V/- THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG CHÍNH SÁCH THUỘC ĐỊA CỦA NGƯỜI PHÁP Sau khi Pháp và Trung Quốc ký kết và phê chuẩn thỏa ước hòa bình ngày 25 tháng 10 dl năm 1860 tại Bắc Kinh (để bổ túc thêm cho hoà ước Thiên Tân ký kết giữa Pháp và Trung Quốc vào ngày 27 tháng 6 dl năm 1858), Charner liền đưa hết đoàn quân viễn chinh Pháp từ chiến trường Trung Quốc trở qua Sài Gòn. Đoàn tàu chiến chuyển quân của Charner đế Sài Gòn ngày 7 tháng 2 dl năm 1861. Ngày 24 và 25 tháng 2 dl tấn công đại đồn Kỳ Hòa, đẩy lui quân triều đình ra khỏi vòng đai Sài Gòn, Gia Định, chiếm luôn Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Quân triều đình rút lui về cố thủ Biên Hòa. Kế tiếp quân của Charner tiến chiếm Mỹ Tho. Sau chiến thắng Mỹ Tho, Charner phải tạm ngưng việc chiến tranh để lo tổ chức cai quản cả một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm giữa sông Mê-kong và sông Soài Rạp. Ngay cả việc người Cao Miên sẵn sàng chịu đặt lãnh thổ của họ dưới quyền kiểm soát của đoàn quân viễn chinh Pháp mà Charner cũng phải làm ngơ. Với súng óng kỹ thuật tốt và vượt trội so với vũ khí của quan binh triều đình Đại Nam cùng với tinh thần đánh trận yếu kém chưa đánh đã bỏ chạy của quân binh nhà Nguyễn thì đoàn quân chiến thắng của Charner có thể tiếp tục cuộc hành quân xâm lược để đánh chiếm luôn tỉnh Biên Hòa và 3 tỉnh miền Tây không mấy khó khăn nhưng Charner phải ngừng lại. Tại sao ? Bởi vì theo Charner chiếm đất thì không khó lắm nhưng giữ đất đã chiếm được thì không phải dễ: "Nếu tôi có thêm một ngàn quân thì tôi sẽ đánh chiếm luôn ba tỉnh phía Tây nhưng liệu rằng tôi có đủ nhân sự để giữ 3 tỉnh đó hay không? Tôi phải tự hạn chế để không phải thối lui lấy một bước. Danh dự của người Pháp tùy thuộc vào điều đó". Đây là lời của Charner viết ra gởi cho Chasseloup-Laubat bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp ở Paris ("Si j avais mille hommes de plus, écrivait-il au ministre de la marine, je prendrai ces trois provinces; mais aurais je assez le monde pour les garder? Je dois m attacher à ne pas faire un pas en arrière. Notre prestige en dépend." (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 195). Như vậy, người Pháp dừng lại không phải vì họ nghĩ rằng như thế đã đủ để bó buộc triều đình nước Đại Nam thay đổi chính sách ngược đãi đạo gia tô, một tôn giáo xa lạ do những người Âu Châu-trong đó người Pháp chiếm một tỷ số lớn- nhập cảng vào nước Đại Nam. Vấn đề ngược đãi đạo Gia tô chỉ là một cái cớ nhỏ khởi đầu để cho người Pháp có thể thi hành chính sách xâm lăng thuộc địa của họ. Tham vọng thuộc địa của người Pháp không dừng lại nơi tỉnh Mỹ Tho. Tham vọng của người Pháp không những được phát hiện từ những thái độ hiếu thắng quân phiệt của những kẻ cầm đầu Bộ Hải Quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp ở Paris mà còn có thể phát hiện từ những cấp thừa hành trong đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp mà điển hình là Francis Garnier. Fracis Garnier (1839-1873): Trong một quyển sách có tựa đề Nos Premières Années Au Tonkin tác giả Paulin Vial (1831-1907) có đoạn viết về Francis Garnier như sau: "A cette époque, Garnier avait 34 ans. Intelligent, instruit, courageux, doué une ambition ardente, partout où il avait servi il avait attiré l attention de ses chefs et de ses camarades. Il avait pris part à l expédition de Chine et de Cochinchine sous les ordres de l amiral Charner (1860-1861). Revenu à Saigon à la fin d Avril 1863, il fut admis, sur sa demande, dans l administration des affaires indigène par décision de l amiral de la Grandière. Il servit à Cholon en qualité d inspecteur stagière sous les ordre de M.Gaudot, auquel il succéda en 1865. En 1866, il avait été designé, sur sa demande, pour faire partie de la Commission d exploration du Mékong, commandée par M. de la Grée, capitaine de frigate. Parti de Saigon le 5 juin 1866, il y rentra en octobre 1868, ramenant le cercueil de son chef qui repose dans le cimetière de Saigon. Il était allé ensuite à Paris où il dirigea la redaction de cet important voyage qui fait tant d honneur à notre pays. En 1870 et 1871, Garnier prit une part glorieuse à la défense de la capitale." (Paulin Vial, Nos Premières Années au Tonkin, trang 50, nhà xuất bản Baratier-Molaret, France 1889) Tạm dịch: "Vào thời đó, Garnier 34 tuổi, thông minh, có giáo dục, can trường, đầy tham vọng, ở bất cứ nơi nào ông ấy phục vụ đều gây sự chú ý của thượng cấp và bè bạn. Ông đã góp phần tham dự vào công tác thám sát ở Trung Quốc và ở Nam Kỳ hạ theo lệnh của đề đốc Charner (vào những năm 1860-1861). Trở lại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1863, ông làm đơn xin và được la Grandière chấp nhận vào làm việc trong ngành quản trị hành chánh bản xứ sự vụ. Ông được cho giữ chứ thanh tra bản xứ ngạch tập sự ở Chợ Lớn (ngang với phó thị trưởng) dưới quyền chánh thanh tra bản xứ Gaudot. Ông thay thế Gaudot vào năm 1865. Năm 1866, Ông yêu cầu và được chấp thuận cho tham dự vào đoàn thám hiểm sông Mékong do đại úy hải quân de Lagrée làm trưởng đoàn. Đoàn thám hiểm rời Sài Gòn vào ngày 5 tháng 6 năm 1866 và quay trở về vào tháng 10 năm 1868 kéo theo quan tài đựng xác người trưởng đoàn đễ chôn cất nơi nghĩa trang thành phố Sài Gòn. Tiếp theo đó, ông đi Paris và ở đó ông đã tự mình ghi lại chuyên đi thám sát tạo niềm hãnh diện lớn lao cho đất nước chúng ta. Năm 1870 và 1871, Garnier chia xẻ một phần vinh quang trong việc bảo vệ thủ đô." * Có thể nói rằng Francis Garnier là một thanh niên trẻ tuổi đã đóng góp lớn lao cho sự hình thành chính sách thuộc địa của nước Pháp ở Đông Dương. Không phải ngẫu nhiên mà La Grandière đưa Francis Garnier vào đoàn công tác thám hiểm sông Mê-kong. Garnier được trọng dụng bởi vì trước đó F.Garnier đã thi hành thành công các nhiệm vụ thám sát ở Trung Quốc và ở Nam Kỳ hạ. Cũng có thể nói rằng F.Garnier là một người lính tiền sát có nhiệm vụ hướng đạo, vẽ đường dẫn lối cho đoàn quân viễn chinh xâm lược của Pháp đi chiếm đất dành thị trường các nước Á Châu đặc biệt là nước Đại Nam. Qua 2 bài tham luận, một bài viết vào tháng 4 năm 1864 dưới chủ đề La Cochinchine Française en 1864 và một bài viết vào tháng 3 năm 1865 với chủ đề De la Colonisation de la Cochinchine, Francis Garnier đã cho người ta thấy tham vọng của Pháp muốn chiếm đoạt hết đất đai của nước Đại Nam, trước hết là vùng Nam Kỳ hạ, kế đến là Bắc kỳ và cuối cùng là Trung Kỳ. Sau khi hoà ước Nhâm Tuất (1862) được hoàng đế Napoléon III và hoàng đế Tự Đức phê chuẩn, triều đình Huế đã đã áp dụng chính sách ngoại giao đi cửa sau để qua mặt nhóm quân phiệt của Bộ Hải quân và Thuộc Địa chủ trương chiếm đất bám trụ trên đất nước Đại Nam. Chính sách ngoại giao qua mặt của triều đình Huế đã thành công: chính phủ Pháp ở Paris và hoàng đế Napoléon III đã đồng ý thay thế hòa ước Nhâm Tuất (1862) và cử ngay đặc sứ Aubaret sang Sài Gòn để ra Huế bàn nghị một hòa ước mới mà không cần tham khảo ý kiến của Bộ Hải Quân và Thuộc Địa cùng với những tướng tá của đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp hiện đang có mặt trên vùng đất Nam Kỳ hạ. Đây là một cuộc đảo chánh ngầm trong nội bộ của chính phủ Pháp khiến cho nhóm quân phiệt Pháp ở Sài Gòn bất mãn giận dữ và họ đã phản đối ngầm bằng cách vẫn tiếp tục thi hành những điều khoản đã thoả thuận trong hòa ước Nhâm Tuất (1862) mà không cần xin chỉ thị của chính phủ Pháp ở Paris và xem như không có mặt của đặc sứ Aubaret. Câu hỏi đặt ra là chuyện gì đã xảy ra trong khi Aubaret đang dự cuộc thương thảo ở Huế? Aubaret đến Sài Gòn vào ngày 21 tháng 5 dl năm 1864 nhưng chỉ được tiếp đón một cách lạnh nhạt do đó ông ta đã vội vàng lên tàu D Entrecasteaux để đi và tới cảng Thuận An vào ngày 14 tháng 6 dl năm 1864, được Phan Thanh Giản đón tiếp long trọng theo nghi lễ ngoại giao và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến vào ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 (theo BAVH đã dẫn). Tuy nhiên theo tác giả A. Schreiner ghi trong sách Abrégé de l Histoire d Annam thì Aubaret tới Huế ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến ngày 22 tháng 1 dl năm 1864). Aubaret được Tự Đức đối đãi rất trân trọng và thân thiện. Sau đó là cuộc bàn thảo và thương lượng giữa Aubaret và Phan Thanh Giản. Hoà ước mới được Aubaret cùng với phái đoàn Phan Thanh Giản ký kết và trao đổi vào ngày 15 tháng 7 dl 1864. Sau khi phái đoàn sứ Phan Thanh Giản đã trở về nước và trước khi Aubaret sang Sài Gòn thì bài tham luận LA COCHINCHINE FRANÇAISE en 1864 của Francis Garnier viết xong vào ngày 19 tháng 4 dl năm 1864 được nhà xuất bản E. Dentu & Challamel Ainé cho phát hành ở Paris. Khởi đầu bài tham luận, F.Garnier đã không ngại ngùng chê trách chính phủ Pháp ở Paris, báo chí, và dân chúng Pháp hiểu biết rất mù mờ về vùng đất Nam Kỳ hạ của nước Đại Nam: "L étude de la Cochinchine française, au trible point de vue des habitants, de ses ressources, de son avenir, n a jamais été faite d une manière complète. En France, on ne possède sur ce sujet que queques articles de la presse périodique, plus anecdotiques que sérieux, plus intéressants qu instructifs; quelques ouvrages faits à la hâte pour les besoins d une passsagère actualité, remplis d assertions inexactes et de lacune regrettables; quelques rapports ou quelques travaux faits à des points de vue trop locaux, trop restreints, souvent trop intéressés. Nulle part ne se trouvent des vues d ensemble, un corps de données concordantes, une appréciation générale et élevée. Les premières impressions sur la Cochinchine, un peu enthousiastes, ont exagéré les facilités et les richesses qu elle présentait à notre colonisation. On a dépeint sa population comme dénuée de tout patriotisme, on a exalté outre mesure sa faculté d assimiliation. Aussi, une reaction très vive n a-t-elle pas tardé à se produire aux premiers obstacles rencontrés, et une sorte de découragement a-t-il succédé aux premières espérances. En essayant d esquisser l état actuel de la question, je voudrait éviter l un et l autre de ces extrêmes, et réduire à des proportion plus exactes les facilités comme les obstacles que la Cochinchine offre à notre colonisation. Exagérer les difficultés induit souvent en des résolutions fâcheuses; les nier, c est s exposer à les rendre insurmontables; vanter outre mesure certaines facultés d assimiliations, c est, au lieu d en profiter, risquer de les rendre inutiles. Si j abdique d avance toute prétention de combler la lacune que j ai signalée en commençant, j espère au moins, en indiquant où gît le problème, en provoquer de plus heureuses solutions". Tạm dịch: "Việc nghiên cứu về vùng Nam Kỳ hạ của Pháp trên ba lãnh vực dân cư, tài nguyên và triển vọng của vùng nầy từ trước tới nay chưa bao giờ được thực hiện một cách đúng mức. Ở Pháp quốc, một vài tiết mục được viết trên các tập chí định kỳ có tính cách giai thoại lặt vặt không nghiêm chỉnh, tạo thú vị hơn là truyền đạt kiến thức; một vài tác phẩm viết lách vội vã vì nhu cầu thông tin thời sự đầy dẫy những điều khẳng định không đúng và đáng trách cứ; có vài bản phúc trình hay việc làm đưa ra nhiều quan điểm có tính cách cục bộ, giới hạn, thường chú trọng nhiều quá. Không tìm thấy đâu được những cái nhìn tổng thể, một khối dữ kiện hòa hợp với nhau, một sự đánh giá có tính cách tổng quát và có giá trị cao. Những ấn tượng đầu tiên hơi nhiệt tình về miền Nam Kỳ hạ đã phóng đại những tiện ích và sự giàu có ở miền đó. Người ta đã mô tả dân tình ở đó như là đã lột bỏ lòng yêu nước, người ta đã phóng đại một cách quá lố phương cách đồng hóa của nó. Thêm nữa, một sự phản ứng thật mạnh đã có ngay khi gặp những trở ngại đầu tiên và một niềm thất vọng đã nối tiếp theo sau ngay những niềm hy vọng ban đầu. Trong khi phát họa tình trạng hiện thời của vấn đề, tôi muốn tránh tình trạng đi từ cực đoan nầy đến cực đoan kia, và giảm xuống đến mức tỷ lệ đúng hơn về những lợi ích cũng như những trở ngại trong chính sách thuộc địa của chúng ta trên đất Nam Kỳ hạ. Thổi phòng những khó khăn thường dẫn đến những giải pháp phiền phức. Phủ nhận các khó khăn đó tức là tự mình làm cho sự khó khăn đó không thể vượt qua được; tán tụng quá đáng một số phương cách đồng hóa tức là có nguy cơ biến các phương cách đó trở thành vô dụng. Nếu tôi tự mình từ bỏ trước tham vọng lấp đi điều thiếu sót mà tôi đã đề cập từ lúc khởi đầu thì mong rằng việc tôi khơi dậy ẩn lấp của vấn đề sẽ khích động tìm ra những cách giải quyết tốt đẹp hơn". * Sau đây là phần tạm dịch toàn bài tham luận LA COCHINCHINE FRANÇAISE en 1864 của Francis Garnier viết xong vào ngày 19 tháng 4 dl năm 1864 được nhà xuất bản E. Dentu & Challamel Ainé cho phát hành ở Paris. Hình Mẫu Trên đây là bản copy của trang khởi đầu bài tham luận của F.Garnier.
I
Tôi không bỏ qua vấn đề chủng tộc. Trong một vài bài viết gần đây, tôi đã trình bày một cách ngụ ý rằng các dân cư của đế quốc An Nam là kết quả của sự hợp chủng với tất cả các dân cư từ các vùng lãnh thổ chung quanh. Sự quyết đoán nầy tự nó sẽ không có nền tảng và muốn cho có ý nghĩa thì người ta sẽ phải nói cho biết sự hợp chủng là gì? Ở vào thời nào? Theo những tỷ lệ nào? Sự pha trộn đã tiến hành dưới nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau như thế nào? Muốn biết được những điều đó thì phải sinh sống lâu dài trên đất nước nầy và nhất là cần có sự nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử và về các sắc tộc trên bán đảo Ấn-Hoa (thường được gọi là bán đảo Đông Dương, gồm có Việt Nam, Cao Miên và Lào), phải như vậy thì mới có thể hiểu được những câu hỏi nêu ra bằng không thì chỉ là lý thuyết. Một sự nghiên cứu lâu dài như thế cho đến nay chỉ mới có tính cách sơ thảo. Như vậy, tôi sẽ phải lướt qua các vấn đề vừa nêu ra ở trên để khảo sát sự khác biệt nòng cốt về chủng tộc giữa những cư dân đang sinh sống trên vùng Nam Kỳ hạ đối với những kẻ chinh phục mới đến. Phải thừa nhận rằng sự khác biệt nầy tạo thành một lý lẽ đối kháng, một nguyên nhân gây ác cảm. Tuy nhiên những điều nầy cần phải được công nhận vì giá trị chính đáng của nó. Giống như những nước chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Quốc, ở Nam Kỳ hạ có hai hạng người khác biệt nhau: một hạng là các sĩ phu (tức là những thành phần trí thức) và một hạng là thành phần các thứ dân (còn gọi là tục dân). Các uy quyền, cai trị đều do tầng lớp sĩ phu nắm giữ. Bắt chước một cách dốt nát những cung cách xử thế của các sĩ phu Trung Quốc, tầng lớp sĩ phu An Nam cuồng nhiệt áp dụng sự hiểu biết của họ và bất chấp bất cứ điều gì không phù hợp với văn minh kiến thức của họ. Trên thực tế, chúng ta đến đây chiếm đoạt quyền sở hữu lãnh thổ Nam Kỳ hạ từ tay của họ và cũng chỉ có họ mới là những kẻ không bao giờ chịu tha thứ cho chúng ta vì chúng ta đã chấm dứt sự tham lam bốc lột của họ trên tài sản dân chúng, để tiêu hủy ảnh hưởng và san bằng uy thế của họ, làm tiêu ma mất đi vai trò (lãnh đạo) của họ. Vì chỉ biết chú trọng trên những kiến thức ấu trĩ để hiểu biết về ưu thế của chúng ta cho nên họ chỉ có thể cảm nhận được ưu thế đó theo ý nghĩ của họ để rồi câm giận chúng ta nhiều hơn. Cuộc chiến giữa họ với chúng ta là cuộc chiến bất tận mà cũng chính là vì niềm cao ngạo của họ bị va chạm và sự thù ghét vì lợi lộc đôi khi đặt ngang với lòng ái quốc đã khiến cho họ can trường chấp nhận một cuộc chiến tranh không ngơi nghỉ và vô vọng, bất chấp sự chết chóc ô nhục, để được vẽ cho vài lời ca tụng anh hùng khiến chúng ta tuy phải khâm phục nhưng lại hối tiếc giùm cho. May thay, niềm cao ngạo đó lại tan biến đi trong khối dân chúng. Nhưng nếu chúng ta chỉ gặp một sự cam chịu tiêu cực trong khối quần chúng nầy nhưng với hậu quả của sự chịu đựng đau khổ triền miên đã trở thành thói quen của họ, thì chúng ta lại phải va chạm với những khó khăn nghiêm trọng về mặt tinh thần. Với một nền văn minh lâu đời không di dịch, với những truyền thống cội rễ và một tình trạng xã hội bám chặt vào phong tục tập quán thì người ta không thể nào làm biến đổi trong một sớm một chiều. Cách cư xử đơn giản và dễ giải của chúng ta từ trước đến giờ đã không thể nào xóa bỏ được sự tưởng tượng của người An Nam về mức độ kính sợ phục tùng do những quan chức cai trị thuở xưa đã tạo ra cho họ. Chúng ta chưa hiểu biết một cách sâu sắc về phong tục tập quán của họ, những phong tục đã tác động mạnh mẽ tinh thần của họ, đó là những khó khăn đầu tiên mà bất kỳ cuộc xâm lược nào cũng gặp phải trong lúc chuyển tiếp từ giai đoạn quân sự qua giai đoạn hành chánh dân sự; ngờ vực của họ đã được lèo lái và khai thác một cách khôn khéo để đạt tới một mục đích là biến ngờ vực đó thành một niềm tin tuyệt đối rằng chúng ta không có đủ khả năng để cai trị họ. Thêm nữa, về mặt vật chất, trong thâm tâm của những người chủ trương khi đưa ra những dự án cải cách thì những dự án nầy phải kích thích được sự ngưỡng mộ và sự biết ơn của dân chúng thay vì khiến cho họ bị bỡ ngỡ. Việc tạo dựng an sinh gây xúc động rất ít tại những miền nhiệt đới dễ dãi. Vì không có khả năng suy luận và đánh giá tầm quan trọng thực tế của những công trình được thực hiện trên đất nước của họ, người An Nam lại cho rằng các công trình đó chỉ nhằm để bốc lột, vơ vét, thâu thuế nhiều hơn. Nếu nghĩ rằng có thể thuyết phục được họ bằng cách đưa ra những con số để cho họ thấy là chúng ta đã chôn vùi tiền bạc của chúng ta vô số kể vào đất nước của họ, rằng còn lâu mới lấy được một ít tiền tài trong nước của họ; chúng ta nghĩ như vậy là mất thì giờ và nghịch lý. Mặt khác, người An Nam có thể chỉ biết mập mờ về bản chất của những xu hướng và phương cách áp dụng nền công lý của chúng ta. Ý thức đạo đức của họ quá mờ mịt và thấp kém khiến cho họ khó có thể nhận ra được cái nào là cái nhìn cao hơn, lớn hơn phát hiện từ cung cách hành động của chúng ta. Điều nầy chỉ thấy xảy ra ở những dân tộc mà những ý niệm về công lý và luật pháp trong mọi tình huống bị trộn lẫn vào các ý niệm về những hành vi đã rồi và bạo lực, mà đó lại là những tình huống cần sự che chở của luật pháp, một sự cầu viện khẩn thiết của kẻ yếu kém bị áp bức nhưng lại chỉ có thể mua được bằng tiền bạc. Đó là hậu quả của đầu óc mưu mẹo và lừa đảo giúp cho các phán quan không còn phải e dè và làm mất đi phẩm cách trang nghiêm của tòa án. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có những xúc động choáng váng vì sự có mặt của những kẻ có đầu óc như thế trong hiện tình cùng với những viên quan cai trị hành chánh người Pháp được cắt cử để ban phát công lý. Vã chăng, các ý niệm về công lý tự nó là những ý niệm tuyệt đích ở bên ngoài thế giới của nhân loại và những ý niệm nầy chỉ có một giá trị tương đối khi chúng được áp đặt vào bất cứ nơi đâu hay vào bất cứ một thể chế xã hội nào. Tùy theo phong tục tập quán khác nhau của mỗi nơi, tùy theo tính cách đặc biệt của mỗi nền văn minh mà các hình thức nghĩa vụ khác nhau được tạo thành. Cũng vậy, để thấu hiểu bản chất một vài khó khăn và mức độ của một số thái độ chán ghét ở Nam Kỳ hạ thì người ta phải gột bỏ các ý kiến tiền định, những thành kiến về giáo dục và nhất là không được cứu xét vấn đề dưới nhản quan của một người Âu Châu. Có lẽ điều nầy từ trước đến nay chưa có ai thử áp dụng. Nhược bằng đã làm được như vậy thì người ta sẽ không bõ ngỡ về một số hậu quả đương nhiên phải có xuất phát từ một nền văn minh suy vi thoái hoá và nếu là một người quan sát ít thiên vị thì sự phê phán của người nầy đã là một sự phê phán công minh hơn. Thiển nghĩ, đó là tất cả những nguyên cớ của những sự ngờ vực đã bén rễ, của những thái độ lạnh nhạt thờ ơ tự nẩy sinh từ dân chúng An Nam kể từ lúc chúng ta chiếm đóng.