Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Tây Sở Bá Vương Hạng Võ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 30457 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tây Sở Bá Vương Hạng Võ
Thường Vạn Sinh

Chương 3 (B)

Tháng 3 năm thứ hai đời vua Tần Nhị Thế (tức năm 208 Tr.CN), Hạng Lương, Hạng Võ dẫn tám nghìn binh sĩ của mình rời Hội Kê đi về phía Giang Thừa, chuẩn bị từ đó vượt sông Trường Giang rồi mới tiến thẳng về phía tây.
Huyện Giang Thừa nguyên là thuộc địa của nước Ngô thời xưa, do địa phương này có nhiều mỏ đồng và mỏ sắt nên nước Ngô từng sử dụng đồng và sắt ở đây để chế tạo bảo kiếm và các loại binh khí bằng đồng.  Về sau, Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, và nước Việt sau đó lại bị nước Sở đánh chiếm.  Sở Uy Vương từng xây dựng ấp Kim Lăng nằm về phía tây nam của Giang Thừa.  Theo truyền thuyết thì nhà vua này có chôn vàng phía dưới một đồi ngô.  Năm 210 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng đi thị sát Giang Nam, khi trên đường trở về Hàm Dương có đến Giang Thừa để qua sông, đồng thời, đổi ấp Kim Lăng lại là huyện Mạt Lăng.
Ngày nay, tại địa điểm Tần Thủy Hoàng vượt sông không còn thấy những chiếc lâu thuyền to lớn và một đội ngũ tùy tùng thị vệ đông đảo nữa, mà trên bến thuyền này, chỉ thấy tám nghìn tinh binh của chú cháu họ Hạng đang đứng thành hàng ngũ rất chỉnh tề.  Họ phụng mệnh tập kết tại đây để chờ đợi thứ tự sang sông.  Họ phải trải qua mấy ngày hành quân từ Hội Kê đến đây, nhưng trên nét mặt của họ lại không thấy vẻ mệt nhọc tí nào, trái lại, có những binh sĩ còn tỏ ra vui vẻ phấn chấn là khác.  Một số binh sĩ trẻ lần đầu tiên trông thấy Trường Giang, nên tính háo kỳ đã khiến họ chăm chú quan sát mặt sông to rộng gần như không nhìn thấy bờ bên kia.  Cảnh tượng nước liền trời lại có sóng gió và những con chim nước bay tới bay lui để kiếm ăn, cũng như những thuyền bè của dân chúng đang đậu trên sông làm cho họ cảm thất rất thích thú.  Họ tránh tia mắt của các Hiệu úy, rồi xầm xì bàn tán với nhau, hoặc lên tiếng khen ngợi phong cảnh ở đây chứng tỏ họ đang hết sức vui thích khi lần đầu tiên trông thấy cảnh sông nước.
Hạng Võ không xa lạ gì với sông Trường Giang.  Trong những ngày nước mất nhà tan, ông cùng với người chú từng vượt qua con sông này để lánh nạn tại Ngô Trung.  Lần vượt sông mười bốn năm về trước có thể nói là hết sức gian nan.  Ông còn nhớ đó là một buổi chiều trời u ám, hai chú cháu y phục rộng thùng thình theo kiểu bá tánh mặc thường ngày, trong tay xách một bao hành lý đơn giản, đứng đăm chiêu trông chờ chiếc đò ngang xuất hiện.  Hai chú cháu đứng chờ tại đây đã hai ba tiếng đồng hồ rồi, nhưng do mới chấm dứt chiến tranh, mọi việc làm ăn vẫn chưa hồi phục lại bình thường, nên đò ngang rất ít qua lại.  Họ đứng mãi mà vẫn không trông tháy con đò ở đâu cả.  Mãi đến hoàng hôn, bên kia bờ sông mới có một chiếc thuyền nhỏ chậm chạp chèo sang, nhưng chủ đò bảo là mình đi chở hàng cho khách, hơn nữa, đang phải chuyển vận đồ đạc của một gia đình giàu có chuyển xuống phía nam nên gấp lắm, không có thì giờ để rước khách.  Hai chú cháu nài nỉ rất lâu, mãi tới khi Hạng Lương đưa ra tặng cho ông lái đò một miếng ngọc trang sức giống như một con tằm thì hai chú cháu mới được xuống ngồi co ro trong khoang thuyền để đi qua sông Trường Giang.  Nhớ lại cảnh khổ sở lúc sang sông để lưu vong lánh nạn, trong lòng Hạng Võ không khỏi cảm thấy xót xa.  Ông đứng thẳng người bên bờ sông giữa ngọn gió trên dòng sông thổi mạnh vào mặt, tự nói lẩm nhẩm: "Đó là việc đã qua.  Nay thì nỗi nhục của nước Sở và nhà họ Hạng sắp sửa sẽ được gội rửa một cách triệt để rồi!"
Giữa lúc ông đang suy nghĩ về chuyện quá khứ, thì một bộ mặt hung ác đã xuất hiện trong trí tưởng tượng của ông.  Đó là một người đầu đội mão thông thiên, mình mặc y phục đen tuyền, cạnh sườn mang thanh trường kiếm Thái A, ngồi nghiêm nghị trên một cỗ xe thếp vàng.  Bàn tay siết cán gươm của người này đang siết chặt hơn, đôi mắt hiện lên những tia sáng hung ác, chừng như ông ta đang đề phòng trường hợp cuộn bản đồ vừa xổ ra thì con dao găm xuất hiện như khi Kinh Kha ám sát ông ta.  Ông ta xuống xe bên bờ sông Trường Giang, liền được đông đảo thị vệ bao quanh hộ tống để lên một chiếc đại lâu thuyền được trang hoàng sang trọng. Chiếc lâu thuyền đó được ngành đóng thuyền rất phát triển tại Hội Kê vừa đóng xong, cao mười trượng.  Hai bên hông thuyền có mấy chục cây chèo dài.  Trước và sau chiếc lâu thuyền này còn có rất nhiều chiếc thuyền bảo vệ, thành một đội thuyền thật dài trên mặt sông.   Ảo ảnh xuất hiện trước mặt Hạng Võ thì đội thuyền này trông giống như một con rắn độc đang uốn lượn, khiến ông cảm thấy hết sức căm thù.  Tình hình Tần Thủy Hoàng vượt sông tại Giang Thừa trước đây Hạng Võ không được chứng kiến, mà ông chỉ chen lấn với đám đông bên vệ đường để xem đoàn nghi trượng của Tần Thủy Hoàng ở huyện Ngô mà thôi, còn ảo ảnh xuất hiện trước mắt ông bây giờ là sự tưởng tượng của ông sau khi nghe mọi người kể lại.  Đứng trước ảo ảnh đó, ông không hề có ý ngưỡng mộ mà chỉ cảm thấy căm thù và miệt thị.  Ông dùng một thứ hào khí của tuổi trẻ sẵn sàng đập tan và thay thế nó.  Điều làm cho ông cảm thấy đắc ý là chí lớn "thay thế nó" nay đã biến thành hiện thực.  Ông sắp sửa vượt qua sông Trường Giang ngay tại chỗ mà trước kia Tần Thủy Hoàng cũng từng vượt qua con sông này, hơn nữa, ông còn tiến thẳng về Hàm Dương để đạp đổ tất cả những gì của vương triều nhà Tần, khôi phục và xây dựng lại thiên hạ của nước Sở!
Thuyền vượt sông đã nhanh chóng chuẩn bị xong.  Có những chiếc thuyền bình thường nhưng cũng có những chiếc thuyền, do họ đã trưng tập hoặc thuê mướn ở tại địa phương.  Các chủ thuyền nghe tin chú cháu họ Hạng vượt sông đi đánh Tần đều vui vẻ giúp đỡ.  Có những chiếc thuyền vừa mới đóng xong, hôm nay là ngày đầu tiên hạ thủy. Phu chèo thuyền đều được chọn lựa kỹ, vì số người tự nguyện chèo thuyền không nhận tiền thù lao quá đông, nên đành phải chọn những người khoẻ mạnh và giỏi tay chèo nhất.  Chú cháu họ Hạng đứng trước cảnh tượng sôi nổi đó, hết sức cảm động, thậm chí Hạng Võ còn rơi lệ.
Tám nghìn tinh binh được chia thành hai tốp để sang sông.  Trên mặt sông xuất hiện một cảnh tượng náo nhiệt chưa từng có: từng chiếc thuyền một chở đầy ắp binh sĩ xếp thành hàng ngũ, có thứ tự, còn các binh sĩ thì trong tay cầm gươm giáo hoặc những thứ vũ khí khác, trông thật oai phong.  Có một số binh sĩ còn ca vang những bài ca đặc biệt của đất Sở, làm cho cảnh tượng hào hùng này thắm đượm tình cảm quê hương thân thiết.  Hạng Võ sang sông vào tốp thứ hai.  Trong tay ông cầm thanh gươm đứng trước mũi thuyền.  Trong giờ phút thuyền tách bến, lòng ông hết sức xúc động, giống như một dũng sĩ đi viễn chinh tạm thời giã từ thân nhân.  Những ngày sống ở đất  Giang Đông thật đáng hoài niệm mãi mãi.  Ông tin rằng cuộc đời ông rồi sẽ có ngày trở lại, nhưng chừng đó là một Hạng Võ khác hẳn hôm nay, uy nghi không thua gì Tần Thủy Hoàng!  Ông quay đầu lại nhìn về hướng bá tánh đang tập trung đông nghẹt trên bờ sông và cúi đầu chào rất lâu, chừng như muốn nói: Hỡi các phụ lão và các bạn thân ở Giang Đông, Hạng Võ này sẽ không bao giờ phụ lòng các vị.
Sau khi chú cháu họ Hạng sang sông, thì trên đất của quận Quảng Lăng nghe được một tin tức làm cho ai cũng phấn chấn: Huyện Đông Dương đã tự đứng lên chống Tần, đang tập hợp được hơn hai vạn người, nhưng hiện nay chưa có một vị chủ tướng xứng đáng nào để thống lãnh đội ngũ đó.  Trần Anh nguyên là một Lệnh sử của huyện này, mặc dù được đưa lên làm Trưởng, nhưng bản thân ông không có ý muốn cầm quân để xưng vương cho nên đội ngũ này vẫn như rắn không đầu.  Hạng Lương và Hạng Võ thầm suy nghĩ, với tám nghìn tử đệ mặc dù đều là những phần tử tinh nhuệ, nhưng quân số quá ít vẫn chưa đủ để tiêu diệt nhà Tần, vậy cần phải mau chóng mở rộng đội ngũ.  Hai vạn binh mã ở huyện Đông Dương có thể là lực lượng để bổ sung.
Trần Anh nguyên làm việc văn thư tại Huyện nha, thường ngày tỏ ra rất cẩn thận và luôn giữ sự tín nghĩa, được mọi người rất kính trọng, vì họ xem ông là người có học thức và có đạo đức.  Trong bầu không khí sôi nổi chống Tần, những người thanh niên ở huyện Đông Dương đã đứng lên tạo phản.  Họ xông vào Huyện nha giết chết Huyện lệnh, và tụ tập mấy nghìn người, tuyên bố khởi binh chống Tần.  Số người này đều là những người căm thù vương triều nhà Tần, thề không đội trời chung, có nhiệt tình và ý chí chiến đấu.  Nhưng việc chọn lựa người lãnh đạo cho họ vẫn là một việc khó khăn vì không tìm được ai hết.  Gia cảnh của họ không cao quý, ít biết việc thi thơ lễ nghĩa, vì đại bộ phận họ đều xuất thân từ nông gia tầm thường.  Lúc bấy giờ cũng có người đề cập tới Trần Anh, và đã tường tận giới thiệu tài năng và phẩm hạnh của ông.  Mọi người đều nhất trí tán đông lập Trần Anh làm thủ lĩnh, và đã cùng nhau kéo tới nhà ông để mời ông ra giữ trọng trách nói trên.  Nào ngờ Trần Anh đã tìm đủ lý do để từ chối, bảo mình không đủ năng lực, nên khó làm tròn trách nhiệm nặng nề đó.  Những người khởi nghĩa không ai chịu nghe, buộc ông phải ra làm thủ lĩnh cho họ, đồng thời, dùng danh nghĩa của ông để hiệu triệu những người khác với mục đích bổ sung thêm đội ngũ của mình.  Nhân dân tại huyện Đông Dương cũng như khắp nơi trên toàn quốc, từ lâu đã chịu khổ dưới cai trị  bạo ngược của vương triều nhà Tần, nên tất cả đều mong muốn đứng lên chống Tần.  Họ đua nhau tới gia nhập vào đội ngũ khởi nghĩa, chỉ một thời gian ngắn là đội ngũ đó đã tăng lên đến hai vạn người.
Thời bấy giờ những người khởi nghĩa lại muốn lập Trần Anh làm vương.  Các binh sĩ đều đội mũ màu lam, nên được gọi là Thương Đầu Quân, thể hiện ý nghĩa là quân đội vừa mới nổi dậy.  Trần Anh cảm thấy rất khó từ chối, bèn đi hỏi ý kiến ủca người mẹ già.  Trần mẫu là một người giải quyết chuyện gì cũng rất chu đáo, hơn nữa, có quan niệm về thân thế rất nặng.  Bà tỏ ra không an tâm, nói với người con trai:
- Từ xưa tới nay, người đứng ra xưng vương đều xem chuyện đó là một chuyện vui mừng, nhưng mẹ thì không phải vậy, vì người xưng vương hầu hết là những người danh môn phú quý, chứ không phải ai cũng có thể làm được chuyện đó.  Từ ngày mẹ về làm dâu cho nhà họ Trần của con, chưa bao giờ nghe nói trước kia có ai trở thành người quyền quý bao giờ.  Nay con bỗng nhiên có tên tuổi vang dội, theo ý mẹ thì đó không phải là một chuyện cát tường gì đâu.  Theo mẹ, chi bằng mình phụ thuộc vào người khác là tốt hơn.  Nếu mọi việc thành công thì con có thể phong hầu, trái lại, thì con cũng dễ dàng lẫn trốn được vì con không bị người đời chú ý, quan phủ sẽ không chỉ đích danh để tìm bắt con.
Lời nói của Trần mẫu hoàn toàn nhằm vào việc muốn bảo vệ bản thân của mình, là một sự thận trọng chi li của người phụ nữ.  Thế nhưng Trần Anh đã ngoan ngoãn nghe theo lời dạy đó.  Ông là một người con có hiếu, lời mẹ dạy ông không bao giờ dám cãi.  Hơn nữa, tâm lý của ông lúc đó cũng hoàn toàn phù hợp với ý kiến của bà mẹ.
Chính vì thế nên Thương Đầu Quân không thể xây dựng, và một thủ lãnh thực sự thì vẫn chưa tìm ra.
Bức thư của Hạng Lương được gởi đến tay Trần Anh đúng vào lúc đó, Trần Anh mở thư ra xem, thấy trong thư viết: "Sự cai trị của vương triều nhà Tần rất  bất nhân, thiên hạ đều đứng lên làm loạn, nay túc hạ dũng cảm nối tiếp chí lớn của Trần vương, tập hợp binh sĩ để đứng lên khởi nghĩa, có thể nói là phù hợp với ý trời, phù hợp lòng dân, nhưng với tình hình hiện nay ở vùng Giang Bắc, nghĩa quân đang thất lợi, vì lực lượng còn yếu, nên không thể hợp sức nhau để đánh Tần, cuối cùng bị quân Tần lần lượt đánh bại từng nhóm một.  Nay Lương tôi đã tập hợp được tám vạn tinh binh, muốn được cùng túc hạ hợp tác, vậy mong túc hạ định đoạt."
Bức thư của Hạng Lương làm cho Trần anh là người không muốn tự xưng vương cảm thấy như nhìn được ánh sáng giữa bóng tối.  Ông ta bèn vui mừng mang bức thư đó đến cho mẹ mình xem.  Trần mẫu nói:
- Nhà họ Hạng là danh môn vọng tộc, nếu được tham gia vào hàng ngũ của họ là một điều may mắn, vậy con chớ nên bỏ lỡ thời cơ!
Thế là Trần Anh đã quyết chí làm theo lời mẹ dạy.  Ông tập hợp tất cả Hiệu úy lại, rồi nói rõ nội dung bức thư của Hạng Lương cho họ nghe, sau đó ông khẳng định:
- Nhà họ Hạng là một gia đình có nhiều đời làm đại tướng, rất nổi tiếng tại nước Sở, vậy việc cầm đầu cho quân khởi nghĩa thì nhà họ Hạng xứng đáng hơn ai hết.  Nay chúng ta nếu gia nhập vào quân đội của họ Hạng, chắc chắn có thể tiêu diệt vương triều nhà Tần.
Tất cả các Hiệu úy đều cảm thấy rất có lý, nên tỏ ý tán đồng.
Trần Anh liền viết thư phúc đáp cho Hạng Lương, nói rõ ý định của mình một cách thành khẩn.  Hạng Lương hết sức vui mừng, lại phái một sứ giả đến cùng Trần Anh thương lượng về cách liên hợp giữa quân đội đôi bên.  Thế rồi vào một buổi sáng tốt trời, Trần Anh dẫn hai vạn binh mã Đông Dương đến gia nhập vào quân đội của chú cháu họ Hạng.
Chú cháu họ Hạng lại tiếp tục cuộc hành quân.  Sau khi vượt qua sông Hoài, lại có người dẫn một toán quân khởi nghĩa đến xin gia nhập.  Người đó là một người đàn ông từ bị "Kinh Hình", tức bị một thứ hình phạt xâm mặt, bất luận đi tới đâu mọi người đều biết.  Mặt của ông ta bị dùng dao khắc chữ rồi sau đó mới dùng mực đen bôi vào, không sao tẩy xóa được.  Tội Kinh cũng được gọi là Mặc Hình, đối với các loại hình phạt tàn nhẫn dã man của nhà Tần thì nó chỉ là một trong mười sáu thứ hình phạt được xem là nhẹ sau tội chết.  Trong các loại hình phạt của nhà Tần, những hình phạt nặng gồm có: đàn ông thì thiến, đàn bà thì giam cấm cố, ngoài ra còn có các hình phạt khác như chặt chân (Nguyệt Hình), v.v... đó là chưa kể đến những hình phạt khác như dục sọ (tạc điên), rút xương sườn (trừu hiếp), bỏ vào chảo nước sôi (hoạch phanh), xé xác (trách), đều là những cách trừng trị thảm khốc vô nhân đạo.  Hoàn Khoan người triều nhà Hán tỏng quyển sách "Diêm Thuyết Luận" (bàn về muối và sắt) của ông viết, có đoạn miêu tả về nhục hình của vương triều nhà Tần như sau "mũi bị cắt đựng cả giỏ, chân bị chặt chất cả xe, vùng đất phía tây của Cử Hà không đủ để chứa các tù nhân bị lưu đày..."  Qua đó cho thấy người thanh niên bị tội xâm mặt này là một tội vẫn thường thấy trong xã hội luật pháp khắt khe và tàn nhẫn của vương triều nhà Tần.
Anh ta tên gọi là Anh Bố, người Lục Ấp, vì phạm tội nên bị xâm mặt.  Lúc anh ta còn trẻ có người xem tướng cho anh ta và nói: "Sau khi bị hình phạt thì sẽ được phong vương ban tước."  Cho nên sau khi Anh Bố bị hình phạt anh ta vẫn tươi cười nói:
- Có người xem tướng cho tôi, bảo là sau khi bị hình phạt tôi sẽ được phong hầu!
Mọi người chế nhạo anh ta, nhưng anh ta vẫn không để ý.  Anh ta từng bị đày tới Ly Sơn để làm khổ sai, mở đầu cho một cuộc sống đầy gian truân.  Tại Ly Sơn, vương triều nhà Tần đang tập trung đến bảy chục vạn người làm khổ sai, để tiến hàn xây lăng mộ cho Tần Thủy Hoàng.  Đây là một công trình to lớn.  Sau khi Tần Thủy Hoàng vừa mới lên ngôi, nhà vua này đã bắt đầu xây lăng mộ cho mình.  Thôn tính sáu nước xong thì công trình này lại được mở rộng thêm.  Trong số người làm khổ sai ở đây có hơn phân nửa là tội phạm.  Ngoài ra số còn lại là nô tỳ, những người thợ và những người nông dân nghèo.  Nơi họ ở là những mái lều tạm, thấp lè tè, không thể che mưa che nắng, còn thức ăn của họ đều là lương khô, không đủ no bụng.  Trong khi đó họ đều phải làm những công việc nặng nhọc như vận chuyển đá và đào đất.  Riêng những người tội phạm trong khi làm khổ sai vẫn bị xích xiềng, cho nên nỗi khổ của họ càng tăng lên gấp chục lần.  Chính Anh Bố đã từng sống trong những ngày tháng đau khổ như thế.
Riêng những người không phải tội phạm phục dịch ở đây, cũng không phải là những người dân ngoan ngoãn tuân theo pháp luật của nhà Tần, trái lại, tinh thần chống đối nhà Tần vẫn âm ỉ sôi sục trong thâm tâm họ.  Trong khi nghỉ ngơi và nói chuyện riêng với nhau, họ luôn luôn ngỏ ý oán trách sự cai trị độc ác của nhà Tần.  Anh Bố rất thích liên hệ với họ, và cũng luôn chú ý kết giao với những người hào kiệt bị bắt làm khổ sai ở đây.  Thế là anh ta đã liên kết được với họ. Anh Bố lén dẫn họ đi tìm cách tháo bỏ xiềng xích, rồi chạy trốn vào những vùng đầm lầy mọc đầy cỏ hoang.  Sau khi hay tin Trần Thắng khởi nghĩa thì Anh Bố liền tìm gặp Phiên quân Ngô Nhuế, rồi cùng bộ hạ của ông này cầm gậy gộc đứng lên chống Tần, tổng số nghĩa quân ở đây có mấy nghìn người.  Ngô Nhuế còn đem con gái gả cho Anh Bố.   Sau khi Chương Hàm tiêu diệt được Trần Thắng, đánh bại được Lữ Thần, Anh Bố liền dẫn nghĩa quân của mình tiến lên hướng bắc để tấn công quân Tần và đã giành được thắng lợi trong trận đánh tại Thành Ba.  Sau đó Anh Bố lại dẫn quân tiến vào phía đông.  Chính vào thời điểm này ông ta biết được tin chú cháu họ Hạng đã bình định xong vùng Giang Đông, Hội Kê, đang vượt sông để tiến về phía tây.  Anh Bố mặc dù chưa từng gặp mặt chú cháu họ Hạng Lương, ý chí hào hùng của Hạng Võ thì ông ta đã biết từ lâu.  Cho nên ông ta cảm thấy nghĩa quân của họ là một lực lượng mạnh có thể đối kháng với quân Tần.  Hơn nữa, lúc đó ông ta cũng đang lâm vào tình thế bất lợi, vì sức yếu lại cô độc, cho nên ông ta đã chọn con đường giống như Tần Anh, đem nghĩa quân của mình gia nhập vào đội quân của chú cháu họ Hạng.
Hạng Lương và Hạng Võ đã tiếp đón họ một cách vui vẻ.  Thế là người bị tội xăm mặt này đã trở thành một tướng lãnh đắc lực dưới cờ của chú cháu họ Hạng.
Cũng cùng một lúc đó, lại có Bồ tướng quân dẫn người đến xin gia nhập.  Thế là đội ngũ của chú cháu họ Hạng từ chỗ chỉ có tám nghìn tử đệ nay đã phát triển lên đến sáu bảy vạn người.  Nhìn đoàn người chống Tần mạnh mẽ của mình, trên nét mặt của Hạng Lương và Hạng Võ luôn hiện lên một nụ cười hân hoan. 
 

<< Chương 3 (A) | Chương 3 (C) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 673

Return to top