Hàn Tín không hề nghe được tiếng réo gọi của Lưu Bang. Ông ta án binh bất động và vẫn ở tại nước Tề. Trong khi Lưu Bang bị Hạng Võ đánh bại tại Cố Lăng, thì Hàn Tín đang được các tùy tùng theo hầu, an nhàn đi rong chơi tại vương đô là thành Lâm Tri.
Lâm Tri là đô thành của nước Tề thời Chiến Quốc. Nước Tề toạ lạc tại vùng hạ lưu sông Hoàng Hà, nay là vùng Liêu Đông thuộc bán đảo Sơn Đông, được gọi là đại bình nguyên ven biển.
Đất Tề rất phì nhiêu, nông nghiệp rất phát triển. Vì vùng đất này phía đông nằm sát biển cả, là nơi sản xuất nhiều cá và muối. Các loại hàng như sơn mài, vải, lụa, đặc biệt là các sản phẩm dệt rất khéo, tiêu thụ khắp nơi. Thành Lâm Tri kể từ đời Tây Châu trở lại đây đã là một đô thị lớn nhất ở phía đông, đến đời Tề Hoàn Công lại càng phồn thịnh. Trong thành có tất cả bảy vạn hộ, lấy trung bình mỗi hộ là năm người thì nhân khẩu toàn thành có đến ba mươi lăm vạn. Người Lâm Tri vừa giàu có vừa thiết thực, họ thích thổi sáo đánh đàn, đá gà, đua chó và các trò chơi như đánh cờ Lục Bát, đá bóng Thạp Cúc. Thời Chiến Quốc trong thành thật phồn vinh, được sách sử miêu tả là "ngựa xe như nước, áo quần như nêm." Sau khi Tần Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước, Lâm Tri trở thành quận lỵ của quận Lâm Tri, không còn là đô thành nhưng sự phồn vinh thì vẫn như cũ. Cuối đời Tần, Trần Thiệp đầu tiên dựng cờ khởi nghĩa, tự lập làm Sở Vương, phía Châu Thị kéo quân đánh chiếm đất Ngụy, thế lực vươn tới Địch Thành ở phía bắc. Người Địch Thành là Điền Đam vốn thuộc Vương tộc của Tề Vương, có người em họ nội là Điền Vinh và em Điền Vinh là Điền Hoành đều là người hào phóng. Tông tộc của họ rất mạnh, được bá tánh yêu chuộng, kính nể. Điền Đam thấy nghĩa quân kéo tới dưới chân Địch Thành, bèn nhân cơ hội đó giết chết huyệnh lệnh, tuyên bố khởi binh, tự lập làm Tề Vương, và phái quân đánh lui Châu Thị, bình định được đất Tề, lấy thành Lâm Tri làm đô thành của nước Tề. Ít lâu sau, Điềm Đam bị chết trận, người em trai của Tề Vương Kiến là Điền Giả, và người con trai là Điền Thị, cùng với em trai của Điền Đam là Điền Vinh, em trai của Điền Vinh là Điền Quảng đã nối tiếp nhau làm Tề Vương. Đất Tề do đó chiến sự xảy ra liên miên, thành Lâm Tri bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng so với các thành ấp khác, nó vẫn còn mang ít nhiều dáng dấp của một vương đô.
Lúc Hàn Tín đi trên đường phố Lâm Tri, tâm trạng của ông hết sức phức tạp. Tất cả những sự từng trải thời tuổi trẻ, những năm chinh chiến gần đây cứ nối tiếp nhau hiện lên trong đầu óc của ông. Cảnh bần cùng của những ngày qua thật là hết sức bi đát. Cứ mỗi khi nhớ lại lòng ông không khỏi quặn đau. Ông không làm sao quên được những ngày ăn nhờ ở đậu với người đình trưởng huyện Nam Xương thuộc quận Hoài Âm. Đó là những ngày nghèo xơ, nghèo xác thật là đáng thương. Hằng ngày phải chú ý đến sắc mặt của người trong gia đình đó bằng cách làm họ vui lòng quả thật chẳng khác nào một tên ăn mày. Thế mà, ông vẫn thường gặp cảnh bạc đãi, trong bụng trống trơn không có thứ gì ăn. Ông cũng nhớ lại người đàn bà giặt sợi tại mé sông Hoài Thủy thường cho thức ăn để ông đở dạ. Ân đức đó ông luôn ghi nhớ để chờ ngày đền đáp. Nhất là cái nhục lòn trông khiến ông không dám nghĩ tới. Ngày nay, tất cả những điều đó đã trở thành quá khứ. Nỗi nhọc nhằn tủi nhục trước kia không còn đến với ông nữa, vì ông đang là Tề Vương, vì ông đã chiếm hết vùng đất Tam Tề, ông là chúa tể ở đây, là người nắm quyền cai trị tối cao của đất Tề. Cảnh sống ngày hôm nay của ông hoàn toàn khác hẳn với cảnh sống trước kia, đã làm ông vui vẻ phấn chấn. Nhưng, ông cũng không tránh khỏi một vài điều lo ngại: chức Tề Vương là do ông tự đề xuất, chứ không phải do Hán Vương tự ý phong cho, Hán Vương mặc dù tạm thời bằng lòng, nhưng về sau biết đâu ông ta thay đổi ý kiến thì sao?
Hàn Tín đang ngồi trên lưng ngựa nghĩ ngợi lung tung, bỗng nghe có tiếng hò reo ồn ào làm ông giựt mình. Ông ngửa mặt nhìn lên, thấy đó là một nhóm thanh niên đang đá bóng thạp cúc tại một khảong đất trống ở phía trước mặt. Loại bóng thạp cúc này tương truyền là do Hoàng Đế bày ra, và trở thành một trò chơi trong dân gian thời Chiến Quốc, được lưu hành rất rộng và trở thành một trò chơi quan trọng trong các loại hình vui chơi văn hóa nhiều màu sắc của cư dân nước Tề vốn rát sung túc. Sau khi Tần thống nhất toàn quốc, do có những sự kiện xuất phát từ đường lối cai trị tàn bạo của họ như đốt sách chôn sống nho sinh, thu hồi và tiêu hủy các loại vũ khí, cho nên trò chơi thạp cúc đã một thời bị lãng quên. Đến nay, sau khi Hàn Tín thống nhất lãnh thổ của nước Tề, thì trò chơi này lại được khôi phục. Nhìn thấy những thanh niên đang chơi đùa, Hàn Tín có cảm tưởng rất thân thiết và rất đắc ý. Chừng như qua hình ảnh của trò chơi đá bóng thạp cúc ấy, ông thấy được sự hồi sinh của nước Tề do ông làm vương.
Hàn Tín vui vẻ xuống ngựa, đi đến chỗ những người tuổi trẻ đang đá bóng. Họ không biết mặt Hàn Tín, cho nên cũng không có ai lên tiếng chào hỏi, mà chỉ lo tiếp tục trò chơi của mình. Bóng thạp cúc là một loại bóng làm bằng da, bên trong nhét đầy lông vũ và tóc cho thật chặt, để có sức đàn hồi. Những người thanh niên kia đá tới đá lui quả bóng, bên cạnh lại có một người đứng thổi sáo ghép. Không khí thật tưng bừng, chờ cho họ mệt mỏi dừng lại nghỉ ngơi, Hàn Tín mới bước tới, gọi to:
- Các chú em! Các chú chơi vui lắm phải không?
Những người trai trẻ đó ngước mắt nhìn Hàn Tín rồi mỉm cười không nói chi cả. Hàn Tín lại nói:
- Nghe nói trước kia mấy Tề Vương họ Điền cai trị khắt khe, không cho phép bá tánh vui chơi giải trí, có đúng không?
Những người trai trẻ kia lộ sắc ngạc nhiên, và chỉ gật đầu đồng ý. Hàn Tín nói tiếp:
- Tề Vương hiện nay là người rất am hiểu tình hình của dân chúng, nên có ý định xoá bỏ tất cả các tệ trạng, cho phép mọi người vui chơi. Các trò chơi như đá bóng thạp cúc, đáng cờ lục bát, đá gà, đua chó đều được tự do. Vậy các anh em trẻ, cứ chơi đùa cho thỏa chí!
Hàn Tín nói như thế là muốn chứng tỏ Tề Vương hôm nay so với Tề Vương trước kia tốt hơn rất nhiều. Hàn Tín ta nhất định sẽ cai trị tốt đất Tề. Thế nhưng, những người thanh niên kia vẫn không hề để ý. Họ trề môi nói:
- Cái gì là Tề Vương trước, Tề Vương nay, nói cho cùng họ đều là vương cả. Ai tốt, ai không tốt chẳng quan hệ chi tới bá tánh chúng tôi. Nghe đâu Tề Vương hiện nay chưa chắc có thể ngồi trên ngôi vị đó được lâu dài, vì Hán Vương không thực lòng muốn để cho ông ta làm vương, cho nên cũng rất khó nói đấy!
Nói tới đây, những người tuổi trẻ kia không khỏi giật mình, đưa mắt nhìn kỹ Hàn Tín, rồi nói tiếp:
- Thật ra chúng tôi cũng không biết, mà chỉ nghe người ngoài phố nói như thế thôi. Nói dứt lời, họ lại tiếp tục đá bóng.
Hàn Tín như bị tạt vào mặt một gáo nước lạnh. Tất cả những sự phấn khởi trong lòng đều tiêu tan đi mất, vì những lời nói của họ đã chạm vào nỗi đau thầm kín trong lòng của ông. Trước đây, Hán Vương đã phái người đến đất Tề giao ước với ông cùng ra quân đánh Hạng Võ, nhưng ông đã án binh bất động. Chính vì đối với lời hứa của Hán Vương ông chưa thật an tâm. Ông sợ Hán Vương không biết giữ chữ tín, chỉ tạm thời bằng lòng để ông làm Tề Vương, chờ khi đánh bại được Hạng Võ thì lại có sự tính toán khác. Cho nên ông tỏ ra do dự không muốn lập tức phát binh. Nhưng làm như thế lại khiến ông có sự lo ngại mới: nếu không nghe theo lời kêu gọi của Hán Vương, vạn nhất ông ta nổi giận, dứt khoát thu hồi ấn vương của mình thì làm thế nào?
Những người tùy tùng thấy Hàn Tín có vẻ băn khoăn, liền để xuất cùng tới Tắc Hạ Học Cung để giảy khuây. Họ giới thiệu cho ông biêt, học cung này nằm ở ngoài cửa thành Lâm Tri. Đó là một đại học đường do ông nội của Tề Tuyên Vương là Trần Hầu Ngọ xây dựng. Trong thời Chiến Quốc, tại đó đã tập trung rất nhiều văn nhân học sĩ, chuyên giảng dạy và viết sách, đông đến hàng nghìn người. Các học giả đó đều là đại phu, sống trong nhà cao cửa rộng. Các học sinh đều là những người thích thổi sáo đánh đàn, không khí rất sôi nổi. Đến triều nhà Tần, mặc dầu các học giả đều phân tán ra đi không còn không khí sôi nổi như thời trước, nhưng đến đó xem qua kiến trúc của học cung này cũng là dịp để nhớ lại một cảnh tượng thời xưa. Hàn Tín lúc đó không còn hứng thú đi chơi nữa, nên ông lắc đầu ra lệnh cho những người thị tùng mở đường rồi lên ngựa trở về cung.
Khi Hàn Tín về đến cung thì một binh sĩ thị vệ bước tới bẩm báo:
- Hán Vương có phái sứ giả đến xin ra mắt, và đã chờ đợi từ lâu rồi.
Hàn Tín liền cho triệu kiến người sứ giả. Người sứ giả trao cho Hàn Tín một phong thư của Lưu Bang. Hàn Tín mở ra xem thấy bên trong viết: "May mắn nhờ được thần linh bảo trợ, nhờ các chư hầu giúp đỡ, nên qua sự khổ chiến của các tướng sĩ, quân Sở sắp diệt vong tới nơi. Việc giành lấy thiên hạ không phải sức của một mình tôi làm được, lấy thiên hạ xong cũng không phải một mình tôi trọng hưởng. Trước đây, tướng quân tự xưng làm Tề Vương, tôi đã phái Trương Lương đến phong vương, mặc dù có danh nghĩa là vương, nhưng chưa quy định ranh giới rõ ràng. Nay tôi quyết định phong tất cả vùng đất từ Trần Khâu ra tới bờ biển đều thuộc về lãnh thổ của Tề Vương, mong Tề Vương cai trị cho tốt."
Hàn Tín đọc xong, chừng như không tin ở đôi mắt của mình, lại xem kỹ một lần nữa. Khi đã biết đó là sự thật, Hàn Tín hết sức vui mừng nói với người sứ giả bằng một giọng cảm kích:
- Hán Vương là người biết đại nghĩa, lòng dạ khoáng đãng, đúng là xưa nay chưa từng có. Trước đây tôi được Hán Vương phong làm Tề Vương và ban cho vương ấn, nay lại quy định rõ cương thổ cho tôi, khiến tôi vô cùng cảm kích, suốt đời khó quên, xin sứ giả chuyển đạt lòng trung thành và biết ơn của tôi đến Hán Vương.
Nói tới đây, Hàn Tín chợt nhớ mình vẫn chưa ra quân đúng như lời yêu cầu, nên không khỏi ái ngại, bèn ngỏ ý xin lỗi với sứ giả:
- Trước đây Hán Vương có phái sứ giả hẹn tôi xuất binh đánh Sở, nhưng vì lúc đó tôi đang bệnh không thể mặc áo giáp ra trận được, nên chưa xuất quân một cách kịp thời, khiến tôi không khỏi hổ thẹn trước ý tốt của Hán Vương!
Sứ giả nhìn Hàn Tín đang ngồi trước mặt, không thể tìm ra được một dấu vết nào là ông đã từng bị bệnh, cho nên sứ giả đoán biết đấy là một cái cớ mà Hàn Tín tự bịa đặt ra, dù vậy, sứ giả cũng không tiện truy hỏi mà chỉ dùng một giọng nói trách móc nhẹ, kể lại cuộc chiến vừa xảy ra tại Cố Lăng. Sứ giả nói:
- Hán Vương sau khi phái người đi sứ tới đất Tề, vốn nghĩ rằng tướng quân sẽ cử binh tới nơi để cùng ra sức tấn công quân Sở. Nhưng không ngờ tướng quân lại không tới, buộc Hán Vương phải đóng lại Cố Lăng để chờ đợi. Quân Sở đã chụp lấy cơ hội đó, mở cuộc đột kích vào Cố Lăng, khiến quân Hán lâm vào cảnh bất lợi. Trận đánh đó thật là bi thảm. Hán Vương gần như mất sạch bao nhiêu công lao đã xây dựng được trước kia, cho nên Hán Vương hết sức đau khổ. Nếu tướng quân kịp thời thực hiện lời giao ước, thì chắc chắn không bao giờ xảy ra tình trạng như vậy!
Trước đây, Hàn Tín không hiểu rõ tình hình trận đánh tại Cố Lăng, nay nghe sứ giả nói, ông vừa kinh ngạc vừa cảm thấy mình là người có tội. Trận thất bại tại Cố Lăng mình phải có trách nhiệm, không thể thối thoát. Hán Vương mặc dù không có lời khiển trách, nhưng bản thân mình đâu thể tự tha thứ cho mình. Suy nghĩ đến đây, ông cảm thấy rất khổ tâm và áy náy, nên cúi mặt nhìn xuống đất.
Sứ giả lại nói:
- Hán Vương không hề oán trách tướng quân, mà chỉ hy vọng tướng quân nên xem trọng việc tiêu diệt quân Sở, tích cực hợp tác với Hán Vương.
Hàn Tín hỏi:
- Thế nào, Hán Vương có dự định mới hay không/
Sứ giả đáp:
- Đúng vậy. Hiện nay quân Sở đang thiếu lương thảo, binh sĩ lại rất mệt mỏi, mặc dù họ giành được một thắng lợi nhỏ, nhưng chẳng qua họ như một con thú ở vào bước đường cùng, cố chống trả một cách tuyệt vọng mà thôi. Hán Vương quyết định tiêu diệt quân Sở, và chỉ cần một trận đánh là giải quyết xong. Hán Vương hy vọng tướng quân đừng phụ lòng tốt của ông ấy, nhanh chóng xua quân tiến xuống phía nam.
Hàn Tín đã tiếp nhận sự phong vương và phong đất của Lưu Bang, đang muốn tìm cơ hội để báo đáp, đồng thời, cũng để bù lại cái sai án binh bất động của mình trước đây, cho nên ông liền hăng hái ngỏ ý với sứ giả, là binh mã của đất Tề sẽ tiến xuống phía nam để tham gia trận đại chiến ngay. Sứ giả thấy mục đích của mình đã đạt đuọ nên vui vẻ rời khỏi nước Tề.
Cùng một lúc với việc Hàn Tín nhận được đất phong, thì Bành Việt cũng được phong vương. Suốt hai năm qua, Bành Việt đã chiếm được vùng đất của nước Nguỵ cũ, tích cực phối hợp với Lưu Bang để khuấy phá hậu phương của quân Sở, kềm chế binh lực của họ, đối với Lưu Bang có sự hỗ trợ không phải nhỏ. Nhưng, mãi cho đến nay ông vẫn chưa được phong vương. Mùa xuân năm 205 Tr. CN, Lưu Bang và Ngụy Vương Báo cùng các chư hầu kéo về phía đông để tấn công nước Sở, còn Bành Việt thì dẫn quân đội của mình đến Ngoại Huỳnh để chạy theo Lưu Bang. Lưu Bang nói với Bành Việt:
- Bành tướng quân thu phục được nước Nguỵ, và mười mấy thành ấp đang muốn đưa hậu duệ của Nguỵ Vương lên ngôi. Tây Ngụy Vương Báo là anh em họ nội của Nguỵ Vương Cữu, chính là hậu duệ chính thức của Nguỵ Vương.
Thế là Lưu Bang đề cử Bành Việt làm tướng quốc, có quyền không chịu sự tiết chế của Ngụy Vương Báo. Bành Việt đối với Lưu Bang có thể bảo là đã dốc hết sức mình để tương trợ. Khi quân đội của Hạng Võ rút lui tới Dương Hạ, thì Bành Việt liền đánh chiếm hơn hai chục thành ấp ở vùng phụ cận Xương Ấp, chiếm được lúa gạo mười mấy vạn hộc, cung cấp cho quân Hán làm lương thực. Ông ta làm như thế cũng có cách suy nghĩ riêng của mình, đó là hy vọng Lưu Bang sẽ nghĩ tới chiến công của mình để phong ông làm Ngụy Vương. Vì lúc bấy giờ Nguỵ Vương Báo đã chết, không có hậu duệ, Bành Việt cho rằng với oai danh của ông tại đất Ngụy, nếu chiếm đất xưng vương cũng không hề xấu hổ. Nhưng ông chưa nói rõ ý muốn của mình cho Lưu Bang nghe, mà chỉ hy vọng Lưu Bang hiểu được nguyện vọng của mình để đáp ứng cụ thể.
Thế nhưng, Lưu Bang lại không làm như vậy, cho nên Bành Việt cảm thấy không vui. Vừa lúc đó Lưu Bang phái người đến triệu Bành Việt xua quân hợp lực đánh Sở, Bành Việt bèn từ chối, nói:
- Đất Ngụy vừa mới bình định xong, còn đang lo sợ quân Sở xâm phạm, nên không thể nào rời đi được.
Tâm trạng của Bành Việt được Lưu Bang đoán biết. Để tranh thủ Bành Việt xuất binh, Lưu Bang bèn áp dụng một phương thức giống như phương thức đối với Hàn Tín, ông phái sứ giả đến đất Ngụy nói với Bành Việt:
- Bành tướng quân bình định đất Lương, khuấy rối quân Sở, công lao rất to. Trước đây vì Nguỵ Vương Báo còn sống, nên Hán Vương chỉ cử tướng quân làm tướng quốc của nước Ngụy, còn bây giờ Ngụy Vương Báo đã chết, nên Hán Vương có ý phong tướng quân làm Ngụy Vương và vùng đất Tuy Dương chạy thẳng đến Cốc Thành đều thuộc tướng quân cai quản. Chờ khi đánh bại Hạng Võ xong, thì tướng quân có thể được phong vương.
Điều đó đối với Bành Việt quả là một điều ngoài sự mong muốn. Sở dĩ ông cố gắng góp sức với Lưu Bang chẳng phải là hy vọng có một ngày này đó sao? Hán Vương đúng là người hiểu được ý muốn của người khác, ông liền ngỏ ý với sứ giả, để đánh bại quân Sở, ông sẵn sàng phơi gan trải mật. Đội ngũ của ông sẵn sàng để cho Hán Vương điều động bất cứ lúc nào, sẵn sàng trợ giúp cho Hán Vương hoàn thành sự nghiệp lớn là tiêu diệt nước Sở.
Kế hoạch thúc đẩy Hàn Tín, Bành Việt ra quân là do chủ trương của Trương Lương. Vào ngày thứ hai sau khi bị bại trận tại Cố Lăng, Lưu Bang tỏ ra rất buồn bã, thứ nhất là vì bị bại trận, thứ hai là oán trách Hàn Tín, Bành Việt không chịu xuất binh kịp thời, nên tâm trạng thật bất an. Trương Lương bèn phân tích nguyên nhân thất bại lần này cho Lưu Bang nghe. Ông nói rõ: theo chốt của vấn đề là quân Tề, Lương không kéo tới đúng hẹn, còn Hàn Tín, Bành Việt không chịu xuất quân là vì chưa được phong vương và phong đất. Nếu bằng lòng chia sẻ thiên hạ với hai người đó, để cho họ chiếm đất xưng vương, thì quân Tề và quân Lương sẽ lập tức kéo tới ngay. Lưu Bang thấy ý kiến đó rất hay nên đã phái sứ gải chia nhau đi gặp Hàn Tín và Bành Việt.
Hai đạo quân của Hàn Tín và Bành Việt đúng là hai đạo quân mạnh. Lưu Bang tiếp nhận kiến nghị của Trương Lương, lấy việc phong vương phong đất để dẫn dụ hai người này vui vẻ kéo quân tới thamn gia trận đại chiến bao vây tiêu diệt quân Sở. Việc làm đó là một quyết sách của Lưu Bang. Hai cánh quân mạnh nói trên đã trở thành hai lực lượng nòng cốt của Lưu Bang, có một tác dụng to lớn trong việc giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Ba chục vạn đại quân Trung và hạ tuần tháng mười một, sau khi Hạng Võ đánh bại quân đội của Lưu Bang tại Cố Lăng, thì không tiếp tục rút về phía đông, mà xua quân đến huyện Trần nằm ở phía nam Cố Lăng để đóng giữ. Huyện Trần là quận lỵ của quận Trần, nằm tại bờ kênh đào Hồng Câu. Trong khi đóng quân tại huyện Trần, tâm trạng của Hạng Võ thật hết sức phức tạp. Vị thống soái của quân Sở vốn có tính bộc trực dễ tin này, ngỡ rằng đã ký hòa ước với Lưu Bang, lấy Hồng Câu làm ranh giới thì có thể yên ổn vô sự. Nhưng việc Lưu Bang bám theo sát quân Sở định mở cuộc tấn công, làm cho Hạng Võ như tỉnh cơn mộng. Ông vừa đau khổ, vừa căm tức khi ý thức được hòa ước là điều không đáng tin cậy, Lưu Bang phản phúc vô thường, bất cứ lúc nào cũng có thể xua quân đánh ập tới, cho nên ông không dám xem thường, mà cần phải đình chỉ việc rút quân về phía đông để đề phòng bất trắc.
Đúng ra Hạng Võ đối với Lưu Bang là người như thế nào đã có sự hiểu biết rất cụ thể. Kể từ Sở Hán tương tranh cho tới nay, giữa họ khi thì đánh nhau, khi thì ngưng nghỉ, đôi bên chả lẽ còn không biết nhau hay sao? Chỉ đáng tiếc là Hạng Võ bao giờ cũng quá dễ quên nên đã không suy xét hết bản tánh xảo trá của Lưu Bang, quên đi thói quen của ông ta là cứ co cụm một thời gian ngắn thì lại bung ra, cũng như đã quên đi việc mình thiếu cảnh giác mà phải trả một cái giá nặng nề. Hạng Võ chỉ nhớ sự thắng lợi của mình thôi. Ông luôn nhớ đến những thành quả chiến đấu huy hoàng đáng tự hào của mình. Đối với ông, Lưu Bang dù cho có mưu kế hay ho tới đâu, cũng không chống trả được với sức chiến đấu phi thường của mình. Tây Sở Bá Vương xưng hùng trong thiên hạ, thử hỏi đối với Lưu Bang vừa rồi, có thể nói quân Hán thừa lúc người ta không chuẩn bị, lén đánh từ sau lưng, thế mà khi quân Sở quay lại đánh cho một đòn, thì quân Hán liền bị đánh tan tác, dù đó chỉ là một trận đánh nhỏ. Chỉ với trận đánh đó chả lẽ không phải là một bằng chứng tốt đó sao?
Do cách suy nghĩ như vậy, nên Hạng Võ khi đóng quân tại huyện Trần vẫn không tiến hành phòng thủ chặt chẽ, ông chỉ muốn dừng chân tạm nơi đó để nghỉ ngơi trong chốc lát, để tướng sĩ bớt mệt mỏi sau nhiều ngày hành quân. Đồng thời, cũng muốn chờ xem Lưu Bang còn giở trò gì nữa. Ông ta tin chắc rằng mình hoàn toàn có thể đẩy lùi một cuộc tấn công khác của Lưu Bang. Nếu Lưu Bang cả gan xâm phạm lần thứ hai thì ông sẽ thẳng tay trừng trị, cho đến khi nào Lưu Bang chịu tuân thủ hòa ước, trở về bờ tây của con kinh đào Hồng Câu mới thôi.
Sự chú ý của Hạng Võ hoàn toàn tập trung vào doanh lũy của quân Hán đang cho mặt với mình, chứ ông hoàn toàn không ngờ được rằng trong một thời gian đó, Lưu Bang vẫn chưa chịu im trống cuốn cờ, mà còn đang bóp óc suy nghĩ một kế hoạch mới, một hành động mới đại quy mô hơn.
Ngày hôm đó, Hạng Võ đang ngồi uống rượu bỗng thấy một binh sĩ hốt hoảng chạy tới bẩm báo:
- Bẩm đại vương, Bành Thành đã bị đánh chiếm rồi!
Tin tức đó chẳng khác nào một tiếng sét nổ giữa trời trưa. Hạng Võ đứng phắt dậy, quát to:
- Cái gì? Chuyện đó có thật không?
Người binh sĩ sợ hãi lén nhìn nét mặt của Hạng Võ, thiểu não đáp:
- Hoàn toàn đúng sự thật, sau khi Bành Thành thất thủ thì Trụ quốc Hạng Tha đã bị bắt sống, còn quân giữ thành lớp chết, lớp bỏ trốn. Đô thành mà đại vương từng bỏ công khó nhọc ra xây dựng, nay đã lọt vào tay quân địch rồi. Tin tức đó tiểu nhân vừa mới thám thính được!
Tiếp đó, người binh sĩ này bèn kể lại về việc Bành Thành bị thất thủ.
Thì ra, đó là một con dao của Tề Vương Hàn Tín đâm sau lưng quân Sở. Hàn Tín sau khi được Lưu Bang phong thưởng, liền vui vẻ đáp ứng lời yêu cầu xuất binh, ngỏ ý bằng lòng phối hợp với Lưu Bang, cùng đánh quân Sở. Sau khi sứ giả của Lưu Bang rời khỏi Lâm Tri được ba hôm thì Hàn Tín bắt đầu chuẩn bị xua quân tiến xuống phía nam. Ông ra lệnh cho Tào Sâm ở lại giữ nước Tề, đồng thời, tiến hành đánh chiếm những nơi thuộc đất Tề nhưng chưa chịu khuất phục, còn bản thân Hàn Tín thì dẫn tướng quân Khổng Hy, Trần Hạ, và mấy vạn binh mã tiến quân xuống phía nam. Trong đoàn quân mạnh mẽ này của nước Tề, Quán Anh dẫn một đội kỵ binh làm quân tiên phong trực chỉ Sở đô Bành Thành. Hàn Tín ra lệnh cho Quán Anh: đi bất kể ngày đêm, cấp tốc xuất kích để cho quân Sở ở Bành Thành không kịp đối phó, và có thể chiếm được thành này một cách nhanh chóng. Sau khi Quán Anh nhận được mệnh lệnh, liền ra lệnh cho đạo kỵ binh của mình bỏ lại tất cả những đồ tùy thân nặng nề, mà chỉ mang theo rất ít lương thảo để có thể tiến quân với một tốc độ nhanh nhất.
Trong những ngày gần đây, vì quân chủ lực của Hạng Võ đang tác chiế ở mặt trận phía tây, nên quân phòng thủ tại Bành Thành còn lại rất ít. Trụ quốc của Sở là Hạng Tha chịu trách nhiệm giữ đô thành lại là một người kém tài, kém mưu lược, cho nên việc phòng thủ rất lỏng lẻo. Hạng Tha suốt ngày chỉ lo uống rượu và chơi trò cưỡi ngựa với các thủ hạ để làm vui. Trong lòng ông ta rất bình thản, cho rằng Hạng Võ đang đánh nhau với quân Hán ngoài tiền tuyến, nên Bành Thành không còn gì phải lo. Cho dù có một thiểu số binh mã của Bành Việt đến khuấy rối, nhưng với lực lượng đó họ cũng không hề sợ sệt. Đặc biệt sau khi nghe tin giữa Sở và Hán đã ký kết hòa ước, lấy Hồng Câu làm ranh giới để chia đôi thiên hạ, một người ở phía tây, còn một người ở phía đông, thì họ càng an tâm hơn. Hàng ngày ông ta chỉ mong chờ Hạng Võ kéo quân trở về, để ông ta có dịp mở cuộc đón tiếp Hạng Võ tại Bành Thành. Ông ta còn có kế hoạch mở tiệc khoản đãi binh sĩ để chúc mừng sự thắng lợi, cũng như dự định sẽ tiến hành một công trình xây cất lớn lao, để cho kinh đô của Bá Vương càng có thêm khí thế.
Trong khi Hạng Tha say sưa với giấc mộng hòa bình, thì giữa một đêm tối trời, kỵ binh của Quán Anh đã ập tới sát chân thành Bành Thành. Tiếng ngựa hí và quân reo đã làm tỉnh cơn mộng đẹp của Hạng Tha. Ông ta chưa kịp mặc nhung phục, chưa kịp lấy vũ khí, thì cửa thành đã bị quân Tề dùng gỗ to dộng phsa và mở toang, tức thì đại đội kỵ binh liền ào vào bên trong, hò reo sát phạt, thẳng tay chém giết. Hạng Tha nghe tin cửa thành bị phá, hốt hoảng dẫn theo một số binh sĩ vừa quy tụ được chạy ra nghinh chiến. Sau một trận chém giết hỗn loạn, quân Sở lớp chết lớp bị thương rất nhiều, Hạng Tha cũng bị té xuống ngựa và bị bắt sống, đến khi chân trời phía đông hừng sáng, thì tướng Tề là Quán Anh đã chễm chệ bước lên lầu thành, chính tay cầm lá cờ của quân Tề tung bay phất phơ...
Sau khi lắng tai nghe cảnh tượng bi đát đó, sắc mặt của Hạng Võ tỏ ra hết sưc đau khổ, đôi môi mím chặt, đôi mày dựng đứng, đôi mắt tròn xoe, vô cùng căm tức. Lúc bấy giờ ông ta đã tập trung tất cả sự thù hận vào một mình Hàn Tín. Ông ta tức tối vì không thể tức khắc trở về Bành Thành, để thẳng tay chém giết quân Tề, trả thù cho những tướng sĩ đã tử trận tại đó. Nhưng khi ông sắp sửa ra lệnh cho toàn quân rút về phía đông, thì lại tỏ ra chần chừ: ông ta vẫn còn phải đối phó với quân Hán của Lưu Bang, nếu rút về phía đông để đánh Tề, thì Lưu Bang bám theo truy kích sẽ biết tính sao? Đến chừng đó, trước mặt là quân Tề, sau lưng là quân Hán lại càng nguy khốn hơn. Sau khi suy tới nghĩ lui, Hạng Võ liền quyết định: tạm thời không vội quay trở về Bành Thành, mà chờ khi đánh bại quân Hán xong, mới đánh quân Tề.
Hạng Võ cuối cùng vẫn không rời huyện Trần mà vẫn giữ thế chong mặt giằng co với Lưu Bang. Nhưng, quân Tề của Hàn Tín sau khi đánh chiếm Bành Thành vẫn không dừng lại. Tiền quân của Quán Anh vẫn tiếp tục tiến lên kéo tới huyện Tiêu, huyện Tán, và đã đanh chiếm được huyện Tiêu của quân Đăng, cũng như chiếm được huyện Khổ của quận Trần, bắt sống được tướng Sở là Châu Lam. Trong trận đánh tại Duy Thủy hồi tháng mười một năm 203 Tr. CN, Châu Lam đã bị quân Hán bắt sống một lần, về sau ông ta trốn thoát, và nay ông ta lại bị bắt sống lần thứ hai. Trong chiến dịch trước, Hàn Tín đã lợi dụng con sông Duy Thủy để chia đôi liên quân Sở - Tề, bằng cách dùng nhiều bao cát chận dòng nước ở đầu nguồn cho mực nước sông cạn xuống, và chờ cho quân Sở lội bộ qua được nửa sông, thì ông ra lệnh cho binh sĩ tháo bỏ những bao cát ở đầu nguồn, để mực nước sông lên cao, chia cắt quân Sở ra làm đôi, rồi tiêu diệt từng bộ phận một. Tướng Sở là Long Thả bị Tào Sâm chém chết ngoài mặt trận, còn Châu Lam thì trở thành tù binh của quân Hán. Trước đây, sở dĩ Châu Lam trốn thoát được là do binh sĩ canh gác quá thờ ơ, từ đó về sau, cứ nhớ đến trận đánh trên Châu Lam bao giờ cũng sợ hãi. Lần này, cũng giao tranh với Quán Anh, Châu Lam do thiếu chuẩn bị, lại vừa nơm nớp lo sợ, cho nên giao chiến không bao lâu thì ông ta bị bắt sống. Chính mắt nhìn thấy khí thế hung hãn của Hàn Tín, và nghĩ tới tinh thần của quân Sở đang ngày càng xuống thấp, khiến ông không khỏi chán nản thất vọng. Cho nên khi ông ta bị trói hai tay, thì bất giác ngửa lên trời than rằng:
- Đại Sở không được trời trợ giúp, sự nghiệp sắp chấm dứt rồi!
Quân Tề của Hàn Tín tiến rất nhanh, gần như đi tới đâu là chiến thắng tới đó. Những thành ấp của quân Sở lần lượt bị họ đánh chiếm và đã nhanh chóng tiếp cận huyện Trần, nơi Hạng Võ đóng quân. Lưu Bang biết tin thắng lợi của Hàn Tín, hết sức vui mừng, ông ta không bỏ lỡ thời cơ xua quân ra khỏi doanh lũy để đến kết hợp với quân Tề của Hàn Tín để đánh ép quân Sở vào giữa, khiến quân Sở gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.
Tình hình của quân Sở hết sức nguy kịch. Đứng trước hai đạo binh mạnh mẽ, Hạng Võ lần đầu tiên cảm thấy khó dùng sức mạnh để chiến thắng. Với một tâm lý cầu may, ông ta dẫn tướng sĩ của quân Sở ra sức phản công, có ý đồ thoát ra khỏi trùng vây. Nhưng, đâu phải chuyện dễ. Hai cánh quân của Hàn Tín và Tề hình thành một gọng kềm vững chắc đã lần lượt siết chặt hơn, dù cho tướng sĩ của quân Sở có liều chết chiến đấu cũng không thể làm thay đổi tình hình. Quán Anh giết chết được hai tướng của quân Lâu Phiên, bắt sống được tám tướng kỵ binh, làm cho quân Sở bị thương vong gần một vạn người. Hạng Võ thấy rõ đã bị thất bại, nên đành phải rút lui về Cai Hạ.
Sau khi hai cánh quân của Hàn Tín và Tề đánh bại quân Sở, đã kéo đến gặp nhau tại Di Hương. Hàn Tín giữ chức vụ thống soái cả hai cánh quân Hán và Tề tiếp tục tiến về phía đông để truy kích quân Sở. Lúc bấy giờ Lưu Bang vì muốn tranh thủ thế lực ở phía nam, nên đã phong Anh Bố làm Hoài Nam Vương. Anh Bố sau khi được phong vương, lại càng dốc hết sức mình đánh nhau với quân Sở để hưởng ứng với hai cánh quân Hán và Tề. Ông ta phái một đội binh mã tiến vào khu vực Cửu Giang, đánh chiếm mấy huyện ấp, sau đó, lại phái người đi Thọ Xuân để dụ hàng tướng Sở là Đại Tư Mã Châu Ân.
Châu Ân là một tướng lãnh khá thiện chiến của Hạng Võ. Tướng này từng lập được nhiều chiến công, được Hạng Võ tín nhiệm phong chức Đại Tư Mã. Châu Ân mặc dù có ít nhiều tài năng, nhưng tính cẩu thả, tham lam những quyền lợi nhỏ. Kể từ khi Hạng Võ từ Huỳnh Dương rút quân về phía đông, ông ta thấy quân Sở ngày một yếu, quân Hán ngày một mạnh, nên đã bắt đầu tính toán xem nên theo ai. Vừa lúc đó, Anh Bố đưa tới một phần lễ vật trọng hậu, đồng thời, ngỏ ý chiêu hàng ông ta. Châu Ân cân nhắc sự lợi hại, cuối cùng đã quyết định phản Sở đầu Hán. Như vậy, quân Hán không cần phải đánh mà cũng chiếm được Thọ Xuân.
Sau khi Châu Ân đầu Hán, liền dẫn quân tấn công Lục An giết chết rất nhiều binh sĩ của quân Sở và bá tánh sống trong thành này. Sau đó, ông ta lại dẫn binh mã Cửu Giang đi nghênh đón quân của Anh Bố, rồi cùng Lưu Giả cử binh bắc tiến. Họ lần lượt đánh chiếm được Thành Phụ, rồi gặp nhau với quân Hán từ phía đông tới, và quân Tề từ phía bắc kéo xuống phía nam. Lúc bấy giờ, quân của Bành Việt cũng nhanh chóng kéo tới gặp nhau. Bốn cánh quân này từ bốn phương hướng khác nhau thế rất to lớn, sĩ khí rất cao, Lưu Bang ra lệnh cho Hàn Tín làm thống soái, rồi kéo về phía đông để truy kích Hạng Võ.
Một trận truy kích có quy mô to lớn đã bắt đầu. Quân Hán và quân của các chư hầu giống như từng dòng suối nhỏ hợp lại thành một con sông lớn, chảy cuồn cuộn chừng như có thể nuốt chửng được toàn bộ quân Sở của Hạng Võ. Chính vì vậy Lưu Bang hết sức đắc ý. Quan sự tính toán kỹ lưỡng và sáng suốt của Lưu Bang, từng phái sứ giả đi liên hệ từ nhiều nơi, nên cuối cùng ông ta đã hình thành được một đội ngũ có thể dồn Hạng Võ vào chỗ chết. Ông ta tiến hành một cuộc quyết chiến cuối cùng với kẻ thù của mình. Đó là điều mà từ lâu ông ta mơ ước. Suốt ba năm qua, ông ta mong muốn có được một ngày hôm nay.