Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Quê hương ngày trở lại

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2520 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quê hương ngày trở lại
Lê Mỹ Hân

Chương Kết


    Mẹ con Hương về rồi căn nhà trở nên vắng vẻ, chỉ còn lại có mình tôi, chẳng biết làm gì tôi cầm tờ báo lên đọc. Vừa liếc mắt vào mục tiền tệ thì có tiếng chuông vang lên, nhà có khách. Tôi đứng dậy ra mở cửa, thì ra chị bạn đến chơi. Hôm nay chị mặc cái áo thung màu đỏ hoa mười giờ, cái quần lửng qua đầu gối, ngang bụng đeo một cái bóp giống như thứ mấy người ở nước ngoài về hay đeo trước bụng mà tụi tôi vẫn gọi là bóp Việt Kiều. Đầu đội nón lưỡi trai, mang mắt kiếng đen thùi, chị vẫn còn đeo khẩu trang che kín nửa khuôn mặt. Bước vào trong nhà chị than thở:

- Nóng quá…Hơn 4 giờ rồi mà trời vẫn còn nắng chang chang, em không đi đâu chơi hả? Sao cứ nằm nhà không vậy?

- Nhà có khách, đứa bạn học cũ vô đây thăm em hôm qua đó nên không đi đâu chơi được. Với lại làm biếng đi đâu quá.

- À…cái chị hôm qua có con nhỏ đó hả. Ủa! Chị tưởng bà con của em ở ngoài Hà Nội vô chơi chớ.

Chị hạ giọng nói với tôi nho nhỏ;

- Bạn học gì đâu mà sao già dữ vậy em?

- Ở quê mà chị, lại mới sanh con nhỏ nữa…nếu em còn ở quê sợ còn già hơn nó nữa kìa…Bà ngoại có khoẻ không chị.

- Khoẻ. Má chị vừa ở quê lên hôm qua đó. Bà nhắc em hoài, khen em tốt bụng…trong đám bạn của chị bà nói chỉ có mình em tốt nhất…Em thấy không, mỗi lần em tới bà lăng xăng đi rót nước mời em chớ mấy đứa khác hả…còn khuya bả mới mời…

Tôi nhe răng ra cười:

- Cô Hân tốt vì lần nào về cô Hân cũng cho Ngoại tiền ăn trầu chứ gì.

- Ừa, đúng rồi đó em…sao mấy người già ham tiền ghê vậy đó, càng già càng mê tiền…

- Thì bố em cũng vậy nói gì ai xa cho mệt chị ơi!

Tôi kéo chị ngồi xuống ghế sa-lông còn mình thì đi xuống dưới bếp mở tủ lạnh rót cho chị ly nước mát, mang lên đặt trước mặt chị. Tôi thỏ thẻ tâm sự;

- Chị biết không hồi trước bố em được lắm kìa, lúc tụi em còn nhỏ chưa làm ra tiền ông lo lắng đủ thứ, ông nói nghe tội lắm: "Mình còn hay được khách khứa mời đi ăn nhà hàng này nọ…chứ các con… cả đời chúng nó có biết nhà hàng là cái gì đâu!". Sau này em làm có tiền, cho ổng lần nào ông cũng từ chối. Ông nói "Làm cha mẹ, không cho con cái thì thôi…sao lại ngửa tay lấy tiền của các con". Vậy mà bây giờ, chỉ mấy năm trở lại đây thôi, ông mê tiền ra mặt luôn chị. Về mà chưa kịp đưa là ông bà nhắc khéo đó.

- Thì má chị cũng vậy…Chị nói rồi mấy người già mê tiền lắm!

Tôi và chị cùng cười, đột nhiên cả hai đều im lặng. Tôi ngước mắt lên nhìn tấm hình mẹ trên bàn thờ đặt ngay trước mặt. Mẹ như đang cười với tôi bằng đôi mắt hiền dịu, tôi bỗng thấy nhớ mẹ mình quá, liền đứng dậy lấy ba que nhang đốt rồi khấn vái và cắm lên bàn thờ bà. Tôi tần ngần đứng nhìn làn khói nghi ngÚt bốc lên cao… chỉ mới ngày nào đó thôi, mẹ tôi còn tươi cười… còn nắm đầu tôi đè xuống bắt chí, rồi có hôm bà cầm cái roi dài la hét buộc tôi phải leo xuống khi tôi tránh trận đòn của bà bằng cách leo tuốt lên ngọn cây đào ngay đầu ngõ… Thế mà bây giờ đã mười tám năm rồi, mười tám năm bà nằm yên dưới lòng đất lạnh…

Tôi ngồi bệt xuống cầu thang dẫn lên gác lửng, đưa tay chống cằm, tôi như thấy lại hình ảnh mười tám năm về trước…Một mùa đông ảm đạm, một cái tết âm u…Căn nhà tôi đang sống trùm lên một mầu tang tóc, khói nhang nghi ngÚt trên "bàn thờ tổ quốc" (!), tấm hình ông Hồ to đùng được đặt trang trọng chính giữa, xích sang góc phải đặt tấm ảnh của mẹ tôi ở bên dưới, tấm ảnh được lồng trong khung gỗ mà hồi năm trước mẹ tôi về Hà Nội thuê thợ vẽ truyền thần,vì tấm ảnh này mẹ bị bác tôi mắng cho một trận: "O này thật dở hơi…đang sống sờ sờ ra đấy sao lại đi vẽ truyền thần…". Sau ngày mẹ mất, mọi người bảo rằng có lẽ đó là cũng là cái điềm xấu báo trước nên xui khiến mẹ tôi đi vẽ truyền thần lúc đang còn sống để sau này có hình mà thờ phượng. Quả đúng thật như vậy, tụi tôi lục tìm trong đống hình cũ chụp chung cả nhà nhưng hoàn toàn không có một tấm hình nào của mẹ sót lại trừ tấm ảnh vẽ truyền thần này. Sau bao nhiêu năm, tấm ảnh đã bị ố vàng, bốn góc đều bị mục vì giấy vẽ dổm quá. Tôi đã mang tấm ảnh này ra thợ nhờ họ làm lại và in hẳn lên một tấm gỗ cho chắc chắn.

Mười tám năm qua, tôi lúc nào cũng nhớ như in hình ảnh bố tôi vào những ngày mẹ mất, ông mặc chiếc áo bành tô màu sậm, đầu quấn khăn tang trắng muốt, da mặt đen sạm, môi thâm sì, gương mặt ông ảm đạm như mùa đông năm ấy, trông giống hệt như chú cô Nết trong bộ phim "Đến Hẹn Lại Lên". Cả ngày ông chẳng nói năng gì, cứ lặng câm nhìn lên bàn thờ nơi đặt tấm ảnh mẹ tôi mà mắt ứa lệ, thỉnh thoảng ông lại bước tới đốt vài cây nhang cắm lên đấy. Thằng Út em tôi chỉ mười hai tuổi, còm cõi như một đứa trẻ lên bẩy ngày nay, mặc cái áo bông to xù xì, đầu quấn khăn tang lâu lâu nhớ mẹ lại khóc rống lên giật áo bố đòi ông trả lại mẹ cho nó. Nhìn sao mà tội. Lũ con gái tụi tôi thì xụt xùi lo nấu nướng dưới bếp để tiếp khách đến chia buồn. Có các cô, các bác khóc gào kêu tên mẹ tôi từ đầu cổng…Những hình ảnh tang tóc đau thương ấy vẫn luôn luôn theo tôi cho đến tận ngày nay.

Chỉ hai năm sau, bố tôi tục huyền. Người vợ mới của ông là một phụ nữ trung niên tuổi 47, sang trọng, xinh đẹp người miền Nam. Tôi nhớ lại hồi bà mới quen với bố, bà hay mặc cái áo bà ba xanh biển, cái quần xoa Pháp đen ống xéo, thân hình thon gọn và mái tóc dài óng ả. Bà thường ngồi uống sữa đậu nành bên sạp kế nhà tôi. Mỗi lần bà xuất hiện, mấy người hàng xóm ưa nháy mắt kêu tôi ra ngó mặt "má nhỏ". Tôi ghét bà lắm, tôi ghét tất cả những người đàn bà nào đến với bố tôi. Tôi ghen thay cho mẹ.

Trước khi về làm vợ bố tôi bà vẫn còn sống độc thân và đang là cán bộ ở công ty xuất nhập khẩu tỉnh, có cả chiếc xe gắn máy chạy vèo vèo. Thời đấy bà cũng thuộc loại dân khá giả. Tôi không hiểu sao bà lại ưng chịu bố tôi, một người đàn ông già nua, xấu xí lại có tới bảy đứa con riêng.

Ngày cưới bà cũng đến tiệm trang điểm cô dâu, cũng mặc áo dài nhung đỏ, đầu đội khăn đống, cũng có đãi tiệc linh đình mời bà con, bè bạn. Tôi ngồi trong góc nhà nhìn bà với một đôi mắt căm thù toé lửa. Tôi chỉ muốn gào lên bà không được cướp bố tôi…bố tôi là chỉ của riêng mẹ tôi, của tụi tôi thôi…bà không có quyền… Thế nhưng tôi lại không nói được gì, cứ im lặng nuốt căm hờn vào bụng.

Sau ngày đám cưới, bố tôi dọn về sống với bà ở căn nhà riêng cách trung tâm thị xã vài cây số. Tôi ở lại căn nhà của bố với quán cà phê nho nhỏ, ngày nào bà cũng ghé ngang nhưng tôi không bao giờ nói chuyện với bà, bà đi xuống bếp thì tôi lên nhà, bà lên lầu thì tôi xuống dưới. Bữa cơm nào ăn chung có bà thì tôi bỏ lên đằng trước ngồi. Tôi gọi bà bằng cô và xưng là cháu, trong khi bà vẫn ngọt ngào gọi con và xưng là má. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu nói từ ngàn xưa: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng". Quả đúng như vậy, mồm miệng bà lúc nào cũng nói những lời ngọt ngào tử tế, nhưng thực ra trong thâm tâm bà luôn tìm cách phá thối tụi tôi. Bà là tâm điểm gây ra mọi rắc rối xào xáo trong gia đình, đến nỗi tụi tôi không muốn về thăm bố nữa. Sống bên cạnh bố, bà cứ dịu dàng rỉ tai thủ thỉ để ông quên đi trách nhiệm làm bố đối với bầy con. Bà lại còn là một phụ nữ nói nhiều, nói giai như đỉa. Tuy rằng bà không tử tế gì với tụi tôi nhưng bà đã chăm sóc bố tôi theo đúng nghĩa vợ chồng. Dần dần tôi mới hiểu được câu "Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông". Mặc dù không ưa bà nhưng tôi đã chuyển sang gọi bà là má.

Bà về làm vợ bố tôi nay đã được 16 năm, 16 năm qua đã biến bà từ một phụ nữ sang trọng, xinh đẹp trở thành một mụ già trông tàn tạ xác xơ, gương mặt hốc hác, nhăn nheo, mái tóc đen mượt óng ả ngày xưa nay đã được cắt ngắn và ngả mầu bạc trắng. Vì thời chiến tranh, bà ngây thơ lý tưởng theo cách mạng sống trong rừng trong rú nên giờ đây bà mắc căn bệnh viêm gan siêu vi, căn bệnh đang hành hạ thân xác bà. Tôi cũng chẳng biết bà còn sống được bao lâu nữa. Những lần về thăm bố, nhìn bà tôi cũng thấy mủi lòng. Bao nhiêu thù hận…hình như trôi đi đâu tiệt. Dẫu gì bà cũng là vợ bố tôi, là má nhỏ của tụi tôi.

- Má em mất hồi nào vậy?

- Dạ, tháng 1 năm 1986, lúc 49 tuổi đó chị. Em nghe bố nói có mấy người đi chung chuyến xe cũng cùng tuổi mẹ em, tuổi hạn đó chị.

- Má em đẹp quá hén! Em giống má phải không?

- Được giống bà đã có phước. Hình mẹ em đó, chị thấy em có giống mẹ không?

Chị đứng lên đi gần về phía bàn bàn thờ, ngắm nhìn thật kỹ tấm hình mẹ tôi rồi lại quay sang nhìn tôi.

- Ừa hén, em không có giống má em mấy, mà chị cũng đâu thấy em giống bố em.

- Mọi người đều bảo vậy…chắc giống ông hàng xóm quá!

Nói xong tôi và chị cùng phá lên cười. Chị cũng đã gặp bố tôi vài lần khi theo tôi về quê chơi, chị nhận xét bố tôi là người đàn ông vui tính và ăn nói có duyên. Vì lẽ đó mà bố tôi tuy xấu và nghèo nhưng lại lắm "mèo" theo, để má nhỏ tôi xuốt ngày mè nheo ghen lồng ghen lộn. Bố tôi nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn, ông chạy xe honda chẳng khác gì thanh niên, tối nào ông cũng đi đến tận khuya mới về nhà, chẳng ai biết ông đi đâu, làm gì. Má nhỏ tôi thì kết tội ông đi "bồ bịch", còn tụi tôi thì bảo "bố đi bán đất đêm" chẳng vì hai ông bà đang làm nghề có mồi đất đai dưới quê kiếm huê hồng. Bố tôi không nói năng gì cả chỉ cười hềnh hệch khi bị vợ và các con hạch hỏi. Mỗi lần nhìn thấy ông hoặc nghĩ về ông là tôi lại liên tưởng ra cái lần ông bị lừa gạt mất cả chục triệu đồng tiền mặt mà ông ông bà dành dụm bấy lâu nay. Số tiền không đáng là bao nhưng đối với đồng lương hưu trí như bố tôi thì có lẽ ông phải nhịn ăn, nhịn mặc đến cả chục năm trời mới tiết kiệm được nhiêu đó. Lúc biết ông bị mất tiền, nhìn ông tôi vừa thương, vừa tức lại vừa buồn cười. Thân hình ông còm cõi, da mặt đen sạm ngồi rít thuốc lào sòng sọc rồi thả khói từ từ cho bay lên trần nhà với cặp mắt già nua ươn ướt như muốn bật khóc. Trông ông thật tội nghiệp. Tôi biết bố tôi không tiếc tiền mà ông buồn vì thất vọng không cứu chị Năm tôi ra khỏi tù được. Nhiều lần về quê thăm ông, bố con tôi có thói quen trước khi ngủ hay nằm nói chuyện vọng qua với nhau, bữa nào nhắc tới chị Năm là y rằng tối đó ông trằn trọc không ngủ được, tôi biết điều ấy vì không nghe tiếng ngáy quen thuộc của bố tôi. Tôi bực mình về chuyện ông dấu tôi đưa tiền cho tên lừa đảo, nhưng lại không nỡ mở miệng trách ông.

Số là cách đây vài năm sau khi chị Năm tôi bị bắt bỏ tù, vợ chồng thằng Út ra Hà Nội thăm chị, trên đường trở về Sài Gòn đã gặp một người đàn ông trên cùng chuyến tàu hỏa. Anh ta tự xưng là cán bộ trong đoàn thanh tra đặc biệt của thủ tướng chính phủ vào Nam công tác. Qua những lần tiếp xúc trên tàu, anh ta hứa khi rảnh sẽ ghé lại thăm em tôi và bàn việc cứu chị Năm tôi ra khỏi tù… Nghe em tôi nói vậy, tôi nửa tin nửa ngờ vì những chuyện đÚt lót chạy tội ở Việt nam là chuyện thường tình nếu mình biết đúng đường dây và biết đúng cách chạy. Nếu quả thật anh ta lo được chuyện ấy thì gia đình tôi sẽ huy động mỗi người góp một ít để giúp cho chị Năm được ra tù sớm một chÚt.

Giữ đúng lời hứa, vài ngày sau anh ta gọi điện tìm gặp thằng Út nhà tôi. Sau khi nghe thằng Út sơ qua về tội trạng của chị Năm anh ta phán một câu "chuyện nhỏ" để đấy anh lo cho và tiền bạc thì không thành vấn đề. Cả nhà tôi mừng thầm trong bụng vì tự nhiên lại gặp được "quý nhơn". Tôi đích thân làm một bữa tiệc mời anh ta tới nhà ăn cơm tối. Bữa tiệc hôm đấy anh ta không đến một mình mà kéo theo một ông già được gọi là ông Trí người đâu dưới Bạc Liêu cũng đang nhờ vả "thanh tra chính phủ" lo giúp đơn kiện chính quyền địa phương cướp đất của ông, kèm theo còn cả một anh tài xế lái taxi hãng Sài Gòn mà sau này anh ta cũng là nạn nhân của tên lừa đảo "thanh tra chính phủ". Hôm đó anh ta mặc áo sơ mi ngắn tay màu xanh nhạt (hòa bình), quần tây mầu tàn thuốc lá, đeo mắt kiếng cận, tay xách theo cái cặp táp trông y như cán bộ thứ thiệt, giọng nói sang sảng lưu loát dễ thuyết phục người khác làm tụi tôi ngồi há miệng lắng nghe. Anh ta rành rất nhiều chuyện về cán bộ cấp cao Hà Nội, từ Thủ tướng Phan Văn Khải cho đến ông Trương Tấn Sang em ruột của bà Trương Mỹ Hoa…cả công việc làm ăn nhem nhuốc của cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt…Nói đến ai anh ta cũng biết và kể rành rọt y như người trong cuộc. Anh ta tự nhận tên Phạm Thế Lân con trai của ông Phạm Thế Duyệt. Lúc đầu tụi tôi tin sái cổ chắc mẩm lần này chị Năm sẽ được cứu. Trong bữa tiệc đó anh ta có lời mời bố tôi ra Hà Nội đợt này cùng ông Trí để biết thêm về anh ta. Tụi tôi lo lắng thu xếp cho bố ra chung với đoàn nhân tiện thăm chị năm cũng như bà con ở quê.

Vài ngày về Hà Nội, bố tôi gọi điện thoại vào báo tin: "Đúng anh Lân là con của ông Phạm Thế Duyệt thật, bố điều tra rồi. Bố đang nghỉ ở nhà khách chính phủ". Nghe bố tôi nói như vậy tôi cũng phần nào an tâm.

Ở Hà Nội được vài ngày, bố tôi lên đường về quê thăm bà con gần cả tháng sau mới trở lại Sài Gòn. Bố tôi vào được ít ngày thì anh Lân gọi điện thoại tới, anh đối sử thân thiện với tụi tôi như người nhà. Anh thường ngủ lại nhà em gái tôi và đi xe taxi của một người duy nhất. Tôi bắt đầu để ý và nghi ngờ "thanh tra đặc biệt" gì mà lần nào cũng chỉ độc nhất một bộ đồ trên người, mấy ngày không thấy tắm, hôi như cú, và xài điện thoại model cũ xì… Tôi mang chuyện này ra bàn bạc với mọi người trong gia đình… suy đi nghĩ lại cho cùng mình đâu có gì để nó lừa, có lừa thì cũng chỉ tốn vài bữa ăn không đáng là bao mà nếu nó quả là thanh tra thật thì vấn đề chị Năm sẽ được giải quyết gọn nhẹ. Tôi đã nhăm nhe nói với bố nhiều lần: "Bố không được đưa tiền bạc gì cho thằng đó nghe bố. Nếu nó lo được cho chị Năm thì bố phải hỏi thẳng nó hết bao nhiêu. Chừng nào có quyết định ra tù thì mới chồng tiền. Đời bây giờ lọc lừa nhiều lắm". Bố tôi lúc nào cũng ậm ừ cho qua chuyện, ông nói với tôi: "Con cứ yên tâm, bố đâu có ngu". Trong thời gian khoảng một tháng bố tôi và thằng Út luôn cặp kè theo đuôi anh "thanh tra chính phủ" nay đi nhà hàng này, mai đi gặp vị khách nọ, chẳng qua hắn lợi dụng có nhiều người đi theo để dễ bề lừa gạt. Mấy người nhờ vả hắn cứ tưởng thằng Út là nhân viên bảo vệ cho "thanh tra chính phủ", thế là lần lượt cúng tiền cho hắn. Mỗi người vài triệu, có người hơn mười triệu và Ông Trí nghe đâu lên tới vài chục triệu. Một ngày "thanh tra chính phủ" biến mất, làm anh tài xế chạy đôn đáo kiếm tìm, chửi nhặng xị: "Mẹ kiếp thằng lừa đảo, còn mấy triệu tiền xe chưa thanh toán, lại chôm luôn cái điện thoại em mới mua…Đau hơn nữa là em vừa xin nghỉ lái ở công ty để ra Hà Nội làm tài xế cho nó nữa chứ". Ông Trí thì gọi điện liên tục hỏi thăm. Tôi cứ mắc cười mọi người sao bị nó lừa nhiều thế, lên đến cả hơn chục mạng. Và tôi tái mặt khi biết được chính bố tôi cũng lén lÚt dấu tụi tôi đưa tiền cho hắn từ lúc nào. Thế là toi cả chục triệu bạc!

Má nhỏ tôi khi nghe tin bố tôi bị lừa thì lồng lộn lên, nguyền rủa um xùm dưới quê. Bà nói với chị hàng xóm: "Chú Bảy bay về đợt này, tao ly dị ổng! Tao mà không ly dị ổng thì tao không làm người!". Thế nhưng khi thấy Bố tôi lọ mọ về nhà, bà lại đon đả chạy đi mua đồ ăn. Chị hàng xóm chọc bà: Ủa sao thím nói chú Bảy về đợt này thím ly dị ổng mà?" Bà liền đốp chát: "Ôi…! Tao ly dị ông đặng ở giá sao?" Làm chị hàng xóm nhà tôi tức tối mặt vì chị vốn là vợ của một Đại Úy VNCH đã chết trận từ lâu, chị ở vậy nuôi con đến ngày nay. Chị nói với tôi: "Bà nói vậy làm chị quê dễ sợ luôn đó Hân". Nghe chị kể tôi chỉ còn biết cười trừ: "Bà mà ly dị bố em, em mua heo quay cúng liền. Thiệt đó!"

Nửa năm sau, một hôm thằng Út về nhà khoe:

- Tối hôm qua tí nữa tụi em tóm được thằng Lân.

- Ủa, nó ở đâu mà tụi bay tí tóm được?

- Thì nó cũng chỉ quanh quẩn trong khu Thanh Đa. Em và thằng tài xế rình mãi, biết chắc nó ở trong nhà đó, báo công an phường đến tóm nhưng nó bật cửa hậu chạy mất. Thằng đấy nhanh thật!

- Sao tụi bay không đưa nó lên báo công an thành phố nhờ người ta cảnh báo cho dân chúng biết không thôi nó lại lừa biết bao nhiêu người.

Thằng Út nhà tôi ngần ngừ…Và rồi mọi việc coi như đi vào quên lãng. Bẵng đi hơn một năm sau thằng Út về thông báo "thanh tra chính phủ" đã bị công an tóm rồi. Nó khai sạch sành sanh, có cả món tiền của bố mình nữa. Công an có mời bố tôi lên làm nhân chứng tố cáo nó nhưng ông mắc cỡ không lên. Ông bảo bắt được nó thì tiền nó cũng xài hết rồi, chỉ có nước tống cổ nó vào tù thôi chứ mong gì lấy lại được tiền mà lên cho mệt.

***

Ngày khai mạc lễ hội Sea Game lần thứ 22 đã đến. Cả Sài Gòn sôi động hẳn lên đón chờ chứng kiến một lễ hội tầm cỡ quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Tôi lâu nay không thích và cũng chẳng quan tâm gì đến mấy lễ khai mạc kiểu này nhưng vì tò mò nên cứ ngóng cổ ngồi gà gật xem đến gần phÚt chót để coi ai sẽ là người đại diện cho Việt Nam hát bài hát chính của Sea Game. Trước đây cả hơn tháng trời, báo chí, tivi…và cả những người vô công rồi nghề cứ bàn loạn xị cả lên, lúc thì Hồng Nhung, khi thì Mỹ Linh, Thanh Lam, Mỹ Tâm… sẽ được thay thế ca sĩ hát chính đang nghỉ đẻ. Thế nhưng đến phÚt chót thì cả ba cô và mấy người nam đứng trên sân vận động, cùng nhau hát. Sân Mỹ Đình rộng lớn chứa đầy người, tiếng hát của họ lọt đi đâu mất, chỉ thấy trên màn hình ti vi các ca sĩ nam cũng như nữ đua nhau làm đỏm, làm dáng, hình như để tạo sự chú ý cho bàn dân thiên hạ trên toàn thế giới đang theo dõi qua màn ảnh ti vi. Cả một đất nước với 80 triệu dân có tới vài ngàn ca sĩ chuyên nghiệp mà không chọn lấy được một giọng ca nào hát cho ra hồn. Di va với chả di ve…thật sự còn thua một ca sĩ không tên tuổi, làm hỏng luôn đêm khai mạc khá cầu kỳ.

Sài Gòn đẹp rạng rỡ hẳn lên, đường phố sạch bóng, hoa nở rộ khắp nơi, du thủ du thực ăn mày bị hốt hết, nhà nước muốn lấy điểm với quốc tế nên mới làm như vậy, bằng không thì còn lâu, bây chết bây đói khổ mặc bây. Buổi tối những ánh đèn điện chớp nháy loé lên những hàng chữ "Chào Mừng Sea Game 22", sân khấu lộ thiên được dựng ngay gần chợ Bến Thành, tiếng nhạc, tiếng hát ồn ào náo nhiệt. Dân tình đứng xem tràn cả ra đường, báo hại mỗi lần có dịp đi qua đó cứ phải nhích từng chÚt một. Nhà hàng, khách sạn được sửa sang lại, trang hoàng lại cho đẹp hơn để chờ đón khách thập phương dự lễ hội, ai cũng chắc mẩm kỳ này "vô mánh". Thế nhưng hỡi ơi…khách khứa trốn đi đâu biệt, nhà hàng vắng như chùa Bà Đanh, nhân viên cứ há mỏ nhìn nhau buồn rười rượi, chủ tớ gì than như cha chết. Trên màn hình ti vi tôi thấy có những trận đấu truyền trực tiếp từ câu lạc bộ Phan Đình Phùng, khán giả hầu như lác đác có vài người đến xem, có trận thì chỉ trò đấu thầy ngồi xem. Thế này nước chủ nhà lỗ nặng. Chỉ có mấy trận đá banh nam là hầu như cả nước sôi sục hẳn lên, dù thắng hay dù thua, tối đấy người dân cứ kéo ra đường, đủ các hạng người già trẻ trai gái…cứ leo lên xe Honda, tay cầm cờ đỏ đầu cột ngang trán một giải băng ghi hàng chữ "Việt Nam Chiến Thắng" chạy đầy ngoài đường. Người Việt Nam mình có một thói quen kỳ lạ, cứ hễ ngày lễ, ngày Tết hay một ngày trọng đại nào đấy là đổ xô ra đường chạy lòng vòng, không biết chạy làm gì và chạy đi đâu? Cứ thấy thiên hạ chạy thì mình cũng chạy theo, đường phố đông nghẹt, bụi bậm, khói xe phun ra bốc mùi khét lẹt, thế mà vẫn cười nói tíu tít nối đuôi nhau hít những thứ ô nhiễm đó vào trong phổi. Những hôm nào có trận banh Việt Nam thắng, thì hầu như cả Sài Gòn không ngủ được. Đám thanh niên rủ nhau tụ tập đua xe, nẹt bô, rú ga um xùm trời đất, người người ào ra các phố chính đập phá từa lưa, mấy hình quảng cáo đều bị nát bét, có bữa, sáng ra thấy nồi niêu xong chảo móp méo vứt lổn ngổn ở mấy góc đường. Mấy ông con trời đánh hứng chí quá vác cả chảo không dính (non stick) của mẹ làm phèng la đi cổ động. Bữa nào có đá banh thì y như rằng sáng hôm sau cả thành phố thành một bãi rác.

Thời gian với tôi không còn nhiều nữa, tôi sắp sửa phải trở lại Đông Kinh - Tokyo vào ngày 21 tháng 12 sắp tới, chỉ còn lại vài ngày nữa là tôi phải lên đường rồi. Một buổi trưa, chị bạn gọi điện thoại tới rủ đi xem ca nhạc có con chị hát trực tiếp, tôi không thích lắm nhưng vẫn nhận lời. Tối hôm ấy bất ngờ chị Vân Giang ghé chơi không báo trước, chị xuống mang theo cả hành lý để ngủ lại nhà tôi một bữa, tâm sự trước khi tôi trở về Nhật. Cùng lúc ấy chị bạn tôi lại mang vé xuống rủ đi xem ca nhạc hình như là "Quà Tặng Âm Nhạc" có truyền hình trực tiếp trên tivi. Tôi ngần ngừ chưa biết tính sao, đi xem ca nhạc bỏ chị Vân Giang ở nhà thì kỳ, mà hứa với chị bạn rồi không đi thì cũng dở. Tôi định bán cái sang cho con bé cháu nhưng nó không chịu đi xem. Chị bạn tôi có vẻ giận, chỉ bảo: "Chị muốn mời em đi xem cho vui, còn em không đi thì chị cũng chẳng đi làm gì". Thấy tôi ở trong tình huống khó xử, chị Vân Giang khuyên tôi nên đi xem ca nhạc với bạn, chị ở nhà coi ti vi chờ tôi về cũng không sao. Tôi cũng quyết định như vậy và dự tính chỉ xem xong phần nhạc con chị hát là tôi sẽ về.

Tôi chở chị bạn bằng chiếc xe honda deam đến thẳng câu lạc bộ Lan Anh nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đường Lê Văn Duyệt cũ), gởi xe và đi vào bên trong. Câu lạc bộ này có đã khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi tới xem. Đi bộ một khoảng cách khá xa mới đến được nơi có nhạc hội. Đây là một căn phòng khá lớn trông đơn giản, ghế ngồi là loại ghế xếp nhỏ không giống như ở mấy rạp hát khác tôi đã từng đi coi. Vì là vé mời nên tôi và chị bạn được ngồi gần sân khấu. Trước mặt là một dàn máy móc do đài truyền hình mang tới để chuẩn bị thâu trực tiếp phát trên ti vi. RÚt kinh nghiệm lần trước, tụi tôi đi khá trễ nên không phải ngồi chờ lâu, chỉ khoảng ít phÚt sau chương trình ca nhạc được khai mạc. Người quay phim ngồi trên chiếc ghế lơ lửng trên không trung được người điều khiển cứ đưa lên đưa xuống, quay ngược quay xuôi, lúc quay ca sĩ, lúc quay khán giả. Chị bạn tôi ngồi bên cạnh huých nhẹ tôi thì thầm: "Em coi cái thằng cha quay phim từ nãy giờ cứ địa quay em hoài kìa…đó đó". Tôi quay qua nhe răng ra cười trả lời: "Chị chỉ được cái tưởng tượng…Người ta quay khán giả thì chọn mấy người đẹp chứ quay tụi mình lên ti vi cho ma nó dòm hả?". Tôi nhớ mấy lần lên hãng ti vi NHK làm khán giả bất đắc dĩ cho một show diễn. NHK vẫn thường xuống mời học sinh trường tôi làm khán giả cho show chiếu trên đài số 1. Show này chỉ mất khoảng nửa tiếng, nhưng ngốn của tụi tôi hết cả buổi chiều. Từ nhà lên tới đài truyền hình cũng mất gần cả tiếng đi xe điện ngầm, rồi đến phòng chờ ngồi nghe nhân viên hướng dẫn, cô nhân viên này nói nhanh như gió, líu la líu lô như chim hót mà tôi và mọi người xung quanh chẳng hiểu cô nói gì. Cả nhóm được họ đãi uống nước ngọt, ăn bánh kẹo hảo hạng, và phát cho mỗi người một bao thơ trong chứa 1000 yên (khoảng 10 đô la). Tôi còn nhớ ngày đầu tiên háo hức lắm, lúc ở phòng chờ đợi nhóm tụi tôi chụp hình chung với một người đàn ông khá đẹp trai, tôi đoán chắc cũng là một nhân vật nổi tiếng ở Nhật Bản. Lần học kế tiếp hình đã được rửa ra và phân phát cho mọi người, tôi cũng được hai tấm, tò mò tôi hỏi cô giáo người đàn ông này là ai, tài tử điện ảnh hay ca sĩ…Cô giáo tôi bảo ông ta là người đầu bếp. Tụi tôi nhìn nhau cười…hãnh diện ghê, thì ra mình được chụp hình chung với một đầu bếp. Tối hôm ấy tôi mang hình ra khoe với chồng vừa cười vừa nói: "Em tưởng được chụp hình với nhân vật nổi tiếng nào…ai dè… chụp với ông đầu bếp". Chồng tôi nhìn, nhận ra mặt liền giải thích với tôi: "Đây là hình của Guchi san, ông này là ca sĩ nổi tiếng lắm. Ông có một show dậy nấu ăn trên ti vi mà thỉnh thoảng em vẫn coi đó. Em không nhớ sao?". Tôi nheo mắt búng tay cái chóc: "Hèn chi…em thấy quen quen.". Tôi còn đến đó đóng vai khán giả bất đắc dĩ thêm vài lần nữa, nhưng sau này thì từ chối không đi, chỉ vì cái tật làm biếng, mất thời gian, và nhất là phải cuốc bộ một đoạn khá xa từ ga tầu đến đài truyền hình NHK làm tôi mệt đứ đừ.

Chỉ vài tuần lễ sau khi tôi trở về Tokyo, chị viết thư cho tôi khoe rối rít: "Hân ơi! Tivi chiếu lại chương trình ca nhạc đó mấy lần, thấy hình ảnh em rõ lắm, chị nhớ em quá trời".

Chương trình mới bắt đầu được vài bản thì điện thoại của tôi rung mạnh, tôi rÚt ra ngó vào màn hình xem số của ai gọi mình, tôi biết số này là của chồng tôi nên nhấn nÚt trả lời, vì ồn ào quá tôi không nghe rõ chồng tôi nói điều gì, chỉ hét vào trong máy: "Em đang ở nhà hát xem nhạc, không nghe gì hết. Khi nào về em gọi lại cho anh sau". Rồi tôi tắt máy nhét vào trong túi quần, dõi mắt lên sân khấu xem các ca sĩ vừa hát vừa nhảy múa. Nửa tiếng đồng hồ sau, điện thoại của tôi lại rung mạnh, vẫn là của chồng tôi gọi về, chẳng biết có chuyện gì khẩn cấp, tôi vội vàng chạy ra ngoài để nghe cho rõ, nhưng ra tuốt bên ngoài mà tiếng nhạc vẫn quá ồn. Chồng tôi tự động tắt máy, tôi quay trở vào chỗ ngồi.

Ngồi yên vị được một lúc thì tới tiết mục của con trai chị bạn ra hát, lần này cu cậu mặc áo thung trắng sọc đỏ, quần tây trắng đội thêm cái nón lưỡi chai hợp với bộ đồ, trông nổi bật trên sân khấu, cậu hát bản nhạc về mùa đông khá hay vì là nhạc nước ngoài lời Việt. Bài hát chấm dứt, một chàng vỗ tay vang lên như muốn sập cả khán đài, những người hâm mộ ào lên tặng hoa nhiều đến nỗi cậu ta ôm không xuể, phải bỏ xuống gần ngay trước sân khấu. Tôi quay qua thì thào với chị bạn: "Trời! Nhiều hoa quá, tí nữa mình xin nó mang ra bán lại lấy tiền ăn phở hén?" Chị phát nhẹ tôi một cái rồi nói: "Sao mà em ham tiền dữ vậy, ai lại đi bán chớ. Được bi nhiêu mà đòi bán!".

Không giống như lần trước cu cậu chỉ được hát có nửa bản, lần này con trai chị bạn tôi hát liên tiếp hai bản đơn ca, và ngưng lại mời nữ ca sĩ Ngô Thanh Vân ra hát chung thêm một bản nữa trong tiếng vỗ tay vang dội từ phía khán giả. Ngô Thanh Vân hôm nay mặc chiếc áo xoa rê, vai trần, và ngắn ngang đầu gối, đi đôi giầy boot mầu trắng có nhiều sợi dây thắt chéo từ dưới lên trên. Cô ca sĩ này vốn xuất thân là người mẫu, giọng ca yếu, hát không hay lắm nhưng bù lại có gương mặt dễ thương và thân hình tuyệt đẹp. Mái tóc dài uốn từng lọn cầu kỳ thả ngang lưng, Ngô Thanh Vân trông xinh xắn như một con búp bên trên sân khấu. Thằng cháu tôi cười tươi như hoa nở, chẳng biết vì được khán giả ủng hộ đông hay vì hôm nay được hát chung với người đẹp mà cậu ta hứng chí luôn miệng cười tí tởn. Tôi liếc mắt sang bên chị bạn, chị vẫn đang nhìn lên sân khấu, ánh mắt sáng ngời dõi theo từng cử động của con. Tôi biết, chị đang vui mừng vì sự thành công của con. Phần trình diễn của cậu ta kết thúc, cậu cúi đầu chào khán giả để đi vào, tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng Fan của cậu gọi í ới: "Anh Tú ơi nhớ lấy hoa vô…". Tôi mắc cười quá huých sang bên chị bạn: "Fan của con chị sợ nó quên không lấy hoa kìa!"

Người quay phim vẫn cứ nhấp nhổm ở phía trước, tôi đã bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài, uốn éo vặn vẹo trên ghế. Bây giờ là phần trình diễn của nữ ca sĩ Hồng Ngọc. Vừa lúc ấy điện thoại của tôi lại rung mạnh, vẫn là của chồng tôi, chẳng biết có chuyện gì quan trọng mà anh gọi liên tục thế này. Tôi quay qua rủ chị bạn đi về vì dẫu sao thì con chị cũng đã hát xong. Chị đồng ý liền, còn kéo tôi chỉ lên sân khấu:

- Em…em… Con nhỏ gì kìa…! Nhỏ mà em ghét nhứt đó.

- Ừa! Sao em ghét cái con nhỏ này ghê…Chị trông nó kìa…

Tôi đưa tay chỉ lên sân khấu và tiếp tục:

- Con gái con nứa gì đâu mà nhẩy cà tưng như khỉ Trường Ssơn, ăn mặc thì gớm giếc…đó đó…hẩy hẩy của nợ vào mặt khán giả. Trông chẳng giống ai!

Tôi kéo tay chị đi ra ngoài, chỉ ra đến đầu cổng là chồng tôi lại gọi thêm một lần nữa, lần này vì ra khỏi rap hát khá xa nên tôi nghe tiếng chồng tôi rõ, chẳng có gì quan trọng, chỉ là việc anh muốn ghi danh học lấy bằng MBA, có thế mà anh cứ cuống hết cả lên, gọi cho tôi liên tục. Làm tôi mất hứng khi ngồi xem ca nhạc.

Về đến nhà chỉ khoảng 10 giờ tối, nhưng chị Vân Giang đã bỏ về nhà chị. Con trai tôi đang ngồi ăn bánh bao và uống nước sinh tố xay. Tôi vô phòng tắm rửa mặt, thay quần áo và đến ngồi bên cạnh con, ngẫm nghĩ xem mai sẽ đi mua những gì để mang về Nhật. Tôi phải lên danh sách sẵn mai em tôi xuống giao cho nó đi mua. Tôi nhổm dậy sai con đi lấy cho tôi một tờ giấy và cây viết, thằng nhỏ cằn nhằn:

- Sao cứ thấy mặt con là mẹ sai vậy? Con có phải là người hầu của mẹ đâu.

Nghe nó nói tôi trợn mắt lên:

- Mẹ đẻ con ra mẹ không sai được con được hả. Thằng này giỏi hén?

Thấy tôi nổi quạu thằng nhỏ đứng dậy bước vội vào trong phòng lấy đầy đủ những gì tôi yêu cầu. Tôi cầm viết ghi lên mảnh giấy: xoài, chắc phải mua 15 kg, bánh phở, bún khô, cà phê, nước mắm, bánh phồng tôm… và một vài thứ khác nữa làm quà cho bạn, chủ yếu là mang xoài sang thôi. Chồng tôi và gia đình anh hảo món này lắm, lần nào tôi cũng mang qua khá nhiều rồi gửi bưu điện về cho hai ông bà. Tính toán chi li sao cho vừa khoảng 30 kg hành lý gửi

***

Ngày hôm sau cũng là ngày cuối cùng tôi ở lại Sài Gòn, vì 9 giờ tối là tôi phải lên đường ra phi trường Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay cất cánh lúc 11:50. Khoảng 10 giờ sáng hôm ấy, em tôi khệ nệ bê vào nhà một giỏ xoài cát Hòa Lộc vỏ xanh lè, cứng ngắc quả nào quả nấy tròn ủm trông thật hấp dẫn. Rút kinh nghiệm của mấy lần trước, tôi dặn em tôi chọn loại xoài xanh này để không bị dập và giữ được lâu. Hai chị em tôi lại lục tục kéo nhau ra chợ Bến Thành mua mấy thứ đã ghi sẵn từ tối hôm qua. Trở về nhà mới bắt đầu mang va li ra xắp xếp hành lý. Coi vậy mà cái vali nặng trịch nhấc không muốn nổi, tôi đắn đo mãi không biết nên bỏ bớt cái gì ra, thứ nào cũng thấy cần thiết, tôi để mặc kệ, dư thì đóng tiền phạt. Vậy mà khi cân hành lý vali nặng 35 kg nhưng gặp được cô nhân viên dễ thương cho qua luôn mà không phải đóng phạt.

Chiều hôm đấy, cả nhà tôi đều tập trung về đầy đủ, mấy người bà con và bạn bè còn xách lên đủ thứ đủ loại làm quà. Dì tôi mang cho tôi 1 kg mực khô tẩm gia vị sẵn, 1 kg cà phê, mấy gói mì trứng loại tôi thích ăn thêm 2 cây chả lụa và nửa kg chà bông. Chị bạn thì mang lên 1 kg hột điều, đậu phộng da cá, cà phê tặng chồng tôi và luôn cả bịch cơm cháy. Cô Kim Cương gửi cho cả hũ mắm Huế. Chị Tư thì mang qua 3 kg cá thác lác đông lạnh, chị bảo ráng mang theo qua đó có cái mà ăn. Tôi nhìn đống quà rồi lại nhìn mọi người. Trời ơi! Chỗ nào mà nhét nữa đây. Em dâu tôi cứ tủm tỉm cười vì nó biết chắc thế nào tôi cũng bỏ lại. Vali trên nhà đã chật cứng, vaili nhỏ loại kéo tay cũng chẳng còn chỗ nào nhét. Quần áo tôi mang về đều để lại hết chỉ mặc có duy nhất bộ đồ trên người và thêm cái áo lạnh. Sau khi tôi đi khỏi, mấy đứa em tôi sẽ mang ra thanh toán ngay lập tức, chúng nó đã lăm lăm từ khi tôi còn đang ở nhà. Đồ tôi mặc chỉ một mùa, xong rồi là mang về Việt Nam tống khứ hết, bây giờ Tokyo đang vào đông mang đồ mùa hè qua làm gì cho chật nhà. Mấy lần trước tôi cũng đều để lại hết.

Đúng 9 giờ tối, tôi kêu taxi đến đón. Còn bao nhiêu tiền Việt đều đem phân phát cho các cháu cả. Dặn dò mọi người thêm một lần nữa rồi khệ nệ cùng đứa em khênh cái vali bự chàng dàng xuống đường. Đống quà hồi chiều tôi bỏ lại gần hết, chỉ cố mang theo 3 kg cá thác lác và bịch cà phê chị bạn gửi cho chồng tôi. Thằng con trai leo lên ghế trước ngồi, thằng nhóc cháu cũng theo ké. Em gái tôi ngồi bên cạnh, nó có nhiệm vụ đi theo và chờ cho tới khi nào tôi làm thủ tục check in xong để xem coi nhân viên có bắt tôi phải bỏ món nào ra không. Có vài lần bị dư nhiều quá tôi phải bỏ bớt ra. Sau đó mang ra ngoài cho em tôi đem về nhà. Tôi thề không bỏ rơi rớt thứ gì lại phi trường.

Xe lăn bánh thẳng hướng phi trường Tân Sơn Nhất, con trai tôi vẫn ngồi đằng trước mặt lầm lì không nói điều gì. Thằng cháu bên cạnh cứ nắm áo năn nỉ: "Mẹ cho con qua Nhật với, mẹ bỏ con vào trong vali xách con đi nghe mẹ". Mỏ nó tru ra nhìn gương mặt thật thiểu não. Tôi xoa nhẹ đầu nó an ủi: "Con đi không có được, con vô trong là công an bắt con rồi lấy gì mẹ đưa con theo". Nó mếu máo: "Con ngoan mà, con có hư đâu sao công an bắt…" Tôi kéo nó sát vào lòng, đưa miếng khăn giấy lau nước mắt cho nó, dỗ dành: "Ở nhà ngoan, mấy bữa nữa mẹ lại về, mua nhiêu quà cho con nghen". Con tôi ngồi bên trên bực bội quay xuống gắt gỏng:

- Cái thằng này, mẹ tao chứ mẹ mày hả. Tao không đòi đi sao mày cứ đòi là làm sao?

- Vô duyên! Anh này vô duyên!

- Mày vô duyên thì có. Nhận vơ mẹ tao.

- Thôi đừng cãi nhau nữa, mẹ là mẹ chung của cả hai đứa. Được chưa?

Xe dừng lại, anh tài xế vội vàng chạy vào trong tìm cho tôi chiếc xe đẩy, mở đuôi xe taxi kéo hành lý tôi chất lên xe đẩy. Tôi móc bóp trả tiền anh đầy đủ và không quên thưởng thêm cho anh ta. Đứng trước cổng vào tôi ôm lấy con, cả hai đứa, đua tay xoa nhẹ mái tóc con mình tôi thì thầm: "Ở nhà nhớ chịu khó học hành, nhất là luyện thêm tiếng Anh nghen con. Ngoan ngoãn, giỏi thì mẹ mới đón con qua với mẹ được, nhớ chưa. Vài tháng mẹ sẽ về thăm con nữa. Mẹ sẽ gọi điện thoại cho con thường xuyên". Thằng nhỏ không nói năng gì, chỉ gật đầu. Tôi xiết chặt con vào lòng, hôn lên mái tóc thơm mùi xà bông mới gội hồi chiều, mùi X-men mà nó cứ đòi Dì phải mua cho bằng được. Thực lòng tôi chẳng muốn ra đi chÚt nào, nhưng nếu không đi thì tương lai con tôi sẽ mù mịt, tôi sợ rằng nó sẽ lại giống như lớp trẻ quê tôi…chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi đã rùng mình lo sợ.

Buông con ra, tôi đẩy xe hành lý đi vào bên trong như trốn chạy, tôi không muốn nghe tiếng khóc của thằng nhỏ cứ đòi theo tôi qua Nhật. Làm thủ tục check in xong, tôi kéo hành lý xách tay đi ngược lại gần cửa kiếng, nhìn ra ngoài nơi người nhà tôi vẫn còn đứng chờ ở đó, đưa tay vẫy chào lần cuối. Xong, tôi đi thẳng lên trên lầu, qua cổng công an cửa khẩu rồi vào phòng chờ đến giờ lên máy bay.

Đúng 12 giờ đêm chiếc Boeing 777 của hãng hàng không JAL Airline cất cánh nhấc bổng tôi lên không trung trong cái cảm giác rờn rợn hụt hẫng, tôi nhắm mắt gồng mình cho bớt sợ. Khi máy bay lên đủ độ cao, tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngồi ngả mình trên ghế tôi nghĩ nhiều đến quê hương, đến bạn bè, đến những người thân quen, những con người có thật với những mảnh đời nghiệt ngã. Tôi chỉ tiếc là sức mình có hạn không thể nào giúp hết được tất cả mọi người. Quê hương ơi… đến khi nào người dân Việt Nam tôi mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tự do, dân chủ giống như tôi đang được hưởng nơi đất nước Nhật Bản xinh đẹp giàu mạnh này…

Đã quá nửa đêm nên ít lâu sau giấc ngủ đến với tôi thật dễ dàng trong tiếng ù ù êm dịu của máy bay. Chỉ 5 tiếng đồng hồ sau là tôi sẽ đặt chân xuống phi trường Narita, chồng tôi sẽ đợi đón tôi ở đó. Chấm dứt đúng 40 ngày về thăm quê hương yêu dấu.

Tokyo 8/5/2005.
Lê Mỹ Hân

<< Chương 16 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 622

Return to top