Đã như vậy thì liệu rằng những khó khăn đó có thể vượt qua hay không? Phải chăng chúng ta không thể dự trù được những khó khăn về mặt văn minh và chủng tộc mà chúng ta phải đối diện vào lúc nầy? Có phải chỉ vì một vài lúng túng về tổ chức hành chánh mà chúng ta phải chịu thua, từ bỏ nhiệm vụ, bỏ rơi dân tình An Nam dưới gọng ách thoái hóa của nhóm quan viên triều đình hay sao? Mặc dù ở dưới sự chiếm đóng của chúng ta, trong tình trạng suy thoái ấu trĩ nầy, phải chăng chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận để cho các hạng quan viên đó bất tận tạo ra thái độ tiêu cực đối với mọi sự tiến bộ cũng như làm trở ngại các sự phát triển vật chất? Và bởi vì chúng ta không muốn đi xuống để hội nhập với họ thì lẽ nào chúng ta lại tuyệt vọng trong việc kéo họ lên ngang bằng với chúng ta? Người ta không thể trả lời ngập ngừng được.
Có chính sách thuộc địa nào vấp phải những trở ngại lớn lao hơn hay không? Người ta thấy rằng, ở đây không có chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa tôn giáo cuồng tín để lôi kéo khối quần chúng nổi dậy chống lại những kẻ xâm lược một cách mù quáng. Quả thật có một bản năng lo sợ thúc đẩy lấn lướt mọi sự suy luận nhưng rồi thì những thực tế vật chất hợp lý hợp tình sẽ được thực hiện trong thời hạn thật ngắn.
Mặc dù có một vài biện pháp đáng tiếc, những đồn đãi giận dữ đã và đang góp phần vào sự nuôi dưỡng lòng ngờ vực của dân chúng đối với chúng ta, người ta không thể phủ nhận rằng người An Nam bắt đầu không còn muốn trở lại một số những thành kiến của họ. Sự liêm khiết và ý thức của chúng ta hay đúng ra là lòng yêu chuộng công lý cùng với sự mềm dẻo của chúng ta, mặc dù đối chọi gay gắt với tình trạng bán buôn và tính cách bạo tàn trong chính sách cai trị của họ trước đây, nhưng cũng đã tạo được ấn tượng đối với họ. Cảm tình của họ đối với chúng ta chưa phải là sự cảm phục kính trọng , tuy nhiên họ có ngạc nhiên mà sự ngạc nhiên thì tới trước sự cảm phục kính trọng.
Vậy thì chúng ta hãy cứ phải chờ đợi những kết quả nhất định sẽ có, những kết quả từ sự tiếp cận giữa người và sự vật. Chúng ta hãy từ từ đưa vào những sự cải cách, không nên quá vội vã để rồi chuốc lấy sự khó chịu từ số dân chúng không có khả năng nhận biết những công việc làm có tính cách phúc lợi; chúng ta không nên đối đầu thẳng với những thành kiến; chúng ta hãy đối xử khéo léo với những trường hợp nhạy cảm chính đáng. Khi cố gắng lôi kéo một cách mềm dẻo khối dân chúng đã từng phải chịu còng lưng bãi hoải dưới quyền lực chuyên chế mà phẩm cách bị vùi dập, niềm tự hào bẩm sinh bị tan biến cũng như khi chúng ta mang trở lại cho họ ý thức về lương tri, thức tỉnh lòng ham muốn sáng tạo và ý chí tự do của họ hay chỉ cần nói tóm gọn một câu rằng khi dẫn đưa họ đến với thói quen tự họ suy nghĩ, tự họ hành động thì không bao lâu người ta sẽ thấy rằng thành kiến sẽ nhường chỗ cho sự nhận xét đánh giá sự vật một cách tự do và vô tư.
Tổ chức xã thôn cùng với những xã trưởng và cai tổng đủ tư cách để cai trị tạo thành nền móng của thể chế xã hội người An Nam. Chúng ta nên duy trì nền móng nầy bởi vì cho đến ngày nay nó luôn luôn là một sức mạnh, cho nên mặc dù giặc giã chiến tranh, mặc dù có những cố gắng mưu mô của những chính quyền An Nam từ các tỉnh thành lân cận, thì cũng chỉ có một số rất ít người di cư ra khỏi các vùng lãnh thổ do Pháp đang chiếm đóng. Người ta có thể cho rằng sự đoàn kết gắn bó giữa những thành phần trong thôn xã là quá đáng và muốn rằng bên trong khối đơn vị kết hợp chung với nhau đó có thêm được một chút phát triển ý hướng về nhân phẩm. Tuy nhiên, rốt cuộc rồi thì vẫn có một năng lực hành động ở đó cần phải được duy trì một cách thận trọng chi ly. Hãy để cho sự bầu cử hoàn toàn tự do, phát triển thêm những mối liên hệ giữa những xã trưởng với các giới chức chính quyền Pháp, làm gia tăng thêm tầm mức ảnh hưởng của họ, nới rộng vòng đay đóng góp của họ, biến đổi họ thành những nhân tố đương nhiên trong những trường hợp khiếu nại, xem họ là những kẻ bênh vực cho mọi thứ phúc lợi ở địa phương và làm giảm bớt những điều phiền phức như tôi vừa mới đề cập ở phần trên, nếu làm được như thế chúng ta sẽ lấy đực lòng tin của dân chúng và chúng ta sẽ liên kết họ vào guồng máy của chúng ta mà không gặp sự chống đối. Khi mà nền móng cơ cấu nầy được duy trì một cách cẩn trọng và được củng cố thêm, người An Nam sẽ chấp nhận nhanh chóng khi nhìn thấy phía trên có những chức quyền hành chánh âu châu vô vị lợi thay thế vào chỗ của các hạng quan lại tham lam đầu cơ của triều đình trong thời gian họ nắm giữ chức vụ và bởi vì họ vốn là hạng hủ lậu chậm tiến gánh nặng của đất nước cho nên những hạng quan lại nầy sẽ làm khô cạn những nguồn tài nguyên phong phú của dân chúng.
Cùng một lúc với những mối ràng buộc từ trong lòng đất nước, những nghĩa vụ và những mối liên hệ mà người dân An Nam không còn có thể nghĩ rằng nếu cắt đứt vẫn không có gì gọi là nguy hiểm, thì sự kiện nền thương mại từ các nước âu châu đến đây mở và khai thông gắp trăm lần tài sản sẵn có sẽ làm rơi rụng những thành kiến còn xót lại trong dân chúng, những thành kiến mà chỉ có những kết quả vật chất mới có thể thuyết phục được họ. Những công trình đã được thực hiện, những phương tiện liên lạc thông tin được thiết lập, những biện pháp dùng để cải thiện vệ sinh công cộng, sẽ tạo cho họ có được một cái nhìn về cá tính thật sự của họ và đối với họ những điều thực hiện đó là đáng cảm phục và biết ơn.
Tôi đã chứng tỏ cho thấy rằng công tác phát triển xã hội phải được kèm theo cùng một lúc với sự phục hồi đạo lý và do đó ảnh hưởng đạo giáo cũng sẽ rất hiệu quả. Tôi lặp lại ở đây rằng lý luận không thể thâm nhập vào đầu óc của người An Nam. Với họ, đạo gia tô không phải là ánh sáng mà chỉ là tình cảm; tính cách siêu nhiên, tầm vóc lớn rộng, cũng như các bổn phận của gia tô giáo áp đặt ra không được họ tiếp nhận. Tôn giáo nầy chỉ có thể nhập vào họ theo khía cạnh cảm kích, lôi cuốn họ bằng những điều hứa hẹn và những niềm hy vọng thần bí, quyến rũ họ bằng cách mang tới sự an ủi cho những thành phần bị thua thiệt sống trong nền văn minh châu Á, bằng ý niệm phước thiện trên bất cứ điều gì mà tôn giáo nầy mang đến cho họ như là một liều thuốc chữa trị bá chứng phát xuất từ những sự thống khổ của họ. Người An Nam có một số tín ngưỡng ôn hòa và sầu muộn, như đạo tôn trọng và kính thờ ông bà, tổ tiên mà đạo gia tô đầy thi vị và cao trọng có thể nắm lấy như là một khởi điểm để tiếp cận và chuyển tiếp một cách dễ dàng nhằm lôi kéo họ về phía gia tô giáo và đặt họ dưới ảnh hưởng thiện đức của tôn giáo nầy.
Tuy nhiên về mặt tôn giáo cũng như về mặt xã hội, những vấn đề có tính cách nhạy cảm và tạo ngờ vực thì nhất thiết không nên khơi dậy. Người ta phải nhớ rằng gia tô giáo không có tổ quốc, không thuộc quyền sở hữu của một quốc gia nào, dửng dưng không tuân phục đối với bất kỳ vị vua nào dưới trần thế. Việc hành đạo của họ phải được thực hiên ngoài mọi sự hậu thuẫn của bất kỳ guồng máy nào, ngoài áp lực của chính quyền. Một tình trạng cân bằng chặt chẽ phải được duy trì giữa các tín đồ gia tô giáo và tín đồ phật giáo trong vùng lãnh thổ của chúng ta. Tôn giáo chắc chắn sẽ đạt được uy thế và sự tôn kính cũng như ảnh hưởng và hiệu quả của tôn giáo trên công tác phục hồi đạo đức ở Nam Kỳ hạ chỉ có thể xảy ra trong điều kiện vừa mới kể qua.
Khi trình bày cho thấy rằng dưới một guồng máy hành chánh khôn ngoan và phụ mẫu, sự tiến bộ về tư tưởng và hành động sẽ tự phát sinh giữa lòng quần chúng An Nam, tôi không muốn vẽ ra một bức tranh tưởng tưởng: tôi chỉ thử cố gắng mô tả những mầm móng có vẽ như đang phát triển tại bất cứ nơi nào mà khối quần chúng đang ở trong các điều kiện mà tôi đã nêu ra. Gần 3 năm trôi qua kể từ khi chúng ta đã xâm chiếm dứt khoác những vùng đất trên bờ sông Đồng Nai mà chỉ có được một năm yên ổn và trong vòng một năm nầy cũng đủ để chúng ta tu sử phần nào những thiệt hại vì chiến tranh gây ra và củng cố sự thống trị của chúng ta! Hiện nay, chúng ta thu thuế dễ dàng, các điều lệnh của chúng ta ban hành được truyền rao một cách suông sẻ khắp nơi trong vùng lãnh thổ chiếm đóng và được tuân hành nghiêm chỉnh. Nơi hạ tầng cơ sở, các chức quyền tham nhũng bị trách phạt, quyền làm chủ tài sản được công nhận, phong tục tập quán được duy trì, tất cả các sự kiện đó làm tăng thêm niềm tin về thiện chí của chúng ta và đánh tan những điều loan truyền bịa đặt bởi nhóm người xúi giục nổi loạn. Nhóm người nổi loạn nầy từ 18 tháng trước đây ẩn nắp khắp nơi, rất được cảm tình âm thầm của tất cả mọi người thì nay khó mà có được một nơi an toàn đễ ẩn náo dung thân. Bây giờ nhóm nổi loạn lo sợ rằng những đồ vật dâng hiến tự nguyện, những sự móc nối của họ với dân chúng ngày trước là duyên cớ tạo ra những sự trả trả thù báo oán. Điều nầy cũng được thấy rõ vì có một số người của nhóm nổi loạn đã bị dân chúng bắt nộp cho chúng ta từ những nơi ẩn trốn của họ.
Khốn khổ thay, tôi lại phải vội vã mà thêm rằng tình trạng vừa kể không phải đều xảy ra khắp nơi. Ở các quận, huyện xa trung tâm thuộc địa của chúng ta và những nơi mà nhóm nổi dậy có thể tạm dùng làm căn cứ địa kiên cố của họ thì những khó khăn mà tôi đã nêu lên từ lúc khởi đầu nhất định phải có. Ở những nơi đó, các người đầu lãnh của nhóm nổi loạn vẫn tiếp tục nắm giữ uy thế sĩ phu và quan lại của họ và không có một chút nào lẫn lộn vào những phường trộm cướp sát nhân tầm thường được. Điều quan trọng là người ta biết ở nơi đó, một sự trấn áp khe khắt vừa mới tiêu trừ ảnh hưởng của họ ra khỏi dân chúng đang phải chịu đặt mình dưới 2 chế độ luật pháp với 2 chính quyền và nhất định là họ phải nghiêng hẳn về phía nầy hay phía kia. Người dân An Nam cần được bảo đảm rằng họ sẽ không bị đầy lui trở về tình trạng cũ, họ cần phải được thuyết phục bằng những chứng cớ xác thật về sự ổn định cơ sở của chúng ta được thiết lập chung lộn với họ; và tới lúc đó, khi họ chịu khuất phục trước những thành tựu, cùng với bản chất thụ động bẩm sinh của sắc tộc An Nam, họ sẽ liên kết với chúng ta một cách ngay thẳng và bất cứ nguy cơ nổi dậy nào rồi cũng sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, hiện giờ vụ lặp đi lặp lại để xác nhận việc người Pháp sắp di tản ra khỏi 3 tỉnh đang chiếm đóng, người ta tự để lộ ra cho thấy thấy rằng dân chúng phải chịu sinh hoạt dưới quyền của hai bên, một ở miền Đông một ở miền Tây, trong các tỉnh của người An Nam cai trị bởi những quan chức của triều đình, những tỉnh bị bao vây bởi nhóm nổi dậy khắp cùng trên một vùng sông rạch chằng chịt mà mỗi lần gặp họ là người dân sẽ bị nguy hiểm, và điều nầy có thể giải thích một cách dễ dàng tại sao khi thấy dân chúng đến với chúng ta mà mắt cứ phải ngó chừng về phía sau và tại sao họ cam chịu bắt tay và chia xẻ tình cảm của họ với cả hai bên cùng một lúc.
Tình trạng địa dư nầy trong ba tỉnh của chúng ta là nguyên cớ tạo ra những tranh chấp tương lai với triều đình Huế, nhưng nếu chúng ta cứ giữ nguyên tình trạng đó thì sẽ gây tác động mạnh đối với người An Nam. Trong số dân chúng An Nam có những kẻ khôn ngoan nói rằng: "Nếu các ông muốn chúng tôi trở thành những người Pháp thì các ông còn phải chiếm thêm các tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang, nếu các ông đóng cửa đương thông thương giữa tỉnh Bà Rịa với thủ đô Huế, khai phóng việc tiếp xúc với người ngoại quốc cũng như giải trừ những khích động phản loạn, không còn phải sợ những sự đe dọa huyền hoặc hiện giờ đang ám ảnh những người chịu khuất phục, nếu các ông thực hiện được những điều đó thì chúng tôi sẽ về phía các ông mà không còn có một hậu ý nào.
Trên đây là một sự phân tích nhanh chóng về những trở ngại mà chúng ta đang gặp phải ở vùng Nam Kỳ hạ và những phương cách để vượt thoát những trở ngại đó. Theo tôi, sự phân tích nầy chứng tỏ rằng nếu chúng ta muốn thì đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể đưa khối dân chúng đã thực lòng liên kết với chúng ta vào dưới cùng một màu cờ và cùng chung một nền văn minh của Pháp quốc. Chúng ta không nên suy xét một cách thiếu kiên nhẫn, một kiểu suy xét đốt giai đoạn, chưa gieo mà đã muốn gặt hái. Hãy so sánh cuộc chinh phục Nam Kỳ hạ của chúng ta với bất kỳ một cuộc chinh phục nào cùng một bản chất do những quốc gia thực dân nổi tiếng đã thực hiện thì chúng ta sẽ thấy được rằng ở đâu cũng vậy. Trong ba năm đầu tiên, người ta sẽ bị hoang mang rắc rối, đối đầu với những cuộc nổi dậy, hoàn toàn xáo trộn vô trật tự và đổ nát nhất thời.
*
II
Sau khi trình bày để cho thấy rằng trên bình diện dân số cuộc chinh phục dứt khoác và thuộc địa hóa vùng Nam Kỳ hạ chỉ gặp phải những trở ngại không lớn lắm và trong một thời gian ngắn sẽ đưa tới một tình trạng vật chất thỏa đáng và lâu bền, điều cần yếu bây giờ là việc nghiên cứu những hậu quả có thể phát sinh ra từ đó đối với ảnh hưởng và nền thương mại của chúng ta ở Á Đông. Nói một cách khác, để chứng minh tư cách chính đáng việc chiếm đóng của chúng ta thì cần phải đạt được sự cân bằng giữa những sự hy sinh với những kết quả mà sự chiếm đóng đó hứa hẹn.