai giữ địa vị bị lệ thuộc trong nhà và có thể phật ý. Bất kỳ ai trong số những kẻ ăn diện giàu có vẫn ngưỡng mộ nàng thì có lẽ nàng sẽ không thèm động lòng, cũng không bao giờ nghĩ tới việc nghi ngờ tính đúng đắn trong cách cư xử của mình. Nhưng hiểu được tâm trạng của Rivas lúc rời phòng khách, nàng tự thấy xấu hổ và tự nhủ rằng mình đã cư xử không tốt, và lập tức quyết định sẽ thành khẩn thú nhận điều đó.
Song khi có mặt chàng trai thì Leonor cảm thấy nói lời xin lỗi sẽ không dễ dàng như ban đầu vẫn tưởng. Người đẹp kiêu hãnh rơi vào tình thế khác thường tới mức chỉ có lý trí mạnh mẽ mới buộc được nàng thực hiện cái quyết định mà mình hơi hấp tấp đặt ra. Nhưng khi đã bắt đầu thì cô gái lại lo ngại Martin giải thích sai lệch lời nói của mình – vì lẽ đó mà giọng nói của Leonor mới có vẻ kiêu căng như vậy.
Thốt ra những lời xin lỗi, nàng liếc nhìn chàng trai và cố gắng đoán theo vẻ mặt xem chúng gây ấn tượng như thế nào. Cần phải nói rằng hành động không ngờ của cô gái đã làm cho Martin cảnh giác đề phòng và trong mắt chàng lộ rõ sự buồn bực. chàng trả lời cũng không kém phần kiêu căng:
- Thưa tỉêu thư, riêng tôi thì hôm qua rất buồn vì đã không thể trả lời một cách cặn kẽ hơn được về con người mà chắc là cô đã rất đặc biệt quan tâm.
- Ồ, hoàn toàn không phải tôi quan tâm! – Leonor trong chốc lát quên khuấy mất mọi sự thận trọng cũng như ý định kiêu căng trong giọng nói.
- Thật thế sao? – Martin thốt lên, thậm chí không cần che giấu nỗi vui mừng của mình.
Sự tinh ý rằng phụ nữ giúp cho Leonor hiểu ngay vì sao nét mặt chàng trai lại sáng rỡ và vui mừng đến như vậy.
"Chẳng lẽ chàng đã yêu mình?" – nàng chợt nghĩ và bắt gặp ánh mắt cháy rực lửa của Rivas, nàng hơi bối rối.
Sau đó tự bực mình vì đã tỏ ra cởi mở không đúng lúc để xóa bỏ nỗi ngờ vực của Martin, Leonor lại dùng giọng nói trước đó và quyết định trừng phạt Martin vì đã dám bạo gan yêu nàng.
- Trí tưởng tượng của anh có quá phong phú không đấy, thưa công tử? – nàng giễu cợt hỏi – anh rút ra những kết luận từ những điều nghe thấy vội vã quá.
- Tiểu thư chê trách tôi không đủ lễ độ là đúng – Martin lúng túng, hoàn toàn không hiểu nổi cô gái đỏng đảnh vừa mới ngỏ lời xin lỗi xong đã quay sang cảnh cáo chàng, hơn nữa giọng nàng còn nghiệt ngã hơn cả lời nói.
- Điều gì đã làm cho anh có quyền tưởng tượng rằng dường như khi hỏi thăm anh về cuộc sống của San Louis, tôi có mối quan tâm đặc biệt tới chàng?
- Thưa tiểu thư, tôi xin cam đoan một cách thành tâm nhất là nếu như điều ước đoán ấy dù có xảy ra một cách vô tình khi tôi chưa khi nào tận dụng nàng và dĩ nhiên, hiện giờ cũng không.
- Tôi có thể hy vọng như thế - Leonor đáp lời và nhìn chàng trai với một vẻ kênh kiệu làm cho tim chàng thắt lại vì đau đớn.
Đúng ngay giây phút đó, bà Engracia xuất hiện cùng chồng. Ngay lúc mới bước qua ngưỡng cửa căn phòng kế với phòng khách, ngài Damasso đã phát Leonor cùng Martin đang nói chuyện riêng với nhau.
- Tại sao con gái chúng mình lại ngồi riêng với chàng trai này thế? – ngài hỏi bà vợ, vẻ không hài lòng.
Vừa bước vào phòng khách, ngài Ensina gọi ngay Rivas đến chỗ mình và bàn với chàng chuyện công việc còn bà Engracia vội vã nói với con gái rằng cách cư xử của nàng làm cho cha ngạc nhiên.
- Ba nói mà không chịu suy nghĩ! – Leonor nổi nóng – chẳng lẽ ba không quá thích thú với thư ký của mình hay sao? Con sẵn lòng hiểu rằng ba đánh giá rất cao năng lực của Rivas, mà chúng ta cũng mới nghe thấy những lời khen đấy thôi. Nhưng phải chăng ba có nhận xét về anh chàng tỉnh lẻ này tốt đến mức thật sự cho rằng dường như con có để ý đến chàng ta?
Bà Engracia chỉ biết cúi đầu không tìm ra được lời nào để phản bác, hơn nữa Diamela cứ nhảy lên chân bà mà sủa váng lên làm cho bà mệnh phụ quý phái phải bế cô con cưng lên lòng và cố xua đủôi ý nghĩ buồn bã rằng bà không đủ uy tín đối với con gái.
Còn ông Damasso thì ngay cả chuyện nghĩ đến con gái ngồi một mình với Martin cũng đã quên khuấy và đang chăm chú nghe ý kiến của viên thư ký về một vụ đầu cớ béo bở mà ngài quyết không từ bỏ.
Từ những lời của Leonor dĩ nhiên bạn đọc không lơ đễnh đã hiểu được là ông Damasso vẫn thường khen tặng Rivas, người đang nắm giữ những bí mật thương mại của ông vì đã từng viết những bức thư cho những người mà chủ mình uỷ quyền và không phải ít khi chàng đã phải giúp ông những lời khuyên trong công việc. Trong chuyện này, Martin sử dụng trí tuệ bẩm sinh nhiều hơn là kinh nghiệm buôn bán mà phải thú nhận rằng chàng hầu như không hề có. Mong muốn đền đáp sự hiếu khách đã được hưởng, Rivas cố gắng để có thể hoàn thành tốt nhất những nghĩa vụ được giao. Chàng trai muốn được ông Damasso đánh giá cao phẩm chất của mình và không thấy tiếc vì đã cho chàng ở trong nhà. Chính vì thế, mới sau một thời gian ngăn, ngài Ensina đã tin vào khả năng của viên thư ký và chàng trở thành cố vấn tối cần thiết trong tất cả những công việc mà nhà tư bản tháo vát tiến hành hầu tăng thêm gia sản vốn đã khổng lồ của mình.
Lần này như chúng ta đã nói, câu chuyện bàn về những vụ đầu cơ béo bở và Martin đã nêu được ý kiến có khả năng mở ra những triển vọng mới cho hoạt động của chủ mình. Lòng đầy biết ơn, ông bắt đầu tìm cách để bày tỏ với chàng trai sự tri ân của mình.
- Tôi nhận thấy – ông nói – các buổi tối anh không bao giờ ở trong phòng khách.
- Việc học tập hoàn toàn không chừa lại cho cháu thời giờ rỗi rãi, thưa ngài – Rivas trả lời.
Những lời của ông Damsso làm chàng vui sướng không tả được vì chàng có được cơ hội ở bên Leonor và biết được những người ngưỡng mộ nàng nhiều hơn.
- Nhưng dù sao khi nào có được thời giờ thì anh cứ đến nhé – ngài Ensina vẫn nài nỉ - Tôi muốn anh tiếp cận giới thượng lưu nhiều hơn. Đối với một người trẻ tuổi định trở thành luật sư, những mối liên hệ như thế vô cùng có ích.
Ngay tối đó, Martin tận dụng luôn lời mời của chủ nhà và xuất hiện ở phòng khách của bà Engracia vào lúc chín giờ, khi những nhân vật mà bạn đọc quen biết đã tụ họp đầy đủ.
Cũng không thừa nếu chúng ta được biết rằng sau một thời gian ngắn ở Santiago, người hùng của chúng ta đã đổi mới trang phục một cách đáng kể. Biện pháp thực hiện đó là do San Louis nghĩ ra. Theo lời khuyên của chàng, Rivas đã đặt mua theo cách trả dần một bộ y phục ở một tiệm may thời trang với điều kiện mỗi tháng phải trả hai peso. Vì thế, chàng đã có được vẻ lịch thiệp mà hàng tháng vẫn còn lại mười tám peso cho những nhu cầu khác.
Để hiểu được nguyên cớ của tình trạng phấn khích trong nhà ngài Ensina buổi tối ấy, chúng tôi muốn thuật lại cho bạn đọc tình hình thời sự ở thủ đô, khi đó cũng sẽ hiểu được những câu chuyện mà các vị khách của bà Engracia trao đổi với nhau và trạng thái thần kinh của mọi người tại thời kỳ tất cả bị chính trị lôi cuốn mạnh mẽ đó.
Cái Hội bình đẳng mà chúng ta đã nhắc tới, lúc ban đầu vào năm 1850 hoàn toàn có rất ít hội viên nhưng đến thời kỳ đầy những sự kiện này đã nhân đội ngũ của mình lên với tốc độ nhanh chóng không thể tưởng tượng và trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt. Ngay bản thân tên gọi của tổ chức ấy cũng đã buộc chính phủ phải thận trọng, nhưng đáng cẩn trọng hơn nhiều là bản cương lĩnh trong đó nêu lên những nguyên tắc hoạt động và sự hăng hái hưởng ứng những lời kêu gọi của hội từ phía hầu hết mọi tầng lớp nhân dân thủ đô. Sau một thời gian ngắn, số hội viên của Hội Bình đẳng đã tăng lên đến tám phần trăm và họ bàn luận những vấn đề nghiêm trọng nhất về cbsn xã hội cũng như về đường lối chính trị. Thế là dần dần thành phố Santiago mơ ngủ đã thức tỉnh trước cuộc sống mới, còn chính trị là đề tài của mọi cuộc chuyện trò. Nó làm bận rộn mọi trí não, đối với một số người nó đánh thức niềm hy vọng, đối với một số khác thì đem đến nỗi lo sợ.
Kể từ nay trong nhà những công dân cầu an nhất cũng nổi lên những cuộc tranh luận sôi bỏng, mọi người chia thành những đảng phái đôi nghịch. Nhiều cậu con trai không còn phục tùng bố mẹ, các cuộc cãi vã dữ dội phá tan sự yên tĩnh của hàng loạt gia đình. Tóm lại vào năm 1850, và muộn hơn một chút, năm 1851, ở Chi lê không còn sót một nhà nào không om sòm các cuộc tranh cãi hỗn loạn về chính trị và khó mà tìm được dù chỉ một người không tham dự vào một đảng phái nào đó đang chia xé xã hội. Ở Chi lê thời gian ấy có lẽ Likua không thể áp dụng được cái luật lệ của ông về những người thờ ơ với các vấn đề xã hội, bởi vì ông sẽ không tìm thấy ở đây những kẻ vi phạm luật lệ ấy.
Hội Bình đẳng đã tiến hành bốn phiên họp nổi tiếng ngay từ trước ngày 19 tháng 8 năm 1850, khi kỳ họp đáng chú ý của nó được triệu tập và được gọi là "cuộc họp được xua tan bằng dùi cui".
Cuộc họp nói trên diễn ra đúng vào cái buổi tối mà lần đầu tiên Martin quyết định xuất hiện ở phòng khách của người bảo trợ mình, trong giờ tiếp khách hàng ngày.