Cha Vincent với Kumalo; Gertrude; thiếu nữ với Msimangu lại bước qua cửa sắt lớn đục trong bức tường cao u ám. Người ta dắt thanh niên ra cho gặp họ và trong một lát, mắt gã sáng lên, tràn trề hy vọng, trong khi gã run bần bật đứng trước mặt họ. Kumalo âu yếm bảo con: - Chúng ta tới đây để làm phép cưới. Niềm hy vọng của gã tiêu tan. - Đây, vợ chưa cưới của con đây. Thanh niên và thiếu nữ chào nhau như những người lạ, đưa những bàn tay không có sinh khí ra nắm tay nhau chứ không xiết, rồi bỏ thỏng cánh tay xuống. Họ không ôm nhau hôn như người Âu mà đứng đó làm thinh ngó nhau, vẻ rất ngượng nghịu. Sau cùng nàng hỏi: - Anh mạnh giỏi không? Gã đáp: - Rất mạnh giỏi - Rồi hỏi lại – Em mạnh giỏi không? - Em cũng rất mạnh giỏi. Họ không nói gì thêm với nhau nữa. Cha Vincent bước ra ngoài và mấy người còn lại vẫn đứng lúng túng như trước, Msimangu thấy Gertrude sắp khóc lóc, rên rỉ, gọi nàng lại một chỗ, nghiêm khắc bảo: - Chuyện xảy ra đó đau lòng thật, nhưng bây giờ sắp làm phép cưới. Nếu khóc lóc rên rỉ, thì nên đi ngay chỗ khác đi. Nàng không đáp, ông nghiêm khắc lạnh lùng nói thêm: - Có nghe ra không? Nàng ấm ức đáp: - Thưa nghe. Ông bỏ nàng đứng đó, lại gần một cửa sổ đục trong bức tường cao u ám, và nàng làm thinh mặt bí xị; ông biết rằng nàng muốn khóc lắm, nhưng không dám. Kumalo thất vọng hỏi con: - Con mạnh giỏi không? Nó đáp: - Thưa mạnh giỏi. Còn ba mạnh giỏi không? - Ba cũng mạnh giỏi. Họ muốn nói thêm nữa, nhưng không biết nói gì. Và họ thấy nhẹ người khi người da trắng vô kiếm họ, để dắt họ lại tiều giáo đường trong khám. Cha Vincent bận y phục giáo phẩm đợi họ ở đó và đọc cho họ nghe một đoạn trong cuốn sách ông cầm tay. Rồi ông hỏi thanh niên có nhận người đàn bà này làm vợ không, hỏi thiếu nữ có nhận người đàn ông này làm chồng không. Và sau khi họ trả lời đúng như câu trong sách: “ Cam khổ cùng chịu, trong cảnh giầu có cũng như trong cảnh nghèo khổ, trong lúc đau ốm cũng như trong lúc khoẻ mạnh, cho tới lúc tử biệt ”. Khi họ trả lời như vậy rồi, ông phối hợp họ với nhau. Rồi ông thuyết giáo cho họ một chút, khuyên họ trung thành với nhau, có con thì dạy con cho chúng sợ Chúa. Thế là họ kết hôn với nhau và ký tên trong cuốn sổ. Làm lễ rồi, hai vị mục sư và thiếu nữ đi ra, để hai cha con ở lại với nhau. Kumalo bảo con: - Ba mừng rằng con đã có vợ. - Con cũng mừng, thưa ba. - Ba sẽ săn sóc con của con, cũng như thể nó là con của ba. Nhưng khi nhận thấy ý nghĩa lời mình mới thốt, môi ông run run và nếu con ông không cố nén đau khổ để ông hỏi câu dưới đây thì ông đã bật ra tiếng khóc rồi, dù ông đã quyết tâm không khóc. Con ông hỏi: - Bao giờ ba về Ndotsheni? - Ngày mai con ạ. - Mai ư? - Ừ, ngày mai. - Ba nói với má rằng con nhớ má nhé. - Ừ, ba sẽ nói, dĩ nhiên rồi. Ừ, nhất định là ba sẽ lặp lại lời con cho má con nghe. Ừ, dĩ nhiên rồi. - Nhưng ông không nói lớn lên như vậy, mà chỉ khẽ gật đầu. - Và, thưa ba…. - Cái gì, con… - Con có một số tiền trong trương mục bưu điện. Gần được bốn bảng, để lo cho đứa cháu. Ba ra phòng giấy họ sẽ giao lại cho. Con đã nói với họ rồi. - Ừ, ba sẽ ra lấy. Ừ, như con đã nói với họ. Ừ, dĩ nhiên… - Và, thưa ba… - Cái gì con? - Nếu cháu là con trai, xin ba đặt tên cho nó là Peter. Kumalo nghẹn ngào lặp lại: - Peter. - Vâng, con muốn đặt tên nó là Peter. - Thế con nếu là con gái? - Không, nếu nó là con gái, con chưa nghĩ đặt tên cho nó. Và, thưa ba… - Cái gì con? - Con có một gói để ở Germiston, trong nhà Joseph Bhengu, số nhà 12 đường Maseru. Bán đi lấy tiền cho con trai của con, thì con mừng lắm. - Ừ, ba hiểu rồi. - Còn mấy món khác nữa ở nhà Pafuri. Nhưng ngờ rằng nó sẽ bảo là không phải của con. - Pafuri nào? Chính thằng Pafuri đó ư? - Thưa ba, chính nó. - Thôi nên quên những món đó đi. - Xin tuỳ ý ba. - Con ạ, còn cái gói ở Germiston đó ba không biết làm sao lấy được, vì ngày mai ba đã về. - Nếu vậy thì thôi không sao. Kumalo thấy con ông tuy nói vậy chứ có vẻ buồn. ông bảo: - Để ba nói với mục sư Msimangu. - Như vậy hơn ba ạ. Kumalo có giọng chua chát: - Còn thằng Pafuri đó, thằng em con chú con nữa. Ba khó mà tha thứ cho chúng được. Gã thanh niên nhún vai, tỏ vẻ thất vọng: - Chúng chối, chúng nói dối, ba ạ. Chúng có mặt ở đó, đúng như con nói. - Nhất định là chúng có mặt ở đó. Nhưng bây giờ chúng không có mặt ở đây. - Chúng còn ở đây, thưa ba. Chúng còn bị tố cáo về một vụ khác nữa. - Ba không muốn nói vậy, con. Ba muốn nói rằng chúng không…chúng không… Nhưng ông không diễn tả được ý nghĩ của mình. Người con vẫn không hiểu, lặp lại: - Chúng còn ở đây, trong khám này. Mà con thì phải đi, ba ơi. - Đi ư? - Dạ, con phải đi lại…lại… Kumalo thì thầm: - Lại Pretoria? Nghe cái tên rùng rợn đó, gã té quị xuống sàn, phủ phục như những người Ấn Độ khi cầu nguyện, nó gào khóc, rên xiết thê thảm, co quắp người lại. Vì nó sợ chết quá. Ông già thương con đến đứt ruột, quì xuống xoa xoa đầu nó. - Can đảm lên con. Nó hét lên: - Con sợ quá. Con sợ quá. - Can đảm lên con. Đứa con ngồi xổm lên, không giấu nỗi tuyệt vọng của mình, mặt mày nhăn nhó, khóc lóc: - Ôi chao! Ôi chao! Con sợ bị treo cổ quá, con sợ bị treo cổ quá. Người cha vẫn còn quì, nắm hai bàn tay của con; bàn tay nó không còn chút sinh khí mà cũng bám lấy tay cha, tìm một chút an ủi, một chút vững bụng. Ông xiết chặt tay con hơn nữa, lặp lại: - Can đảm lên con. Người coi khám da trắng nghe thấy tiếng la khóc, bước vô bảo, giọng có chút thương hại: - Ông già, tới lúc ông phải ra rồi. - Tôi sắp ra đây, thưa ngài, tôi sắp ra đây. Xin cho chúng tôi một chút nữa thôi. - Một phút thôi thì được. Người coi khám nói xong, thì bước ra. - Này, khăn đây con chùi nước mắt đi con. Người con đỡ lấy chiếc khăn, chùi nước mắt. Nó quì xuống sàn, nín khóc, nhưng mắt lờ đờ ngó ra xa. - Ba phải đi đây, con. Con ở lại mạnh giỏi nhé. Ba sẽ săn sóc cho vợ và con của con. - Dạ. Mặc dầu nó đáp: “ Dạ ”, nhưng nó không còn nghĩ tới vợ, tới con nữa. Cái nơi mà nó đương nghĩ tới không có vợ con gì cả, cái chỗ mà nó lờ đờ nhìn vào, không có hôn nhân, gia đình gì cả. - Ba phải đi đây, con. Ông đứng dậy, nhưng con ông ôm lấy đầu gối ông la lên: - Ba đừng bỏ con ở lại đây, ba đừng bỏ con ở lại. Rồi nó lại gào khóc rùng rợn, la lớn: - Không, không, ba đừng đi. Người da trắng coi khám trở vô, giọng nghiêm nghị: - Ông già, ông phải đi ra thôi. Kumalo muốn đi ra, nhưng đứa con ôm cứng đầu gối ông kêu gào khóc lóc. Người coi khám rán gỡ tay nó ra mà không được, gọi một người khác vô tiếp sức. Và hai người lôi thanh niên đó đi. Kumalo tuyệt vọng, nói với con: - Ở lại mạnh giỏi, con. Con ông đâu có nghe ông nói nữa. Thế là hai cha con cách xa nhau. Rầu rĩ, nát lòng, ông rời con bước ra khỏi cái cửa sắt đục trong tường, nơi đó có mấy người khác đương đợi ông. Thiếu nữ lại gần ông, hơi mỉm cười e lệ thưa: - Umfundisi. - Ừ, con. - Bây giờ con là con của cha rồi. Ông rán mỉm cười đáp lại: - Ừ. Nàng muốn nói thêm về chuyện đó, nhưng nhìn ông thì thấy ông đương nghĩ chuyện khác, nên nàng thôi.
Ở nhà khám về, Kumalo lên cái dốc đưa lại tiệm thợ mộc của em. May mắn làm sao, trong cửa hàng không có ai cà, ngoài người em cổ như cổ bò mộng. Em ông chào ông vẻ hơi ngượng ngùng. - Tôi lại chào chú đây. - Vậy là anh về Ndotsheni hả? Anh vắng nhà đã lâu, anh về chắc chị mừng lắm. Bao giờ anh về? - Về chuyến xe lửa chín giờ sáng mai. - Vậy cô Gertrude cũng về với anh hả? Và đứa con của cô ấy nữa. Việc anh làm đó tốt đấy, Johannesburg không phải là nơi cho một người đàn bà cô độc ở. Để tôi bảo pha trà. Ông ta đứng dậy gọi người vợ ở phía sau cửa tiệm, nhưng Kumalo ngăn lại. - Thôi chú, tôi không khát. John Kumalo bảo: - Anh không muốn uống thì thôi. Tôi có thói quen khách tới thì bảo pha trà. Ông ta ngồi xuống, làm bộ muốn châm một ống điếu bự hình đầu bò mộng, tìm hộp quẹt trong đống báo, mà không nhìn anh. Hai hàm răng cắn ống điếu, ông ta nói tiếp: - Việc anh làm đó tốt đấy, Johannesburg không phải là nơi cho một người đàn bà cô độc ở. Mà đứa nhỏ về quê ở cũng hơn. Kumalo bảo: - Tôi còn dắt về một đứa con gái nữa. Vợ của con tôi, nó đương có mang. John Kumalo chăm chú nhìn cây quẹt gí vào miệng ống điếu, bảo: - Tôi có nghe chuyện đó. Anh làm thêm một việc tốt đó nữa. Thuốc đốt cháy rồi, ông ta thật chăm chú đưa ngón tay cái nén thuốc xuống. Sau cùng, không còn việc gì làm nữa, ông ta mới nhìn anh qua làn khói. - Nhiều người lại nói bảo tôi: Ông anh của ông làm những việc đó tốt đấy. Vậy, anh về cho tôi gởi lời thăm chị và bà con họ hàng nhé. Sáng sớm ngày mốt anh sẽ tới Pietermaritzburg, và anh sẽ lên chuyến xe lửa đi Donnybrook, và chiều tối hôm đó anh sẽ tới Ndotsheni. Ờ, ờ, cuộc hành trình dài thật. - Này chú, có một điều chúng ta phải nói với nhau. - Anh cứ nói. - Tôi đã suy nghĩ lung về điều đó. Tôi lại đây không phải để trách chú đâu. John Kumalo như đã chờ sẵn lời đó, vội vàng phản kháng: - Trách ư? Tại sao anh lại trách tôi? Có xử án, có quan toà mà. Cái đó có tùy thuộc anh hay tôi hay một người nào khác đâu. Mấy đường gân nổi lên ở cổ bò mộng, nhưng Kumalo nói tiếp ngay: - Tôi không bảo rằng tôi có thể trách chú. Như chú mới nói, có xử án, có quan toà. Và cũng có một vị Chánh thẩm tiếng tăm, và chú và tôi, chúng ta không nên nói tới ngài. Nhưng còn một điều khác, chúng ta phải nói với nhau. - Ừ, ừ, tôi hiểu. Điều gì vậy? - Trước hết tôi muốn lại chào chú trước khi về quê nhà. Nhưng không thể lại chào mà không nói gì cả. Chú đã thấy việc xảy ra cho con tôi đấy chứ. Nó đã bỏ nhà và bị hư hỏng. Cho nên tôi nghĩ nên cho chú hay và cảnh cáo chú: còn con của chú đấy nữa, nó cũng bỏ nhà ra đi đấy. John Kumalo đáp: - Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó. Khi xong cái chuyện lôi thôi này rồi, tôi sẽ dắt nó về đây. - Chú đã quyết tâm rồi ư? - Quyết tâm rồi, tôi hứa chắc với anh như vậy – Ông ta cười vang lên như bò mộng – Không lẽ bao nhiêu việc tốt, tôi để anh làm hết. Tôi sẽ làm thịt một con bê mập. - Chuyện đó nên nhớ đấy. - Vâng, vâng, chuyện đó phải chứ. Tôi đâu có coi thường những lời phải đâu, vin cớ rằng…rằng…anh hiểu tôi chứ? - Và đây còn điều cuối cùng này nữa. - Anh là anh. Muốn nói gì xin anh cứ nói. - Hoạt động chính trị của chú. Nó sẽ đưa chú tới đâu? Những đường gân ở cổ bò mộng lại nổi lên. - Hoạt động chính trị của tôi là chuyện riêng của tôi, mà anh. Tôi có nói gì về tôn giáo của anh không? - Chú mới bảo tôi muốn nói gì thì cứ nói. - Vâng, vâng, tôi có nói vậy. Vâng, vậy anh cứ nói đi, tôi xin nghe. - Những hoạt động đó đưa chú tới đâu? - Tôi biết tôi chiến đấu cho cái gì mà. Xin anh thứ lỗi cho – Ông ta cười oang oang - Mục sư Msimangu không có ở đây, nên anh cho phép tôi nói tiếng Anh nhé. - Tuỳ ý chú. - Anh đã đọc sử. Anh biết sử dạy chúng ta rằng giới lao động không thể bị áp bức hoài được. Nếu họ biết đoàn kết với nhau thì ai chống nổi họ? Dân chúng của mình càng ngày càng hiểu điều đó. Nếu họ quyết tâm thì không có công việc gì thực hiện nổi ở Nam Phi này. - Chú muốn nói nếu họ đình công hết? - Phải, tôi muốn nói vậy. - Nhưng cuộc đình công mới rồi thất bại đấy thôi. John Kumalo đứng dậy, thẳng người lên, gầm lên trong họng. - Anh thấy họ đàn áp chúng ta ra sao không? Họ dùng sức mạnh bắt chúng ta phải trở vô mỏ làm việc như một bọn nô lệ. Chúng ta không có quyền ngưng làm việc ư? - Chú có căm thù người da trắng không? John Kumalo nhìn anh, có vẻ nghi ngờ: - Tôi không căm thù ai hết. Tôi chỉ căm thù sự bất công. - Nhưng tôi đã nghe được vài điều chú đã nói. - Những điều gì? - Tôi nghe rằng có vài điều nguy hại. Tôi nghe nói rằng họ để ý tới chú và tới lúc thì họ sẽ bắt giam chú. Tôi phải cho chú hay điều đó, vì chú là em tôi. Rõ ràng là cặp mắt John Kumalo lộ vẻ sợ sệt. Con người to lớn đó, có vẻ một em bé bị rầy. Ông ta nói: - Tôi không biết người ta nói với anh những điều gì? - Người ta bảo là một vài điều đã nói trong cửa tiệm này. - Trong cửa tiệm này? Ai mà biết được những điều đã nói trong cửa tiệm này? Mặc dầu Kumalo đã bao nhiêu lần cầu nguyện Chúa cho mình đủ nghị lực để tha thứ, mà bây giờ ông vẫn muốn làm cho em ông đau khổ. - Chú biết rõ tất cả những người vô cửa tiệm này không? Biết đâu chẳng có kẻ được sai tới để phản chú? Con người to lớn như bò mộng đó chùi mồ hôi trên trán. Kumalo biết rằng em mình đương tự hỏi một chuyện như vậy có thể xảy ra được không. Và mặc dầu ông đã cầu nguyện bao nhiêu lần mà ý muốn làm cho em đau khổ vẫn mạnh hơn, mạnh tới nỗi ông muốn nói dối, tự tìm không được, và nói dối. - Tôi nghe nói có thể người ta đã sai một người tới đây để dò la, phản chú. Một bạn thân của chú. - Anh nghe nói vậy? Kumalo xấu hổ, đành phải đáp: - Tôi nghe nói vậy. Con người to lớn như bò mộng nói: - Bạn thân nào kìa? Bạn thân nào kìa? Kumalo đau xót trong lòng thốt ra: - Con trai tôi có hai đứa bạn thân như vậy. Con người to lớn ngó ông: - Con trai anh? Rồi bổng hiểu ý nghĩa tất cả của cậu chuyện này, John Kumalo nổi giận đùng đùng, quát lớn: - Anh cút ngay đi, cút ngay đi. Ông ta lật đổ chiếc bàn ở trước mặt, sầm sầm tiến lại phía Kumalo, Kumalo phải rút lui ra cửa rồi bước ra đường. Phía sau ông, cánh cửa sập lại đánh rầm một cái, có tiếng chìa khoá kêu “ cách ”, và tiếng chốt cửa bật mạnh vào ổ trong cơn giận dữ của người em. Ra tới đường, ông lão vừa nhục nhã vừa xấu hổ. Nhục nhã vì người qua đường ngạc nhiên ngó ông; xấu hổ vì ông lại thăm em không phải để làm cái việc đó. Ông định lại nói với em rằng quyền uy làm hư hỏng con người, rằng một con người chiến đấu cho sự công bằng thì bản thân phải trong sạch, thanh liêm, rằng tình thương đó còn lớn hơn là sức mạnh. Nhưng mấy lời đó, ông chẳng nói ra được lời nào cả. - Xin Thượng Đế thương con với. Xin Chúa Ki tô thương con với. Ông quay trở lại cửa tiệm, nhưng cửa đã khoá chặt và cài chốt. Ôi, anh em ruột thịt với nhau, mà người nọ đuổi người kia đi. Thiên hạ ngó ông. Ông đau xót lủi thủi bước đi.
Jarvis nói: - Tôi mang ơn anh chị nhiều quá. - Có gì đâu anh. Chúng tôi còn muốn giúp anh chị được nhiều hơn nữa. John Harrison đã đánh xe lại, mà Jarvis và Harrison còn đứng nói chuyện với nhau một lát nữa. - Anh cho tôi gởi lời thăm chị, thăm Mary và các cháu nhé. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ lên thăm anh chị. - Vậy thì vui cho chúng tôi lắm, anh Harrison. Harrison hạ giọng xuống: - Có việc này tôi muốn nói với anh, về vụ xử án đó. Chết rồi thì không cứu sống lại được nữa, nhưng xử như vậy là công bằng, cực kỳ công bằng. Tôi nghĩ không có cách nào xử khác được. Nếu xử khác thì tôi sẽ có cảm tưởng rằng trên thế giới này không có công lý nữa, tôi chỉ hận rằng hai đứa kia được tha. Ông Chưởng lý đã làm cho vụ đó hoá ra rối ren, đáng lẽ phải bắt mụ Mkize khai ra chứ. - Vâng tôi cũng nghĩ như anh. Thôi xin chào anh và cảm ơn anh lần nữa. - Giúp anh tôi vui lắm chứ, có gì đâu mà cảm ơn. Tới nhà ga, Jarvis đưa cho John Harrison một bao thư, bảo: - Khi nào xe chạy rồi cháu hãy mở ra. Đợi xe chạy rồi, John mới mở ra đọc mấy hàng chữ này: “ Để tặng câu lạc bộ của cháu. Cháu nên làm tất cả những việc của Arthur và cháu muốn làm đi. Muốn lấy tên Arthur Jarvis đặt cho hội cũng được, nhưng bác nghĩ điều đó không cần thiết ”. John lật thư coi tấm chi phiếu đính hậu. Cậu ngước mắt nhìn về phía chiếc xe lửa như muốn chạy đuổi theo nó. Cậu thốt lên: - Một ngàn bảng! Trời đất thánh thần ơi! Một ngàn bảng!
Nhà bà Lithebe có dạ hội và Msimangu chủ tọa. Buổi dạ hội đó không vui, điều đó ai cũng đoán được. Thức ăn nhiều đấy, nhưng không khí vẫn đượm buồn, Msimangu chủ tọa theo lối châu Âu, đọc diễn từ khen những đức tính quý hóa của vị mục sư, đạo huynh của mình, và khen bà Lithebe săn sóc hết thảy những người ở trọ trong nhà như mẹ săn sóc con. Kumalo cũng nói ít lời nhưng ông lắp bắp, ngập ngừng vì còn bận trí về tội nói dối và cuộc gây gổ của mình ban sáng. Ông cảm ơn lòng tử tế của Msimangu và bà Lithebe. Bà Lithebe không chịu đứng dậy nói, chỉ ngượng nghịu cười cười như một thiếu nữ, lắp bằp rằng ở đời thì phải giúp đỡ lẫn nhau. Những thím đẫy đà, bạn của bà, đỡ lời bà, đọc một diễn từ tràng giang gần như bất tuyệt để ca tụng lòng tốt của hai vị mục sư và bà Lithebe; rồi lại thẳng thắn nhắc nhở Gertrude và thiếu nữ phải sống một đời kiểu mẫu để đền đáp công ơn của ba người đó. Nhân cái đà đó, bà thuyết luôn một hồi, kể những nguy hại của châu thành Johannesburg, mạt sát những tội lỗi của những người ở Sophiatown, Claremont, Alexandra và Pimville, riết rồi Msimangu phải đứng dậy bảo thím ta: - Thím ạ, sáng mai chúng tôi còn phải dậy sớm, nếu không thì sẽ vui vẻ xin được thím nói suốt đêm nay. Và thím ta ngồi xuống, tươi cười, hoan hỉ. Rồi Msimangu bảo rằng ông có một tin báo với họ, một tin giữ kín cho tới bây giờ và họ sẽ là những người đầu tiên được biết. Ông sẽ vô một nhà tu kín, không màng thế tục nữa, bỏ hết của cải, và ở Nam Phi ông là người da đen đầu tiên có quyết định như vậy. Mọi người vỗ tay khen ông, cảm ơn Chúa đã dẫn dắt ông, Gertrude thích thú ngồi nghe các diễn từ, trong khi đứa nhỏ nằm ép vào ngực nàng mà ngủ. Thiếu nữ cũng mỉm cười, chăm chú nghe vì từ trước chưa bao giờ được thấy một cuộc hội họp như vậy. Rồi Msimangu bảo: - Sáng mai chúng ta còn phải dậy sớm ra ga, vậy chúng ta phải đi nghỉ thôi, bảy giờ sáng xe tắc xi sẽ tới đây rước. Họ cùng hát một bài thánh ca, rồi cầu nguyện để kết thúc buổi tiệc, và thím đẫy đà ra về sau khi cảm ơn một lần nữa bà Lithebe đã tử tế với tất cả mọi người. Kumalo tiễn bạn ra tới cửa rào, Msimangu bảo: - Tôi không màng tới thế tục nữa, đã từ bỏ hết của cải, nhưng tôi để dành một số tiền nhỏ. Tôi không còn cha mẹ để cung dưỡng, và tôi đã xin phép Giáo hội tặng huynh số tiền đó để bù vào tất cả những chi phí của huynh ở Johannesburg, và giúp đỡ huynh trong những nhiệm vụ mới của huynh. Ông ta đặt cuốn sổ vào tay Kumalo, và Kumalo đoán ngay được là một cuốn sổ trương mục gởi tiền ở Bưu điện. Kumalo đặt bàn tay cầm cuốn sổ lên cửa rào, gục đầu trên bàn tay mà khóc. Msimangu bảo: - Huynh đừng làm tôi mất vui, vì chưa bao giờ tôi được vui như vầy. Những lời đó, lại càng cho ông xúc động, ông khóc nức lên, Msimangu lại phải nói: - Có người tới kìa, nín đi. Họ nín thinh, đợi người kia đi qua rồi, Kumalo mới nói: - Trong đời tôi, tôi chưa gặp một ai như huynh. Msimangu vội nói: - Tôi vốn là con người nhu nhược, tội lỗi, nhờ Thượng Đế ra tay cứu vớt, chỉ thế thôi. Về việc của cháu, ngài Toàn quyền họp Hội đồng Chính phủ sẽ quyết định có nên ân xá hay không. Khi nào cha Vincent được tin sẽ cho huynh hay liền. - Và nếu không được ân xá? Msimangu nghiêm trang: - Nếu không được ân xá thì tới ngày đó một người trong nhóm chúng tôi sẽ lại Pretoria rồi sẽ cho huynh hay…Khi mọi việc xong cả. Thôi bây giờ tôi phải về, chúng ta còn phải dậy sớm. Nhưng tôi cũng phải nhờ huynh một việc. - Việc gì tôi cũng xin hết lòng. - Xin huynh cầu nguyện cho tôi thực hiện được quyết định mới về cuộc đời của tôi. - Tôi còn sống ngày nào thì ngày ấy tôi sẽ cầu nguyện sáng và tối cho huynh. - Chúc huynh an giấc. - Chúc huynh an giấc, Msimangu, người bạn thân nhất của tôi. Cầu xin Thượng Đế luôn luôn phù hộ cho huynh. - Cũng phù hộ cho huynh nữa. Kumalo nhìn theo bạn đi xuống con đường quẹo vô hội truyền giáo. Rồi ông trở vô phòng, đốt cây nến, mở cuốn sổ ra coi. Số ký ngân là ba mươi ba bảng, bốn si-ling và năm pen-ni. Ông quỳ sụp xuống, than thở, hối hận rằng mình đã nói dối và gây chuyện với em. Ông muốn lại nhà em tức thì, như thể lương tăm ông thúc đẩy, ban lệnh cho ông vậy, nhưng lúc đó đã khuya quá. Ông định bụng thế nào cũng viết thư cho em. Ông cảm ơn Thượng Đế về lòng tốt của con người và thấy trong lòng phấn khởi lên. Xong ông cầu nguyện cho con ông, sáng mai mọi người đều trở lại quê hương, trừ con ông. Con ông sẽ phải ở lại, người ta sẽ đưa tới khám lớn Pretoria,nhốt nó một mình trong một phòng giam có chấn song sắt; và nếu nó không được ân xá, thì phải ở đó cho tới ngày người ta treo cổ nó. Hỡi ơi! Bàn tay sát nhân kia đã có lần nắm chặt vú mẹ kề cái miệng xinh xinh hau háu vào bú, và đã có lần len lén nắm bàn tay cha khi hai cha con đi ở ngoài trời trong đêm tối. Hỡi ơi! Tên sát nhân sợ chết kia đã có một hồi là một em bé sợ bóng tối. Khi ông thức dậy thì trời còn mù mù. Ông đốt cây nến, sực nhớ tới lời hứa với bạn, bèn quỳ xuống cầu nguyện cho bạn. Rồi ông lặng lẽ mở cửa, khẽ lay thiếu nữ: - Dậy đi con. Nàng vội vàng tung mền ra, ngồi dậy đáp: - Con sửa soạn xong ngay bây giờ đây. Thấy nó hấp tấp, ông mỉm cười, bảo: - Ndotsheni, ngày mai chúng ta sẽ về tới Ndotsheni. Ông mở cửa phòng Gertrude, đưa cao cây nến lên. Nhưng Gertrude đã đi rồi. Đứa cháu nhỏ còn nằm đó, chiếc áo đỏ, chiếc khăn trắng ở đó, mà Gertrude thì đi rồi.