Uyên hắt hơi mấy cái liên tiếp, vừa lúc Trúc mở cổng đẩy xe vào. Anh vội đi nhanh vào nhà.
Cô nằm khoanh co ro trên ghế bành, tay day day hai cánh mũi.
- Em bị cảm rồi - Anh tuyên bố.
Uyên gật đầu.
- Từ khi nào thế?
- Chiều hôm qua. Có lẽ tại mắc mưa.
- Lại trùm áo mưa đi bộ về nhà phải không? Trời mưa lớn thì đón Taxi cho rồi, em cứ ngông nghênh làm theo ý thích, không chịu giữ gìn sức khoẻ gì hết.
Trúc nhăn nhó, anh sờ trán cô:
- Có lẽ sốt đấy. Anh vừa đi công tác xa về là em có chuyện rồi.
Uyên nói yếu ớt:
- Tại lúc đầu mưa ít, em tưởng không sao.
Anh nạt ngang:
- Không sao cái gì. Chứ không phải thấy mưa là khoái. Đi dưới mưa lãng mạn như thơ vậy, phải không? Nói cho em biết, trời mưa bây giờ không được ra đường, điện xẹt, cây đổ, xe tông, sét đánh... Cả đống tai nạn, báo chí đăng hoài mà cứ ỷ y. Đem mạng mình ra đùa sao?
Anh càng nói càng to tiếng, làm Uyên tự dưng tủi thân, cô sụt sịt khóc:
- Làm gì mà anh la mắng Uyên cả tràng vậy? Ở chỗ làm có người đòi đưa
về, Uyên lại ngại anh ghen bậy, gọi Taxi thì bỉ mặt người ta quá. Uyên phải nói dối là anh đợi bên ngoài. Mặc áo mưa đi đại về, dọc đường mưa mới lớn dữ, chừng đó muốn gọi Taxi mà đâu thấy chiếc nào, đành phải run cầm cập, nhanh chân về nhà thôi. Người ta về nhà lạnh gần chết, ai thèm lãng mạn, lãng miếc thích đi dưới mưa như anh nghĩ.
Trúc ngượng ngùng, nghe mà thương cô quá, anh ngồi thụp xuống vỗ về:
- Thôi nín đi, anh xin lỗi.
Uyên quệt mũi, mếu máo:
- Khi không vào nhà sang sảng mắng người ta.
Trúc phì cười:
- Anh cũng đâu có muốn. Đi xa nóng ruột gần chết, đã nghi nghi là có cái gì. Về đến Sài Gòn là anh đến đây liền, đâu đã về nhà. Thấy em ỉu xìu như vầy hỏi sao không tức ?Thôi, cho anh xin lỗi, đừng khóc nữa.
Anh ôm lấy cô dỗ dành một lát, cô xem chừng đã chịu nín. Nhưng cái âm thanh sụt sịt làm cô khó chịu phải đẩy anh ra. Trúc cười và đưa cô hộp khăn giấy.
Trong lúc cô sì mũi, anh đi vào phòng lát sau đem ra cái áo khoác. Uyên nhìn anh ngạc nhiên:
- Anh định làm gì?
Anh nói như ra lệnh:
- Mặc áo vào, anh đưa em đi bác sĩ.
Uyên co rúm người lại:
- Em không đi bác sĩ đâu. Bác sĩ thế nào cũng bắt chích thuốc.
Trúc ngạc nhiên.
- Bắt chích thì chích
Uyên la lên:
- Nhưng em không thích. Em ghét chích thuốc lắm, em sợ chích thuốc, cũng sợ luôn mấy ông bác sĩ.
Trúc như bị bất ngờ. Trời ơi, trưởng thành như Uyên mà lại sợ chích thuốc. Chích thuốc thì có gì đâu mà sợ. Vén mông ra, làm cái bụp là xong chứ gì. Anh thấy hơi khó hiểu "cái vụ này":
- Tại sao lại sợ chích thuốc? Vậy mấy lần cảm?
- Thì em chỉ uống thuốc thôi - Uyên nói như khóc
- Cũng thỉnh thoảng em bị cảm, ra nhà thuốc tây nói người ta bán là người ta biết bán thứ gì rồi. Đại khái cũng Aspirin, Paracetamol... rồi cũng khỏi.
- Khỏi sao được mà khỏi. Em ẩu quá, bệnh thì đi bác sĩ khám bệnh mới cho đúng thuốc, đúng liều lượng. Người bán thuốc chỉ có kinh nghiệm về dược, đâu có kinh nghiệm và kiến thức về bệnh lý.
Uyên ngoan cố:
- Nhưng em vẫn khỏi đó thôi
Trúc trợn mắt:
- Em còn cãi hả? Khỏi là hên thôi. Uống dại bậy bạ là coi thường sức khoẻ đó.
Uyên mím môi:
- Nhưng mặc anh nói gì thì nói em vẫn không đi bác sĩ đâu.
Trúc thở ra. Anh kiên nhẫn khuyên giải:
- Để anh đưa em đến cậu anh. Anh có ông cậu làm bác sĩ, ổng cũng có phòng mạch riêng.
Uyên cương quyết:
- Em không đi.
Trúc nhăn mặt:
- Thôi mà, nhõng nhẽo sao Uyên? Em phải đi khám bệnh chứ! Dầm mưa cảm lạnh coi chừng viêm phổi đó.
Rồi anh chuyển tông rủ rê:
- Đi nhé, anh vào luôn phòng mạch với em cầm tay em. Ông cậu ruột của anh mà chích em đau, anh nghỉ chơi ổng ra liền. Thôi mình đi ha, mặc áo vào đi.
Uyên quay người đi:
- Đã bảo là em không đi. Anh có thích chích thì đi đi, nhất định em không đi.
Trúc bực dọc thở khì khì. Anh hỏi cô:
- Thôi được, vậy sáng giờ em đã ăn gì, uống gì rồi?
- Cái trứng "la cót", một ly trà nóng, một viên Aspirin - Cô kê khai.
Anh thở dài:
- Em đau thế nào?
- Thì như bị cảm lạnh: đau cổ họng, mũi sụt sịt - Cô rờ tay lên trán - Hơi nóng
- Có nhức đầu không? - Anh gạn hỏi.
Cô ngẫm nghĩ vài giây:
- Cũng... hơi hơi.
- Hơi hơi là sao? Em choáng váng hay là nhức đầu thật? - Trúc nhíu mày.
- Thì.. cũng có nhức. Cô nói như cho qua.
Trúc nhìn cô nghi ngờ, chả biết cô có khai đúng không. Anh lắc đầu. Bệnh của mình mà còn ngờ nghệch, ba phải như thế. Anh cầm máy điện thoại và quay số. Đầu dây đang bận. Trúc kiên nhẫn chờ máy.
Uyên lại ách xì, rồi lại rút khăn giấy sỉ mũi.
Anh lầu bầu:
- Thật không hiểu nổi sao anh lại chìu em đến như vậy. Em thật kỳ cục. Bịnh thì đi bác sĩ.Khám bịnh, chích thuốc có gì ghê gớm lắm đâu. Cứ em không đi, em không đi. Y như là con nít.
Uyên xoay lưng lại phía anh, như không thèm nghe. Vừa lúc đầu dây bên kia có tiếng nhấc máy trả lời:
- Alô!
Trúc nói ngay:
- Chào chị, tôi là cháu của bác sĩ, xin được nói chuyện với ông.
- Xin chờ máy - Đầu dây bên kia trả lời
Bỗng Trúc nhăn mũi:
- Uyên ơi, có mùi gì là lạ vậy?
Uyên ngóc đầu dậy, rồi la toáng:
- Nồi cháo, nồi cháo của em. Trời ơi chắc trào ra rồi.
Cô hấp tấp chồm dậy, loạng choạng chạy về nhà bếp khoá gaz. Trúc lắc đầu, cô nàng đoảng thật. Vừa lúc ông cậu trả lời máy:
- Alô, Trúc đó hả?
- Dạ, con đây. Cậu cho con làm phiền một chút. Bị cảm mưa, nhức đầu, sổ mũi và nóng lạnh thì uống gì cho dứt hả cậu?
Ông cậu hầm hừ:
- Ai bệnh? Con à?
Trúc không trả lời, anh lấp liếm:
- Thì cậu cứ nói đi.
Ông cậu kê liệt ra cả bốn năm tên thuốc, đính kèm với một thứ để chích,
Trúc chận lại tức thì:
- Cậu đổi thuốc chích thành thứ gì uống đi. Laroscorbin uống nhé?
- Cũng được. Nhưng mà không phải con bịnh đó chứ, con đâu có nhát chích thuốc đâu?
Kẹp ống nghe bằng vai và cổ, Trúc hí hóay chép lại toa thuốc, miệng thì trả lời ông:
- Con hỏi cho người bạn. Thôi được rồi, cám ơn cậu.
- Khoan đã, khi nào thì con về Sài Gòn?
Trúc sực nhớ. Anh chưa về nhà, ông cậu cứ tưởng anh còn ở tỉnh. Anh cười:
- Sớm mà cậu, thôi con bye đây.
Anh cúp máy và đi ra nhà sau. Uyên đang tiu nghỉu bên nồi cháo nhỏ xíu đã trào ra quá nửa. Phần còn lại có lẽ không đầy chén. Cái bếp gaz nham nhở đầy những nước cháo, tha hồ mà lau.
Anh cười, phân công ngay:
- Em lấy gạo trong lúc anh lau bếp. Anh vo gạo và đặt nồi cháo lớn hơn. Em có nhiệm vụ giữ bếp, không được cho trào nữa. Anh đi mua thuốc cho em. Khi anh về có lẽ cháo cũng sắp xong, tụi mình cùng ăn.
Nói rồi làm liền, Uyên nhìn anh thán phục. Thấy anh to con như vậy chứ vào bếp cũng nhanh gọn ghê, chẳng bù cho cô vụng về hết nói.
Anh ra xe nổ máy, cô còn chạy vụt theo "nhắn nhủ":
- Anh nhớ mua chà bông hay trứng bắc thảo, ăn với cháo ngon lắm.
- Ừ - Anh cười - Bệnh không lo, ở đó lo ăn với uống.
- Có cần em phụ không? - Uyên hỏi trỏng
- Không cần đâu.
Chạy trở lên nhà, anh khuân xuống một cái ghế để vào góc bếp, rồi kéo cô ấn xuống:
- Ngồi yên đây nhé, nghỉ mệt và chờ anh. Anh sẽ xong nhanh lắm. Cháo sắp sôi rồi đó.
Uyên mỉm cười, ngoan ngoãn nghe theo lời anh. Có mặt anh,đột nhiên cô cảm thấy mình lười biếng làm sao đâu.
Anh vừa nhanh tay cắt nhuyễn củ cải mặn, chợt nhớ ra điều gì, anh gọi cô.
- Uyên này!
- Gì anh?
- Khi nãy gọi điện cho ông cậu Út, anh thấy dường như... em để ống nghe không đúng vị trí
- Em gác máy đấy.
Anh ngừng tay mất một giây
- Sao vậy?
Uyên nhăn nhó:
- Thì cũng cái tên bệnh hoạn đó.
- Cũng vẫn giọng nói hôm trước à?
Uyên gật đầu:
- Liên tiếp mấy buổi tối rồi, em đâu có ngủ được yên.
Anh quay phắt lại nhíu mày:
- Ban đêm?
- Ừm, Uyên có vẻ không muốn anh nhắc đến chuyện này.
- Vẫn cũng cách quấy rầy cũ? - Trúc tiếp tục điều tra, trong khi vẫn lúi húi làm bếp.
Uyên mím môi, cô ngần ngừ một chút, rồi cũng trả lời:
- Tệ hơn trước. Hắn nói toàn những thứ rác rưởi - Cô ấm ức - Thật là bệnh hoạn, điên khùng. Không biết sao hắn lại có số điện thoại của em, lại biết cả tên em.
- Hắn đã nói những gì?
Uyên lặng thinh, cô vặn nhỏ mảnh khăn giấy trong tay.
Trúc lặp lại:
- Hắn đã nói điều gì với em?
Uyên ngoảnh mặt im lặng. Bỏ mặc cái chảo đang xèo xèo, Trúc bước lại ngồi thụp cạnh cô, anh bắt cô nhìn thẳng vào mình lay mạnh vai cô:
- Hắn đã làm gì? Em nói anh nghe xem? Tại sao giấu anh?
Đau quá với cái lay mạnh bạo của anh, trong khi đầu còn đang váng vất, cô bực mình la toáng lên:
- Nếu anh muốn biết thì đó là những lời tục tĩu bậy bạ, anh có nghe rõ không? Cứ hai, ba giờ khuya là gọi đến. Thật muôn mửa ra được. Em đang bị khủng bố tinh thần đến điên lên đây, anh còn hạch hỏi gì nữa hết?
Trúc buông cô ra. Anh giận run, nắm chặt tay đấm vào phần chân ghế cô đang ngồi, làm cô muốn xiểng niểng. Anh nghiến răng:
- Khốn kiếp thật!
Uyên im lặng. Cô nhìn anh đang trong cơn giận dữ chưa có chỗ bộc phát mà e sợ. Không biết là ai, tuy cô bị hành hạ mấy hôm mất ngủ, cũng tức tối, khó chịu, nhưng cô biết rõ tính nóng của anh nên cứ lo thầm. Anh mà biết là ai thì tên bệnh hoạn đó khó lành lặn.
Uyên đợi cho cơn thở dốc của anh tạm dịu xuống, cô nhắc nhẹ nhàng:
- Coi chừng trên bếp khét kìa anh!
Trúc hậm hực đứng dậy, lại đảo cái chảo củ cải. Anh có vẻ ngẫm nghĩ.Vài phút sau, anh tằng hắng hỏi cô:
- Em có nhiều bạn bè gọi điện đến không?
Uyên lắc đầu:
- Không nhiều. Thì anh nè, dì Thuần ở quán, đồng nghiệp ở Hội, còn có vài người bạn cũ
nhưng đã lâu ít gọi đến.
Trúc gật đầu:
- Ăn xong, anh giúp em xin đổi số điện thoại ngay ngày hôm nay. Sau đó em hãy gọi điện thoại và cho số điện thoại mới. Chỉ có bạn thân và vài người cần thiết thôi nhé. Có số mới em sẽ yên ổn hơn. Còn nếu có gặp lại cú điện thoại như vậy nữa, anh sẽ nhờ cài hệ thống dò tìm, sẽ biết thằng khốn đó là ai và ở đâu ngay. Chắc chắn là một trong những người có quen biết em.
Uyên mừng vì cách xử sự đã mềm mỏng hơn của anh. Có lẽ anh vẫn nghi là Minh, nên không muốn giáp mặt và cho kẻ đó thêm một cơ hội thoát. Một phần, có lẽ anh cũng nghĩ đến cô. Không biết là ai, có lẽ cô sẽ dễ chịu hơn để quên đi.
Trúc dọn thức ăn ra bàn, rồi dịu giọng:
- Thôi em cũng đói dữ rồi, phải không?Ngồi vào bàn, chúng ta sẽ cùng ăn cháo, để em còn uống thuốc nữa.
Uyên đến ngồi đối diện anh trong bàn ăn, đỡ lấy chén cháo anh múc cho cô, cô rụt rè nói:
- Trước đây có lúc em nghĩ đến đổi số điện thoại, nhưng bận bịu quá, và lại thấy mình vắng nhà cả ngày, nếu hắn có gọi, không ai nhấc máy hoài thì sẽ thôi không làm trò đó nữa. Ai ngờ hắn lại chuyển sang gọi ban đêm, em đành phải gác máy trước khi đi ngủ hai hôm nay.
Trúc lắc đầu, ôn tồn:
- Máy điện thoại là để liên lạc. Tại sao mình lại phải gác máy? Bây giờ cách hay nhất là đổi số máy, trò đó sẽ không tái diễn nữa đâu. Em yên tâm nhé!
Uyên cười gượng:
- Cũng mong như vậy.
Trúc nhìn cô nhỏ nhẹ ăn, lòng chùng xuống. Cô yếu đuối và lành tính quá, tại sao tên khốn kiếp đó lại chọn cô mà quấy rầy? Mỗi lần anh đi xa cô là mỗi lần anh nóng ruột và không an tâm. Anh nén tiếng thở dài.
Uyên ngẩng lên:
- Gì vậy anh?
Anh nhìn cô rầu rầu:
- Anh.. anh không muốn xa em, nhưng tuần sau anh lại phải có việc đi xa.
Uyên mỉm cười. Tô cháo nóng đã làm đôi má cô tươi một tí:
- Anh kỳ quá. Công việc mà anh. Lo cho em quá coi chừng thất nghiệp. Vả lại, tuần sau em cũng đâu có mặt ở Sài Gòn.
Anh nhíu mày:
- Em lại đi đâu? Vả lại, em đang bệnh mà.
- Có một cuộc triển lãm tranh ở Đà Lạt của một cặp vợ chồng họa sĩ người Úc gốc VIệt. Quê của họ Ở Đà Lạt, nên họ muốn mở triển lãm ở đó. Họ đã nhờ Hội Hỗ Trợ kiếm người lo tiếp khách và ngoại giao.Hội đã giới thiệu em. Em chỉ cảm thường, sẽ khỏi mà.
Trúc bật hỏi nhanh:
- Ông bà Tâm Nguyễn?
Uyên ngạc nhiên:
- Đúng rồi. Ủa, sao anh biết?
Anh cười lớn:
- Thì anh nhận thiết kế trưng bày cho họ chứ ai. Tuần sau anh lên Đà Lạt giúp họ. Họ là bạn của cha mẹ anh.
Uyên bị bất ngờ:
- Vậy sao?
Anh gật gù thú vị:
- Tụi mình có duyên quá đi chứ.
Uyên nhớ lại mấy lần "có duyên" gặp mặt với anhtrước đây. Cô tủm tỉm cười.
Chợt anh hỏi:
- Em nói tuần sau nhưng lúc nào? Thứ mấy?
- Thứ bảy. Chủ nhật khai mạc rồi, em phải có mặt ngày thứ bảy để làm qua khung cảnh và sắp xếp chương trình trước một buổi.
Trúc ỉu xìu:
- Còn anh thì thứ ba. Anh thiết kế nên phải đi sớm.
Bỗng anh sáng mắt lên:
- À! Anh có cách rồi. Sao em không đi cùng anh ngày thứ ba.Ở đó anh sẽ làm việc ban ngày. Buổi tối sẽ đi chơi với em khắp Đà Lạt, tụi mình sẽ có những ngày thật đẹp.
Uyên phân vân:
- Chắc... không được đâu anh.
Trúc nhăn mặt:
- Sao vậy?
- Còn công việc ở cơ quan và quán...
Anh gạt ngang:
- Quán xá gì thì cũng để đó. Em có dì Thuần coi sóc rồi mà..
Anh lại đổi giọng thuyết phục:
- Em cũng có nói dì Thuần là người đáng tin cậy phải không? Đi nhỏ! Nghỉ vài bữa đi với anh đi. Cứ coi như em đi công tác cho Hội vậy mà. Thỉnh thoảng em vẫn đi xa, để quán cho dì Thuần, đâu có sao phải không?
Uyên ậm ừ, chưa dứt khoát. Anh buộc cô vào:
- Rồi, coi như OK nhé! Thứ ba anh đi bằng ô tô, sáu giờ sáng anh sẽ lại đón em. Vậy nhé.
Uyên phì cười với lối áp đặt, chuyên quyền ấy, cô đành để yên, không phản đối nữa. Anh hân hoan thấy rõ, nháy mắt với cô:
- Đem đồ đẹp nhé, anh sẽ chụp hình cho em ở thác Datala nè! Ở nhà thờ Con Gà nè! Ở...
- Hê! Stop lại đi - Uyên cười rũ rượi - Anh đi làm việc hay đi chơi vậy? Suốt cả ngày bận làm, họa chăng có buổi tối, ai mà đi thác buổi tối bao giờ? Tối thui thì chụp được gì bây giờ.
Anh nghệt mặt ra:
- Ừ nhỉ.
Rồi như tính toán một cách mau lẹ:
- Để coi, có thể canh lúc nào thư thư, anh sẽ chuồn ra, rồi mình sẽ...
- Thôi đi ông tướng ơi - Uyên phản đối - Công việc là trên hết. Làm cho xong cái đã rồi đi chơi.
Trúc gãi ót:
- Ờ, để xem.
Uyên lắc đầu:
- Để xem, để xem cái gì? Anh vừa nói họ là bạn cha mẹ anh đó. Làm việc qua loa, họ buồn. Thôi đừng nghĩ trò ma mãnh nữa. Thuốc em đâu? Em ăn xong rồi.
Trúc sực tỉnh:
- À! đây.
Anh mở cái gói nhỏ, lấy mấy viên thuốc cho cô, hướng dẫn cách thức uống các cữ sau, rồi trêu cô:
- Chỉ có em là nhất đó nhé, bệnh nhân đặc biệt. không cần đi bệnh viện, không cần gặp bác sĩ, chỉ cần bốc máy gọi điện thoại Alô Alô là xong. Đây gọi là "khám bệnh từ xa "
Uyên cười. Cô đang uống ngụm nước cho trôi mấy viên thuốc nên bị sặc.
Trúc lật đật chồm lại vuốt lưng. Dứt cơn sặc của Uyên, anh lại lật đật chạy đi lấy khăn giấy cho cô. Nước mắt, nước mũi tèm lem mà Uyên cũng còn thấy buồn cười cho bộ dạng hớt hãi của anh.
Đón lấy khăn giấy, cô chùi mũi và cảm thấy cuộc đời sao đáng yêu và đẹp quá.
- Có một người yêu mình, quan tâm đến mình đã là hạnh phúc. Mình cũng rất yêu người đó, lại càng hạnh phúc biết bao.
Giọng anh cất lên sau lưng cô:
- Em ơi, khăn giấy còn không? Chắc anh phải mua thêm quá. Em sì mũi suốt ngày kiểu này, thì hai hộp là ít.