Mọi người đứng dậy khi ông Chánh thẩm bước vô phòng xử, người ta đứng dậy một cách nghiêm trang hơn vì hôm nay là ngày tuyên án. Ông Chánh thẩm ngồi xuống trước, rồi tới hai ông phụ thẩm, sau cùng tới công chúng; và người ta dẫn ba bị cáo lên. Ông Chánh thẩm tuyên bố: “ Tôi đã suy nghĩ, xem xét kỹ vụ này, hai ông phụ thẩm của tôi cũng vậy. Tôi đã chăm chú nghe tất cả các lời cung khai, chứng ngôn mà người ta đưa ra, chúng tôi đã xem xét, phân tích từng điều một ”. Thầy thông ngôn dịch lời của ông chánh thẩm ra tiếng Zulu: “ Bị cáo Kumalo không kiếm cách chối tội. Luật sư đã lựa cách đặt bị cáo vào địa vị chứng nhân và bị cáo đã thành thực kể lại đầu đuôi việc bắn chết Arthur Jarvis trong ngôi nhà của ông ở Parkwold. Bị cáo lại còn chống đỡ rằng không có ý giết, cũng không có ý nổ súng. Sở dĩ đem theo khẩu súng chỉ là để doạ người bồi Richard Mpiring, và nghĩ rằng giờ đó nạn nhân không có nhà. Lát nữa chúng ta sẽ xét lời khai đó, nhưng chúng ta nên nhớ rằng lời khai đó có vài điểm cực kỳ quan trọng quyết đoán tội lỗi của bị can thứ nhì và thứ ba. Bị can thứ nhất khai rằng bị can thứ ba tức Johannes Pafuri đã vạch kế hoạch hành động và chính Pafuri đã đập lên đầu người bồi Mpiring làm cho người này té xỉu. Lời khai đó được chính Mpiring xác nhận, vì Mpiring bảo đã nhận mặt được Pafuri nhờ cái tật mắt y giật giật ở phía trên cái khăn che kín nửa dưới mặt. Lại có điều này nữa là Mpiring đã chỉ được đúng Pafuri trong số mười người khác cũng che nữa mặt như Pafuri và vài người cũng có tật giật giật như Pafuri. Nhưng luật sư biện hộ viện lẽ rằng những tật giật giật đó giống nhau chứ không giống y hệt nhau, và nội cái việc gom được nhiều người vóc dáng như nhau thôi đã khó rồi, đừng nói là có cùng một tật giật giật như nhau nữa, mà Pafuri thì Mpiring biết rõ lắm. Luật sư biện hộ bảo rằng sự nhận diện chỉ có giá trị nếu cả mười người vóc dáng đều như nhau và đều có cái tật giật giật y hệt nhau. Chúng ta không thể chấp nhận hoàn toàn luận điệu đó được vì nó sẽ đưa tới kết luận rằng sự nhận diện chỉ có giá trị khi mọi người đưa ra nhận diện phải y hệt nhau. Nhưng luận điệu đó có một phần đúng: một đặc trưng rõ rệt như tật giật giật có thể làm cho ta nhận diện lầm nhất là khi nửa dưới mặt bị che kín. Chúng ta nhận rằng: nói tới nhận biết là nhận biết một khuôn gương, một toàn thể và khi cái khuôn gương đó bị che đi một phần thì sự nhận biết sẽ không được chắc chắn. Sự thực thì nó có phần nguy hiểm nữa vì có thể che giấu những nét khác nhau đi mà chỉ để lộ những vết giống nhau thôi. Chẳng hạn hai người có một nét thẹo giống nhau, nếu ta che những chỗ khác đi chỉ để lộ những chỗ có thẹo thôi thì rất dễ lầm người này với người kia. Vậy thì có thể là sự Mpiring nhận diện kẻ đã hành hung mình chưa đủ chứng tỏ rằng Pafuri là kẻ đó. “ Vả lại, chúng ta nên nhớ điểm này là bị cáo thứ nhất Absalom Kumalo đã khai rằng Pafuri có mặt ở đó và đập lên đầu Mpiring, và khai như vậy sau khi cảnh sát hỏi về chỗ ở của Pafuri. Phải lúc đó y nẩy ra cái ý làm cho Pafuri bị liên luỵ không? Hay là trước kia kẻ sát nhân và Pafuri đã đồng loã với nhau rồi? Luật sư của bị cáo thứ nhất chứng tỏ rằng Absalom Kumalo đã có tâm trạng sợ sệt liên tiếp trong mấy ngày và khi bị bắt thì y đã sẵn sàng thú tội cho nhẹ nỗi lòng đi rồi, như vậy thì chính tâm trạng đó đã thúc y khai hết ra, chứ không phải là vì cảnh sát hỏi y về Pafuri, dù hỏi về tên khác thì y cũng khai hết từ đầu đến cuối. Chính lời y tự tả tâm trạng của y làm cho lời giả thiết trên, có thể tin được. Nhưng chúng ta cũng không thể gạt bỏ giả thiết này là y níu lấy tên Pafuri, bảo Pafuri có dự vào vụ đó để khỏi chịu một mình tất cả trọng tội đó. Nhưng nếu vậy thì y giấu tên của kẻ thực sự đồng loã với y làm chi, vì không có lý gì mà không tin lời Mpiring khai rằng có ba người vô nhà bếp. Bị cáo thứ nhất đã khai đúng những hành vi của chính y. Thế thì có lý gì y lại khai bậy cho hai kẻ vô tội mà giấu tên hai kẻ phạm tội? “ Chúng ta cũng nên nhớ sự trùng hợp kỳ dị này nữa, là cái điều người ta viện ra là nhận diện sai lại làm cho một kẻ đồng loã lo ngại và thú liền (1) “ Còn thêm một nỗi khó khăn trong vụ rắc rối này nữa. Trong số hai bị cáo khác, không có bị cáo nào – ngay cả đến Babu Mkize cũng vậy - chối rằng cả bốn người đều có mặt ở số nhà 79, đại lộ Hai mươi ba ở Alexandra, cái đêm sau khi xảy ra án mạng đó. Cũng do một sự tình cờ gặp nhau nữa chăng mà bị cáo thứ nhất nảy ra ý tố cáo bị cáo thứ nhì và thứ ba là đồng loã với mình? Hay là chính y đã muốn có cuộc hội họp đó? Trong cuộc họp đó họ có bàn về án mạng đó không. Baby Mkize là một chứng nhân rất đáng ngờ, nhưng cả ông biện lý lẫn luật sư của bị cáo thứ nhất dù đã chứng minh được điều đó một cách rõ ràng, mà vẫn không đưa ra được chứng cớ một cách chắc chắn rằng họ có nói tới án mạng trước mặt y thị. Y thị mới đầu khai man với cảnh sát rằng đã một năm rồi không gặp bị cáo thứ nhất. Y thị đã tỏ ra lúng túng, mâu thuẫn, sợ sệt, nhưng sự sợ sệt rồi sinh ra lúng túng đó có phải chỉ vì y thị nhớ rõ tối hôm đó có bàn về án mạng trước mặt mình? Điều đó chúng ta chưa thể quyết đoán được. “Công tố trạng cho rằng ba bị cáo liên kết với nhau từ lâu và nhấn mạnh rằng đã ra lệnh cho điều tra thêm về tính cách của sự hợp tác của họ. Nhưng dù họ trước kia có hợp tác với nhau, dù sự hợp tác đó có tính cách phạm pháp nữa, thì nó cũng chưa đủ chứng thực rằng lần này cả ba bị cáo đó đồng loã với nhau trong vụ án mạng này. “ Sau khi xem xét vụ này rất lâu và kỹ lưỡng, hai ông phụ thẩm và tôi cho rằng sự phạm pháp của bị cáo thứ nhì và thứ ba chưa được hiển nhiên và chúng tôi kết luận rằng nên miễn tố cho họ. Nhưng tôi chắc rằng người ta sẽ điều tra rất kỹ xem sự hợp tác trước kia của họ có tính cách phạm pháp không? ” Cả phòng thở ra nhẹ nhàng. Thế là một màn của bi kịch đã hạ. Bị cáo Asalom Kumalo không hề nhúc nhích, cũng không nhìn hai bị cáo mới được tha kia. Còn Pafuri thì nhìn khắp chung quanh, như muốn nói: “ Xử như vậy là đúng, là công bằng, như vậy mới là xử ” “ Còn lại trường hợp của bị cáo thứ nhất. Lời khai của y đã được xem xét tỉ mỉ, và những điều nào có thể kiểm soát được thì cũng thấy đúng hết. Không có lý gì để nghĩ rằng một kẻ tự dưng khai rằng mình là thủ phạm một tội mà mình không nhúng vào. Vị luật sư đáng kính của y biện hộ rằng y không đáng bị xử tử, viện lẽ rằng y rất xúc động, đau khổ vì hối hận đã hành động như vậy, và khen y đã thành thực, thẳng thắn thú tội, rồi nhấn mạnh vào điểm y còn trẻ tuổi, vào sự ảnh hưởng tai hại của một châu thành lớn trụy lạc với tính tình một thanh niên chất phác mới rời khỏi bộ lạc. Ông đã sâu sắc xét những tai hoạ gây sự tàn phá trong xã hội dân bản xứ của chúng ta và đưa ra những bằng chứng vững chắc rằng chúng ta chịu trách nhiệm về sự tàn phá đó. Nhưng dẫu có đúng rằng chúng ta vì sợ sệt hoặc ích kỷ hoặc vô tâm gây sự tàn phá đó, rồi chẳng chịu làm gì hoặc làm rất ít để sửa chữa lại, dù có đúng rằng chúng ta phải lấy điều đó làm xấu hổ, và có thái độ can đảm hơn thẳng thắn hơn thái độ từ trước tới nay của chúng ta, thì cũng còn điều này là chúng ta ít nhất cũng có một luật pháp và một trong những thành công đáng khen nhất của cái xã hội còn khiếm khuyết này là xã hội chúng ta đã tạo ra luật pháp, giao phó cho các vị thẩm phán điều hành luật pháp đó, và cho các vị ấy được thoát khỏi mọi sự bó buộc khác trừ cái nhiệm vụ điều hành luật pháp. “ Một vị thẩm phán không thể đùa giỡn với luật pháp vì cái lẽ xã hội còn khuyết điểm. Nếu luật pháp là luật pháp của một xã hội mà một số người cho là bất công thì phải thay đổi luật pháp và xã hội đó. Trong khi chờ đợi, vẫn có một luật pháp hiện hành, luật pháp đó phải được áp dụng và bổn phận thiêng liêng của vị thẩm phán là phải làm người ta tôn trọng nó. Và cái điều các vị thẩm phán được toàn quyền xét xử, cái điều đó phải được coi là một điều công bằng trong một xã hội, mà ở vài điểm khác, có thể bị coi là ít công bằng. Dĩ nhiên là tôi không muốn nói rằng vị luật sư đáng kính biện hộ cho bị cáo trong một phút nào đó có cái ý nghĩ không nên áp dụng luật pháp. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng một vị thẩm phán không thể và cũng không nên để cho những khuyết điểm của xã hội ảnh hưởng tới phán quyết của mình, mà chỉ nên áp dụng đúng luật pháp thôi. “ Theo pháp luật thì mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của mình trừ vài hoàn cảnh trong vụ này không ai dẫn chứng ra được. Ngoài những hoàn cảnh đó ra một vị thẩm phán không có nhiệm vụ quyết đoán rằng con người thực sự chịu trách nhiệm tới mức nào, cứ theo luật thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mà thẩm phán cũng không được tỏ lòng thương người. Một chức quyền cao hơn, như trong trường hợp này là quan Toàn quyền hội đồng chính phủ có thể ban lệnh ân xá, nhưng đó là việc của ngài. “ Tóm lại sự kiện ra sao? Thanh niên đó có ý xông vô một ngôi nhà để ăn cắp. Y mang theo khẩu súng nạp đạn sẵn. Y bảo là mang theo khí giới đó chỉ để dọa thôi. Nhưng nếu vậy thì tại sao lại nạp đạn sẵn. Y bảo không có ý giết người. Nhưng một tên đồng loã của y đã tàn nhẫn đập một gia nhân bản xứ tới bất tỉnh có thể chết được lắm. Chính y khai rằng khi giới đó là một thanh sắt, không có cách nào đánh người mà tàn nhẫn, nguy hiểm hơn cách đó. Y dự vào âm mưu đó và khi toà hỏi thì y nhận đã không phản kháng cái ý định dùng khí giới nguy hiểm giết người đó. Đành rằng nạn nhân là một người da đen và có một số người cho rằng khi nạn nhân là da đen thì một tội ác như vậy không đáng coi là nặng lắm. Nhưng không một toà án nào có thể chấp nhận một quan niệm như vậy. “Điểm quan trọng nhất là xét trong vụ này là bị cáo xác nhận mấy lần rằng y không có ý giết người, và người da trắng xuất hiện bất ngờ quá, y hoảng hốt sợ sệt nên nổ súng. Nếu toà nhận lời đó là đúng thì cũng phải nhận rằng bị cáo không có tội cố sát. “ Nhưng một lần nữa, chúng ta lại xét xem sự kiện ra sao. Người ta có thể coi ba thanh niên đó không phải là những kẻ nguy hiểm, giết người không? Phải, họ không vô nhà đó để cố ý giết người. Nhưng rõ ràng là họ mang theo những khí giới có thể làm mất sinh mạng của bất kỳ người nào làm trở ngại dự tính của họ. “ Về điểm đó, một nhà pháp luật học trứ danh Nam Phi đã nói như vầy: “Ý muốn giết người là một yếu tố căn bản của sự cố sát; nhưng ý muốn đó có thể ám tàng trong hoàn cảnh. Vấn đề là xét những sự kiện đã được chứng thực ở đây xem có thực là ý muốn đó có ám tàng hay không. Vì không phải chỉ trong trường hợp rõ ràng có sự quyết tâm giết người thì mới là có ý muốn đó, cả trong những trường hợp mục tiêu chỉ nhằm đả thương nặng có thể gây ra sự chết mà không cần biết sẽ chết hay không, cả trong những trường hợp đó, cũng phải coi là cố ý sát nhân. “ Chúng ta có thể nào cho rằng trong cái phòng nhỏ đó, trong thời gian rất ngắn ngủi rất bi thảm đó, một người da đen bị đập tới bất tỉnh một cách tàn nhẫn và một người da trắng vô tội bị bắn chết, mà những kẻ kia lại không có ý đả thương nặng nếu chúng thấy cần đả thương để thực hiện cho được ý muốn tội lỗi của chúng? Riêng tôi, tôi không thể chấp nhận một giả thiết như vậy được ” Phòng xử im phăng phắc. Viên Chánh thẩm cũng im. Không nghe thấy một tiếng động. Không một người nào ho, nhúc nhích hoặc thở dài. Viên Chánh thẩm tiếp tục: “ Absalom Kumalo, toà tuyên bố rằng anh phạm tội giết Arthur.T. Jarvis tại nhà ông ta ở Parkwold, xế trưa ngày mùng 8 tháng 10 năm 1946. Và toà tuyên bố rằng Matthew Kumalo và Johannes Pafuri vô tội, được tha bổng ” Hai tên sau bèn lại cầu thang xuống hầm, còn lại một mình tên thứ nhất đứng nhìn theo họ. Có lẽ hắn nghĩ: “ Bây giờ mình hoá ra cô độc ” Viên Chánh thẩm tiếp tục: “ Toà có thể dựa vào những khoản nào để khoan hồng? Tôi đã suy nghĩ lâu và kỹ về điểm đó mà không thấy được một hoàn cảnh giảm khinh nào cả. Bị cáo trẻ người thật nhưng đã tới tuổi thành nhân. Y vô một nhà với hai tên đồng loã, đem theo khí giới đều có thể giết người được cả. Chúng đã xử dụng hai khí giới đó, một khí giới gây hậu quả nghiêm trọng, còn khí giới kia làm chết một người. Toà án này có bổn phận trang nghiêm bảo vệ xã hội khỏi bị những kẻ nguy hiểm bất kỳ ở tuổi nào, hành hung tàn sát, và tỏ ra cho mọi người thấy toà sẽ trừng phạt một cách đích đáng những tội như vậy. Cho nên tôi không thể khoan hồng được ” Viên Chánh thẩm hỏi thanh niên bị cáo: - Anh có điều gì muốn nói nữa trước khi tôi tuyên án không? - Tôi chỉ xin nói điều này, là tôi đã giết người đó thật, nhưng tôi chỉ vì sợ mà giết chứ không cố ý giết. Cả phòng im lặng. Mặc dầu vậy một người da trắng cũng lớn tiếng yêu cầu yên lặng. Kumalo đưa tay lên bưng mặt, hiểu như vậy nghĩa là gì rồi. Jarvis ngồi rất ngay ngắn, vẻ mặt nghiêm nghị. Người trẻ tuổi da trắng ngó phía trước và cau mày. Thiếu nữ ngồi như em bé mắt đăm đăm nhìn ông Chánh thẩm, chứ không nhìn người yêu của mình. - Absalom Kumalo, tôi xử anh phải trở về khám và sẽ bị xử giảo. Cầu Chúa cứu độ linh hồn anh. Ông ta đứng dậy và mọi người đứng dậy theo. Nhưng không phải mọi người đều im lặng. Tội nhân té xuống sàn, kêu gào, khóc nức nở. Có một người đàn bà thút thít và một ông già kêu lên Tixo, Tixo. Không ai ra lệnh phải im lặng mặc dầu viên Chánh thẩm chưa ra khỏi phòng. Vì ai có thể cấm được lòng người tan nát.
Người ta ra về, người da trắng đi một phía, người da đen đi một phía, theo tục lệ. Nhưng người da trắng trẻ tuổi đã phá tục lệ đó. Ông ta và Msimangu đỡ ông già đau khổ, mỗi người cặp tay một bên. Rất ít khi tục lệ đó bị phá. Chỉ khi nào có người tan nát cõi lòng nó mới bị phá. Người trẻ tuổi cau mày giận dữ ngó phía trước. Một phần vì đây là một sự tan nát cõi lòng, một phần vì ông ta đã phá tục lệ. Vì một việc như vậy đâu có thể làm một cách khinh xuất được.
Chú thích: 1. Bản tiếng Pháp không có câu tối nghĩa này.