Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nói Về Miền Nam

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 32413 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nói Về Miền Nam
Sơn Nam

LỄ THÀNH HÔN

Gọi nôm na là lễ Cưới, thời xưa phân biệt ra sáu lễ, đây là lễ thứ sau, lễ cuối cùng. Năm lễ kia có thể bãi bỏ, nhưng lễ này mới là lễ chính thức, tùy hoàn cảnh, có thể giản lược. Xin trình bày những chi tiết thời xưa. Nữ sinh ngoại tộc, người con gái về nhà chống thì được xem như không còn dính dấp với cha mẹ ruột. Cha mẹ ruột mất, người con gái lắm khi không được chia gia tài, nếu có, vẫn là ít hơn, tượng trưng, theo kiểu “chiếu cố”, “thương hại”, theo quan niệm phong kiến. Thời phong kiến, bày hỏi nhiều lễ, gây phiền phức cho đàng trai, đôi khi vì động cơ ích kỷ: nuôi con gái lớn, rồi con đi phụng dưỡng cho dòng họ khác, lao động hco dòng họ khác nhờ! Trên những bia mộ thời phong kiến, người vợ mất, chỉ ghi là người đàn bà họ Lê (thí dụ), không tên, về làm dâu cho dòng họ Nguyễn. Thế thôi. Họa chăng ghi thêm pháp danh, nếu đã là Phật tử. Việc ghi trên mộ bia tên thật của người vợ, (gọi là nhũ danh) chỉ mới bày ra sau này, khi tiếp xúc với Tây Phương. Tuy nhiên, cha mẹ cô gái vẫn vướng bận, lắm khi là tình cảm thiêng liêng, thương con gái mình làm dâu nơi xa lạ, thường là bị cha mẹ chồng, anh chị em chồng đối xử khắc nghiệt, một sự khắc nghiệt mà luân lý Khổng Mạnh cho phép. Lắm người mẹ thương con gái hơn con trai. Về phần cô gái sắp về nhà chồng, thường là tủi thân, chẳng còn dịp chăm sóc cha mẹ ruột của mình như trước. Cô gái chịu bao nhiêu may rủi. Rủi gặp người chồng, cha mẹ chồng khó tánh thì ốm o gầy mòn, lo việc trong nhà, lo việc đồng áng, lại còn cực khổ khi sanh đẻ, nuôi con. Bởi vậy, cô gái và mẹ ruột lắm khi khóc thật lòng, trứơc giờ gần như là ly biệt; thời xưa, phương tiện giao thông tốn kém, khó khăn, nếu gả đi xa.
Thời xưa (cũng như thời nay), những người bàng quan không ngần ngại bàn tán về nghi thức làm đám cưới với đủ thứ ý kiến, khen chê. Làm đám nhỏ, chê là “keo kiệt”, làm lớn thì bảo là “vung tay quá trán”.
Cũng là dịp để bàn tán to nhỏ nào không “môn đăng hộ đối”, nào dâu thì đẹp, rể thì xấu, làm không đúng cách, nửa Tàu nửa Tây! Vượt lên những dư luận vô trách nhiệm ấy, ta thử trình bày, theo sách vở xưa. Trong tình hình đất nước hiện nay trong thực tế cũng đã cải tiến, lắm khi người bảo thủ lại cải tiến nhanh vì nhiều sức ép của đồng tiền.
Thời xưa, hai bên trai gái đã qui định ngày giờ, chi tiết cụ thể, số lượng người đi rước dâu, tiền bạc do ai gánh chịu, rồi viết lên giấy, thời xưa gọi là cái thiếp (thiệp, theo kiểu thiệp mời, thông báo) viết tay, gởi cho nhà gái, trên giấy mầu đỏ. Nay ta có thể gọi đó là “chương trình buổi lễ”.
Trên lý thuyết, bày ra hai lễ gọi là:
- “Cáo Từ Đường” Từ đường, lắm khi gọi nhà thờ. Họ (người cùng một họ, còn nhận ra Tông Chi, từ bốn đời hoặc năm đời trước), là nơi quan trọng hơn bàn thờ ông bà ở mỗi gia đình. Đem cau, trầu, rượu đến, thấp nhang. Cha mẹ người con trai hoặc con gái đến, cúng rượu, trầu cau. Khá giả thì bày mâm cơm, mời vài người trong dòng họ đến chứng kiến. Người gia trưởng khấn vái, theo công thức, đại khái xin dòng họ chứng giám cho con trai (hoặc con gái), tên họ gì được lấy chồng, lấy vợ.
Ở những họ lớn, có người giữ Từ đường; bà con nhất là người lớn tuổi gặp nhau ăn uống thoải mái. Nhiều nơi bày ra lệ đến đình miễu trong làng, dâng rượu, thịt, với nội dung là xin thần thánh chứng giám việc người dân trong làng cưới vợ, hoặc lấy chồng. Thần là người cai quản lớn nhất về tinh thần trong làng, việc cưới hỏi cần được thần thông qua. Nội dung và hình thức, theo tôi bấy giờ vẫn là “xôi thịt”, dịp để người giữ đình hưởng chút ít thù lao, thêm hãnh diện với chức vụ khiêm tốn của mình. Chàng trai hoặc cô gái sắp lập gia đình lạy bốn lạy.
Lại bày ra lễ “Tạ ơn cha mẹ”, cần thiết nhưng vẫn là hình thức. Mời ngồi ở bộ ván giữa nhà, với khay trầu rượu rồi rót rượu mời cha mẹ và ông bà uống. Con ngỏ lời tạ ơn sinh dưỡng, lạy tạ ơn cha mẹ chịu bỏ công sức lo gia thất hco con. Con hứa sẽ giữ lòng hiếu thảo, trứơc ân sâu như trời biển, vân vân.
Rồi lạy hai lạy, xá ba xá.
Lại bày ra nghi thức gọi là lễ “mệnh Tiểu”, cũng đặt cái bàn ở ngoài hiên, không cử hảnh trước bàn thờ tổ tiên. Cha mẹ uống rượu, con trai hoặc con gái đến khoanh tay hầu, nghe cha mẹ dạy dỗ, khuyên lo làm ăn, gìn giữ đạo lý. Đứa con được cha mẹ ban cho chút rượu, con uống rồi lạy hai lạy.
Trong thực tế, thời phong kiến, người cha vẫn lo lắng. Sớm muộn gì cha mẹ cũng mất, gia tài để lại, nếu đứa con ham chơi, phóng đãng, tài sản của dòng họ lọt vào tay con dâu hung ác, lấn lướt chồng, hoặc lọt vào tay chàng rể khác họ vào xâm chiếm thì còn gì đau lòng hơn.
Riêng về nhà gái, cô gái lạy cha mẹ, nghe cô bác dạy dỗ cách cư xử, dự báo những thuận lợi và khó khăn ở gia đình bên chồng, khuyên gìn giữ “tam tòng tứ đức” vân vân. Cô gái lạy hai lạy, có thể uống trà.
Lễ “Chính thức”: gồm nhiều chi tiết phức tạp mà ít ai tuân thủ, vì quá phức tạp, lại tùy theo địa phương mà thay đổi về chi tiết. Người ở Nam Bộ nói chung phần lớn là dân nghèo từ Quảng Bình trở vào, nhiều nhất là Bình Định, Phú Yến, phần lớn học hành chữ Hán kém cỏi, vị Hương lễ trong làng chữ lắm khi lôi thôi. Lại là dân khẩn hoang, phóng khoáng đã tiếp xúc với người Hoa (cũng không rành chữ Hán, nghèo nàn) nên thay đổi tùy làng xã, người bảo nên làm thế này, kẻ bảo phải làm thế kia, lắm khi bắt bẻ về chi tiết. Đối với dân địa phương đến tham dự, từ xưa đến nay, vẫn là thái độ thực tiễn: Đi tiền bạc để trả lễ từ trước (một kiểu đóng hụi), hoặc dịp chủ nhà trả “nợ miệng”. Cơ bản vẫn là ăn uống. Sau lễ cưới, hoặcđang lúc cử hành lễ cưới, ngoài sân (có che rạp) hoặc ở góc vườn cứ ăn nhậu, vượt ngoài dự chi tài chánh của gia đình, ngoài sự kiểm soát của gia trưởng. Có như vậy mới vui! Lai còn tổ chức đờn ca, thức thâu đến khi chờ sáng rước dâu, ca Vọng cổ, hoặc nhạivài lớp hát bội, uống rồi uống. Lắm khi chủnhà lại thích thú; chú rể tương lai cũng tham gia để chứng tỏ rằng mình tuy cưới vợ nhưng tình cảm bạn bè vẫn như cũ, trái lại, có thể vui vẻ hơn. Nhiều người lớn tuổi không chê trách sự ngỗ nghịch của lứa trẻ, trại còn khuyến khích, lễ cưới cũng là dịp “nổi đình nổi đám, miễn là đừng chửi rủa, đánh đấm. Ai say thì nằm ngủ tại chỗ! Sống phóng khoáng, ở miền quê, thời trước 1945, dịp giải trí tập thể ít có, thiếu báo chị, thiếu đoàn hát bội, cải lương, thiếu băng nhạc (bấy giờ chưa có kỹ thuật thâu băng) . May mắn lắm, ở gia đình khá giả, có người dám mua máy hát đĩa, hàng chục người xúm lại nghe.
Đám rước dâu do nhà trai chủ động gồm thành phần như sau:
- Đi dẫn đầu là ông Mai và vị Trưởng tộc
- Vợ chồng sui gia.
- Chàng rể và một hay hai rể phụ. Chàng rể đi tay không, rể phụ tỉnh táo hơn, bưng khay trầu rượu.
Ta thấy khác hơn lúc đám hỏi, lần này cha mẹ đi trước, bà con gần xa, chọn người vui vẻ, mặc chỉnh tề, đối đáp giỏi, tránh người neo đơn. Theo sau là người bưng mâm, lễ vật, phủ vải đỏ, tổng cộng là số chẵn. thêm hai cái quả, tượng trưng ,bên trong là tiền và nữ trang (gói giấy đỏ). Lắm người bày biện nhiều mâm trà mứt, trong thực tế, giới thương gia đã cung cấp sẵn , về hình thức: Trà đựng hộp thiếc, trà rất ít bên trong, nhưng hộp thì khá to, gói giấy đỏ. Lắm khi bày ra một mâm đựng cặp áo cưới (lát nữa cô dâu mặc vào), mâm trầu cau phía trên phủ một búp sen vừa nở, bằng giấy, khá to. Trong khay trầu rượu mang đến nhà gái, thay vì bốn miếng, lần này là sáu miếng trầu, sáu miếng cau chẻ ra nhưng còn dính, với nội dung đây là lễ thứ sau, lễ sau cùng của sáu lễ thời xưa
Vẫn phải đến trứơc vài phút, chưa đến giờ chẳng được vào, mặc dầu mưa gió. Đúng giờ, ông mai vào xin phép, đàng gái cho người ra đón vào. Thường bày ra lệ đốt pháp.
Ông chủ hôn đàng gáy làm lễ “lên đèn:, khi đàng trai tiến vào là đèn đã cháy lên, cắm sẵn vào chân đèn. Không lên đèn quá sớm vì biết đâu, do cơ trời, vào phút chót xảy ra “sự cố kỹ thuật”. Lên đèn quá sớm còn ngụ ý đàng gái đang cần đến đàng trai, đàng gái đứng vào thế bị động. Lắm khi dùng đèn to, có vấn hình con rồng, con phụng. rồng là trai, phụng là gái thì cắm theo lệ “Nam tả” “Nữ hữ” (tính từ bàn hờ nhìn ra ngoài). Đàng gái đem hộp nữ trang đặt lên bàn thờ, người trưởng tộc làm lễ, xin ông bà chứng giám, sau khi kính cẩn đột nhang, trình với tổ tiên cho đàng trai làm lễ. Đàng gái lạy trước, ông và bà sui gia lạy sau (bốn lạy, ba xá), đến lượt cô dâu chàng rể lạy, cũng bốn lạy ba xá. Sau đó, đôi vợ chồng mới bèn đứng hơi xa, nhìn nhau, người nầy xá người kia hai xá, một lượt. Ngụ ý hai vợ chồng kính trọng lẫn nhau, bình đăng về mặt tinh thần. “Chồng chúa vợ tôi”, đồng bào thường nói nhưng đây là sự kính trọng âm thầm. Ta khiểu khi vợ chết, chồng phải để tang và lạy kính cẩn, mặc dầu vợ trẻ hơn năm mười tuổi. Chồng chết, vợ lạy là lẽ tự nhiên.
Trong khi cử hành hôn lễ, bạn bè gần xa bên ngoài tha hồ nhập tiệc, miễn là đừng quá ồn ào. Lại giới thiệu hai họ cho cô dâu chú rể kính chào. Lắm khi dịp này cha mẹ, bà con cô dâu trao tặng số tiền, gọi là của “hồi môn”. Lại chuẩn bị quần ao, va li xách, do bạn bè mang giùm, chờ đưa cho cô dâu về nhà chồng. tùy phương tiện, nhiều cô dâu được bạn bè, bà con tặng cho nào là quần áo, nệm , bàn ghế càng nhiều càng tốt. Nơi sông rạch, có thuyền chở những món ấy, trông vui vẻ xóm giềng, như biến cố quan trọng trong địa phương.
Sau khi trà nước, tùy tình hình (lắm khi nàh chàng rể ở gần), đàng trai xin ra về. Xem như đã chấm dứt buổi lễ bên đàng gái; bắt đầu giai đoạn mới do nhà trai làm chủ tình hình.
Ở Nam Bộ, nhiều nơi bày lệ “Lui đèn”, tức là thổi cho tắc đôi nến trên bàn thờ ông bà, ngay sau đó.
Đàng gái đã thỏa thuận với đàng trai về số người đưa dâu. Rồi lên đường. Gần đến nhà trai, xe dừng lại, đi vào theo thứ tự, có đốt pháo nghinh đón. Vài người lớn tuổi trong nhà đã chuẩn bị, đốt nên trên bàn thờ cho trang nghiêm. Lắm khi, bày cuộc diễu hành, đoàn người rước dâu đi bộ hàng trăm thước, trứơc khi vào nhà. Theo thứ tự, gồm có:
- Ông mai, hoặc người chủ hôn, trưởng tộc đàng trai.
- Chàng rể, rễ phụ (rể phụ mang cái mâm trầu rượu.
- Cô dâu, một hoặc hai dâu phụ để bưng các quả đựng bánh, mà nhà gái trả lại phân nửa.
- Vợ chồng sui trai
- Vợ chồng sui gái
- Họ hàng bên trai
- Họ hàng bên gái.
Ta thấy lần nầy, khi trở vền hà, bên trai nắm quyền chủ động, vai trò bên gái bị lấn lướt.
Vào nhà trai , cô dâu được đưa đến bàn thờ. Lạy tổ tiên nhà trai, rồi vợ chồng bên trai, đến vợ chồng bên gái lần lượt lạy bàn thờ. Kế đến là mục giới thiệu cho cô dâu chào bà con bên trai. Số lạy được qui định, giống như lúc chàng trai lạy ở nhà đàng gái. Cha mẹ, bà con bên trai dịp này có thể tặng cho cô dâu, chú rễ một số tiền.
Ăn uống xong (thường là ăn uống lấy lệ ) đàng gái và thân nhân đàng gái xin ra về, được họ nhà trai tiễn đưa tận ngoài ngõ. Kế đó, tùy hoàn cảnh, bà con họ đàng trai có thể ra về, hoặc ở lại tiếp tục uống rượu với bạn bè quen biết, việc ăn uống này ngày xưa cứ kéo dài. Cô dâu có thể lập tức thay quần áo lễ, mặc quần áo bình thường cho ra vẻ thân mật, để lo phục vụ bạn bè, người lớn tuổi, gọi là gây ấn tượng tốt về đức khiêm tốn.
Thời xưa, bày lễ cúng Ông Tơ, Bà Nguyệt (Tơ Hồng Nguyệt Lão) nhắc nhở sự tích ông Vi Cố cưới người vợ do ông Tơ ghi chép sẳn, không tránh khỏi. Chiều hôm rước dâu, bày cái bàn nhỏ giữa nhà, trước thềm, nhang đèn, hoa quả với 12 miếng cau, 12 miếng trầu. Vợ chồng trẻ có mặt, khăn áo chỉnh tề, mời ông lão đứng tuổi đến khấn vái, tạ ơn Ông Tơ, Bà Nguyệt, với lời văn vui tươi, ca ngợi nào “duyên Tấn Tần, loan phụng hòa minh, nhiệp cầu Ô thước, lá thắm đề thơ” Lạy ba lạy, ba xá. Chưa hết. Đến lễ “động phòng”, con gọi là “hợp cẩn giao bôi”: đốt hai ngọn nến đỏ, trong phòng ngủ, lễ vật cũng là trầu cau, rượu, thêm hai chén chè bún, lại có muối, có gừng. Vợ chồng chắp tay khấn nguyện nhắc đến Ông Tơ, hứa gìn giữ lòng chung thủy . .. đặc biệt là hai người ngồi đối diện, lấy hai ly rượu nhỏ hòa làm một, rồi lại chia đôi, uống cạn (“bội” là cái chén rượu). Lại ăn chè bún (cầu mong đông con. Như chén chè có nhiều cọng bún), lấy một hai lát gừng chấm với muối, cùng ăn, ngụ ý “Tay bưng dĩ muối chấm gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau” Sau ba ngày, bày lễ “ phản bái”, vợ chồng trẻ vui vẻ trở về thăm cha mẹ vợ, với chút ít quà.
Tóm lại, vài tục lệ xem ra lẩm cẩm, thời phong kiến ưa dùng lời lẽ sáo mòn, làm nhiều lễ để chứng minh kỷ cương phức tạp của giới quan lại, điền chủ khá giả. Chỉ riêng người quyền quí mới thay mặt cho văn hiến, còn giới nghèo nàn, không sao theo kịp họ, phải vói lên cho kịp, vói không kịp thì nên an phận làm kẻ tôi đòi!
Tục lệ xưa phiền phức, rủi như sắp làm lễ cưới mà có ông bà cha một bên trai hoặc gái chết, thì nên cấp tốc làm lễ cưới, bất chấp ngày đêm, thật đơn giản, trong vòng đôi ba ngày, từ khi người thân vừa tắt thở đến trước khi cử hành lễ phát tang. Vì đã mặc quần áo tang thì không được cưới hỏi nhau, chờ mãn tang hơn hai năm, tình thế có thể thay đổi. Bên trai hoặc bên gái có thể sa sút về kinh tế, hoặc bà con thay đổi ý kiến, tráo trở . .. Quả là làm nô lệ cho hình thức một cách thái quá.
Đời Hồng Đức (nhà Lê) theo cơ chế xã hội quân chủ và kiểu sản xuất nông nghiệp, ban hành bộ luật nay gọi “Luật Hồng Đức”, đã nêu ra nhiều điều khoản quá nghiêm khắc. thử nhắc lại vài chi tiết, để ta dễ thấy. “Về nguồn” không đồng nghĩa với bảo thủ, ôm những gì trống rỗng, không hợp thời, làm cản bứơc tiến triển của xã hội mà đến nay những người cực kỳ bảo thủ chắc cũng không dám “tồn cổ” .
“Thất xuất”, tức là bảy điều mà nếu vi phạm vào một điều thôi, người chồng có quyền ly dị vợ, hoặc cha mẹ chồng được phép lập tức đuổi nàng dâu, trong tức khắc:
1) không có con
2) Vợ chồng còn nghèo hèn, mà vợ lại bày thói ghen tuông.
3) Bị ác tật ,thí dụ như ngọng nghịu, bổng dưng mắc bệnh phong cùi, trở nên què quặt.
4) Dâm đãng (nghĩa lý không rõ, phải chăng là ngoại tình lén lút?)
5) Không kính cha mẹ (điều này không ghi rõ về chi tiết)
6) Không hòa thuận với anh em bên chồng.
7) Phạm tội trộm cắp (mức độ nào?
Tóm lại, rất mơ hồ, thiếu tiêu chuẩn, vì vậy người vợ nghèo, không ai giúp vốn, thiếu sức khỏe có thể bị đuổi, bị ly dị tùy hứng, do lý luận quanh co của bên chồng.
Vài điều khoản có vẻ nghiêm khắc, chẳng hiểu được thi hành hay ? Hoặc là nêu lên vì đạo đức giả, ví dụ:
- Các quan ty ở trấn ngoài (xa kinh đô) mà lấy người con gái trong hạt mình phải phạt 70 trượng, biếm 3 tư (hiểu là xuổng bậc phẩm hàm và lương bổng) và . . bị bãi chức. !
- Các quan lấy đàn bà con gái hát xướng làm vợ, làm hầu, đều bị phạt 70 trượng, hạ xuống 4 bậc phẩm hàm.
- Những nhà quyền thế mà cưỡng hiếp lấy con gái người lương dân, thì phải phạt điếm hay đồ (ở tù khổ sai) . .
Tuy nhiên, trên lý thuyết, người con gái phạm bảy điều phải lý dị vẫn có thể tiếp tục ở chung với chồng nếu có điều kiện:
- Người vợ đã chịu tang cho cha mẹ chồng, nghĩa là cha mẹ chồng mất sau khi cô gái về làm dâu.
- Khi mới cưới, vợ chồng nghèo, sau trở nên giàu sang thì chồng không được ly dị vợ (không nói rõ thế nào là nghèo, thế nào là giàu sang) .
- Khi về nhà chồng, cha mẹ cô gái có mức sống tương đối, có nhà cửa, sau đó, cha mẹ cô gái nghèo túng, bán nhà đi xứ khác thì chồng không được ly dị, vì cô gái ra hỏi nhà chồng không còn nơi nương tựa. Về sau, đời Gia long, cũng bổ sung và điều chỉnh luật giá thú. Thực dân Pháp đến, ngày 3 tháng 10 năm 1888 ra sắc lệnh qui định về hôn nhân:
- Con trai chưa đủ 16 tuổi, con gái chưa đủ 14 tuổi không thể kết hôn (đề phòng trường hợp tảo hôn, cưới vợ lớn tuổi cho con trai để cô dâu này ra sức cấy, gặt trong gia đình)
- Trong khu vực do người Pháp trực tiếp quản lý như Sài gòn, Hà Nội, Hải Phòng, khi có tang, không cấm cưới vợ gả chồng, đối với thanh niên chưa cưới hỏi lần nào. Đàn bà chồng chết, chờ 10 tháng sau thì được tái giá.
- Trường hợp cha mẹ còn sống, chỉ cần một người cha chấp thuận là được, mặc dầu mẹ vợ hoặc mẹ chồng tương lai phản đối. Ý kiến của cha là quyết định tối hậu.
Luật đời Gia Long qui định về từ ngữ cho thống nhất:
- Trai lấy vợ gọi là Thú . .
- Cưới vợ cho con gọi là Hôn.
- Gả chồng cho con, gọi là Giá.
Điều kiện sinh hoạt kinh tế, xã hội ngày nay thay đổi quá nhiều, chẳng ai muốn lãng phí thời giờ, người nhàn rỗi cũng vậy. Đám cưới, đám hỏi xảy ra trong xóm, nhất là thành thị, gần như ít ai chú ý, như là sinh từ những năm chiến tranh kháng Pháp, chống Mỹ đến nay, phố phường chật hẹp, người đông đúc, còn các thị trấn (chợ huyện) thậm chí chợ làng đã đô thị hoá, rất nhanh (Cai Lậy, tuy là thị trấn nhưng sầm uất còn hơn một chợ tỉnh trước kia). Nào xe đò, tàu đò, phương tiện di chuyển cá nhân có xe đạp, rồi xe gắn máy nhiều loại. Quán cà phê, quán ăn ngày càng mở thêm, người ta ăn uống dài dòng, chịu mất thời giờ với nhiều lý do riêng. Lắm khi là “không ăn thì bị hiểu lầm”, khi nâng ly, tuy không ưa thích nhưng vẫn mỉm cười với người đối tác. Về nhà nhanh, để lo công việc khác, hoặc nằm nghỉ, hoặc giải trí xem báo, nghe nhạc, liếc xem truyền hình. Máy ảnh phát triển, rồi ảnh màu, quay vidéo, người bậc trung có thể mướn xe hoa. Thậm chí người thủ cựu đôi ba năm sau cũng theo chân người gọi là “tân tiến” hồi mấy năm trước. Khăn đen áo dài chẳng còn là thời trang dành cho người ở thôn quê, lần hồi. với sự giao thiệp hàng ngày ở quán, tới lui các cơ quan, lên Sài gòn hoặc tỉnh lỵ làm dịch vụ, mặc nhiên dùng áo sơ mi, quần Tây, đôi guốc trở thành món mà ngày nay giới trẻ hai mươi tuổi chẳng bao giờ nghe thấy, cũng như đôi giày hàm ếch. Ở nhà, mặc áo pi-ra-ma vừa gọn vừa đẹp, áo bà ba đã cải tiến (ráp ở vai cũng như áo dài cổ truyền), chưa kể đến những kiểu uốn tóc mà các bà khoảng 50 tuổi vẫn ưa thích. Nói chung, quần áo ngày càng rẻ, may sẵn, trừ những người sa cơ thất thế mới mặc áo vá. Hoặc mặc áo cũ như kiểu bảo hộ lao động mà thôi. Đồng hồ đeo tay chẳng còn là xa xí phẩm.
 Trở lại vấn đề cưới hỏi.
Trai gái ngày nay, đầu ở vùng kinh tế mới vẫn lanh lẹ, với kinh tế thị trường, những hàng tiêu dùng của giới bình dân thành thị lan tràn nhanh chóng đến miền quê, lắm khi, ở vùng kinh tế mới, lại tân tiến hơn, vì phần lớn là dân từng ở thành thị. Tìm đâu ra cái khăn đen, áo dài, và ở vùng kinh tế mới, chẳng ai tháy có như cầu lập đình làng; chỉ sau này, hoạ chăng khi đời sống lên cao hơn, người lớn tuổi mới hoài vọng “về nguồn”. Đi qua những vùng gọi là “thôn quê” phía Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Mới, quanh thị trấn Long Mỹ . . .ta còn gặp nhiều đám cưới trông đẹp mắt, rất hài hòa, vừa dân tộc, vừa hiện đại. Dọc theo con đường đê nhỏ, vùng lúa cao sản hoặc đặc sản, tất đất, tấc vàng, mùa nắng ráo thường là dịp đám cưới để . . .ăn Tết! Dịp tương đối rảnh rang, không mưa gió bất trắc, ta gặp vài người không già cho lắm đi dẫn đầu, theo sau vài bà lão, kế đến chàng rể mặc Âu Phục, rể phụ, rồi họ hàng, bạn bè theo sau, mặc sơ mi, có người thắt cà vạt. Thiếu nữ gồm nhiều thanh nữ áo dài, màu mè, vài cháu trẻ hơn, mặc đầm, trông lanh lẹ. Ngày xưa, dẫn đầu là hai cây lọng, nay dù thay cho lọng, trông khá vui và trang nghiêm. Những quả sơn đỏ tân chế, phủ vải đỏ đem sư may mắn. Ai cũng biết ngày nay không dễ tìm ra một cái quả bằng cây kiểu xưa sơn mài, đen phía ngoài, cẩn thêm xà cừ, trong lòng qủa thì sơn đỏ, cũng sơn mài (họa chăng còn thấy ở những hiệu mua bán đồ cổ)
Ở tận thôn quê, thiệp mời đám cưới có in sẵn, với bao thư, tốt hay xấu tùy theo túi tiền người mua. Công thức đơn giản, đại khái theo xưa, trước 1945:
Kính thỉnh,
“Nhơn dịp làm lễ Thành hôn cho con trai tôi tên là . . Xin kính mời . . vui lòng dời gót ngọc đến dùng một tiệc rượu, trước là lấy thảo, sau là chúc mừng cho đôi trẻ được sắc cầm hảo hiệp”. Bên dưới, đề tên người mời.
Người mua cứ điền vào, đàng trai cũng như đàng gái dùng một kiểu, thường là đàng trai mua, đem tặng nhà đàng gái.
Sau năm 1945, công thức đã cải tiến, thiệp hình chữ nhật, giấy tương đối cứng. Để cho vui mắt, lắm khi giữa tấm thiệp, phía trên, in đôi chim bồ câu, chim én, hoặc hoa hồng, hoặc chữ đứng đầu của họ trai và họ gái được vẽ quấn quít vào nhau, như một kiểu dấu ấn.
Bên dưới, thường phân biệt:
Nếu do đàng trai mời, góc bên trái dành cho tên họ, địa chỉ ông bà (lắm khi còn trẻ) sui trai, góc bên phải phía trên, dành cho tên họ ông bà sui gái, địa chỉ. Rất cần thiết về địa chỉ vì lắm người khi nhận không biết do ai mời, vì lắm khi tên thật trong chứng minh nhân dân của bạn rất thân những ta lại không biết. Nhờ có địa chỉ, ta sực nhớ ngay.
Khoảng giữa ghi:
“Trân trọng báo tin lễ Thành hôn của con chúng tôi”. Lắm khi nhà gái đứng tên mời (bên góc trái) thì ghi lễ “Vu qui của con chúng tôi”. Bên dưới như ta thường thấy, là tên con đứng dưới tên cha mẹ. Chỉ thêm “Hôn lễ được cử hành tại tư gia, trong vòng thân mật nhằm ngày âm lịch (chú thích dương lịch)”
Nhận được thiệp trên, ta hiểu chỉ là “báo tin”, chớ không mời dự tiệc. Nếu mời dự, có tấm thiệp nhỏ kèm theo, ghi giờ, ngày, địa chỉ hiệu ăn.
Một việc khá phức tạp mà ta khó tra cứu để biết xuất hiện vào khoảng nào? Thời xưa, đàng trai và đàng gái bày lễ nhóm họ riêng cho bên mình, bà con họ hàng gom lại, trong vòng thân mật, kẻ giúp tiền. Có người giúp những món khác, thí dụ như vòng vàng thường mà trước khi cha mẹ cô gái đã cho con cái họ mượn từ trước, nay họ trả lại.
Hôn lễ cử hành tại gia đình là gọn nhất, nếu không đông đảo thì dễ mượn bàn ghế. Về việc khánh tiết, ở xóm lao động nội thành, ta vẫn thấy các thanh niên trong xóm tiếp tay, che rạp, dùng lá dừa, lá đủng đỉnh uốn vòng nguyệt quanh khung cửa. Một nét độc đáo về trang trí cấp thời của ta.
Buổi tiệc ở nhà hàng dành cho bạn bè của hai bên trai gái, thường liên quan đến công việc làm ăn, với ít nhiều “ân oán giang hồ”. Lại cũng là hình thức “đóng hụi”. đã từng nhận thí dụ như một ngàn của đàng trai thì trả lại ít nhất là một ngàn, nhiều hơn càng tốt. Lại có lệ tặng quà, gói cẩn thận, tránh khoe khoang. Cái lệ cô dâu chú rể, hai họ lên “sân khấu “ để trình diện, với người xướng ngôn và dẫn dắt chương trình gẫm lại khá khoa học. Cần rút ngắn thời giờ. Có nhạc làm nền để che lấp tiếng cười nói ồn ào của bạn nhậu. Thường là họ hàng hai bên, bà con gần xa ngồi chung, với số bàn hạn chế. Cái động tác chú tể, cô dâu cùng người trưởng tộc đến từng bàn ăn để bạn bè gọm “bao thư” lại rồi trao cho người lớn tuổi nhất nói vài lời chúc mừng dường như chỉ xuất hiện từ khoảng 1960 trở về sau. Nên gom bao thư, kín đáo, vì có những bạn đã tặng quà, hoặc đến dự mà . . không tiền. Không khéo, lại gây mặc cảm khó chịu. Tiệc đãi tại nhà được ưu điểm là tuân thủ thời gian quy định, nhà hàng lắm khi dành bàn ăn cho nhiều tiệc tùng khác. Không âm thành, buổi tiệc kém vui. Nên có đờn ca, song ca, ít nhất cũng có nhạc phóng thanh, hoặc nhạc sống. Về phía khách mời, nên dè dặt, thời buổi khó khăn, gặp hai họ không khá giả, nên bớt người trong gia đình, lắm khi đi tiền chẳng bao nhiêu, nhưng đi theo hai vợ chồng còn hai đứa trẻ, chiếm hết bốn phần ăn (trừ trường hợp đặc biệt). Một trường hợp lãng phí ghê gớm: dọn ít, nhiều người chê khen, nhưng dọn dư đến dư quả là buồn cười! Đến món vịt tiềm, cơm chiên Dương Châu, dường như nhiều người chỉ ăn một muỗng. Uống rượu bia non một lít, còn bụng dạ nào chứa thức ăn? Nửa ăn, nửa để lại chẳng hiểu chủ nhà hàng có giảm bớt tiền ăn chăng?
“chẳng ai chê đám cưới. Chẳng ai cười đám ma” Tổ chức đám cưới tùy khả năng là tốt hơn hết. Dư luận tốt xấu gì rồi cũng nhanh chóng bị lãng quên. Miễn là có sự thân mật, bạn bè nên thông cảm cho hoàn cảnh của đôi tân hôn, không nên “quậy phá” chơi để lãng phí một cách vô tình.
Dịch vụ đám cưới, với “Áo cưới cô dâu”, “Trang điểm cô dâu “giúp bớt tốn kèm, nhưng tránh lố lăng. Vừa vừa phải phải, giống như thiên hạ là tốt nhất.

<< LỄ GIẠM | TANG LỄ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 773

Return to top