Minh Thư chìa cho Uyên quyển sách:
- Chị Uyên, cuốn này bổ ích lắm nè!
Uyên liếc mắt qua và bật cười với cái tựa sách rất kêu “Trở thành người vợ tuyệt vời”, cô lắc đầu:
- Thôi đi em, đọc mấy cái sách dạy làm vợ này anh Trúc biết được chọc quê chị chết luôn.
Cô gõ gõ lên mấy quyển sách đã chọn đang cầm trên tay:
- Mấy cuốn này được rồi. Có một câu nói của người Tây Phương, đại khái là người vợ phải ảnh hưởng đến ông chồng trước hết bằng cái bao tử. Mà chị thì Thư cũng biết đó, dở ơi là dở mấy cái vụ xuống bếp này.
- Hèn chi chị rủ em vô nhà sách này, đi giáp vòng mà chỉ có quầy gia chánh là níu được chân chị.
Rồi cô săm soi mấy tựa sách trên tay Uyên:
- “50 thực đơn Âu Á”, “200 món ăn Việt Nam”, “ Chế biến thực phẩm”, “Hướng dẫn thực hiện các món ăn trên bàn tiệc”… Úi chà, toàn là dạy nấu ăn, chi mà nhiều vậy chị?
Uyên nháy mắt nói nhỏ:
- Để giữ chồng đấy.
Cả hai cười rúc rích khi thấy một nhân viên nhà sách đến bên quầy chưng thêm mấy cuốn sách dạy nấu ăn khác.
Minh Thư khều Uyên:
- Chị mua nữa không?
Uyên lắc đầu:
- Thôi, thôi! Bây nhiêu đây mà sợ chị còn làm chưa xong nữa là…
Minh Thư háo hức nói:
- Chị làm xong có cho em thử không? Em thích ăn bánh nướng nhất. Chừng nào chị làm bánh nhớ em với.
Uyên cười:
- Chắc rồi. Nhất là chị lại mua thêm cái lò nướng rất gọn và tiện lợi. Chỉ cần chị rảnh việc ở hội là ta tha hồ có bánh nướng ăn.
Cả hai vừa nói chuyện vừa đến quầy tính tiền. Cô thu ngân liếc thấy họ mua toàn là sách dạy làm bếp bèn quảng cáo:
- Hai chị có thích học nấu ăn qua băn video không? Ở quấy bán video có rất nhiều…
Uyên từ chối:
- Dạ chắc khỏi. Cám ơn chị.
Cô trả tiền rồi cùng Minh Thư ra khỏi nhà sách. Minh Thư đòi xem mặt vải lụa Hà Đông để may áo dài, nhưng Uyên lại muốn về nhà ngay. Cô chia tay với Minh Thư ở góc phố sầm uất bán đầy những mặt hàng về gấm và lụa.
Về nhà, cô thay áo rồi mở cuốn sách ra ngay. Chọn một món ăn có vẻ dễ làm, Uyên ghi vội ra giấy liều lượng phụ liệu để chút nữa cô ghé chợ mua, làm bữa cơm chiều cho chồng.
Mấy tháng nay, Trúc vẫn chưa tìm được việc làm, dù mỗi buổi sáng chiều, anh đều ra ngoài xin việc. Uyên không dám hỏi nhiều đến anh, thỉnh thoảng cô gợi ý với anh những công việc khác mà anh có thể làm như dạy Anh văn, phiên dịch… nhưng Trúc đã cau mày gạt ngang.
Cô hiểu anh tự ái, rất tự ái, và thêm một điều nữa là anh yêu công việc thiết kế trang trí nội thất của mình. Cùng nhau làm việc chung với những ngày triển lãm của ông bà Tâm Nguyễn ở Đà Lạt cô mới hiểu hết về sự đam mê của anh đối với nghề nghiệp.
Giữa những bản vẽ và tốp thợ phụ, anh như một tín đồ yêu nghệ thuật. Cô đã ngắm anh hàng giờ với đôi lông mày cau lại suy nghĩ, với sự khe khắt về màu sắc, anh đòi hỏi cao những người thợ phụ khi pha màu, và cả những cái mím môi khi anh tỉ mỉ sửa lỗi của tốp thợ. Anh hăng say và hết lòng với công việc như thế, bảo sao không khó chịu khi cơ hội làm việc trước mắt toàn là những công việc không đúng chuyên môn.
Cô thở dài. Đối với cô, anh vẫn chìu chuộng và yêu thương, nhưng dạo gần đây, đôi khi anh bẳn gắt vô cớ, Uyên biết sự bực bội khi không có việc làm của anh đã khiến anh như vậy. Nhưng cô vẫn không tránh được những cơn buồn khi cô một mình.
Cô yêu anh. Lấy nhau rồi, tình yêu đó lại càng nhân lên từng ngày. Sách vở xung quanh cho cô biết ngày nay ở Tây Âu, chuyện vợ chồng tựa vào nhau, giúp đỡ nhau khi người chồng lâm vào cảnh thất nghiệp đã là chuyện bình thường. Nhưng khổ nỗi, với Trúc, thì điều anh không có việc làm như là một nỗi nhục. Anh như là một người đàn ông bảo thủ cuối cùng của thời đại vậy, cứ khăng khăng đàn ông phải gánh vác, phải là chỗ để vợ con nương tựa. Chỉ duy nhất một khuôn mẫu như thế mà thôi.
Bởi lẽ đó, anh càng buồn bực vì chưa có việc, cô càng gượng nhẹ khi tiếp xúc với anh về vấn đề tiền bạc, công việc.
Chuông reo ngoài cửa làm Uyên giật mình, cô nhìn đồng hồ. Mới hơn 4 giờ. Trúc về sớm chắc. Cô đi ra cổng.
Uyên mở cánh cổng ra với nụ cười tươi trên môi, nhưng khi nhận ra vị khách chính là ông Kiên, co giận giữ tắt ngay nụ cười, cô đóng cổng lại.
Ông Kiên nhanh chân chắn lấy cánh cổng sắt và vịn tay cản lại:
- Tôi cần nói chuyện với Uyên.
- Không có gì để nói. Tôi không muốn gặp ông. Ông đi đi. – Uyên la lên
Ông Kiên cười khẩy:
- Ngay cả khi cô chưa nghe về thằng Trúc sao? Cô không muốn biết về tình trạng của nó hiện giờ à?
Uyên nín lặng, chú ý đến lời ông. Ông vừa nhắc đến tên Trúc.
- Tôi nghĩ cô nên mời tôi vào nhà thì tiện hơn. Chuyện của nó không dài nhưng cũng không phải chỉ nói vài câu.
Uyên không đáp. Cô nhìn thẳng vào ông. Vẻ hèn hạ và sâu hiểm của ông làm cô kinh tởm. Nhưng cái tên Trúc làm cô thay đổi. Cô buông tay, ông Kiên nhếch môi cười đẩy cánh cổng ra và đi vào nhà.
Ông vào phòng khách của cô. Đây là lần thứ hai, nhưng ông lại có cái vẻ thích thú và thân thiết như đã đến đầy hàng chục lần, như ông làm chủ gian phòng này vậy.
Uyên theo sau, ngồi xuống trước mặt ông:
- Ông biết gì về Trúc?
- Nó vẫn không có việc làm.
Uyên bĩu môi:
- Tôi là vợ anh ấy, dĩ nhiên điều này tôi cũng biết. Tôi còn biết hơn ông một điều là anh ấy sẽ kiếm ra việc.
Ông Kiên dựa hẳn vào lưng nệm ghế:
- Tôi nói với Uyên gì nhỉ? Nó vẫn “không có” việc làm. “Không có” tức là hiện tại và đến tương lai sau này.
- Nói láo. – Uyên la lên – Trúc giỏi nghề, anh ấy nhất định sẽ kiếm ra việc.
Ông Kiên nhìn chăm chăm vào cô, lắc đầu:
- Làm sao kiếm ra được việc khi giới xây dựng và kiến trúc đã tẩy chay nó?
- Ông hại anh ấy? Ông nói xấu anh ấy?
- Một phần thôi. – Ông Kiên cười, cất giọng đều đều - Họ tin tưởng giao việc nó sao được khi tôi là cậu ruột đã đến xin họ bác ra với lý do rất chánh đáng: nó là thằng nghiện, gia đình đã từ nó bên ấy, cơ quan nào nhận nó làm, công trình mất mát vật tư hay giao không đúng thời hạn, không đúng bản vẽ thì gia đình không chịu trách nhiệm.
- Nhưng anh ấy ký quỹ…
- Trong ngành xây dựng, uy tính là hàng đầu. Mất uy tín chỉ có nước bỏ nghề. Đó là chưa kể công trình cuối cùng của nó ở ngoài Huế, có lẽ vì lo “yêu” nên hời hợt bị thất thoát vật tư, và vật tư không đúng chất lượng, nên từ khi xong đến hơn tháng sau là sơn đã ngả màu…
Uyên sững sờ, cô tức giận:
- Ông đã cố tình hại anh ấy.
Ông Kiên ngắt lời:
- Không phải tôi mà là Uyên đấy. Chính Uyên đã hại nó. Tại sao Uyên lại quen biết nó? Tại sao Uyên lại cãi lời cảnh cáo của tôi mà kết hôn với nó? Uyên đẩy nó vào đường cụt đó. Hai người không có lối thoát đâu.
Uyên nắm chặt tay, cô run giọng hỏi:
- Tại sao vợ chồng ông muốn phá chúng tôi? Chúng tôi có lỗi gì với các người mà các người ghét bỏ, hãm hại như vậy?
Như khơi đúng mạch, ông Kiên chồm dậy nói một cách kích động:
- Cô không biết lỗi gì à? Tại sao cô không giữ lòng, tại sao chỉ mới chia tay với Minh chưa đầy năm, cô lại quen biết thằng Trúc? Tại sao lại trúng ngay thằng cháu ruột của tôi? Tôi chỉ gọi điện thoại cho cô, tôi muốn an ủi cô, bảo bọc cô, tôi muốn cô đối xử tốt với tôi, tại sao cô lại biết tôi là cậu nó và cho nó biết bí mật này?
Ông Kiên nói tiếp, mắt như thu nhỏ lại, ánh tia nhìn đe dọa:
- Vì cô mà nó đối đầu với cậu ruột, nó khinh khi tôi, gầm gừ tôi như thể sợ tôi hại đến cô. Nó đã về bên ấy. Ai mà biết nó đã nói gì với anh chị tôi? Nếu họ tin nó, tôi đâu còn gì mặt mũi, uy tín và cả tiền bạc hàng tháng họ vẫn đều đặn gởi về giúp đỡ cho tôi, người thân duy nhất của họ còn ở lại Việt Nam này. Cho nên để chặn trước, tôi phải ra tay trước thôi, sẵn cô cũng không phải là tờ giấy trắng, tôi bôi cho bẩn thêm, sẵn cái tính bốc đồng, bướng bỉnh của thằng Trúc, tôi vẽ thêm vài nét sa đọc, phóng túng vào... cô thấy đó, lời tôi cảnh cáo tôi đều có thể làm được và làm còn hơn thế nữa nếu cô không ngoan ngoãn nghe lời tôi.
Uyên lờ đi câu cuối của ông, cô thắc mắc:
- Tại sao vợ ông lại đồng lõa với ông? Hay bà ấy là chủ mưu?
Ông Kiên cười sặc sụa:
- Bà Thúy chỉ có nghĩ đến tiền thôi. Làm sao bả chịu đựng được ý nghĩ thằng Trúc lấy vợ, có cớ để đòi lại nhà. Dù trả lại nhà cho ba mẹ thằng Trúc, bà vẫn có thể về lại nhà cũ là phòng khám để ở, nhưng cái nhà lớn của ba mẹ thằng Trúc không phải một đống tiền sao? Ngu dại gì để vuột mất.
Ông hất mặt:
- Nói mình Uyên biết cũng được. Mọi sự đều là do tôi nhúng tay làm. Tôi nghĩ ra và tôi làm tất. Tôi còn mạnh tay hơn nữa nếu cô chẳng chịu nghe lời tôi.
Uyên chấp nhận đối mặt với ông, cô hỏi thẳng:
- Ý ông muốn nói tôi làm sao?
- Dễ thôi. Bỏ thằng Trúc đi, cô sẽ trở lại là một người đàn bà trẻ độc thân. Cô rất thích hợp với dáng vẻ cô độc, sầu muộn. Cô hãy xa thằng Trúc ra đi. Nó giống như mấy thằng thanh niên choai choai với những trò con nít ngu ngốc, làm sao xứng với cô?
- Còn nếu không? - Uyên lạnh lùng.
Ông Kiên bất ngờ với sự bướng bỉnh của Uyên, ông gằn giọng:
- Thì các người sẽ còn phải chịu nhiều sự trừng trị hơn nữa, nếu không nghe lời. Sẽ đến lúc mâu thuẫn rồi ghét bỏ nhau, rồi cũng chia tay thôi. Nhưng là chia tay khổ sở.
Uyên cố kìm cơn giận run người, cô đứng dậy:
- Cám ơn ông đã đến với tin tức và những lời hăm dọa. Ông có thể về được rồi.
Ông Kiên nhìn cô ngạc nhiên. Buổi nói chuyện rõ ràng và nặng nề không ảnh hưởng đến quyết định của cô chút nào sao? Ông chưa hiểu.
Uyên lập lại:
- Ông về được chưa? Nếu muộn hơn, chồng tôi về đây, tôi không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra với ông. Ông cũng quá hiểu tánh anh ấy, rất kiên quyết với kẻ bỉ ổi, cho dù kẻ đó là cậu ruột.
Ông Kiên giận tím mặt, ông đứng dậy và bước đi. Ngang qua cô, ông định nói câu gì đó, nhưng vẻ cứng rắn như sẵn sàng đối phó của cô làm ông chững lại. Cuối cùng, ông buông gọn một câu trước khi ra cổng:
- Được, cứ chờ xem.
Uyên nhìn theo dáng ông, ước gì làm cách nào cho ông biến mất trên cõi đời. Nhưng vừa ước đó, cô lại giật mình đó, vì ý nghĩ dữ dội của mình. Đấy là cậu ruột của Trúc? Con người đê tiện đó.
Uyên không biết phải làm sao để giữ cho tình yêu không bị phá hoại và cuộc hôn nhân với cô bền vững. Lời hăm dọa của ông Kiên làm cô căm giận nhưng cũng lo sợ. Ông ta có âm mưu gì khác với Trúc và cô nữa?
Uyên ngồi lại một mình trong phòng khách. Chiều tàn dần, gian phòng đã tắt ánh sáng còn sót lại của buổi chiều. Chỉ mình Uyên và bóng tối đang vây quanh. Mình Uyên và sự cô đơn, lặng lẽ.
Trời không chìu người, sao lại thử thách tình yêu cô và anh đến khắc nghiệt vậy? Uyên hoang mang, lo sợ. Rồi mai đây, anh và cô sẽ như thế nào? Tình yêu của họ sẽ đi về đâu? Hôn nhân giữa hai người có còn bền vững?
Không. Uyên chùi vội những giọt nước mắt vừa hoen mi. Không thể để cho bất cứ điều gì làm vẩn đục tình yêu của mình được. Nhất định mình phải nghĩ cách để bảo vệ hạnh phúc của mình. Và, nếu như mai sau cuộc tình với Trúc có tan vỡ, mình cũng cố giữ lại cho ngày hôm nay được trọn vẹn. Mỗi một ngày còn sống chung với anh, sẽ là một ngày tràn đầy hạnh phúc. Để cho dù mai đây, họ có dùng tiền bạc, thế lực, âm mưu, thậm chí đem cả gia đình anh ra mà chia cắt, thì cô cũng còn giữ lại ký ức về khoảng thời gian đẹp nhất của đời mình, khoảng thời gian hạnh phúc với anh. Và, không bao giờ cô chia xẻ tâm sự về quãng đời đẹp nhất này cho ai khác nữa.
Đêm đã buông hẳn xuống rồi. Uyên nghe lạnh. Giờ này Trúc ở đâu? Anh chưa về ư?