Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21412 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
ALAN PATON

Chương 4

Mấy ngày sau, các cây gậy vẫn còn nguyên ở chỗ cũ, nhưng không thấy một người da trằng nào trở lại. Có tiếng đồn rằng sẽ xây một cái đập ở đó, nhưng không hiểu được nước đâu để chứa cho đầy đập vì những dòng suối nhỏ chảy qua khu đất của giáo đường nhiều khi cạn khô và không có mùa nào thành một dòng suối lớn được. Người thân tín của Kumalo bảo ông ta rằng: ông Jarvis đi Pretoria chắc là để lo công việc về mấy cây gậy đó, tức công việc xây đập.
Thời gian trôi qua, mặt trời mỗi ngày vẫn mọc và lặn đều đều, Kumalo vẫn cầu nguyện đều đều cho sự phục sinh của Ndotsheni.
Đứa con bé nhà Kuluse đã bình phục, và Kumalo lo công việc mục sư của mình. Trường vẫn dạy học, các em vẫn học về các hạt giống, các loài cây, về loại cỏ nào tốt nhất cho đồng cỏ, về loại phân bón nào tốt nhất, về thức ăn nào tốt nhất cho bò. Ông ngạc nhiên thấy rằng mình mỗi ngày thêm nóng ruột đợi Jarvis về để biết kế hoạch đã dự tính ra sao, và càng ngày ông càng có cảm tưởng rằng chính ông là Jarvis, một mình ông Jarvis là có thể thực hiện được phép mầu đó thôi.
Con dâu ông sung sướng được ở với ông bà, vì tính tình nàng nhu thuận, dịu dàng, âu yếm. Đứa cháu nhỏ chơi với các trẻ khác, có đòi mẹ một hai lần nhưng chẳng bao lâu nữa nó cũng sẽ quên mẹ đi. Không ai hỏi thăm về Absalom cả, và nếu thiên hạ có thì thầm bàn tán với nhau trong nhà, thì họ vẫn quý trọng ông Umfundisi già như xưa, không giảm chút nào.
Một hôm em trai da trắng phi ngựa tới và khi Kumalo thấy vui mừng gặp lại cậu khách bé con này.
Em bảo:
- Tôi lại để nói tiếng Zulu đây.
Em từ lưng ngựa tụt xuống, quấn dây cương vào cái cọc. Em bước vô nhà chững chạc như người lớn, chùi chân, cất nón rồi mới vô. Em ngồi ở bàn nhìn chung quanh trong lòng khoan khoái, và Kumalo có cảm tưởng rằng có cái gì rực rỡ đã vô nhà mình.
- Umfundisi đã làm xong sổ sách chưa?
- Xong rồi, Inkosana.
- Có đúng không?
Kumalo không thể nhịn được cười.
- Đúng, nhưng không khả quan lắm.
- Không khả quan lắm ư? Umfundisi có sẵn sàng không để nói tiếng Zulu nào.
Kumalo lại cười nữa, ngồi xuống chiếc ghế dựa ở phía bên kia bàn bảo:
- Sẵn sàng nói tiếng Zulu đây. Bao giờ ông nội Inkosana về?
- Tôi cũng không biết. Tôi mong nội về lắm, tôi yêu nội lắm.
Kumalo muốn cười nữa, nhưng có lẽ nghĩ rằng điều đó có gì đâu mà cười. Nhưng chính em cười lên và ông cũng cười theo. Nói chuyện với em nhỏ này, người ta dễ cười lắm, cơ hồ trong lòng em tràn trề cái vui cười.
- Bao giờ Inkosana trở về Johannesburg?
Em đáp:
- Khi nào nội về nhà.
Rồi Kumalo nói bằng tiếng Zulu:
- Khi Inkosana đi rồi thì Ndotsheni sẽ mất một cái gì rực rỡ.
- Umfundisi nói gì đó?
Nhưng khi Kumalo bắt đầu dịch ra tiếng Anh thì em lại la lên:
- Không, đừng giảng. Nói lại bằng tiếng Zulu đi.
Kumalo lặp lại:
Em bảo:
- Nghĩa là khi Inkosana đi rồi, rồi làm sao nữa, Umfundisi nói lại đi.
Kumalo lặp lại bằng tiếng Zulu:
- Ndotsheni sẽ mất một cái gì rực rỡ.
- Cái gì về Ndotsheni. Khó quá tôi không hiểu. Thôi Umfundisi nói bằng tiếng Anh đi.
Kumalo nói bằng tiếng Anh:
- Ndotsheni sẽ mất một cái gì rực rỡ.
- À, tôi hiểu. Khi tôi đi rồi thì Ndotsheni sẽ mất một cái gì rực rỡ.
Em cười một cách thích thú, rồi nói bằng tiếng Zulu:
- Tôi hiểu, Umfundisi.
Kumalo vỗ tay ngạc nhiên bảo:
- À, Inkosana nói được tiếng Zulu rồi!
Em lại cười thích thú hơn nữa. Kumalo lại vỗ tay khen lấy khen để.
Cánh cửa mở ra, bà Kumalo bước vô. Ông nói với cậu bé:
- Cậu này là con ông đó.
Cậu bé đứng dậy cúi đầu chào bà Kumalo, bà ngó cậu, vừa sợ vừa buồn. Cậu bảo:
- Ngôi nhà của bà đẹp quá.
Rồi cậu cười. Bà nói với chồng bằng tiếng Zulu:
- Em ngạc nhiên quá không biết nói sao.
Cậu bé nói bằng tiếng Zulu:
- Tôi nghe ra rồi.
Bà đâm hoảng, lùi lại một bước.
Kumalo vội vàng bảo vợ:
- Cậu ấy không hiểu mình nói gì đâu, biết được mấy tiếng thì lập lại thế thôi.
Rồi quay lại phía cậu bé, vỗ tay, tỏ vẻ ngạc nhiên khen:
- A, a, Inkosana nói được tiếng Zulu.
Bà vợ quay trở lại phía cửa, mở cửa bước ra ngoài rồi khép cửa lại. Trong phòng chỉ còn lại có hai người.
- Umfundisi đã sẵn sàng nói tiếng Zulu chưa?
- Sẵn sàng.
- Cây là umuti, phải không Umfundisi?
- Phải, Inkosana.
- Nhưng dược phẩm cũng gọi là umuti, Umfundisi.
Cậu nói câu đó, có vẻ vừa đắc thắng vừa làm bộ ngạc nhiên, và cả hai cùng cười.
Kumalo nghiêm trang đáp:
- Inkosana thấy chứ, hầu hết dược phẩm của chúng tôi đều lấy ở cây ra. Vì vậy tiếng cây cũng chỉ dược phẩm nữa.
Lời giải đó làm thoả mãn cậu bé, cậu bảo:
- Tôi hiểu rồi. Còn cái hộp là ibokisi.
- Đúng Inkosana. Chúng tôi không có hộp, nên mượn tiếng của người Anh.
- Tôi hiểu, còn xe máy dầu là isitututu.
- Đúng. Đó là tiếng xe máy dầu nổ: isi-tu-tu-tu. Này, Inkosana thử làm một câu xem nào. Vì biết được tiếng nào, nói hết ra với tôi như vậy thì có học thêm được gì nữa đâu. Nào: “ Tôi thấy một con ngựa ” thì Inkosana nói sao?
Bài học tiếp tục như vậy cho tới khi, Kumalo bảo:
- Gần mười hai giờ rồi, có lẽ Inkosana tới lúc phải về thôi.
- Phải, tôi phải về. Nhưng tôi sẽ trở lại nói tiếng Zulu nữa.
- Inkosana cứ trở lại, chẳng bao lâu sẽ nói tiếng Zulu thạo hơn nhiều người Zulu. Và có thể nói trong bóng tối mà người ta tưởng lầm là người Zulu.
Cậu bé mừng lắm và khi họ bước ra ngoài rồi, cậu bảo:
- Umfundisi đỡ giúp tôi leo lên yên.
Kumalo đỡ cậu lên, cậu cất nón chào rồi phi ngựa về phía đường cái. Một chiếc xe hơi đương lên con đường đó, cậu kìm ngựa lại, la lớn:
- Ông nội tôi về kìa.
Cậu đập con ngựa, phi tới, rán đuổi theo chiếc xe.
 
 
Một người trẻ tuổi đứng trước giáo đường, mặt mũi vui vẻ, trạc hai mươi lăm tuổi. Chàng đặt mấy cái xắc xuống đất, cất nón, hỏi bằng tiếng Anh:
- Ông phải là Umfundisi không?
- Phải.
- Tôi là cán sự canh nông mới tới. Tôi có giấy tờ đây, Umfundisi.
Kumalo hân hoan bảo:
- Mời thầy vô nhà.
Họ vô nhà và thanh niên đó, lấy giấy tờ ra đưa cho Kumalo coi. Đó là những bức thư của các mục sư, thanh tra học đường và vài người khác nữa, đại ý nói rằng người giới thiệu trong thư, Napoleon Letsitsi là một thanh niên nghiêm trang, hạnh kiểm tốt; lại có một tấm chứng nhận rằng chàng tốt nghiệp trường Transkei, cấp bực cán sự canh nông.
Kumalo bảo:
- Tôi thấy rồi. Nhưng xin thầy cho biết thầy tới đây làm gì? Ai phái thầy lại đây?
- Chính người da trắng đã đưa tôi lại đây.
- Có phải tên ông ta là Jarvis?
- Thưa Umfundisi, tôi không biết tên ông ấy, nhưng chính ông da trắng mới đi khỏi đó.
- Phải rồi, ông Jarvis đấy. Kể đầu đuôi cho tôi nghe nào.
- Thưa Umfundisi, tôi lại đây để dạy dân làm ruộng.
- Dạy cho chúng tôi ở Ndotsheni này ư?
- Thưa phải.
Mặt Kumalo tươi rói, mắt ông long lanh ngó người đó, ông bảo:
- Thầy là thiên sứ Trời sai xuống giúp chúng tôi.
Ông đứng dậy, vừa đi đi lại lại trong phòng vừa vỗ tay nọ vào tay kia, trong khi thanh niên đó kinh ngạc đưa mắt nhìn theo. Kumalo thấy vậy cười, lặp lại:
- Thầy là thiên sứ Trời sai xuống giúp chúng tôi.
Ông lại ngồi xuống hỏi chàng thanh niên:
- Ông da trắng gặp được thầy ở đâu?
- Ông ấy lại nhà tôi ở Krugersdorp. Tôi dạy tại một trường học ở đó. Ông ấy hỏi tôi có muốn làm một việc quan trọng không, rồi mời tôi về miền Ndotsheni này. Thế là tôi có ý muốn tới đây.
- Thế còn việc dạy học.
- Tôi không phải là một giáo sư thực thụ, lương không được bao nhiêu. Ông da trắng bảo tôi lại đây sẽ lãnh được mười bảng mỗi tháng, tôi bằng lòng. Nhưng không phải chỉ vì tiền mà tôi lại. Tại trường học công việc chẳng có gì cả.
Kumalo thấy xót xa vì ghen tị; suốt sáu mươi năm từ thuở cha sinh mẹ đẻ, ông chưa bao giờ lãnh được mười bảng mỗi tháng. Nhưng gạt bỏ ý nghĩ đó đi.
- Ông da trắng hỏi tôi có biết nói tiếng Zulu không, tôi đáp không. Nhưng tôi nói tiếng Xosa gần thạo như tiếng của tôi, vì má tôi là người Xosa. Ông ấy bảo được, vì tiếng Xosa với tiếng Zulu cũng gần như nhau.
Bà Kumalo mở cửa vô cho hay tới giờ ăn. Kumalo giới thiệu bằng tiếng Zulu:
- Nhà tôi đấy. Và đây thấy Letsitsi lại dạy dân chúng làm ruộng.
Rồi ông bảo Letsitsi:
- Thầy ở lại dùng bữa với chúng tôi.
Ông giới thiệu Letsitsi với con dâu và cháu ông. Khi ông đọc kinh Tạ Ân rồi, mọi người ngồi xuống và ông hỏi bằng tiếng Zulu:
- Thầy tới Pietermaritzburg hồi nào?
- Sáng nay, thưa Umfundisi. Và từ đó, chúng tôi lên xe hơi về đây.
- Thầy thấy ông da trắng ra sao?
- Ông ấy ít nói lắm, thưa Umfundisi. Chỉ nói với tôi có vài lời.
- Tính ông ấy vậy đấy.
- Chúng tôi ngừng lại ở giữa đường để nhìn một thung lũng. Ông ấy bảo: “ Thầy tính làm gì trong một thung lũng như vầy? ”. Đó là những lời đầu tiên ông ấy nói với tôi trong khi đi đường.
- Và thầy có nói thầy làm gì không?
- Thưa Umfundisi có.
- Ông ấy nói sao?
- Ông ấy không nói gì hết, Umfundisi. Chỉ “ hừ, hừ” trong cuống họng, thế thôi.
- Rồi sao nữa?
- Ông ấy không nói thêm một lời nào nữa cho tới khi tới đây. Tới đây rồi ông ấy bảo tôi: “ Thầy lại thăm Umfundisi, nhờ ông ấy kiếm cho chỗ ở trọ. Nói với ông ấy rằng, tôi ân hận không ghé được vì tôi nóng lòng về nhà ”.
Ông bà Kumalo đưa mắt nhìn nhau. Kumalo bảo:
- Phòng thì nhỏ mà nhà này là nhà mục sư, nhưng thầy muốn ở lại đây cũng được.
- Thưa Umfundisi, tôi cũng ở trong một gia đình mục sư. Tôi được ở đây thì còn gì bằng.
- Và thầy tính làm gì trong thung lũng này?
Viên cán sự trẻ tuổi cười:
- Trước hết tôi phải đi coi thung lũng đã.
- Thế còn cái thung lũng kia, thầy tính làm gì?
Thanh niên đó trình bày tất cả những việc chàng dự tính làm cho thung lũng kia. Chàng bảo phải ngưng đừng đốt phân (1) nữa, mà chôn phân xuống đất; phải cắt cỏ, gom lại thành đống rồi dùng làm phân, chứ đừng để nó khô héo dưới ánh nắng; phải bỏ cái lối cày xuôi theo đường dốc ở sườn đồi; phải trồng cây để làm củi, loại cây mau lớn như miên liễu, ở những nơi nào không thể cày bừa được, ở trên bờ dốc của các dòng suối để giữ nước mưa lại, cho nó khỏi chảy ào ào thành thác. Nhưng những việc đó khó thực hành vì trước hết phải giảng cho dân chúng hiểu rằng, mọi người cứ lo cày bừa khoảng đất nho nhỏ của mình để sống lây lất, thì sẽ có hại. Phải có một số người chịu bỏ đất ruộng để trồng cây hoặc làm đồng cỏ. Khó khăn nhất là làm sao bỏ được cái tục lobola, tục dẫn cưới bằng bò, tức là mua vợ bằng bao nhiêu con bò đó; tục lệ đó làm cho người ta nuôi quá nhiều bò, đếm số bò để xem gia sản giầu hay nghèo, thành thử cỏ không sao mọc được nữa.
Kumalo hỏi:
- Có tính xây đập ở đây không?
Thanh niên đó đáp:
- Thưa có, người ta sẽ xây một cái đập để cho bò luôn luôn có nước uống. Nước ngăn lại ở phía trên cái đập, sẽ chảy ra một cửa rào vô ruộng lúa và đồng cỏ.
- Nhưng nước từ đâu tới?
- Nước từ một dòng sông sẽ dẫn lại đây bằng một cái ống. Ông da trắng bảo tôi vậy.
Kumalo nói:
- Chắc là từ con sông của ông ấy rồi. Nhưng tất cả những điều thầy nói đó, có thể thực hành ở Ndotsheni này ư?
Viên cán sự cười, đáp:
- Thưa Umfundisi, tôi phải đi coi thung lũng đã, rồi mới biết được.
Kumalo có vẻ nóng lòng:
- Nhưng trên đường lại đây, thầy đã đi ngang qua nó rồi mà?
- Thưa, đi ngang qua tôi đã thấy dĩ nhiên. Nhưng tôi cần phải coi cho kỹ hơn nữa. Vâng, tôi nghĩ rằng tất cả những cái đó có thể thực hành ở đây được.
Họ ngồi cả ở chung quanh bàn, người nào nét mặt cũng hào hứng, phấn khởi vì thanh niên khéo diễn tả cho họ thấy mọi vật như ở trước mắt. Kumalo nhìn vợ con, bảo:
- Tôi đã nói với thầy ấy rằng, thầy ấy là thiên sứ Trời sai xuống đây.
Tâm hồn kích thích quá, ông ngồi không yên, đứng dậy đi đi lại lại trong phòng. Ông hỏi:
-Thầy có nóng lòng muốn khởi sự ngay không?
Thanh niên cười, hơi ngượng nghịu:
- Thưa có.
- Thầy sẽ làm cái gì trước hết.
- Thưa Umfundisi, trước hết tôi phải lại chào ông Tù trưởng đã.
- À, phải, việc đó phải làm trước hết.
Lúc đó, ở ngoài nghe có tiếng vó ngựa, Kumalo bước ra xem, lấy làm lạ. không biết có phải cậu bé không, mà sao mà trở lại đây mau vậy. Quả nhiên là cậu ta thật, nhưng cậu không tuột xuống mà ngồi trên lưng ngựa nói với Kumalo, nhanh nhẩu, hoan hỉ, như thể là một việc rất quan trọng. Cậu bảo:
- Thật là sát nút.
Kumalo hỏi:
- Sát nút? Cái gì mà sát nút?
- Đó là tiếng lóng – Nhưng cậu không cười mà rất nghiêm trang – Có nghĩa là vừa kịp. Nếu ông nội tôi không về sớm như vầy, thì tôi không có thì giờ lại chào Umfundisi.
- Inkosana đi ngay bây giờ sao?
Cậu bé không trả lời thẳng câu đó; vì thấy Kumalo ngạc nhiên nên cậu muốn giảng giải:
- Nếu ông nội tôi về trễ chút nữa thì có lẽ tôi không kịp trở lại đây. Nhưng may quá, ông nội tôi về hơi sớm.
- Nghĩa là sáng mai Inkosana đi hả?
- Vâng, sáng mai, đi chuyến xe lửa đường rầy hẹp đó, chuyến xe lửa nhỏ đó, Umfundisi biết chứ?
- Biết, Inkosana.
- Nhưng nghỉ lễ tôi sẽ về, và chúng ta lại nói tiếng Zulu nữa.
Kumalo chỉ đáp:
- Vậy thì vui lắm.
- Thôi chào Umfundisi.
- Chào Inkosana.
Rồi ông nói bằng tiếng Zulu:
- Inkosana đi mạnh giỏi.
Cậu bé cau mày suy nghĩ một chút, rồi nói bằng tiếng Zulu:
- Umfundisi ở lại mạnh giỏi.
Kumalo ngạc nhiên thốt lên: “ A, a! ”; cậu bé cười, cất nón chào rồi phi ngựa đi trong đám bụi mù. Ra tới đường cái, cậu ngừng lại, quay lại chào một lần nữa rồi lại tiếp tục đi. Kumalo còn đứng ở cửa, viên cán sự trẻ tuổi bước ra đứng cạnh ông, hai người cùng nhìn theo cậu bé. Kumalo bảo, giọng nghiêm trang:
- Còn cậu đó là một thiên thần nhỏ Trời sai xuống.
Họ trở vô nhà, Kumalo hỏi:
- Vậy thầy nghĩ rằng ở đây có thể làm được nhiều việc ư?
- Thưa Umfundisi, làm được nhiều ạ.
- Thực không?
Thanh niên đáp nét mặt có vẻ rất hăng hái:
- Thưa Umfundisi, không có lý gì thung lũng lại không tươi tốt lại như hồi xưa. Nhưng không thể làm mau được, không thể một ngày mà xong được.
Kumalo kính cẩn nói:
- Nếu Thượng Đế phù hộ, thì xin cho tôi được thấy trước khi tôi nhắm mắt. Vì tôi đã sống suốt cuộc đời trong cảnh điêu tàn này.
 
 
 Chú thích:
1. Xứ đó nuôi nhiều bò mà ít củi, dân phơi khô phân bò để đốt thay củi, như ở Ấn Độ.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top