Ông Lương Khắc Ninh diễn thuyết tại nhà hội khuyến học Sài Gòn. Ngày thứ tư 28 tháng ba 1917 đúng 8 giờ tối có khai trương diễn thuyết tại nhà hội Khuyến học Sài Gòn. Có quan bác vật Bùi Quang Chiêu là Đổng lý hội, quan phủ Nguyễn Văn Hải phó Đổng lý, quan huyện Lê Bá Trang tư văn hội, quan huyện Đinh Trường Cửu, quan huyện Lê Thành Long, quan huyện Nguyễn Văn Của và nhiều hội viên chứng dám.
Trước hết quan Đổng lý hội đứng dậy tỏ ít điều cùng hội viên rằng hội Khuyến học vẫn là hội lập để mà hóa dân để làm cho trong nước được mở mang hầu có dõi bước văn minh một ít. Ấy vậy, hội chẳng phải để mà khuyến khích văn chương mà thôi, hội cũng dốc sức cho nhân dân nong mả theo nông thương kỹ nghệ nữa. Vậy hí nghệ là một nghề nền cải lương, lại ông Lương đại Nhơn là người rành nghề sẵn lòng giải nghĩa cho rõ ràng xin các hội viên hãy hết lòng nghe ngài trần thuyết.
Rồi đó ông Lương đại Nhơn lên diễn đàn trứơc xin lỗi viên quan chức sắc mấy ông, mấy thầy rằng chẳng phải tự xưng thông thạo mà dám làm nhọc lòng mấy ông mấy thầy, song xét vì ngài tuổi quá năm mươi lại làm bầu gánh nên từng trải một ít trong nhà nghề xin dẫn ra cặn kẽ, sau ngài khởi ra nói về nghề hát.
Ngài nói rằng hát xướng thuở xưa tại trong cung cấm bày ra. Trước hết thì là đờn ca nghe cho êm tai, sau lần lần chế biến, sắp ra có đào kép múa men chơi, chỉ muốn giúp vui cho người coi mà thôi. Sau nữa các đấng tiên hiền đặt tuồng ra, có đủ tam cang ngũ thường, sắp đặt lớp lang rành rẽ, ban đầu để cho kẻ vạy hành hung người ngay mắc nạn, rốt lại thì người ngay được hưởng, đứa nịnh bị trù. Chủ ý cổ nhơn là muốn răn đời. Thử xem điều này thì biết: các ông có thấy như hát lối người ngay phải lắm lúc tai bay họa gởi, chạy đầu này bị dèm siểm, qua bên kia bị hiếp đáp, kiếm đường đi lánh thân mà kẻ nịnh còn rượt theo mà muốn giết. Thấy như vậy, ao ước trông cho có người đến mà giải cứu kẻ phải lâm nạn, dầu cho đứa hung hăng đãng tử ở nhà ăn cướp giựt đồ người, đến đó rồi thì nó cũng có chút đỉnh lương tâm mà thương hại cho người lâm cơ thất thế. Rất đỗi là kẻ vô lương vô khái còn vậy thay huống chi là bực lương thiện? Thấy được như vậy rồi, chắc sao người coi về cũng suy nghĩ mà tu lành lánh dữ. Ấy là cuộc hát của cổ nhân.
Đương thời đây gánh hát thiếu chi, một tổng có chỗ có tới hai ba gánh, người lập gánh hát bầu thì lo kiếm lợi, bạn hát thì làm có chừng đó đặng lãnh tiền mà ăn hút thôi. Lại như vầy nữa: bạn hát hay mượn tiền của bầu khi năm ba đồng, khi năm bảy chục lần lần thành ra đôi ba trăm, lấy chi mà trả. Chừng ấy chỉ có hát mà trừ nợ làm sơ sịa đó thôi, có ráng đâu mà trả nợ. Dường ấy biểu sao không hư không tệ. Người An Nam ta thuở nay vẫn cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên người có học thức một ít thì không làm, để cho kẻ ngu dốt nó hát. Vì cái dốt ấy nó làm cho mấy chú kép làm một một ông quan cũng không ngồi cho vững, bộ tịch lất khất, đọc một cái thơ phùng mang, trợn mặt, phun râu và làm nhiều chuyện dễ cho trang thức giả đến coi rất hổ. Đã vậy, chúng nó lại tưởng mình hay, mình giỏi vẽ cái mặt vằn vện cho nhiều là tốt, ngồi giữa rạp nói cho lâu là hay, không chịu sửa, có dạy cách lịch sự cho cũng trơ trơ. Ấy vậy là cuộc hát kim thời, ngài tưởng rằng nếu muốn cải lương, chẳng phải bắt bọn đó mà cải lương được.
Muốn cải lương phải làm sao?
Theo ý ngài, người An Nam ta chẳng phải thông minh hơn các nước, song có đủ lực mà hành sự. Như văn chương Lang sa là khó, mình học được, bác vật có người học rồi, có lý nào các môn học thức ấy ta theo được mà nghề hát ta chẳng theo được sao? Vậy thì làm vầy: Phải có người biết học ra đi hát. Chẳng phải hát tuồng xưa, khơng vẽ mặt vẽ mày, cũng không ăn mặc loè loẹt đỏ đen như kép hát bây giờ đó. Người đi hát ấy là ai? Ban đầu chẳng phải lập ra một lần cho rành rẽ, cho đủ điệu được. Vậy tôi (mất một vài chữ trong bản chính) nhiều thầy trai trẻ có sở ăn sở làm (mất hai chữ trong bản chánh ) đóng tiền còn hẹp đến mấy nhà buôn xin làm đêm làm giờ. Chớ chi một ít thầy hiệp lại, nhơn công một tuần chừng ít giờ tập hát theo tân thời trước là chơi, hai là có tiền mà xài, ba nữa là cải lương cái điệu hát. Chuyện nói đây không phải khó, đó học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng nó ra hát theo Lang sa, bộ tịch như Lang sa. Rất đỗi là hát theo ngoại quốc,trẻ em còn làm được huống người An Nam mà hát An Nam không được sao? Chừng lập được một gánh hát như vậy rồi, ắt người Lang sa, Chà Chệt, khi nào rảnh việc sao cũng đến mà coi hơi, bỏ sự đến rạp hát phải mắc cỡ mà xem trên nóc nhà chớ khơng dám ngó hát bội.
Lúc ấy có ông Diệp Văn Kỳ là trưởng tử quan hàn lâm trực học sĩ Diệp Văn Cương đứng dậy xin lỗi mà hỏi ông đại nhơn rằng:
- Ngài nói nghề hát có ích, nên sửa mà theo ý tôi thì lúc này chưa nhằm thời. Lúc này nghề nông ta còn trễ bước, kìa Đồng Tháp Mười hãy còn đất hoang nhiều không ai khai phá, kỹ nghệ lại không, may nhờ có quan bác vật Bùi Quang Chiêu thiết lập hội dệt tơ tại Tân Châu đó mới có một hội kỹ nghệ. Nông thương kỹ nghệ là đồ cần nhứt mà khơng lo hóa, để cải lương cuộc hát là đồ chơi không ích lợi không cần cho lắm, để lại về sau tưởng không hại chi. Huống chế sửa nghề hát theo ý ngài muốùn đó, có nhiều chỗ khó.
Một là trong cuộc hát phải có nhạc, mà nhạc An Nam còn phải sửa, vậy ai là ông nhạc sư ra sửa nhạc?
Hai là tuồng đặt xưa nay thì ta dùng văn chương, dùng quốc tự. Vậy nay muốn sửa lại, ai là ông văn nhân đặt tuồng, ai là ông Corneille, ai là ông Moilìere? (Hai ông này là hiền sĩ đại danh bên Pháp đặt tuồng rất hay, sanh nhằm thế kỷ thứ XVII. Ông Moilìere lại là kép hát danh tiếng).
Ba là hát phải có đào có kép. Như ngài diễn thuyết cho anh em chúng tôi ra làm kép, vậy ai ra mà diễn thuyết cho bọn nữ lưu làm đào.
Nếu ngài làm được thì mấy anh em đây và tôi rất vui lòng mà theo hát.
Ông Lương đại Nhơn đáp: Nghề nông ta phát triển rồi chớ. Còn như Đồng Tháp Mười mà chưa khia phá, ấy là tại trời, chớ nào phải người muốn đâu? Bởi nước trời xuống nhiều ứ lại tại Đồng Tháp Mười nên không thể khai phá một lần cho hết, một ngày một ít, rồi đây cũng sẽ rồi chớ nào không. Mà muốn khai phá phải dẫn nước ra, muốn dẫn nước phải có xáng múc kinh cho nước chảy. Nhà nước mỗi năm có xuất tiền ra làm việc ấy, có phải là không làm đâu, nhưng phải lâu ngày mới rồi được.
Nói qua nhạc thì xin bãi nhạc đi. Đây tôi tính hát tiếng thường, không Nam Khách gì nên không kể đến nhạc. Hát tuồng diễn mà răn đời (comédies) thôi.
Luận câu hỏi ai là Corneille, ai là Molìere thì không ai cả. Xét cho kỹ, hai ông ấy là danh sĩ theo đời ấy mà thôi. Nam Kỳ ta cũng có người, tuy chẳng được như Corneille, Molìere chớ cũng đặt để cho bực trung hiểu được. Chẳng phải đặt cao kỳ, mắc mỏ chỉ cho người tạm thường không hiểu thấu mà gọi rằng khó. Đặt tiếng thường dùng như vậy, có khó gì đâu.
Hỏi: anh đi đâu? Đáp: tôi qua anh. Hỏi ai là đào? Tôi xin đáp không có đào. Trước hết dạy đờn ông, sau đờn ông rành rồi mới sang đàn bà. Như lúc người Pháp mới sang Nam đó, có tính dạy đàn bà chăng? Sau cũng dạy đàn ông cho thành thục, rồi mới khai trường con gái chớ. Tính một lần sao cho thành tựu được.
Ông Diệp Văn Kỳ nói: Ngài nói vậy phải rồi, song việc ấy còn nhiều chỗ. Giả như đức Thành Thái là người có học thức đủ, có quyền thế, có bộ hạ, có đủ tiền bạc, người có lập cuộc hát trong cung, làm theo như ngài nói đó, không biết chừng còn rành hơn nữa, mà người làm còn chẳng nên thay. Tại Nam Kỳ đây, tôi nghe ngài ra làm bầu đặng tôn chế nghề hát mà ngài đã làm được điều chi rồi đâu? Nên chỉ tôi tưởng việc ấy làm chưa được. Ngài lại khuyến khích mấy ông mấy thầy theo hát bội, nếu mấy ông mấy thầy đi hát bội tất cả, lấy ai mà lo về nông thương kỹ nghệ là các mối ích lợi cần hơn hết. Nên nghề hát mà thiệt hại là đại ích cho nước, ắt đã có người sang Pháp mà du học việc ấy. Nhưng bởi nghề ấy không phải cần nên người sang Pháp chỉ học văn chương, bác vật, lương y, luật khoa chớ không tưởng đến ca xướng. Lấy theo nghĩa hát bộ thì tôi thiết tưởng người tử tế không dám dự đâu. Ngài muốn sửa nghề, xin ngài sửa cái tên trước đã.
Ông Lương Khắc Ninh đáp: Việc làm thành bại; ấy sự thường, nhưng có làm thử rồi mới biết. Theo đây tôi có ý nói về mấy thầy trai ban đêm rảnh việc làm thêm chút đỉnh vậy htôi, chớ tôi không khuyến dụ học trò đi hát mà bỏ nông thương kỹ nghệ.
Còn như tiếng hát bộ, người xưa đặt vậy là vì kép hát nhảy nhót, ra bộ ra tịch. Sau lần lần ta nói trại ta là hát bội. Quốc dân đã quen dùng thuở nay, nên rất khó mà đặt tiếng mới.
Bây giờ đây muốn đặt tuồng hát thì tôi chịu lãnh àm đặt, chẳng phải là dùng văn chương, dùng tiếng cao xa, dùng điệu nói lối thường cho mấy con mẹ bán cá nghe cũng hiểu được nữa. Mấy bổn tuồng của quan tổng đốc Cao Hữu Dực ở An Giang thiệt rất hay mà đời này chẳng còn mấy ông nhiêu , mấy ông tú nữa, cho nên dùng bất tiện, đời nào là theo đời nấy thôi.
Ông Diệp Văn Ký hỏi: Ngài đã có đặt bổn tuồng nào chữa?
Ông Lương Khắc Ninh đáp: có, tôi có đặt hiếm, mà chưa dùng, nên chưa in ra bán. Nếu có hát thì tôi đặt chừng vài bửa rồi một bổn tuồng. Vậy tôi xin mấy thầy em hiệp lại tập chơi như người tập hát tây vậy, tập tại nàh hội khuyến học này, rồi trước hết cũng hát thử tại nhà thôi. Sau có nên sẽ tính thêm.
Rốt lại, định ngày thứ tư Avril tựu lại nhà hội mà tính. Lương đại nhân sẽ đặt tuồng đem lại. Có nhiều thầy vui lòng vâng lời dạy của Lương đại nhân và ước ao cho Lương đại nhân đặt tuồng cho ăn vào thời thế, cho trùng điệu văn chương cho mỗi người đều nghe được, hiểu được, cho động lòng mỗi người hầu cho mỗi người lấy đó mà răn mình được.
Nhiều người trông mong cho cuộc này mau thành tựu, đặng cho người Nam Kỳ theo kịp người Bắc Kỳ, có nghe rằng rạp hát tại Hà Nội thiệt là kinh dinh, người Lang sa cũng cho là phải điệu.
Trần Phát Văn
(Trích trọn bài trong Nông Cổ Mín Đàm số 12, năm thứ 16, ngày 19-4-1917)