Chín vạn quân Sở do Tây Sở Bá Vương Hạng Võ chỉ huy, sau khi kéo tới Cai Hạ thì dừng lại. Ông chuẩn bị mở một trận quyết chiến sau cùng với liên quân Hán tại đây.
Hán và liên quân của các chư hầu cũng dàn trận để quyết chiến. Hàn Tín do được sự tín nhiệm của Lưu Bang, đã trở thành thống soái của ba chục vạn liên quân, trong lòng lấy làm đắc ý, quyết tâm thi thố tài năng của mình để không phụ lòng tin cậy của Hán Vương. Ông đã bố trí trận quyết chiến này như sau: ra lệnh cho Khổng tướng quân chỉ huy quân cánh tả, Phí tướng quân chỉ huy quân cánh hữu, còn ông thì chỉ huy trung quân. Cánh quân của Lưu Bang, ở phía sau, còn Châu Bột, Sài tướng quân thì làm hậu vệ cho Lưu Bang. Trong cuộc hội nghị trước khi diễn ra trận đánh, Hàn Tín đã có lời chỉ thị một lần nữa đối với thủ lĩnh của các cánh quân, hiệu triệu các cánh quân đều phải nghe theo sự chỉ huy thống nhất, hành động phải nhịp nhàng, kết hợp thành một khối vững chắc, để đánh một đòn cuối cùng và có tính chất hủy diệt đối với quân đội của Hạng Võ.
Giờ tấn công đã điểm. Sáng sớm ngày hôm đó, trong doanh trại của liên quân trống trận nổi lên inh ỏi, tiếp theo, Hàn Tín dẫn trung quân tiến ra khỏi doanh trại, còn các cánh quân khác thì nối tiếp theo sau như sự bố trí trong kế hoạch, đằng đằng sát khí, cát bụi tung bay mù mịt.
Đối diện với liên quân, quân Sở cũng sẵn sàng để quyết chiến. Chín vạn binh mã do Tây Sở Bá Vương dẫn đầu vẫn không mất hết nét oai phong của một đạo quân mạnh mẽ. Khi giao chiến bắt đầu, Hạng Võ cũng giống như trước đây, luôn đi đầu các binh sĩ. Trong tay ông cầm một cây giáo xà tiêu, cưỡi trên lưng con ngựa Ô Truy, to tiếng quát tháo, rồi xông về phía trước một cách dũng mãnh, để đánh nhau với quân địch. Hạng Võ không hổ là một viên mãnh tướng, đứng trước ba chục vạn đại quân với khí thế ồ ạt, ông không hề tỏ ra sợ hãi, trái lại, càng đánh càng hăng, với một sức mạnh không ai chống đỡ nổi. Hàn Tín bị sự áp đảo của Hạng Võ không khỏi khiếp đảm. Đôi bên đại chiến mấy hiệp, Hàn Tín dần dần cảm thấy đuối sức. Để tránh khỏi bị thảm hại, nhất là để tránh kế hoạch quyết chiến chung khỏi bị phá sản, Hàn Tín không dám tiếp tục giao tranh mà nhanh chóng thu hồi quân rút lui về phía sau. Hạng Võ thấy Hàn Tín rút lui, trong lòng hết sức vui mừng, xua quân đánh thốc về phía tây. Nào ngờ, trong khi trung quân của Hàn Tín rút lui, thì theo kế hoạch hai cánh quân ở phía tả và phía hữu liền xông lên giành lấy vị trí chiến đấu. Họ chờ cho Hạng Võ xua quân thọc sâu thì hai cánh quân ở phía phải và phía trái do Khổng tướng quân và Phí tướng quân chỉ huy liền tràn lên chiến đấu. Trung quân của Hàn Tín được biết quân Sở đã bị chặn đứng liền quay trở lại ra tay sát phạt. Ba cánh quân nói trên đã tạo thành một thế bao vây ba mặt đối với quân Sở. Quân Sở từ đó lâm vào thế bất lợi. Đôi bên kịch chiến một lúc lâu thì quân Sở bắt đầu núng thế, vì tổn thất quá nặng nề. Trong khi đó liên quân chiến đấu mỗi lúc càng thêm hăng. Đến giữa trưa, quân Sở cuối cùng đã bị đánh bại, phải rút lui về thế phòng ngự. Hạng Võ ra lệnh cho toàn quân: đắp luỹ vững chắc đề phòng bị đột kích. Lúc bấy giờ Hàn Tín chỉ huy ba chục vạn quân bao vây quân Sở thành nhiều lớp rất chặt chẽ.
Tình hình này kéo dài suốt mấy hôm, quân Hán vẫn không mở cuộc tấn công. Họ nới lỏng đội ngũ để tiến hành bao vây từ nhiều mặt. Ý đồ tác chiến của Hàn Tín là tạm thời tránh cách đánh trực diện với quân Sở, thực hiện cách bao vây để chờ quân Sở ăn hết lương thực sẽ tiêu diệt chúng.
Lúc bấy giờ đang ở giữa mùa đông, khí trời rất lạnh, trong khi y phục của quân Sở lại quá mong manh, lương thực không đủ ăn, tình hình sĩ khí liên tực giảm mạnh. Ban ngày họ tìm những nơi có ánh nắng để sưởi ấm, đến đêm thì máy người chen chúc vào nhau để tạo hơi ấm. Đáng lý việc canh phòng doanh trại phải có đông đủ binh sĩ tham gia, nhưng do quân Hán không mở cuộc tấn công, nên họ cũng buông lỏng sự cảnh giác, chỉ để lại một ít người đi tuần tiễu, còn tất cả thì ở trong doanh trại trướng nghỉ ngơi. Họ rất ít đi lại và cũng lười nói chuyện với nhau. Tất cả chỉ biết buồn bã ngồi cạnh nhau để lấy hơi ấm, và nhắm mắt lại để dưỡng thần. Các tướng lãnh biết binh sĩ của họ bị đói bụng, và cần phải duy trì thể lực cho nên cũng không quản lý họ quá chặt chẽ, mà để cho họ được tự do. Các tướng lãnh cũng như binh sĩ đều cảm thấy tương lai rất mờ mịt, chuyện sống chết không ai đoán được. Tất cả họ đều biết quân Sở đang bị quân Hán bao vây rất chặt chẽ, muốn phá vòng vây không phải là chuyện dễ. Họ hy vọng quân Hán mau chóng mở cuộc tấn công để cùng nhau đánh một trận cho hả hê, sớm kết thúc tình trạng dở sống dở chết trong cảnh bị bao vây như thế này. Sự chờ đợi đó làm cho người ta buồn bực và sốt ruột, nhưng vẫn phải cứ chờ đợi, vì họ còn biết làm cách nào khác hơn. Quyền chủ động không còn ở trong tay họ, cho nên họ phải chờ đợi mà thôi.
Đêm hôm đó trời đặc biệt tối, mặt trăng và các vì sao đều bị mây đen che phủ không thể lọt ra ngoài một tí ánh sáng nào. Núi và cây gần như đều trở nên mông lung, giống như bị trùm lên một tấm màn mỏng màu đen. Tất cả cảnh vật thiên nhiên, đều yên ắng trong một không gian phủ kín màu đen, không một tiếng động, không ai nói cười, trong lòng mỗi người nặng trĩu nỗi buồn và những suy nghĩ miên man.
Trong doanh trại của quân Sở, những ngọn đèn thắp bằng mỡ thú đang lay động chập chờ, phản ánh những gương mặt vàng bệch và những đôi mắt sáng lờ mờ như đèn ma. Tất cả tướng sĩ đều không ngủ được, vì bụng họ đang trống trơn, muốn dỗ giấc ngủ thật là khó, hơn nữa, lúc ban ngày họ đã nằm ngủ trên sườn đồi có ánh nắng. Để xua đuổi những cơn đói và lạnh, họ thì thầm nói chuyện với nhau. Đầu đề câu chuyện của họ là ăn, đặc biệt là những món ăn ngon ở quê hương của mình. Hầu hết các binh sĩ đều là người đất Sở. Đất Sở là nơi sản xuất lúa gạo. Gạo có thể nấu cháo, có thể nấu cơm, khi nấu cơm có thể cho thêm vào một ít quả rim mật để làm gia vị, cơm đặc biệt thơm ngon. Nếu nấu cơm khô thì ăn với canh nóng hoặc làm nước xốt trộn cơm lại càng thơm ngon hơn. Giờ đây, nếu có thể ăn một bữa no nê, thì dù chết cũng hả dạ. Gạo khi xay giã xong, còn có thể làm các loại bánh hoặc làm cơm nhồi ăn cũng rất ngon. Nếu có thêm măng tre, củ sen, rau muống, su hào, hoặc nếu có một miếng gan heo, một miếng thịt dê, thì bữa cơm lại càng đậm đà hơn nữa. Họ càng nói càng hăng và không ngớt nuốt nước bọt, khiến dạ dày rổng của họ dường như đã chứa đầy thức ăn. Cơ thể vốn thiếu nhiệt lượng của họ chừng như đang dâng lên một luồng hơi ấm. Họ đã thấy thỏa mãn, thấy phấn khởi, nhưng sau đó lại nhanh chóng trở thành một cảm giác đói lạnh nặng nề và khổ sở hơn.
Giữa bầu trời đêm mênh mông bỗng vang đến một bài hát:
Ruộng vườn sắp hoang vu rồi sao không về?
Nghìn dặm tùng quân là vì ai? ........
Ôi! tiếng hát của đất Sở sao nghe thân thiét và quen thuộc quá! Tất cả các binh sĩ không ai bảo ai cùng nhau bước ra cửa lều trướng, im lặng lắng nghe. Tiếng hát đó làm cho họ như thấy rõ núi non sông nước tại quê hương của mình, thấy rõ những phụ lão, những thân phận quen thuộc ở vùng quê hương. Trong lòng họ bỗng dậy lên một nỗi niềm nhớ quê hương tha thiết. Có người tặc lưỡi thở dài, có người âm thầm rơi lệ, cũng có người cất giọng khe khẽ hát theo. Họ nhìn bầu trời đen tối trong lòng vô cùng đau khổ.
Những khúc ca đó làm cho Tây Sở Bá Vương đứng ngồi không yên. Ông nghiêng tai lắng nghe, nhận thấy tiếng hát đó từ trong doanh trại của quân Hán bay ra. Chừng như có rất đông người cùng hát, giống như một đoàn hợp xướng có đến hàng nghìn, hàng vạn ca sĩ đang hát một cách nhịp nhàng, trùm kín cả doanh trại của quân Sở. Tiếng hát khi nhạt, khi khoan, khi bổng khi trầm, khi ai oán lúc thiết tha, thể hiện một thứ tình cảm quê hương đậm đà. Tiếng hát làm cho Hạng Võ nhớ lại tất cả những gì ở quê nhà, nào là núi xanh, nước biếc, nào là những cánh đồng phì nhiêu, lúa trĩu hạt, nào là những chiếc thuyền câu nhấp nhô trên sóng nước, nào là phong cảnh xinh đẹp đáng yêu của quê hương. Ông đã lớn lên trên đất Sở, sự nghiệp của ông, những gì mà ông theo đuổi, những thành công mà ông gặt hái được đều gắn liền với mảnh đất của quê hương. Dòng máu chảy trong huyết quản của ông chính là dòng máu của người Sở, không giờ phút nào ông có thể quên đi nước Sở mà tổ tiên ông đã từng hiến thân. Những hoài niệm sâu xa đó làm cho Hạng Võ cảm thấy nôn nóng muốn trở về quê hương ngay, nhưng hiện thực thì không cho phép ông được đi đâu cả. Nhớ lại chuyện đã qua, rồi liên kết với chuyện trước mắt, Hạng Võ cảm thấy một nỗi buồn đau lướt qua tâm hồn mình.
Khi Hạng Võ có những ý nghĩ miên man đó trở về với thực tại, thì trước ánh sáng lù mù của những ngọn đèn chung quanh lại không khỏi suy nghĩ: chẳng lẽ quân Hán đã chiếm lĩnh toàn bộ đất đai của nước Sở rồi hay sao? Tại sao trong doanh trại của quân Hán có nhiều người như thế? Kể từ ngày Bành Thành bị chiếm đóng, thì tin tức mất thành mất đất cứ nối tiếp nhau truyền đến. Lòng ông nôn nóng như bị lửa đốt nhưng lại không có cách giải quyết nào. Ông thường lo ngại những vùng đất mà ông phải đổi bằng máu xương qua những cuộc chiến đấu mới có udodjc thì ngày nay lại mất hết. Nếu đúng như vậy, thì ông dù có nhà cũng không thể trở về, và bao nhiêu công lao trước kia đều phủi sạch. Từ những tiếng hát theo điệu Sở ca đã làm cho Hạng Võ suy đoán như thế và ngày nay đã trở thành sự thật. Ông không khỏi cảm thấy vô cùng bối rối, vầng trán tự nhiên lấm tấm mồ hôi.
- Cho rượu ra!
Đôi mắt ông nhìn sững sờ, và miệng lẩm bẩm một câu nói như thế. Tức thì, những người hầu liền mang rượu và thức ăn ra với một thái độ vô cùng kính cẩn. Họ đặt rượu và thức ăn lên mặt bàn. Thức ăn rất tầm thường, chỉ có một món xào duy nhất, Hạng Võ không tham tài háo sắc giống như Lưu Bang, ăn uống cũng rất giản dị. Ông không có vợ đôi vợ ba, mà chỉ có một mình Ngu Cơ nương nương. Hằng ngày thức ăn của ông cũng không có hai món, mà chỉ một món là đủ rồi. Người đầu bếp thấy Bá Vương luôn ngồi trên lưng ngựa đi chinh chiến khắp nơi, quá cực nhọc, lại ăn uống quá đạm bạc nên nghĩ ra một cách là chọn những món ăn mà Hạng Võ yêu thích như thịt gà xé sợi, cá vò viên, hải sản, rau cải, rồi xào chung thành một món duy nhất để có đủ chất bổ dưỡng. Nhưng hôm nay món xào lại càng giản dị hơn, chỉ có mấy miếng thịt chim trĩ xào với củ cải. Trong quân đội gần như hết sạch lương thảo, vậy tìm đâu ra những món ăn ngon. Cũng may là Hạng Võ không chú ý tới điều đó, mà ông chỉ lo uống rượu. Cứ ly này uống cạn thì lại rót ly khác. Ông hoàn toàn không còn nhận ra hương vị của rượu nữa, mà chỉ thấy nó đắng và chát làm sao!
Hạng Võ vừa mới rót đầy ly rượu, đang muốn bưng lên uống thì một bàn tay dịu dàng đã ngăn ông. Hạng Võ ngước mặt nhìn lên, thấy đó là Ngu Cơ. Hôm nay Ngu Cơ mặc một bộ trắng rất giản dị, trên búi tóc cũng chỉ có một vài món trang sức. Đôi mày của nàng hơi cau lại, đôi mắt sáng đượm nét buồn. Khi ánh mắt của Hạng Võ nhìn lên khuôn mặt căng tròn, da thịt trắng mịn của Ngu Cơ, thì trong lòng không khỏi xúc động. Vì ông đã nhận ra nét lo lắng của Ngu Cơ. Nàng đang lo lắng cho số phận của quân Sở. Hạng Võ cảm kích người ái Cơ của mình, nên khẽ gật đầu, đưa tay kéo nàng đến gần mình và ngồi xuống bên cạnh.
Kể từ ngày lấy Hạng Võ, Ngu Cơ vẫn thường sống bên cạnh chồng. Trong những cuộc đông chinh tây chiến, trong lúc hành quân nhọc nhằn, họ luôn luôn sống gần bên nhau. Họ cùng hưởng niềm vui qua những trận thắng lợi, và chia sẻ nỗi buồn trước những trận thất bại. Tình cảm của hai người rất gắn bó với nhau. Trên chiến trường Hạng Võ là một võ phu oai dũng, nhưng khi đứng trước Ngu Cơ thì ông lại là một người chồng rất nhu mì. Tình thương chung thủy và duy nhất của ông, đã làm cho Ngu Cơ cảm thấy càng thêm ấm áp. Ngu Cơ cũng đem tất cả cuộc đời của mình gắn chặt với sự nghiệp của Hạng Võ, luôn luôn là một người nội trợ đảm đang trung thành. Nàng đã nhiều lần hiến kế hay cho Hạng Võ, và trong đời sống hằng ngày, và trong đời sống hằng ngày, nàng luôn luôn chăm sóc cho Hạng Võ một cách đầy đủ và tỉ mỉ. Trong những ngày gần đây, do tình hình bất lợi, Ngu Cơ càng lo lắng hơn bao giờ hết, nhưng nàng cố che giấu sự lo lắng đó, vì sợ Hạng Võ sẽ vì nàng mà bị chi phối việc quân. Đêm hôm nay, tiếng Sở ca từ bốn bên vọng tới, đã làm cho nàng cảm thấy phập phồng. Chừng như nàng linh cảm những chuyện bất tường sắp xảy ra, đó là một cuộc sinh ly tử biệt đáng sợ. Nàng dựa sát vào người chồng, như sợ Hạng Võ sẽ rời nàng ra đi. Qua những năm chinh chiến liên tục, Ngu Cơ đã quen cảnh xa chồng, nhưng trong cái lạnh của đêm nay, nàng không muốn rời chồng, dù cho có chết cũng chết chung một nơi.
Bên ngoài doanh trướng có tiếng ngựa hí vọng vào. Đó là tiếng hí của con ngựa Ô Truy. Con ngựa này từng được Bá Vương Hạng Võ cưỡi để xông pha khắp các chiến trường, đã lập được nhiều chiến công to lớn. Hạng Võ rất yêu con chiến mã của mình, xem nó là một người bạn thân mật không biết nói. Ngày thường cứ mỗi lần con ngựa Ô Truy hí vang, đều làm cho tinh thần của Hạng Võ thêm phấn chấn, ý chí thêm hào hùng. Thế nhưng giờ đây tiếng hí của nó càng làm cho tâm trí của Hạng Võ thêm rối bời. Đứng trước một viễn cảnh tuyệt vọng, tai nghe Sở ca nổi lên khắp bốn bên khiến cho Hạng Võ cảm thấy rất tuyệt vọng. Tâm trạng phức tạp của ông đã biến thành một khúc ca bi tráng:
Lực bạt sơn hề khí cái thế,
Thời bất lợi hề truy bất thệ,
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà? Dịch:
Sức nhổ núi chừ khí trùm trời,
Thời bất lợi chừ ngựa chùn rồi,
Ngựa chùn rồi chừ biết sao đây,
Ngu hề Ngu hề phải làm gì? Bài hát ấy xuất phát từ đáy lòng của Hạng Võ, phản ảnh tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính ông. Hạng Võ hát lên bài hát đó với tất cả sự rung động của lòng mình, và bất giác hai dòng lệ trào ra, Ngu Cơ nghe qua cảm thấy như dao cắt ruột, để Hạng Võ không quá đau thương, Ngu Cơ cười gượng rồi đứng lên, nói:
- Này Đại Vương, đêm nay không phải như những đêm bình thường, Đại Vương đã cất tiếng hát vậy tiện thiếp xin bước ra múa để giúp vui cho Đại Vương.
Hạng Võ cũng gượng cười khẽ gật đầu. Ngu Cơ nhẹ nhàng bước ra tuốt kiếm vừa múa vừa hát:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Đại Vương ý khi tận,
Tiện thiếp hà liêu sanh! Dịch:
Hán binh đã xâm nhập,
Bốn phía tiếng Sở ca.
Đại Vương ý chí hết,
Thiếp sống nào thiết tha! Múa xong, Ngu Cơ bước đến gần Hạng Võ, nói:
- Kể từ khi thiếp theo hầu hạ Đại Vương cho tới nay, được Đại Vương ưu ái trăm phần, thiếp thật không muốn ngày nào xa nhau. Nhưng nay quân Hán đang bao vây lớp lớp, quân Sở sắp sửa lâm nguy, vậy tiện thiếp phải đành đi trước. Mong Đại Vương đột phá trùng vây, chỉnh đốn lại sơn hà, được vậy thì thiếp cũng an lòng nhắm mắt dưới chín suối!
Nói tới đây, Ngu Cơ khóc như mưa, nghẹn ngào không thốt nên lời nữa. Nàng nhìn Hạng Võ với đôi mắt thâm tình, nói:
- Xin Đại Vương hãy bảo trọng!
Dứt lời nàng tung gươm khứa ngang cổ tự sát.
Một sinh mệnh đã kết thúc, một thân người đẹp như một pho tượng tạc bằng ngọc đã ngã quỵ trên vũng máu. Tiếng gió đã im, cả trời đất đều trở nên im lặng một cách đáng sợ. Thời gian chừng như cũng dừng lại.
Hạng Võ đang đứng trơ trơ bên cạnh vợ, bỗng đau đớn òa lên khóc to:
- Bớ Ngu Cơ...
Ông nhảy bổ tới ôm chầm lấy xác của Ngu Cơ, nước mắt đầm đìa. Những người hầu cận nghe tiếng động vội vàng chạy vào, tất cả họ đều òa lên khóc. Họ đau đớn và tiếc nuối cho cái chết của Ngu Cơ và đau buồn trước tương lai của Sở.
Bên ngoài doanh trướng, tiếng Sở ca lại vang lên như tiếng nhạc gọi hồn, làm cho đêm tối đen đầy bi thảm càng thêm rùng rợn. Hạng Võ gần như mê loạn, không biết đâu là nơi có mặt trời, đâu là nơi có mưa rơi.