Anh phụ xe ra thông báo sắp đến giờ xe chạy, chị em tôi lật đật tính tiền rồi đi về hướng chiếc xe đang nổ máy khói phun đen xì, mùi xăng dầu hôi nồng nặc. Hành khách cũng đang rủ nhau kéo lên xe. Chị tôi cùng thằng nhóc ngồi ở băng ghế trước, tôi và em gái ngồi ở băng sau cùng với một người đàn ông trung niên. Xe từ từ lăn bánh chạy qua phố phường Hà Nội. Hai bên đường nhà cửa thấp lè tè, cũ kỹ, đường phố thì bẩn, bụi mù mịt. Xe vẫn tiếp tục đón thêm khách dọc đường mặc dù hành khách chật nứt, ngồi chen chúc với nhau. Xe dừng lại đón thêm một người khác nữa. Anh lơ xe bảo chị tôi:
- Chị ngồi xích vào nhường chỗ cho người mới, băng ghế này có bốn người mà.
- Thế không bốn người thì mấy người đây! Không tính thằng nhỏ à?
- Thì chị ẵm nó lên!
- Ông ngon vào đây ông ẵm nó đi! Ngồi gần cả chục tiếng mà bảo người ta ẵm! Chỉ được cái tham lam. Chỗ đâu mà nhét nữa!
Tôi thấy vậy, lên tiếng:
- Tụi tôi trả tiền bốn vé rồi mà!
Anh Phụ xe lẳng lặng kiếm chỗ khác cho khách. Chắc trong bụng đang rủa thầm gặp phải mấy bà chằng! Ra khỏi thành phố, xe cộ thưa dần. Tôi đưa mắt nhìn ra hai bên đường, những người nông dân đang lúi húi cuốc xới, cánh đồng rộng mênh mông bát ngát. Tôi cũng chẳng nhìn rõ đang trồng loại hoa mầu gì, hình như cà chua thì phải. Cả bắp cải nữa, từng hàng từng lối thẳng tắp. Hồi còn ở quê nhà tôi cũng từng phải làm vườn. Cuốc đất, đánh luống, lót phân ở dưới trước một vài ngày rồi mới reo hột cải, hột rau muống, reo ngò, trồng hành, trồng tỏi, trồng bắp cải, xu hào…Mùa nào thứ nấy. Rồi mỗi chiều còn phải gánh nước tưới rau. Sau này qua Nhật, thấy nông dân ở đây họ sướng thật. Làm gì cũng bằng máy, từ reo hạt cho đến trồng cây rồi làm cỏ tưới nước…tất cả đều bằng máy. Tôi cứ trộm nghĩ không biết đến bao giờ nông dân nước mình mới hết cơ cực. Tôi thở dài ngao ngán. Hai cái loa ở cuối xe đang phát ra những điệu nhạc quen thuộc. Thằng nhóc cháu tôi quay xuống nói với tôi:
- Mẹ ơi! Mỹ Tâm của con đang hát đấy!
Tôi quay sang nhìn em gái tôi, nó gật đầu xác nhận đúng. Thằng nhóc giỏi thật, mới có bốn tuổi đầu mà đã nhận được giọng hát của ca sĩ Mỹ Tâm. Tôi thì chẳng biết gì về mấy ca sĩ trẻ sau này. Tôi hỏi nó:
- Thế con còn yêu Mỹ Tâm không?
Nó gật đầu còn nheo mắt đá lông nheo tôi một cái. Làm mấy người khách ngồi xung quanh cười ầm cả lên. Anh ta cũng biết mắc cỡ úp mặt vào lòng mẹ nó. Tôi nhớ lần trước về thăm nhà, nó mon men đến ngồi bên cạnh tôi hỏi:
- Mẹ ơi! Mẹ có tiền không?
- Có.
- Mẹ có nhiều tiền không?
- Nhiều tiền để làm gì?
- Con muốn…cưới Mỹ Tâm làm vợ!
Tôi khoái trí cười ha ha. Con nít bây giờ ghê gớm thật! Mới nhiêu đó tuổi biết cái gì đâu mà cũng đòi cưới vợ, lại còn đòi cưới cô Mỹ Tâm nữa chứ. Bằng lứa tuổi như nó, tụi tôi ngu thấy mồ, chỉ biết ăn và ra ngoài đường nghịch bẩn đất cát. Về nhà bị chị đánh cho quắn đít…
Hết ca nhạc ở đài FM, chuyển sang phần thời sự tin tức, rồi thì quốc hội Cộng Sản họp, các đại biểu chất vấn Bộ Trưởng Y Tế Trần Chung Chiến um xùm, hết chuyện này đến chuyện nọ, loa thì nói oang oang nghe mà phát mệt. Tôi phải lên tiếng kêu bác tài:
- Ông tài xế ơi! Có nhạc thì mở nghe chơi, không thì thôi. Tắt cái đài đi giùm cái. Nhức đầu quá! Giờ này mà còn nghe quốc hội chất vấn nhau nữa. Thiệt là rõ chán!
- Dân ở đây người ta đòi nghe tin tức thời sự không đó cô ơi!
Nói vậy nhưng ông cũng tắt đài để trả lại cho hành khách sự yên tĩnh. Xe chạy hướng về Phú Thọ. Đường xá khá rộng và đẹp, không còn ổ gà ổ vịt như thời xưa. Đến 12 giờ trưa, xe ngừng lại ở một dãy quán bên đường phố cho hành khách vào ăn cơm trưa và đi vệ sinh. Tôi đưa tay vuốt mặt mình, hai bàn tay đính đầy bụi đất đỏ quạch, tôi nhìn xuống áo khoác mầu đen, phẩy một cái, bụi bay ra mù mịt.
Mấy chị em tôi đi xuống vào trong quán chọn một bàn ngay đầu. Trời buổi trưa nắng ấm. Tôi cởi áo khoác đưa cho em tôi giữ rồi theo máy hành khách khác qua nhà bếp vào bên trong đi vệ sinh. Con đường mòn nhỏ dẫn ra nhà vệ sinh bằng đất đỏ có lót gạch vỡ lên trên, đi lạo xạo. Tôi lại xí xọn mang đôi giày cao gót cả tấc, đế nhọn hoắt nên hơi khó đi. Nhà vệ sinh cách quán ăn hơn ba chục thước dẫn lên gần chân núi, chia làm hai, một bên cho Nam và một bên cho nữ. Tôi đứng ngoài chờ đợi đến lượt mình. Vẫn là kiểu cũ, chủ quán đóng bốn cái cọc rồi quây xung quanh bằng cỏ tranh đan kết với nhau, bên trên trần hở hốc. Tôi bước vào trong, một mùi khai nồng hôi thối bốc ra. Trong nhà vệ sinh cũng chỉ dải những mảnh gạch ngói cũ đập vụn lên trên, không có bồn cầu và cũng không có miếng nước để dội rửa. Hành khách nào vào cũng nhắm mắt bịt mũi xả đại rồi mau thoát thân không thôi chết ngộp mất! Có những quý bà mắc quá không nhịn nổi cũng xả đại ra đấy chứ biết làm sao? Kinh khiếp quá! Thật không thể tưởng tượng được dân Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa sau ba mười năm "giải phóng" mà vẫn còn lạc hậu và bẩn thỉu như thế này! Hơn nữa đây lại là quán ăn, một ngày có biết bao nhiêu hành khách ghé vào thăm viếng. Tôi vội vàng quay ngược trở ra, đến bên phuy nước múc nước rửa tay, rửa mặt, súc miệng. Nước lạnh buốt làm hai bàn tay tôi tê cứng.
Ra đến bàn ngồi, tôi lắc đầu nói với em gái tôi:
- Thôi nhá! Chỉ lần này thôi! Đừng bao giờ rủ rê tao về quê nữa nghe chưa! Kinh khủng quá! Bẩn khiếp luôn!
- Ừ chị nhỉ? Sao mà dân Bắc Kỳ bẩn thế! Còn lạc hậu quá!
Chị tôi mặt mày tái mét, tóc tai bù xù, mệt mỏi cũng lắc đầu nguầy nguậy. Mô Phật! May mà tao không uống nước nhiều, chứ mà phải đi mấy lần ở cái nhà vệ sinh kiểu này. Chết còn sướng hơn!
Cả ba chị em tôi cùng méo mặt cười. Chúng tôi bắt đầu gọi thức ăn. Quán kiếc gì mà chỉ lèo tèo vài ba món. Gà luộc, gà rang, thịt heo kho, dưa cải chua, rau bí xào và phở, không có canh. Tụi tôi kêu hai dĩa gà luộc chấm muối tiêu chanh, một dĩa rau bí xào và hai dĩa dưa muối chua cùng cơm trắng. Bồi bàn mang ra liền, đầu bếp chặt gà liên tục. Vì đói bụng tụi tôi ăn uống ngon lành, loáng một cái hai dĩa thịt gà đã hết sạch tôi gọi bồi kêu thêm một dĩa nữa. Cô ta đứng trố mắt nhìn chị em tôi tưởng nghe lộn rồi hỏi lại thêm một dĩa nữa hả chị. Chắc cô ta nghĩ ba mụ này sao mà ăn như hạm. Tôi trả lời:
- Ừ! Cho chị thêm dĩa nữa và thêm chén nước mắm chấm cải chua, không lẽ ăn dưa chua chấm muối tiêu chanh à!
Cô ta nói "vâng" rồi chạy đi ngay, vài phút sau bê ra một dĩa thịt gà luộc và một chén đựng nước chấm, màu trắng nhợt. Tôi gắp dưa chua chấm thử đưa lên miệng ăn, chẳng có mùi vị mước mắm gì cả. Chị tôi nhìn kỹ rồi lên tiếng:
- Nước muối pha mày ơi!
Trời đất! Cả quán ăn mà không có lấy một chai nước mắm! Họ pha nước chấm cho khách hàng bằng muối trời ạ! Chị tôi xin bồi tô nước lèo nấu phở, bỏ dĩa dưa chua vào làm canh vậy mà mà ăn ngon đáo để. Ăn xong tôi kêu tính tiền, vẫn cô bồi cũ nhanh như cắt lẩm nhẩm vài câu trong miệng rồi nói:
- Tất cả 55 ngàn đồng (gần 4 đô la)
- Em có tính lộn không? Ba dĩa gà lận đấy!
- Không sai đâu! Em tính đúng rồi!
Tôi trả tiền và rủ nhau qua hàng nước bên cạnh uống trà. Tôi mua vài trái quýt bóc ăn, không dám uống nước sợ gặp phải nhà vệ sinh như thế này nữa, thì chết sướng hơn thật.
Nghỉ ngơi một chút, bác tài xế ra hô hào bà con lên xe tiếp tục cuộc hành trình hướng về bến phà Vạn Yên. Đây không phải là quốc lộ chính nên đường xá vắng ngoe, xe cứ chạy vù vù. Tôi nhắm mắt cố ngủ một giấc, lần này thằng nhỏ chen xuống đòi ngồi với tôi, nó cũng ngủ gục, tôi phải ẵm cho nó nằm dài ra, gác chân lên đùi ông khách bên cạnh. Hai tiếng đồng hồ sau xe tới bến phà Vạn Yên. Tất cả hành khách lục tục kéo nhau xuống nghỉ ngơi chờ phà. Bờ sông bên này cũng có vài quán nước bán trà nóng và bánh kẹo, thuốc lá linh tinh. Ngồi chờ không bao lâu thì phà sang tới. Hành khách lại kéo nhau lên phà. Cái phà nhỏ tí xíu, ngay đầu đặt những thanh sắt chồng lên nhau làm tôi sợ lọt cái đế guốc nhỏ của tôi xuống đó thì té dập mật, tôi phải tháo ra xách tay. Nhân viên soát vé là bạn học cũ của chị tôi. Hai người đứng nói chuyện có vẻ thân mật lắm. Tôi thì đứng canh me chụp mấy cảnh đẹp bằng chiếc máy ảnh Camera Digital. Phong cảnh ở đây thật là tuyệt, con sông nước trong vắt, vài chiếc thuyền nhỏ đang chèo ở tuốt đằng xa, núi rừng trùng điệp. Thật giống như cảnh thần tiên! Thằng cháu tôi đang bắt chuyện với một cô bé gái nhỏ gần đó, con nít có khác, thấy có bạn là nhào tới làm quen, Nó chia cho cô bé vài cái bánh đang cầm ở trên tay, hỏi han đủ điều. Nhưng cô bé này không hiểu gì cả vì cháu tôi nói giọng Sài Gòn. Rồi thì nó quay ra líu lô nói chuyện với tôi. Mấy người xung quanh cũng không hiểu nó nói gì cứ chỉ trỏ bảo thằng nhỏ nói tiếng nước ngoài, họ còn chỉ tôi là mẹ nó ở Nhật về, làm tôi mắc cười.
Từ bến phà Vạn Yên đến quê nhà tôi còn phải hai tiếng đồng hồ nữa. Tổng cộng mất có bẩy tiếng đồng hồ, vậy mà hôm qua anh Quí cứ hù phải ngồi trên xe hết mười tiếng, làm tôi ngán ngẩm muốn quay ngược trở lại Sài Gòn cho rồi. Đoạn đường này cũng khá đẹp, những quả đồi trọc cứ xếp tầng tầng lớp lớp, con đường thì chạy vòng dưới chân đồi. Tôi ngồi ngay cửa sổ thấy cảnh nào đẹp là chụp lia lịa.
Đến đây là thuộc địa phận tỉnh Sơn La của tôi. Nhưng nếu muốn lên thẳng thị xã thì phải đi hướng khác qua ngả Phù Yên, nơi có nhà tù nổi tiếng chuyên giam giữ tù nhân Việt Nam Cộng Hòa trước kia, còn nơi tôi sinh sống thủa nhỏ là huyện Mộc Châu cũng thuộc tỉnh Sơn La, nhưng phải rẽ qua ngả khác mới lên được thị trấn. Nếu con đường quốc lộ 6 không bị moi móc ra sửa nham nhở để chuẩn bị cho năm tới kỷ niệm năm mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thì từ Hà Nội cứ chạy xe theo dọc đường quốc lộ 6, qua tỉnh Hòa Bình đến Mộc Châu rồi thẳng lên nữa sẽ tới thị xã Sơn La và tiếp tục đi qua Thuận Châu, Tuần Giáo là sẽ đến Điện Biên Phủ.
Quê tôi là một vùng rừng núi hẻo lánh giáp ranh với Lào. Mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè nắng như thiêu như đốt, nhưng không gì đáng sợ bằng mùa Gió Lào. Gió Lào thổi mạnh vào dịp qua Tết, cát bụi bay mù mịt, hanh khô gây cho con người một cảm giác khó chịu vô cùng. Và mùa này cũng là mùa dân địa phương đốt rẫy làm nương, nên dễ dàng gây ra hàng loạt vụ cháy rừng triền miên, có khi huyện phải huy động học sinh các trường đi dập lửa. Hồi đó chúng tôi cũng tham gia, đi chữa cháy mà kéo hàng đoàn vui như mở hội, được nghỉ học không thích sao được!
Vì là vùng cao nguyên nên mùa đông ở đây thường đến sớm và lạnh hơn vùng đồng bằng, nhất là khi trời có sương muối, lạnh cóng, có lúc tay không cầm viết nổi. Vào những tháng ngày giá lạnh, trong lớp học luôn phải có một đống lửa cháy đỏ để sưởi ấm, hoặc mỗi đứa mang theo lon sữa bò, trong để vài cục than hồng hơ tay cho ấm. Chúng tôi ra đường mặc năm bẩy cái áo mùa đông dày cộp mà sao vẫn cứ thấy lạnh cóng. Khác hẳn với cái lạnh ở Tokyo, mặc dù ngay cả ngày có tuyết rơi tôi cũng chỉ cần mặc một cái áo mỏng bên trong, một cái áo len và thêm cái áo khoác ngoài là đủ rồi, ôm đồm nhiều quá lên xe điện ngầm hoặc vào trong siêu thị phải cởi ra bớt không thôi chết ngộp.
Xe đã chạy qua xã Chiềng Sại ra đến gần vùng cây số 64, tức là chỉ còn khoảng chừng hơn chục cây nữa sẽ về đến thị trấn. Cây số 64 là một cái cột mốc bên đường, ở ngay đó là cái ngã ba đường rẽ đi Hà Nội, một đường đi Chiềng Sại còn một đường rẽ xuống Mường Khoa chạy thẳng qua Tô Múa, vượt Mường Tè và ra tới Sông Đà. Xe chạy tới đây tôi thấy lòng mình nôn nao khó tả. Kỷ niệm xưa chợt ào về rõ mồn một. Ngày ấy, tôi còn nhỏ lắm, mới chỉ học có lớp ba trường làng. Tôi con bé 9 tuổi đầu cùng với người chị Năm lúc ấy 12 tuổi đã đi bộ một quãng đường dài hơn 50 km từ nhà ở huyện lỵ đến thăm mẹ đang làm cấp dưỡng (nấu nướng) cho bếp ăn tập thể của Xưởng Chè Tô Múa (Xưởng trà). Mẹ tôi ngày trước làm công nhân ở xưởng bánh kẹo ngoài thị trấn, nhưng vào hè năm 1976, bố tôi từ miền Nam về tuyên bố đưa cả nhà vào đó sinh sống, nên mẹ đã nghỉ làm việc để chuyển vùng vào Nam
Hồi đấy nhà tôi vui như tết, bọn trẻ tụi tôi thích lắm vì sắp được đi miền Nam. Bán nhà bán cửa, bán đồ bán đạc gom hết tiền bạc. Cả gia đình tôi gồm chín người, già trẻ gái trai lục tục kéo nhau về Hà Nội, rồi từ đó đi tầu hỏa vào đến Vinh. Từ Vinh phải đi xe đò chuyển tiếp bao nhiêu chặng mới tới được Sài Gòn. Vì tôi còn nhỏ quá không nhớ gì được nhiều, chỉ nhớ không ăn cơm được do thức ăn người miền Nam bỏ ớt cay xè, ăn vào khóc như cha chết. Tôi vào đó đi học được hai năm, lớp hai và lớp ba. Cô giáo chủ nhiệm là người miền Nam, nói giọng Nam làm tôi nghe không hiểu gì cả, cứ ngơ ngơ ngáo ngáo. Cô đọc chính tả tôi viết sai tùm lum, cô đọc dấu "phẩy" là "phớt", lúc đầu tôi không biết cứ ghi đại chữ "phớt" vào trong vở. Cô kiểm tra thấy vậy nhìn tôi cười, chỉ dẫn cho tôi biết "phớt" tức là dấu phẩy. Đến giờ học hát cô hỏi có em nào biết hát không thì đứng lên hát một bản cho cả lớp nghe. Tôi mạnh dạn giơ tay lên liền, gì chứ hát thì tôi thuộc thiếu gì bài, toàn bài của người lớn! Cô giáo chỉ tôi là tôi đứng lên liền hát ngay bản "Một Khúc Tâm Tình Của Người Hà Tĩnh",
"Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh.
Nhớ núi Hồng Lĩnh,
Nhớ dòng sông Lam.
Nhớ biển rộng mà quê.., ta…õ ơ..ơ ờ!…".
Hát từ đầu tới cuối bằng giọng "chọ chẹ" đàng hoàng. Bài này tôi học lóm từ cái loa phát ra mỗi ngày ở đầu xóm nhà tôi ngoài Bắc. Vài ngày sau chẳng biết nghe đồn ở đâu mà các anh chị lớn ở lớp trên còn tìm đến tận nhà tôi nhờ tôi chép và dạy cho cách hát đúng giọng bài này.
Nhưng vì tôi là con bé Bắc Kỳ nên bị bạn bè trong lớp ghét bỏ, chẳng đứa nào chịu chơi với tôi, tôi tới lớp học mà cứ thui thủi một mình. Chúng nó lâu lâu lại chọc ghẹo tôi, bảo tôi là: "Bắc Kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ", đuổi tôi về miền Bắc. Tôi tức lắm nhưng không biết phải làm gì. Có một lần tôi về nhà tức tưởi mếu mếu máo máo nói với bố:
"Con không thèm đi học nữa đâu! Cho con về Bắc đi! Con không muốn ở đây nữa đâu…hu hu… trong lớp đứa nào cũng chửi con là Bắc Kỳ. Con không chịu nổi nữa rồi…! ".
Bố tôi trầm ngâm không nói gì, còn mẹ tôi thì buồn bã thở dài thườn thượt. Có lẽ có quá nhiều cách biệt giữa đời sống chốn thành thị miền Nam và vùng quê ngoài Bắc, lại vào lúc đất nước gặp nhiều khó khăn, tiền lương hai ông bà không đủ nuôi một bầy con, rồi thì kỳ thị Bắc - Nam, nên Mẹ tôi quyết định đem lũ con bẩy đứa trở lại quê nhà sinh sống, chỉ còn lại mình bố tôi ở Nam.
Ra ngoài Bắc, nhà cửa đã bán hết. Mẹ tôi gửi lũ con tá túc tại nhà Dì tôi ở ngay thị trấn, còn mẹ tôi xin được một chân nấu cơm tại xưởng chè Tô Múa, cách xa thị trấn hơn 50 km. Vì đang còn nhỏ, nhớ mẹ nên vào hè năm lớp ba tôi cùng chị tôi đi bộ vào Tô Múa thăm mẹ.
Chúng tôi bắt đầu đi từ sáng sớm, mang theo mỗi đứa một bộ quần áo, cơm nắm ăn dọc đường, và không quên xách vài quả dưa leo, vài quả cà chua hái từ vườn nhà bà Dì làm quà cho mẹ. Tất cả đựng trong một cái cặp sách đi học đã cũ. Đi bộ được chừng mười cây số, qua 64, tụi tôi hỏi đường và rẽ về hướng Mường Khoa, hai bên đường toàn là rừng núi hoang vu, thỉnh thoảng mới gặp một làng bản người dân tộc Thái. Tôi bắt đầu thấm mệt, hai cẳng mỏi rã rời. Cái cặp sách lúc đầu nhẹ tênh mà bây giờ nặng không thể tả nổi. Chị tôi phải nhặt cái que củi thòng vào chính giữa mỗi đứa khiêng một đầu. Đói bụng chị em tôi tấp vào lề đường dở cơm nắm chấm muối vừng ra ăn, khát nước thì lấy dưa leo dùng tạm, chị tôi nói chờ đến khúc nào có suối chảy ngang thì tha hồ mà uống! Chị em tôi thật xui xẻo đi gần đến Mường Khoa mà chẳng có một chiếc xe nào chạy ngang để xin quá giang.
Tô Múa là một xã hẻo lánh nên năm thì mười họa mới có một chiếc xe vận tải chở hàng ghé đến đó, hên thì xin được đi nhờ còn không thì cứ việc cuốc bộ. Đường rừng núi âm u hoang vắng, hai con nhãi ranh cứ thất thểu bước đi, lâu lâu mới gặp được một vài người đi ngược chiều làm chúng tôi bớt sợ hãi. Thấy ai chị tôi cũng hỏi đường xem hướng mình đi có chính xác không. Đến Mường Khoa, chúng tôi không đi theo con lộ chính nữa mà đi vào con đường tắt, gần hơn được một khúc. Nhưng cũng nguy hiểm vô cùng. Đó là một con đường mòn nhỏ cỏ mọc um tùm. Phải đi ngang một bãi tha ma của người dân tộc Thái. Người Thái họ có tục lệ riêng, mỗi khi thân nhân chết, họ chôn cất người nhà rồi dựng một căn chòi ngay trên mộ, trang trí loè lẹt và treo cờ tua đủ sắc mầu, trông thật kinh dị! Tôi thì vốn nhát gan lại sợ ma, đi ngang qua đó cứ rùng mình nhắm tịt cả mắt lại. Tụi tôi vừa đi vừa chạy theo chân mấy người dân tộc khác đang đi phía trước. Họ quen rồi nên bước chân cứ thoăn thoắt, hai đứa phần sợ lạc, phần sợ ma cứ phải lẽo đẽo chạy theo mặc dù chân bước không muốn nổi. Đường mòn nhỏ xíu, không khí ẩm ướt các chú vắt tha hồ làm mưa làm gió bò vào tận trong quần tôi cắn.
Trong cuộc đời, tôi chưa thấy gì khủng khiếp hơn là bị mấy con vắt làm tình làm tội. Lũ vắt nhỏ xíu dài hơn một phân tây, lầy nhầy mềm xèo bám vào da thịt mình hút máu. Lần đầu tiên tôi bị vắt bám vào hút máu thì nhẩy cà tâng la khóc rầm trời, vách núi treo leo hoang vắng, tiếng hét của tôi đập vào vách đá vọng lại nghe cứ như có ma quỉ. Chị tôi bình tĩnh hơn dừng lại bảo tôi đứng yên để chị gỡ vắt ra cho, nhưng tôi sợ quá cứ nhẩy tâng tâng lên làm chị tôi bực bội đưa tay táng cho một cái đau điếng bắt phải đứng im, gỡ được con này ra thì máu chảy tanh ngòm, các con khác hửi mùi máu càng mò tới lẹ, con nào con nấy hút máu no tròn giống như đốt ngón tay út. Sợ thì chúng tôi cũng phải tiếp tục lên đường, mau mau vượt qua đoạn này. Ngoài vắt còn có muỗi rừng, từng đàn muỗi đói đuổi bám theo tụi tôi đốt lia lịa. Cái thứ muỗi trời đánh này đốt ngứa không thể tả được. Mấy quả cà chua và mấy trái dưa leo mang làm quà cho mẹ bị vứt bỏ hết dọc đường vì nặng quá không mang nổi.
Cuối cùng chúng tôi đã thoát ra được con đường chính đến đoạn dốc Ba Tầng, đó là đoạn dốc chạy dọc theo chân núi leo qua ba quả đồi.Từ trên cao nhìn xuống thấy có ba tầng trông thật đẹp. Đây cũng chính là một khúc đường nguy hiểm, đã xảy ra rất nhiều tai nạn lật xe chết người. Chị tôi bảo qua khỏi dốc Ba Tầng và đi thêm một đoạn ngắn nữa là tới chỗ mẹ ở.
Bấy giờ trời đã tối sập, bóng đêm bao phủ làm quang cảnh rừng núi như con ngáo ộp khổng lồ nhe nanh trợn mắt lăm le muốn nuốt chửng chúng tôi vào lòng. Tiếng giun, dế, tiếng côn trùng kêu la rả rích làm tăng thêm nỗi sợ hãi. Hai chân tôi tê cứng, đầu óc mụ đi, chỉ còn bước theo quán tính.
Đúng tám giờ tối, chị em tôi mới lê lết tới được phòng tập thể nơi mẹ cư ngụ. Nhìn thấy chúng tôi, mẹ tôi hết hồn ôm cả hai đứa vào lòng nói trong nước mắt:
"Trời ơi! Hai con ranh này dám cả gan vượt đèo lội suối nguy hiểm như vậy đi thăm mẹ. Lỡ dọc đường cọp beo tha mất xác thì mẹ biết phải tính làm sao…?".
Tôi chẳng còn hơi sức đâu mà khóc lóc nữa, hai chân tôi sưng tím tái, mẹ tôi phải đi hái lá ngải cứu về nướng lên đắp cho bớt đau. Tôi ở lại với mẹ cả tháng rồi sau đó mẹ tôi đón xe vận tải xin đi nhờ về thị trấn thăm các con, mang tôi về theo luôn. Còn chị tôi ở lại chơi có vài ngày thì có nhiệm vụ mang gạo tiêu chuẩn về nhà cứu đói. Mẹ tôi là cấp dưỡng nên gia đình không đến nỗi thiếu ăn. Thời đó đã có câu vè: "Giầu thủ kho, no nhà bếp ".
Một năm sau, mẹ tôi bán vàng mua một căn nhà gần trung tâm thị trấn cho tụi tôi ở. Căn nhà ba gian được dựng bằng cột gỗ, mái lợp cỏ tranh đan thành từng miếng, xếp chồng lên nhau và vách thì được quây lại bằng phên tre, căn nhà nằm giữa khu vườn khá rộng. Lúc chúng tôi dọn về căn nhà rỗng tuyếch, chỉ còn được cái bàn thờ treo tấm hình "cụ Hồ" bự chảng được vẽ bằng sơn mầu trên tấm vải, ông chủ nhà cũ cho lại làm kỷ niêm. Tấm ảnh này do con trai ông làm họa sĩ vẽ. Bên hông nhà phía bên tay phải có trồng một cây xoài mà ông bảo rằng đó là giống muỗm tròn Yên Châu. Đằng sau nhà có rất nhiều cây đu đủ, vì hạp đất nên đu đủ nhà tôi trái nào trái nấy ăn ngọt lịm. Phía trước ngay cổng vào nhà là một dẫy cả chục cây đào non lá xanh mơn mởn. Mẹ tôi bảo rằng phải tốn cả một lượng hai chỉ vàng mới mua được toàn bộ khu này. Sau khi mẹ tôi dọn về đây sống, bà kiếm nhiều giống mơ về trồng, đến lúc mẹ mất nhà tôi có khoảng hơn chục gốc mơ mỗi năm ra trái chĩu quả, bán đi tăng thêm thu nhập cho gia đình.
***
Xe đã ra tới đường quốc lộ 6, bụi đỏ bay mù mịt, đất đá lổn nhổn, xe không dám chạy lẹ, tất cả các cửa kiếng đều được quay lên. Xe chạy qua nông trường Mộc Châu, tôi đưa mắt nhìn sang bên đường tìm về kỷ niệm cũ. Đây là ngôi chợ chính của nông trường mà tôi vẫn thường bỏ mối thuốc lá cho bà mặt giỗ bán quán nước trong đó. Kia là đường rẽ xuống Trường Vừa Học Vừa Làm… trường này là trường cấp ba dành cho học sinh con em của công nhân nông trường và những học sinh trên thị trấn thi ít điểm bị đánh rớt vào Trường Cấp ba Mộc Lỵ. Tiếp nữa là Nhà Nghỉ Mát Công Đoàn của huyện, hồi đó được xây cao mấy tầng lầu hướng mắt nhìn sang cái bãi tha ma rộng lớn được sơn quét mầu trắng xóa. Tôi không hiểu cái ông thiết kế khu nhà này ngu dốt hay cố tình chơi đểu, mà lại xây dựng ngay khu nhà nghỉ mát dành cho các cụ cán bộ sắp nghỉ hưu đến an dưỡng tọa lạc nơi một khu đất, đối diện là bãi tha ma rộng lớn của Nông Trường. Chắc ông muốn các cụ đến an dưỡng xong rồi qua bên đó An Nghỉ Ngàn Thu luôn!
Qua khu dốc 73, tôi thấy nhà cửa mọc lên san sát. Khu này ngày xưa là vùng hoang vắng chỉ dùng làm nương rẫy, chẳng hề có nhà người dân nào cư ngụ vì mùa khô không có nước, thế mà bây giờ đông đúc náo nhiệt. Đến dốc 75 làm tôi ớn lạnh. Con dốc này dựng đứng với 75 độ là nơi đã có biết bao nhiêu người bỏ mạng vì tai nạn. Trường học của tôi nằm bên phía tay trái từ khu dốc chạy xuống. Ba năm cấp ba, chúng tôi đã chứng kiến biết bao lần tai nạn lật xe ở đấy, xe đứt thắng cứ lao vù vù, những người ngồi trên xe la hét om tỏi, nhưng tai nạn là tai nạn không ai cứu được họ. Xe dằn lên dằn xuống vì đất đá đổ tùm lum, xe nghiêng bên này, ngả bên nọ làm tôi đứng tim hồi hộp, chỉ sợ chết!
Trên đỉnh dốc 75 này có một cây đa cổ thụ rất lớn cành là xum xuê, xỏa bóng che mát cho những người khách bộ hành có việc phải đi qua đây. Tôi cũng đã từng ngồi dưới gốc cây đa này biết bao nhiêu lần. Khi tôi sinh ra thì cây đa đã hiện hữu ở đó từ lúc nào, chắc nó có mặt từ thời xửa thời xưa, cách đây cả mấy trăm năm. Và nghe đồn rằng cây đa này đã thành tinh, chẳng vậy mà mỗi năm con dốc này phải cống nạp cho nó vài ba người. Khi người ta xẻ núi làm đường để hạ con dốc này xuống cho thấp xuống thì một quyết định được đưa ra là phải chặt bỏ cây đa đi. Rất nhiều người xung phong đốn hạ do được trả công hậu hĩnh. Có cha con nhà nọ mà tôi không nhớ tên đã trúng thầu, nhưng thường khi đốn hạ một cây nào đó thì người ta phải chặt được 2/3 gốc, thế nhưng cha con nọ thay nhau cưa chặt chưa được bao lâu là cây đa đổ xụp đè chết tươi cả hai cha con một cách bất thường. Câu chuyện được lan truyền nhanh chóng rằng cây đa có ma, cả đơn vị bộ đội lãnh thầu khúc đường đó không một ai dám xung phong đào nốt gốc cây vì sợ. Cắt cử ai cũng không được, có hai vị chỉ huy đơn vị bộ đội, nghe đâu một là cấp úy còn một là cấp tá không tin vào sự linh thiêng của cây đa liền đứng ra nhận nhiệm vụ. Và chẳng biết cây đa linh thiêng thật hay chỉ là sự vô tình mà cả hai ông đều gặp tai nạn chết liền ngay sau đó. Gốc cây đa này vẫn còn tồn tại trên đỉnh dốc 75 cho đến tận ngày hôm nay, không một ai dám bén mảng đến nó.