Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21391 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
ALAN PATON

Chương 17

Một thanh niên đứng đón họ ở phi trường.
- Thưa, phải ông bà Jarvis đây không?
- Phải.
- Cháu là John Harrison, em của chị Marry. Chắc hai bác không nhớ ra cháu. Lần cuối cùng hai bác gặp cháu thì cháu bé. Để cháu xách đồ tiếp hai bác. Cháu có đem xe lại rước hai bác.
Vừa đi về phía trạm kiểm soát, thanh niên đó vừa hỏi:
- Cháu chẳng cần thưa hai bác cũng biết rằng, gia đình cháu rất đau khổ về chuyện đó. Cháu chưa thấy ai đáng quý như anh Arthur.
Lên xe rồi, chàng nói tiếp:
- Chị Marry và các cháu đều ở nhà ba má cháu, và xin mời hai bác về đó.
- Marry ra sao?
- Chị cháu xúc động ghê gớm, nhưng rất can đảm.
- Thế còn mấy đứa nhỏ.
- Thưa hai bác, hai cháu khóc lóc thảm thiết và chị Marry phải vỗ về, nhờ vậy mà chị tạm quên được nỗi khổ một lát.
Họ không nói thêm gì nữa. Jarvis nắm lấy bàn tay của vợ và mọi người lặng thinh, mỗi người đeo đuổi những ý nghĩ riêng, cho tới khi xe qua cổng rào một ngôi nhà ngoại ô và ngừng lại trước một cái cửa lớn có đèn sáng. Một thiếu phụ nghe tiếng xe, ở trong nhà bước ra, ôm hôn bà Jarvis, rồi hai người cùng khóc với nhau. Rồi nàng qua lại phía ông Jarvis, hai người ôm nhau. Để họ biểu lộ nỗi niềm với nhau rồi, ông bà Harrison mới cùng nhau bước ra, hai bên chào hỏi nhau rồi mọi người cùng vô nhà.
Ông Harrison quay lại hỏi ông Jarvis:
- Anh uống chút gì nhé.
- Vâng.
- Vậy mời anh vô phòng làm việc của tôi.
Vô phòng rồi Harrison bảo:
- Bây giờ xin anh cứ làm theo ý anh. Có việc gì chúng tôi có thể giúp anh được, xin anh cho hay. Nếu anh muốn lại ngay nhà xác thì cháu John sẽ đưa anh đi. Hoặc anh muốn để sáng mai cũng được. Nhân viên cảnh sát muốn được gặp anh, nhưng đêm nay họ không lại làm phiền anh đâu.
- Anh cho tôi hỏi ý nhà tôi đã. Về chuyện đó, chúng tôi chưa bàn tính gì với nhau cả. Anh cứ ngồi đây, để tôi đi kiếm nhà tôi.
- Vâng, tôi ngồi đây đợi anh.
Jarvis thấy vợ và con dâu nắm tay nhau, rón rén từ phòng hai đứa cháu nội bước ra, vì chúng đương ngủ. Ông nói chuyện với bà và bà lại khóc nữa, nép vào mình ông mà nức nở. Bà muốn đi ngay. Ông trở vô với Harrison, uống nốt ly rượu rồi cùng với vợ và con dâu, lên chiếc xe hơi trong đó John đã ngồi chờ sẵn.
Trong khi xe chạy lại phòng Phẩu nghiệm của ty cảnh sát, John Harrison kể cho Jarvis nghe tất cả những gì chàng biết về án mạng đó. Ty cảnh sát đợi người đầy tớ hồi tỉnh và đã cho lùng xét các đồn điền chung quanh Parkwold Ridge. Chàng cũng nói với ông về bài diễn văn, mà Arthur Jarvis đương viết dở khi bị giết, nhan đề là: “ Sự thật về tình trạng phạm pháp của người bản xứ ”
Ông Jarvis bảo:
- Bác muốn coi bài đó.
- Sáng mai, cháu sẽ đi lấy đưa bác.
- Cậu John, Arthur với bác không đồng ý kiến với nhau về vấn đề dân bản xứ. Đã mấy lần hai cha con hăng hái thảo luận với nhau. Nhưng bác muốn coi xem nói viết gì.
- Thưa bác, ba cháu và cháu cũng vậy, về vấn đề đó ý kiến mỗi người một khác. Bác ạ, ở Nam Phi này không có người nào suy nghĩ sâu sắc về vấn đề đó, và diễn giải được minh bạch như anh Arthur đâu. Anh thường bảo ở Nam Phi, còn có vấn đề nào đáng suy nghĩ sâu sắc và diễn giải minh bạch bằng vấn đề đó.
Họ tới phòng Phẩu nghiệm, Jonh Harrison ngồi lại trên xe, còn ba người kia vô làm cái việc đau khổ không thể tránh được nọ. Họ lặng lẽ bước ra, hai người đàn bà khóc thút thít và mọi người lặng lẽ trở về nhà. Ông Harrison mở cửa đón họ.
- Anh Jarvis, anh uống thêm ly nữa nhé, hay là muốn đi nghỉ?
Ông Jarvis hỏi vợ:
- Em Margaret, mình muốn anh lên cùng với mình không?
- Không, anh ở lại đây một lát nữa đi.
- Vậy mình lên nhé.
- Dạ.
Bà ôm ông hôn, níu lấy ông một lát.
- Cảm ơn anh đã nâng đỡ em.
Nước mắt bà lại trào ra và mắt ông cũng rưng rưng. Ông nhìn vợ cùng với con dâu leo cầu thang và khi cửa phòng của bà khép lại rồi, ông cùng Harrison trở về phòng làm việc.
- Người mẹ bao giờ cũng đau khổ nhất, phải không anh Jarvis?
- Vâng.
Jarvis suy nghĩ một chút về điều đó rồi bảo:
- Tôi yêu cháu Arthur lắm. Chưa bao giờ có điều gì ân hận về cháu cả.
Họ lại ngồi xuống uống rượu và Harrison kể cho thông gia nghe, vụ án mạng đó đã làm xúc động mọi người ở Parkwold, và gia đình ông bà nhận được rất nhiều lời chia buồn:
- Từ mọi nơi, mọi hạng người đều gởi lời chia buồn anh ạ. Nhận tiện đây, tôi cho anh hay, chúng tôi tạm định rằng đám tang sẽ cử hành chiều mai, sẽ làm lễ ở giáo đường Parkwold khoảng ba giờ chiều.
Jarvis gật đầu.
- Cảm ơn anh.
- Chúng tôi còn giữ lại tất cả bức thư chia buồn. Có thư của đức Giám mục, của ngài Thủ tướng, của ngài Thị trưởng và mười mấy người khác nữa. Các tổ chức bản xứ cũng gởi thư chia buồn, có một tổ chức tên Con gái Phi Châu và vô số tổ chức khác nữa, tôi nhớ không hết. Rồi còn các người lai, các người Ấn Độ và Do Thái nữa chứ.
Một niềm hãnh diện buồn thảm dâng lên trong lòng Jarvis.
-  Cháu nó thông minh, nhờ di truyền của má nó.
- Quả thực là thông minh. Cháu John vẫn phục cậu ấy. Mà được đủ mọi hạng người yêu quý nhé. Anh biết không, nói tiếng Afrikaans y như người Afrikaaner vậy.
- Tôi nghe nói cháu có học ngôn ngữ đó.
- Tôi chẳng biết chút gì về cái thổ ngữ đó cả, mà tôi cũng chẳng muốn biết. Nhưng cậu ấy bảo cần phải biết mới được, thế là bắt đầu học và vô ở trại ruộng của một người Afrikaaner. Cậu ấy nói được tiếng Zulu, điều đó anh đã rõ, mà còn tính học thêm tiếng Sesuto nữa. Anh biết dân bản xứ có đại biểu ở Quốc hội, nghe đâu như cuộc bầu cử tới, người ta mời cậu ấy ra ứng cử đấy.
- Tôi không hay đấy.
- Ngày nào cậu ấy cũng diễn thuyết, hết chỗ này tới chỗ khác. Anh biết những vấn đề đó chứ: vấn đề phạm pháp của người bản xứ, tình trạng thiếu trường học cho người bản xứ…. Cậu ấy làm rùm beng trên báo chí, về tình trạng trong dưỡng đường cho các bệnh nhân không phải gốc Âu. Cậu ấy còn bất bình về chính sách giam các phu mỏ bản xứ trong trại lao động. Và đòi toàn thể Quốc hội biểu quyết cho một đạo luật cho vợ con phu mỏ được ở với chồng, cha trong mỏ.
Jarvis vừa chậm rãi nhồi thuốc vào ống điếu, vừa nghe Harrison kể những chuyện đó về con mình mà từ trước ông có biết gì đâu, y như chuyện của một người xa lạ vậy.
Harrison nói:
- Ông Hathaway ở hội mỏ đã kể hết cho tôi nghe, lại yêu cầu tôi khuyên cậu ấy nên có giọng bớt hăng đi một chút, vì hãng của cậu ấy thầu nhiều việc cho mỏ lắm. Và tôi đã nói với cậu ấy, tôi bảo rằng tôi biết cậu ấy nhiệt tâm với các vấn đề đó lắm, nhưng nên từ từ một chút, đừng hấp tấp quá. Phải nghĩ tới vợ và con chứ. Tôi không hề nói thay cho Marry, anh hiểu tôi chứ? Tôi không muốn xen vào việc của vợ chồng cậu ấy.
- Tôi hiểu.
- Cậu ấy đáp rằng đã có bàn với Marry rồi, và hai vợ chồng đồng ý với nhau: cái việc vạch thực sự ra còn quan trọng hơn cái việc kiếm tiềm.
Harrison kể lại như vậy rồi cười. Sau ông nín bặt nhớ lại cảnh buồn thảm trong nhà. Ông bảo:
- Thằng John của tôi cũng có mặt lúc đó, và nó coi Arthur như đức Thượng Đế chí tôn vậy. Như vậy, tôi còn biết nói gì nữa?
Hai người yên lặng hút thuốc một lát. Harrison nói tiếp:
- Tôi có hỏi cậu ấy, các người hùn vốn với cậu ấy nghĩ sao? Vì dù sao, công việc của họ là bán máy móc cho mỏ mà. Cậu ấy đáp: Con đã đem ra bàn với các người hùn vốn, và bảo họ rằng nếu hành động của con gây khó khăn gì cho họ thì con sẽ rút vốn cổ phần ra. Tôi hỏi: Nếu rút vốn cổ phần ra rồi thì làm gì? Cậu ấy đáp: Có việc gì mà con không làm được? Coi nét mặt cậu ấy hăng hái quá. Anh nghĩ coi, tôi còn biết nói thêm gì nữa.
Jarvis không đáp. Vì người con đó của ông như con vịt xa đàn lội tới những dòng nước xa lạ cha mẹ không hay. Có thể rằng vợ ông biết đấy. Nhưng thực vậy thì ông không thấy gì làm lạ. Nhưng riêng ông thì chưa khi nào tiến xa như vậy, nên ông không biết nói gì cả.
- Tôi có làm anh chán và mệt không, anh Jarvis? Chắc anh muốn nghe những chuyện khác? Hoặc muốn đi nghỉ?
- Trái lại, xin anh cứ kể.
- Chuyện chỉ có vậy thôi. Cậu ấy và tôi ít khi nói với nhau về những việc đó. Không phải là khu vực sở trường của tôi. Tôi rán cư xử đàng hoàng với dân bản xứ, nhưng nỗi khốn khổ của họ không làm cho tôi mất ăn mất ngủ. Nói thực ra thì những tội ác đó làm cho tôi phẫn nộ. Anh Jarvis này, anh biết không, lúc này ở Johannesburg làm cho chúng tôi kinh hoảng.
- Vì tụi giết người ư?
- Phải, vì tụi sát nhân bản xứ. Có quá nhiều vụ ám sát, trộm cướp, hành hung. Tôi nói thực với anh, đêm phải cài cửa thật kỹ rồi mới dám đi ngủ….Cách đây ba nhà, một tụi côn đồ đã ùa vô nhà ông Phillipson, đập ông già đó chết ngất rồi hành hung bà vợ nữa. May thay mấy cô con gái, đêm đó đi dự một cuộc khiêu vũ, nếu ở nhà thì có Trời biết được việc gì xảy ra. Tôi có hỏi cậu Arthur nghĩ sao về vụ đó, cậu bảo dù sao chúng ta cũng đáng trách. Tôi không thể nói rằng, tôi luôn luôn hiểu được ý kiến, lý luận của cậu ấy, nhưng cậu ấy có vẻ thành thực. Tôi có cảm tưởng rằng nếu có thời giờ thảo luận, thì có thể thấy cậu ấy có lý ở một điểm nào đó.
Jarvis nói:
- Có một điều tôi không sao hiểu nổi, là tại sao cái đó lại xảy ra chứ?
- Anh muốn nói…sao không xảy ra cho một người nào khác mà lại xảy ra cho chính cậu ấy?
- Vâng.
- Đó chính là một trong những điều chúng tôi tự hỏi trước hết. Cậu ấy ngày này qua ngày khác, chỉ lo thực hiện một thứ sứ mạng nào đó. Mà rồi bị chúng giết.
Jarvis bỗng nghĩ ra, bảo:
- Anh nhận thấy rằng từ hồi nào vẫn xảy ra như vậy. Tôi muốn nói: bao nhiêu nhà truyền giáo đã bị giết rồi đấy.
Harrison không đáp và hai người lặng thinh hút thuốc. Jarvis nghĩ bụng: Một nhà truyền giáo. Gọi con ông là một nhà truyền giáo, ông thấy có vẻ kỳ cục. Từ trước ông vốn không ưa các nhà truyền giáo. Đành rằng Giáo hội trong các nhà đó, tổ chức các cuộc quyên tiền để giúp họ và lần nào ông cũng quyên, nhưng quyên thì quyên, chứ không tin mấy vào công việc truyền giáo. Ở Ndotsheni có một hội Truyền giáo ở gần nhà ông, nhớ lại thấy cảnh thật buồn thảm: một giáo đường nhỏ, cũ kỹ, bẩn thỉu, cất bằng ván và tôn ráp nối, có vẻ như bỏ hoang, có một ông mục sư già nua bẩn thỉu, ở trong một thung lũng hoang tàn lơ thơ mấy ngọn cỏ úa. Có một trường học cũng cũ kỹ, bẩn thỉu, trẻ con lại đó đọc bài như vẹt, đôi khi tình cờ cưỡi ngựa đi ngang qua, ông nghe chúng đọc những câu mà chúng không hiểu nổi.
- Anh Jarvis, anh muốn đi nghỉ chưa? Hay muốn uống thêm một ly nữa?
- Tôi muốn đi nghỉ thôi. Anh bảo sáng mai nhân viên ty cảnh sát sẽ tới hả?
- Vâng, chín giờ sáng.
- Tôi muốn lại coi nhà cháu.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Ngày mai chúng tôi sẽ đưa anh đi.
- Vậy, bây giờ tôi đi nghỉ. Anh cho tôi gởi lời chúc chị an giấc nhé.
- Vâng. Anh biết phòng của anh ở đâu không? Và nhớ giờ điểm tâm: tám rưỡi nhé.
- Vâng, tám giờ rưỡi. Chúc anh an giấc. Và cảm ơn anh đã ân cần với chúng tôi.
- Có gì mà ơn với huệ, anh. Có giúp được anh bao nhiêu đi nữa cũng chẳng đáng kể. Chào anh, tôi mong rằng anh chị sẽ ngủ được.
Jarvis leo cầu thang lên phòng, rón rén bước vô khép cửa lại mà không bật đèn. Ánh trăng chiếu qua cửa sổ, ông đứng lại nhìn ra ngoài trời đất và tất cả những điều ông nghe được buổi tối đó lặng lẽ hiện ra trong óc. Bà vợ trở mình trên giường gọi.
- Anh James.
- Em.
- Anh nghĩ gì đó?
Ông làm thinh tìm câu trả lời.
- Nghĩ về tất cả chuyện đó.
- Em cứ tưởng anh không lên đây nữa chứ?
Ông vội vàng lại gần vợ, nắm lấy bàn tay bà.
- Bọn anh nói chuyện về con. Nói về tất cả những chuyện nó đã làm và rán làm. Về tất cả các người buồn rầu về tin đó.
- Anh kể lại cho em nghe đi.
Và ông nói nho nhỏ, kể lại hết những điều ông đã nghe. Bà hơi ngạc nhiên vì tính ông vốn ít nói, chưa bao giờ ông nói nhiều như hôm nay. Đêm nay ông kể hết cho bà nghe, những điều ông Harrison đã nói với ông.
Bà thủ thỉ:
- Em lấy làm hãnh diện về con.
- Nhưng từ trước em vẫn biết rõ nó như vậy mà.
- Vâng em biết.
- Anh cũng biết nó là người đàng hoàng. Nhưng em vẫn gần nó hơn anh.
- Mẹ bao giờ cũng dễ gần con hơn.
- Anh cũng nghĩ vậy. Nhưng bây giờ anh ân hận rằng trước kia không được biết rõ nó hơn. Em thấy đấy, tất cả những vấn đề nó lưu tâm tới đó, có bao giờ anh nghĩ đến đâu.
- Em cũng vậy anh ạ. Đời sống của con khác hẳn với đời sống chúng mình.
- Đời sống đó đẹp về mọi mặt.
Ông ngồi mà bà nằm, hai người lặng thinh, mỗi người có những ý nghĩ riêng, hồi ký riêng, nỗi buồn riêng.
Ông nói tiếp:
- Đời của con khác hẳn đời chúng mình, mà trước kia em cũng hiểu được.
- Vâng.
- Còn anh, anh ân hận rằng trước kia anh không hiểu được.
Rồi ông nói thêm giọng rất nhỏ:
- Trườc kia anh không ngờ rằng hiểu đời con là điều quan trọng tới bực đó.
- Mình ơi, mình…
Bà ôm lấy người ông mà khóc.
Ông vẫn nói rất nhỏ:
- Có một điều anh không hiểu nổi là tại sao, chính nó lại bị như vậy…
Bà nằm suy nghĩ về lời ông mới nói, nỗi đau khổ của bà thật là đứt ruột, không sao chống lại được. Bà ôm lấy ông, chặt hơn nữa, bảo:
- Thôi, rán ngủ đi anh James…

<< Chương 16 | Cuốn Hai - Chương 1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 832

Return to top