Mặc dù trong suốt cuộc chiến tranh, Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được hai đồng minh hùng mạnh Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, nhưng các nước này lại không được các nhà sử học nghiên cứu về cuộc chiến Đông Dương để ý tới.
Hiện còn một khối lượng lớn tài liệu viết về chính sách của Mỹ, vô số tài liệu phân tích chính sách của Bắc Việt Nam và còn nhiều bài báo về chính sách của Trung Quốc. Nhưng người ta có thể uổng công vô ích cũng không tìm ra một tài liệu phân tích toàn diện về các hoạt động của Liên Xô trong cuộc chiến tranh này cùng các chính sách của Moskva.
Rút cuộc thì Liên Xô không phải là người trực tiếp tham chiến. Moskva đã cung cấp cho Bắc Việt Nam những khoản viện trợ quân sự và kinh tế then chốt cần thiết cho Hà Nối đối phó lại cả Mỹ lẫn chế độ Nguỵ Sài Gòn. Moskva còn hỗ trợ tuyên truyền xuất bản và phát thanh lên án tội ác của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhưng nhìn chung Liên Xô luôn cố duy trì một vị thế thấp đối với cuộc chiến, thường đứng sau hậu trường và có nhiều hoạt động gián tiếp, tránh công khai lộ mặt trong các hoạt động ngoại giao.
Không những vậy mà hầu hết các tài liệu trong hồ sơ của người Nga có thể cho thấy vai trò của Moskva trong cuộc xung đột này vẫn không hề tìm kiếm được Việc đưa ra công khai các tài liệu mật tương tự như vậy trong kho tài liệu mật của Mỹ chỉ mới được tiến hành gần đây.
Việc xuất bản các tuyển tập đàm phán về các tài liệu của Quốc hội Mỹ năm 1983 là khởi điểm của quá trình này, nhưng phải đến sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 các quan chức Mỹ mới sẵn sàng đưa ra các tài liệu đủ để phác hoạ bức tranh ít nhiều có tính toàn diện về quan hệ Xô-Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Và không thể chỉ xuất phát từ các tài liệu này để tìm ra lời giải đáp cho nhiều vấn đề liên quan đến việc Liên Xô dính líu vào cuộc xung đột này như các vấn đề bản chất quan hệ giữa Moskva - Hà Nội, đánh giá của các quan chức Liên Xô về cuộc chiến cùng ảnh hưởng của nó đối với quan hệ quốc tế, và vị trí của Việt Nam, Đông Dương trong việc hoạch đinh chính sách đối ngoại của Liên Xô. Những phân tích đánh giá có tinh lịch sử của Liên Xô và Nga chỉ gây thêm khó khăn cho những người quan tâm đến chính sách của Liên Xô.
Các tài liệu viết về Việt Nam ở Liên Xô thường không khách quan. Hầu hết các sách này xuất hiện trong hoặc ngay sau khi xảy ra xung đột ở Đông Dương do các nhà báo viết ra miêu tả sự việc theo quan điểm tư tưởng chính thức. Họ đều không có ý đánh giá toàn diện về cuộc chiến tranh này, bỏ qua đánh giá về chính sách của Liên Xô đối với chiến tranh. Nhiều cuốn sách khác của các quan chức Đảng và Chính phủ biện minh cho sự dính líu của Liên Xô trong cuộc chiến Việt Nam, và đang được nhắc lại trong các bài xã luận đăng trên báo sự thật cũ của Liên Xô.
Nhưng điều quan trọng hơn là nhiều việc đã bị bỏ qua. Các nhà học giả Liên Xô cũng đã có đóng góp vào việc nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, nhưng hoạ hoằn lắm mới buộc phải sử dụng đến các nguồn thông tin hỗ trợ khác, và các tài liệu nghiên cứu của họ chỉ hạn chế trong khuôn khổ quy định của hệ tư tưởng chính thống và quyền lợi quốc gia.
Hơn nữa, ngay sau thắng lợi của những người cộng sản ở Nam Việt Nam và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn cũ, sự chú ý của các nhà học giả Liên Xô đối với chiến tranh này ngày càng suy giảm và không bao giờ trở lại như xưa nữa. Việc thiếu tài liệu và ít quan tâm đến cuộc chiến tranh Việt Nam đã tạo ra tình trạng thiếu hiểu biết nghiêm trọng về cuộc xung đột ở Đông Nam Á và vai trò của Liên Xô trong cuộc xung đột đó.
Cuộc đảo chính không thành hồi tháng 8-1991 và sự tan rã của Liên Xô đã đưa tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga.
Để chuẩn bị xét xử Đảng cộng sản Liên Xô (CPSU) các nhà lãnh đạo mới của Nga đã mở lại hồ sơ của Đảng tìm kiếm bằng chứng chống lại chế độ cộng sản cùng các đại diện chế độ đó.
Kể từ khi Đảng cộng sản kiểm soát toàn bộ các lĩnh vực chính sách và đời sống ở Liên Xô, đây là lần đầu tiên các tài liệu quan trọng về chính sách đối ngoại của Liên Xô lưu trữ trong hồ sơ đã được đưa ra công khai cho các quan chức của chế độ mới cùng các nhà học giả nghiên cứu.
Do đó một số thoả thuận giữa cơ quan lưu trữ hồ sơ của Liên Xô và các tổ chức khoa học Nga và quốc tế, các nhà nghiên cứu được tạo điều kiện thuận lợi tiếp xúc các tài liệu lưu trữ.
Một thoả thuận như vậy được ký kết giữa Trung tâm lưu trữ tài liệu hiện hành (tên đặt sau đảo chính của cơ quan lưu trữ hồ sơ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô), Viện lịch sử thế giới của Viện hàn lâm khoa học Nga, và Dự án lịch sử quốc tế về Chiến tranh Lạnh thuộc Trung tâm các nhà học giả quốc tế Woodrow Wilson ở Washington.
Thoả thuận này quy định rằng các học giả Nga và phương Tây tham gia dự án này được tiếp cận với các tài liệu "đã hết bí mật" trong hồ sơ lưu trữ của Đảng cộng sản Liên Xô, và cuối cùng các tài liệu này sẽ có thể công khai cho mọi người có nguyện vọng nghiên cứu lịch sử chế độ cộng sản Liên Xô (Tôi là một trong những người tham gia vào dự án trên). Đây là cơ hội duy nhất đối với các nhà sử học đọc các tài liệu được tiết lộ từ hồ sơ của Đảng cộng sản về chính sách trong Chiến tranh Lạnh của Liên Xô.
Như mọi người đã biết, quá trình phân loại các tài liệu hết tính bí mật diễn ra chậm chạp so với đòi hỏi cần nhiều tài liệu mới của các nhà sử học, Ban lãnh đạo Trung tâm lưu trữ tài liệu hiện hành (TKHSD) đã đồng ý tiến hành biện pháp (chưa có từ trước tới nay) mở các tài liệu còn độ mật với ý định sau này sẽ đưa công khai ra trước công luận.
Vì tôi là một trong số ít các nhà học giả tập trung nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam (là người Nga duy nhất có mối quan tâm như vậy) đã nhận được rất nhiều tài liệu mật và tối mật về quan hệ Liên Xô và Bắc Việt Nam, các hoạt động của Liên Xô trong quá trình chiến tranh Việt Nam, những đánh giá của Moskva về cuộc chiến và ảnh hưởng của nó đối với vị trí của Liên Xô ở Đông Nam Á trên chính trường quốc tế.
Những tài liệu này gồm các báo cáo hàng quý, hàng năm của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội: báo cáo về các cuộc trao đổi của các quan chức Liên Xô và ngoại quốc; các báo cáo tin tình báo của KGB và GRU (tình báo quân đội), được chuẩn bị tại hai vụ quốc tế của Ban chấp hành Trung ương (Vụ quan hệ với các Đảng cộng sản và công nhân các nước tư bản chủ nghĩa, Vụ quan hệ với các đảng cầm quyền tại các nước xã hội chủ nghĩa) thực sự đã làm đảo lộn cách nhìn cũ của tôi về chính sách của Liên Xô đối với cuộc chiến Việt Nam cùng quan hệ của Moskva với đồng minh Bắc Việt Nam.
Chính sách của lịch sử hoá ra không phải là trung thực và nhất quán như hoạt động tuyên truyền của những người cộng sản cố tạo dựng lên. Thay vào đó là một chính sách phức tạp và đầy tranh cãi, mâu thuẫn.
Ý tưởng viết một cuốn sách về chính sách của Liên Xô đối với chiến tranh Việt Nam thoạt đầu do các đồng nghiệp của tôi nêu ra. Sau khi đọc báo cáo của tôi chuẩn bị cho một hội nghị về bằng chứng mới trong lịch sử Chiến tranh Lạnh được tổ chức ở Moskva hồi tháng 1 năm 1993, họ đã động viên tôi tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này, và vì mục đích đó tôi sẽ sử dụng sáu tháng sang Mỹ để tìm tài liệu trong hồ sơ của Mỹ.
Trên thực tế sự tổng hợp các tài liệu của Liên Xô và của Mỹ như vậy đã làm bức tranh toàn cảnh về chính sách của Liên Xô ở Đông Nam Á trong những năm chiến tranh đó ngày càng hoàn chỉnh và rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, mùa gặt hái của các học giả tìm tài liệu trong hồ sơ lưu trữ của Nga đã nhanh chóng đi đến màn kết thúc ở Moskva. Một bằng cớ cho việc các quan chức Nga thay đổi hẳn chính sách đã được tìm thấy trong mớ tài liệu về Việt Nam, và việc tờ Thời báo New York đăng tải một báo cáo của Bắc Việt Nam về số lượng các tù binh chiến tranh người Mỹ. Điều này đã gây tranh cãi ngoại giao và hàng loạt lời buộc tội lẫn phản bác trong giới quan chức ở Nga, Mỹ và ở Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Quan trọng hơn là các nhà lãnh đạo Nga thừa nhận một cách muộn màng rằng các tài liệu để trong kho hồ sơ lưu trữ của Đảng có thể được dùng để phục vụ cho các mục đích chính trị của riêng họ và chỉ được đưa ra vào những thời điểm thích hợp, nhưng không đưa ra công khai toàn bộ các tài liệu đó.
Kết quả là các quan chức đã quyết định chấm dứt toàn bộ việc thu thập tài liệu ở Trung tâm lưu trữ nói trên, bao gồm cả các tài liệu về Cuộc chiến tranh Việt Nam.
Lại một lần nữa các nhà sử học quan tâm đến Cuộc chiến Việt Nam phải đào bới tìm kiếm từng mẩu thông tin trong các ấn phẩm chính thức của Liên Xô, sách vở, các báo cáo của các giới chức thẩm quyền về hồ sơ lưu trữ của Nga trong nhiều hội nghị ở nước ngoài, và một số tài liệu được dành riêng cho các khách du lịch trong Trung tâm lưu trữ trên.
Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu viết một cuốn sách dựa trên cơ sở chủ yếu là các tài liệu mật của Liên Xô cũng như các tài liệu được đưa ra công khai mới đây của hồ sơ lưu trữ Mỹ ngày càng trở nên cấp bách hơn.
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, và chúng ta cần phải có sự đánh giá, phân tích khách quan và toàn diện về kết quả, cùng hậu quả của cuộc xung đột này đã ảnh hưởng khủng khiếp đến như thế đối với sinh mệnh của hàng ngàn người Mỹ và Việt Nam, cũng như đối với các quan hệ quốc tế trong Chiến tranh Lạnh.
Cuốn sách này không phải là sự liệt kê toàn diện các sự kiện xảy ra trong suốt những năm tháng của cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai. Nó càng không phải là sự khái quát chung về chính sách của Liên Xô trong giai đoạn đó. Thay vào đó, để phân tích được chính sách ngoại giao của Liên Xô đối với cuộc xung đột ở Đông Nam Á.
Tôi xin tập trung phân tích các nhân tố, xu hướng và động cơ hành động đã ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chính của Liên Xô trong những năm đó. Một sự phân tích như vậy bao trùm tổng thể quan hệ Liên Xô với một số nước. Hiển nhiên là các mối quan hệ với Bắc Việt Nam và với Mỹ chiếm một vị trí quan trọng trong các kế hoạch của Moskva đối với cuộc chiến tranh.
Việc quan hệ với Trung Quốc ngày càng xấu đi, và tình trạng thù địch giữa hai cường quốc cộng sản này càng tăng cũng ảnh hưởng lớn đến phương hướng, chính sách của Liên Xô, và đôi khi quyết định quan điểm về chiến tranh của Ban lãnh đạo Liên Xô cùng các giải pháp ngoại giao của họ.
Hơn nữa, trong chính sách Việt Nam của mình, Liên Xô còn phải xem xét đến các nước đồng minh Đông Âu; Anh là nước đồng chủ tịch Hội nghị Geneva; Pháp là nước tham gia Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vào những năm 50 và nước chủ nhà tổ chức Hoà đàm Paris về Việt Nam trong giai đoạn 1968-1973.
Cuốn sách của tôi bắt đầu từ 1964, một năm quá độ cho cả Mỹ lần Bắc Việt Nam. Lúc đó vẫn có thể tránh một cuộc đối đầu quân sự thông qua việc tiến hành hội đàm đi tới thoả hiệp hoặc ít ra cũng tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước này. Lúc đó thực ra không có một cản trở nào đối với một tiến trình như vậy, trừ những định kiến mạnh của các nhà lãnh đạo Mỹ về Chiến tranh Lạnh và ý chí quyết tấm chặn đứng chủ nghĩa cộng sản. Các cuộc ném bom của Mỹ chống Bắc Việt Nam sau này đã làm tiêu tan các khả năng đi đến một giải pháp hoà bình sớm sủa cho cuộc xung đột này.
Năm 1964 cũng là một năm quá độ đối với phía Liên Xô. Thái độ của Liên Xô đối với cuộc xung đột ở Đông Dương chuyển biến dần dần từ một chính sách không can dự vào các sự kiện xảy ra đến chính sách ủng hộ mạnh mẽ những người cộng sản Việt Nam và cuộc đấu tranh của họ.
Bước ngoặt trong thay đổi chính sách này chính là cuộc khủng hoảng Vịnh Bắc Bộ hồi tháng 8 năm 1964. Việc nghiên cứu dừng lại ở thời điểm 1973, năm mà các bên ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hoà bình ở Việt Nam. Việc này chấm dứt sự dính líu trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến và mở ra một giai đoạn mới của cuộc xung đột là giai đoạn đối đầu giữa hai thế lực thù địch người Việt mà không có sự can thiệp nước ngoài. Giai đoạn sau năm 1973 cũng được đánh dấu bằng hàng loạt những diễn biến mới trong quan hệ quốc tế và quan hệ tay đôi giữa các nước này-và cần được phân tích trong một cuốn sách khác.
Tôi không hề có ý muốn đánh giá có tội hay vô tội đối với mỗi nước tham gia cuộc xung đọt này hoặc để tìm ra kẻ thù ác trong quá trình Chiến tranh Việt Nam. Những nước tham chiến xác định hành động của mình bằng các hệ thống giá trị khác nhau đến nỗi đôi khi khó có thể tìm ra được sự tương đồng nhỏ nhất giữa các giá trị này. Điều mà bên này cho là đúng đắn lại hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với bên kia.
Chính phủ Mỹ coi hành động của họ là đúng đắn vì mục đích của họ là nhằm ngăn chặn sự chà đạp của người cộng sản đối với quyền tự do của nhân dân Nam Việt Nam. Còn Hà Nội thì tuyên bố cuộc chiến tranh của mình là chân chính và vì phẩm giá trên cơ sở chủ quyền quốc gia, thống nhất nước Việt Nam, và giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách thống trị tư bản. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô lại có các động cơ riêng, tuy gần gũi với các động cơ của Bắc Việt Nam nhưng vẫn không hoàn toàn tương đồng. Mỗi bên tham gia trong cuộc xung đột đều có thể đưa ra hàng ngàn những ví dụ chứng minh cho hành động vô nhận đạo của phía đối phương. Nhưng các nhà lãnh đạo của bất cứ nước nào tham gia cuộc xung đột này đều được hướng theo những xem xét, cân nhắc về đạo lý. Đặc biệt trong trường hợp ngoại giao, đạo lý được coi là cơ sở chủ yếu cho các hoạt động tuyên truyền.
Để cố gắng thấu hiểu được động cơ và chính sách của các nhà lãnh đạo chính trị, tôi hoàn toàn chia sẻ kết luận của nhà sử học người Anh F.A. Simpson rằng: "Cách thức dễ dàng nhất để viết sử hay để xây dựng lên những người anh hùng hoàn hảo và những kẻ hung đồ thực sự.
Đó không chỉ là sự tìm tòi khám phá ra các đặc điểm nhân vật vô giá về nghệ thuật mà việc phát hiện ra chúng thực sự là quá trình loại bỏ các bằng chứng. Nhiệm vụ thẩm tra các bằng chứng thật tẻ nhạt, và kết quả thu lại là có thể làm mất đi hình tượng người hùng và gần như chắc chắn là mất đi chất hung đồ của con người".
Để thấu hiểu được các động cơ trong chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam, toi không thể lẩn tránh nhiều vấn đề quan trọng: mức độ Moskva nghiêng về tăng cường quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ ảnh hưởng đến các quyết định của Kreml ủng hộ Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ như thế nào? Việc lo củng cố uy tín trong Phong trào cộng sản thế giới và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc có ảnh hưởng quyết định đến thái độ của giới lãnh đạo Liên Xô đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam không? Liệu có sự mâu thuẫn giữa việc Liên Xô viện trợ quân sự cho Hà Nội và Liên Xô khuyến khích một giải pháp thông qua đàm phán đối với cuộc xung đột này không? Tôi không hề ngần ngại để đưa ra các câu trả lời có tính chất khẳng định đối với các câu hỏi này cũng như các câu hỏi khác.
Không phải toàn bộ các tài liệu về vấn đề trên đều sẵn có cho tôi nghiên cứu phân tích, ngay cả khi hồ sơ lưu trữ ở Nga đã có lúc được công khai mở cửa cho nghiên cứu hơn hiện nay.
Một số tài liệu chứa đựng các bằng chứng trực tiếp về quá trình ra quyết định ở cấp cao nhất hiện được lưu giữ ở Kreml và không thể tiếp cận được. Những người hy vọng tìm kiếm được thêm nhiều chi tiết về nội dung, về việc hợp tác về kinh tế, quân sự giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam, cũng như về các chiến dịch tuyên truyền ủng hộ nhân dân Việt Nam, có thể bị thất vọng, vì cuốn sách này chỉ tập trung nghiên cứu phân tích về mặt ngoại giao của cuộc xung đột này và dành lại tất cả các lĩnh vực khác để mọi người nghiên cứu đánh giá thêm.
Về mặt nào đó, quyển sách này chỉ là một toan tính để phụ hoạ thêm cho biểu tượng lịch sử đáng chú ý của cuộc chiến tranh Việt Nam hiện vẫn tồn tại sinh động trong thế giới Tây phương, với cái nhìn từ "phía bên kia chiến tuyến". Cách nhìn này có thể là lần đầu tiên, chỉ dựa trên các bằng chứng hồ sơ tài liệu. Nhưng có nhiều vấn đề, mối liên hệ cùng các khoảng cách khác nhau trong nhìn nhận vấn đề cần phải giải quyết.
Khi việc mở kho hồ sơ lưu trữ ở Nga, cũng như ở Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục, thì sẽ có nhiều cơ hội để nghiên cứu viết thành một lịch sử quốc tế toàn diện về cuộc xung đột này và để đóng góp giúp hiểu biết sâu sắc hơn về Kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh với đầy rẫy những nghịch lý của nó…