Sau khi Hạng Võ giết Tống Nghĩa đoạt lấy quyền chỉ huy, bèn tức khắc bắt tay vào việc chuẩn bị tiến quân lên phía bắc để cứu Triệu. Hạng Võ phân tích một cách tỉ mỉ tình hình Cự Lộc, cảm thấy Cự Lộc mặc dù rất nguy cấp, nhưng số quân bao vây Cự Lộc không phải toàn bộ quân Tần. Dựa vào binh sĩ thám thính báo cáo lại cho biết, chủ tướng của quân Tần dưới chân thành Cự Lộc là Vương Ly, còn Chương Hàm thì không có tham gia vào việc tấn công thành này. Cho nên ông phán đoán chủ lực của quân Tần không phải dốc toàn bộ vào đó, mà chỉ là một bộ phận của quân Tần mà thôi. Chủ lực của quân Tần bố trí ở một địa phương khác, rất có thể là dùng để ngăn chặn viện quân.
Hạng Võ đem sự phán đoán và phân tích của mình bàn bạc với Mạt tướng Phạm Tăng nghe. Phạm Tăng nói:
- Lời nói của Thượng tướng quân rất có lý. Chương Hàm là người quỷ kế đa mưu, dụng binh rất xảo trá, quen dương đông kích tây, hoặc chia thành hai mặt để đánh. Tháng 11 năm rồi, sau khi Chương Hàm đánh bại Điền Tạng ở Ngao Thương, liền thừa thắng tiến đánh bộ hạ của Điền Tạng là Lý Quy tại ngoại ô thành Huỳnh Dương. Lý Quy đã tử trận. Sau đó, Chương Hàm lại dễ dàng đoạt lấy cả vùng Huỳnh Dương. Từ đó trở đi ông ta liền chia quân thành hai cánh, một cánh tấn công Hiệp Ấp, một cánh khác tấn công Hứa Ấp, kết quả làm cho nghĩa quân bị lâm vào tình thế phải tác chiến trên hai chiến trường. Không bao lâu sau, nghĩa quân của Trần Vương cũng bị Chương Hàm đánh tan. Thượng tướng quân nói rất đúng, hôm nay Chương Hàm bao vây Cự Lộc rất có thể là muốn dùng cách chia quân thành hai cánh, một cánh vây thành, còn một cánh kia thì chận quân tiếp viện. Nếu ta dốc hết toàn lực vào việc giải vây thành Cự Lộc, nhất định sẽ bộc lộ hết thực lực của ta, và sẽ bị chúng hai mặt giáp công, dồn quân ta vào thế bất lợi.
Hạng Võ vừa nghe lời nói của Phạm Tăng, vừa suy nghĩ cách đối phó. Chờ khi Phạm Tăng dứt lời, Hạng Võ nói:
- Xem ra sự hiểu biết của người anh hùng thường gần giống nhau đấy. Này, Phạm Tăng tướng quân, tôi dự định phái một cánh quân tiến hành mở cuộc đánh thăm dò trước, được không?
Phạm Tăng hỏi:
- Dự định phái ai đi?
Hạng Võ đáp:
- Anh Bố và Bồ Tướng quân kể từ khi gia nhập nghĩa quân, chiến công rất nổi bật, tài năng không phải tầm thường. Tháng 6 năm ngoái, khi chú tôi vượt sông Hoài tiến về phía tây để đánh Cảnh Câu, Tần Gia, thường do Anh Bố chỉ huy quân đội. Việc Tần Gia bị giết, Cảnh Câu phải bỏ chạy và chết ở đất Lương, đều là chiến công của Anh Bố. Sau khi Sở vương được tái lập đã phong cho Anh Bố chức Đương Dương Quân, có nhiệm vụ đi theo Vương để bảo vệ Bành Thành. Lần tiến lên phía bắc để cứu Triệu này, Anh Bố đã hăng hái gia nhập, tôi thấy lòng dũng cảm thật đáng khen, nên phái Anh Bố và Bồ Tướng quân dẫn quân đi trước!
Phạm Tăng ngỏ ý tán đông. Ngay lập tức, Hạng Võ cho triệu Anh Bố và Bồ Tướng Quân đến, nói rõ ý đồ của mình. Hai người vui vẻ nhận mệnh lệnh và hứa hẹn sẽ giành chiến thắng trong trận đánh sắp tới, và tìm hiểu binh lực của địch, cũng như làm suy yếu lực lượng của chúng. Hạng Võ lại dặn dò thêm:
- Nghe đâu quân Tần ở Cự Lộc và vùng phụ cận có tất cả hai mươi lăm đến ba mươi vạn, trong khi đó thì quân ta không hơn mười vạn người. Địch mạnh ta yếu cần phải thận trọng. Tôi dự định cấp cho các anh hai vạn binh mã, khi tác chiến nhất định phải khôn ngoan linh hoạt, đánh địch một cách khéo léo, đặc biệt là phá hoại con đường vận lương của quân Tần. Binh sĩ của quân Tần rất đông, việc cung cấp lương thực có tương quan chặt chẽ đến sự sinh tồn và sức chiến đấu của chúng. Tôi sẽ dẫn đại quân đi theo sau, chờ cho nhị vị khuấy rối làm cho quân địch mệt mỏi, cắt đứt được sự bổ sung hậu cần của chúng thì tôi sẽ triển khai một cuộc quyết chiến với địch. Chúc nhị vị khi trương cao ngọn cờ là đắc thắng!
Anh Bố và Bồ Tướng Quân gật đầu hứa hẹn, nhớ rõ tất cả những lời căn dặn của Hạng Võ. Ngay hôm đó, Hạng Võ cử hành nghi thức ở bên ngoài thành An Dương, để tiễn đưa Anh Bố và Bố Tướng Quân lên đường xuất chinh. Hai vạn binh sĩ lãnh nhiệm vụ đi đầu, có người mặc khôi giáp, có người mặc y phục gọn nhẹ, có một bộ phận là kỵ binh, một bộ phận là bộ binh. Ngoài ra, còn có mấy chiếc chiến xa bên trên chở đầy lương thảo và khí cụ. Quân lại và Hiệu úy cấp trung và cấp thấp đều mặc y phục theo kiểu người Hồ, mang giáp đầy đủ, cũng có những người mặc y phục theo người Hán, chỉ mang giáp che ngực. Anh Bố và Bồ Tướng Quân thì mặc một chiếc áo đỏ ngắn ở bên trên, trùm lên chiếc áo dài màu tía, bên ngoài mặc áo giáp có hoa văn vảy cá, bên dưới mặc quần ống hẹp, chân mang hài mũi cong, đầu đội mão mồng gà, sườn đeo trường kiếm, trông rất oai phong. Hạng Võ nhìn đoàn quân xuất chinh lẫm liệt của mình, càng cao hứng. Ông đích thân rót đầy hai ly rượu, đưa tới cho Anh Bố và Bố Tướng Quân rồi cùng họ uống một hơi cạn ly. Hạng Võ một lần nữa chúc điều tốt lành cho họ, tiếng trống đồng nổi vang lên, hai vạn binh mã ồ ạt rời khỏi An Dương, tiến thẳng lên phía bắc.
Lúc bấy giờ tình hình ở Cự Lộc như sau: Trương Nhĩ và Triệu Vương Yết đóng cửa thành Cự Lộc tử thủ, còn Trần Dư thì chỉ huy hai vạn quân đóng tại phía bắc của ngôi thành này. Vương Ly chỉ huy quân tinh nhuệ ngày đêm mở cuộc tấn công vào thành, nhưng vách thành quá kiên cố, nên nhất thời họ chưa thể đánh chiếm được. Quân chủ lực của Chương Hàm thì đóng tại cùng Cức Nguyên, để ủng hộ cho Vương Ly tấn công thành. Chương Hàm phái binh sĩ xây dựng một con đường chạy thẳng tới bờ sông Hoàng Hà. Con đường này dùng để vận chuyển lương thực, hai bên đường đều có xây tường nhằm phòng bị quân địch chặn đường tấn công.
Quân đội của Vương Ly do có lương thực đầy đủ, nên sĩ khí rất cao, việc tấn công thành cứ mỗi ngày càng thêm quyết liệt. Trương Nhĩ ở trong thành, binh ít lương thiếu, tình hình ngày một nguy hiểm. Để bảo vệ thành Cự Lộc, bảo vệ nước Triệu, Trương Nhĩ một mặt phái người đi cầu viện binh ở nước Sở, Yên, Tề, mặt khác viết thư cho Trần Dư đang đóng ở phía bắc ngôi thành, để ông ta hỏa tốc đến cứu viện cho Cự Lộc. Trần Dư cảm thấy binh lực của mình quá yếu, lại cô độc, sợ không phải là đối thủ của quân Tần, nên không dám tiến quân.
Trương Nhĩ rất tức giận, bèn sai bộ tướng là Trương Yểm, Trần Trạch, tìm cách đi gặp Trần Dư. Trong bức thư mang theo, ông ta trách móc Trần Dư: "Tôi và anh là bạn tri kỷ sống chết có nhau. Hiện nay chỉ mành treo chuông, thế mà anh có mấy vạn quân trong tay, lại không dám tới cứu. Vậy còn nói gì là tình bằng hữu sống chết có nhau nữa? Anh còn nhớ khi chúng ta sống chung có xảy ra câu chuyện đó không? Lúc bấy giờ do đời sống quá kham khổ, nên chúng mình đã xin làm lính giữ cửa ở một làng nọ. Có một hôm anh phạm phải sai lầm, các quan lại trong làng dùng hình phạt đánh bằng roi đối với anh, anh tức giận chống cự lại, chính nhờ tôi thuyết phục, anh dằn cơn giận chịu để cho họ đánh roi, nhờ đó anh mới giữ được tính mệnh. Bằng không thì anh đâu còn sống ở trên đời này nữa! Kể từ đó chúng ta trở thành đôi bạn sống chết có nhau; hạt muối cắn làm hai, và từng giao ước có phước cùng hưởng, có nạn cùng chịu, cùng sống cùng chết. Nếu anh chưa quên tình bạn giữa chúng ta, chưa quên lời thề xưa thì nên dẫn quân đội tới đây để quyết chiến với quân Tần, và cũng để chúng ta được chết chung với nhau, hơn nữa, với lực lượng của anh không phải là không có hy vọng, vậy anh hãy suy nghĩ lại, cấp tốc đến cứu viện."
Trần Dư xem qua bức thư, sắc mặt khi đỏ khi tái. Giữa ông ta và Trương Nhĩ đúng là có một tình bạn rất khắng khít. Trần Dư cũng chưa quên việc Trương Nhĩ đã giúp đỡ cho mình. Nhưng một khi tình bạn có mâu thuẫn với tính mạng của chính mình, thì ông ta vẫn đặt tình bạn xuống dưới. Ông ta liền nói với Trương Yểm và Trần Trạch:
- Bản thân tôi là tướng của nước Triệu và cũng là bạn của Trương tướng quốc, cho nên việc đánh Tần cứu Triệu là nhiệm vụ không thể chối từ của tôi, nhưng trong tay tôi chỉ có hai vạn binh mã, nếu liều lĩnh tiến quân, thì chẳng những không thể cứu Triệu mà trái lại còn bị mất hết số quân đội này một cách oan uổng. Vì nghĩ tới sự sinh tồn của nước Triệu, tôi không thể chỉ nghĩ tới tình bạn mà để mất lý trí. Tôi phải giữ số binh lực này để về sau tôi trả thù cho Triệu vương và Trượng tướng quốc. Còn hiện nay tôi tiến quân thì cũng như ném thịt cho cọp, chỉ có thể bị tiêu diệt toàn bộ mà thôi!
Trương Yểm, Trần Trạch nói:
- Binh lực của tướng quân tất nhiên là không phải nhiều, giao tranh với quân Tần chưa chắc giành được thắng lợi. Còn việc cùng chết chung với nhau không phải là ý muốn của mọi người, nhưng qua đó thể hiện được chữ tín và chữ nghĩa là cao hơn tất cả, vậy xin tướng quân đừng do dự nữa!
Trần Dư trong nhất thời không có lời lẽ gì để đối đáp lại, suy nghĩ một lúc liền nói:
- Tôi chết thì cũng không sao, nhưng thật vô bổ đối với công việc. Nếu các anh vẫn cứ ép tôi thì tôi sẽ làm theo lời các anh vậy!
Nhưng người cứu viện nhu nhược này vẫn không chịu dốc toàn bộ binh lực của mình vào trận chiến. Ông ta không bằng lòng đem số quân đội mà ông ta phải trải qua nhiều khó khăn mới quy tụ được để chết cho thứ tình bạn không đáng tiền. Ông ta cấp cho Trương Yểm, Trần Trạch năm nghìn người để họ dẫn đi đánh quân Tần.
Trương Yểm, Trần Trạch thấy mọi việc không thể đòi hỏi nhiều hơn, đành phải dẫn năm nghìn người ra về. Năm nghìn người đó làm sao có thể trở thành đối thủ với quân Tần hùng mạnh được? Họ kéo nhau tới dưới chân thành Cự Lộc, chỉ trong một trận giao phong thì đã bị đánh tơi tả. Một phần lớn bị giết chết, một số ít may mắn thoát chết thì bỏ chạy, Trương Yểm, Trần Trạch đều tử trận.
Sự thất bại của Trương Yểm, Trần Trạch có thể nói là vật hy sinh cho thái độ sợ địch như sợ cọp của Trần Dư. Người cứu viện khiếp nhược đó đã bị thanh thế to lớn của quân Tần làm cho sợ đến vỡ mật, chỉ biết dựa vào binh lực của mình để tự bảo vệ mình, không dám giao tranh với quân Tần. Năm nghìn chiến sĩ của họ bị buộc phải đưa ra trước khi xuất chinh là đã bộc lộ tinh thần khiếp sợ địch. Có thể nói về mặt tinh thần họ là những người thất bại chủ nghĩa, vậy thử hỏi làm sao giành chiến thắng ngoài chiến trường cho được?
Một điều tất nhiên khỏi cần phải nói, đó là tình bạn sống chết có nhau giữa Trương Nhĩ và Trần Dư đã hoàn toàn đổ vỡ trước sự thử thách đó. Về sau, giữa hai người họ đã trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Những kẻ cứu viện khiếp nhược giống như Trần Dư không phải chỉ có một mình ông ta, mà ngay đến quân cứu viện của Tề - Yên cũng là một loại đó cả. Nước Tề và Yên nguyên là hai nước thù oán với nhau. Bốn tháng trước Điền Vinh đánh bai Tề Vương Giả, buộc Điền Giả phải chạy trốn sang nước Sở, còn tướng quốc Điền Giác và người em là Điền Gián phải chạy trốn sang nước Triệu. Sau khi Điền Vinh lập con trai của Điền Đam là Điền Thị lên làm Tề vương thì bản thân ông ta làm Tướng quốc, từng yêu cầu hai nước Sở và Triệu giết chết Điền Giả, Điền Giác và Điền Gián. Nước Triệu cũng giống như nước Sở không chịu giết chết họ để lấy lòng nước Tề. Nước Tề lên tiếng trách móc nước Triệu và nước Sở, nói:
- Cánh tay bị rắn độc cắn thì phải chặt bỏ cánh tay; chân bị rắn độc cắn thì phải chặt bỏ chân. Nếu không làm như thế thì sẽ nguy hại đến toàn thân. Điền Giã, Điền Giác, Điền Gián đối với Sở và Triệu không phải là người thân, thế tại sao lại không chịu giết họ? Phương chi, nếu sau này nước Tần khôi phục lại được thiên hạ, thì chẳng những bản thân sẽ phải chịu nhục, mà e rằng sau khi chết còn bị quật mồ nữa là khác?
Nhưng, hai nước Sở và Triệu vẫn không bằng lòng nghe theo, vẫn cho phép ba người trên được tị nạn trong nước của họ.
Đối với sự kiện đó, Tề tướng quốc Điền Vinh vẫn mãi canh cánh bên lòng. Tề vương Điền Thị được Điền Vinh đưa lên ngôi, cho nên ông ta bị Điền Vinh thao túng. Nước Triệu phái sứ giả đến nước Tề xin cứu viện, nước Tề tỏ ra khá lãnh đạm. Điền Vinh thậm chí do lòng oán hận chưa nguôi, nên không chịu xuất binh. Về sau do sứ giả khẩn cầu nhiều lần nên vua tôi của nước Tề lại suy nghĩ rằng, nếu nước Triệu bị Tần tiêu diệt, thì sẽ nguy hại đến sự an toàn của nước Tề. Do vạy, họ mới đồng ý ra quân cứu viện. Nhưng Điền Vinh vẫn đứng giữa gây khó khăn. Ngay trong ngày Tề tướng Điền Đô dẫn quân rời khỏi nước Tề, thì Điền Vinh đã nói xấu nước Triệu với Điền Đô, làm cho Điền Đô dù đã thoát ra khỏi sự trói buộc của Điền Vinh, kéo quân tới Cự Lộc, nhưng tính tích cực của họ vẫn không cao.
Sau khi quân Tề tiến vào vùng đất của nước Triệu vẫn chưa chịu tức khắc khai chiến với quân Tần, mà lại hạ trại ở gần nơi đóng quân của Dư, để quan sát tình hình. Cháu của Tề Vương Kiến là Điền An cũng có mặt trong đội ngũ này, ông ta cũng giống như Điền Đô, cho rằng lực lượng của mình quá ít, khó có thể đối địch với quân Tần, vậy không tiện hành động một cách liều lĩnh.
Việc quân của nước Yên do Tạng Đồ chỉ huy, sau khi tiến vào khu vực Cự Lộc, cũng hạ trại sát bên cạnh của quân Tề tại phía bắc. Ngoài ra, còn có hơn một vạn quân của Trương Ngao thu gom số binh sĩ ở quận Đại cũng kéo tới tham dự trận đánh, nhưng họ cũng hạ trại tại khu vực Cự Lộc. Quân số tới cứu viện không phải ít, nếu họ chịu liên hợp lại để cùng nhau đánh quân Tần, thì không hẳn là họ sẽ không đánh bại được quân Tần. Nhưng, tâm trạng khiếp sợ địch đã làm cho họ đánh giá lực lượng của quân Tần quá cao, thiếu lòng dũng cảm để giành thắng lợi. Do tư tưởng hẹp hòi muốn bảo tồn riêng thực lực của mình nên họ không thể liên hợp các cánh quân lại với nhau, tạo thành một quả đấm mạnh để đối phó với địch. Tất cả họ đều xem mình là người đi cứu viện, nhưng trên thực tế họ lại là người ngoại cuộc, chỉ biết đứng nhìn, tất cả họ đều có chung một tâm lý với Tống Nghĩa: ngồi trên núi cao để xem cọp cắn lộn, chờ hưởng được cái lợi của ngư ông.
Trái ngược lại với những người cứu viện khiếp nhược như Tề, Yên, quân Sở đã trở thành một lực lượng duy nhất trong việc đánh Tần cứu Triệu. Cánh quân đi đầu do Hạng Võ phái tới được Anh Bố, Bồ Tướng Quân chỉ huy. Sau khi vượt qua sông Hoàng Hà thì lập tức mở cuộc chiến đấu với quân Tần, và đã đánh bại được đội quân đánh lén của Tần. Tiếp đó, họ lại dựa theo chỉ thị của Hạng Võ, mở cuộc tấn công vào con đường vận lương của quân Tần bằng cách đánh cơ động linh hoạt và liên tục.
Con đường vận lương dài đó hai bên đều được đắp tường đất che chở, cứ cách một đoạn lại có binh sĩ cầm khí giới đứng gác. Trên con đường vận lương này ngày đêm đều có xe vận tải lương thực đi qua. Trong số đó có loại xe bốn ngựa kéo, loại xe sáu ngựa kéo, cũng có những loại xe được họ trưng tập từ trong bá tánh ở địa phương. Ngoài ra, lại còn có những dân phu đẩy xe đẩy và những người nghèo không có xe dùng gióng gánh để gánh lương thực. Với một quân số đông đến hai ba chục vạn người, hằng ngày phải tiêu dùng một số lượng lớn lương thực, cũng như một số lượng lớn cỏ nuôi ngựa. Cho nên đội ngũ vận tải lương thực trên con đường này tỏ ra hết sức bận rộn. Để đảm bảo an toàn, Chương Hà cho tăng cường việc phòng vệ con đường vận tải lương thực nói trên và những xe vận tải lương thực đều có binh sĩ áp tải.
Biện pháp phá hoại con đường vận lương của Anh Bố là phân tán lực lượng của mình ra thành nhiều tốp lớn nhỏ khác nhau. Những tốp lớn thì đông chừng một trăm người, còn những tốp nhỏ thì chừng mấy chục người hoặc chừng mười mấy người. Họ chia nhau thành nhiều tốp tìm sơ hở của địch để mở những cuộc tấn công khuấy rối. Họ cũng tiến hành phá hoại những bức tường đất ở hai bên con đường, ngăn chặn những chiếc xe vận tải lương thực, giết chết lính Tần theo áp tải. Trên con đường này gần như ngày nào cũng bị họ tấn công. Chương Hàm rất bực tức, liền phái quân đến để tìm bắt số người phá hoại, nhưng những toán quân nhỏ của Anh Bố sau khi mở cuộc tấn công, đã nhanh nhẹn rút lui, khi quân Tần tới nơi thì không còn tháy bóng dáng của họ đâu nữa. Nhưng, một khi quân Tần vừa rút đi, họ lại có mặt trên con đường vận tải lương thực đó. Dần dần họ đã cắt đứt được con đường vận tải lương thực của quân Tần. Lúc bấy giờ trên con đường này có thể trông thấy nhiều xe cộ bị phá hủy, nhiều lương thảo bị đốt cháy, nhiều binh sĩ quân Tần bị giết chết. Riêng bá tánh được họ thuê mướn vì quá sợ hãi, nên cũng đua nhau tìm cớ này hoặc cớ khác rời đi. Do sự tiếp tế lương thực không còn trôi chảy như trước, quân Tần đang bao vây thành Cự Lộc cũng bắt đầu bị uy hiếp nghiêm trọng.
Những cuộc tấn công có tính cách thăm dò đối với quân Tần của Anh Bố, Bồ Tướng Quân đã giành được thắng lợi một cách đáng mừng, đối với những người cứu viện có thái độ chờ xem cũng trở thành một sự khuyến khích cổ vũ. Họ thấy được quân Tần không phải không thể chiến thắng, chỉ cần các đạo nghĩa quân liên hợp lại để tác chiến, thì việc giải vây cho thành Cự Lộc không phải là không có hy vọng. Nhưng, khi trù hoạch cho hành động riêng của mình, thì họ lại bắt đầu băn khoăn. Tâm lý nhu nhục cũng giống như một sợi thừng vô hình, đã trói chặt tư tưởng của họ, không cho phép họ được hành động theo ý muốn. Tâm lý hẹp hòi, muốn mưu cầu quyền lợi riêng tư đã trở thành một thứ mây mù, không cho phép họ nhìn thấy toàn bộ chiến cuộc.
Quyết tử tiến quân Liên tiếp mấy ngày liền, Trần Dư lúc nào cũng ở trong trạng thái tự khiển trách mình. Khi ông ta nghe được tin Anh Bố dẫn quân Sở tiến đánh quân Tần và đã thu được nhiều thắng lợi, thì mặt ông ta nóng bỏng như bị lửa đốt. Ông ta là tướng quân của nước Triệu, lại là bạn chí thân của Trương Nhĩ, tướng quốc của nước Triệu. Nay quốc gia gặp nạn, đáng lý ông ta phải dốc hết sức mình để cứu Triệu, thế mà ông ta lại khoanh tay đứng nhìn, không hề có hành động nào để chi viện. Trong khi đó thì tướng lãnh của một nước khác như Anh Bố, Bồ Tướng Quân lại xung phong hãm trận, xem thường cái chết, nếu so với họ thì ông ta nào phải là tướng quân của nước Triệu, chả lẽ không bị người đời chê cười hay sao?
Lương tâm của Trần Dư, một con người khiếp nhược và ích kỷ bắt đầu sống lại. Sự thắng lợi của Anh Bố đã kích thích, cổ vũ ông ta, làm cho ông ta từ trong bóng tối có thể nhìn thấy được tia sáng hy vọng. Nhiệt tình yêu nước trong lòng ông ta bùng cháy trở lại, tinh thần tích cực tác chiến của ông ta bắt đầu được động viên. Ông ta phái một sứ giả đến quân đội của Hạng Võ để báo cáo tình hình Cự Lộc, và hết lời ca ngợi thành tích chiến đấu của Anh Bố và Bồ Tướng Quân. Sau đó người sứ giả này lại có lời tâng bốc thêm, hiện nay quân Sở là quân đội mạnh nhất trong thiên hạ, và cũng là quân đội biết trọng chữ tín và biết trọng chữ nghĩa, vậy người chiến thắng Chương Hàm ngoài quân Sở ra thì không còn đạo quân nào khác. Sau khi nói chuyện huyên thuyên những lời ca ngợi như trên, người sứ giả này đã dựa theo lời dặn dò của Trần Dư nói thêm với Hạng Võ: đại đức của Sở đối với Triệu vương, chủ soái của tôi thật hết lòng cảm kích, và hứa hẹn sau này sẽ báo đáp, nhưng hiện nay quân Tần vẫn còn đang rất mạnh, vòng vây thành Cự Lộc vẫn chưa được giải tỏa, vậy xin Hạng Võ phái thêm một số binh lực để cứu nguy.
Đối với những lời khen ngợi của sứ giả, Hạng Võ không cảm thấy hứng thú lắm, vì điều mà ông quan tâm chính là tình hình chiến sự tại Cự Lộc. Trong lòng Hạng Võ lúc nào cũng có ý nghĩ Anh Bố đã không phụ lòng mong mỏi của mình, tạo được nhiều chiến công đáng kể, đáng được khen thưởng. Cùng một lúc đó, ông cũng đang có một nguyện vọng chiến đấu tha thiết. Ông cảm thấy tâm lý của quân Tần đang bắt đầu dao dộng qua những trận đánh của Anh Bố, vậy ngay lúc này cần phải xua quân chủ lực tiến lên để quyết chiến với quân Tần một phen, cũng như để giải tỏa vòng vây cho thành Cự Lộc, và triệt để đánh bại quân Tần. Ông liền nói với sứ giả là Triệu vương nên an tâm, chủ lực của quân Sở vương trong vài ngày tới sẽ có mặt tại chân thành Cự Lộc, và sẽ dốc hết sức mình để tương trợ. Sứ giả bùi ngùi cảm kích, liên tiếp tạ ân rồi trở về doanh trại của Trần Dư để báo cáo.
Sau khi sứ giả đi, Hạng Võ liền xua quân bắc tiến. Vào một ngày của tháng 12 năm 207 Tr. CN, Hạng Võ không ngại khí trời giá rét của mùa đông, chỉ huy quân chủ lực của Sở đến bờ sông Chương Hà.
Chương Hà bắt nguồn từ phía bắc quận Thượng Đảng, chảy qua quận Hàm Đan, quận Cự Lộc, rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Hạng Võ trước tiên truyền lệnh cho toàn bộ binh sĩ nghỉ ngơi tại chỗ, còn mình thì dẫn hai tùy viên đi thị sát theo bờ sông. Ông trông thấy mặc dù giữa mùa đông mặt sông vẫn chưa bị đóng băng, mà chỉ ở hai bên bờ mới xuất hiện một vài mảnh băng nhỏ. Ông tự tay dựng lên một cái lều, để đứng từ đó nhìn sang bên kia bờ sông. Qua màn sương mù lờ mờ, ông có thể thấy làng mạc và cây cối, có thể nghe được văng vẳng tiếng chó sủa. Bên kia bờ sông nguyên là quận Hàm Đan, cho nên chừng như ông có thể trông thấy kinh đô của nước Triệu là Hàm Đan đã bị Chương Hàm san bằng. Ông chừng như thấy được những bức tường đổ nát và những cung điện bị thiêu hủy, cũng như những làn khói nấu cơm bốc lên từ nhà dân, và cũng chừng như thấy được hàng hàng lớp lớp bá tánh của nước Triệu bị Chương Hàm bắt phải di dời đến chỗ khác... Hạng Võ thấy lòng đau nhói. Cánh tay ông tự nhiên siết chặt lấy cán gươm.
Bất ngờ trước mắt ông lại hiện lên một ngôi thành ốc đang bị chìm giữa biển lửa. Đó không phải là đô thành Thọ Xuân của nước Sở hay sao? Ông hết sức thương mến ngôi thành này, ông cũng rất quen thuộc đối với nó. Ông biết rõ từng con đường một, từng khu vực buôn bán sầm uất, cũng như cảnh tượng "ngựa xe như nước áo quần như nêm". Thế mà hôm nay tất cả đều biến mất, chỉ còn ngọn lửa cao ngất trời. Giữa biển lửa đó, tất cả những tài sản quý giá của nước Sở đều biến thành tro bụi, nền văn hóa xán lạn của nước Sở đã bị hủy diệt không biết bao nhiêu người dân của nước Sở đang giãy giụa rên xiết, chết chóc giữa biển lửa đó. Ông trông thấy từng thi thể một đang bốc cháy, từng gương mặt một đang đau khổ. Kìa! đấy không phải là ông nội Hạng Yến hay sao? Còn kia nữa, không phải là Sở Vương Phụ Sô hay sao? Ông nội đang bảo vệ Sở vương cùng chạy giữa biển lửa, cùng kêu gọi nhau, họ muốn xống ra khỏi biển lửa đó, để rời bỏ cảnh chết chóc. Thế nhưng, ở phía sau lưng của họ là quân Tần hung ác đang đuổi theo và chúng đã bổ mấy nhát dao vào lưng của ông nội và Sở vương. Ông nội ngã xuống, Sở vương cũng ngã xuống, và không có một tiếng kêu la, không có một tiếng rên rỉ, mà tất cả đều im lặng. Thân xác của họ đã bị ngọn lựa nuốt chửng và chỉ trong chốc lát thì tất cả đã chìm hết trong biển lửa. Lửa! Cả bầu trời đều là lửa...
Hạng Võ cảm thấy mặt mình nóng ran, nhiệt huyết trong toàn thân đều dâng lên, khiến đầu ông choáng váng khó chịu, ngực ông nặng nề. Ông mím chặt đôi môi và thốt lên từ kẽ răng:
- Trả thù! Ta phải trả thù!
Đúng vậy, nếu bảo là chống Tần để phục thù thì quân đội của Hạng Võ chính là một đạo quân đã xuất phát từ động cơ đó, và trong thời gian này thì tinh thần phục thù của ông đã lên cao đến cực điểm. Ông thề sẽ phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ nhất vào quân của Chương Hàm, để trả thù cho nước Sở, trả thù cho ông nội và người chú mà cũng để trả thù cho nước Triệu bị tàn phá thảm khốc. Ông ra lệnh cho gọi Quý Bố tới, để người này cấp tốc chuẩn bị ghe thuyền vượt sông. Quý Bố là một tướng lãnh đi theo Hạng Võ để tham gia cuộc đại chiến. Quý Bố nổi tiếng trong quân Sở về mặt tài năng cũng như về mặt chữ tín. Ông đã một lòng một dạ tận lực với Hạng Võ. Bất cứ mệnh lệnh nào của Hạng Võ ông chưa bao giờ dám xem thường, mà phục tùng vô điều kiện, hơn nữa, đều thực hiện hết sức tốt đẹp. Cho nên trong quân đội của nước Sở bắt đầu lan truyền một câu ngạn ngữ: "Được một trăm cân vàng không bằng được một lời hứa của Quý Bố." Quý Bố biết Hạng Võ đang nôn nóng muốn vượt sông, cho nên vấn đề chuẩn bị ghe thuyền là một vấn đề rất quan trọng. Ông ngỏ ý nhất định sẽ tìm được ghe thuyền trong một thời gian nhanh nhất, và xin Hạng Võ hãy an tâm.
Kế đó, Hạng Võ lại đến chỗ bến vượt sông để xem xét tình hình của bến này. Tại bến đã có sẵn ba chiếc thuyền vượt sông mà người chủ bằng lòng cho nghĩa quân mượn, đồng thời, cũng ngỏ ý chèo thuyền đưa nghĩa quân sang sông.
Đến trưa, Quý Bố đã tập trung được hơn hai chục chiếc thuyền. Những chiếc thuyền này hầu hết là binh thuyền, từng được cánh quân đi đầu của Anh Bố sử dụng, sau đó lại phân công cho binh sĩ ở lại trông nom để cho đại quân đi sau sử dụng sang sông. Anh Bố sợ không đủ dùng, lại mượn thêm một số thuyền của dân. Sau khi ghe thuyền đã chuẩn bị xong, Hạng Võ liền xuống lệnh cho đại quân chia thành nhiều tốp để sang sông. Trên hai chục chiếc thuyền cứ đi qua đi lại như thoi đưa, không lúc nào ngưng nghỉ. Khi mặt trời ngả bóng về phía tây thì toàn bộ đại quân đã vượt sông Chương Hà xong. Lúc bấy giờ Hạng Võ lại ra lệnh cho Hạng Trang là người bà con với Hạng Võ, từ Ngô Trung đã đi theo chú cháu họ Hạng khởi binh, nay đã trở thành tướng lãnh của quân Sở. Giờ đây trong Sở quân được xếp thứ tự như sau: Thượng tướng quân Hạng Võ làm Thống soái, Mạt tướng Phạm Tăng, Tư Mã Hoàn Sở, Đương dương quân Anh Bố và Bố Tướng Quân, Quý Bố, Hạng Trang là tướng lãnh. Tính tình của Hạng Trang bộc trực hào phóng, tác chiến dũng cảm, giỏi kiếm thuật. Binh sĩ của ông ta nhiều người theo ông ta để học múa kiếm. Riêng thuật đấu kiếm đã trở thành một phương thức huấn luyện binh sĩ của họ. Hạng Trang là người nóng tính, sau khi nghe lệnh Hạng Võ bảo toàn quân lo việc nấu cơm thì ông ta đoán sau bữa cơm này sẽ hành quân tới thành Cự Lộc ngay, cho nên cảm thấy rất vui thích. Ông ta đã to tiếng truyền lệnh cho toàn quân, bảo họ hãy mau hành động, ăn cho thật no để đánh bại quân Tần.
Sau khi bố trí xong, Hạng Võ ra lệnh cho toàn bộ ghe thuyền đậu sát bờ. Lúc bấy giờ bỗng thấy từ trên thượng du của dòng sông có một chiếc ghe cá xuôi dòng đi xuống. Khi chiếc ghe cá còn cách xa Hạng Võ chừng hơn một trượng thì liền cập bờ. Một ngư dân từ chiếc ghe các bước lên, vừa trông thấy Hạng Võ ông ta cúi đầu lạy một lạy, nói:
- Ngài có phải là Hạng Võ tướng quân hay không? Xin nhận một lạy của tiểu dân!
Hạng Võ ngạc nhiên, vội vàng hỏi ông ta từ đâu tới, và tới đây có mục đích gì. Người ngư dân cho biết ông ta là người huyện Nghiệp, chuyên làm nghề đánh cá trên sông Chương Thủy. Người anh em của anh ta đang kinh doanh một phường làm đồ gốm tại Hàm Đan, nhưng trước đây không lâu đã bị quân Tần tiến vào Hàm Đan cướp phá và đốt sạch, buộc người anh em đó phải dẫn già cõng trẻ trốn đi nơi khác. Cho nên hai anh em họ rất căm thù hành động bạo ngược của quân Tần. Nay nghe tin quân Sở kéo đi đánh Chương Hàm, nên toàn gia hết sức mừng rỡ. Để bày tỏ tấm lòng thành của họ, họ đã đặc biệt chở một thuyền cá chép sông Chương Hà đến biếu cho binh sĩ thưởng thức.
Hạng Võ lên tiếng cảm tạ lòng tốt của người đánh cá, rồi ra lệnh cho binh sĩ nhận hết số cá đó chia cho toàn quân làm thức ăn.
Nhờ vậy mà bữa cơm hôm đó, tướng sĩ của quân Sở ăn rất no bụng. Bao nhiêu ngày qua họ liên tiếp hành quân, bụng luôn đói, hơn nữa loài cá chép sông Chương Hà này rất ngon, nên bữa cơm của họ thật ngon miệng. Hạng Võ còn ra lệnh cấp phát cho mỗi người một tí rượu để uống. Tuy rượu không nhiều, nhưng từ lâu các binh sĩ không có dịp nào để uống rượu, họ cảm thấy rất ngon mà cũng rất vui.
Sau khi ăn uống đã no, có người bắt đầu hát những bài hát dân ca của nước Sở, cũng có người kể chuyện vui. Những người hiếu động thì bày trò đấu vật và cùng nhảy theo những động tác quân sự Khúc Dũng và Cự Diệu. Khúc Dũng là động tác rùng thấp hai đầu gối rồi nhảy về phía trước. Trước đây nó được xem là nội dung huấn luyện của các binh sĩ xa binh tập luyện để nhảy lên xe. Sau khi xa binh được bộ binh và kỵ binh thay thế, thì tiết mục huấn luyện quân sự đó dần dần trở thành động tác luyện tập để tăng cường sức khoẻ trong quân đội. Tương truyền trước kia các tướng sĩ trong quân đội rất giỏi trò chơi này, có người liên tục nhảy đến mấy trăm lần. Năm 632 Tr. CN, giữa hai nước Tấn và Sở từng đánh nhau một trận lớn tại Thành Bộc. Nước Sở thời đó có thế lực rất cường thịnh, còn nước Tấn thì yếu kém hơn, nhưng do vua tôi của nước Tấn đồng tâm hiệp lực, lại có tài chỉ huy quân sự nên đã chiến thắng. Khi quân Tần tiến vào nước Tào, thì Tấn Văn Công do cảm kích viên đại phu của nước Tào là Hy Phụ Kỷ, trước đây có ơn đối với mình, nên xuống lệnhcho quân Tần không được vào nhà riêng của ông ta, và xá tội hết cho gia tộc của ông ta nữa. Nhưng tướng Tấn là Ngụy Cừu do có công nên trở nên ngạo mạn, bất bình trước việc ưu đãi với Hy Phụ Kỷ, đã ra lệnh cho binh sĩ đốt cháy nhà ông ta. Lúc bấy giờ Ngụy Cừu đang bị thương trước ngực, Tấn Văn Công phái người đến xem xét vết thương của Ngụy Cừu ra sao, nếu bị thương nặng thì hãy giết chết ông ta. Ngụy Cừu biết được ý đồ của Tấn Văn Công, nên đã cố ý nhảy Cự Diệu ba trăm lượt, nhảy Khúc Dũng cũng ba trăm lượt trước mặt người sứ giả để người này thấy được ông bị thương không nặng, cuối cùng đã thoát khỏi cái chết. Câu chuyện đó được truyền tụng rất rộng trong quân Sở, cho nên họ thường nhảy Khúc Dũng và Cự Diệu để xem ai có số lượt nhảy nhiều hơn. Giờ đây họ vừa ăn uống no nê, tâm trạng phấn khởi cho nên lại đem trò đó ra để thi đua.
Giữa lúc mọi người đang vui cười phấn khởi thì bỗng nghe Hạng Võ xuống lệnh:
- Toàn quân hãy tức khắc chuẩn bị hành trang để xuất phát. Trước khi xuất phát cần phải làm cho xong việc này: đập vỡ tất cả nồi nấu cơm, đốt bỏ tất cả doanh trướng, nhận chìm tất cả ghe thuyền, mỗi người chỉ mang theo lương thực đủ dùng ba hôm!
Mệnh lệnh trên chẳng khác nào một tiếng sét đánh ngang tai, khiến cho chiến sĩ trong toàn quân đều ngẩn ngơ. Họ nghĩ bụng: Thượng tướng quân bị làm sao rồi! Chả lẽ uống rượu say rồi sao? Hay là đã có ai đó xúc phạm tới ông, làm cho ông nổi trận lôi đình? Họ biết Thượng tướng quân là người có tánh nóng như lửa, thường ngày cứ gặp chuyện gì là nhảy đổng lên. Nhưng, cho dù vậy cũng không thể lấy chuyện binh để làm trò đùa kia mà! Doanh trướng, nồi nấu cơm, lương thực, đều là những thứ cần thiết trong quân đội, là vấn đề hậu cần quan trọng của quân đội, vậy nếu đập bỏ và thiêu huỷ tất cả thì đại quân làm sao sống được? Và làm sao có thể đánh nhau với quân Tần? Chỉ mang theo có ba ngày lương thực thì làm thế nào đủ dùng? Trong vòng ba ngày nếu không thể đánh bại được quân Tần thì sao? Một khi không thực hiện được ý nguyện, chẳng phải tất cả đều chết lạnh, chết đói đó sao? Riêng thuyền bè nếu nhận chìm hết, thì còn đâu con đường rút lui?
Các binh sĩ thầm thì bàn tán với nhau không dứt, không ai chịu ra tay để thi hành mệnh lệnh của Hạng Võ. Họ cảm thấy không nỡ làm như vậy, dù các Hiệu uý hối thúc họ nhiều lần, họ vẫn đứng trơ trơ không cử động.
Lúc bấy giờ bầu không khí trong quân dọi hết sức căng thẳng, các tướng sĩ ai ai cũng cảm thấy nặng nề, vì họ không thể hiểu được!
Sắc mặt của Hạng Võ càng nghiêm trang hơn, đôi mày lưỡi kiếm của ông dựng đứng, hai mắt tròn xoe, đôi môi mím chặt, giống như đang đứng trước một trận quyết chiến sống chết. Ông trông thấy các tướng sĩ vẫn do dự không chịu thi hành mệnh lệnh, bèn tập hợp toàn quân lại. Ông đứng trên một mô đất cao, ngẩng mặt nhìn lên, tay cầm trường kiếm, trông giống như một pho tượng đúc bằng sắt. Tiếng nói của ông vang rền khí thế hào hùng:
Hỡi các tướng sĩ, chúng ta sắp sửa tiến thẳng đến thành Cự Lộc. Nhân gian có câu: nuôi quân nghìn ngày chỉ dùng trong một giờ. Cuộc chiến này có tương quan đến việc sống chết tồn vong của chúng ta , cũng như có tương quan đến sự thành bại của sự nghiệp chống Tần. Chúng ta chỉ được thắng lợi chứ không được thất bại; chỉ được tiến lên chứ không được thối lui! Thối lui có nghĩa là chết, có nghĩa là tất cả sự nỗ lực của chúng ta đều trôi theo dòng nước chảy! Trước mặt chúng ta là ba chục vạn đại quân của Chương Hàm, là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta! Chương Hàm làm ác đã nhiều, dù có chặt hết rừng tre cũng không đủ hài tội của hắn! Hắn đã giết chết Trần vương và Thượng Trụ Quốc, tàn sát mấy vạn nghĩa quân, hôm nay chúng tại tắm máu thành Hàm Đan, bao vây thành Cự Lộc để tiêu diệt nghĩa quân trong thiên hạ. Chúng ta không thể ngồi yên nhìn Chương Hàm mặc tình hoành hành. Cuộc chiến ngày hôm nay ta còn thì hắn phải mất! Binh lực của ta tuy ít, nhưng trong chiến tranh việc thắng bại không phải hoàn toàn dựa vào binh lực đông hay ít, những trận đánh lấy ít thắng nhiều từ xưa tới nay vẫn thường ảy ra. Dụng binh tác chiến sĩ khí là trên hết, đạo quân quyết tử có thể lấy một chống mười. Sở dĩ tôi ra lệnh cho tất cả tướng sĩ phải đập bỏ nồi nấu cơm, nhận chìm ghe thuyền là để cho tất cả phải hiểu: hiện nay chúng ta chỉ có một con đường duy nhất, đó là phải đánh bại quân Tần do Chương Hàm chỉ huy.
giọng nói hùng hồn và ý nghĩ kiên quyết của Hạng Võ đã làm cho các tướng sĩ đều phấn chấn cả lên. Tới chừng đó họ mới biết dụng ý của Hạng Võ. Cho nên tinh thần của họ được nâng cao gấp trăm lần, hào khí của họ cũng lấn át tất cả. Họ đồng thanh hô to:
- Chúng tôi quyết thực hiện lời nói của Thượng tướng quân, thề tiêu diệt quân Tần, không thắng thì chết!
Hạng Võ nhìn qua đội ngũ đang tràn ngập khí thế của mình, mạnh dạn ra lệnh:
- Tất cả hành động ngay!
Toàn thể đội ngũ liền ồn ào phân tán. Dưới sự chỉ huy của các hiệu uý, binh sĩ bắt đầu đập vỡ nồi niêu, đốt cháy doanh trướng, nhận chìm tất cả ghe thuyền. Tiếng bàn tán vang dậy khắp mọi nơi, giống như đoạn nhạc mở đầu của một chương nhạc anh hùng!
Trên hai mươi chiếc thuyền đã bị nhận chìm xong, còn trên mặt đất thì ngổn ngang những mảnh vỡ của các loại nồi niêu. Sau khi thực hiện xong mọi việc, đội quân tràn ngập khí thế này liền nhanh chóng tập kết, sẵn sàng xuất phát. Ở phía sau lưng họ là dòng nước Chương Hà đang chảy cuồn cuộn về phía đông.
Người triều kiến đi bằng hai đầu gối Đại quân của Hạng Võ sau khi vượt qua sông Chương tiếp tục tiến thẳng lên hướng bắc, và chẳng mấy chốc họ gặp được cánh quân đi phía trước của Anh Bố và Bồ Tướng Quân. Lúc bấy giờ tổng số binh lực của quân Sở khoảng chừng mười vạn người, trong khi đó thì binh lực dưới quyền chỉ huy của Thiếu phủ Chương Hàm chỉ riêng phần quân của Vương Ly chỉ huy cũng lên đến từ hai mươi lăm đến ba chục vạn người, còn các tướng lãnh chủ yếu gồm có Trưởng sứ Tư Mã Hân, Đô úy Đổng Ế, Tô Giác, Thiệp Gián... Chương Hàm thấy khí thế của quân Sở quá hung hãn, ý thức được sẽ có một trận đại chién nay mai. Ông ta ra lệnh cho toàn quân tức khắc chuẩn bị để ứng chiến.
Hạng Võ sau khi nghe qua báo cáo của Anh Bố, Bồ Tướng Quân về tình hình Cự Lộc, cho rằng quân bao vây thành Cự Lộc của Vương Ly là mục tiêu chính trong cuộc chiến đấu này. Ông chia mười vạn đại quân ra thành hai bộ phận, một bộ phận thực hiện việc bao vây quân của Vương Ly, còn bộ phận kia thì dùng để đối phó với mũi tấn công của quân Tần do Chương Hàm chỉ huy.
Trong khi đó quân trong thành Cự Lộc đang bị bao vây suốt ngày phải tiến hành những cuộc chiến đấu phòng ngự nên đã quá mệt mỏi, gần như mất năng lực phản kích, mà chỉ có thể dựa vào tường thành kiên cố để ngăn chặn sự tấn công của quân Tần. Lương thực của quân Triệu sắp sửa hết, binh sĩ giữ thành mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm. Dù vậy, cơm và thức ăn vẫn phải theo chế độ phân phôi. Vì không ai có thể đoán biết trước còn phải cố thủ bao nhiêu ngày nữa, cho nên lương thực phải tiêu dùng theo kế hoạch. Các binh sĩ đều phải chịu dói một cách khổ sở, cộng thêm tiết trời đã bắt đầu lạnh, khiến nhiều người phải ngã bệnh. Để giảm thiểu sự tiêu hao thể lực, trong lúc quân địch tạm ngưnng tấn công họ chen chúc vào nhau để lấy hơi ấm và nghỉ ngơi. Khi quân địch mở cuộc tấn công thì họ thay phiên nhau xuất chiến. Trừ phi trường hợp quân địch bắc thang để leo lên vách thành họ mới dùng gỗ và đá để phản kích, còn lúc địch tấn công từ xa họ không cần thiết phải chống trả, mà chỉ núp sau những ụ trên đầu thành để theo dõi tình hình. Họ không còn sức lực để chiến đấu, và cũng không muốn bị hy sinh một cách vô ích.
Riêng cửa thành thì được đóng kín, bên trong còn được chất thêm đất và đá để đề phòng quân địch phá cửa thành. Có nhiều cửa thành được họ xây kín luôn một cách chắc hắn. Do vậy, thành Cự Lộc đã hoàn toàn bị phong kín, cách ly hẳn với bên ngoài. Người trong thành bất luận là binh sĩ hay là bá tánh không ai có thể đi ra ngoài được, mà phải chịu sống chết chung với ngôi thành này.
Triệu Yết và Trương Nhĩ lúc nào cũng nóng nảy như kiến bò trên chảo nóng, không thiết đến việc ăn uống, họ trông ngóng viện quân cũng giống như trông ngóng những vì sao trên trời, nào ngờ khi viện quân tới nơi thì lại hạ trại đóng ở phía ngoài của ngôi thành, cơ bản không dám mở trận đánh để giải vây. tình hình đó đã làm cho Triệu Yết và Trương Nhĩ hết sức căm tức. Họ không ngờ những cánh viện binh nói trên quá vô tình, quá nhu nhược. Cho nên lắm lúc họ đã to tiếng mắng chửi, cũng có lúc nhảy đổng lên vì không thể dằn được cơn tức giận, nhưng họ làm gì thì bản thân họ tự chịu lấy mà thôi. Người mà họ căm hậ nhất là Trần Dư. Trong cơn thịnh nộ, Trương Nhĩ chụp lấy miếng ngọc bội mà Trần Dư đã biếu cho ông ta ném mạnh xuống đất bể nát, thề rằng từ nay về sau sẽ không thừa nhận tình bạn đối với Trần Dư. Triệu Vương Yết thì ngỏ ý sau này nếu có thể chuyển nguy thành an, sẽ trừng trị tội phản nghịch của Trần Dư bằng cách chém ngang lưng để thị chúng.
Để tăng cường lực lượng giữ thành, người kề cận Triệu Vương Yết từ một thiểu số từ bên ngoài trèo vách thành vào được bên trong, trong cung điện của ông ta lúc nào cũng tiêu điều vắng ngắt. Những cung nữ không có khả năng tác chiến suốt ngày ngồi một chỗ buồn khổ, ủ rũ, có nhiều người còn khóc lóc rất thảm thương. Lúc nào họ cũng đi nghe ngóng tin tức từ quân giữ thành. Họ sợ có một ngày nào đso thành bị đánh chiếm và tất cả sẽ bị tàn sát. Họ là những người chân yếu tay mềm, không thể tự mình làm chủ số phận của mình, mà chỉ biết nghe theo sự sắp xếp của quân vương. Trong số họ có người suốt ngày đốt nhang lạy Phật, chân thành cầu xin thần linh phù hộ. Nhưng, ngay đến họ cũng không biết được những cây nhang đang bốc khói kia và sự khẩn cầu chân thành của họ phải chăng có thể cảm động được thần linh mà theo họ là những bậc vạn năng, muốn làm gì cũng được.
Phía ngoài thành Cự Lộc, quân Tần do Vương Ly chỉ huy liên tục thắt chặt vòng vây, và đã gần đến sát hào thành. Vương Ly là tướng lãnh nổi tiếng của nước Tần, xuất thân từ một gia đình có nhiều đời làm tướng. Ông nội của Vương Ly là Vương Tiễn, một đại công thần của vương triều nhà Tần. Ông ta từng giúp Tần Thủy Hoàng tiêu diệt bốn nước Triệu, Yên, Ngụy, Sở, tên tươior vang lừng khắp thiên hạ. Con trai của ông là cha ruột của Vương Ly tức Vương Bôn, cũng là một danh tướng, từng lập được đại công trong việc tấn công nước Sở, sau đó Vương Bôn lại cùng với Lý Tín mở cuộc nam chinh tại vùng Bách Việt, và còn bình định cả đất Tề. Hiện nay Vương Tiễn, Vương Bôn đều đã chết. Vương Ly lại nối tiếp sự nghiệp của tổ tiên, làm thân trâu ngựa cho Tần Nhị Thế, giúp vương triều nhà Tần trấn áp nghĩa quân.
Với Hạng Võ con cháu nhà họ Vương chính là kẻ thù truyền kiếp. Hạng Võ không làm sao quên được, vào năm thứ 21 đời Tần Thủy Hoàng (tức năm 226 Tr. CN), Vương Bôn đã tấn công Sở, và đã đại thắng, quân Sở bị giết chết không biết bao nhiêu. Tần Thủy Hoàng năm thứ 23 (tức năm 224 Tr. CN), Vương Tiễn thay cho Lý Tín tấn công nước Sở. Nước Sở nghe nói Vương Tiễn dẫn đến sáu chục vạn đại quân, nên đã dốc hết toàn lực ở trong nước để ra sức chống Tần. Nhưng đại quân của Vương Tiễn sau khi vào đất Sở, thì xây đồn đắp luỹ cố thủ, không chịu xuất chiến. Ông ta ngày ngày cho binh sĩ nghỉ ngơi tắm rửa, cho ăn uống thật đầy đủ, ngoài ra, ông ta còn ăng chung với các binh sĩ để an ủi họ. Chờ cho binh sĩ đã có đầy đủ nhuệ khí, ông ta mới nhân lúc quân Sở chuyển về phía đông, phái tinh binh đuổi theo đánh bại quân Sở. Ông nội của Hạng Võ là Hạng Yến đã chết tại Kỳ Nam trong trận chiến đấu này. Sau đó một năm, Vương Tiễn đã bình định toàn bộ đất Sở, bắt sống được Sở vương.
Vì có mối thù khắc cốt ghi xương với con cháu họ Vương, nên Hạng Võ sau khi kéo binh đến Cự Lộc liền hạ quyết tâm nhất định phải tiêu diệt quân của Vương Ly, bắt sống cho được tướng này, rồi dùng thủ cấp của Vương Ly để tế vong linh của ông nội ở trên trời. Hạng Võ đã bố trí cho quân đội của mình bao vây thành một vòng tròn, vững chắc như sắt thép để nhốt Vương Ly ở bên trong. Đồng thời, ông cho dùng tên bắn một phong thư vào trong thành, dặn dò Triệu Vương Yết và Trương Nhĩ phải cố gắng giữ thành, tuyệt đối đừng để cho Vương Ly đán chiếm được. Như vậy, quân của Vương Ly sẽ không đường tiến thoái, chắc chắn sẽ bị đánh bại.
Trong khi lá quân kỳ của Hạng Võ bay phất phới ở phía sau lưng quân Vương Ly, thì người tướng quân tự cao tự đại của vương triều nhà Tần này mới cảm thấy vấn đề nghiêm trọng. Ông ra lệnh cho binh sĩ đi thám thính, phát hiện cả đoàn quân của ông ta đã bị bao vây, nằm ở chính giữa thành Cự Lộc và quân Sở như cái nhân bánh. Ông ta ý thức được nhiệm vụ quan trọng trước mắt không phải tấn công thành, mà là phải phá vòng vây, để liên hệ với quân chủ lực của Chương Hàm. Nhưng, trong khi Vương Ly chuẩn bị phá vòng vây, thì có một sự kiện khiến cho ông ta phải rùng mình. Đó là một chuyện đã qua, nhưng bây giờ nó lại hiện lên trong trí nhớ của ông ta.
Trước một ngày khi ông ta phụng mệnh kéo quân đi tấn công nước Triệu, vô tình đã nghe hai người xa lạ cùng bàn luận với nhau. Một người nói: "Vương Ly là danh tướng của vương triều nhà Tần, nay cử binh đi đánh nước Triệu vừa mới thành lập, vậy chắc chắn có thể đánh chiếm được." Người kia lắc đầu nói: "Anh nói sai rồi, người làm tướng đến đời thứ ba chắc chắn sẽ bị chiến bại. Tại sao vậy? Vì họ giết người quá nhiều, nên sẽ gặp điều không may. Nay Vương Ly đã là tướng đời thứ ba trong gia đình. Ông nội của ông ấy là Vương Tiễn, cha là Vương Bôn, suốt cả cuộc đời chiếm thành giết tướng, tiêu diệt các chư hầu, số người bị họ giết không biết bao nhiêu mà kể, những oan hồn đó sẽ trả thù vào đời thứ ba của họ. Như vậy, tôi xem Vương Ly xuất chinh lần này sẽ rủi nhiều may ít, không biết chừng gặp cảnh da ngựa bọc thây cũng nên!"
Hai người đó nói dứt lời thì bỗng không thấy đâu nữa. Vương Ly ngẩn ngơ đứng tại chỗ cảm thấy có điều gì quái lạ, chừng như mình chưa bao giờ gặp hai người này. Những câu đối thoại của họ càng khiến cho ông ta kinh dị hơn, chừng như họ là những người am hiểu cả thiên cơ vậy. Vương Ly càng suy nghĩ càng sợ hãi, tim đập nghe thình thịch. Để xóa đi nỗi ám ảnh đó, trước khi lên đường ông ta đã thắp nhang liên tiếp ba ngày, và nhờ người đến xem quẻ cát hung. Người thấy bói gieo tiền ba lần mới được quẻ cát, qua đó ông ta mới yên lòng. Việc bao vây thành Cự Lộc lúc ban đầu xem ra rất thuận lợi, nhưng bao vây càng lâu mà không thể đánh chiếm được ngôi thành đã khiến ông ta bắt đầu lo lắng. Hôm nay bị Hạng Võ bao vây, Vương Ly chợt nhớ lại chuyện cũ, trong lòng cảm thấy rủi nhiều may ít, cho nên không khỏi căng thẳng, vì lo sợ nhà làm tướng tới đời thứ ba thì sẽ bị bại trận bi thảm.
Vì muốn thoát ra khỏi vòng vây để tránh mọi điều rủi ro, Vương Ly liền bỏ việc tấn công thành, mà cố tìm một đột phá khẩu để dốc toàn lực phá cho kỳ được vòng vây. Qua mấy lần thám thính, ông ta phát hiện được tại góc tây nam, có một đoạn chừng mấy mươi trượng, dường như quân Sở đã sơ sót thiếu sự phòng thủ, vì ở đó chỉ có năm ba binh sĩ thưa thớt mà thôi. Ông ta cảm thấy nơi đó chính là một địa điểm tốt để đột phá vòng vây. Quân chủ lực của Chương Hàm đóng tại phía tây nam, nếu phá được vòng vây thì có thể liên hệ với quân chủ lực.
Sau khi đã có quyết tâm, ông ta nhanh chóng tập trung quân đội chia ra thành ba đợt tấn công để chuẩn bị phá vòng vây. Đợt tấn công thứ nhất là quân mũi nhọn, chịu trách nhiệm mở đường; đợt tấn công thứ hai là quân nối tiếp, chịu trách nhiệm khuếch trương chiến quả; đợt tấn công thứ ba là quân đoạn hậu. Sau khi bố trí xong, vào một đêm tối trời đội ngũ của ba đợt tấn công tập trung ở những khoảng cách nhất định rồi nhắm hướng tây nam phát động chiến đấu với mục đích mở cho được đột phá khẩu. Điều làm cho Vương Ly cảm thấy vui mừng, đó là những đợt tấn công của ông ta đã được tiến hành một cách thuận lợi. Vòng vây của quân Sở khi vừa tấn công là phá được. Nhưng đội ngũ của ba đợt tấn công đó vừa thoát ra ngoài, thì liền nghe chiêng trống ầm ĩ, tiếng hô sát phạt dậy trời, và bốn bên liền có vô số ngọn đuốc thắp sáng, qua đó họ mới biết vô số quân Sở đã bao vây sẵn. Thì ra, Hạng Võ đã sử dụng thuật "vây ba mặt chừa trống một mặt", cố ý để một khe hở cho quân của Vương Ly vượt ra ngoài, và lọt gọn vào một vòng vây khác. Cho nên Vương Ly vừa mới phá vòng vây thì lại rơi vào cái túi của quân Sở.
Vương Ly biết mình đã trúng kế, hốt hoảng đến rối loạn cả chân tay, vội vàng chỉ huy cho binh sĩ ứng chiến. Nhưng quân Tần đã hỗn loạn, không còn nghe theo lệnh chỉ huy nữa. Thế là quân Sở chẳng khác gì bắt cá trong lu, ra tay sát phạt. Quân của Vương Ly nhanh chóng mất hết sức chiến đấu, tử thương vô số kể, còn Vương Ly thì bị bắt sống.
Khi quân Sở áp giải Vương Ly đến trước mặt Hạng Võ, sắc mặt của Vương Ly tái xanh như tàu lá, còn Hạng Võ quá thịnh nộ, căm hờn nhưng không khỏi ngẩn ngơ trong giây lát. Chính trong giây lát đó hình ảnh cái chết thê thảm của ông nội và của người chú, cũng như của nhân dân nước Sở đã hiện lên trước mắt Hạng Võ. Ông chừng như trông thấy một bức tranh toàn là máu. Ông rùng mình trong khi đôi mắt như nẩy lửa, đôi môi cắn chặt đến thâm tím. Ông nhìn trừng trừng thật lâu vào mặt Vương ly, rồi sau đó không nói một tiếng nào, tuốt gươm bén ra chém rơi đầu Vương Ly.
Bên trong doanh trướng đã bày sẵn một bàn thờ, bên trên có bài vị của Hạng Yến và Hạng Lương, còn chính giữa đồ cúng là một chiếc thủ cấp đầm đìa máu tươi. Hạng Võ quỳ xuống đất, nước mắt giàn giụa. Ông nhìn lên hai tấm bài vị nói:
- Thưa ông nội, thưa chú, kẻ thù của ông và chú nay đã bị cháu giết chết rồi đây. Cháu còn tiếp tục tiến đánh quân Tần, và quyết đánh bại chúng một cách triệt để, vậy cháu xin báo lên linh hồn của ông và chú ở trên trời!
Trong khi quân Hạng Võ tấn công quân Vương Ly thì một cánh khác của quân Sở đang giao phong với quân của Chương Hàm. Cánh quân àny đánh quá mạnh, nên đã đẩy lui được quân của Chương Hàm muốn kéo tới viện trợ cho Vương Ly, bảo đảm cho quân Vương Ly bị tiêu diệt toàn bộ. Hạng Võ sau khi giết được Vương Ly, bèn chuyển hướng sang tấn công Chương Hàm. Cả hai cánh quân giờ đây đã hợp chung làm một, chiến đấu chết sống với quân của Chương Hàm. Quân Sở mặc dù chỉ đông có một phần ba so với quân của Tần, nhưng mỗi binh sĩ đều dũng cảm và thiện chiến, lấy một chống mười, việc đập vỡ nồi nấu cơm và nhận chìm ghe thuyền tjai bờ sông Chương Hà, đã khiến họ quyết tâm nếu không chiến thắng thì chỉ có chết. Cho nên họ chỉ biết tiến lên thề không bao giờ thối lui, nhất là sau khi quân Vương Ly bị tiêu diệt toàn bộ đã làm cho họ tin tưởng là mình tất thắng. Quân Sở và quân của Chương Hàm đã chín lần mở cuộc giao tranh lớn và đều thủ thắng. Tướng Tần là Tô Giác bị giết, còn Thiệp Gián thì không chịu đầu hàng nên đã tự thiêu. Sau khi Chương Hàm bị đánh bại, binh sĩ mất hét tinh thần, nên phải rút lui về phía Cức Nguyên.
Một cảnh tượng trở thành trái ngược với việc quân Sở anh dũng chiến đấu, chính là cảnh tượng viện quân của Tề, Yên đã rút cổ ở bên trong hào luỹ của họ. Như vậy, một bên liều chết chiến đấu còn một bên lại khiếp nhược đứng nhìn; một bên vì nghĩa không bao giờ hối hận, còn một bên thì tìm cách cầu an bảo mạng. Hai thứ viện quân đó, hai thứ thái độ đó, hai thứ tâm lý đó đã được bộc lộ một cách rõ ràng tại chiến trường Cự Lộc. Trong khi cuộc đại chiến đang diễn ra quyết liệt, thì các tướng lãnh viện quân của Tề, Yên lại đứng trên cao cách đó khá xa để xem cuộc chiến đấu, như những người khách ngoại cuộc. Trước mặt họ là dao kiếm choảng nhau là một trận chiến đấu chết sống, máu chảy thịt rơi, chiến mã hí dài, mà họ vẫn hoàn toàn không có ý định nhảy vào cuộc chiến. HỌ chỉ đứng xem một cách chăm chỉ, giống như thưởng ngoạn một màn đấu võ, thậm chí còn chú ý xem bên nào thắng bên nào bại, để suy nghĩ tìm cách thủ lợi cho mình.
Tinh thần chiến đấu phi thường của quân Sở khiến họ hết sức khiếp phục. Họ không dám tin vào đôi mắt của mình. Đứng trước quân Tần vừa đông vừa mạnh mà quân Sở tại sao có thể chiến đấu một cách dũng cảm không biết sợ như vậy? Nhất là đối với những tướng lãnh đi trước cả binh sĩ trong cuộc chiến đấu lại càng làm cho họ hết sức tâm phục. Từ lâu họ đã nghe danh Hạng Võ là người dũng cảm phi thường, nhưng chỉ nghe danh thôi chứ chưa được thấy tận mắt, ngày nay kể như họ có dịp sáng mắt ra. Họ đã nhìn thấy Hạng Võ cưỡi trên lưng con ngựa Ô Truy, tay cầm giáo dài, xông pha chém giết quân Tần giữa trận mạc như chỗ không người. Tướng sĩ của quân Tần đã lần lượt bị Hạng Võ giết chết dưới ngựa. Hạng Võ gần như một vị thần thắng lợi trong cuộc ác chiến, toàn bộ trận đánh này đã bị ông khống chế.
Tất cả chư hầu đều đã khiếp phục. Sự thắng lợi của quân Sở như một luồng gió mát thổi tan sự khiếp nhược của họ, cho nên họ cảm thấy nếu chần chừ đứng ngóng thì thật khó mà sống ở đời. Thế là trong khi quân Sở đã nắm chắc phần thắng thì họ cũng phái binh sĩ của họ tham gia vào đội ngũ chiến đấu chống Tần. Nhưng họ đánh chưa được mấy hiệp thì cuộc chiến đấu đã kết thúc.
Tình trạng bị bao vây của thành Cự Lộc đã được giải tỏa, tình trạng nguy cấp của nước Triệu như chỉ mành treo chuông giờ đây cũng đã chuyển nguy thành an. Triệu Vương Yết, Trương Nhĩ mở toang cửa thành bước ra để tạ ơn các chư hầu. Họ cảm động tới rơi lệ, nói:
- Nếu không nhờ các vị thì nước Triệu đã bị mất từ lâu rồi. Cái ơn cứu mạng này chúng tôi không bao giờ quên!
Trương Nhĩ cũng đã gặp được Trần Dư, liền lên tiếng trách cứ tại sao Trần Dư không chịu tới cứu viện. Ông lại hỏi thăm tình trạng của Trương Yểm và Trần Trạch, Trần Dư tiu nghỉu nói:
- Trương Yểm, Trần Trạch bảo tôi hãy cùng chết chung với các vị, cho nên tôi đã cấp cho họ năm nghìn binh mã để đi mở cuộc tấn công thử vào quân Tần, kết quả là toàn bộ đều bị tiêu diệt, không ai sống sót trở về.
Trương Nhĩ không tin, nghi rằng Trần Dư đã giết chết họ. Trần Dư cả giận, nói:
- Thật không ngờ anh lại oán thù tôi đến mức như thế. Anh tưởng tôi ham cái chức chủ tướng này lắm hay sao?
Nói đoạn, ông ta liền cởi quả ấn đeo trên người xuống trả lại cho Trương Nhĩ. Đứng trước cử chỉ đột ngột này của Trần Dư, Trương Nhĩ không khỏi kinh ngạc, nên không chịu tiếp nhận quả ấn. Trong khi Trần Dư đứng lên đi vào cầu xí, thì một vị tân khách kiến nghị với Trương Nhĩ:
- Tôi nghe nói phàm những gì mà trời ba cho thì không thể từ chối, bằng không ắt sẽ có kết quả không tốt. Giờ đây Trần tướng quân đã trao quả ấn lại cho ngài, nếu ngài không nhận thì nghịch lại ý trời, không phải là chuyện tốt đâu, vậy xin mau nhận lấy.
Thế là Trương Nhĩ liền nhận lấy quả ấn và tiếp quản luôn quyền chỉ huy quân sự của Trần Dư. Trần Dư thấy Trương Nhĩ không thối thoát thì trong lòng lấy làm bất mãn, giận dữ rời đi. Ông ta cùng mấy trăm bộ hạ thân tín kéo nhau tới vùng Trạch Trung ở Hà Thượng để làm nghề câu cá và săn bắn. Từ đó đôi bạn sanh tử có nhau đã trở thành hai kẻ thù vĩnh viễn không thể hòa giải.
Nhắc lại Hạng Võ sau khi đánh bại quân Tần, liền phái người đi triệu kiến các chư hầu và các tướng lãnh. Hạng Võ, vốn có ý gặp mặt họ để chúc mừng trận đại thắng Cự Lộc, đồng thời, cũng nhân đó nêu cao uy lực của quân Sở trước mặt họ. Ông ra lệnh cho toàn quân thay khôi giáp và chiến bào mới, đứng xếp hàng chỉnh tề nghênh đón họ. Riêng ông thì ngôi ngay ngắn trên một chiếc ghế đặt ở chính giữa, nghiễm nhiên như một vị hoàng đế triệu kiến bề tôi.
Các chư hầu và tướng lãnh nối tiếp nhau đến. Họ trông thấy tướng sĩ của quân Sở oai hùng trang nghiêm như một đội binh thần từ trên trời xuống, ai ai cũng đều kính sợ. Đứng trước sự uy nghiêm của Hạng Võ họ lại càng phục sát đất. Sau khi bước vào cổng doanh trại, tất cả họ đều quỳ xuống đất rồi dùng hai đầu gối đi vào trong và không dám ngước mặt nhìn lên. Đối với họ, Hạng Võ rõ ràng là một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, còn họ như là những lũ chuột đáng khinh. Hạng Võ như một quả núi cao, còn họ như là những đồi đất thấp lè tè đáng tội nghiệp, cơ bản là không thể nào dám đem so sánh được. Họ tự thấy mình quá tồi tệ, quá đáng khinh, nên đành chấp nhận địa vị thấp kém của kẻ yếu, nhất trí tôn Hạng Võ lên làm Thượng tướng quân của các chư hầu. Thế là tất cả quân đội của các chư hầu đều thuộc quyền chỉ huy của Hạng Võ. Hạng Võ đã trở thành thống soái của các chư hầu.
Trận đại thắng Cự Lộc đã thể hiện hùng tài đại lược và lòng can đảm vô biên của Hạng Võ, đúng là một trang sáng chói trong cuộc đời quân sự của ông. Việc giải vây cho thành Cự Lộc đã khién quân Tần dưới quyền chỉ huy của Chương Hàm phải lâm vào cảnh hoàn toàn sụp đổ, sĩ khí hoàn toàn tan rã. Hạng Võ trở thành thống soái của các chư hầu sẽ có lợi cho việc liên hợp giữa các cánh nghĩa quân, đối với việc tiêu diệt quân chủ lực của vương triều nhà Tần sau này có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sau khi Hạng Võ dương oai tại thành Cự Lộc, không phải ông dừng bước tấn công lại mà đang nhắm thẳng vào vùng Cức Nguyên là nơi Chương Hàm bỏ chạy tới đó. Ông phải truy kích quyết liệt, tuyệt đối không để cho Chương Hàm có giây phút nào nghỉ ngơi, thư giãn.