Thành Hu Di nằm cạnh bờ sông Hoài, thuộc quận Đông Hải, là một thành ấp không lớn. Nó không có cảnh tượng phồn hoa "ngựa xe như nước, áo quần như nêm", mà có dáng vẻ của một vùng nông thôn. Ngoài phố chợ cũng có một số cửa hiệu mua bán, và một số cửa hàng nhỏ. Hàng hóa ở đây hầu hết là sản phẩm của nhà nông, cũng như những dụng cụ mà nhà nông cần dùng. Các loại rau cải tương đối nhiều, còn thịt thì phần lớn là thịt dê, cừu, heo, chó, gà. Trong số súc vật được chăn nuôi thì ngựa là công cụ dùng để cưỡi hoặc kéo xe, bò trâu thì dùng để cày ruộng, người ta rất ít giết nó lấy thịt để ăn. Hai bên đường có mấy cửa hiệu bán thịt heo và thịt chó, việc buôn bán cũng rất nhộn nhịp. Vì người dân thường thích ăn những con chó và những con heo còn non. Thông thường người ta nuôi chó được một năm thì làm thịt, còn heo chừng hai tháng hoặc nửa năm làm thịt mới gọi là ngon. Cho nên các cửa hiệu bán thịt thường treo heo sữa hoặc chó tơ để gây hấp dẫn cho khách hàng. Trong những cửa hiệu bán thịt cũng có những phần đầu, chân, lòng của các loài gia súc, nhằm cung cấp cho dân nghèo, không đủ tiền mua thịt nên phải mua những thứ đó ăn. Thủy sản cũng được bày bán rất nhiều, ngoài cá còn có cua, các loại nghêu, sò, ốc, hến... Trong cửa hàng cũng được bày bán nhiều mặt hàng khác nhau nhưng đại đa số là đồ gốm và các loại nông cụ. Người qua lại trên phố hầu hết đều là nông dân ăn mặc vải bô, rất ít khi thấy người giàu sang mặc gấm vóc, cưỡi ngựa to béo. Tóm lại, Hu Di là một ngoi thành nhỏ mang màu sắc nông thôn.
Thế nhưng, trong vòng mấy tháng nay, thành Hu Di bỗng có sự thay đổi quan trọng. Do Sở Hoài Vương đến xây dựng kinh đô tại đây, nên Hu Di đã trở thành một thành thị được mọi người chú ý. Nó cũng giống như một người bình dân được vào triều làm quan, giá trị bản thân nhờ đó mà được nâng cao. Cung thất bắt đầu được xây dựng, một số nhà giàu bắt đầu đến đây định cư, những người buôn bán cũng đông đảo tấp nập hơn, hàng hóa trong hiệu buôn có nhiều mặt hàng mới mẻ để thích ứng với đối tượng tiêu thụ đã thay đổi. Người Hu Di lấy sự thay đổi đó làm niềm vinh dự cho mình, vì bất luận thế nào họ cũng trở thành người dân của kinh đô nước Sở. Có một số người hiểu biết rộng, còn nhắc lại những địa phương làm kinh đô của nước Sở trước kia, như Sính, Trần, Thọ Xuân là những nơi từng phồn hoa một thời. Ngày nay, Hu Di có lẽ từng bước cũng sẽ trở thành một đại đô thị có diện mạo phồn hoa như thế, qua đó thu hút khách thập phương, những người có tài năng từ các nơi đến, không thua gì Hàm Dương, kinh đô của triều đình nhà Tần hiện nay.
Nhưng, người Hu Di không thể đạt được nguyện vọng của mình. Ngôi thành ấp này sau một thời gian ngắn huyên náo, nay bỗng trở lại cảnh vắng vẻ quê mùa như xưa. Vào tháng chín, Sở Hoài Vương bỗng dời đi. Mọi người không biết rõ nguyên nhân mà chỉ nghe nói nghĩa quân tác chiến bất lợi, đã tạm thời ngưng việc tấn công quân Tần, và lui vào thế thủ. Nhìn theo đoàn xa giá của Sở Hoài Vương đi về phía bắc, trong lòng người Hu Di bỗng dâng lên một nỗi bâng khuâng và lo âu phập phồng.
Việc Sở Hoài Vương dời lên phía bắc chính là do Hạng Võ cùng Lưu Bang bàn bạc và quyết định, sau khi quân chủ lực của người chú bị thất bại. Tình trạng hiện này là: quân của Chương Hàm đang rất mạnh, trong khi sĩ khí của nghĩa quân thì lại bị tụt giảm. Nhằm chấn chỉnh đội ngũ và nâng cao nhuệ khí của nghĩa quân, để tương lai có thể được phát triển, Hạng Võ và Lưu Bang đã cùng tướng quân Lữ Thành kéo quân về hướng đông, và dời Sở Hoài Vương từ Hu Di đến Bành Thành. Sau khi Sở Hoài Vương tới nơi thì Lữ Thành đóng quân tại phía đông Bành Thành, Hạng Võ đóng quân tại phía tây Bành Thành, còn Lưu Bang thì đóng quân tại Đăng quận, hình thành thế tam giác hỗ trợ cho nhau.
Bành Thành thuộc quận Tứ Thủy, có núi có sông, và lịch sử lâu dài. Tương truyền thời vương triều nhà Hạn có một thị tộc họ Bành đến đây sinh cơ lập nghiệp, đồng thời, xây dựng một quốc gia nhỏ rất cường thịnh và trở thành thuộc quốc của vương triều nhà Hạ. Theo đà phát triển của thời gian, nhân khẩu tại đây ngày một đông, kinh tế ngày một phồn thịnh. Để đề phòng ngập lụt, đề phòng thú rừng xâm nhập phá hoại, cũng như đề phòng kẻ thù đến đánh cướp, nước Đại Bành dã chọn một địa điểm nơi giao lưu của hai con sông Biện và Tứ, có hoàn cảnh ưu việt để xây dựng thôn trại nguyên thủy và làm trung tâm chính trị. Sau đó nơi này đã dần dần mở rộng và phát triển thành thành ấp.
Cuối đời Xuân Thu, Bành Thành thuộc Tống, từng được khen ngợi là "thành cao nghìn trượng, đông đến muôn nhà". Theo đà các nước chư hầu đánh nhau để đoạt thành cướp đất ngày càng quyết liệt, đặc biệt là vào năm Châu Kính Vương thứ 34 (tức năm 486 Tr. CN), nước Ngô đào kênh Hàn Câu để nối liền hai con sông Trường Giang và Hoài Hà, năm Châu Hiển Vương thứ tám (tức năm 361 Tr. CN) sau khi những con kênh đào Hồng Câu và Biện Thủy của nước Ngụy hoàn thành, thì Bành Thành tọa lạc tại nơi nối liền giữa Biện Thủy và Tứ Thủy, đã trở thành trục giao thông đường thủy từ các vùng Trường Giang, Hoài Hà đi Trung Nguyên, cho nên việc mua bán ở Bành Thành cũng phát triển mạnh, quy mô của nó chỉ kém hơn Đại Lương, Tuy Dương ở vùng Đào, Vệ, và lưu vực Biện Thủy mà thôi. Địa thế Bành Thành rất hiểm yếu, thời Chiến Quốc nước Tống bị nước Ngụy uy hiếp nên từng bỏ Tuy Dương dời tới đây. Năm 594 Tr. CN, Sở Trang Vương sau khi đánh bại quân Tần tại đất Tất thì uy danh nổi như cồn, cho nên vua nước này liền xua đại quân tấn công nước Tống, bao vây nước Tấn suốt gần một năm, khiến nước Tống phải dựa vào nước Sở để tồn tại. Năm 286 Tr. CN, Tề diệt Tống, Bành Thành từ đó thuộc vào bản đồ của nước Tề. Sau khi Tần thống nhất lục quốc, thì Bành Thành thuộc về quận Tứ Thủy, là một thành ấp tương đối tiến bộ về kinh tế, văn hóa. Tứ Thủy và các quận khác như Tiết, Đăng, Đông Hải, Lang Nha trở thành nửa thiên hạ nằm về phía đông của đế quốc Tần.
Sau khi Sở Hoài Vương đến Bành Thành thì nơi này đã bị chiến tranh tàn phá. Sở Hoài Vương không có đủ thời giờ để xây dựng lại, vì phải đối phó ngay với cuộc chiến tranh của quân Tần. Sở Hoài Vương tiến hành hợp nhất hai cánh quân do Lữ Thần và Hạng Võ chỉ huy, để tự mình giữ nhiệm vụ chủ soái, rồi cử Lưu Bang làm Quận trưởng quận Đăng, phong Lưu Bang làm Võ An Hầu thống lĩnh binh đội của quận Đăng. Phong Hạng Võ làm Trường An Hầu, lấy hiệu Lỗ Công, và sử dụng Lữ Thần làm Tư Đồ, cũng như sử dụng Lữ Thanh là cha của Lữ Thần làm Lệnh Doãn. Nghĩa quân xúc tiến việc chỉnh đốn đội ngũ, chuẩn bị đọ sức một lần nữa với quân Tần do Chương Hàm chỉ huy.
Liên tiếp mấy hôm tâm trạng của Hạng Võ luôn luôn cảm thấy nặng nề. Sự thất bại ở Định Đào cũng như cái chết của người chú đã tạo nên một nỗi buồn sâu đậm đối với ông. Ông cảm thấy như mình bị mất đi nơi nương tựa, mất đi tình thương ấm áp, cho nên hết sức buồn khổ và cô đơn. Ông thường đi tới đi lui ở trong nhà với một tâm trạng đau khổ, hoặc có khi ngồi uống rượu một mình để giải sầu. Ông luôn luôn tự oán trách và thù hận. Ông oán trách mình tại sao lại không bảo vệ được người chú, ông thù hận Chương Hàm là kẻ quá tàn ác. Cho dù ông cố gắng xua đuổi hình ảnh cái đêm đẫm máu diễn ra ở dưới chân thành Định Đào, cảnh hỗn loạn chém giết, xác chết nằm ngổn ngang trên mặt đất, cũng như cảnh doanh trại bị chìm trong biển lửa vẫn cứ liên tục hiện lên một cách rõ rệt trong đầu óc của ông. Ông cảm thấy lòng mình đau như dao cắt, châu thân nóng ran như bị lửa đốt, ông căm hận là không thể chụp hết mọi thứ trên đời để ném mạnh xuống đất cho nó vỡ tan. Ông tự trách mình: "Ngươi còn đâu xứng đáng là một trang nam tử? Ngươi làm sao xứng đáng là một tướng lãnh? Người chú của ngươi có ơn nặng như núi, từng nuôi ngươi từ tấm bé cho đến khi thành người, ngươi vẫn chưa trả được một phần công ơn đó, vậy ngươi còn mặt mũi nào gặp lại các bậc phụ lão, các bè bạn cũ ở quê hương?"
Ngu Cơ là một người vợ hiền, biết rõ tâm trạng của chồng hơn ai hết. Nàng nghĩ đủ cách để an ủi, khuyên lơn, để xoa dịu nỗi đau khổ của chồng. Lúc tâm trạng của Hạng Võ cảm thấy vui, nàng đã hát cho Hạng Võ nghe, múa kiếm cho Hạng Võ xem. Ngu Cơ chẳng những là một cô gái xinh đẹp, giỏi múa hát, mà còn giỏi kiếm thuật, xứng đáng là một cân quốc nữ nhi. Kể từ ngày lấy Hạng Võ, nàng đã theo chồng đi chinh chiến khắp vùng nam bắc, có khi còn góp phần sách hoạch mưu lược cho Hạng Võ, giúp chồng thu lượm được nhiều điều hữu ích. Hạng Võ thường nói với mọi người: ông kính trọng nhất là Hạng Lương, chú ruột của mình, và yêu quý nhất là Ngu Cơ và con ngựa Ô Truy. Hạng Võ và Ngu Cơ lúc nào cũng yêu nhau tha thiết, không một ngày nào rời xa nhau. Những khi cùng chung sốg với Ngu Cơ, vị tướng quân hung hãn này đã trở thành một người hiền hòa dễ mến, hoàn toàn không còn vẻ hung hăng của một vị tướng trên chiến trường nữa. Sau khi người chú chết, tâm trạng của Hạng Võ nặng nề kém vui, cho dù ở trước mặt Ngu Cơ ông cũng ít khi tươi cười. Ông cũng biết Ngu Cơ luôn cố gắng làm cho mình được vui, thoát khỏi sự giày vò trong tâm trạng đau khổ. Ông cảm kích lòng tốt của Ngu Cơ, thế nhưng ông không thể nào xua đuổi được hình ảnh cái đêm đẫm máu đó, không làm sao quên đi mối hận thù và sự sỉ nhục mà thành Định Đào mang tới cho ông. Ông phải trả thù cho người chú, trả thù cho mấy nghìn anh em Sở quân!
Cơ hội cuối cùng cũng đến, ngày hôm đó ông đang ngồi một mình trong trướng uống rượu, bỗng thấy binh sĩ vào báo: nước Ngụy sai người đến báo tin vui, Nguỵ Báo đã đánh chiếm được hơn 20 thành ở đất Nguỵ!
Nguỵ Báo là em của Ngụy Vương Cửu. Nước Nguỵ bị Chương Hàm đánh bại, sau khi Ngụy Vương Cửu tự sát, Nguỵ Báo chạy trốn đến nước Sở, yêu cầu được che chở và viện trợ. Thời bấy giờ Sở Hoài Vương cảm thấy giữa Sở và Ngụy đều cùng chống Tần để phục quốc, như môi với răng, nên đã sẵn sàng cấp cho Ngụy Báo mấy nghìn binh mã, để ông ta kéo về nước thu phục lại những vùng đất đã mất. Ngụy Báo quả không phụ lòng mong mỏi của Sở Hoài Vương, sau khi xua quân về đất Nguỵ liền mở những cuộc tấn công mãnh liệt, thu phục lại được hơn 20 ngôi thành, vừa trả thù được cho người anh là Ngụy Cửu, lại vừa đánh một đòn rất đau cho quân Tần.
Tin tức đến từ nước Nguỵ làm cho Hạng Võ hết sức vui mừng, tâm trạng nặng nề trong những ngày qua nhờ vậy mà được xóa sạch. Ông vội vàng nhảy lên lưng ngựa Ô Truy đến Bành Thành để gặp Sở Hoài Vương, báo cáo cho nhà vua này biết tin vui. Sở Hoài Vương cũng rất vui mừng, liền xuống chiếu chỉ lập Ngụy Báo làm Ngụy Vương.
Hạng Võ lại nói thêm với Sở Hoài Vương:
- Trận chiến bại tại Định Đào là một nỗi nhục, khiến các cấp trên dưới trong toàn quân đều hết sức căm hận, thề sẽ cùng Chương Hàm đánh một trận sống chết. Nay Ngụy Báo đã giành được thắng lợi, làm cho quân Tần phải một phen khiếp vía, vậy tôi có thể nhân cơ hội này tiến đánh quân Chương Hàm, để rửa mối nhục cho trận thất bại tại Định Đào.
Sở Hoài Vương cho là phải, ra lệnh Hạng Võ chỉnh đốn đội ngũ, chọn ngày xuất binh.
Thế nhưng, trong khi Hạng Võ đang cấp tốc bố trí mọi việc thì binh sĩ có nhiệm vũ đi thám thính tình hình quân của Chương Hàm bỗng hối hả trở về báo cáo cho Hạng Võ biết:
- Quân Chương Hàm đa biến mất trên đất Sở rồi!
Thì ra Chương Hàm, sau khi đánh bại Hạng Lương dưới chân thành Định Đào thì không có ý định đóng lại đó, mà cũng không tiếp tục tấn công những thành ấp trên đất Sở. Vì Chương Hàm phán đoán quân của Hạng Lương là chủ lực của quân Sở, vậy trận đánh có tính chất tiêu diệt vào quân Hạng Lương ở bên ngoài thành Định Đào, khiến nghĩa quân ở đây gần như mất hết khả năng tác chiến, cho nên Chương Hàm cho rằng đất Sở không còn điều gì đáng lo, vậy có thể đến hướng khác để dập tắc lực lượng chống Tần ở đó. Lúc bấy giờ có một người tên gọi Lý Lương đến xin đầu hàng Chương Hàm. Nét mặt của người này có vẻ buồn bã, cho biết tình hình của nước Triệu như sau:
Tháng tám năm trước, bộ tướng của Trần Thắng là Võ Thần, sau khi tiến quân tới Hàm Đan, nghe tin Châu Văn đã bị đánh bại và đã rút lui, thì Trương Nhĩ, Trần Dư liền đưa người lên làm Triệu vương, dùng Trần Dư làm đại tướng quana, dùng Trương Nhĩ làm Hữu thừa tướng. Họ chống lại lệnh của Trần Thắng đi về hướng tây, và ra lệnh cho bộ tướng Hàn Quảng tấn công đất Yên, Lý Lương tấn công Thường Sơn, Trương Yểm tấn công Thượng Đảng, để tạo một địa bàn rộng lớn ở phía bắc, và tiêu diệt thực lực của quân Tần tại đó. Hàn Quảng sau khi tiến vào đất Yên, thì được người trên đất Yên đưa lên làm Yên vương, khiến Triệu vương, Võ Thần, Cả Vận cùng Trương Nhĩ, Trần Dư đóng quân lại đất Yên, chuẩn bị tấn công vùng đất này. Nhưng có một hôm Triệu vương đi ra ngoài tản bộ, bất ngờ gặp quân của nước Yên, và bị họ bắt sống đem về giam giữ làm con tin, yêu cầu nước Triệu phải cắt cho họ một nửa lãnh thổ thì họ mới thả Triệu vương. Trương Nhĩ, Trần Dư phải tốn nhiều công sức chạy chọt Triệu vương mới được thả ra.
Lý Lương sau khi đánh chiếm được Thường Sơn, liền báo tin thắng trận cho Triệu vương. Triệu vương ra lệnh cho ông ta tiếp tục tấn công để đánh chiếm Thái Nguyên. Lý Lương kéo quân đến Thạch Ấp, thì bị quân Tần chiếm giữ Tình Hình quan là một cửa ải quân sự quan trọng, khiến Lý Lương không thể tiếp tục tiến quân. Lúc bấy giờ chủ trương của quân Tần giả danh Tần Nhị Thế phái người đưa đến cho Lý Lương một phon thư không dán kín, trong thư viết: "Lý Lương trước kia từng đi theo ta, và cũng được ta trọng dụng. Hiện giờ nếu anh ta chịu bỏ Triệu về với Tần thì tất cả lỗi lầm trước đều được bỏ qua, còn được ban cho một chức quan cao nữa."
Lý Lương sau khi nhận được bức thư đó rất hoang mang, nhưng vẫn chưa tin hẳn và chuẩn bị yêu cầu tăng viện thêm quân cho mình.
Trên đường đi Hàm Đan, Lý Lương gặp người chị của Triệu vương, phía sau theo hầu đông đến hàng trăm người ngựa. Lý Lương tưởng đó là Triệu vương, bèn xuống ngựa quỳ lạy để yết kiến. Người chị của Triệu vương đang say mèm, một tùy viên của bà ta liền đỡ Lý Lương đứng dậy. Lý Lương từ bấy lâu nay từng tự xem mình là người có địa vị cao quý, nay thấy người chị của Triệu vương lại lên mặt xem khinh mình không chịu xuống xe đáp lễ, cảm thấy mất mặt. Trong bộ hạ của ông ta lại có người nói khích:
- Trong thiên hạ ai ai cũng đứng lên chống Tần, người có tài năng thì tự xưng vương. Địa vị của Triệu vương từ trước đến giờ đều kém hơn tướng quân, thế mà nay một người đàn bà lại vô lễ như vậy, thử hỏi làm sao chịu được? Vậy chi bằng giết quách bà ta đi!
Lý Lương sau khi nhận được thư của Tần Nhị Thế thì đã có ý nghĩ phản Triệu, giờ đây nghe qua những lời nói trên, bèn có ý định dứt khoát bỏ Triệu. Ông ta liền phái người đuổi theo giết chết người chị của Triệu vương, rồi dẫn quân tấn công Hàm đan. Người Hàm Đan không biết rõ tình hình, bèn nổi lên làm loạn giết chết Triệu vương. Trương Nhĩ, Trần Dư, do hay tin trước nên mới may mắn tránh khỏi tai họa. Sau khi họ trốn đi, liền thu gom mấy vạn binh sĩ, đưa hậu duệ của Triệu vương thời Lục Quốc là Triệu Yết lên làm vương, để cho ông ta ở tại Tín Đô, đồng thời, tiến binh phản kích Lý Lương. Số quân trong tay của Lý Lương không phải là một lực lượng chiến đấu mạnh, cho nên đã bị Trương Nhĩ, Trần Dư đánh bại một cách nhanh chóng. Chính vì thế nên Lý Lương mới chạy đi đầu hàng Chương Hàm.
Riêng Chương Hàm trước đây lúc nào cũng tỏ ra lo lắng tình hình chiến sự ở phía bắc, nhưng hiện nay do nôn nóng muốn dập tắt lực lượng chống Tần ở phía nam, nên không có thì giờ để quan tâm đến phía bắc. Nay Hạng Lương đã bị đánh bại, thì Trương Nhĩ, Trần Dư lại bắt đầu uy hiếp ở phía bắc. Sau khi nghe báo cáo của Lý Lương, Chương Hàm cảm thấy đây là cơ hội tốt nhất để kéo quân lên phía bắc đánh Triệu. Ông ta vội vàng chỉ huy toàn quân rời bỏ đất Sở, vượt qua sống Hoàng Hà mở cuộc tấn công vào nước Triệu.
Đối với việc Chương Hàm chuyển quân, Sở Hoài Vương và Hạng Võ lúc ban đầu chưa biết rõ nguyên do, mãi đến khi quân Tần và quân Triệu giao tranh ác liệt với nhau, thì tin tức mới dần dần truyền tới đất Sở. Họ cảm thấy đất Sở không còn bị Chương Hàm uy hiếp, nên cũng thở phào nhẹ nhõm, đồng thời cũng quan tâm chú ý đến tình hình chiến sự ở phía bắc. Họ hy vọng quân Triệu chiến thắng, nhưng trận đánh nói trên kết cục ra sao vẫn chưa được biết.
Bộ thống soái quyết định: chia quân hai đường Trận đánh nước Triệu của Chương Hàm rất thuận lợi, ông ta chừng như không cần đến bao nhiêu lực lượng là đã đánh bại được mấy vạn quân của nước Triệu, rồi diễu võ oai giương, tiến thẳng vào thành Hàm Đan.
Hàm Đan là đô thành của nước Triệu, kể từ năm 386 Tr. CN, thì Triệu Kinh Hầu đã dời đô tới đây, và liên tục xây cất sửa chữa, dần dần trở thành một đô thị thương nghiệp lớn nhất tại bờ phía bắc của sông Hoàng Hà. Kể từ năm 228 Tr. CN cho đến khi nước Triệu bị Tần tiêu diệt gồm trước sau 158 năm, đã có đến tám đời vua của nước Triệu: Triệu Kín, Triệu Thành, Triệu Túc, Triệu Võ Linh Vương, Triệu Huệ Vân, Triệu Hiếu Thành, Triệu Điệu Tương, đã chấp chính tại đây, khiến Hàm Đan trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước Triệu. Toàn bộ ngôi thành này được chia ra làm hai bộ phận là Triệu Vương Thành và Đại Bắc Thành. Triệu Vương Thành là ngôi thành gồm có các cung điện của Triệu Vương, do ba khu vực là Tây Thành, Đông Thành, Bắc Thành liên kết với nhau thành hình chữ phẩm, trong mỗi khu vực này đều có một tuyến đường theo trục nam bắc, hai bên là những quần thể cung điện. Tất cả cung điện đều được xây trên nền cao, trông rất hùng vĩ tráng lệ.
Đại Bắc Thành là ngoại thành, cũng là khu vực cư dân và trung tâm thủ công nghiệp, thương nghiệp của Triệu đô, chia thành nhiều phường chế tác các sản phẩm từ xương, đá, làm đồ gốm và luyện sắt thép, đúc các loại dụng cụ bằng đồng, sắt. Trong Đại Bắc Thành có Võ Linh Tùng Đài, do Triệu Võ Linh Vương, một vị vua anh minh của nước Triệu xây dựng. Trên đài cao gồm có Thiên Kiều, Tuyết động, vườn hoa và Trang các, xây dựng rất lạ mắt, nổi tiếng xa gần. Thời đó Triệu Võ Linh Vương thấy nước nhà nghèo hèn, từng nhiều phen bị ngoại tộc xâm phạm, nên đã tiến hành một cuộc cải cách nổi tiếng như khuyến khích mọi người ăn mặc gọn gàng theo y phục người Hồ và tập cưỡi ngựa bắn cung. Ông đã thuyết phục các đại thần trong triều, gạt bỏ trở lực từ tập quán trong thế tục, dẫn đầu việc ăn mặc gọn gàng như y phục của người Hồ, rồi đổi xa binh thành kỵ binh, làm cho quân lực của nước Triệu và trở nên mạnh mẽ, tiêu diệt được nước Trung Sơn, nằm sát cạnh nước Triệu và thường uy hiếp nước này. Sau đó nhà vua tiếp tục mở mang bờ cõi, trở thành một đại cường quốc tại Trung Nguyên. Tùng đại nói trên được Võ Linh Vương làm nơi xem ca vũ và duyệt võ.
Tại ngoại ô nằm về phía tây của Đại Bắc Thành, có một ngọn đồi hình thước thợ, tên goi Sáp Tiễn Lãnh, đó là nơi Võ Linh Vương huấn luyện cưỡi ngựa bắn cung cho đội kỵ binh. Vùi sâu trong lòng đất trên sườn núi này cho đến nay vẫn còn rất nhiều đầu mũi tên bằng đồng. Tại vùng phụ cận Sáp Tiễn Lãnh có một quần thể kiến trúc to lớn tên gọi Sơ Trang Lâu, là nơi Triệu Vương thường cùng các phi tần cung nữ đến ở. Trước ngôi lầu có một cái ao nước trong thấy đáy, các cung nữ thường đến bờ ao này soi bóng vào mặt nước để trang điểm nên được gọi là Chiếu My Trì.
Ngay từ xa xưa, Hàm Đan đã là nơi phồn hoa đô hội. Những ca tỳ xinh đẹp ở Hàm Đan nổi tiếng khắp các nước. Ngoài ra, còn có nhiều ca kỷ hát hay, phong tục của dân chúng vừa cao thượng vừa trang nhã. Riêng về các loại hàng hóa thì hết sức phong phú, thương nghiệp rất phát triển, giao thông tiện lợi, không thua gì những đô thành nổi tiếng như Lâm Trì, Sính, Đại Lương... Sau khi nước Tần tiêu diệt nước Triệu, thì Hàm Đan nằm trong quận Hàm Đan, không còn là đô thành của đế vương nữa, nhưng nó vẫn là một đại đô thành nằm giữa Chương Thủy và Hoàng Hà.
Sau khi xua quân tiến vào Hàm Đan, trong lòng Chương Hàm hết sức hận thù đối với lực lượng chống Tần, nên đã tiến hành một cuộc chém giết đốt phá thẳng tay. Họ san bằng thành quách, thiêu hủy cung điện, tàn sát bá tánh. Thành đô của nước Triệu lại một lần nữa chìm trong bể máu. Cung điện của Triệu Vương Yết chỉ còn là một đống gạch vụn. Các cửa hiệu buôn bán ở trong thành đều bị cướp sạch, nhà dân cũng bị đốt cháy. Chương Hàm còn cưỡng bách dân chúng sống trong thành Hàm Đan phải dời đến quận Hà Nội nằm về phía bắc sông Hoàng Hà, và ra kỳ hạn để bá tánh phải tự dời đi. Bá tánh cõng con, dẫn vợ, tay xách, lưng mang những đồ gia dụng tối cần thiét để rời bỏ quê nhà trong tiếng khóc bi thảm. Thành Hàm Đan tuy đã trải qua nhiều tai hoạ, nhưng việc bắt di dời tất cả bá tánh trong thành đi nơi khác quả là lần đầu tiên. Hà Nội, mặc dù là một quận ở gần, đường đi không xa lắm, nhưng nơi đó đất và người đều xa lạ, tứ cố vô thân, vậy họ lấy gì để sống? Đấy không phải là họ muốn đẩy người Hàm Đan vào con đường tuyệt lộ hay sao? Thế nhưng không ai dám đứng lên phản đối, vì chính mắt họ đã trông thấy bao nhiêu cụ già vì không chịu rời khỏi Hàm Đan đã bị quân Tần giết chết. Để bảo toàn tính mệnh, họ chỉ còn cách ôm hận bước lên con đường ly hương.
Quân Triệu đã bị đánh bại, Triệu tướng quốc Trương Nhĩ phụng mệnh Triệu Vương Yết rút lui vào thành Cự Lộc. Chương Hàm ra lệnh cho bộ tướng là Vương Ly, Thiệp Gián bao vây thành Cự Lộc, còn ông ta thì dẫn quân chủ lực trú đóng tại phía nam ngôi thành này. Lúc bấy giờ Triệu đại tướng Trần Dư lại thu gom tàn quân ở Thường Sơn, được chừng mấy vạn người, kéo đến trú đóng tại phía bắc thành Cự Lộc. Chương Hàm cho xây dựng một con đường từ Cưc Nguyên để vận chuyển lương thực cung cấp cho Vương Ly. Nhờ vậy mà lương thảo của Vương Ly rất đầy đủ, tướng này nôn nóng muốn mở cuộc tấn công vào thành Cự Lộc. Binh lực giữa thành Cự Lộc rất ít, lương thực lại sắp hết, tình huống thật là nguy cấp. Nước Triệu đang lâm vào hoàn cảnh như chỉ mành treo chuông, cũng như lực lượng chống Tần ở phía bắc sắp bị dập tắt bất cứ lúc nào. Trong tình huống như vậy quân Triệu buộc phải phái sứ giả đến Sở, Tề, Yên đề cầu viện.
Sau khi sứ giả đến được Bành Thành, Sở Hoài Vương và Hạng Võ cùng tiếp đón ông ta, hỏi cặn kẻ tình hình ở Cự Lộc. Sứ giả đã kể rõ đầu đuôi. Sở Hoài Vương ra lệnh cho người xếp đặt nơi nghỉ ngơi cho sứ giả, rồi sau đó mới cùng Hạng Võ, Lưu Bang bàn bạc kế hoạch cứu viện. Bộ thống soái nhất trí cho rằng việc cứu viện cho Triệu ở phía bắc là một vấn đều rất quan trọng. Nếu để cho quân Tần mặc tình hoành hành, thì nước Triệu chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Như vậy đối với lực lượng chống Tần nói chung là một điều rất bất lợi. Giờ đây, nếu lấy tấn công để làm phòng ngự, tiêu diệt được chủ lực của quân Tần, thì có thể tiến lên đánh thẳng vào Quan Trung, rồi đánh chiếm luôn Hàm Dương, lật đổ sự thống trị của vương triều nhà Tần. Cho nên họ đã quyết định chia toàn bộ nghĩa quân ra thành hai cánh, một cánh tiến lên miền bắc để cứu Triệu, một cánh khác đánh thẳng về phía tây để chiếm Hàm Dương.
Kế đó, Sở Hoài Vương lại bắt đầu suy nghĩ đến việc cử chủ tướng hai cánh quân đó. Đối với vấn đề này, Sở Hoài Vương cho rằng rất trọng đại, cần phải cân nhắc thận trọng. Nhà vua cho mọi người tạm lui ra, để mình suy nghĩ cho thật kỹ lưỡng.
Sở Hoài Vương đi tới đi lui trong cung thất tạm của mình. Cả cung thất đều vắng lặng, chỉ nghe tiếng nhỏ giọt của chiếc đồng hồ nước, hoặc thỉnh thoảng có tiếng chim kêu từ ngoài lọt vào. Sở Hoài Vương không phải là một con người am hiểu thao lược, lại càng không có tài năng về quân sự. Ông ta sở dĩ trở thành lãnh tụ của nghĩa quân là hoàn toàn dựa vào thân thế đặc thù của mình, tức dòng dõi của vua Sở Cửu, nên được chú cháu họ Hạng đưa lên ngôi vua. Ông ta sở dĩ từ thân phận của người chăn dê bước được lên ngai vua, hoàn toàn là nhờ sự giúp đỡ của chú cháu họ Hạng. Nay việc chống Tần giành thiên hạ chủ yếu cũng phải dựa vào lực lượng của chú cháu họ Hạng. Ông cảm kích chú cháu họ Hạng, nhưng với lòng dạ hẹp hòi, ông ta cũng sợ thế lực của chú cháu họ Hạng mạnh lên. Vì ông ta biết rõ số phận của mình, nên lo rằng sẽ có ngày bị người khác thay thế. Đặc biệt là từ khi Hạng Lương chết, Sở Hoài Vương thấy Hạng Võ có tính ngang ngược không chịu phục tùng ai, lại có sức mạnh phi thường, nên lại càng không an tâm. Ông cảm thấy nếu để mặc tình cho Hạng Võ tạo được thanh thế càng to, thì sẽ càng khó khống chế. Cho nên ông có ý định riêng: cần phải hạn chế một cách thích đáng quyền lực của Hạng Võ.
Dựa vào ý nghĩ đó, khi Sở Hoài Vương suy nghĩ đến việc lựa người để dẫn quân lên miền bắc cứu Triệu, mặc dù thấy Hạng Võ là tướng thích hợp nhất ông vẫn không muốn cử Hạng Võ làm chủ tướng. Do sự tính toán riêng tư, nên ông nghĩ rằng nếu Hạng Võ cứu Triệu đắc thắng thì danh tiếng sẽ vang dội khắp các chư hầu, và Hạng Võ sẽ càng ngông cuồng hơn. Đến chừng đó thì Sở Hoài Vương ta nào được Hạng Võ để vào mắt? Trái lại, nếu không dùng Hạng Võ làm chủ tướng thì sẽ phải dùng ai bây giờ? Sở Hoài Vương bắt đầu cảm thấy lúng túng.
Vừa lúc đó có nội thị vào báo sứ giả của nước Tề là Cao Lăng Quân đến xin ra mắt. Sở Hoài Vương liền quay trở về với hiện thực, mời ông ta vào cung. Cao Lăng Vương Hiển đã tới đây mấy hôm. Ông ta nghe lời Tống Nghĩa cố ý đi chậm lại, thoát khỏi tai hoạ tại Định Đào, nhờ đó mà bảo tàon được tính mệnh, và chờ Sở Hoài Vương chuyển đến Bành Thành xong mới đến yết kiến.
Bây giờ Cao Lăng Quân không phải đến đây vì chuyện của nước Tề, mà đến để tiến cử người chỉ huy nghĩa quân tiến lên miền bắc cứu Triệu. Ông đi thẳng vào vấn đề, nói với Sở Hoài Vương:
- Dụng binh tác chiến, quan trọng là ở việc chọn tướng lãnh. Nay nghĩa quân lên miền bắc để cứu Triệu, giao tranh với chủ lực của quân Tần, việc thành bại là hết sức quan trọng. Thần cho rằng đại vương tất nhiên đã có sự suy nghĩ kỹ để tuyển chọn cho đúng nhân tài. Tống Nghĩa của quý quốc là người văn thao võ lược khó ai bì kịp, thần hết sức khâm phục. Trước đây mấy hôm, chính Tống Nghĩa đã nói với thần, Hạng Lương khinh địch, trận chiến tại Định Đào chắc chắn sẽ bị thất bại. Chỉ mấy hôm sau thì mọi việc quả nhiên đã diễn ra đúng như thế. Trong khi quân hai bên chưa khai chiến mà Tống Nghĩa đã thấy trước được kết quả. Một binh gia như vậy quả là hiếm có!
Đối với Tống Nghĩa, Sở Hoài Vương cũng có biết ít nhiều, nhưng vì ông ta là bộ tướng của Hạng Lương, cho nên nhà vua ít có dịp tiếp xúc. Nay nghe Cao Lăng Quân Hiển nói như thế thì cảm thấy rất vui mừng, ra lệnh cho người mời Tống Nghĩa đến. Tống Nghĩa trước đây nhận lệnh của Hạng Lương đi sứ sang nước Tề, đã trở về nước Sở được nửa tháng. Khi nghe Sở Hoài Vương triệu kiến, ông ta không biết chuyện gì, vội vàng đến ngay. Sở Hoài Vương đã cùng chuyện trò thân mật với Tống Nghĩa, nhận thấy con người của Tống Nghĩa quả đúng như lời giới thiệu của Cao Lăng Quân, rất có tài năng, rất thích hợp giữa vai trò tướng đi cứu Triệu. Thế là nhà vua cử Tống Nghĩa làm Thượng tướng quân, Hạng Võ làm phó tướng, Phạm Tăng làm Mạt tướng, dẫn quân đi cứu Triệu, còn tất cả các tướng lãnh khác đều nhất loạt ở dưới quyền của Tống Nghĩa. Riêng Tống Nghĩa được lấy hiệu là "khanh tử quán quân". Khanh Tử đồng nghĩa với Vương Tử hoặc Công Tử, đều là tiếng dùng để tôn xưng; còn Quán Quân có nghĩa là đứng đầu toàn quân. Tống Nghĩa được cử giữ nhiệm vụ nói trên cảm thấy hết sức ngạc nhiên, nên không ngớt lời tạ ơn Sở Hoài Vương.
Sở Hoài Vương do có sự tính toán riêng, nên cử Tống Nghĩa làm chủ tướng, Hạng Võ làm phó tướng, thì có thể hạn chế quyền lực của Hạng Võ để Hạng Võ không có điều kiện uy hiếp ông ta.
Đối với sự tính toán riêng tư của Sở Hoài Vương, Hạng Võ hoàn toàn không biết. Nhưng việc cử Tống Nghĩa làm thượng tướng thì Hạng Võ cảm thấy không phục. Hạng Võ cho rằng tài thao lược của Tống Nghĩa rất tầm thường, lại nhát gan, thiếu hẳn sự oai dũng của một chủ tướng. Đặc biệt là khi nhắc tới Tống Nghĩa thì ông lại nhớ tới cuộc chiến của quân Sở tại Định Đào, nhớ tới cái chết bi thảm của người chú, nên chán giết Tống Nghĩa một cách không thể giải thích được.
Lúc bấy giờ Sở Hoài Vương cũng cử Lưu Bang làm chủ tướng chỉ huy cánh nghĩa quân tiến về phía tây để chọc thẳng vào Quan Trung. Trước lúc ra đi Sở Hoài Vương có giao ước với các tướng lĩnh: ai vào Quan Trung trước thì sẽ được phong Vương. Thời đó sức chiến đấu của quân Tần rất mạnh, trong những trận đánh nghĩa quân đều bị động, các tướng ít nhiều có tâm lý sợ sệt quân Tần, không dám nghĩ đến việc mang quân đánh thẳng vào Quan Trung. Giờ đây tâm lý đó vẫn chưa được xóa sạch. Riêng Lưu Bang thì hết sức hài lòng với nhiệm vụ trên. Ông không có tầm mắt hạn hẹp như các tướng lĩnh khác, mà giỏi việc suy đoán thời thế. Nhìn toàn diện, Lưu Bang đã nhạy bén nhận tháy, chủ lực của quân Tần không hề có mặt ở Quan Trung, mà đang ở tại Cự Lộc. Như vậy, dẫn quân đánh thẳng vào Quan Trung sẽ không gặp nguy hiểm gì mà không chừng sẽ thuận tiện nữa là khác. Sở Hoài Vương có hứa ai tiến vào Quan Trung trước thì sẽ được phong vương. Vậy nếu ta tiến vào phía tây một cách thuận lợi, thì chẳng phải là cái may mắn cực kỳ to lớn đấy sao?
Suy nghĩ như thế, nên trong lòng Lưu Bang hết sức vui mừng. Nhưng ông luôn luôn giấu kín sự vui mừng đó, không hề để lộ ra ngoài. Hơn nữa, ông ta còn cố ý như làm ra vẻ lo sợ băn khoăn. Ông ta nói với Sở Hoài Vương là việc tiến về phía tây sẽ gặp rất nhiều gian nan nguy hiểm, với tài năng của mình e rằng không thể vượt qua nổi. Nhưng nay đại vương đã ra lệnh thì hạ thần cũng phải liều chết để khỏi phụ lòng đại vương. Trong khi nói chuyện, ông ta không hề nhắc đến việc xưng vương, nhưng đã khôn khéo gợi ý cho Sở Hoài Vương cần phải giữ chữ tín, phải chú ý nâng đỡ cho người dưới tay. Cách nói đó rõ ràng là có dụng ý: ai vào Quan Trung trước thì sẽ được phong vương, đó là lời giao ước của nhà vua, vậy tới chừng đó thì không nên nuốt lời!
Sở Hoài Vương chừng như không nhận thấy lời nhắc khéo đầy khôn ngoan của Lưu Bang. Vừa nghe qua những lời tâng bốc của Lưu Bang, Sở Hoài Vương đã quá say sưa, nét mặt tràn ngập vẻ đắc ý. Ông dặn dò Lưu Bang xong, lại chúc Lưu Bang nhanh chóng đánh thẳng vào Quan Trung.
Hạng Võ không cam tâm chịu làm phó tướng của Tống Nghĩa, lại đang căm hận quân Tần giết chết người chú của mình, nên muốn cùng Lưu Bang đi về phía tây. Ông uất ức vì không thể ngay tức khắc đánh chiếm Hàm Dương, để chính tay mình phá nát trung tâm thống trị của vương triều nhà Tần, báo thù cho người chú. Ông đem ý tưởng đó nói với Sở Hoài Vương, nhà vua trưng cầu ý kiến của mấy vị lão tướng. Mấy vị lão tướng đều nói: "Hạng Võ là người tính tình nóng nảy hung hăng, trước đây khi ông ta đánh chiếm được thành Tương Dương, không để một mạng người nào được sống sót, tất cả dân chúng trong thành đều bị giết và chôn sống. Những nơi Hạng Võ đi qua, thì không nơi nào không bị phá hủy, khiến cho bá tánh rất hờn oán. Nếu để cho ông ta dẫn binh tiến về phía tây thì số thành phố bị hủy diệt sẽ càng nhiều, như vậy đại vương sẽ càng bị mất lòng dân! Hơn nữa, quân Sở đã mấy phen dốc sức tấn công mà không đem lại thắng lợii, cả Trần Vương và Hạng Lương đều lần lượt bị quân Tần đánh bại. Căn cứ tình hình đó vậy chi bằng nên thay đổi biện pháp phái một người lớn tuổi có tính tình khoan hậu, biết trọng nhân nghĩa để chỉ huy nghĩa quân đánh về phía tây, đem lòng nhân hậu và thương dân đến với bá tánh ở đất Tần. Bá tánh sống trên đất Tần bị chính quyền bạo ngược làm khổ đã lâu, nếu nay được một người lớn tuổi có lòng khoan hậu, biết thương dân, không dùng chính sách bạo ngược để hà hiếp họ, thì chắc chắn sẽ nhanh chóng đánh chiếm được đất Tần. Hạng Võ hung hãn, vậy không nên phái ông ta chỉ huy nghĩa quân đánh về phía tây, mà chỉ có Bái Công Lưu Bang là người từ bấy lâu nay có phong độ của một bậc trưởng giả, xử thế rất thận trọng là thích hợp nhất!" Sở Hoài Vương nghe các lão tướng nói như thế, cảm thấy rất có lý, nên gật đầu tán thành.
Thế là Hạng Võ cuối cùng không thực hiện được nguyện vọng tiến về phía tây, đành phải chịu ở dưới quyền của Tống Nghĩa. Ông thực bực dọc nhưng phải đè nén sự bực dọc đó trong lòng. Ông bắt đầu cảm nhận được Sở Hoài Vương có sự đề phòng đối với mình, thậm chí, đã dùng một số biện pháp hạn chế mình. Ông không hiểu nguyên nhân nào đã khiến cho Sở Hoài Vương có thái độ như vậy. Ông cảm thấy mình luôn lấy sự chân thành và một tấm lòng đầy tín nghĩa để đối đãi với Sở Hoài Vương. Từ trước tới nay ông luôn luôn ủng hộ nhà vua này thật lòng. Không phải chỉ kính trọng riêng bản thân của Sở Hoài Vương, mà còn xem trọng việc phục hưng nước Sở. Sở Hoài Vương là dòng dõi của vua Sở, cho nên ông chính là niềm hy vọng của nước Sở. Nếu không phải như vậy, thì đừng nói chi là một Sở Hoài Vương, mà có mười Sở Hoài Vương đi nữa ông cũng có thể phế bỏ từ lâu. Ông vẫn nghĩ không thông, tại sao mình đem chân thành đi cư xử với người ta, mà người ta lại không cư xử với mình như vậy? Tất nhiên, vì trọng tình cảm, nên Hạng Võ cuối cùng vẫn tuân theo lệnh của Sở Hoài Vương, vì ông nghĩ rằng nói cho cùng Sở Hoài Vương cũng là thống soái của quân Sở kia mà. Không cần biết ra sao, trong tình hình trước mắt thì phải bảo vệ uy danh của Sở Hoài Vương và phải xem việc cứu Triệu đánh Tần là quan trọng.
Ngày hôm đó bầu trời trong vắt, nắng ấm chói chang, nghĩa quân chia thành hai đường, một đi về hướng tây, một đi lên hướng bắc. Và, những gì chờ đón họ ở phía trước, chính là những cuộc chiến đấu ác liệt cũng như những sự phân tranh phức tạp.
Tức giận giết chết "khanh tử quán quân" Tháng 10 năm 207 Tr. CN, Tống Nghĩa dẫn quân đến An Duog. Thời bấy giờ có đến hai địa phương mang tên An Dương. Một An Dương thuộc quận Hà Nội, nằm về phía nam của Hàm Đan; một An Dương khác thuộc Đông quận, nằm về phía nam của Định Đào. Quân Tống Nghĩa hiện giờ đã đến An Dương thuộc Đông quận, địa phương này cách Bành Thành không xa lắm.
Quân Tống Nghĩa đến An Dương đáng lý ra phải tiếp tục đi tới, thế nhưng ông ta bỗng đột nhiên quyết định: toàn quân hạ trại tại chỗ, nghỉ ngơi chờ lệnh.
Trước đây khi đại quân xuất phát từ Bành Thành, sĩ khí hết sức sôi sục. Kể từ ngày khởi nghĩa cho tới nay họ luôn luôn mong muốn được giao chiến với quân chủ lực của Tần, hơn nữa, trước đây không bao lâu họ đã bị quân Tần đánh bại, nên càng muốn giết giặc để báo thù. Đặc biệt là tám nghìn tử đệ đến từ đất Ngô, bình nhật được chú cháu của họ Hạng yêu mến, nên hết sức sùng bái chú cháu họ Hạng. Việc Hạng Lương bị chiến bại và bị giết tại Định Đào, làm cho họ hết sức đau khổ. Cũng giống như Hạng Võ họ nóng lòng muốn được đánh nhau với quân Tần, họ cũng nóng lòng trả thù cho chủ tướng, luôn luôn muốn nhanh chóng được giao tranh với quân Tần để có dịp đánh một trận sống chết với kẻ thù, cho nên suốt đường hành quân có nhiều người tự giác mang trang bị, khuyến khích đồng đội đi nhanh, khí thế thật là sôi nổi. Cho dù bàn chân đã bị phồng, áo ướt đẫm mồ hôi, dãi dầu sương gió, nhưng họ trước sau như một vẫn luôn phấn khởi. Cứ mỗi khi dừng lại để nghỉ ngơi, thì tiếng ca hát, nói cười bao giờ cũng huyên náo khắp nơi nơi. Mỗi ngày họ hành quân xa đến hàng trăm dặm đường, không hề có một người nào rớt lại ở phía sau, thậm chí, có những người đang bệnh cũng nghiến răng chịu đựng. Họ luôn luôn tính toán xem hiện giờ mình đi được bao nhiêu lộ trình, còn mấy hôm nữa mới tới nơi. Hạng Võ và các tướng tá dưới tay luôn luôn cùng nhau bàn luận một khi tới Cự Lộc thì sẽ bố trí binh lực ra sao, làm thế nào để giao tranh với quân Tần. Tóm lại, toàn quân trên dưới đều có một lòng tin như nhau. Cần phải đánh thắng trận đánh then chốt này, để giải vây cho Cự Lộc, tiêu diệt quân chủ lực của vương triều nhà Tần.
Thế nhưng, mệnh lệnh quái lạ của Tống Nghĩa đã làm cho họ cảm thấy như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Họ nghĩ không ra tại sao Cự Lộc đang bị bao vây nguy cấp, cần phải đi bất kể ngày đêm để đến đấy cứu nguy cho Triệu, thế mà nay lại ra lệnh cho hạ trại ngồi yên, không tiến lên nữa. Nếu bảo à chờ lệnh, thì trước khi xuất phát đã có mệnh lệnh rõ ràng, vậy bây giờ còn chờ lệnh gì nữa/ Chả lẽ thượng tướng quân có những tính toán gì cao siêu lắm chăng?
Hạng Võ càng nghĩ càng không thông. Thậm chí bắt đầu hoài nghi Tống Nghĩa là người sợ giặc, nên không dám tiến lên. Sự suy đoán của Hạng Võ dần dần được chứng thực. Thời gian trôi qua từng ngày một, Tống Nghĩa không có ý gì nhổ trại hành quân. Doanh trại của ông ta được xây dựng rất kiên cố, và ông ta ít khi nào bàn chuyện cứu Triệu với các tướng lãnh của mình, mà suốt ngày cùng với mấy sĩ quan thân cận ngồi uống rượu và vui chơi ở trong trướng, chừng như đã quên hẳn chiến sự ở Cự Lộc rồi, chỉ còn muốn nghỉ ngơi tại An Dương để tìm thú vui. Có hai lần Hạng Võ cố ý nói về con người của Chương Hàm cho Tống Nghĩa nghe, như Chương Hàm tiến vào Hàm Đan đã tàn sát bá tánh trong thành một cách tàn bạo. Hạng Võ vừa nói vừa chú ý theo dõi sắc mặt của Tống Nghĩa. Ông phát hiện Tống Nghĩa khi nghe nói tới Chương Hàm thì sắc mặt phát tái lên, hai mắt đầy vẻ sợ sệt, vội vàng lảng sang một vấn đề khác để che giấu sự sợ hãi của mình. Hạng Võ không khỏi cười thầm: một người hoàn toàn không có khí khái như vậy thì nói gì tới việc chiến thắng! Nhưng, lý trí của Hạng Võ đã khiến ông đè nén được tình cảm khinh bỉ của mình đối với Tống Nghĩa, vì ông sợ ảnh hưởng đến mối tương quan giữa mình với ông ta. Bất cứ ra sao, Tống Nghĩa vẫn là người được Sở Hoài Vương cử làm Thượng Tướng Quân, vậy trong mọi tình huống mình vẫn phải nghe theo lệnh của ông ta.
Hạng Võ kiên tâm chờ đợi. Ông chờ đợi cái ngày mà Tống Nghĩa xuống lệnh nhổ trại để tiếp tục cuộc hành quân. Thế nhưng, Hạng Võ đã chờ đợi đến bốn mươi lăm, bốn mươi sáu ngày mà Tống Nghĩa vẫn không có ý muốn nhổ trại. Ông ta vẫn điềm nhiên uống rượu vui chơi ở trong trướng, còn cho gọi mấy ca kỷ về để hát múa giúp vui cho họ uống rượu nữa.
Hạng Võ là một con người nóng tính, ông đã chờ đợi trong một tâm trạng nôn nóng suốt hơn bốn mươi ngày qua, thật khổ sở còn hơn bị một cơn bệnh nặng. Đến mười hôm cuối cùng thì thói quen thường ngày cứ nằm xuống là ngáy như sấm của ông đã biến mất, ông mắc chứng mất ngủ. Cứ vừa chợp mắt là hình ảnh của thành Cự Lộc bị bao vây lại hiện lên chập chờn, bên tai văng vẳng những tiếng hò reo sát phạt hung hãn của quân Tần. Ông thật ra không còn làm sao chờ đợi được nữa. Ông đến gặp Tống Nghĩa, cố gắng dùng một giọng ôn hòa nói:
- Thưa thượng tướng quana, quân Tần đang bao vây thành Cự Lộc, rất khẩn cấp, nước Triệu đang ở trong cơn nguy hiểm như chỉ mành treo chuông. Sở Hoài Vương đã ra lệnh cho ta đi lên phương bắc để cứu viện, vậy nên cấp tốc vượt qua sông Hoàng Hà, để cùng quân Triệu mở cuộc nội công ngoại kích, đánh tan quân Tần. Thế mà chúng ta ở lại An Dương nhiều ngày rồi, nếu không nhổ trại tiếp tục hành quân, e rằng mọi việc sẽ muộn mất!
Tống Nghĩa liếc mắt nhìn Hạng Võ một lượt, bình tĩnh cười nói:
- Tướng quân tuy là người võ nghệ cao cường, lòng dũng cảm có thừa, nhưng đối với việc dụng binh thì e là vẫn chưa hiểu rõ. Tôn Tử nói: thượng binh phạt mưu (quân giỏi thì đánh bằng mưu kế). Lại nói: thiện dụng binh giã, khuất nhân chi binh nhi phi chiến dã (người giỏi dụng binh thì có thể khuất phục binh của người khác mà không cần phải đánh nhau) Nay ta đóng binh tại An Dương, chính là muốn dùng mưu để thủ thắng, không cần đánh nhau mà cũng khuất phục được quân binh của kẻ khác!
Hạng Võ mặc dù chưa thật sự học tập nghiên cứu kỹ về binh pháp, nhưng ông luôn có chí hướng "học hỏi cách chiến thắng một lúc hàng vạn người", cho nên đối với binh pháp cũng có đọc qua ít nhiều, đặc biệt là qua sự hun đúc của người chú là Hạng Lương, việc điều binh khiển tướng ông không phải là người không biết gì, ông không thể hiểu được Tống Nghĩa là người giỏi thao lược, giỏi mưu trí ra sao, cho nên đã dùng một giọng nói vừa thăm dò, vừa khinh bỉ hỏi:
- Thưa thượng tướng, câu "Thượng binh phạt mưu" đúng là lời nói của một binh gia có tài, nhưng mạt tướng muốn nghe xem thượng tướng quân đã có kế hay gì để "khuất nhân chi binh"?
Tống Nghĩa tỏ ra hết sức đắc ý, đáp:
- Dựa vào lợi để khống chế quyền lực chính là điểm quan trọng trong việc dụng binh. Cần xem xét phải chăng có lợi cho ta để mà áp dụng những hành động cho thích đáng. Nếu ta mạo muội chi viện cho Cự Lộc, là việc rất bất lợi đối với ta...
Không chờ cho Tống Nghĩa nói hết lời, Hạng Võ hỏi tiếp:
- Theo ý của Thượng tướng quân thì phải làm sao mới là có lợi cho ta?
Tống Nghĩa đáp:
- Hiện nay giữa Tần và Triệu đang giao tranh, thì nhất định sẽ có một bên thắng. Nếu quân Tần thắng thì chúng nhất định sẽ rất mệt mỏi, chúng ta chụp lấy cơ hội đó mà tấn công, nếu quân Triệu thắng, thì chúng ta sẽ dẫn đại quân gióng trống phất cờ tiến về phía tây, nhất định phải đánh bại được quân Tần. Mưu kế của tôi là, trước hết cứ để mặc cho Tần và Triệu đánh nhau, còn chúng ta cứ ngồi yên để làm ngư ông đắc lợi!
Tống Nghĩa dừng lại, ngạo mạn liếc mắt nhìn Hạng Võ một lượt rồi nói tiếp:
- Nếu nói khoác áo giáp, cầm binh khí, để xung phong hãm trận thì tôi không bằng anh, nhưng nói ngồi yên trong quân trướng để suy nghĩ mưu kế, chỉ huy tác chiến thì anh không bằng tôi đâu!
Hạng Võ nghe qua trong lòng hết sức tức tối, thầm nghĩ: Tống Nghĩa luôn nói tới dụng mưu để cầu lợi, nhưng thật ra lời nói dụng mưu của ông ta chỉ là cách che giấu thái độ sợ địch mà thôi. Còn việc cầu lợi của ông ta chỉ là cái lợi ích riêng tư cho chính mình, chứ không cần biết tới chữ tín, chữ nghĩa! Chúng ta từ xa đi tới đây chính là để đánh Tần cứu Triệu, còn ý đồ ngồi yên trên núi để xem hai con cọp đánh nhau, thấy chết cũng không thèm cứu thì có phải là trái ngược với ý đồ ban đầu hay không? Thái độ chỉ biết hám lợi và tránh cái hại đó thì sau này làm sao ăn nói với Sở Hoài Vương? Làm sao xứng đáng với công lao của người sứ giả nước Triệu lặn lội đường xa tới xin cứu viện?
Sau khi từ trong doanh trướng của Tống Nghĩa bước ra, Hạng Võ liền tìm gặp Mạt tướng Phạm Tăng. Kể từ ngày Phạm Tăng vào quân ngũ, Hạng Võ luôn luôn kính trọng ông. Hạng Võ cảm thấy Phạm Tăng là người lúc nào cũng cẩn trọng, lại có nhiều mưu lược rất hay, xứng đáng được gọi là cái túi khôn của quân đội. Ông bèn đem việc Tống Nghĩa án binh bất động nói cho Phạm Tăng nghe, xin Phạm Tăng có ý kiến. Phạm Tăng cũng đồng cảm với Hạng Võ, cho rằng Tống Nghĩa là người rất nhát gan, lại không biết giữ chữ tín và chữ nghĩa, chỉ biết ngồi yên xem Tần và Triệu đánh nhau, đó là một việc không thể chấp nhận được. Hạng Võ giận dữ nói:
- Nếu Tống Nghĩa đúng là người không thật lòng đi cứu Triệu, để hỏng đại sự, lại không chịu nghe theo lời khuyên can, tỏ ra hết sức ngoan cố, thì chúng ta cứ giết quách hắn cho xong!
Phạm Tăng lắc đầu ngăn Hạng Võ:
- Không thể hành sự một cách lỗ mãng được, chờ tôi đi khuyên ông ta một lần nữa xem sao. Nếu bây giờ giết Tống Nghĩa thì e rằng binh sĩ sẽ đại loạn, bất lợi cho việc đánh Tần cứu Triệu.
Hạng Võ nghe theo lời của Phạm Tăng, nhưng trong lòng vẫn hết sức bất bình. Ngày hôm đó, Hạng Võ đang ngồi buồn trong trướng, bỗng nghe có mệnh lệnh của Tống Nghĩa truyền xuống, nội dung mệnh lệnh đó là: "Toàn thể tướng sĩ trong quân ngũ, cần phải nghe theo lệnh chỉ huy, phải hành động nhất trí với nhau, nếu kẻ nào hung dữ như cọp, lòng dạ như dê, tính tham như sói, ngang bướng không chịu phục tùng thì trảm!"
Trong lòng Hạng Võ hiểu rõ mệnh lệnh này thật ra là nhằm thẳng vào ông ta. Ai không nghe chỉ huy, ai không chịu phục tùng? Nếu không phải Hạng Võ thì còn ai? Rõ ràng Tống Nghĩa muốn lợi dụng quyền Thượng tướng quân để áp chế mình!
Cùng một lúc với mệnh lệnh nói trên, Hạng Võ lại được nghe tin Tống Nghĩa chẳng những bỏ qua mệnh lệnh của Sở Hoài Vương, không chịu tiến quân đi cứu Triệu mà còn tiến hành cấu kết với nước Tề. Tề vương Điền Vinh thấy trong tay Tống Nghĩa có một lực lượng quân đội lớn, bèn tìm mọi cách lôi kéo ông ta. Điền Vinh phái người đến An Dương, nói với Tống Nghĩa: nếu ông ta cho con trai là Tống Tương đến nước Tề, thì sẽ được nước Tề cử làm tướng quốc, Tống Nghĩa hết sức vui mừng, đồng ý lời thỉnh cầu của Điền Vinh, lén đưa người con trai là Tống Tương đến Vô Diêm.
Hạng Võ quá tức giận, mắng thầm: Tống Nghĩa là một tên vô liêm sỉ, thật ra nào phải đánh Tần cứu Triệu, mà rõ ràng chỉ lo việc mưu cầu tương lai cho mình. Ông ta muốn dựa vào thiên binh vạn mã dưới quyền chỉ huy của ông ta để tạo sự nghiệp tương lai riêng cho cha con ông ta, vậy tuyệt đối không thể để cho ông ta thực hiện tham vọng đó! Đội quân này là do Hạng Võ ta cũng như chú ta đã khổ tâm xây dựng, nay cử ông ta làm Thượng tướng quân là một điều rất may mắn cho ông, thế mà hôm nay ông ta còn làm những điều xấu xa bỉ ổi đó, còn có thái độ được voi đòi tiên, dám ngang nhiên làm bậy. Hạng Võ ta tuyệt đối sẽ không cho phép ông ta được toại nguyện!
Lúc bấy giờ đang là mùa đông, thời tiết ngày càng lạnh, quân lương lại thiếu thốn, thêm vào đó trời thường đổ mưa đổ tuyết, làm cho quân lương cung cấp không kịp thời, binh sĩ thường bị đói rét. Với một tâm trạng bực tức, Hạng Võ đến với các tướng sĩ và nói với họ:
- Việc cấp thiết hiện nay là phải hợp lực đánh Tần, nhưng chúng ta lại án binh bất động rất lâu tại đây, thử hỏi như vậy thì làm sao hoàn thành được sự nghiệp chống Tần? Năm nay mùa màng lại không tốt, bá tánh nghèo nàn, trong quân ngũ không hề có lương thực tồn trữ, thế mà Tống Nghĩa suốt ngày uống rượu và mở tiệc đãi khách, không chịu vượt sông mà cũng không đến nước Triệu để chuẩn quân lương, cùng nước Triệu hợp lực chống Tần, vậy mà còn bảo là chờ đợi cho quân Tần mệt mỏi mới đánh bại chúng. Như vậy thử hỏi có được chăng? Nhà Tần quân đông, tướng mạnh, còn nước Triệu thì binh lực kém cỏi vì vừa mới xây dựng đất nước, vậy Tần đánh Triệu thì chắc chắn phải đánh thắng rồi. Một khi Triệu bị tiêu diệt thì quân Tần lại càng mạnh hơn lene, vậy làm sao mà chờ cơ hội quân Tần mệt mỏi để đánh bại chúng? Quân Sở của ta vừa mới bại trận, Sở Vương đứng ngồi không yên, giao toàn bộ quân lực cho Thượng tướng quân thống lĩnh, sự an nguy của quốc gia chính là ở trong trận đánh này. Thế nhưng Thượng tướng quân lại không nghĩ gì tới quốc gia, không biết thương yêu binh sĩ, lại phái người con trai đi sang nước Tề để làm tướng quốc, tự xây dựng tương lại riêng cho mình. Một người như vậy có xứng đáng là một vị tướng tài ổn định xã tắc hay không?
Lời nói của Hạng Võ làm cho các tướng sĩ đều hết sức cảm động. Họ thấy thật chí lý, đặc biệt là có rất nhiều người vẫn chưa biết chuyện Tống Tương đi sang Tề để làm tướng quốc, nay nghe Hạng Võ nói ra đều hết sức tức giận. Họ ngỏ ý mình là tướng sĩ của nước Sở, vậy sứ mệnh của họ phải là đánh bại quân Tần, tuyệt đối không cho phép Tống Nghĩa liên lạc với nước Tề, để mưu cầu lợi ích riêng. Thậm chí có nhiều binh sĩ quá tức giận, bảo Tống Nghĩa là người bất nhân, không xứng đáng giữ quyền thống soái đại quân mà phải đưa Hạng Võ lên thay thế.
Trước khí thế sục sôi của tướng sĩ, Hạng Võ cũng càng sôi nổi hơn. Ông thấy tướng sĩ đều một lòng một dạ với mình, và hành động của Tống Nghĩa đã làm cho họ phẫn nộ, liền quyết định: giết chết Tống Nghĩa để trừ đi mọi chướng ngại.
Sáng sớm ngày hôm đó, Hạng Võ đến trướng riêng của Tống Nghĩa. Tống Nghĩa vừa mới thức dậy và đang ngáp dài. Trên mặt bàn hãy còn rượu thịt ăn thừa, rõ ràng là đêm qua ông ta lại uống rượu tìm thú vui. Thấy tình hình đó, lửa giận trong lòng của Hạng Võ càng bừng cháy lên dữ dội, to tiếng mắng:
- Nhà ngươi là đồ vô dụng, không xem việc tác chiến là quan trọng, mà chỉ mưu cầu sự hưởng lạc của cá nhân, thử hỏi còn đáng làm tướng nữa sao?
Nói dứt lời, Hạng Võ tuốt gươm ra nhắm Tống Nghĩa chém tới. Tống Nghĩa sợ hãi đến mặt xanh như tàu lá, chưa lên tiếng giải thích thì chiếc đầu của ông ta đã bị lưỡi kiếm chém rơi xuống đất. Hạng Võ còn chưa hết cơn giận, co giò đạp đổ tất cả rượu thịt trên mặt bàn, rồi dùng thanh kiếm chém loạn xạ những đồ đạc trong trướng. Sau một lúc ông mới tra gươm vào vỏ và bước ra trước cửa trướng.
Lúc bấy giờ các tướng sĩ hay tin đã ùn ùn chạy tới. Hạng Võ liền nói với mọi người:
- Tống Nghĩa cùng nước Tề âm mưu chống Sở, Sở Hoài Vương lệnh cho ta giết hắn. Cho nên ta đã giết chết hắn rồi!
Các tướng sĩ bình nhật rất khiếp sợ Hạng Võ, giờ đây lại tức giận những hành động xằng bậy của Tống Nghĩa, nên không ai có một lời dị nghị. Tất cả đều nói:
- Trước đây người đưa Sở Hoài Vương lên ngôi chính là gia đình của Hạng tướng quana, bây giờ tướng quân giết chết kẻ làm loạn là có đại công với nước Sở, chúng tôi bằng lòng nghe theo sự điều khiển của tướng quân!
Thế là mọi người đều nhất trí đưa Hạng Võ lên để thay quyền Thượng tướng quân. Ngỏ ý sẵn sàng theo ông đi cứu Triệu.
Sau khi Hạng Võ đoạt được binh quyền, một mặt phái người chạy theo giết chết con trai của Tống Nghĩa là Tống Tương đang trên đường đi sang nước Tề, mặt khác, phái người về Bành Thành để ra mắt Sở Hoài Vương, nói rõ cho nhà vua này biết tình hình ông đã giết chết Tống Nghĩa. Lúc ban đầu Sở Hoài Vương cử Tống Nghĩa làm Thượng tướng quân là có ý hạn chế quyền lực của Hạng Võ. Nay nghe tin Tống Nghĩa đã bị Hạng Võ giết chết, hết sức tức giận. Nhà vua lo lắng một khi Hạng Võ nắm binh quyền, thì sẽ rất bất lợi cho ông ta. Nay Hạng Võ đã giết Tống Nghĩa, biết đâu sau này sẽ uy hiếp tới mình? Nếu như vậy thì phải làm sao? Nhưng, Sở Hoài Vương không có biện pháp nào khác, vì uy tín của Hạng Võ trong quân ngũ rất lớn, các tướng sĩ đều phục tùng, nhất là hôm nay việc đã rồi, thì phải đành chịu. Do vậy, Sở Hoài Vương dù không bằng lòng cũng phải viết một mệnh lệnh, chính lệnh, chính thức cử Hạng Võ làm Thượng tướng quân, lãnh trách nhiệm thống soái quân Sở. Năm đó, Hạng Võ vừa 25 tuổi.
Sự kiện tranh đoạt quyền lực xảy ra tại thành An Dương là một bước ngoặt trong việc Hạng Võ nắm quyền thống soái toàn quân. Với hành động quả cảm, ông đã giành được thành công, đoạt lấy quyền lãnh đạo nghĩa quân vào tay mình. Hành động đó thật đáng khen ngợi. Vì đối với việc tác chiến chống Tần sẽ là một bước phát triển, và có ý nghĩa cơ bản trong việc đánh bại chính quyền nhà Tần. Hành động tức giận giết chết "Khanh Tử quán quân" là một nghĩa cử, tạo nên một dấu ấn sâu sắc trong Sở quân. Tất cả quân Sở đều cho rằng Hạng Võ là người có khí phách, có đảm lược, dám nghĩ dám làm, một khi có ông giữ quyền thống soái quân Sở, thì đi tới đâu chắc chắn sẽ giành được thắng lợi tới đó.