Chiếc xe lửa như một đồ chơi con nít leo con đường sắt hẹp téo, từ dưới thung lũng Umzimkulu lên miền đồi. Nó leo lên tới tận Carisbrooke rồi ngưng lại một chút, hành khách có thể xuống xe nhìn xuống thung lũng rộng từ đó họ khởi hành. Đừng lo xe chạy mà bỏ mình lại vì hành khách thưa thớt lắm, biết mặt nhau hết. Mà dù xe có chạy, bỏ bạn lại thì chẳng sao vì trừ phi tàn tật hoặc già nua, còn thì ai cũng có thể chạy theo mà đuổi kịp nó được. Nếu trời có sương mù thì nhìn xuống thung lũng đó không thấy gì đâu. Sương mù như vấn vương chung quanh bạn và ở dưới chân bạn; chiếc xe lửa và hành khách hợp thành một thế giới riêng biệt. Có người không thích sương mù, cho nó là lạnh lẽo, ảm đạm. Nhưng có người lại thích, thấy nó có cái gì bí mật, huyền ảo, hấp dẫn như mở đầu cho một cuộc phiêu lưu, như tiếng gọi của cảnh xa lạ. Chiếc xe đi qua một thế giới hư ảo và nhìn qua những cửa kính đóng sương bạn có thể thấy lờ mờ những đám cỏ và phượng vĩ ở hai bên đường rầy. Ở đây, cứ tới mùa thì trổ đầy hoa lan quan tử xanh, loài đằng rừng, loài từ bi đỏ như lửa, và đôi khi người ta nhìn thấy cả một hai cây ráy ở dưới thung lũng nhỏ. Và luôn luôn sau những đám hoa, hiện lên những bụi miên liễu như những bức tường mù mù, có vẻ những hình ma trong sương. Đứng đợi xe ở Carisbrooke trong khi nó từ dưới thung lũng lớn leo lên, là một việc thú vị. Những người đã quen biết rồi, có thể nghe mỗi tiếng còi mà cho bạn biết đích xác xe lửa đã tới đâu, nó đương chạy ngang qua con đường nào. Nhưng Stephen Kumalo thì mặc dù tới đây sớm cả giờ đồng hồ mà cũng không để ý nghe những câu chuyện đó. Chuyến đi này xa quá, và cũng tốn tiền quá. Không biết người em gái của ông đau nặng ra sao, tốn bao nhiêu tiền chạy chữa đây? Và nếu phải đưa em gái về quê nhà thì tốn kém thêm bao nhiêu nữa? Và Johannesburg là một đô thị lớn cơ man nào là đường phố tới nỗi người ta bảo đi suốt đời cũng chưa hết một lượt. Lại thêm cái nỗng nỗi phải đi xe buýt nữa, mà không phải như ở đây, chỉ có một chiếc xe buýt nên không thể lầm xe được. Ở đó có vô số xe buýt; mười chiếc, có lẽ hai chục chiếc chạy qua mới có một chiếc đúng đường của mình. Nếu lên lầm xe thì nó có thể đưa mình tuốt tới một chỗ khác. Và người ta còn bảo đi băng qua đường nguy hiểm lắm, mà làm sao không băng qua đường được? Chị Mpanza ở Ndotsheni ra ngoài đó thăm chồng, lúc chồng hấp hối, trông thấy xe cán chết đứa con trai của chị. Thằng nhỏ mười hai tuổi, thấy cái gì cũng lạ, thích lắm, đâm bổ vào chiếc xe còn chị rụt rè đứng ở bờ lề. Và chiếc xe cam nhông bự đã đè bẹp con chị ngay trước mắt chị. Còn thêm nỗi lo ngại lớn này nữa - nỗi lo ngại lớn nhất vì rất ít khi thổ lộ ra – là đứa con trai của ông bà ở đâu? Tại sao nó chẳng cho biết tin tức gì cả? Sau cùng một hồi còi vang lên và chiếc xe tiến lại. Ông Mục sư quay lại nói với người thân tín đi tiễn: - Cảm ơn em, em đã sẵn lòng giúp đỡ tôi. - Thưa Umfundisi, giúp được Umfundisi là cái vui của tôi. Cái tay nải này nặng lắm. Một mình Umfundisi xách không nổi đâu. Chiếc xe đã tới gần. Nó sắp vô ga. - Thưa Umfundisi. - Cái gì vậy em? - Thưa Umfundisi, tôi muốn nhờ Umfundisi một việc. - Cứ nói đi. - Umfundisi biết anh Sibeko chứ? - Biết. - Đứa con gái của Sibeko hồi trước đi làm ở đây cho người da trắng uSmith (1) ở Ixopo. Rồi khi cô con gái của uSmith lấy chồng, ra ở Johannesburg thì con gái của Sibeko cũng theo họ ra ngoài đó làm cho họ. Địa chỉ đây, có ghi tên mới của thiếu phụ đó. Có đến mười, mười hai tháng nay Sibeko không được tin tức gì của con gái. Anh ấy nhờ Umfundisi hỏi thăm giùm. Kumalo cầm miếng giấy lem luốt và nhàu nát, ngó rồi bảo: - Springs à? Tôi có nghe nói chỗ đó. Không phải ở Johannesburg nhưng người ta bảo gần đâu đấy. Xe tới rồi kìa. Để tôi rán hỏi thăm cho. Ông ta nhét chiếc giấy vào trong chiếc túi nhỏ (2) rồi cả hai đứng nhìn chiếc xe tiến tới. Như mọi chuyến xe miền quê Nam Phi, chuyến này chở đầy người da đen. Trên xe thực ra không có hạng người nào khác, vì trong miền này, người Âu nào cũng có xe nhà, gần như không đi xe lửa nữa. Kumalo lên toa dành cho hạng người – không phải người Âu, và đầy những người nghèo nhất cùng giống với ông, có người bận những bộ đồ tây lố lăng, có người khoác thêm lên bộ đồ tây lố lăng đó một chiếc mền, có kẻ ở trong bận sơ sài hở hang theo lối bản xứ, ngoài khoác chiếc mền, họ là đàn bà vì đàn ông ra ngoài không còn ăn bận theo lối bản xứ nữa. Trời hôm đó nóng, trong toa hơi người nồng nặc. Nhưng Kumalo vốn thuộc hạng bình dân, quen rồi không để ý tới. Hành khách thấy cái cổ cồn thầy tu của ông đứng dậy nhường chỗ ông ngồi. Ông ngó chung quanh nhìn xem có người nào để nói chuyện, nhưng không thấy ai trong giới của mình cả. Ông lại phía cửa xe, từ biệt người đi tiễn ông. Ông hỏi: - Tại sao Sibeko không đích thân lại nói với tôi? - Thưa Umfundisi, anh ấy sợ. Anh ấy không ở trong giáo phái chúng mình. - Thì cũng là ở trong làng trong xóm với nhau. Hễ có chuyện khó khăn thì chỉ được lại nhờ vả người cùng giáo phái với mình sao? - Thưa Umfundisi, tôi sẽ cho anh ấy hay. Kumalo hơi cất tiếng như một em nhỏ hoặc một người lớn khi muốn cho những người ở chung quanh nghe. - Về nói với anh ấy rằng tới Johannesburg, tôi sẽ lại Springs kiếm nhà đó – Ông vỗ vỗ vào cái túi áo, có miếng giấy đã nhét kỹ vào trong chiếc túi nhỏ của ông - Bảo anh ấy rằng tôi sẽ hỏi thăm tin tức đứa con gái đó cho. Nhưng cũng nói thêm rằng tôi bận việc lắm đấy. Có nhiều công việc ở Johannesburg lắm. Ông quay mặt đi chỗ khác, có vẻ như nói một mình, mà thực sự là để cho mọi người nghe: - Luôn luôn như vậy. - Thưa Umfundisi, tôi xin thay lời anh ấy cám ơn Umfundisi. Còi vang lên, chiếc xe lắc mạnh. Kumalo lảo đảo xuýt té. Ông nghĩ nên ngồi xuống cho vững hơn và đàng hoàng hơn. - Em ở lại mạnh giỏi nhé. - Xin chúc Umfundisi đi đường mạnh giỏi. Mục sư trở về chỗ ngồi cũ và mọi hành khách chăm chú ngó ông, kính trọng con người đi Johannesburg như đi chợ đó. Chiếc xe lửa lấy đà leo lên sườn các trái đồi cheo leo ở sát bờ các thung lũng, băng qua các bụi phượng vĩ và hoa cỏ, chui vô các đồn điền trồng miêu liễu âm u, chạy ngang qua Staiton rồi xuống Ixopo. Cuộc hành trình đã bắt đầu. Nỗi sợ hãi trỗi dậy trong lòng Kumalo, sợ không biết rồi ra sao, sợ các đô thị lớn, tại đó trẻ con băng qua đường bị xe cán, sợ cho bệnh tình của Gertrude, sợ cho đứa con trai của ông, nỗi sợ này sâu kín nhất trong lòng ông. Nỗi sợ sâu kín của một người, sống trong một thế giới lạc lõng không hợp với mình, còn chính cái thế giới của mình thì trốn đâu mất, chết đi, biến mất đi không bao giờ trở lại nữa. Mới lúc nãy ông còn hơi khoe khoang, nói dối chút xíu trước đám người kính phục ông, mà bây giờ đầu gối ông bủn rủn rồi… Con người khúm núm đó rút trong túi ra cuốn Thánh kinh và bắt đầu đọc. Chỉ có cái thế giới trong đó là không có gì bất trắc. Chú thích:
1. Chính là Smith, người da đen thêm âm “ u ” ở trước. 2. Thường bằng da, để chìa khoá và giấy tờ lặt vặt.