Nhiều nơi, nhất là vùng đất địa hình từ xưa, bày nhà thờ Tổ, còn gọi nhà thờ Họ, do người tộc trưởng chăm sóc rồi đến con người tộc trưởng, trong khi ở gia đình, vùng đất mới, hoặc ở đô thị, nếu có hoàn cảnh thì thờ ông bà tại nhà riêng tạm gọi Từ đường.
Ở nhà thờ Tổ, thường là thờ thần chủ, kiểu bài vị, thờ bốn đời trước gọi Cao, Tằng, Tổ, Khảo. Cha mình chết, gọi là “”Khảo”, một bia ghi Hiển Khảo. Thần chủ làm bằng cây, chính giữa khắc hoặc viết chữ nếu chức tước, họ tên, hai bên ghi ngày tháng năm sinh, năm mất.
Hễ đến đời thứ năm thì đem ông “Cao” (cũ) mà chôn (chôn cái thần chủ) rồi đôn lên, đại khái ông “Tằng” trở thành ông “Cao”. Không thờ quá bốn đời, đời thứ năm, xưa hơn, xem như chẳng còn dấu ấn.
Nếu thờ như vậy, nhà thờ Tổ sau thời gian dài chẳng còn chỗ nào để đôn lên, quá đông đúc. Như đã nói ở phần “Hôn lễ”, người cùng họ, đến đời thứ năm thì xem như người dưng, có thể cưới hỏi nhau bình thường, chẳng mắc tội loạn luân.
Đồ thờ được chọn lọc (sẽ nói ở phần Bàn thờ ông bà), đáng chú ý nhất là những tấm biển lớn, thếp vàng, hoặc nền đỏ chữ đen, chúc tụng dòng họ, như Đức Lưu Phương, hoặc lan Quế Đằng Phương, thêm những liễn đối ca ngợi công đức người đi trước, mong con cháu sau nầy gìn giữ và phát huy, cho dòng họ vẻ vang hơn.
Ba ngày đầu năm, con cháu tề tựu đến nhà thờ Tổ, mang theo lễ vật, tuy giàu nghèo; cúng xong, bày cỗ, cùng ăn. Thay vì cơm, thường dùng xôi. Nếu là dòng họ từng có học vị, khá giả, bày ra xướng “Cúc cung bái” rồi cũng đọc một bài Chúc, theo công thức “cây cội nước nguồn”. Ngày rằm tháng Bảy, có thể bày cúng ở nhà thờ Tổ, hoặc rằm tháng Chạp âm lịch, cuối năm, gần trùng hợp với lễ “Dẩy mả”.
Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn. Thờ người chết như người sống. Đi vào thực tế, ta thử quan sát vài nét điển hình ở bàn thờ tổ tiên, của gia đình cá thể, miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu nhà rộng rãi, dùng tranh thờ, ít khi thờ ảnh; nếu có thì để ảnh bên dưới tranh thờ. Về nguồn gốc loại tranh thờ hiện nay, quả là theo quá trình biến đổi về hình thức, nhưng nội dung vẫn đồng nhất.
Cuối thế kỷ thứ XIX, trước khi thực dân Pháp đến, người ở Nam Bộ thờ tranh sơn thuỷ, mơ hồ để làm nền để ghi hai chữ “Từ Đường” thật to. Hoặc gốc tre già, bên cạnh là mụt măng (tre tàn măng mọc). Hoặc 100 chữ Phước (chữ Hán). Nhiều tranh từ hương Cảng đem qua, khá đẹp và giá rẻ, bấy giờ Hương Cảng là nhượng địa của anh, máy in khá tối tân. Tranh bên Hương Cảng đưa qua lấy đề tài cũng là “cây cội nước nguồn”, với ngọn núi cao, dòng suối chảy, cây tùng bên sườn núi mọc cheo leo, lá xanh tười. Lại còn tranh vẽ phía sau tấm kiếng, nền sơn đen, chữ Hán sơn vàng, vẽ chữ Tho, chữ phước. Bấy giờ, ở Lái Thiêu (Sông Bé) nghề mộc đang phát triển, với thợ cẩn, đóng tủ thờ, bàn ghế. Người thợ Lái Thiêu nghĩ ra sáng kiến vẽ tranh thờ cũng phía sau tấm kiếng to nhưng với màu sắc vui tươi. Tranh kiếng dễ bảo quan, đem rửa với nước là sáng lên, màu sắc như nguyên vẹn, mới mẻ, trong rất nhiều năm. Bám vào tình hình đất mới với kinh tế thị trường, dễ giao lưu, mức sản xuất lúa gạo phía đồng bằng đang phát triển, người thợ ở Lái Thiêu bày ra kiểu tranh thờ với đề tài vừa dân tộc, vừa hiện đại để thỏa mãn giấc mơ của trung nông hoặc phú nông. Con rạch hiền lành, không sóng gió, với người chèo thuyền, chiếc cầu bằng cây, bên bờ là cây to (cây cội) hoặc rải rác vài cây điệp (phượng, nhập từ châu Phi, thời Pháp) Đặc biệt là ngôi nhà lợp ngói, nền đúc cao ráo, cửa lá sách (loại cửa này do người Pháp du nhập, theo kỹ thuật Tây Phương). Phía chân trời, tiếp với dòng sông là vùng biển, hiền lành, không sóng gió, va xa, vài hải đảo, lại có đàn chim bay. Hai bên bức tranh, vẽ hai câu liễn đối (cũng viết sau tấm kiếng đại khái: “Sơn thủy hữu tình thiên lý ngoại”…) phía trên là chữ đức Lưu Phương, vẽ thêm bông mẫu đơn hoặc trái đào (tiêu biểu cho Thọ). Màu mè vui mắt, không còn nhà lá cổ truyền ,cô gái chèo thuyền yểu điệu, thường là mặc áo bà ba trắng.
Ở miền quê, quen gọi “cái giường htờ”, vì như đã nói ở phần trước, lấy cái giường ngủ của người quá cố đem ra thờ (như khi còn sống). Phía trước giường thờ đặt cái tủ thờ. Cái giường, vì nhu cầu thâu hẹp, lần hồi được thay thế với cái bàn thấp, đặt sát vách, khi làm đám giỗ, thức ăn chưng bày trên đó, trước giường là cái tủ thờ (hoặc bàn thờ) khá cao che khuất. Cái tủ thờ vẫn là sáng kiến mới sau khi Pháp đến, cuối thể kỷ XiX. Thời phong kiến, đặt trước giường thờ là cái “bàn thờ” với bốn chân cao hơn cái giường thờ. Trên bàn là mặt bằng, chân cao lỏng khỏng, chỉ ở đình miếu dịp lễ hội mới bô trí cái “quần bàn che bốn chân” .
Bên Pháp, nghề mộc phát triển cao, nhiều mặt bàn ghế, đồ mộc gọn và dẹp. Ta bắt chước cái “tủ” của Pháp, theo mô thức thời vua Lu-I XVI, bề đứng cao hơn bề ngang, bốn phía bít bùng với vách ván. Mặt trước kín, không mở ra, cửa bố trí hai bên hông, phía sau lưng có thể là ván xấu vì che khuất. Mặt trứơc của tủ, theo công dụng bên Pháp là để trang trí, thường là miếng ván hình bầu dục ở giữa, bốn bên là hồi văn. Hai bờ của tủ, từ trên xuống dười, thường chạm “mô típ” những hạt chuỗi khít nhau, sẳn cây ván thừa thãi hồi đầu thế kỷ nhờ cây rừng miền Đông và cây nhập từ Campuchia, người bậc trung thời xưa có thể sắm cái tủ thờ bằng cây gò, cây trắc hoặc cẩm lại, để lại đến đời cháu nội mà vẫn còn tốt và cứng. nhất là tấm ván to, nguyên một khối, hình hột xoài ở giữa tủ nếu làm bằng cây “nu” thì quí giá vô cùng, thuộc vào loại đỉn cao về gỗ quí, nhệit đới. Nu là thứ bệnh tật của cây, thớ cây xoáy lại nhiều cục tròn, gân kề nhau, cây gõ, cây cẩm lai đều có nu. Bền và bình binh dân nhất là tủ đóng với cây thao lao (bằng lăng), bền và chắc, chịu đựng ẩm ướt của thời tiết.
Ngành mộc phát triển, về sau, khoảng 1925, thợ cẩn xả cừ từ đồng bằng sông Hồng vào Nam, bày ra cẩn mặt trước của tủ thờ với kiểu thức Á Đông , và đó là nét rất độc đáo của mỹ nghệ Việt Nam. Nào mẫu đơn, cúc dây, chữ thọ, đặc biệt trên mặt bầu dục của tủ bày ra điển tích “Cầu hôn Giang Tả” trong truyện Tam quốc, hoặc “ngủ tử đăng khoa”, (năm đứa con đi thi và đậu) hoặc mẫu đơn và con trĩ, cục đá quái dị, hoặc vách núi cheo leo với cây tùng, cái thảo am dành cho kẻ ẩn dật. Lại bày ra chơi chữ “phú quí Hồng Công”. Sang như người quí phái ở Hương Cảng, với mẫu đơn (biểu tượng của phú quí) vài đóa hoa hồng, và con công đang múa.
Người nghèo , tự an ủi với cái bàn thờ bốn chân, lêu khếu, trống trước trống sau. Cái giường thờ xưa đã mât, vì choán chỗ; khi làm đám giỗ, dọn thức ăn ra bộ ván giữa nhà. Ước mơ thầm kín của người miền quê vẫn là chờ khi làm ăn khá giả để mua sắm bức tranh thờ, với cái tủ bằng cây thao lao, cho rạng rỡ nhà cửa; dịp đám giỗ, cưới gả, cái tủ thờ đem lại thể diện cho người chí thú làm ăn, thành công trên đường đời, nhờ cần cù và tiết kiệm.
Có giả thiết đáng tin cậy: Đầu tiên, người thợ mộc ở Gò Công, (vùng Hòa Đồng) nghĩ ra sáng kiến đóng cái tủ Pháp thay cho cái bàn thờ xưa, nhưng không cẩn xa cừ, còn gọi tủ Gò Công. Về sau, ở Chợ thủ (gần Chợ Mới, tỉnh An giang) đòng tủ nầy nhờ gỗ đưa từ Camphuchia về, khá thuận lợi, gỗ kết lại, đặt trên bè kết với tre rừng, thả trôi theo dòng nước, không tốn kém như gỗ đưa về từ Tây Ninh.
Việc bố trí trên bàn thờ tổ tiên thống nhất từ Bắc chí Nam nhưng tùy hoàn cảnh giàu nghèo mà khác nhau về chi tiết.
Trước bàn thờ, quan trọng nhất vẫn là “tam sự” gồm:
Lư đốt trầm hương, phần lớn đúc bằng đồng, rỗng, để chứa tro than, mồi lửa cho trầm hương. Trên nóc, có cái nắp đậy lại, khoét lỗ nhỏ chung quanh để khói trầm xông lên, lan tỏa ra đều đặn bốn phía, nắp thường nhô lên, với trái đào hoặc con kỳ lân. Nghệ thuật đúc đồng của ta đặt trình độ khá cao, lắm khi bày kiểu cây tre, chân của lư với những mắt (đốt) như thân cây trẻ, lại bày ra lư đồng mắt cua, (đồng đỏ), hoặc đồng đen. Theo tôi, loại đồng đen nầy do các chuyên gia người Pháp phổ biến ở Hà Nội và Biên Hòa hồi đầu thế kỷ, vẫn là đồng htường lệ, tẩm vào công thức hóa chất, thêm phèn chua.
Ở đồng quê Nam Bộ, nói chung, không ai đủ tiền mua trầm, vì vậy cái lư chưng bày cho đẹp, tạo thế ổn định, gọi nôm na là “lư hương”, nhằm trang trí. Người trung lưu hoặc nghèo nàn sắm cái gọi là “lư nhang”, để cắm nhang (hương). Hoặc có cái lư đốt trầm rồi mà vẫn sắm cái lư nhỏ cắm nhang (vùa hương), thiết thực hơn.
Để cho đủ “tam sự”, thêm hai chân đèn, mỗi chân đen có bánh xe tròn ở khoảng giữa, hứng những giọt sáp từ ngọn lửa chạy xuống; hai cái chân đèn là Âm và Dương. Thời trước 1945, thợ tiện miền Quảng Ngãi hằng năm, vào dịp gần Tết dùng ghe bầu đưa vào phía đồng bằng những bộ “tam sự” xinh xắn, toàn bằng gỗ, tiện khéo léo.
Lắm khi bày ra “ngủ sự”, cũng như “tam sự” thêm hai cái vùa hương, bảo là một dành cho ông, một dành cho bà. Lại thêm hai cái lọ độc bình để sát vách, dành cắm hoa, không lọ sành hoặc gốm thì dùng lọ bằng cây.
Nhiều người bảo là “lộc bình”, nói trại “lục bình”, bình để cắm bông hoa, một dạng lộc, đem hy vọng. theo cụ Nguyễn Văn Tố thì đó là “độc bình”, chẳng giải thích vì sao gọi là “độc”? Phải chăng trên bàn thờ không nhất thiết hai bên đặt hai cái bình, nhiều nơi chưng một cái “độc bình”, bên kia để cho cân đối chưng cái ống to, bằng cây, để dự trữ nhang, từng thẻ.
Nếu bàn thờ rộng, bày ra cái “kỹ tam sơn”, đại khái, cái đế cao, khá vững, hình dài, chính giữa có phần nhô lên dành cho cái lư cắm nhang. Hai bên đặt ra cái kỹ trầu rượu, thêm cái tô đựng nước. Nhiều nơi. Khá giả, chưng hai cái tô khá to (gọi to con Rồng, thường vẽ hình con Rồng, thế kỷ XIX, qua XX) trên hai cái đài, trong tô, thêm cái muỗng, cán muỗng hình thù quăn queo, thường là dùng nhánh dây tầm gởi. Ta hiểu đây là kiểu tô dùng uống trà Huế (chè tươi, nấu trong om). Bình sinh, ngày xưa ông bà quen thói ăn trầu, trước khi ăn miếng trầu mới thì súc miệng với nước lạnh, phun vào ống nhổ, sạch miệng rồi bắt vào miếng trầu mới. Lắm khi , lúc còn sống, cha mẹ nghèo, sau nầy làm ăn khá, con cháu mua cặp tô, gọi là báo hiếu.
Trên bàn thờ ông bà, ngày xưa chưng bày cái “thần chủ” chữ khắc trên mếing gỗ, như kiểu lý lịch, thường nêu lên chức tước, đầu lớn đầu nhỏ, cấp bằng. Lại còn những đôi đũa, dựng đứng. Người khá giả thờ trọn cái giường, chưng làm kỷ niệm tại phòng khác. Ở viện bảo tàng, trước 1975, chưng bày cái giường, nguyên là cái Long đỉnh ở núi Tượng, thờ thần thánh khuất mặt. Con của Trần Bá Lộc dẹp cuộc khởi nghĩa núi Tượng (An Giang) tịch thâu về mà sử dụng hằng ngày, khi mất đem tặng Viện bảo tàng. Ta thấy ngày xưa giường ngủ, chỗ làm việc, nơi uống trà, hút thuốc phiện, đánh cờ tướng, đọc sách . . .thường gom một chỗ, lớn và rộng cỡ cái đi văn. Bốn gốc là bốn cây trụ, sơn son thếp vàng, với kiểu bao lam (cửa vòng) chạm nào mẫu đơn, sen, chim trĩ, trái đào. Ban đêm, giăng mùng tại đấy mà ngủ. Trên giường nào gối thấp để nằm; gối vuông và cứng, mặt gối thụt vào trong, với những ô vuông, nhiều màu sắc (gọi gối mặt thụt) để dựa tay, khi gia chủ nữa nằm nữa ngồi mà đọc sách.
Lại còn cây quạt lông chim để khi cần, gọi đứa tớ đến hầu hạ. theo bốn cây trụ nói trên, treo lủng lẳng nào đàn tì bà, đàn kìm. Tóm lại, ta thấy nho sĩ thời xưa chậm chạp, ung dung tự tại, muốn tóm thu trời đất vào cái giường, không thích cử động, khinh lao động tay chân, lười biếng khoa trương. Không là thói xấu của cá nhân nào, nhưng phong kiến là vậy, đối lập với nộng dân tảo tần, tay lấn chân bùn, chịu nắng lửa mưa dầu để tìm sanh kế tạm. Cái nhà Vàng của đám tang phảng phất cái giường sang trọng vừa mô tả. Lúc khoa học kỹ thuật Tây Phương lủng đoạn cõi Á Đông, nhỏ sĩ giật mình, nhiêu người tích cực ủng hộ phòng trào Duy Tân.
Lễ giỗ tổ tiên tổ chức bàn thờ, với hương đăng hoa quả cần thiết. Ngày đầu, gọi “tiên thường” , hiểu là trù bị, thao tác nội bộ, đơn giản nhưng khá đầy đủ để cho người còn sống hiểu đó là ngày giỗ, chỉ kém ngày chánh giỗ mà thôi. Thời trước, bà con ở xa gom về, tuỳ khả năng đóng góp, trên nguyên tắc, gánh nặng thuộc về người gữ hương hỏa vì người này đã hưởng đặc quyền thu huê lợi do cha mẹ để lại, thí dự như chút ít ruộng rường hoặc vài căn phố cho mướn.
Cúng nội bộ với sự ấm cúng và thân mật cần htiết vì “tiên thường” nặng về đối nội. Bà con, anh em, con cháu nghèo nhất phải được giúp đỡ phương tiện đến, đối xử bình đẳng. Việc ăn uống tự do, chú trọng người già cả, trẻ con. Thời xưa, ở nông thôn , chưa có nhà máy xay xát và bếp dầu. Làm thịt heo sẵn, dành cho hôm sua, gánh nước dự trữ, chuẩn bị tô chén, đũa cho đầy đủ, phơi củi, chọn gạo trắng, làm dưa chua, phân công tỉ mỉ, vì hôm sau là chánh giỗ, nhằm “đối ngoại” nhiều hơn. Thời phong kiến, đây cũng là dịp thu vén, bóc lột nhưng mang hình thức “đạo đức”. Tá điền cần đem đến cho chủ điền những thúng gạo, nếp ngon, cặp vịt., hoặc đặc sản hư đuôn chà là, con cá sấu (ở Nam Bộ thời xưa, cá sấu làm ón ăn sang trọng nhất). Rượu, là sự đóng góp, gần như bắt buộc. Tá điền đem gạo trắng, hai chai rượu thứ ngon cho người quản gia, chính người này lại đưa ra ngoài, bán lại chỗ cho người đến sau, rồi đưa vào lòng vòng (dịp tết cũng vậy). Quả là lợi dụng uy thế của kẻ làm chủ đất, viện cớ chính người điền chủ quá cổ đã trưng khẩn, đền ơn người quá cố là sự công bình.
Ngày chánh giỗ, cả gia đình tề tựu, mặc nghiêm chỉnh. Mâm cỗ do các cô dâu, con cháu trổ tài nấu nướng (hoặc mang về), thêm bánh khéo (như bánh qui, bánh thuẩn) Giờ cúng do người giữ hương hỏa quyết định, vì chính ông ta đựơc sự ủy thác của người quá cố hoặc được anh em bầu ra. Lắm khi giữ hương hỏa là con trai út, con thứ. Người giữ hương hỏa lắm khi khó tính, đòi hỏi có món đặc biệt nào đó, thí dự như cá nướng, như mắm sống, vì thuở sanh tiền cha mẹ thích ăn món đó! Có khi phải chờ một người nào đó, ở hàng xóm, có thể là nghèo hơn, nhưng dạo trứơc từng là bạn thân, thích đánh cờ tướng hoặc cùng đi đá gà với cha. Hoặc mời bà lão mua thúng bán bưng nghèo, nhưng là bạn của mẹ, khi mẹ còn nghèo túng.
Thờ cúng ông bà phải chăng là một tôn giáo? Nhiều người bảo rằng không,vì tôn giáo cần người trụ trì, người chức sắc nào đó làm chủ tế, chủ lễ. Người cho thờ cúng ông bà là một tôn giáo (chớ không là tập tục bình thường) đã trả lời dứt khoác:
- Người chức sắc của đạo “thờ cúng ông bà” chính là người thừa kế hương hỏa, được ủy thác.
Người giữ hương hỏa tùy ý quyết định khi bắt đầu lễ giỗ, khi sớm, khi trễ, lắm khi do cao hứng .Ông này ra lệnh cho thân nhân tụ tập đến, và không cần chờ đợi bất cứ ai, mặc dầu còn người anh em rất giàu, địa vị xã hội cao, có học vị to. Đứng trứơc bàn thờ, theo đúng lễ, ông ta chắp hai ngọn nến, đốt cháy từ ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ (lửa thiêng của dòng họ, tượng trưng) rồi dang tay, trao cho hai người bên cạnh bàn thờ cắm vào chân đèn, sua đó, lại thắp nhang, khấn vái lâm râm, nội dung như thến ào, khấn to hay khấn nhỏ, tuỳ ý.
Sau khi xá và lạy, người giữ hương hỏa bước lui, để anh em mình, hoặc các cháu làm lễ xá lạy, kế đến người quen thân. Bắt đầu có thể nói chuyện qua lại nhắc nhở chuyện xưa. Lát sau, theo ngẫu hứng hoặc theo nguyên tắc về thời gian, (khoảng mươi phút hoặc một giờ) người giữ hương hỏa ra lệnh hành động dọn cỗ xuống và mời ăn uống. Trên nguyên tắc, người trong dòng họ phải ăn, đặng hưởng lộc của người quá cố, cũng là lời thề đoàn kết. Người lớn tuổi, chủ cũng như khách được mời ăn mâm riêng, với thực phẩm chọn lọc, ngon, mềm vì người lớn tuổi có bộ răng yếu. Tuy nhiên, cái phao câu, đầu cánh, đôi chân vẫn là ưu tiên dành cho người già, họ ăn phần thịt, thích gặm nhấm chân gà. Thêm cái đầu gà, đầu vịt, cũng dành ưu tiên, thích nhất là bộ đồ lòng heo hoặc gà vịt. Người trẻ chăm sóc xới cơm cho người lớn tuổi. Buổi tiệc kéo dài, lứa trẻ thích dọn riêng một vài mâm, ở góc sân, góc vườn. Phần lớn đàn bà chờ ăn sua, ở nhà bếp. Trẻ con được chia phần, ăn bánh, trái cây, tha hồ chạy tới chạy lui. Lắm khi ở miền quê, tiệc kéo dài. Dịp đám cưới cũng như đám giỗ, mãi đến nay, vài nơi uống quá nhiều rượu, hàng năm bảy chục lít, hoặc hơn, từ sáng đến chiều, xảy ra nhiều trận cải vã. Người trong dòng họ, lắm khi giữ kín bao nhiêu thắc mắc lớn nhỏ (nợ nần qua lại, chia phần gia tài không đồng đều) thừa dịp này, lợi dụng ngôi thứ để tha hồtranh cải, lớn tiếng hoặc giận hờn, ra về sớm, ăn lấy lệ. Lại còn tệ đoan cờ bạc, dây dưa, rủ ren người quen hàng xóm vào, gọi là “thủ tục.” Theo lệ, bà con đi dự được hưởng phần thực phẩm, bánh trái tượng trưng, đem về cho người vì hoàn cảnh không đến được. ai rảnh rang, ở lại tiếp dọn dẹp.
Dĩ nhiên , sau khi lên đèn thắp nhang, người chủ lễ rót rượu trên bàn thờ, đúng ra là ba tuần rượu, rồi xới cơm trong chén, tượng trưng, thêm một tuần trà, đốt giấy tiền vàng bạc.
Đáng chú ý: Trong từ ngữ của ta, không có tiếng “ăn tráng miệng” (gọi theo Pháp, ăn đết-xe). Trong món cúng, đã nêu lên: hương đăng hoa quả. Bởi vậy, ở đình làng, nhiều bô lão không nhìn nhận động tác “dâng món ăn tráng mệing” Học trò lễ (lễ sinh) thời xưa, trong nghi lễ chính thức về tế tự chẳng có lời xướng “ăn tráng miệng”, như một tiết mục riêng, tạm gọi dâng bánh. Thật ra, bánh và trái cây đã dọn lên cúng ngay từ đầu rồi.
Ngày nay, trong hoàn cảnh đời sống “đô thị hóa, chẳng ai dám nghĩ đến bày đám giỗ ông bà ở cửa hàng ăn uống, họa chăng lứa trẻ đặt thức ăn ở tiệm quá rồi đưa thức ăn về cúng ở nhà. Túng cùng, có thể đặt thức ăn, nhưng trong gia đình phải chế biến một món đặc biệt, gọi là sự chăm sóc của con cháu đối vơi người quá cố, để báo hiếu. Gọn nhất là thắp nhang ở nhà, rồi hẹn nhau đến ngôi chùa nào rộng rãi, cúng món chay cho gọn. Thêm tiếng tụng kinh, gõ mõ khá ấm cúng.