Xe dừng lại trước cổng nhà chị tôi. Thời buổi "kinh tế thị trường" có khác, các nhà xe cạnh tranh nhau ác liệt, xe đón khách tận nhà và cũng trả khách tận nhà. Ngày xưa, tụi tôi tha hồ lội bộ.
Chị Hai ra tận cổng đón các em, chị mặc áo vest mầu xanh dương, cái váy bằng vải thung đen, dài lưng đầu gối có xẻ hai tà, đi đôi guốc cao cả tấc lại xỏ thêm đôi vớ ngắn ngang cổ chân, quấn khăn len trùm lên đến tận mang tai. Trông chị tôi nửa tỉnh nửa quê, chẳng con giáp nào ra con giáp nào cả, nhìn thật tức cười!
Chị vẫn sống trong căn nhà cũ kỹ nhỏ xíu xây năm trước 1985 bằng gạch tự đóng và mái ngói đỏ tươi nay đã ngả sang mầu xin xỉn, rêu xanh phủ đầy. Căn nhà được chia làm ba gian, gian giữa đặt một bộ ghế xa lông mầu vàng lông bò đóng theo kiểu ghế ở mấy nhà hàng karaoke, một cái tủ kiểu đựng ti vi màu mè to tổ chảng có cẩn xà cừ sáng lấp loáng. Nó to quá cỡ không hợp với căn phòng nhỏ tí xíu này. Bên góc phía tay trái căn nhà kê một cái giường ngủ khá lớn, nhìn đối diện giường ngủ là bàn học bài của con bé cháu, bên cạnh kê cái tủ đứng đựng quần áo. Phía bên tay phải của căn nhà cũng kê một cái giường lớn dùng cho khách khứa đến chơi nghỉ lại, sau chân giường là cái tủ lạnh hiệu National mà tôi cho chị tiền mua hồi năm ngoái khi chị vào Sài Gòn thăm tôi nhân tiện chữa bệnh trĩ, căn bệnh đã làm tình làm tội chị tôi hơn hai chục năm qua.
Chị Hai tôi năm nay hơn bốn chục tuổi, làm giáo viên dạy văn cấp hai trường làng. Mười mấy năm rồi chị tôi luôn là giáo viên dạy giỏi. Chẳng biết hệ thống giáo dục của Việt Nam đánh giá giáo viên dạy giỏi ra làm sao, chứ chị tôi lúc còn học phổ thông thì không phải nói điêu: chị học dốt hơn bò! Giờ đây làm cô giáo, lại là "giáo viên dạy giỏi", tụi tôi nghe cứ cười khúc khích mãi.
…Nhìn chị trong bộ quần áo kỳ dị tôi hỏi:
- Bộ chị lạnh lắm hả?
Chị đứng xoa hai bàn tay vào nhau rồi xít xoa…
- Lạnh lắm, lạnh buốt vào trong tận óc, chịu không nổi!
- Chắc chị bị cảm rồi, em thấy bình thường có lạnh gì lắm đâu!
- Chị già rồi! Đâu còn mạnh khoẻ như các Dì!
- Mới có hơn bốn chục tuổi đầu mà già cái nỗi gì không biết!
Tôi nhìn chị từ đầu đến chân rồi bật cười nói tiếp:
- Cái váy này là để mặc mùa hè cho mát, ai bảo mùa đông đến chị còn mặc làm chi rồi than lạnh!
Tôi kéo chị tôi ra trước tấm gương to nằm trên cánh cửa tủ đựng quần áo, chỉ vào trong đó rồi bảo chị:
- Chị ngó lại mình đi! Coi có giống hệt mụ Côi điên không kìa!
Côi là tên của một người đàn bà bị bệnh tâm thần thời tôi còn sống ở đó, lúc nào bà ta cũng ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, đầu tóc bù xù nên hễ có người nào ăn mặc bê bối là tụi tôi lại ví ngay với Mụ Côi điên.
- Ở nhà mặc gì chẳng được em! Đi dậy học thì phải khác, còn "diện" chán!
Nhắc đến Mụ Côi làm tôi sực nhớ và hỏi luôn chị:
- Mụ Côi điên còn sống không chị?
- Bà chết lâu rồi! Không phải chỉ mình bà chết mà dân tình hồi đó cũng chết gần hết!
- Sao thế chị?
- Thì hút sách, thuốc phiện với heroin, không chết vì vướng bệnh Sida thì cũng chết vì bị dựa cột (tử hình). Đứa nào hên đang ngồi tù may ra còn sống.
- Sao cái gì mà nghe thê thảm quá vậy chị?
- Em ở đây vài ngày rồi sẽ thấy!
Chị tôi quay đi với lấy bình trà mang ra ngoài súc rửa. Nhìn theo bóng chị tôi cứ lắc đầu tủm tỉm cười một mình. Chị tôi ngày xưa đẹp gái nổi tiếng cả vùng. Với mái tóc dài đen óng mượt hơi quăn tự nhiên xỏa trên gương mặt trái xoan, nước da trắng hồng, cái lỗ mũi thon nhỏ cao nghều nghệu. tụi tôi cứ chọc là chị có cái mũi "ngoại". Dáng người nhỏ nhắn đầy đặn, chị tôi chỉ cần cao thêm chừng một tấc nữa thôi thì có thể được gọi là hoàn hảo, thế nhưng chị tôi lại lùn xịt, cao đúng 1m 44 nên lúc nào cũng phải tha đôi guốc cao hơn tấc. Chị tôi là con gái đầu nên mẹ tôi cưng chièu nhất nhà, ít khi nào chị phải làm việc nặng nhọc. Quần áo toàn được mặc thứ "chiến" mà ở thị trấn này không ai có. Bố tôi thường mua ở miền Nam rồi gửi bằng bưu điện ra cho chị. Mùa đông chị mặc áo dạ mầu đen, quần xa teng ủi bóng mượt, chạy chiếc xe đạp Phượng Hoàng mầu xanh dương của Trung Quốc sản xuất, làm các bạn đương thời thèm rỏ rãi. Tôi rất tự hào vì được làm em gái của chị. Mỗi khi chị chạy ngang qua đám học trò tụi tôi, bạn bè chúng nó hay chỉ trỏ, chị nào mà xinh thế nhỉ? Tôi liền nhanh nhẩu trả lời "Chị tao đấy!.
Lập tức tụi nó ồ lên chế diễu:
" Mày điêu vừa vừa thôi! mày xấu bỏ mẹ, làm gì có chị đẹp thế".
Rồi thì chúng ùa bỏ chạy, tôi tức muốn điên lên, chộp đá sỏi bên đường ném theo lũ chúng nó, tụi nó biết thừa đấy là chị tôi nhưng vì ghét tôi vừa xấu xí vừa đanh đá nên tụi nó chọc cho tôi tức thêm rồi bỏ chạy.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, chị tôi xin được một chân công nhân ở Xí Nghiệp Liên Hiệp Chè Việt Nam, gọi tắt là "Nhà Máy Chè Đen". Chẳng vì nhà tôi có ông bác họ bắn đại bác bẩy đời chưa tới làm Phó Giám Đốc ở nhà máy này, đã ưu tiên một xuất cho chị tôi vào làm trong đó. Ông bác họ tôi oai lắm, đầu hói, bụng phệ, thỉnh thoảng lên nhà thăm mẹ tôi có hẳn xe com măng ca đưa lên đậu đầu ngõ. Tụi trẻ con hàng xóm thấy xe là xum vào mò mẫm, chỉ trỏ, xit xoa… Tôi mặt vênh như cái banh đa nướng khoe khoang: "Xe bác tao đấy, bác tao làm Phó Giám Đốc cơ đấy!". Nhưng dù bác họ tôi có làm Phó Giám Đốc thì chị tôi cũng vẫn phải tay lấm chân bùn đi rửa đá, trộn vữa đổ bê tông thấy mồ,làm gì có chuyện được ngồi văn phòng làm thư ký. Đường đường là một tiểu thơ đài các, ăn trắng mặc trơn, bây giờ bị đầy đi lao động cực nhọc, chị tôi đâm ra chán nản. Sau hơn một năm trời chờ đợi để ông bác họ cho lên làm việc trên văn phòng không được, chị tôi bỏ về nhà, nộp đơn xin đi học Trường Cao Đẳng Sư Phạm Tây Bắc ba năm trên huyện Thuận Châu. Thời đấy, chỉ có dân học dốt mới xin vào trường sư phạm làm giáo viên, chứ thời nay, thi vào sư phạm khó hơn, lấy điểm rất cao.
Những năm chị học trên đó, thỉnh thoảng tới mùa nghỉ hè tôi cũng được mẹ gửi xe lên tận trường thăm chị. Tôi nhớ có một lần tôi lên thăm chị, nhưng gặp đúng lúc cả lớp chị phải đi "lao động cải thiện" cách trường mấy chục cây số. Sáng hôm sau tôi cũng theo mấy sinh viên trong trường đi bộ vào thăm chị, và ở lại chơi với chị cả tuần. Vùng rừng núi hẻo lánh hoang dã, chỉ nghe duy nhất tiếng côn trùng kêu rả rích. Sau mỗi buổi cơm chiều, các anh chị tập chung lại một phòng ngồi đàn hát, tôi cũng hăng hái tham gia, hát triền miên bài này qua bài khác. Chỉ có bài hát tên "Mưa Rừng", mà các chị cứ bắt tôi hát đi hát lại vài lần. Kể cũng lạ, tôi hát hò cả mấy tiếng đồng hồ mà sao không hề biết mệt mỏi. Lần đấy lên thăm chị tôi không gặp may gặp phải mùa các chị đang bị bệnh ghẻ ngứa, tôi đã bị lây và mang theo căn bệnh khốn kiếp này về tận nhà. Mẹ tôi phải đi bẻ lá cây cơi về đun nước cho tôi tắm, xin đủ các loại thuốc chữa ghẻ về cho tôi bôi mà đến mấy tháng sau tôi mới khỏi hẳn. Báo hại tôi phải ngủ riêng một chỗ, cái gì cũng phải cách ly vì sợ lây cho người khác.
- Bệnh trĩ của chị đã khỏi hẳn chưa?
- Khỏi tiệt luôn rồi! Ông thầy đó trị hay thật!
Chị tôi bị bệnh trĩ đã hơn hai mươi năm, nhưng không đi thầy chữa trị, chỉ nghe ai mách bảo sao thì làm theo nên càng ngày bệnh càng nặng. Tôi không biết những người có căn bệnh này có cảm giác như thế nào chứ riêng chị tôi thì ghê rợn lắm. Chị tôi đau mặt mày tái mét, không ăn, không ngủ, không ngồi dậy nổi. Tôi có người bạn làm cùng sở, chồng nó cũng mắc căn bệnh này, còn nặng hơn chị tôi nữa, được bạn bè chỉ dẫn, anh đến trị bệnh nơi ông Thầy Thành có phòng mạch gần chợ Nguyễn Thái Bình. Qua lời kể của đứa bạn, hè năm 2002, khi về thăm con, tôi nhắn chị vào Sài Gòn để trị bệnh. Vì bệnh để quá lâu chị tôi phải tới phòng mạch của thầy mỗi ngày trong vòng hơn một tháng thì chữa dứt căn bệnh.
Chị pha trà rồi rót nước ra từng tách nhỏ cho tụi tôi uống, vị trà đắng nghét chát lè làm tôi phải chạy vội ra ngoài nhổ toẹt xuống đất la lớn:
- Trời ơi! Chị pha trà gì đắng thế! Đắng hơn cả thuốc cờ lo lo xít nữa!
- Bọn chị uống quen rồi! Để chị pha thêm nước sôi vào cho đỡ đắng!
- Hôm nay có gì ăn cơm không chị? Em đói bụng rồi đấy!
- Để chị bảo cháu thịt con gà, nhốt từ hôm qua để dành chờ các Dì đấy!
- Thế thì em đi tắm rửa gội đầu trước đã, bụi đường bẩn quá! Mà ở đây họ làm đường kỳ cục thật! Cứ bơi mỗi nơi một tí ra làm, nham nhở khiếp chết lên được. Cứ cái kiểu này thì làm sao dân giầu nước mạnh được đây! Bên Nhật đường xá đẹp lắm! Làm đâu ra đó, tính toán chi li từng chút một. Chị làm hộ chiếu sẵn đi, sang năm em bảo chồng em bảo lãnh qua chơi một tháng cho biết với người ta. Ở đây riết thành "ngố rừng" mất
- Thôi đi tắm đi cho khoẻ em!
Tôi mở giỏ lấy đồ mang ra nhà tắm, căn phòng tắm được xây bằng gạch, quét vôi trắng trông nhem nhuốc, nền được tráng bằng xi măng láng o, cũ xì, cánh cửa bằng sắt. Tôi bước vào trong, vừa đưa tay chạm vào thì cánh cửa sập lại làm tôi giật cả mình. Trời đã chập choạng tối, gió lạnh tràn về, căn phòng hở hoác làm tôi lạnh nổi gai ốc. Cái máy nước nóng chỉ hơi âm ấm, chỉnh mãi cũng vậy. Tôi xối nước gội đầu, làn nước đỏ ngầu chảy xuống nền làm tôi thấy rơn. Mới có một ngày mà đầu tóc tôi bẩn khiếp quá! Xong xuôi, tôi vội mặc quần áo để vào trong nhà xấy cho tóc khô. Nhưng cái cửa chết tiệt lại kẹt cứng không tài nào mở được. Tôi phải kêu cứu ầm ĩ. Cháu gái tôi chạy ra lựa thế đẩy mãi mới được. Tôi bước vào trong nhà miệng còn lẩm bẩm: "Phòng tắm gì đâu mà y hệt như cái bẫy hổ của anh Bảy" làm mọi người cười rộ lên.
Tôi mở tủ lục tìm máy xấy tóc, ghim điện vào cái ổ cắm trên tường, nó lỏng lẻo quá cứ tuột ra hoài làm tôi bực bội chửi toáng lên: "Mẹ cha cái bọn công nhân Việt Nam ăn hại đái nát. Chỉ được cái ăn cắp thì không ai bằng! Có mỗi cái ổ cắm điện làm cũng không nên thân, từ nẫy đến giờ cắm hoài mà không ăn điện"
- Dì ơi! Thôi đừng chửi nữa! Dì cứ so sánh ở đây với Nhật sao được? Bây giờ là khá lắm rồi đấy, gấp cả tỉ lần hồi Dì còn ở đây!
Nghe chị tôi nói, tôi cứ nghệt mặt ra. Kể thì cũng đúng, so với thời tôi còn sống ở đây, bây giờ khá hơn nhiều! Điện xài thoải mái, nước máy về tận nhà, mua bán cái gì cũng dễ dàng. Đâu giống ngày xưa, tôi cứ phải oằn lưng gánh nước, còn điện chỉ được một bóng đèn thắp sáng từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối thì tự động tắt ngúm. Những ngày ôn thi tụi tôi phải thắp đèn dầu tù mù. Thời đó là thời bao cấp, muốn mua gì cũng phải có tem phiếu, người lớn một tháng được mua 1,5 ký thịt, trẻ con được nửa ký. Nếu không có thịt cửa hàng thực phẩm sẽ bán bù cho đậu phụ ( đậu hũ) hoặc cá khô mà chủ yếu là cá chuồn mặn chát chẳng có mùi vị gì. Nhà ai có chăn nuôi thêm lợn, bò…thì phải bán cho nhà nước, sau đó nhà nước giết thịt bán lại cho dân theo chế độ tem phiếu. Còn muốn giết thịt thì phải rủ vài gia đình hùn vô vì không có tủ lạnh không để thịt lâu được, mà mổ nguyên cả con thì nhiều quá ăn không hết. Tôi nhớ nhà tôi nuôi thêm khá nhiều gà, thế nhưng mẹ tôi chẳng chịu cho bắt gà làm thịt bao giờ, cứ đợi khi nào có đợt gà toi (gà bị cúm) đứng lù dù một góc vườn thì mới chịu bắt vào mổ thịt. Có nhiều đợt gà dù gần hết, tụi tôi được ăn gà mệt xỉu. Vậy mà ngày đố chẳng bao giờ bị lây cúm gà. Thời bao cấp cái gì cũng thiếu thốn,thiếu gạo, thiếu vải vóc quần áo, thiếu thịt cá, thiếu xà bông giặt đồ, thiếu tùm lum…và còn thiếu cả muối nữa. Đúng là muối quí hơn vàng! Có lúc cửa hàng thực phẩm không có đến một ký lô muối bán cho dân, làm sôn sao cả một vùng rộng lớn.
Chị tôi phải đứng giữ ổ điện cho tôi xấy tóc. Máy chạy rè rè tỏa hơi nóng có mùi khen khét, tôi hất tung mái tóc của mình hong cho mau khô. Tôi quay về hướng em gái tôi đang nằm trên giường coi ti vi gọi nó:
- Này cưng! Xuống bếp coi cháu nấu nướng ra sao! Để nó "chém to kho mặn " thì hồi nữa làm sao mà nuốt cho trôi đây!
Em gái tôi uể oải đứng dậy, đi xuống bếp. Tôi lại tiếp tục nói chuyện với chị tôi:
- Thôi chị chuyển vào Nam sống cho rồi, ở cái xứ khỉ ho cò gáy này làm gì nữa?
- Chị chờ về hưu đã, bỏ ngang hông bây giờ thì tiếc lắm! Dù sao cũng đi dậy học được hơn hai chục năm rồi còn gì.
- Chừng nào chị mới được về hưu?
- Chắc cũng cả chục năm nữa!
- Chị tính sao thì tính, Cún con ( tên gọi thân mật của đứa con gái út) đã học lên cấp ba rồi, coi chừng ở đây lại vớ phải thằng nghiện thì khổ một đời!
Chị tôi chép miệng thờ dài:
- Chị sợ lắm chứ! Nhưng mà chuyển công tác vào trong đấy đâu phải dễ. Chị chờ nó tốt nghiệp cấp ba. Nếu thi trượt đại học thì cũng gửi cháu vào đấy với các Dì cho nó học lấy một cái nghề. Để ở đây chắc không ổn rồi!
***
Chị tôi sanh được hai đứa con gái, đứa đầu đã được tôi mang vào Sài Gòn nuôi cho ăn học từ năm 1995, nay đang là sinh viên năm thứ hai học về ngành Marketing. Ngày nó sinh ra đời tôi mới 16 tuổi, mẹ tôi giao nhiệm vụ xuống bệnh viện nông trường nuôi đẻ chị tôi. Nhà tôi ở ngay tại thị trấn, đạp xe xuống nông trường cũng mất đứt tiếng rưỡi đồng hồ cho quãng đường 7 km vì toàn phải lên dốc. Cứ sau buổi tan học, về nhà, cơm nước xong, tôi lại đạp xe mang thức ăn, quần áo, tã lót… sách vở xuống thăm chị. Có khi tôi ở đó cả đêm chăm sóc cho chị và cháu, sáng sớm lại đạp xe về đi học. Cứ như thế cả hơn tuần lễ. Con bé sinh ra đỏ hon hỏn, y như khỉ, lâu lâu lại cất tiếng khóc như mèo kêu. Một tháng sau ngày sanh con, chị tôi phát bệnh phải nằm nhà thương mấy tháng. Mẹ tôi đón cháu ngoại về nuôi, lúc này con bé đã phổng phao xổ sữa, thật là dễ thương! Ngày mẹ tôi gặp tai nạn mất, con bé chỉ được tuổi rưỡi, chập chững biết đi. Cháu tôi xinh gái lắm, mắt đen tròn, lông mi cong vút, khuôn mặt bụ bẫm, mái tóc loăn xoăn. Ai nhìn thấy cũng mê tít thò lò khen ngợi rối rít. Tôi vào Nam sinh sống không có dịp trở về thăm nhà, trong đầu tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh nàng công chúa diễm kiều mà tôi chăm bẵm từ thủa lọt lòng. Cuối tháng 8 năm 1995, tôi ra Ga Sài Gòn đón cháu gái được chị tôi gửi người thân mang vào nhờ tôi nuôi dưỡng. Ở ngoài đó, đời sống khó khăn, chị tôi một nách hai đứa con không kham nổi. Còn anh rể tôi thì buồn lòng vì chị tôi chỉ sinh cho anh được hai con thị mẹt, nên bỏ nhà đi biền biệt, không ngó ngàng gì đến vợ con.
Tầu cặp Ga Sài Gòn, hành khách lục tục kéo ra. Tôi đưa mắt dáo dác tìm kiếm thân nhân. Anh Ba tôi cùng vợ và hai đứa bé gái đi ra, tôi nhìn thấy mừng rỡ nhào tới, anh em lâu ngày gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Anh Ba già đi trông thấy, gương mặt khắc khổ, chị dâu tôi thì phốp pháp hơn nhiều. Anh chỉ đứa gái bé hơn giới thiệu là con, còn con bé lớn là con của chị Hai. Tôi nhìn nó không chớp mắt. Trời ơi! Cháu tôi ốm như ma đói, đen thủi đen thùi như vừa chui từ mỏ than Quảng Ninh ra, miệng thì rộng ngoác, mấy cái răng cửa rụng sạch, đầu tóc rũ rượi, quần áo bẩn thỉu, xơ xác sau mấy ngày ngồi tầu hỏa. Cháu gái tôi trông chẳng khác gì con ma lem. Sau một thời gian sống với tôi chỉ có mỗi việc học, nó thay da đổi thịt hoàn toàn, bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xuân, xinh đẹp nhiều anh đang ngấp nghé.
Trái với chị, con bé em lúc mới sinh ra đã xấu xí giống hệt bên nội, mặt lúc nào cũng bí xị. Trông chán chết! Hai chị em nó hoàn toàn khác hẳn nhau. Thỉnh thoảng chị Hai tôi đưa con em vào Nam thăm bố và gia đình, chúng tôi cũng có dịp được gặp nó. Tôi thường vuốt mái tóc của nó mà nựng nịu:
"Cháu gái Dì xí thế này, mai mốt có lấy được chồng không vậy cà…" .
Nó liếc cặp mắt sắc lẹm ném cái nhìn bực bội sang tôi ra điều ghét cái bà Dì lắm chuyện lúc nào cũng dẩu mỏ lên chê bai người khác. Những lúc ấy, tôi khoái chí cười nắc nẻ.
Cơm đã chín, cháu gái tôi lúi cúi bưng mâm cơm đặt trên bàn, mùi thịt gà luộc thơm lừng bốc lên làm tôi thêm đói bụng. Cháu gái tôi nay ra dáng thiếu nữ, tóc đen, mắt ướt, hai má luôn ửng hồng. Trông không đến nỗi tệ như hồi còn nhỏ. Tội nghiệp con bé! Sinh nhằm ngôi sao xấu nên phải vất vả quanh năm, việc gì cũng đến tay, từ giặt quần áo đến nấu cơm rửa chén. Có một mình, nó phải giúp mẹ hết mọi việc mà mẹ nó thì lười hơn trâu chửa. Chị Hai tôi lương giáo viên nhà nước chắc chẳng được bao nhiêu, phải dè xẻn lắm mới đủ sống. Tôi cũng biết vậy nên thỉnh thoảng phải gửi tiền ra cứu trợ.
Vừa lúc ấy thì tiếng Dì tôi oang oang ngoài đầu cổng:
- Mấy đưa đã lên chưa?
Chị Hai tôi mau mắn trả lời:
- Lên hết rồi Dì ơi! Dì vào ăn cơm luôn!
Dì tôi lạch bạch bước vào, Dì mặc cái áo bành tô mầu đen cổ quấn khăn len che gần hết mặt, nhìn y như cái nấm di động. Dì tôi năm nay đã ngoài năm chục tuổi, dáng người to mập. Không phải khoe khoang chứ hồi còn trẻ Dì tôi cũng khá đẹp gái và ăn diện có tiếng ở thị trấn nhỏ bé này. Dì tôi làm giáo viên dạy vỡ lòng một thời gian, rồi thì bỏ nghề ở nhà chồng nuôi. Chú tôi cưng Dì lắm chẳng cho làm gì cả, Dì sướng như tiên. Sau này Dì dựng một quán bán nước ở ven đường quốc lộ 6. Mấy năm nay Dì tôi còn có thêm nghề coi bói, Chẳng biết Dì tôi coi bói có đúng không, nhưng khách khứa đông ra trò, tôi định bụng mai mốt xuống nhà thăm Chú Dì thì sẽ nhờ Dì xủ một quẻ xem số phận mình ra sao.
Dì tôi có giọng hát khá hay và ngâm thơ rất giỏi, ngay cả bây giờ Dì vẫn thường được mời đi ngâm thơ ở mấy lễ hội do huyện tổ chức. Ở những buổi lễ như vậy khi có người nào lên hát hoặc ngâm thơ đều được các cháu nhỏ mang tặng hoa, xong rồi khi xuống mang hoa để lại chỗ cũ cho các cháu mang tặng người khác. Thế nhưng Dì tôi được tặng thì ôm luôn về nhà, làm các cháu chưng hửng không có hoa tặng người khác. Mấy lần như vậy, Dì tôi không được các cháu tặng hoa nữa. Nghe chị tôi kể chuyện Bà Dì, tụi tôi cười đau cả bụng. Còn hơn cả chuyện cười tiếu lâm.
Hồi còn đi học, tôi hát khá hay và là giọng ca chính của trường cũng như của huyện. Mỗi lần có tổ chức văn nghệ hay đại hội gì đó tôi đều được mời đi tham dự, Và lần nào cũng đoạt giải nhất. Tiếng hát của tôi được thâu băng rồi phát lên loa phóng thanh của huyện mỗi buổi chiều. Dì tôi rất tự hào về cô cháu gái của mình. Dì bảo với mọi người rằng cả nhà tôi chỉ có mình tôi là giống "họ ngoại ", vì câu này mà tôi bị các anh chị châm chọc cho tới phát khóc, lúc nào cũng gọi tôi là "con họ ngoại". Làm tôi ghét cay ghét đắng bà Dì.
Mọi người vẫn tưởng tôi sau này theo con đường nghệ thuật, sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng… Và cũng gần như vậy khi tôi thi đậu vào khoa thanh nhạc của trường nghệ thuật quốc gia, nhưng vì giấy gọi nhập học gửi về nhà lại là lúc tôi theo bố vào miền Nam sinh sống. Chị tôi bỏ trong bao thơ gửi Vào Nam cho tôi theo địa chỉ của bố, ông nhận được liền vứt ngay vào thùng rác, không cho tôi biết, ông không muốn tôi theo nghề ca sĩ, ông bảo đó là cái nghề "sướng ca vô loài". Đến khi phát giác ra thì đã quá trễ, tôi nhẩy đong đỏng lên khóc lóc ầm ĩ, ăn vạ ông cả tháng trời. Bố tôi phải gom tiền mua hẳn cho tôi một chiếc nhẫn năm phân vàng hăm bốn hối lộ, tôi mới chịu… câm họng.
Vào thập niên 90 tôi có thử thời vận bằng cách ghi danh cho cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình ở Sài Gòn. Tôi không còn nhớ rõ là năm nào nhưng trong đợt thi ấy, người đoạt giải nhất (không có giải đặc biệt) là cô Nguyễn Đắc Quỳnh Như tức là ca sĩ Như Quỳnh đang làm mưa làm gió ở Little Saigon bây giờ. Cô Quỳnh Như đoạt giải nhất nhờ bài hát "Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh". Còn tôi thì giật "Giải Rút", bỏ mộng làm ca sĩ. Sau này phong trào tự mình làm ca sĩ nở rầm rộ ở Sài Gòn, tôi cũng đến phòng thâu, tự thâu tiếng hát của mình vào một CD mang về Nhật định bụng khoe với chồng. Chồng tôi ngồi vểnh tai lắng nghe tiếng hát của tôi phát ra từ cái máy CD rồi buông tiếng hỏi: "Đây là ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam đấy hả? ". Tôi im lặng không trả lời. Anh lại lẩm bẩm nói tiếp: "Nghe âm thanh kỳ quá, cứ giống như đang hát karaoke" làm tôi không nhịn được cười, quê quá dấu biệt không bao giờ mang ra nghe lại nữa.
Xong bữa cơm tối, cả nhà quây quần ngồi kể chuyện vui. Dì tôi ngồi chơi thêm nửa tiếng nữa rồi từ biệt ra về để tụi tôi đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Dì còn dặn với lại mai mốt xuống nhà dì ăn cơm.
Thời tiết ở Mộc Châu về đêm lạnh thật, nằm trên giường nệm, đắp chăn bông dầy cộp mà vẫn thấy lạnh buốt vào trong xương. Tôi trơ mắt nhìn trần nhà mà không sao ngủ được, bên cạnh thằng nhóc và mẹ nó đã ngáy khò khò, phía bên kia cũng vang lên tiếng ngáy. Nhà toàn đàn bà con gái mà ngủ cất tiếng ngáy khò khò, hòa lại với nhau như một điệu nhạc kinh dị làm tôi càng thêm khó ngủ. Nằm miên man nghĩ ngợi, bao ký ức xưa cứ tràn về như nước lũ.
***
Mộc Châu Sơn La thuộc khu tự trị Tây Bắc, đa phần là người sắc tộc thiểu số như Thái, Mèo (H Mông), Dao, Mường, Mán.
Những vùng ngoại ô quanh thị trấn là các bản làng của người Thái. Người dân tộc Thái có những nét đặc biệt dễ phân biệt với người dân tộc khác là do kiểu áo quần mặc và họ tên. Người Thái thường mang họ Lò, Hà, Hoàng… Trong lớp tôi cũng có vài người là dân tộc Thái. Con gái Thái xinh đẹp có tiếng, da trắng hồng, dáng người thon thả. Họ thường mặc áo Cóm là loại áo may bó sát thân người, lửng đến lưng rốn, hai tay áo may phồng trên vai và dài xuống tận cổ tay, hai mảnh thân trước gài với nhau bằng hàng khuy có hình con bướm. Dưới thì mặc váy mầu đen dài xuống tận gót, váy của họ may rất đơn giản, chỉ là một tấm vải đen may thành hình ống tròn, sau đó quấn lại thật chặt và cột bằng sợi dây mầu xanh cổ vịt dệt bằng thổ cẩm. Cô gái nào giàu có thì quấn theo sợi dây xà tích bằng bạc ngang bụng. Đầu tóc thường bới cao và cài trâm, đội khăn piêu trên đầu. Khăn này thường có mầu đen, thêu thùa rất công phu. Đàn ông thì mặc đồ dệt bằng sợi gai nhuộm củ nâu. Người dân tộc Thái họ ở nhà sàn, phần bên dưới sàn nhà họ dùng làm nơi nuôi lợn, gà, vịt và trâu, bò. Nhà nào cũng có cối giã gạo đạp bằng chân. Hồi đó lúc thị trấn tôi ở chưa có máy say xát lúa, chị em, tôi vẫn thường mang lúa hột vào trong nhà người quen để giã gạo nhờ. Người dân tộc Thái bao giờ cũng để chính giữa nhà cái bếp lửa. Bếp lửa này mùa đông luôn luôn cháy rực đỏ dùng để nấu nướng và sưởi ấm, bên trên bếp là một gác nhỏ treo đầy thức ăn như măng khô, thịt trâu, thịt bò khô, lúa giống, ngô giống, đủ các thứ bà lằn được chất lên đó cho ám oi khói, để giữ được lâu hơn. Nệm nằm của họ được làm bằng bông lau, cứng, chắc và ấm. Chăn mền được làm bằng vải thổ cẩm và thêu thùa rất công phu và đẹp. Người Thái họ có món măng chua nấu thịt gà ăn ngon tuyệt. Nhưng mà dân bản họ ở bẩn khiếp! Mùi oi khói, mùi phân trâu bò, gia súc dưới nhà bốc lên quện với mùi măng chua ám vào da thịt, quần áo, đầu tóc họ một mùi khó chịu. Đó là mùi đặc biệt của dân tộc Thái mà những người ngoài thị trấn chúng tôi gọi là mùi "Bố bản". Người Thái họ ăn xôi, không ăn gạo tẻ. Xôi họ đồ dẻo và thơm ngon, khi đồ xôi họ bỏ thêm một loại lá rừng có mùi cơm nếp thơm lừng vào trong đó. Tôi rất thích được vào các làng bản để ăn xôi.
Người dân tộc Mèo thì ở xa hơn và thường ở cheo leo trên những triền đồi cao tít. Mỗi khi có dịp xuống phố họ phải trèo đèo lội suối có khi cả hai ngày đường. Thường thì họ đi bộ hoặc đi ngựa. Người dân tộc Mèo ăn mặc khá diêm dúa, đàn ông mặc áo không cổ, tay thêu các đường vằn, còn quần may theo kiểu "chân què" (loại quần cho mấy bà già ngoài Bắc) ống rộng và lửng trên mắt cá chân. Đàn bà thì mặc váy xoè rộng thêu thùa công phu sặc sỡ. Có những bộ váy họ tự may thêu đến hơn năm trời mới hoàn thành. Đeo những cái kiềng bằng bạc ở cổ và bông tai cũng bằng bạc. Người Mèo không ở cố định một nơi, chỗ nào đất tốt thì họ rời bản đến đó. Nghề thu nhập chính của họ là thuốc phiện. Thuốc phiện được lấy từ nhựa cây hoa anh túc có mầu tím cà rất đẹp. Đến mùa thu hoạch họ cắt đài hoa về khía cho nhựa chảy ra, cô lại thành thuốc phiện (gọi là thuốc sống). Thuốc phiện có mùi hăng hắc khó chịu nhưng khi được nấu, gạn lọc thuốc phiện trở nên thơm hơn (gọi là thuốc chín) và từ đó được bào chế thành heroin. Người dân tộc này đa phần đều nghiền thuốc phiện, nhà nào cũng có bàn đèn để hút, mùi thuốc phiện bay lên thơm lừng. Hàng nông phẩm, trái cây, rau quả của họ thứ nào cũng to và ngon. Những trái đào mèo to gấp ba trái trái đào thường của người dân tộc khác. Cải mèo to và cao như cây ngô, luộc ăn ngọt lịm, đến mùa thu hoạch cải, họ mang xuống bán dọc theo đường quốc lộ. Nhưng ngày nay thuốc phiện đã bị chính phủ cấm trồng, bắt chặt bỏ sạch nên loại cải này ăn không ngon nữa. Còn người Mèo thì có lẽ họ đã chuyển nghề sang đi buôn heroin ráo trọi. Ngày nay, các anh Mèo không còn đi ngựa mà phóng xe máy vèo vèo, hút thuốc lá, ăn chơi y như người Kinh. Mỗi khi đọc báo về tin tức bắt được bọn buôn ma túy thì y rằng có vài tên Mèo ở quê tôi dính chấu. Bây giờ thì tôi không biết chứ ngày xưa dân này ở bẩn khiếp lắm, nghe đâu mùa đông, sáu tháng họ không thèm tắm rửa, đi ngang qua toàn bốc mùi hôi ngựa, mà chúng tôi vẫn gọi là mùi "Cu Tỉ". Tôi có nhiều mẩu chuyện vui về người người dân tộc Mèo, mà đến giờ này nhớ lại vẫn còn buồn cười. Người Mèo họ sống thật thà. Mẹ tôi kể ngày xưa họ muốn bán thứ gì cứ việc dựng một cái lán ven đường, để hàng ở đó và có thêm một cái rổ nhỏ bên cạnh, ai mua gì chỉ việc bỏ tiền vào rổ và lấy hàng đi, không có người trông coi. Đấy là thời xa xưa thôi còn khi chúng tôi sinh sống thì đã khác rồi, bán buôn kiểu đó có mà mất sạch.
Tết của người Mèo cũng là dịp lễ quốc khánh của Việt nam 2 tháng 9, họ mặc quần áo đẹp đi xuống phố cả bầy. Có hai anh "Cu Tỉ" chui vào cửa hàng tổng hợp xem hàng hóa thấy cục xà bông mầu nâu vàng liền hỏi chị nhân viên đó là gì. Được chị trả lời là "bánh xà phòng", hai ông mua mỗi người một bánh mang ra ngoài gặm ăn, hai ông nhăn mặt nhăn mũi chửi um xùm bằng tiếng địa phương mang vào đòi trả lại. Khi được giải thích cặn kẽ hai ông mơi ớ ra bảo không biết, ta nghe nói là bánh thì tưởng là ăn được.
Tôi còn nhớ có một lần theo giúp bạn đi làm cỏ lúa trong khu Ba Tư hướng về đường về Bản Cóc. Tôi cũng chỉ nghe tiếng Bản Cóc thôi chứ chưa bao giờ tới đó. Lúc trên đường trở về nhà, vì phải leo con dốc khá cao nên ba đứa tôi xuống cuốc bộ đẩy xe đi. Ngay lúc ấy gặp hai người dân tộc Mèo, một thanh niên và một thằng con nít. Chờ chúng đi một đoạn khá xa, tụi tôi to họng lên tiếng chọc ghẹo: "Cu tỉ chi mùa… chi rùa…! ". Vừa dứt lời, cả hai thằng đều quay ngoắt lại, thằng lớn rút ngay con dao mèo thường dắt bên hông, sáng loáng, nhọn hoắt, giơ lên hướng về phía chúng tôi chửi bằng tiếng kinh giọng ngọng líu lô: "Bố mày ăn l… á, Mẹ mà ăn l… á! ". Thằng lớn với cặp mắt giận dữ long sòng sọc, lăm lăm con dao đuổi theo hướng tụi tôi. Cả ba con nhãi vứt xe đạp chỏng chơ ù té chạy bạt mạng. Con dao đó mà vô phước bị thằng Mèo kia lụi cho một cái thì mất mạng như chơi. Đợi cho hai thằng quay đi thật xa, ba đứa tôi mới lò mò quay lại lấy xe đạp, mặt xanh như tầu lá chuối. Thật đúng là không có cái dại nào bằng cái dại này. Sau này chúng tôi mới dò hỏi được ý nghĩa của câu chọc ghẹo đó, thì ra là câu chửi tục tĩu của người Mèo. Hèn gì bọn họ nổi điên đòi lụi tụi tôi.
Bây giờ người Mèo khôn như ranh, những làng bản xa xưa nghèo nhất, lạc hậu nhất thì giờ đây lại là nơi sầm uất nhất của phố huyện, nhà nào cũng có xe gắn máy đời mới, máy lạnh, ti vi…đủ thứ đủ kiểu. Có khi cả bản cả làng đi buôn lậu ma túy mà công an không làm gì được, đến bao vây thì họ bỏ chốn lên rừng, khi công an rút đi thì họ lại lục tục kéo về. Tôi nghe kể rằng có một ông trùm buôn lậu ma túy bị công an truy nã nhưng lại được dân bản bao bọc, ông này nhiều tiền lắm của, ông bao cả bản, bất cứ cư dân nào trong bản có việc hệ trọng như cưới xin, ma chay, bệnh tật ông đều cho tiền. Ông bảo trợ cho cả con em của dân bản đi học dưới miền suôi, từ trung cấp đến đại học ông đều cũng chu cấp đầy đủ, nên dù sống sờ sờ giữa bản làng đó mà công an không tài nào bắt được ông.
Chị Hai tôi còn kể cho tụi tôi nghe một câu chuyện cười chảy nước mắt về một anh Cu tỉ sinh viên trường sư phạm Tây Bắc về trường chị thực tập. Trong một lần lên tập giảng, bên dưới ngoài học sinh còn rất đông giáo viên ở trường dự giờ để đánh giá cho điểm. Nói tiếng kinh bằng giọng lơ lớ như người nước ngoài anh ta mở đề: "
- Các em có biết cái này là cái gì không? - anh ta đưa cái cặp sách lên cao hỏi học sinh
Cả lớp đồng thanh nói:
- Cái cặp sách.
- À đúng rồi, đai là cá cặc séch cụa thời (đây là cái cặp sách của thầy ) thế chong cặc séch thì có đựng cá gì nào? (trong cặp sách đựng cái gì nào )
- Sách, vở, bút.
- Đúng rồi, chong cặc cụa thời có séc này, có vợ này có pút này ( trong cặp của thầy có sách này, có vở này có bút này)
Bên dưới dù đã quen với giọng nói ngọng líu ngọng lô của người dân tộc nhưng các em học sinh và cả các thầy cô giáo dự thính đều không nhịn được cứ khúc khích cười làm anh giáo trẻ hoảng quá đứng khóc hu hu không thể tiếp tục giảng trên lớp được. Người ta mời anh chàng xuống dưới phòng hội đồng cho trấn tĩnh lại để có thể tiếp tục đứng giảng lần sau. Nhưng vì anh chàng sợ bị đánh rớt điểm nên ngay lập tức tối hôm ấy anh ta đến từng nhà các giáo viên dự giờ để mua chuộc hối lộ. Người đầu tiên là nhà cô giáo Thanh bạn chị Hai tôi. Chị Thanh kể lại:" thằng Mèo khôn lắm chị ơi, nó bảo đừng gọi nó là Mèo mà phải gọi là H Mông, gọi là Mèo xấu hổ lắm. Nó mang táo, lê nhưng vì trái cây của Trung Quốc nên em không nhận, em bảo với nó rằng trái cây Trung Quốc được ngâm bằng thuốc độc cho tươi lâu, ăn vào nguy hiểm lắm, thôi em mang về đi. Vậy mà nó lại trả lời: nếu cô không ăn thì cô để mà tiếp khách. Nó bảo, nếu mà em không làm thời giáo được, lên lớp mà em cứ khóc thì em sé làm chủ tịt xá (nếu em không làm được thầy giáo, lên lớp mà em cứ khóc thì em sẽ làm chủ tịch xã ) Có chỉ tiêu cả rồi, ở xã em chỉ có mình em được đi học như thế này. Trước khi về, nó sợ em vứt bỏ bịch trái cây, nó còn quay lại nhắc: "Cô giá ơi, ợ chong ới có đới!"(ở trong ấy có đấy ). Em chẳng hiểu gì cả, hai bữa sau mang bịch trái cây mở ra xem thấy có cái phong bì đựng năm chục ngàn đồng, thì ra nó ám chỉ có tiền ở trong mà mình không hiểu. Mẹ cha thằng Mèo khôn thế! Cả trường mới có mình thằng Mèo học cao nên sở cũng gọi điện thoại về gửi gắm, phòng giáo dục huyện cũng có chỉ thị phải nâng đỡ nó. Cỡ như thằng này mai mốt lên chủ tịch Huyện, chủ tịch Tỉnh dễ như chơi chứ chẳng phải đùa. Chị còn nhớ bà Hà Thị Phóng không, cái bà mà có câu nói bất hủ: " Nghị quyết của đảng nhiều như cái lông bò không đếm được, cứ nghị quyết này ra chưa thực hiện xong thì lại đến nghị quyết khác". Ấy vậy mà bây giờ lúc nào cũng kè kè bên cạnh tổng bí thư Nông Đức Mạnh đấy. Thét ra lửa!"
Lần sau thầy giáo Mèo lại tiếp tục bài giảng của mình:
- Trong cặp của thầy có bút này, có vở này, có sách này.
Thầy giáo hỏi tiếp học trò:
- Vậy tài sản này là của ai?
- Tài sản của thầy.
- Đúng rồi, là tài sản của thầy. Vậy hôm nay chúng ta sẽ học bài "Tài sản công dân"
Tôi nghe chị tôi kể thì xen vào hỏi:
- Thằng Mèo đó dậy môn gì chị?
- Giáo dục công dân.
- Giáo dục công dân là cái môn gì, hồi xưa mình đâu có môn này.
- Thì ngày xưa là môn đạo đức đó mà.
- Thằng Mèo này có hối lộ chị cái gì không?
- Có, nó mua cho chị sấp vải may đồ.
- Mèo bây giờ khôn nhỉ, biết mua chuộc nữa đấy!
- Khôn như ranh toàn xin điểm 9 thôi, dốt mà lại đòi điểm xuất sắc chứ khá cũng không chịu.
Người Mường cũng gần giống như người Thái, họ cũng ở nhà sàn ăn cơm nếp. Còn người Mán và người Dao thì ăn mặc gần giống nhau. Người Mán và người Dao này tôi ít gặp vì họ ở xa quá. Thường thì người Mèo, người Mán, Người Dao không cho con học lên cấp ba nên tụi tôi ít tiếp xúc như người Thái và người Mường.
***
Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm vì tiếng động trong nhà, chị Hai tôi đang lục đục sửa soạn đi dạy học. Chị tôi mở banh cửa sổ cho ánh sáng lọt vào và bắt đầu trang điểm, nhìn cái dáng chị từ phía sau lưng, tôi phải thốt lên:
- Trời ơi! Sao mà chị giống mẹ quá! Em cứ tưởng mẹ hiện hồn về.
Chị quay lại hướng tôi rồi cười trả lời:
- Năm ngoái lúc vào thăm bố, ông cũng nói y chang như thế, ông bảo: "Con này về già sao lại giống hệt mẹ mày thế nhỉ?"
- Nhưng mà cái miệng chị giống bố thấy mồ! Coi mỏ nhọn hoắt y chang bố kìa!
Chị tôi soi kiếng, rờ rẫm cái mỏ nhọn của mình rồi cằn nhằn:
- Ử nhỉ! Sao mà giống thế không biết!
Chị tôi trang điểm rồi mở tủ lựa quần áo mặc. Tôi đi ra ngoài vươn vai hít thở không khí trong lành. Nhưng mà trời hỡi! Một chiếc xe vận tải chạy ngang qua, bụi đỏ bay mù mịt, lan tỏa vào tận trong sân nhà. Cổ họng tôi đã bắt đầu hơi rát, hai lỗ mũi nghẹt cứng, tôi ra ngoài trạn nước khạc nhổ, cục đàm to bằng ngón tay cái xanh lè, lởn cởn toàn bụi đất, tanh tưởi nằm trên nền xi măng. Tôi gớm quá vội dội nước cho trôi đi, tay tôi chạm phải làn nước lạnh cóng, tôi vội vàng chạy vào trong nhà lấy bình thủy nước nóng ra pha cho ấm để rửa mặt, đánh răng. Bắt đầu từ lúc đó tôi ho liên tục, ho đến trào nước mắt, hai lỗ mũi không thở được, phải dùng chai thuốc xịt thông mũi tôi mang theo từ bên Nhật. Chị tôi bảo có lẽ tôi đã bị cảm cúm. Tôi không nghĩ vậy vì tôi đã chích thuốc ngừa cúm cách nay cả tháng. Chắc chỉ bị viêm họng, tôi dặn chị đi dạy học về nhớ ghé nhà thuốc mua cho tôi mấy liều kháng sinh để uống kèm.
Ngoài cổng, tiếng cô bạn chị gọi í ới rủ đến trường. Chị tôi vội đi ra quá giang xe của người bạn, để xe của mình ở lại nhà cho tụi tôi lấy chân đi. Ngó chị tôi sửa soạn lên đồ coi cũng còn duyên dáng, không còn giống Mụ Côi điên như hôm qua.
Cả nhà đã thức dậy, người nào cũng ho khục khặc. Bụi đất bẩn thế này không bệnh sao được! Tôi bảo đứa em gái rửa mặt cho lẹ rồi còn đi ra phố ăn phở, và mua ít bánh kẹo mang về làm quà cho bạn bè chòm xóm.
Em tôi chạy xe chở tôi ra ngoài ngã ba "Pa Háng" ăn sang. Đây là cái ngã ba chia quốc lộ 6 thành ba đường, một hướng lên thị xã Sơn La, một hướng quay ngược về Hà nội và hướng còn lại rẽ vào Chiềng Ve, ráp ranh với Lào, chỉ cách thị trấn tôi ở 30 cây số. Cũng tại ngã ba này, xịch vào trong một tí có dựng một tấm bia lớn bằng đá mầu đen, khắc chữ nổi kể lể về "Tội ác Mỹ Ngụy" trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn dài cả ngàn chữ mà tôi chưa bao giờ đọc hết, đó là tấm "Bia Căm Thù".
Mấy quán phở nằm dọc theo đường quốc lộ sáu, nghèo nàn xơ xác. Em tôi dựng xe dưới lề đường rồi leo lên quán gọi hai tô phở bò tái. Mấy người chủ quán này lạ hoắc tôi chẳng biết là ai, Em tôi có vẻ thân quen hơn vì thỉnh thoảng nó vẫn về thăm quê, chỉ có mình tôi ra đi biền biệt không quay trở lại. Tôi ngồi xuống cái bàn nhỏ đưa mắt nhìn mông lung, cô chủ quán đang chụm bánh phở bỏ vào hai cái tô, lấy thịt bò thái mỏng bỏ trong một cái muổng lớn, đưa vào ngoáy đều trong thùng nước lèo đang sôi sùng sục, cho thịt bò tái đi rồi bỏ đều ra hai tô, rắc hành ngò và không quên múc thêm cả nửa muổng cà phê bột ngọt bỏ trực tiếp vào trong tô phở. Tôi phải la lên:
- Chị đừng có cho bột ngọt như thế, em không ăn bột ngọt nhiều đâu!
Cô ta nhìn tôi ngạc nhiên, rồi đưa tay gạt bỏ phần bột ngọt mà cô ta đã lỡ rắc lên hồi nãy ra ngoài, múc nước lèo chan ngập tô phở và bưng ra cho tụi tôi. Mùi phở bốc lên thơm lừng làm tôi nướt nước miếng ừng ực. Vừa lúc đấy, vài chiếc xe hàng chạy qua, bụi bay mù mịt. Tôi hít phải bụi bậm ho lên sặc sụa. Bàn bên cạnh, mấy vị khách vẫn hì hụp ăn uống tỉnh queo, họ coi bụi bậm chẳng là gì cả, họ đã quen như thế này rồi.
Chị chủ quán cầm vòi nước xịt thẳng ra ngoài đường lộ, chị bảo rằng làm như vậy sẽ bớt bụi hơn. Tôi cầm đũa lên bắt đầu ăn phở, tô phở ngon đậm đà hương vị, tôi nghĩ trong bụng chắc nồi nước lèo này chị chủ quán bỏ cả nửa bịch bột ngọt là ít. Thôi thì khuất mắt trông coi, cứ ăn đại. Đã có ai chết vì ăn phải bột ngọt đâu mà sợ. Ăn sáng xong tui tôi ghé tiệm tạp hóa bên đường mua thêm nhiều các loại bánh kẹo mang về nhà để chiều nay xuống mấy nhà quen ở gần chợ thăm viếng.
Mặt trời đã lên cao, chiếu rọi những tia nắng yếu ớt xuống thung lũng nơi chúng tôi đang sống. Thời tiết không còn lạnh như buổi sáng sớm, chỉ cần mặc một cái áo len mỏng là đủ ấm. Chị Tư tôi đang ngồi giặt quần áo bên bể nước, thấy tôi về chị hỏi có đồ dơ mang ra đây chị giặt luôn cho, có nước mưa ngâm với xà bông sẽ làm quần áo sạch bóng. Tôi nhìn chị tôi giặt đồ bằng nước lạnh, hai bàn tay đỏ lửng chuyển dần sang mầu tím tái. Tôi rùng mình nhớ lại cảnh ngày xưa ngồi cả buổi vò quần áo bằng xà bông trước, hai bên cổ tay rôp. lên vì bị xà bông ăn, đau rát lên tận óc, rồi sau đó lại khệ nệ bê thau đồ trẹo cả xương sườn ra suối xả cho sạch. Giờ nghĩ thương đứa cháu gái vẫn phải làm công việc này suốt bao năm nay. Tôi định chiều nay xuống chợ, xem cái máy giặt nào coi được thì mua một cái về mà xài cho đỡ cực, cao lắm thì cũng khoảng ba, bốn trăm đô la là cùng.
Sau giờ cơm trưa, tôi mang chuyện mua máy giặt ra bàn với chị Hai tôi. Mắt chị ánh lên một niềm vui khó tả:
- Thế thì còn gì bằng nữa! con Cún đỡ phải vất vả!
- Chị định đặt máy ở đâu?
- Chắc phải để dưới bếp rồi, để bên ngoài cho bọn nghiện nó bê mất sao!
- Chị để trong bếp rồi nước ở đâu ra mà lắp vào đây? Nhà xây theo cái kiểu kỳ cục, bếp một nơi, chỗ để nước một nơi, cách nhau cả cây số! Rồi mỗi lần trời mưa, vo gạo nấu cơm, rửa rau phải mặc áo mưa chạy ra ngoài hả? Thật là bất tiện!
- Anh rể mày xây đấy! Chả tính toán gì cả, biết làm sao bây giờ?
Tôi suy nghĩ một hồi rồi quyết định:
- Thôi thế này, tạm thời mình để nó dưới chân giường ngủ của tụi em, bên cạnh cái tủ lạnh, đục một lỗ ngay dưới bức tường bên hông đưa ống nước vào cho tiện. Để trong nhà yên tâm hơn, khỏi sợ bị trộm rinh mất. Mai mốt chị sửa lại nhà rồi tính sau! Chị đi qua nhà Dì kêu "Công Tử" lên làm cho, nó có học về nghề điện lạnh.
"Công tử" là con trai út của bà Dì tôi thuộc diện "đầu bò" học hoài không không lên lớp, nhờ có bà chị họ làm giáo viên, xin xỏ mãi, đì đẹt mãi cũng chỗm chệ leo được lên lớp 9 ngồi làm kiểng. "Công tử" cao hơn các bạn ở trong lớp cả cái đầu nhưng mà tôi bảo đảm chàng không đánh vần nổi chọn tờ báo, dốt quá Dì tôi cho nghỉ học gửi vào Nam theo anh học nghề điện lạnh, vừa mới trở về Bắc được vài tháng. Thằng này chẳng biết giống ai mà cao lớn hơn người, đen thùi lùi, bẩn như hủi. Hồi đó Ti Vi Sài Gòn cho trình chiếu một đoạn quảng cáo bột giặt, cảnh một cậu bé bự con mặc đồ võ trắng tinh múa may quay cuồng, kèm lời bình của một giọng phụ nữ: "Công tử nhà tôi chẳng sợ gì cả, chỉ sợ bẩn ". Tụi tôi đổi ngược lại câu này chọc ghẹo nó là "Công tử nhà tôi chẳng sợ gì cả chỉ sợ sạch". Từ đó nó chết tên "công tử nhà tôi".
Đầu giờ chiều, chị tôi đi họp hội đồng nhà trường. Còn tụi tôi thì kêu thêm một chiếc xe hon đa ôm chở xuống chợ thị trấn. Đường xágập ghềnh, đất đá đổ tưa lưa, từng đoạn cứ moi ra làm nham nhở như cóc gặm. Dọc theo quốc lộ sáu, nhà cửa mọc lên san sát. Mỗi lần có một chiếc xe đi ngang thì bụi bay mù mịt, tôi phải bịt tới hai chiếc khẩu trang, quấn khăn che kín mặt chỉ chừa có hai con mắt đeo cái mắt kiếng dỏm mượn tạm của đứa cháu gái, vì mắt kiếng của tôi thì bỏ lại Sài Gòn không mang theo.
Mọi thứ đã thay đổi, tôi không còn nhận ra được đường phố cũ.
Xuống đến chợ, chị tôi dắt thằng con nhỏ đi vào trong tìm mua mấy thứ cần thiết, tôi thì đứng ngoài dòm chừng chiếc xe sợ bị mất trộm, quê tôi bây giờ kẻ trộm như rươi. Ngôi chợ này được xây dựng trên nền đất thuộc Xí nghiệp Thương Nghiệp ngày xưa. Thời đó tôi đi học, thường hay đi tắt qua khu này rồi mới ra đường quốc lộ đến trường. Xí nghiệp thương nghiệp thuộc lãnh vực nhà nước làm ăn thua lỗ đã bị giải thể từ lâu. Phía đầu cổng chợ có một căn phòng nhỏ dành làm phòng bảo vệ. Trong đó có hai anh chàng đang nhìn ra hướng tôi đứng rồi chỉ trỏ… Một anh chàng đi ra phía gần chỗ tôi rồi cất tiếng gọi:
- Hân ơi! Phải là Hân không?
Tôi nheo mắt nhìn lại, cố nhớ trong đầu xem anh chàng này là ai.
- Sơn đây! Nhớ không?
- A…! nhớ rồi…! Sơn lớp C phải không?
- Thấy bạn đứng nẫy giờ, mình cứ ngờ ngợ! Bạn ra họp lớp hả?
- Ừ, ra họp lớp rồi thăm quê luôn.
- Vào đây uống miếng trà đã! Dắt xe vào đây luôn!
Tôi đẩy chiếc xe vào tận trước cửa phòng, leo lên bậc tam cấp, bước vào trong kéo cái ghế đẩu ra ngồi. Một chàng trai khác nhìn tôi cười cười hỏi:
- Chị Hân nhớ em không?
Mặt tôi ngây ra, không nhớ là ai cả?
- Em Cương đây! Là hàng xóm của chị đấy mà!
Tôi chợt à lên:
- Tụi bay lớn quá rồi! Làm sao chị nhận ra được. Chị nhớ lúc chị vô miền Nam, tụi bay còn nhỏ xíu, đang mặc quần lủng đít cả lũ…!
- Chút nữa chị ghé nhà em chơi nghen. Bố em nay già lắm rồi, cụ đã lẩn thẩn.
- Ừa. Chị cũng đang tính tí nữa vào xóm cũ thăm mọi người trong đó- tôi ngần ngừ một một cút rồi lại cất tiếng hỏi nhỏ nhẹ - hỏi thật, hai đứa nay có thằng nào dính thuốc phiện thuốc phiếc gì không đó?
Cương đỏ mặt, gãi tai nói giọng nhỏ lại:
- Thì… hồi đó em cũng vướng mất mấy năm. Nay thì em cai hẳn rồi…
- Cai được là tốt, ghiền thứ đó chỉ có con đường chết chết mà còn gây liên lụy cho bao người khác.
Cương đang châm bình trà nóng, thấy vậy tôi bảo Cương bỏ ít trà, tôi không uống được đắng. Ngồi nói chuyện một hồi, chị tôi dẫn cháu đi ra, tôi xin phép đi vào xóm cũ thăm bạn bè.
Em tôi lái xe tống bốn người chạy ngược lại một khúc và quẹo vào đường bến xe cũ, qua Ngân Hàng đi thẳng vào trong. Con đường đất đỏ lầy lội ngày xưa nay được tráng xi măng láng coóng. Nhà cửa mọc lên san sát khiến tôi ngơ ngác không còn xác định được nhà cũ mình nằm ở khúc nào. Tôi ngồi im đằng sau để cô em gái muốn đưa đi dâu thì đi, xe dừng lại tận cửa nhà cô Mai, là hàng xóm cũ đối diện với nhà tôi xưa kia, gặp đúng lúc cô chú đang tiễn khách ra cửa, thấy chúng tôi cô ngỡ ngàng kêu lên:
- Trời đất ơi! Chị em tụi mày ra hồi nào vậy cháu? Cái Thùy nó vừa mới ở đây về được một lúc.
- Tụi cháu mới lên chiều tối hôm qua! Thùy bây giờ ở đâu cô?
- Nó lấy chồng ở tuốt trên 90 ấy, còn gửi thằng con ở đây cho đi học này.
Cô nhìn tụi tôi từ đầu đến chân rồi ca thán:
- Mấy chị em tụi bây trẻ giai nhỉ? Cái Hân này trẻ nhất! Thùy nó mà biết có mày về nó mừng lắm đấy cháu ạ! Nó cứ nhắc mày mãi.
Cô Mai trước làm kế toán trưởng ở xí nghiệp thương nghiệp, bao năm rồi cô không già đi chút nào chỉ khác là mái tóc nay đã ngả mầu bạc trắng. Chồng của cô vẫn còn mặc cái áo đại cán bộ đội cũ đứng hấp háy mắt nhìn tụi tôi, chú trông có vẻ yếu. Bên cạnh chú một người đàn ông khác cũng nhìn tôi cười rồi nói:
- Cái Hân còn nhớ chú không?
Tôi mỉm cười lắc đầu:
- Chịu thôi! Cháu chẳng nhớ gì cả.
- Ngày tụi cháu còn nhỏ, hay lên hát mừng lễ thành lập quân đội 22 tháng 12 trên huyện đội, chú còn thâu băng để lại nghe mãi đấy thôi!
- Chú ơi! Đã hơn 20 năm rồi còn gì nữa. Lúc đấy cháu còn bé tí bé teo.
- Nhanh nhỉ! quay đi quẩn lại, các chú sắp xuống lỗ hết rồi còn đâu! Thôi mấy đứa ở lại chơi, chú về trước.
Chú đi rồi, tôi còn nhìn mãi theo bóng dáng của chú. Nhà cô Mai cũng không thay đổi là bao, vẫn căn nhà cũ ba gian làm bằng gỗ và lợp ngói, gian chính giữa kê một bộ ghế sa lông dùng để tiếp khách, chỉ có khác một chút là trên bàn thờ, tấm hình "Cụ" Hồ to chầng dầng ngày xưa đã được mang đi đâu mất.
Cô Mai kể cho tôi nghe nhiều về những chuyện xảy ra ở đây sau ngày tôi đi vào Nam. Cô cứ ngồi vuốt ve mái tóc của tôi rồi than thở:
- Phải chi hồi đó cô cho cái Thùy theo cháu vào Nam thì chắc giờ này nó không đến nỗi khổ. Nhìn cháu, cô cứ tội cho con mình. Cái Hân không nhận ra nó đâu. Nó già và xấu lắm! Nghe cô nói tôi không hình dung ra gương mặt của Thùy thay đổi như thế nào. Lúc xưa Thùy xinh gái có tiếng ở trường tôi.