Người Pháp đến, chữ quốc ngữ được phổ biến, ngành ấn loát hoạt động khá sớm so với Bắc Kỳ hoặc Trung Kỳ. Thoạt tiên là nhà in của chánh phủ thuộc địa kế đến là nhà in của tư nhân người Pháp, người Việt. Nhà in của người Pháp chú trọng việc đấu thầu những dịch vụ công sở, nhưng khi rảnh rang cũng cho ra các ấn phẩm bằng chữ Quốc ngữ: Imprimerie commerciate Rey, Curiol ot Cie, Claude et Cie, Imprimerie Saigonaise, Imprimerie de l’Union. Phát Toàn, J. Viết. Bấy giờ, theo luật lệ thì ấn phẩm khỏi phải kiểm duyệt nhưng phần trách nhiệm đặt vào chủ nhà in và sở Mật thám! Chánh phủ thuộc địa khinh thường những tác phẩm viết bằng chữ Việt. Nha Văn khố hoặc Thư viện Sài Gòn chú trọng vào sách và tài liệu bằng Pháp ngữ, nhằm phục vụ những người Pháp hoặc những người Việt viết Pháp văn. Vì vậy, nhiều ấn phẩm hồi cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX ở Nam kỳ bị thất lạc, may ra một đôi vị hiếu cổ có lòng tưởng vào chữ Quốc ngữ còn sưu tầm được. Những ấn phẩm Quốc ngữ ấy về giá trị nội dung thì không đồng đều, nhưng không phải là không có tác phẩm lớn. Lúc bấy giờ, ở Nam Kỳ lúa gạo xuất cảng nhiều, nhà nước khuyến khích khẩn đất, lại còn phát triển giao thông, đặc biệt là đường thủy. Giới tiểu điền chủ, hương chức hội tề ở làng hoặc công chức đều dư khả năng tài chính để mua sách.
Nói theo ngôn ngữ bình dân, đây là giai đoạn của “Thơ, Tuồng, Truyện, Tích”. Để phục vụ số thân chủ đông đảo này, các nhà in đã tung ra hàng loạt ấn phẩm. Nói thơ là thú giải trí bình và thông dụng. Đây là những chuyện viết theo lối lục bát, người nói cứ trình bày theo giọng “nói thơ Vân tiên” người không biết chữ có thể lại gần nghe được. Vì câu chuyện bằng thơ kéo dài hàng mấy trăm câu nên người nói và luôn ả người nghe cần có tiện nghi tối thiểu hoặc nằm võng, hoặc ngồi trên bộ ván, hoặc ngồi dựa cột. Ai muốn phong lưu thì giăng võng bên vườn cây ăn trái, được hưởng bóng mát và cơn gió nhẹ giữa buổi trưa người bức, bên cạnh là mương vườn với sông nước lăn tăn. Nói thơ lai là hình thức trình diễn để xin tiền ở chợ, người mù lòa cứ học thuộc lòng, nói theo tiếng đàn độc huyền.
Truyện tức là truyện Tàu, dịch lại, in từng cuốn mỏng, “Nói” là đọc lại nhanh, nhưng không quá nhanh đến mức người nghe không theo dõi kịp câu chuyện. Khi hết một hồi, người nói thường tạm nghỉ lấy hơi, uống trà, ăn bánh. Giọng “nói truyện” lần hồi trở thành một thứ nhạc (như trường hợp trẻ con đọc bài thuộc lòng hoặc người lớn đọc kinh). Nói với giọng hấp dẫn, dừng hơi đúng lúc, xuống giọng đúng hơi thì người nghe thêm phần thích thú. Truyện Tàu thường là quá dài, cuộc nói truyện cứ kéo ngày này qua ngày kia. Ai không tiền mua thì mượn đem về mà nói cho bà con trong nhà trong xóm nghe. Quyển sách lần hồi bị bóp mềm, muốn cho khỏi bị gãy lưng phải cập thêm hai thanh tre nhỏ cho sách được cứng. Nhiều cuốn được chuyền tay đến mức đen đúa vì bụi bậm, giấy lần hồi trở nên mềm như giấy bản.
Trước tiên, xin lược kê một số quyển thơ xuất bản từ năm 1909 và trước đó độ ba năm.
- Bạch Viên Tôn Các, Chiêu Quân Cống Hồ, Dương Ngọc, Đào Trinh-Luông Sanh, Lâm Sanh Xuân Nương, Lâm Sanh – Lâm thoại, Lang Châu, Mụ Đội, Nam Kinh Bắc Kinh, Nam Kỳ, Mục Liên Thanh Đề, Ngọc Cam Ngọc Khổ, Nữ Trung báo oán, Phạm Công Cúc Hoa, Quan Âm diễn ca, Tam Nương, Thạch Sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Tử Vưu, Trần minh khố chuối, Cha mẹ dạy con . .
Ngoài ra còn những quyển thơ lấy thời sự làm đề tài như. Thành Thái ngự du Gia Định, Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca, Đường lên núi Điện Bà.
Lại còn những sách viết theo văn xuôi về Sử ký hoặc dạy chữ Nho như Huấn tử cách ngôn. Hoặc sách dạy đờn kìm, những bản đờn tranh và bài ca hoặc câu hát đối, sách dạy xem tướng gà nòi (Kê Kinh). Hoặc là vè, là phú.
Năm 1914, đã thấy xuất hiện trên thị trường Gò Công Phong vịnh, thơ sáu Nhỏ, Văn Thánh Gẫm tử đạo, Hoàng Trừu, thơ Thập Điện, thơ Vân Tiên ghiền, thơ Vợ lớn bé đánh ghen, thơ Năm Tỵ . .
Lục Vân Tiên tái bản nhiều lần, Sải Vãi in bằng chữ Quốc ngữ. Hát đối thì vừa sưu tầm vừa sáng tác thâm. Một số thơ nói trên do Đặng Lễ Nghi biên soạn, Kiều Phú, Kiều án là hình thức phổ biến nhứt của truyện Kiều.
Truyện Tàu dịch ra quốc ngữ lần đầu tiên có lẽ là truyện Tam Quốc, khởi đăng trong Nông Cổ Mín Đàm (trước năm 1904).
Bộ Đông Châu liệt Quốc ra mắt lai rai suốt 23 năm mới đủ bộ, từ 1906 đến 1929 (ba cuốn 8, 9, 10 ra nhằm lúc Âu châu đại chiến, những năm 1914, 1915, 1917). Dịch giả của bộ này gồm nhiều nho sĩ: Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Kiều, Trần đình Nghi, Nguyễn Kỳ Sắt; nhà xuất bản cũng thay đổi, thí dụ như quyển thứ nhất do Imprimerie Saigonnaise (1906), quyển thứ ba do Huỳnh Kim Danh xuất bản tại nhà in Phát Toàn, quyển thứ 7 tại nhà in Schneider, quyển thứ 14 tại nhà in Xưa nay của Nguyễn Háo Vĩnh.
Bộ Tái Sanh duyên ra mắt, quyển 1 do Nguyễn Văn Đẩu dịch (nhà in Saigonnaise năm 1906) rồi lần lượt Nguyễn An Khương và Nguyễn chánh Sắt tiếp tục dịch đến quyển chót số 11 (năm 1919 do nhà Phát Toàn xuất bản). Đại Minh Hồng Võ do Trần phong Sắc dịch, ra mắt năm 1907. Anh Hùng Náo Tam Môn Giai cũng Trần phong Sắc dịch, Hừnh Khắc Thuận xuất bản năm 1907 do nhà in Marcellin Rey. Nhạc Phi, thuyết Đường năm 1910, Phong Kiếm Xuân Thu diễn nghĩa do Trần Công HIển dịch gồm 11 cuốn, bắt đầu cuốn 1 năm 1907; chung Vô Diệm do Nguyễn Chánh Sắt, năm 1909-1910; Sự tích Bàng Quyên Tôn Tẩn do Ba Kè Bùi Thế Tích dịch, nhà in Saigonnaise in năm 1909.
Năm 1909, trong thư mục của nhà Phát Toàn ghi thêm: Bắc Tống, Bạch Xà, Chinh Đong, Dương Văn Quảng bình Nam, đông Hớn, La thông tảo Bắc, Ngủ Hổ bình Nam – bình Tây, Phong Thần, Quần Anh Kiệt, Tam Hạ Nam Đường, Tây Du, Tây HỚn, Tam Quốc (tới thứ 25), Thủy hử, Thuyết Đường . .
Tuồng, tức là tuồng hát bội, năm 1909 đã thấy: Đinh Lưu Tú, Gia Trường, Kim Thạch Kỳ Duyên, Từ Linh Thi Ân Báo Nghĩa, tuồng Cờ Bạc, Sơn Hậu (đủ ba thứ), Trần Trá Hôn, tuồng ô Thước, Trần Bồ. Năm 1914, thấy rao các tuồng đã in như Kim Long Xích Phụng tuồng, tuồng Phong Thần, Nhạc Phi, tuồng Tam Quốc (đương Dương Trường Bản, Phó hội Giang Đông, Phục Huê Dung đạo, Cầu hôn Giang Tả).
Ngoài ra, còn vẽ “Bá hoa bá quả” sách thuốc gia truyền ngoại khoa cứu cấp, bản đờn kìm, hoặc Truyện đời xưa, Tiếu lâm, Tiếu đàm. Truyện đời xưa mới. Truyện đời xưa Arabe, Sử ký Đại Nam Việt, Sử ký Để thiên, Huấn tử cách ngôn.
Từ 1906 đến 1914, mục lục thơ tuồng truyện thêm phong phú hơn. Các vị nho sĩ, thức giả biết đánh vào nhu cầu bình dân và đã thành công lớn. Người trung lưu dốt chữ Nho, dốt chữ Quốc ngữ ở thôn quê có thể thưởng thức được tinh hoa Á Đông và chút ít hương vị Tây phương.
Đây không hẳn là theo đuôi quần chúng, nhưng là gợi thêm những thị hiếu mới, nâng cao trình độ.
Nội dung của thơ, tuồng, truyện, tích trong giai đoạn này dều theo nguyên tắc căn bản là phải “có hậu” tức là ân thì đền, oán thì trả, người nịnh về sau bị bại lộ chân tướng, người trung mắc hàm oan được thắng thế ở hồi kết cuộc. Vài cuốn thơ khiến nhà cầm quyền Pháp lưu ý và cấm lưu hành: thơ Văn Đoan chàng Lía, kể chuyện chàng Lía làm lọan thời Minh Vương (chúa Nguyễn) tuy có hiếu, có chí nhưng lại chết, cuộc nổi loạn bất thành. Hoặc chuyện thầy Thông Chánh giết tên Biện lý Pháp Jaboin ở Trà Vinh rồi bị hành quyết, hoặc thơ Năm Ty, thơ Sáu nhỏ kể lại thành tích của hai tay anh chị, ăn ở thuỷ chung với bạn bè, rốt cuộc bị hại. Nếu theo công thức “có hậu” thì những chuyện trên không có hậu cho lắm, nhưng đồng bào lúc bấy giờ hiểu ngầm rằng những nhân vật trong thơ đều có “gan ruột”, có “nghĩa khí”; nếu trong kiếp này chưa được mãn nguyện thì kiếp sau họ cũng được đền bù, bao nhiêu người đang hoan nghinh, không dám chê bai họ. người đặt thơ thường là rào đón, nhưng người đọc vẫn nghĩ tới cốt truyện. tinh thần trung cang nghĩa khí của Thiên Địa Hội được khơi dậy mạnh. Chưa kể đến thơ Cậu Hai Miêng (không rõ năm ấn hành đầu tiên) ca ngợi thành tích ngang tàng của cậu Hai con Lãnh binh Tấn ra tay dẹp cường hào ác bá, theo Tây nhưng dám ăn thua với những tay sai của Tây, lấy độc trị độc. Người bình dân luôn cả người trí thức đã quan niệm vấn đề “có hậu” một cách sâu xa. Ngày xưa muốn có hậu thì nhân vật phải được tiên ông, tiên bà dứu hoặc nhà vua, ông phú hộ bổng dưng hối cải mà xét lại sự tình. Trong một nước bị thực dân Pháp cai trị, những cốt truyện mang tính cách thời sự thì phần kết cuộc chỉ có thể “có hậu” trong ý chí vương lên của từng độc giả, và chỉ “có hậu” thật sự khi thực dân vắng bóng, bằng hành động cụ thể của đồng bào.
Nếu năm 1906 tạm được xem là khởi điểm của phong trào nói thơ, nói truyện lần hồi lan rộng trong giới bình dân, thì đó cũng là năm khởi điểm cho phong trào đờn ca tài tử. Trước kia, cầm kỳ thi hoạ là thú vui của kẻ sĩ để “di dưỡng tính tình”. Nhờ chữ Quốc ngữ (phổ biến bài ca, với lời ca mới) nhưng đặc biệt nhờ mức sống khá giả của giới trung lưu ở thôn quê mà việc đờn ca trở thành phổ thông. Những bản nhạc cổ đểin điệu Huế - mà ông Tấn sĩ Phan Hiền Đạo nổi danh là người biểu diễn khá tài hoa – lần hồi được giới mộ điệu ưa thích. Lại có những thầy đờn giỏi như Nguyễn Liên phong và con là Nguyễn Tòng Bá tiếp tục chế biến. Thầy đờn tha hồ đi dây, giới mộ điệu đón rước ân cần, chẳng riêng gì ở Mỹ Tho là đất văn vật mà luôn cả ở Vĩnh Long, tận Sóc Trăng.
Phong trào Đông Du nổi lên rồi cuộc Minh Tân rầm rộ đòi “di phong dịch tục” thay đổi nếp sống cho hợp với trào lưu mới, tranh thương, mở mang công nghệ, học tập điều khiển xí nghiệp nhỏ. Trước kia, những buổi trình diễn bài bản cổ điển được ưa thích như Tứ Đại cảnh, Tứ Đại oán, Văn Thiên Tường, Tây Thi . . chỉ thu hẹp trong phạm vi bạn bè, trong nhà lúc uống rượu hoặc dưới thuyền lúc thưởng trăng trên sông dài. Nhưng người cổ suý cho phong trào Minh Tân bấy giờ đem đờn ca tài tử trình diễn cho bạn bè và thân chủ ở khách sạn (cơ quan kinh tài, tập họp của phong trào) vào cuối năm 1908; buổi chiều lại còn tiết mục hát thuật (ảo thuật) xen kẽ. Phong trào tan rã nhưng thú đờn ca vẫn phát triển mạnh, lời ca lấy đề tài ở điển tích Tô Huệ chức cẩm hồi văn, Bá Lý Hề, lục Vân Tiên, truyện Thúy Kiều.
Điệu ca ra bộ (vừa ca vừa diễn xuất ) rồi hình thức “hát chặp” ra đời (ca ra bộ với đôi ba người trình diễn một hoạt cảnh ngắn thâu hút cảm tình của từng nhóm nhỏ. Bấy giờ sự du nhập của văn chương Pháp, vài hài kịch được phổ biến trong trường học, những tuồng cổ điển với màn, cảnh bố trí rõ rệt, đồng thời có cảnh “sơn thủy” thích hợp. Một số người am hiểu Tây học hợp tác với các nhân sĩ đã cho ra mắt sân khấu cải lương. Cải lương là sửa đổi, canh tân hình thức sân khấu cũ của ta là Hát bội. Tuồng tích đặt ra giữa khoảng Âu châu đại chiến thứ nhất – với sự tham gia của người theo Tây học, thân Pháp. Và của những người tham gia phong trào Duy Tân. Tung tích bại lộ tuy được trả tự do nhưng thấm mệt – không tranh đấu về mặt chính trị, bèn làm công tác văn hóa. Hát bội lần lần bớt thu hút dân chúng, tuồng cải lương tỏ ra phong phú và có khả năng thích ứng với mọi từng lớp đồng bào. “tuồng Tàu” cho những người thích truyện Tàu. “tuồng Tây” với nghĩa là tuồng nặng về tả chân, đem con người của thời hiện tại ra phô bày, với áo lớn ,cà vạt, tuy dùng những bản cổ điển nhưng xem vào có những lớp đối thoại như thoại kịch. Người viết tuồng cải lương bắt đầu chú trọng vào việc bố trí nhân vật, phân phối màn, lớp, cách kéo màn, hạ màn hoặc chậm hoặc lẹ, cũng là ánh sáng sân khấu, đặc biệt là tranh cảnh (bấy giờ gọi là sơn thủy). So với hát bội, những động tác của diễn viên được phần tự nhiên, gần thực tế, câu văn dễ hiểu hơn. Gánh hát cải lương thi nhau trình diễn lưu động từ Sài Gòn tới các tỉnh lớn và một vài chợ quận giàu có. Ở làng ở tỉnh, lại còn gánh hát nhỏ. Phương tiện di chuyển thoạt tiên là đường thủy, sắm ghe lớn để chở đồ đạc, có tàu kéo vì vậy mà gọi là ghe hát. Cùng với tuồng cải lương, bài ca Vọng cổ cũng phát triển, tiết tấu thêm phong phú, trữ tình.
Với Vọng cổ, lần hồi ở thôn quê những điệu hò đối đáp, hò giã gạo giảm uy thế. Cũng như từ khi cải lương ra đời, các hình thức nói thơ, nói truyện cùng là hát bội dường như đứng lại. Hai hình thức văn nghệ mới quả là sự biến chuyển đáng kể theo chiều hướng tốt.
Số nhà in dồi dào lại cung cấp kịp thời những bổn tuồng cải lương ngắn vàn hững bài ca vọng cổ giúp cho dân ở nơi hẻo lánh có thể tổ chức đờn ca vui vẻ, khi rảnh rang hoặc lúc đám ma, đám giỗ, đám cưới. đĩa hát, máy hát phổ biến khá mạnh; mỗi làng quê ít ra cũng có năm bảy người đủ sức mua sắm. thoạt tiên tiếng hát thâu ở Sài Gòn, gởi về Pháp ép ra đĩa nhựa.
Một trong những người ủng hộ việc sáng lập ngành sân khấu cải lương là Hồ Biểu Chánh. Năm 1910, ông cho ra tập thơ đầu tiên: U tình Lục những không thành công; từ 1910 đến 1920 làm báo rồi viết tiểu thuyết. Nói chung, ông giỏi tài phóng tác tiểu thuyết Pháp đến mức đọc qua ai cũng tưởng là chuyện xảy ra ở miền Nam. Tiểu thuyết của ông một thời được mọi giới ái mộ, đọc là hiểu ngay; ông tả tâm lý, tả cảnh rất linh động. Ở những gia đình trước kia thích nói truyện Tàu, tiểu thuyết của ông được tiếp đón, xem như là những truyện hiện đại hóa, vẫn là “có hậu”.
Nếu yêu nước nồng nhiệt, thiết thực, chuộng tiến bộ, hướng về đại chúng là bản sắc của kẻ sĩ khi hành động về văn hóa thì về mặt chánh trị, vẫn là như thế.
Thiên Địa Hội tạo ra được Phan Xích Long dám yêu cầu tòa xử tử hình ngay, và nhiều nhân vật khác điển hình là hương hào Hầu bị can vào tôi chống Pháp (vụ phá khám Biên Hoà 1916) đã nói khẳng khái trước giờ hành quyền: “ta sanh làm tướng, chết làm thần. Chào bà con ở lại mạnh giỏi.” Hai Sở cùng bị xử một lượt, thách thức trước mũi súng của thực dân khi thọ án tử hình: “Cứ bắn ta đi, Sở này không sợ đâu! Cái chết, ta thị như qui tân gia” (coi như về nhà mới vậy thôi.). Có thể kể thêm trường hợp anh hùng Thiên Địa Hội nhóm Nghĩa Hưng ở vùng Chợ Kiển (Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn thời trước); cơ mưu bại lộ sắp bị bắt nhưng anh em thề sanh tử bất ly, trốn thì được nhưng lại lo vợ con bạn bè bị liên lụy, chi bằng khuyên bảo họ cứ đi nơi khác; anh em ở lại, tìm một căn chòi ở gần ngã ba chợ Trạm mà nghỉ ngơi.
Năm anh em kết nghĩa này làm thịt con heo mà ăn uống no say, chỉ còn nồi cháo lòng là món ăn cuối cùng. Chờ hửng sáng, đoán chừng bọn tay sai của thực dân sắp lùng bắt, họ tự ray rắc thuộc độc vào nồi cháo, mỗi người ăn một vài tô rồi ngã lăn ra chết.
Hồi xảy ra phong trào Duy Tân 1907, miền Nam nặng óc tôn quân. Về sau, phong trào tàn lụn, thực dân khủng bố gắt gao nhưng thân hoà nhân sĩ và đồng bào vẫn hăm hở đón rước ông Cường Để vào năm 1913, đến mức ông phải ngạc nhiên. Ông về Sài Gòn, lén lút đến Chợ Mới (chợ Gạo?) rồi qua Vĩnh Long bằng tàu thủy. Dưới tàu, ông nghe ba người nọ bàn tán với nhau về tin thực dân Pháp treo giải thưởng phong chức đốc phủ cho ai bắt được ông. Một trong ba người – vì không biết người ở cạnh nãy giờ ngồi lắng nghe chính là Cường Để - trả lời công khai với mấy người bạn kia:
“ – Có chuyện như thế ư? Tôi đây năm trước từng sang Nhựt có được biết đức Ông. Bây giờ nếu gặp vẫn còn nhớ mặt. Nhưng dù cho làm quan to mấy đi nữa, tôi cũng chẳng nỡ lòng nào “bán” đức Ông. Đức Ông là người vì nước vì dân, mình là người dân phải nên hết lòng ủng hộ. Đứa nào dám “bán” Đức Ông, ta đây quyết không tha.”
Ông Cường Để bình luận:
“Người này có từng sang Nhật thật không thì chẳng rõ, nhưng khi ấy thì bỉ nhân ở bên cạnh mà không nhận ra. Tuy vậy giọng nói và thái thì biểu hiện cái đặc tính trung thực và sốt sắng của người Nam Kỳ một cách đáng yêu”
Đến Vĩnh Long, ông Cường Để được một chiến sĩ từng Đông Du đón rước bí mật đưa về làng. Tuy là bí mật nhưng ông Cường để vẫn phải đụng đầu với vài thanh niên đã từng qua Nhựt. Ông trú ngụ tại nhà của Huỳnh Quang Thành, tuyệt nhiên không cho ai đến ra mắt. Nhưng một việc buồn cười xảy ra:
“Sáng hôm sau, bổng nghe tiếng trống rầm làng. Lệ làng ấy, hễ gặp khi có việc quan trọng thì đánh trống cái, triệu tập tất cả người làng ra đình để nghe báo cáo hoặc cùng bàn bạc.
“Huỳnh quang Thành ra đình, người làng đã đông, mấy thanh niên kể trên đang diễn thuyết hô hào:
“-Vua ta hiện đã về đây, ở nhà xã trưởng. Chúng ta là thần dân, người có của kẻ có công, phải đem cả ra mà hiến cho vua.
“Huỳnh Quang Thành vội vàng chạy về nói cho bỉ nhân biết. Mấy người thanh niên kia có lòng tốt song chưa hiểu biết việc đời, cho nên có cái hành động ngộ nghĩnh như thế khác nào tuyên bố cho người Pháp biết chỗ bỉ nhân trú ngụ. Họ vốn có ý hoan nghinh bỉ nhân, mà thành ra hoan tống”.
Cũng trong dịp này, một phú hộ (nên hiểu là đại điền chủ) ở Vĩnh Long tên là Lâm Bình – từng qua Nhựt đem theo hai đứa con trai nhờ ông Cường để cho đi học – đến nơi ông Cường Để đang ẩn trú để nói:
“- Thưa ngài, tôi không giàu có chi song một năm có hoa lợi hơn vạn bạc. tôi định chỉ lưu một nửa ăn tiêu, còn một nửa xin hiến ngài dùng làm việc nước. gần đây tôi có làm được một tòa nhà kiểu Tây, tôi ở từng dưới, trên gác bỏ không. Xin rước ngài về đó ở, chớ ngài ở thuyền thế này thì khổ quá”.
Một thân hào khác là cha của Lưu Do Hưng vì ái mộ ông Cường Để nên trước khi từ trần muốn hiến cho ông 30 vạn bạc, nhưng không biết giao cho ai đem đi.
Đúng là tinh thần trọng nghĩa lớn, như trường hợp ông Trần Chánh Chiếu vì quá nồng nhiệt mà trên mặt báo vào thời Minh Tân cho đăng tải những bài lộ liễu, chửi mắng công khai tổng đốc Lộc “ăn cơm chúa phải múa tối ngày, ăn cây nào rào cây ấy, nếu quan Tổng đốc cực chẳng đã mới ra tay bắt đội quản, và các quan đàng cựu chém giết đày lưu, bắt vợ bắt con làm khổ khắc, thậm chí bắt không đặng quan cựu rồi lại bắc buộc đàn bà, hoặc bắt con nít còn hôi sửa mà tra cho nó khai ra, bởi vậy cho nên mang lấy tiếng thị phi, cũng vì thực lộc thì phải báo ân, nên làm cho đến thế .. “ Lại còn bài báo khen ngợi liệt sĩ Nguyễn Trung Trực cùng phó tương Lâm Văn Ky, ám chỉ rằng nếu còn sống thì hai ông ấy ắt sẽ tham gia phong trào Duy Tân. Mặc dầu là đại điền chủ, công chức hoặc hương chức hội tề, chiến sĩ Duy Tân trong Nam vẫn nhắc nhở đến đời sống thiết thực của đa số đồng bào nghèo kém: phô bày cái khổ của giới tá điền, một năm 12 tháng mà phải chịu cảnh thất nghiệp đến bảy tám tháng. Hoặc kêu gọi cải cách tận gốc rễ nếp sống vật chất và tinh thần do thời phong kiến lưu lại, được thực dân dung túng: bỏ tục ăn trầu, bỏ tục đạo tì khiên quan tài với nghi thức rườm rà, chống nạn tảo hôn, chế độ hà khác mẹ chồng hành hạ nàng dâu, chống việc cúng đình, để nghị đúc tượng những người có công với đất nước để chưng bày nơi công cộng. Thậm chí đến mức đề nghị bỏ những nghi thức tốn kém khi thờ Phật hoặc thờ cúng ông Quan Công . ..
*
* *
Nồng nhiệt yêu nước, quá sốt sắng trước việc nghĩa là thái độ tốt nhưng có thể đem lại vài hậu quả xấu: nguội lạnh khi việc lớn không thành, lửa rơm, làm không xong thì không muốn tiếp tục.
Và quá chú trọng vào chuyện thực tế thì thường bỏ quên những kế hoạch có tánh cách chiến lược, không vạch chương trình dài hạn, đụng đâu làm đó, không phân biệt chi tiết và đại cuộc.
Có tác phong bình dân , hòa mình vào đại chúng vẫn chưa đủ. Phải biết tổ chức, biết huấn luyện đại chúng: lý thuyết mặc dầu là trừu tượng nhưng muốn đi đường dài thì phải nắm chắc định hướng cho bằng được.
Về mặt văn chương, lý luận, người miền Nam ít chú trọng xây dựng tác phẩm lớn khả dĩ thoả mãn giới trí thức. Cải lương, hát đối với thơ bình dân vẫn là chưa đủ. Truyện Tàu tuy hay, bố cục hấp dẫn – với những nhân vật đầy đủ nét điển hình và cá tính – nhưng làm sao thay thế được những truyện lấy đề tài trong thực tế mà hàng ngày ta đang sống? Thoại kịch, tiểu thuyết viết theo kỹ thuật Tây phương là những bộ môn cần thiết không kèm, tuy nó ít hấp dẫn giới bình dân và số người thưởng ngoạn chỉ có hạn lúc bấy giờ.