Một con đường cái đẹp đẽ từ Ixopo vào miền đồi núi. Đồi miền này nhấp nhô, cỏ xanh mướt, đẹp không sao tả xiết. Con đường tiến vào đó, leo mười hai cây số tới Carisbrooke; và ở đây, khi nào không có sương mù, nhìn xuống dưới chân người ta có thể thấy một trong những thung lũng đẹp nhất của Châu Phi. Bốn bề là cỏ và phượng vĩ (1), văng vẳng tiếng kêu khắc khoải của con titihoya (2), một con chim ở miền đồng cỏ. Ở dưới chân là dòng sông Umzimkulu bắt nguồn từ Drakensberg và chảy ra biển; phía bên kia sông, trùng trùng điệp điệp, hết đồi này tới đồi khác, và sau những đồi đó là dãy núi Ingeli và Đông Griqualand (3).
Cỏ tốt và rậm, phủ kín mặt đất. Nó giữ nước mưa và sương, nhờ vậy mà nước mưa và sương thấm xuống đất, thành những dòng suối chảy ra các khe. Cỏ được giữ gìn kỹ lưỡng: ít bò lại ăn mà cũng ít có đám cháy tàn phá nó làm cho nó chết dụi. Bạn nên cởi giầy mà đi vì đất đó thiêng liêng, từ hồi khai thiên lập địa nó ra sao thì nay nó vẫn vậy. Bạn nên duy trì nó, bảo vệ nó, nuôi dưỡng nó vì nó duy trì con người, bảo vệ con người, nuôi dưỡng con người. Diệt nó thì con người sẽ bị diệt.
Chung quanh chỗ bạn đứng đây cỏ tốt và rậm phủ kín mặt đất. Những dãy đồi xanh tốt phì nhiêu này đứt quãng. Nó tiến xuống phía thung lũng và càng xuống nó càng thay đổi. Nó hóa ra đỏ hoe và trụi; nó không còn giữ nước mưa và sương được nữa, mà các dòng suối cạn khô ở dưới khe. Nhiều bò lại ăn cỏ quá và nhiều đám cháy tàn phá nó. Ở đó, bạn nên đi giầy vào, vì đất nhám và cứng, đá nhọn, sẽ cắt gan bàn chân bạn đấy. Cỏ ở đây không được duy trì, bảo vệ, nuôi dưỡng, nó cũng không duy trì con người, bảo vệ con người, nuôi dưỡng con người nữa. Đã từ lâu lắm, không còn nghe thấy tiếng kêu khắc khoải của con titihoya.
Những ngọn đồi lớn đỏ hoe vươn lên tiêu điều, và đất rớt ra từng mảng như da thịt ở cơ thể rã ra vậy. Chớp loé lên sáng rực, mưa trên trời trút xuống, các dòng sông đã cạn khô lại hồi sinh, đầy nước đỏ như máu của đất. Dưới thung lũng, bọn đàn bà rán vun cào chút đất còn lại để trồng bắp, và bắp may lắm cao được tới đầu người. Chỗ đó là thung lũng của các ông già bà cả, của đàn bà và trẻ con. Bọn đàn ông đi hết rồi, bọn thanh niên, trai gái đi hết rồi. Đất không thể nuôi họ được nữa.
Chú thích:
1.Còn gọi là cây tiểu dương xỉ, hoặc cây đuôi chồn. Đừng lầm với cây phương tới mùa thi trổ hoa đỏ.
2.Nghe tiếng hót người ta đặt tên cho nó như vậy: ti-ti-ho-a.
3.Vì còn có Tây Griqualand.