Đã hết tuần đầu của Tháng Tư/2009. Bầu trời Miền Đông vẫn còn xám xịt, mưa lai rai kéo cái lạnh chạy dài từ Đông vào Xuân. Cây trong rừng muốn thay lá mà nắng chưa chìu. Vườn nhà, mấy khóm hoa tulip cố nhoi lên để khoe màu, mặc nắng mưa. Tội những cọng cây yếu hơn mùa trước vì thiếu nắng, cánh vẫn xòe ra gợi ánh mắt người, chờ nụ cười của hôm nay và ngày mai.
Tiếng cười chưa khẩy lên trong không gian vắng lặng bên ngoài. Tôi đi tìm hương quá khứ trên những trang sách báo cũ tiếc hoài chưa chịu vất đi, sợ khối chữ nghĩa ân tình trở thành bụi thời gian. Có thể đó là sự đồng cảm với một người bạn văn: Mỗi lần dọn nhà, thấy sách báo mà thương, vất đi cũng nhẹ phần khuân vác, nhưng sợ lòng mình man mác những ưu tư! Sách báo in nhiều cũng tội cho rừng vơi màu xanh của lá, nước lũ vượt nguồn xoáy vỡ đất quê!
Còn bao năm nữa ta mài mực viết phóng lên trời mấy dấu than!
Đỡ tốn mực và tốn giấy, thì viết phóng lên trời chắc cũng vui dẫu chỉ là những dấu chấm than!! Tiếc là cứ loay hoay mãi với việc người, việc ta mà khất lần bữa viết. Hoặc cảm thấy đã viết đủ điều nên viết, viết thêm chưa chắc đã khá hơn với giòng nghĩ vốn đã trầm cảm.
Nhặt tờ Phố Văn số 44 - tháng 10/2004, với chủ đề "Thu nói với người", chợt thấy mênh mông đời của mộng, cho dẫu muốn "gọi điêu tàn thức dậy".
Bật ra được hai câu thấm dòng hoang ngữ giữa chiều vơi, lại thấy nôn nao viết điều gì đó cho ta giữa khoảnh thời gian gác bút niệm đời! Ấy vậy mà vừa đọc lời Trần Doãn Nho giới thiệu tập truyện của Lâm Chương: "Tôi để ý, càng ngày, Lâm Chương càng viết ngắn đi... càng ngày anh càng kiệm lời hơn". Ngẫm mà hay! Sự kiệm lời của một nhà văn chuẩn mực là muốn nâng niu từng hạt chữ cho nghĩa tỏa hương thơm. Thấy mà ham.
Tôi cũng muốn: thử xem một tháng thơ không viết/chữ nghĩa dư ra được bao nhiêu.
Nín viết, kiệm lời thế mà mấy tháng qua, chữ dư ra không đủ lấp kín cái dấu hỏi em quăng vào mailbox của tôi: sao im lặng thế? Giữa thời tress lây lan cùng khắp mặt địa cầu do tiếng vỡ của những đồng tiền rơi vào hố thẳm! Sự im lặng của chữ đồng nghĩa với sự khuất bóng của một nhân sinh. Và em thảng thốt nhìn khung trời vắng bóng chân thơ! Dẫu đã báo trước:
mai anh cùng chữ ẩn cư rảnh, mời em ghé cội từ thăm anh.
Vậy mà vẫn sợ đóa hồng em chờ đặt vào không đúng chỗ, hoặc tôi như chưa từng có mặt trong đời! Mà tôi thì vẫn muốn mình hiện hữu dẫu chỉ là phảng phất: chẳng thế, thời xưa buồn mất nẻo bờ bến hồng hoang tự thuở nào bia đá rêu xanh lời đáy mộ đời lạnh mùa thương những khát khao trăng đã vì đêm bàng bạc sáng sao người không vì núi thẳm xanh
Hôm nay viết chừng ấy, để em biết tôi còn có mặt, dấu chân thơ còn trên lối xanh của một thảo nguyên xưa!